http://thaihabooks.com/blog/tam-tro-xuat-thay-biet/
Sáng sớm, tôi đã ngồi thiền rất tuyệt vời và có bữa sáng trong bình an kỳ lạ. Ăn sáng xong, như thường lệ, là tắm nắng và đón mặt trời mọc, chào ngày mới. Rồi tôi quay vào phòng trà “nghinh xuân” ngay phía trước phòng ngủ để tọa thiền chừng 30 phút rồi đọc sách. Tôi quyết định chọn đọc cuốn sách rất thú vị và giá trị “Đạo Bụt nguyên chất”. Chỉ đọc quãng nửa tiếng thôi và tự nhiên có tâm trạng nên ngồi viết. Viết bài vừa là luyện viết, vừa có cơ hội hoằng pháp theo cách của mình, vừa tập chú tâm và để ghi lại những trải nghiệm có thật của mình. Trải nghiệm mới thật là quý.
Như có linh cảm lạ, tôi quay về bên phải, phía cửa vào phòng trà. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các quý thầy xuất hiện. Tĩnh lặng. Không 1 tiếng động dù là rất nhỏ. Tôi sững sờ và như đứng hình. Không thể tin nổi rằng thầy Nhất Hạnh đến tận nơi thăm tôi.
Quý thầy giới thiệu về tôi với thầy Nhất Hạnh. Thầy gật đầu và có vẻ rất vui. Tôi ngắm nhìn đôi mắt thông minh, nhanh nhẹn và rất sáng của Thầy. Tôi ngồi yên cảm nhận sự bình an trong những giây phút kỳ diệu hiếm có này. Trong đời, hình như chưa bao giờ được các bậc thầy lớn đến tận nơi thăm mình. (À mà có chứ nhỉ. Quãng năm 1996 có Thượng tọa Thích Viên Thành, người thầy tâm linh đầu tiên của tôi đã về tận nhà tôi thăm và chơi khá lâu).
Nói thật rằng trong lòng tự nhiên hơi thấy nghẹn lại: Mình là học trò bé tý tẹo teo, từ Hà Nội bay sang mà chưa kịp đến chào và đảnh lễ Thầy thì Thầy đã đích thân đến tận nơi thăm . Quả thật là áy náy. Nhưng rất hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc bất ngờ như 1 đứa bé thơ ngây được quan tâm đặc biệt. Một thứ hạnh phúc trong bình an và hơn cả hạnh phúc. Rồi hỷ lạc lan tỏa trong tôi rất nhanh, không khác khi đạt định lúc thiền.
Quả thật, dù có mặt ở Làng Mai và từ chỗ ngủ nghỉ của tôi đi bộ đến thất của thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng có mấy phút đâu nhưng tôi đâu có dám đến. Tôi chưa dám đề xuất để được đến thăm Thầy. Tôi biết thầy bệnh nên cứ chăm chỉ và tinh tấn hành thiền, cứ chú tâm và thực tập sống trong chánh niệm, và tự cho rằng đó cách rất tốt để thăm Thầy và được bên Thầy. Hơn nữa, tôi luôn nghĩ, nếu như có đặt vấn đề đến thăm Thầy thì khả năng nhiều là khó được các thị giả chấp nhận, bởi chắc hẳn chỉ có những vị thầy lớn, quan trọng, những vị khách rất đặc biệt mới được đến thăm Thầy trong những lúc này. Hơn nữa tính tôi khá ngại khi “xin” gì đó….
Thầy Nhất Hạnh chỉ tay về phía cuốn sách trên bàn cạnh máy tính tôi đang gõ. Đó là cuốn “Đạo Bụt nguyên chất”. Thầy thị giả cầm sách lên đưa cho thầy xem. Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn tay trái của mình lên cuốn sách rất lâu. Thầy nhìn tôi và gật đầu. Tôi nói về cảm giác tuyệt diệu khi đọc cuốn này, những khám phá của tôi từ sách. Thầy nhìn tôi cười rất an lạc. Tôi hiểu rằng Thầy vui khi tôi đọc cuốn này. Tôi hạnh phúc vô cùng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các quý thầy thị giả ở lại chơi khá lâu. Thật bất ngờ. Tất cả chúng tôi ngồi yên trong bình an cạnh thầy. Tôi cứ ngồi vậy thôi. Bình an lắm.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng bên Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh Nguyễn Mạnh Hùng
Rồi Thầy và các quý thầy chậm chậm bước đi. Bây giờ tôi mới kịp bước theo và quỳ chân cạnh thầy đảnh lễ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa tay ra xoa đầu tôi. Những giây phút quý giá vô biên của mùa xuân Đinh Dậu 2017.
