BÁC SĨ TỰ "ĂN THỊT" MÌNH
=======================
=======================
Mỗi mùa hè, các trường đào tạo y khoa trên khắp đất nước lại cho ra những chiếc áo Blouse trắng sạch sẽ, tươi mới. Và trên vai áo, sẽ là chiếc ống nghe. Còn tên của sinh viên vừa tốt nghiệp, sẽ được gắn lên túi áo ngực bên trái.
Lễ tốt nghiệp bác sĩ được tổ chức trang trọng, thường kèm với lễ khai giảng cho các tân sinh viên. Đó là một kỉ niệm quý giá, đẹp như tranh vẽ và tự hào. Phần lớn thời gian của buổi lễ, là thầy hiệu trưởng cầm tấm bằng tối nghiệp trao tận tay cho từng người. Rồi thầy dặn dò nhắn nhủ.
Buổi lễ kết thúc bằng lời tuyên thệ Hippocrates, trong đó có câu nói nổi tiếng "không làm hại điều gì". Nhưng ít ai biết rằng, những bác sĩ vừa mới tốt nghiệp này, họ sẽ bắt đầu làm hại chính bản thân mình bằng khối lượng công việc quá sức.
“Mạch 90 lần/ phút. Huyết áp 120/80mmHg. Nhiệt độ 37°C. Bác sĩ vào khám và cho y lệnh!”
Trước mắt tôi là một bệnh nhân nữ, kêu đau bụng vùng thượng vị và nôn. Hôm đó là ngày 26 tháng 8 năm 1999 – ngày đầu tiên tôi khoác áo Blouse trong bệnh viện mà không phải là sinh viên y khoa. Tôi là bác sĩ!
Phản ứng của tôi là nhìn quanh, với hi vọng y tá không nói với tôi, mà đang nói với một bác sĩ khác. Tôi thực sự e ngại với bệnh nhân này, bởi người nhà liên tục giục cô y tá phải tiêm thuốc giảm đau và chống nôn.
Tôi tiến đến giường bệnh, hỏi họ tên và tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ; đây là những câu hỏi tôi được học lặp đi lặp lại, đơn giản nhưng rất có giá trị trong chẩn đoán. Bệnh nhân miễn cưỡng trả lời, có vẻ không hợp tác.
Người nhà nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ và hỏi: “Sinh viên thực tập à? Sao không khám đi mà lại hỏi lắm câu vớ vẩn thế?”
“Tôi là bác sĩ! Những câu hỏi ấy chính là tôi đang khám. Chị và anh cố gắng hợp tác để giúp tôi tìm ra căn bệnh.” – vừa trả lời tôi vừa cố ý sửa lại tấm biển đeo trên ngực áo.
Sau khoảng 20 phút hỏi bệnh và thăm khám bằng những kĩ năng “nhìn – sờ - gõ – nghe”, tôi thấy chẳng rõ ra bệnh gì cả. Tôi băn khoăn vì mỗi dấu hiệu đau vùng thượng vị, có thể là cơn đau dạ dày cấp, đau của ống tiêu hóa, viêm tụy cấp, bệnh lí gan mật…
Tôi không biết nên bắt đầu bằng xét nghiệm công thức máu, Amylase, siêu âm, hay tiếp tục theo dõi thêm. Thời ấy điều kiện xét nghiệm rất khó khăn, siêu âm lại đang là thứ xa xỉ. Nếu tôi chỉ định không đúng, vừa gây lãng phí cho bệnh nhân, lại vừa bị bác sĩ trực cột 1 mắng chửi. Nhưng không cho xét nghiệm, không cho siêu âm hay chụp chiếu, bệnh nhân và gia đình sẽ phản ứng, cho rằng tôi tắc trách moi tiền.
Vì thế mà tôi quyết định tiếp tục theo dõi. Thời gian theo dõi, tôi cũng không thể cho tiêm thuốc giảm đau vì sẽ mất triệu chứng.
Nghe tôi giải thích mà không có câu trả lời tận cùng, người nhà bệnh nhân cảm thấy không hài lòng. Bác sĩ cột 1, cột 2 và cột 3 đều trên phòng mổ, nên tôi chẳng biết cầu cứu ai.
