Sunday, May 17, 2015

"Kể chuyện đêm khuya"


BÓNG NGƯỜI TRƯỚC NHÀ CẦU
(Trong album "Kể chuyện đêm khuya")
Ngôi nhà gia đình tôi đang ở là căn nhà ba tôi mua lại từ bà Quế già. Tôi nhớ ngày còn nhỏ tôi hay sang chơi với bà, nằm nghe kể chuyện đời xưa.
Thật ra thì nhà tôi cũng có một cái rồi. Nhưng ba muốn tôi muốn mua thêm một căn nữa cho lũ con đông đến sáu đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn muốn có chỗ riêng tư để học hành và làm việc. Chuyện trả giá, mua bán thế nào tôi không rõ nhưng tôi nhớ là khá lâu, phải cả năm ròng. Đơn giản là ba muốn mua giá rẻ vì nghe nhà bà có ma quấy phá. Còn bà thì muốn bán cao hơn chút xíu để đủ tiền mua cái nhà nhỏ khác và thăm nuôi người con trai bà đang ở trong tù.
Sau 75 cuộc sống khó khăn. Kiếm đồng tiền không dễ. Gồng gánh gia đình với nhiều mạng người như nhà tôi thật là phép lạ. Ba cũng vì vậy mà điều đình lâu dài với bà. Chứ tôi lúc ấy chừng vài ba tuổi có chú tâm gì đến suy nghĩ của người lớn. Chỉ mong ba mua nhà cho xong để được có nhà khác và quan trọng là có ổi ăn hằng ngày.
Đừng ngạc nhiên nếu biết điều đó. Tôi mê nhà bà Quế già vì mấy cây ổi trong sân nhà. Chỉ 4 cây nhưng cây nào cũng trĩu quả. Đặc biệt có cây ổi xá lị thơm nổ mũi. Mỗi lần sang chơi tôi hay bốc vội một quả dấu trong người. Khi về dành mấy ngày cho mùi bốc lên thơm lừng cả nhà mới thưởng thức bằng những miếng cắn nhỏ kèm thật nhiều … nước miếng. Nói cho to, chứ nghĩ lại bây giờ thì quả ổi chỉ to bằng 4 ngón tay cái người lớn. Mùi xá lị như chai nước xá lị mà mỗi dịp tết tụi tôi mới được uống. Nhưng nhờ nhỏ thế mà tôi dễ … giấu vào áo và dễ xin hơn ba cây ổi bên cạnh, quả to mà không ngon bằng.
Rồi việc mua bán cũng xong. Nhà tôi dọn hết những vật dụng cần thiết sang nhà mới. Công việc làm ăn cũng mang theo sang. Nhà cũ chỉ để dành cho các anh tôi học hành và có một kho nhỏ chứa đồ.
Ngày sang nhà mới tôi hớn hở vui mừng lắm. Vì từ nay tôi có thể tự nhiên hái ổi mà không cần phải xin phép nữa. Nhưng cơn vui mừng chưa kịp hưởng bao ngày thì ba tôi cho người… chặt hết mấy cây ổi. Không lời nào có thể diễn tả hết nỗi thất vọng nặng nề trong lòng. Đã vậy cấu trúc căn nhà cũng sửa sang và làm lại hết. Cái lều tranh nhỏ xíu nằm giữa bãi đất rộng bị dỡ đi thay vào đó là căn nhà gỗ rộng rãi hơn. Liền ngay chỗ hàng ổi và cây cảnh là dãy nuôi heo, bếp và cuối cùng là cái toilet nhỏ. Cả khu vực to lớn được che bởi những tấm tôn bóng loáng, nên dù trời mưa thì cũng có thể đi từ chỗ này sang chỗ kia một cách dễ dàng.
Ngày đó đi học đám bạn cùng trường cứ nói với tôi “Nhà mày sao giàu thế?”. Tôi chẳng thấy mừng, nghĩ đến hàng ổi bị chặt trụi là tôi không còn tâm trí mà vui mừng gì nữa cả.
Nhưng rồi nỗi buồn của đứa con nít ngày đó cũng dễ dàng trôi qua khi nhìn thấy cái toilet làm xong.
Vào thời điểm nhà tôi mua nhà thì trong làng hiếm hoi mới có nhà nào đó có nhà vệ sinh riêng. Ai có việc cần là cứ ra suối, lên núi giải quyết. Nhà nào hiện đại hơn thì có cái nhà cầu nhỏ được bao bọc bởi những tấm cót. Trong khu vực bao quanh đó người ta cho đào một cái lỗ tròn đường kính chừng 1 mét, sâu nửa mét hay hơn, phía trên lỗ có hai cây gỗ bắt ngang làm chỗ ngồi. Rồi khi có chuyện cần “giải sầu” thì cứ thoải mái đi xuống lỗ, xong lấy tro đổ lên trên để sát trùng. Khi nào lỗ ngang nửa thì cho người xúc bớt đổ đi.
