https://quangduc.com/a53695/35-lam-sao-hoa-giai-duoc-loi-the-nguyen
36. Thường chiêm bao thấy người thân, không biết có siêu hay không?
Hỏi: Kính bạch thầy, Người thân con mất đã lâu, nhưng trong giấc ngủ con thường mộng thấy người ấy hiện về. Như vậy, con không biết trường hợp nầy như thế nào? Người thân con có được siêu thoát hay không?
Đáp: Vấn đề nầy chúng tôi không thể trả lời một cách khẳng quyết có hay không được. Lý do là vì chúng tôi không thấy biết làm sao chúng tôi dám nói một cách khẳng quyết. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài điềm mộng đã được ghi chép trong sách sử rồi tùy Phật tử quyết đoán. Có những điềm mộng lại trở thành sự thật. Nhưng trước hết, chúng ta cũng nên biết qua có mấy loại mộng. Nói đến mộng trong nhà Phật có nêu ra ba loại mộng:
1. Cửu thức tuần du.
2. Tứ đại thuyên tăng.
3. Thiện ác tiên triệu.
1. Loại mộng cửu thức tuần du nầy, là do những kỷ niệm của ký ức hiện khởi. Đây là do những hạt giống mà chúng ta đã huân tập lâu đời hoặc hiện đời, mà nó được cất chứa ẩn tàng sâu kín trong kho A lại da thức, nay trong lúc ngủ nó hiện khởi lên tạo thành chiêm bao. Tùy theo sức năng huân của chúng ta mà những hạt giống nầy nó có cường độ mạnh yếu khác nhau. Có những hạt giống mà ta mới huân vào gây nên một ấn tượng sâu đậm rất mạnh. Do đó, nên nó có thể hiện khởi ngay trong giấc ngủ. Như trường hợp ta nhớ một hình ảnh đặc biệt, hay một phong cảnh đẹp đẽ nào đó mà mình khắc ghi sâu đậm vào trong tâm thức. Những hạt giống nầy nó nằm trên bề mặt của vô thức nên nó hiện khởi trước.
2. Loại mộng tứ đại thuyên tăng nầy là do sự bất hòa của tứ đại mà có ra. Như trường hợp ta bị nóng sốt cao độ chẳng hạn. Lúc đó, tinh thần ta bị mê sảng, nên trong giấc ngủ ta thấy nhiều cảnh mộng hung dữ.
3. Loại mộng thiện ác tiên triệu nầy là có những điềm lành hoặc dữ báo trước cho chúng ta biết. Đây thuộc loại mộng mà Phật tử đã thấy nêu ra. Để Phật tử suy nghiệm rõ hơn về loại mộng nầy, tôi xin nêu ra đây một vài điềm mộng báo trước mà trong sách sử đã ghi lại.
Trường hợp 1. Đọc lịch sử đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy sử ghi lại, bà hoàng hậu Ma Gia sau khi phát chẩn cho những kẻ tàn tật cơ hàn, đêm lại bà nằm mộng thấy con bạch tượng có sáu ngà từ trên không trung hiện xuống và rồi chui vào hông bên hữu của bà. Sáng ra, bà tâu cho nhà vua biết và nhà vua truyền mời thầy đoán mộng đến đoán. Ông thầy đoán mộng cho biết, sau nầy hoàng hậu sẽ sanh một hoàng nam tài năng xuất chúng v.v… Nếu thái tử ở đời sẽ làm vị chuyển luân thánh vương và nếu xuất gia tu hành sẽ trở thành một vị Phật. Điềm mộng nầy đã trở thành một sự thật.
