Wednesday, March 8, 2017

giải hạn đầu năm.

PGVN)


Dâng sao giải hạn, như một tập quán xấu đều đều hàng năm mỗi độ Xuân về, cuối năm người người đi chùa đăng ký dâng sao giải hạn, để trong tháng Giêng năm mới; đến hẹn lại về chùa dự lễ giải hạn đầu năm...

Cũng là câu chuyện đầu năm, nhưng với tôi chẳng năm nào giống năm nào, năm 2010 dù không tin chuyện dâng sao giải hạn, nhưng chiều lòng vợ, tôi vẫn đi và năm đó hạn vẫn xảy ra, nửa tin, nửa ngờ cuối năm vợ bảo: Tại anh đi mà không "thành tâm" nên hạn vẫn đến?!

Năm 2011, đầu tháng 12 dương lịch, cô ruột tôi lên nhà chơi với hai vợ chồng, rồi hỏi tôi đã đăng ký cúng sao giải hạn ở đâu chưa? Tôi thật thà: Cháu bận quá, nên chưa nghĩ đến ạ!

Cô nói, vậy cháu ghi đầy đủ tên tuổi của hai vợ chồng, địa chỉ, rồi cô lên chùa Trấn Quốc đăng ký cho. Rảnh thì cô báo cho lên chùa dự lễ, không bố trí được thì đành vậy, cô nhận sớ, nộp tiền lễ giúp, rồi tính sau. Thế là năm đó tôi được "giải hạn" mà cái giả rất rẻ, mất có  200-300 ngàn đồng. Tôi thầm nghĩ giải hạn mà chỉ đơn giản vậy, thì có lẽ trên đời này người giàu sẽ không bao giờ mắc hạn? 

Năm nay, năm Quý Tỵ theo tuổi thì không được tuổi, tôi tuổi Canh Thân, tôi nhớ các cụ truyền tụng: Dần - Thân - Tỵ - Hợi  tứ hành xung. 
 
Đúng ngày Mùng Một Tết, tôi đến chùa Thanh Nhàn thắp hương cho bố. Bố tôi mất đã được 3 năm, gửi lên chùa Thanh Nhàn (hay Linh Sơn Tự) vì gần nhà; Lễ Tam Bảo, khấn và vái bố tại bàn thờ các hương linh. Sau đó, đến bàn ghi công đức, tôi ghi công đức cho cả gia đình rất tùy hỷ.

Cũng lâu, đi lễ chùa, tôi tùy hỷ công đức chút tịnh tài vào hòm công đức, chẳng ghi danh lại bao giờ, bởi tôi cũng biết, cảm nhận được: Tâm xuất thì Phật biết!


Đến một ngôi chùa khác, ghi công đức xong, thấy vài người đăng ký dâng sao giải hạn, tôi cũng xin một phiếu ghi đăng ký. Mỗi phiếu để trống ghi tên tuổi, địa chỉ đơn giản. Cuối phiếu một danh sách các ngày cần làm Lễ trong năm chừng 5-7 Lễ phải làm, tôi không nhớ hết. Điền họ tên hai vợ chồng xong, đối chiếu bảng Sao - Tuổi cẩn thận. 

Đang định nộp tiền, “ghi danh” nhưng nhìn thấy chị bên cạnh nộp 1.080.000 đồng. Tôi bất giác chần chừ. Nhẹ nhàng thoái lui, Lễ tạ Tam Bảo rồi ra về. Nhưng, hoàn toàn không phải vì tôi không có tiền, mà tôi nghĩ đến người nghèo, nghĩ đến những bệnh nhân ở viện K, đến những bệnh nhân đang thiếu tiền chữa trị, nghĩ đến bà bán rau đầu phố...họ có quyền được đến dự lễ không?

Nghĩ đến đó, nước mắt tôi chảy dài và nhớ lời Thầy dặn khi Quy Y Tam Bảo: Con phải luôn tinh tấn và giữ tâm đạo trong mọi hoàn cảnh. Nhưng Thầy ơi, con là một Phật tử con cần những hành động cụ thể. Con có thể có lỗi với lời thầy dặn: Trước ngôi Chùa lớn cổ họng tôi đắng lại, tôi biết giải thích ra sao cho những người chưa biết đến đạo Phật, đang tìm đến đạo Phật với những điều mắt thấy, tai nghe lồ lộ kia?


Dắt xe khỏi cổng chùa, đi chưa được 200 mét, bất giác cảm tác liền một đoạn thơ ngắn:
Tâm hay ngăn ngại buồn rầu
La Hầu chẳng phải cũng nhằm Kế Đô
Phiền muộn từng đợt sóng xô
Dầu không Thái Bạch cũng rồi tan hoang
Mong người đừng quá hoang mang
Thường ngày làm phước, cầu an muôn loài
Chẳng phiền phân việc đúng sai
Tai ương, ách bệnh ắt dần lánh xa…

Xong, tôi thấy hoan hỷ lạ. Vẫn con đường như thế, thêm chút hào hứng vội vã, nhưng rồi đi đến nơi, về đến chốn. Chiều muộn, vợ tôi đi làm về, cũng kịp xào nấu chút đồ chay, sửa soạn mâm cơm cúng. Tất cả chỉ thanh bông hoa quả và đồ chay thôi. Mọi việc nhẹ nhàng, nhanh gọn, và tôi cũng quên hẳn phiếu đăng ký dâng sao giải hạn… Đến tận tháng Ba, mới ngó thấy còn ngăn nắp trong túi áo khoác…

Câu chuyện của tôi là vậy. Còn các bạn thì sao?
Thường Nguyên (Số nhà 23 ngõ 96 Lò Đúc - Hà Nội)

No comments:

Post a Comment