Tôi thực sự bối rối, thực sự sợ hãi khi người nhà to tiếng. Lúc ấy tôi chỉ muốn chạy về phòng sinh viên. Nhưng tôi đã là bác sĩ, tôi vãn phải đối diện với tình huống xử thế khó khăn, phải một mình đưa ra những quyết định.
Làm thế nào để bệnh nhân và người nhà chấp nhận tiếp tục theo dõi? Trong đầu tôi thoáng hiện câu trả lời: “Hãy chia sẻ những suy nghĩ của mình với người bệnh, với gia đình. Mọi vấn đề chuyên môn phức tạp đến mấy, vẫn có những lời lẽ để diễn đạt nó một cách tường minh.”
Và lần giải thích lại thì bệnh nhân và người nhà đã đồng ý.
Theo dõi thêm gần 8 tiếng, kết quả cuối cùng là viêm ruột thừa, chỉ định mổ cấp cứu. Xét nhiệm cũng chỉ phải làm mỗi công thức máu và máu chảy máu đông.
Tôi đã khám liên tục, theo dõi và chẩn đoán thành công những ca bệnh khác nữa. Bác sĩ cột 1 ưu ái cho đi phụ mổ. Suốt từ chiều hôm ấy cho đến sáng hôm sau, có ca mổ nào tôi đều đứng phụ hết. Nói là phụ mổ, nhưng công việc chủ yếu chỉ thấm máu và kéo vam (một loại dụng cụ được giữ cố định bằng tay để tạo trường phẫu thuật cho bác sĩ mổ chính).
Một ngày làm việc đầu tiên, cũng là ngày trực 24 tiếng. Hai tay tôi mỏi rã rời vì động tác kéo vam, hai chân căng tức vì đứng lâu, mắt thì lờ đờ vì mệt mỏi. Nhưng hôm ấy tôi thật vui vì đã chẩn đoán đúng một ca viêm ruột thừa, lại được tham gia phụ mổ dù mới chỉ kéo vam và thấm máu.
Buổi sáng tôi phải báo cáo giao ban bệnh viện, phải trả lời tất cả các câu hỏi khó của giám đốc cho từng ca bệnh cụ thể, phải trình bệnh phẩm cho giám đốc xem tận mắt đã chẩn đoán đúng chưa.
Giao ban xong tôi lại về khoa, đi khám lại các bệnh nhân trong buồng điều trị. Rồi lại cho thuốc, ra y lệnh xét nghiệm và các thủ thuật. Khoảng 10 giờ sáng, tôi lại tiếp tục đi phụ mổ cho bác sĩ trưởng khoa và các bác sĩ khác trong khoa. Công việc chỉ kết thúc sau khi những ca mổ ở khoa đã kết thúc. Bác sĩ trẻ nào cũng thế, ra trực họ vẫn không trở về nhà, ở lại viện làm việc để học thêm kiến thức chuyên môn.
Sau 18 năm công tác, cuối cùng tôi cũng đã có thời gian ngồi đánh giá lại quá trình đó. Tôi không phải là một bác sĩ giỏi, quá trình học tập ở trường ĐHY 6 năm là quá ngắn, nhưng thời gian tự học và cập nhật kiến thức của tôi lại quá dài, nên tôi không nghi ngờ gì việc mình là một bác sĩ thành công.
Bí quyết để thành công là gì? Có phải là việc truyền cảm hứng cho sự tự tin? Và sự tự tin là gì? Tôi cho rằng, sự tự tin xuất phát từ đọc sách, rồi mang những kiến thức từ sách vở đến bên giường bệnh.
Để có sự tự tin, đòi hỏi bác sĩ phải rất chịu khó lăn lộn với thực tế, không kiêu căng tự phụ, không sợ đối diện với những ca bệnh khó nhưng không được phép liều, phải luôn có thông tin phản hồi từ những ca bệnh, biết rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm, phải liên tục học và học, học từ sách vở, học từ các đồng nghiệp.
Nhưng chìa khóa để tạo nên thành công, theo tôi chính là sự kiên nhẫn và chấp nhận hi sinh nhiều thứ. Bác sĩ muốn thành công, không có con đường nào khác ngoài con đường tự “ăn thịt” mình.
No comments:
Post a Comment