Trường hợp 2. Lịch sử Trung Quốc có ghi lại điềm mộng của vua Hán Minh Đế ở vào thời đại Hậu Hán (Đông Hán) niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ ba (TL 60). Một hôm nhà vua nằm mộng thấy một người mình vàng, cao một trượng sáu (2m6) trên đỉnh có hào quang chiếu sáng như mặt trời bay đến trước sân điện nhà vua. Sáng ra, nhà vua bèn đem điềm mộng ấy hỏi trong quần thần, khi ấy có ông Thái sư Phó Nghị tâu rằng: Thần nghe bên Tây Vức (Ấn Độ) có vị Thánh hiệu là Phật Đà toàn thân một màu vàng kim sắc, có khi bệ hạ đã thấy Ngài đó chăng…? Chuyện nầy đã trở thành sự thật và đã được ghi lại trong phần đầu của Kinh Tứ Thập Nhị Chương, do giáo sư Hoàn Quan dịch.
Trường hợp 3. Trong quyển “Những Truyện Cổ Việt Nam mang màu sắc Phật Giáo” do thầy Lệ Như Thích Trung Hậu biên soạn, có kể câu chuyện Từ Đạo Hạnh là con trai của Từ Vinh. Ông Từ Vinh bị nhà sư Đại Diên dùng phép thuật đánh Từ Vinh chết. Chuyện ghi lại: “Cái đêm Từ Vinh chết Từ Đạo Hạnh được cha báo mộng cho biết sự tình và nhắc đi nhắc lại tên Đại Diên dặn phải trả thù cho bằng được. Tỉnh dậy, chàng hốt hoảng tìm cha, và chàng xiết bao đau đớn khi thấy thây cha nổi trên mặt nước…” Sau nầy sư Đại Diên bị Từ Đạo Hạnh đánh chết, đó là chuyện ân oán trả vay với nhau.
Trường hợp 4. Trong quyển Truyện Cổ Phật Giáo tập 4 do Minh Chiếu sưu tập có kể câu chuyện: “Quả Cam Oan Nghiệt”.
… Một người Tàu Quảng Đông, tên Tàu Dư đã bị người bạn tên Phan Phiên giết chết để chiếm đoạt số vàng bạc. Anh nầy bị chết oan, nên báo mộng cho ông quan tên Tào Công để biết rõ nội vụ. Trong chuyện có đoạn nói về sự báo mộng, trong khi ông quan nầy đang ngồi đọc sách rồi gục xuống bàn mà ngủ thiếp đi. Và trong giấc ngủ ông mộng thấy như sau: “Một người Tàu vào đặt ngay thư án một chiếc quả sơn đỏ, rồi vái hai vái mà lui. Công mở quả xem thì thấy một trái cam chín thắm. Công toan cầm cam lên ngửi thì một con quạ bay đến, lấy chân quắp tha đi, Công vội đuổi theo thì vấp ngã… Giật mình tỉnh dậy thì là một giấc chiêm bao…” Câu chuyện thật đã xảy ra in như trong giấc chiêm bao mà ông quan đó đã thấy. (Muốn biết rõ đầu đuôi câu chuyện nhân quả oan nghiệt khủng khiếp nầy, xin quý vị tìm đọc Truyện Cổ Phật Giáo tập 4, trang 81).
Những điềm mộng báo trước sự việc xảy ra như thế, chúng tôi thấy còn rất nhiều trong sử sách ghi lại. Đồng thời, chúng tôi cũng đã được nghe nhiều người kể lại, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra bốn trường hợp trên, thiết nghĩ, cũng tạm đủ để chứng minh cho Phật tử thấy biết để xét đoán. Nếu y cứ vào trong kinh nói, thì có những người sau khi chết, qua 49 ngày là tùy nghiệp lành dữ mà thọ sanh vào các loài khác nhau. Có người, vì nghiệp duyên tham trước luyến ái sâu nặng, nên họ không thể siêu thoát về những cảnh giới lành được. Do đó, họ phải đọa lạc vào những loài ma quỷ đi lang thang không nơi nương tựa, mà trong kinh thường gọi là những loại cô hồn đói khát.