Sau khi thầy đi. Tôi quay lại bàn làm việc. Tôi chỉ ngồi yên, ngồi thật yên để cảm giác an lạc lan tỏa khắp thân và tâm tôi. Những phút giây hiếm có và lạ thường.
Điểm thú vị và bất ngờ rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh ra hiệu cho quý thầy đưa thiền sư đi chậm quanh phòng tôi đang ngồi thiền, ngồi đọc sách và làm việc 2 vòng. Hai vòng nhé. Thật quý giá và vinh dự. Có lẽ Thầy cảm được tâm tôi. Có lẽ tâm tôi, 1 học trò bé nhỏ của Thầy xuất ra là Thầy chiêu cảm được nên muốn động viên tôi. Còn gì hạnh phúc hơn.
Tôi nhớ rằng ngày biết Thầy bị bệnh, tôi đã ngồi thiền thường xuyên và hồi hướng công đức cho Thầy. Tôi cũng đưa tin lên facebook và nhắn tin, thông báo qua email, điện thoại để mời nhiều người cùng hành thiền, tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, phóng sinh, trì chú,… để hồi hướng công đức cho Thầy. Rất nhiều thiền sinh, Phật tử mọi quốc tịch, khắp thế giới chắc chắn đã cùng phát nguyện làm những gì có thể để hồi hướng công đức đến Thầy. Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ giữa sa mạc mà thôi. Chắc chắn hàng vạn học trò của thiền sư Nhất Hạnh, cả xuất gia và tại gia cũng đã làm trước đó. Nhưng tôi luôn tâm niệm rằng tâm trò xuất-thầy biết.
Các Quý thầy cùng Thiền sư ra về. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Ngẫm lại, tôi thấy rằng trong cuộc đời, rất nhiều lần tôi chỉ cần “xuất” tâm là các bậc thầy lớn biết ngay. Trải nghiệm đầu tiên là với Thượng tọa Thích Viên Thành – trụ trì chùa Hương Tích. Tôi rất yêu quý chùa Hương và đã nhiều lần đến vãn cảnh, lễ Phật, những mong được gặp và đảnh lễ Thượng tọa. May thay, anh Phan Ngô Tống Hưng, người anh và đồng nghiệp của tôi, lúc đó là phó Tổng giám đốc FPT, nơi tôi đang công tác đã kết nối. Và Thượng tọa Thích Viên Thành trở thành người thầy tâm linh đầu tiên của đời tôi. Đó là những năm 1995 – 1996. Đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Tôi nhớ không bao giờ quên rằng tôi muốn và rất muốn học thiền. Mà thiền sư đầu tiên và rất nổi tiếng lúc đó mà tôi biết là thiền sư Thích Thanh Từ. Tôi rất rất muốn gặp, đảnh lễ và muốn được học thiền. Rồi tôi có chuyến đi Đà Lạt. Không hiểu sao, biết tôi về Đà Lạt, một người bạn đã liên lạc với thị giả của Sư ông Thanh Từ. Tôi đến nơi và được đón vào nội viện. Sư ông Thanh Từ hiền lành, tốt bụng và nhiệt tình vô cùng. Từ đó, cứ có cơ hội là tôi vào Đà Lạt hoặc đến Thường Chiếu để thăm và đảnh lễ Hòa thượng. Để học và hành thiền. Lần nào Hòa thượng cũng trực tiếp hỏi han về chỗ ăn, chỗ ở, kết quả hành thiền và tu tập. Thật tuyệt vời và hạnh phúc vô cùng. Tôi suy ngẫm và càng công nhận rằng đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Tôi cũng không bao giờ quên ơn và sẽ nhớ mãi bác Vũ Chầm – Chủ tịch của Vina Giày và là chủ tịch CLB Doanh nhân Phật tử TP HCM. Chính bác Vũ Chầm đã dẫn tôi đến thăm và đảnh lễ Hòa thượng Thích Minh Châu. Tôi vốn ngưỡng mộ Hòa thượng từ lâu. Trong tôi và tất cả chúng ta, Hòa thượng Thích Minh Châu luôn là Đường Tăng của Việt Nam. Sau này tôi đã tìm đến và có duyên đọc bộ Nykya tuyệt vời. Đây là cẩm nang tu học mà tôi luôn khuyên bất cứ ai cũng nên đọc để có kiến thức căn bản. Đấy, đúng là tâm trò xuất – thầy biết. Quá đúng chứ ạ.