Trường hợp như bà Thanh Đề thân mẫu của Tôn giả Mục kiền liên bị đọa vào loài quỷ đói như trong Kinh Vu lan Bồn đã diễn tả. Vì thế, mà chúng ta cần phải tụng kinh làm nhiều việc phước lành để cầu siêu độ cho họ. Dù người mất đã lâu, chúng ta cũng có thể vì họ mà làm mọi việc phước lành và nhất là phải tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cầu nguyện cho họ. Có thế, thì hương linh của người mất, nhờ đó mà cũng được thừa hưởng ít phần lợi lạc. Xin Phật tử nên vì mẹ mà cố gắng tu tạo nhiều việc phước lành để thành tâm hồi hướng phước đức đó về cho mẹ mình. Được vậy, thì rất là quý báu, vì cả hai đều được ân triêm lợi lạc vậy.
74. Cúng dường trai tăng cho người đã mất như thế nào mới hợp lý?
Hỏi: Kính thưa thầy, xin thầy giảng cho con hiểu về cách thức của việc cúng dường trai tăng. Khi người thân qua đời ở đâu, thì mình chỉ cúng dường trai tăng ở nơi đó, hay là có thể cúng ở nơi khác có được không? Thí dụ người thân mất ở Mỹ, con có thể cúng dường trai tăng ở Việt Nam có được không? Kính xin thầy từ bi giải đáp cho con rõ. Kính cám ơn thầy.
Đáp: Việc cúng dường trai tăng, đây là người Phật tử noi theo tấm gương chí hiếu của tôn giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên khi xưa. Vì chính Tôn giả là người đứng ra tổ chức thiết lễ trai tăng cúng dường đầu tiên, để cầu siêu cho thân mẫu của Ngài. Đó là Ngài vâng theo lời Phật dạy. Buổi đại lễ trai tăng nầy được các chùa theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, (Phát triển) thực hiện vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, sau khi chư tăng ni làm lễ “Tự tứ” mãn hạ. Từ đó, mới có lễ cúng dường trai tăng truyền thống nầy.
Noi theo truyền thống đó, nên người Phật tử mỗi khi trong thân quyến có người thân qua đời (thông thường là đến 49 ngày cúng chung thất), thì họ thường thiết lễ cúng dường trai tăng ở trong chùa, hoặc có đôi khi tổ chức tại tư gia. Điều nầy, còn tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng phần lớn là người Phật tử thường tổ chức lễ trai tăng ở trong chùa. Vì tổ chức ở nhà có nhiều điều bất tiện hơn.
Theo lệ thường, trước ngày cúng tuần chung thất, trong tang quyến đến chùa (thường là ngôi chùa nơi thờ linh cốt của người mất) trình bày về việc thiết lễ cúng dường trai tăng cho vị trụ trì hoặc tăng ni của ngôi chùa đó biết, để tiện bề sắp xếp và cung thỉnh chư tôn đức tăng ni. Việc cung thỉnh chư tôn đức tăng ni tham dự chứng minh của buổi lễ nầy, nhiều hay ít, đều do thân nhân trong tang quyến quyết định.
Mục đích của buổi lễ nầy là để thân quyến có dịp bày tỏ dâng lên nỗi lòng thương kính báo hiếu tri ân đối với người đã mất. Đồng thời cũng thành tâm dâng lên phẩm vật để cúng dường Tam bảo và hiện tiền tăng. Nhờ sức chú nguyện của chư Tôn đức tăng ni mà hương linh của người quá cố chóng được siêu sanh thoát hóa. Đó là chúng tôi trình bày đại khái về nguyên nhân cũng như về cách thức của buổi lễ cúng dường trai tăng cho Phật tử biết sơ qua.
Trở lại câu hỏi của Phật tử. Phật tử hỏi rằng, khi người thân qua đời ở đâu, thì nên cúng dường trai tăng ở nơi đó hay có thể cúng dường ở nơi khác được không? Xin thưa, là được không có gì trở ngại. Như chúng tôi đã nói, tùy theo hoàn cảnh sinh sống của mỗi người. Chúng ta nên linh động uyển chuyển mà không sai trái với lễ nghi. Trường hợp, như cha mẹ mất ở bên Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu, mà Phật tử không thể về hoặc đến nơi đó được, thì Phật tử cũng có thể cúng dường trai tăng ở Úc. Không nhất thiết là phải cúng dường trai tăng nơi chỗ người mất. Tuy nhiên, có những trường hợp, mình cũng có thể cúng dường trai tăng trong lúc còn tang lễ hoặc một vài tuần thất sau đó, nếu có mặt mình trong khi dự tang lễ. Ngoài ra, thì có thể tổ chức bất cứ nơi đâu cũng đều được cả. Đó là tùy theo hoàn cảnh sinh sống ngoài ý muốn của mình. Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành kính của mình, khi thiết lễ dâng cúng.
Tóm lại, việc cúng dường trai tăng tùy theo hoàn cảnh sinh sống của Phật tử mà Phật tử có thể tùy nghi linh động thiết cúng bất cứ nơi đâu cũng được. Tuy nhiên, theo tôi, nơi nào có đông thân nhân tang quyến thì tốt hơn. Vì ngày đó, cũng là dịp để cho mọi người về chùa gieo thiện duyên với Tam bảo. Đồng thời, sự sum họp có mặt đông đủ của con cháu làm cho linh hồn người mất cũng được an vui hơn.
Kính chúc Phật tử thân tâm thường lạc, tinh tấn tu hành, chóng đạt thành ý nguyện.
61. Tự mình cầu siêu cho mình như thế nào?
Hỏi: Kính bạch thầy, khi con còn đang mạnh khỏe, con nghe quý thầy dạy là hằng ngày mình phải tự cầu siêu cho chính mình, đó là cách chắc ăn nhất. Thú thật, con không biết phải tự cầu siêu cho mình như thế nào? Và lời dạy đó có ý nghĩa gì? Thường con chỉ thấy người ta cầu siêu cho người chết, đâu có ai cầu siêu cho người còn sống. Thế mà quý thầy dạy phải cầu siêu cho mình lúc còn sống là sao? Kính mong thầy giải đáp cho con hiểu. Con kính cám ơn thầy.
Đáp: Từ ngữ cầu siêu nguyên là chữ Hán. Cầu có nghĩa là xin giúp hay mong muốn một điều gì đó; còn siêu có nghĩa là vượt qua. Hai chữ cầu siêu có nghĩa là mong muốn cho (vong linh) chóng vượt qua khốn khổ thác sanh về cảnh giới an lành.
Thông thường, khi nói đến cầu siêu, người ta liền nghĩ ngay đến việc cầu siêu cho vong linh của người mới chết. Mục đích là nhờ sự tụng kinh niệm Phật mà hương linh chóng được siêu sanh thoát hóa. Nếu là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì khi tụng kinh cầu siêu, người ta cầu nguyện cho hương linh của người chết sớm được vãng sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà. Vì vậy, nên không ai nói đến cầu siêu cho người còn sống bao giờ.
Tuy nhiên, ở đây Phật tử lại nghi ngờ. Vì Phật tử đã nghe một vị thầy nào đó nói, là chúng ta nên cầu siêu cho mình lúc còn sống hơn là đợi đến sau khi chết. Lời nói nầy mới nghe qua, chúng ta thấy dường như là hoàn toàn nghịch lý. Nhưng nếu bình tâm xét kỹ, thì chúng ta thấy cũng không hẳn là không có lý lẽ của nó. Lời nói nầy, theo tôi, người nói nhằm mục đích là để khuyến tấn thức nhắc người Phật tử chúng ta ráng lo tu niệm trong khi mình còn khỏe mạnh.
Phải thành thật mà nói, có đôi khi vì bon chen tranh đua hơn thua trong việc mưu sinh, mà người Phật tử chúng ta lại quên đi sự tu hành. Cứ dần dà ngày qua tháng lại, hẹn lần hẹn lữa, đến khi ngã bịnh hay quỷ vô thường sắp cướp mất mạng sống, chừng đó mới giật mình nghĩ đến hối tiếc ăn năn. Một việc hối tiếc ăn năn thật đã quá muộn màng lắm rồi!