Rồi tôi biết đến Geshe Michael Roach – vị tiến sỹ Phật học người phương tây đầu tiên. Tôi đã mua được bản quyền cuốn sách quý “Năng đoạn kim cương” của Geshe và xuất bản ở Việt Nam. Trước đó tôi đã đọc bản tiếng Anh khi ở Sydney, nước Úc. Tôi cũng có duyên lành mời được Geshe Michael Roach và phái đoàn vào Việt Nam vài lần để có các buổi nói chuyện và tổ chức khóa thiền – yoga tại Hà Nội và TP HCM. Đúng là tâm trò xuất – thầy biết. Thật sự là vậy.
Nhân duyên với người thầy Ashin Tejaniya người Myanmar của tôi cũng rất đặc biệt. Tôi rất muốn đi Myanmar, muốn tìm hiểu và muốn hành thiền Tứ niệm xứ. Thế rồi 3 bạn tu là Liên, Phong và Đức Anh, những người đã cùng tôi tham gia khóa thiền Vipassana theo thiền sư Goenka, rủ đi thiền. Ngay tại khóa thiền này, tôi và 2 bạn tu là Liên và Phong đã cùng được thiền sư nổi tiếng Ashin Tejaniya, Viện trưởng thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha cho xuất gia gieo duyên. Chính thiền sư Ashin Tejaniya đã đặt pháp danh Thiện Đức (tiếng Pali là Gunika) cho tôi. Tôi đã thành nhà sư trong vòng một tuần. Quá bất ngờ. Trước đó, tôi vẫn nghĩ rằng đã xuất gia thì phải là nhà sư cả đời chứ sao lại có chuyện chỉ trong một tuần. Đấy, đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Tôi được gặp, được nghe Hòa thượng Thích Huyền Diệu giảng cũng bất ngờ vậy. Tôi chỉ biết về Hòa thượng như người có công tái thiết Lâm Tỳ Ni, như người thầy Việt Nam đã có công xây dựng những ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng đất Ấn Độ và Lâm Tỳ Ni đất Nepal. Thế rồi tôi gặp thầy. Thế rồi Hòa thượng Huyền Diệu rất yêu quý tôi. Tôi may mắn được là 1 trong những người được mời về đất Phật dự Đại lễ Hoàn nguyện ngày 12 tháng 12 năm 2012. Những kỷ niệm thật khó quên. Đó cũng là lần thứ 2 tôi xuất gia gieo duyên. Xuất gia ngay tại Bồ Đề Đạo Tràng. Với Hòa thượng Huyền Diệu. Quá đúng rằng tâm trò xuất – thầy biết.