Thế là, sau khi chết, bấy giờ trong thân quyến mới thỉnh chư Tăng, Ni và Phật tử đến tụng kinh hộ niệm. Việc làm nầy, không phải là không đúng. Nhưng xét kỹ ra, thì đà quá trễ. Lúc sống, thì mãi lo tranh danh đoạt lợi, tất tả ngược xuôi nổi trôi theo dòng đời lôi cuốn không lo tu niệm. Thậm chí, có người còn không có thời gian rảnh rỗi để đi chùa nghe pháp hay tụng niệm một thời kinh ở nhà. Có người thì lại sống buông thả tha hóa trụy lạc, hút xách bạc bài, say sưa chè rượu, đàng điếm giao du. Có người thì lại đi sâu vào con đường tội lỗi, hành hung cướp của giết người. Có người thì mãi miết ham cạnh tranh làm giàu, không giây phút hồi tâm thức tỉnh v.v… Nói rõ ra, cũng là Phật tử, nhưng mỗi người theo mỗi nghiệp duyên mà hành động tạo nghiệp khác nhau. Nhưng dù sinh hoạt tạo nghiệp ở dạng thức nào, đến khi chết, thì người thân cũng phải nghĩ đến lo việc cầu siêu vong độ.
Có những người giàu có, tiền rừng bạc bể, khi chết thì họ lại dùng tiền bạc để làm ma chay rình rang, trống kèn inh ỏi, dậy xóm dậy làng… Mục đích là để cho người đời trông thấy mà nể nang khen tặng. Đó chỉ là những việc phô trương hình thức bề ngoài, không ăn nhằm gì đến việc siêu độ vong linh. Thậm chí, có người còn mướn các nhà làm vàng mã, nhà kho v.v… Đối với người Phật tử, Phật dạy nên tránh vấn đề nầy. Nói thế, chúng tôi không có ý kích bác hay chống đối việc làm nầy. Vì chúng tôi rất tôn trọng quyền tín ngưỡng tin tưởng của mọi người. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trao đổi góp ý trong phạm vi của người Phật tử mà thôi. Và nhất là qua câu hỏi thắc mắc của người đã hỏi nêu trên.
Trở lại vấn đề trên, theo tôi, thì lời nói của vị thầy nào đó, xét kỹ lời khuyến nhắc đó rất là thực tế. Thực tế ở chỗ, rằng, mình nên ý thức lo cầu siêu cho mình trước. Vì cầu siêu theo ý nghĩa trên, có nghĩa là mong muốn vượt qua nỗi khốn khổ để sanh ra cảnh giới an lành. Đây là cầu siêu theo ý nghĩa hiện thực qua lời nói, và việc làm lành hằng ngày của chúng ta.
Một lời nói hay việc làm tốt lành, tất nhiên nó sẽ đưa đến cho chúng ta một quả báo tốt lành. Ngược lại, thì quả báo rất tồi tệ xấu xa. Sâu hơn, thì ta nên cầu siêu cho mình trong từng tâm niệm. Một tâm niệm ác vừa sanh khởi, ta nên diệt trừ ngay. Một tâm niệm lành vừa dấy lên, ta nên nuôi dưỡng và phát triển nó. Nói rõ hơn, giây phút trước niệm ác dấy lên làm cho ta đau khổ bất an, liền đó lập tức ta phải sử dụng chánh niệm nhận diện và chuyển hóa tâm niệm ác đó. Phút trước, ta đau khổ (địa ngục) ; phút sau, ta vượt qua và sanh ra cảnh giới an lành (Niết bàn).
Đây là ý nghĩa cầu siêu chiếu soi thật kỹ qua từng tâm niệm. Nếu áp dụng ý nghĩa cầu siêu liên tục như thế, thì chắc chắn đời sống của chúng ta, không lúc nào mà không ở trong cảnh giới an lành. Do đó, ta không còn ỷ lại, chờ mai sau khi ta chết đi, mới thỉnh Tăng Ni hay bạn đạo đến tụng niệm cầu siêu cho ta. Vì hằng ngày, ta đã tự cầu siêu cho chính ta rồi. Sau khi ta chết, có cầu siêu hay không, cũng không thành vấn đề đối với ta nữa. Có cũng tốt mà không có cũng không sao. Ngược lại, cầu siêu theo kiểu trông chờ ỷ lại ở bên ngoài, chờ ngày mai sau khi ta chết, xét kỹ cũng không lấy gì làm bảo đảm chắc chắn lắm! Điều nầy, rất là thực tế. Đạo Phật rất chú trọng đến sự sống thực tế. Đạo Phật không muốn chúng ta có ước vọng xa xôi viễn vông. Theo luật nhân quả, nhân như thế nào thì quả sẽ như thế ấy.
Việc cầu siêu, chẳng qua đó chỉ là trợ duyên tốt giúp thêm cho chúng ta mà thôi. Nhưng điều quan trọng thực tế, vẫn chính là ở nơi ta. Theo đó, thì tốt hơn hết là mỗi người chúng ta nên tự nỗ lực cầu siêu cho chính mình trước đi. Cầu siêu bằng cách là nên nỗ lực huân tu làm lành lánh dữ. Đồng thời, chúng ta luôn giữ tâm ý mình cho được trong sạch. Được thế, thì lo gì mình không được siêu thoát. Vì chúng ta đã thực sự siêu thoát ngay trong cõi đời uế trược nầy rồi. Đó là ý nghĩa cầu siêu cho mình một cách rất thực tiễn. Hiểu thế, thì Phật tử sẽ không còn gì phải nghi ngờ nữa cả. Kính mong Phật tử hãy tự cầu siêu cho chính mình ngay trong đời sống hiện thực nầy.
35. Làm sao hóa giải được lời thề nguyền.
Hỏi: Kính thưa thầy, con có một người em gái, khi con nghèo khổ không có tiền lo cho gia đình, nên con có hỏi mượn em con nhiều lần. Con thấy em con đối xử với con quá tốt, nhưng với số nợ mà con đã mượn, thì con không có cách nào hoàn trả được. Nên con có nói là con xin nguyền kiếp sau sẽ làm trâu ngựa để trả nợ cho em con. Lời thề nguyền đó thốt ra, khi con chưa hiểu đạo. Nay được nghe học hỏi giáo lý quý thầy chỉ dạy, con rất sợ sẽ bị vướng mắc vào lời thề nguyền đó. Vậy, xin thầy chỉ dạy cho con có cách nào hóa giải lời thề đó được không? Kính mong thầy chỉ giáo cho con. Thành kính cám ơn thầy.
Đáp: Vấn đề thề nguyền tùy theo mỗi hoàn cảnh và tâm ý mà nó có cường độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu lời thề nguyền với một chủ tâm có ác ý, thì cái kết quả của nó rất nặng. Vì cái nghiệp khẩu có sự hợp tác chặt chẽ của ý thức chủ động tạo tác. Nên mới thốt ra lời thề độc. Trường hợp của Phật tử thì lời thề nguyền đó có khác. Ở đây, rõ ràng Phật tử không phải là do động cơ ác cảm ác ý mà thề nguyền. Vì Phật tử mang ơn của người em giúp đỡ quá sâu nặng, không có cách gì để hoàn trả lại số nợ đã mượn quá lớn, nên mới thốt ra lời nói với thâm ý như là để trả cái ơn thâm trọng đó thôi. Chớ Phật tử không có ác ý giận dỗi hờn mát.
Tuy lời nói đó mới nghe qua thì cảm thấy thật khá nặng nề, vì nguyện kiếp sau làm thân trâu ngựa để đền trả, nhưng xét về lý, thì Phật tử chỉ thốt ra bằng tất cả tấm lòng của một người mang ơn nặng mà thôi. Theo tôi, thì việc đó không có gì kết thành tội nặng mà phải trả. Bởi động cơ xuất phát từ ở nơi cái tâm tốt, chớ không phải xuất phát từ cái tâm xấu ác. Do đó, nên cái quả sẽ không thành. Nếu có, thì cũng chỉ trả cái nghiệp khẩu nhẹ mà thôi. Tuy nhiên, Phật tử muốn cho yên tâm khỏi phải ray rứt bức xúc mặc cảm trong lòng, thì tôi xin được đề nghị với Phật tử có hai phương cách để giải quyết:
Một là, Phật tử nên chí thành phát nguyện lạy sám hối để tiêu trừ cái khẩu nghiệp. Việc lạy sám hối nầy tùy Phật tử phát nguyện nhiều ít. Như thế, vừa tiêu tội chướng mà lại còn tăng thêm phước đức nữa.