Cơ hội tôi được tiếp cận với ngài Đạt Lai Lạt Ma hay ngài Karmapa cũng rất vi diệu và lạ kỳ. Nhớ nhất là trong chuyến về Bồ Đề Đạo Tràng và Lâm Tỳ Ni, chúng tôi phát tâm rất muốn gặp ngài Karmapa. Vừa nói chuyện thì được nghe rằng Ngài đang ở đây. Thế là chúng tôi tìm đến tận nơi. Chúng tôi mạnh dạn làm thủ tục đăng ký để được gặp và đảnh lễ Ngài. Chúng tôi được chấp nhận nhưng theo thứ tự và quy định, lịch tiếp chúng tôi là sau 1 tuần. Tuy nhiên vì phải rời đất Phật 2 ngày sau nên chúng tôi đã dùng tâm để trình bày và sáng hôm sau đã được ngài Karmapa tiếp riêng, chụp ảnh cùng. Ngài còn cho in bức ảnh ra đĩa để gửi tặng. Thật là quý hóa và vi diệu. Quả đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Nhân duyên với Trưởng lão Thích Thông Lạc cũng rất đặc biệt. May thay (và tiếc thay) rằng lần gặp trực tiếp Trưởng lão đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi là ngày Ngài mất. Tôi đã chứng kiến ngày đặc biệt đầu năm mới này và có trải nghiệm đặc biệt của một đám tang an lạc. Suy ngẫm tôi càng thấy đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Nhân duyên được đảnh lễ và gặp Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cũng rất đặc biệt. Mỗi lần đến thăm và đảnh lễ Pháp chủ lại là 1 nhân duyên khác nhau. Có lần tôi chỉ vừa phát tâm là có người gọi điện đến mời đi. Nhớ nhất là thầy Thích Minh Tri đã gọi mời tôi đi cùng khi tôi vừa khởi tâm muốn đến đảnh lễ Pháp chủ. Thật màu nhiệm. Đúng là tâm trò xuất – thầy biết. Đúng 100%.
Và nhiều nhân duyên khác nữa, với nhiều bậc thầy lớn nữa mà không thể kể hết ra đây được. Hạnh phúc vô cùng. Duyên lành và lớn vô cùng. Quá đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Còn với thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng quá đặc biệt. Có bạn Thanh Huyền đồng nghiệp tại FPT đã gieo duyên để tôi được gặp Thầy vào các năm 2005, 2007 và 2008 ngay tại Việt Nam. Để rồi đến tận 2013 mới được gặp lại Thầy tại Làng Mai Thái Lan. Để rồi công ty sách Thái Hà của chúng tôi may mắn được Thầy và tăng thân tin tưởng chọn ký hợp đồng bản quyền để xuất bản khá nhiều đầu sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Rồi câu chuyện có thật khi Thầy đến tận nơi thăm tôi như vừa kể bên trên rất xúc động và màu nhiệm. Đúng là tâm trò xuất – thầy biết.
Câu chuyện “Tâm xuất Phật biết” thì ai cũng nghe nhiều rồi, nhưng tôi muốn kể lại. Chuyện đại khái rằng, vào thời Đức Phât còn tại thế, có môt người rất tin kính ngôi Tam Bảo, muốn đem lễ đến cúng Phật, nhưng vì ốm đau quá không thể đi đến chỗ Phât để dâng lễ cúng Phât được. Thấy có người bạn đi đến chỗ Phât lễ, người này liền gửi người bạn nải chuối đem đi cúng Phât hộ. Người bạn đem chuối đi lễ hộ nhưng đi đến nửa đường, nải chuối chín quá bị dâp nát hết nên bèn bỏ vào bụi cây bên đường. Khi người bạn đến chỗ Phât lễ, Phât bảo với người đó rằng Ngài đã nhân được nải chuối mà người bạn kia gửi rồi. Người này vô cùng kinh ngạc và cảm phục Phât đã biết bạn mình gửi lễ đi cúng. Khi người này về nói chuyện cho bạn ở nhà nghe, người bạn vô cùng hoan hỉ và nghĩ đúng là “Tâm xuất Phât biết” và càng tin kính ngôi Tam Bảo hơn. Người này sau đó khỏi hết bênh tât và đi lại được bình thường. (Trước đó đã uống rất nhiều thuốc mà không khỏi bênh, không đi lại được). Một thời gian sau người đó đã phát tâm xuất gia đi tu theo Phât để hộ trì chính pháp.