Hai là, Phật tử cũng nên nói rõ cho người em biết, là Phật tử vì xét thấy việc đối xử của người em quá tốt, nên Phật tử mới lỡ thốt ra lời nói như thế. Chỉ cần người em thông cảm nói một lời: “việc đó không có gì đâu mà chị phải quan tâm. Em không có chấp nhứt để ý gì đến chuyện thề thốt của chị đâu. Cái đó là do chị cảm nhận vô tình mà thốt ra như vậy thôi”. Nếu người em nói ra như thế, thì Phật tử không còn gì phải ôm ấp ray rứt khó chịu trong lòng. Chị em đã hiểu biết và cảm thông nỗi khổ cho nhau. Đó còn là tạo thêm mối thâm tình sâu đậm trong tình nghĩa chị em nữa. Thiết nghĩ, rất là có lợi cho Phật tử.
Tóm lại, việc thề nguyền của Phật tử, theo tôi, sẽ không thành tội bởi những lý do sau đây:
Thứ nhứt, Phật tử nói với một cái tâm mang nặng ơn sâu khó trả, đó là cái tâm tốt theo nguyên lý đạo đức cội gốc của con người. Nghĩa là ân đền nghĩa trả. Như vậy, không có gì là trái với luân thường đạo lý.
Thứ hai, khi Phật tử nói ra lời đó là với một tâm cảm tự nhiên của một con người, chớ không có ý gì khác. Nghĩa là nói một cách vô tư xuất phát từ đáy lòng của một con người thọ ân sâu nặng. Như vậy, Phật tử cũng không cảm thấy trái với lương tâm.
Thứ ba, y cứ vào luật nhân quả mà xét định, thì một lời nói ra sẽ thành quả nặng, với điều kiện là khi nào lời nói đó có ý thức bất thiện chủ động xen vào sai khiến, bảo cái miệng phải thốt ra lời nói đó, như vậy, thì mới thành nghiệp quả nặng. Ngược lại, lời nói mà không có ác ý chủ định, thì lời nói đó, theo trong Duy Thức Học gọi là “Duy tác nghiệp”. Nghĩa là một hành động hay lời nói chỉ đơn phương không có sự hợp tác ác độc của ý thức xen vào. Vì vậy, nên cái quả báo rất nhẹ.
Xét qua ba điều nêu trên, thì việc thề nguyền của Phật tử sẽ không thành cái tội làm trâu ngựa như Phật tử đã nói. Trên đây, chúng tôi chỉ y cứ theo lý nhân quả qua nhận định của Duy Thức Học để chia sẻ gọi là góp chút thành ý mà thôi. Còn nếu như Phật tử vẫn còn hoài nghi chưa mấy cảm thông hài lòng, thì Phật tử có thể tìm một bậc cao đức thiện hữu tri thức nào đó, có những lý giải sâu sắc hay hơn, thì Phật tử nên thỉnh ý vị đó khai thông hóa giải chỉ giáo cho. Được thế, tôi hết lòng tán dương tùy hỷ. Còn sự giải đáp của chúng tôi ở đây, chỉ trong phạm vi hiểu biết có giới hạn. Mục đích là để bày tỏ đôi nét vụng về, chỉ xin được chia sẻ góp chút ý kiến bằng tất cả chân tình mộc mạc, tạm gọi là giải bày tâm tình đôi chút để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi. Chỉ có thế thôi. Kính mong Phật tử thông cảm cho.
Chân thành cám ơn Phật tử và kính chúc Phật tử luôn được bình an hạnh phúc trong nếp sống.
No comments:
Post a Comment