Đối với tôi, Đức Phật đã nhập diệt từ lâu. Tôi chỉ đang thực hành lời Phật dạy để lại trong kinh. Tôi và chúng ta thực tập dưới sự hướng dẫn của các vị thầy. Nếu không có các vị thầy, rất có thể chúng ta đi lạc đường. Mục đích tối thượng của người tu chúng ta là giác ngộ và giải thoát. Dù có đọc kinh thế nào đi chăng nữa mà thiếu các vị minh sư, thiếu các bậc thầy lớn, rất có thể bị lạc đường. Chúng ta rất cần các bậc thầy. Và chỉ cần xuất tâm thôi, quý thầy sẽ cảm được và sẽ đến với chúng ta hoặc chúng ta sẽ có đủ thiện duyên để đến với thầy. Thật sự là vậy.
Thưa quý vị,
Hôm qua chúng tôi có ngồi hàn huyên với TS Ngô Đức Vượng. Một ý nghĩ lóe lên: tại sao chúng ta không phát tâm hồi hướng công đức đến các vị thầy của mình. Ít nhất là đến 2 thiền sư lớn là Thích Nhất Hạnh và Thích Thanh Từ.
Chúng tôi đề xuất, tất cả quý vị, người thân, bạn bè cùng phát tâm làm việc thiện, tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, trì chú, phóng sinh,… để hồi hướng công đức đến 2 vị thầy lớn của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nếu mỗi chúng ta cùng làm các việc lành và hồi hướng đến 2 Hòa thượng thì năng lượng sẽ rất rất lớn. Các ngài sẽ cảm nhận được. Chư Phật 10 phương nhất định sẽ cảm được.
Chúng tôi đề xuất cùng phát tâm ăn chay. Không cần phóng sinh mà chỉ cần phát tâm ăn chay. Ai đó có thể thì phát tâm ăn chay vài tháng hay 1 tháng. Ai đó phát tâm ăn chay nửa tháng, 1 tuần. Ai chưa ăn chay bao giờ chỉ cần ăn chay 1 ngày. Ăn chay có tác dụng to lớn vô biên (tôi sẽ viết vào các bài khác). Chúng ta hãy cùng nhau ăn chay để hồi hướng công đức đến thiền sư Thích Nhất Hạnh và thiền sư Thích Thanh Từ. Chúng tôi muốn quý vị bắt đầu ngay hôm nay ạ. Ngay sau khi đọc được bài viết này.
Chúng tôi cũng đề xuất hàng ngày cùng hành thiền. Thời thiền buổi sáng của phần lớn chúng ta là từ 5h đến 6 giờ sáng. Thời thiền buổi tối tại các chùa, các tu viện thường từ 19h đến 20h, tai các gia đình thường từ 21h đến 22h. Vậy chúng ta hãy cùng nhau ngồi thiền vào những khung giờ này để cùng hồi hướng công đức đến thiền sư Thích Nhất Hạnh và thiền sư Thích Thanh Từ. Together we are one. Cùng nhau chúng ta là một.
Chúng ta cùng nhau phát tâm. Chỉ cần phát tâm thôi ạ. Nếu quý vị không thể làm được gì thì chỉ cần phát tâm hoan hỷ là được. Bởi “tâm trò xuất – thầy biết”. Thật mà.
Tự nhiên trong tâm tôi nảy lên suy nghĩ “Cho là bố thí. Nhận còn là bố thí nhiều hơn”. Nếu có người nhận để ta bố thí thì quá tuyệt. Nếu chúng ta phát tâm cúng dường hay hồi hướng công đức đến các vị thầy lớn thì quá tuyệt.
Tôi cũng chưa hiểu hết tại sao lại có câu này trong tâm lúc này. Mong quý vị và cả nhà cùng tôi suy ngẫm và hành động. Mong cùng được đồng cảm về tư duy “tâm trò xuất – thầy biết”!
Tâm Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
http://vomonthientu.org/D_1-2_2-96_4-1239/trai-nghiem-xuat-gia-gieo-duyen.html
https://thuvienhoasen.org/a23513/y-nghia-va-dieu-kien-xuat-gia
No comments:
Post a Comment