Mô tả vậy để các bạn hình dung thời đó đi vệ sinh thô sơ và mất vệ sinh vô cùng. Ý niệm về nhà toilet là cái gì đó rất mơ hồ. Chỉ có những nhà giàu lắm mới dám nghĩ tới.
Nên khi thấy nhà tôi xây nhà cầu bằng xi măng, có hầm hố đàng hoàng, chỗ ngồi bằng xi măng thì ai cũng trầm trồ cho đó là việc lạ. Là chủ đề bàn tán xầm xì nơi vùng quê nghèo. Chỉ tiếc là khi làm cánh cửa gỗ để đóng mở, người thợ cắt hụt đi một khoảng dưới. May là phía trước nhà cầu có bức tường cái chuồng nuôi heo cao che khuất chứ nếu không thì nhìn từ xa ai cũng nhìn thấy…phần dưới.
Cũng vì vụ đó mà ba tôi gần như cãi nhau với người thợ. Ba cứ cằn nhằn sao làm thợ rành đo đạt mà kém quá. Chỉ được cái uống rượu là nhanh. Đo đạc xong nói ông cắt ngắn 5 tấc. Lời ba nói chưa nguội đã thấy cắt ngọt đi 9 tất làm cái cửa cứ chơi vơi. Rồi cũng vì tấm cửa cắt vụng này mà nhiều lần tôi được chứng kiến ma đứng trêu tôi ngay phía trước nhà cầu.
Nhà làm xong, nhà cầu đã đưa vào xử dụng. Ai cũng như thấy mình nằm mơ trong ngôi nhà mới. Nó xinh đẹp và nhỏ nhắn, ấm cúng đến lạ lùng. Để làm lể rửa nhà, ba mua một cái TV trắng đen chừng 17 inch, có hai cửa kéo đóng lại khi đã xử dụng xong. Hiệu Sony. Trong xóm thì đây có lẽ là cái TV thứ hai nên người ta kéo tới xem nườm nượp. Nhà nhỏ, ba chỉ cho những người thân quen gần đó vào xem, còn người lớn thì hiếm có ai qua nếu họ không thực sự cảm thấy cần. Nghèo thật nhưng không phải ai cũng cảm thấy hãnh diện gì khi sang coi ké TV nhà hàng xóm.
Trước nhà tôi có một cổng sắt nhỏ. Lúc nào chương trình bắt đầu, là đã có người chực sẵn để vào xem. Mở cổng bao giờ cũng là má tôi. Bà không thích ồn ào nên rất khắt khe khi có ai vào. Nhưng bà con quanh xóm thì bà rất niềm nở, ai lớn tuổi bà lại càng trân trọng, rót nước mời trà như người bà con mặc dù tối nào họ cũng qua.
TV thì vậy. Nhưng nhà tôi cũng cảnh báo trước về vấn đề vệ sinh. Không bao giờ nhà cho đi ké, chỉ có ai trong nhà mới được xử dụng. Nói vậy để bạn có thể tin được là có nhiều người sang coi TV để chỉ đi ké nhà cầu xây bằng xi măng và xem thử cảm giác nó thế nào. Nói ra lúc này thì nghe có vẻ không tin được nhưng hồi những năm 1980s thì chuyện đó lại rất bình thường.
Mọi chuyện trôi qua cho đến một ngày nọ, vào độ tháng khoảng gần Noel, thì nhà nghe nói người con trong tù của bà Quế già chết. Ngay đêm đó anh ta hiện về.
Ba là người thấy đầu tiên nhưng ông giấu kín. Chỉ có ông là người biết mặt chàng trai đó nên nhận ra anh ta ngay khi anh xuất hiện. Lừng lững đi ngang qua khu đất trống. Băng qua hàng ổi cũ mà nay đã thành dãy chuồng heo dài. Bóng trắng mờ mờ, nhưng khuôn mặt thì rõ rệt sáng bừng, trắng bệt và cái đầu trọc lóc trông thật ghê rợn. Lần đầu chỉ có thế, nhanh chóng và thoáng qua như người đi xa khi về chốn cũ không còn nhận ra nhà mình vì đã thay đổi quá nhiều.
Ba tôi không nói gì, cả với má tôi vì sợ cả nhà lo lắng không cần thiết. Chỉ có má hình như linh cảm chuyện gì. Bà nhìn ba bằng đôi mắt cảm thông và nhẫn nhục, chịu đựng. Má tôi ngày đó vốn dĩ ít lời, không thích khơi chuyện nếu ai đó đã không muốn nói ra.
Tôi không hề biết gì. Mãi đến sau này khi không còn ở chỗ cũ thì ba mới kể lại cho tôi nghe khi rãnh rỗi. Tôi nghe ông kể nhiều mà ít quan tâm. Chả hiểu sao càng lớn tuổi, những câu chuyện cũ lúc thiếu thời cứ dần dần nhớ ra. Từng chuyện một.
Tôi nhớ đôi khi ba má chụm đầu vào nhau nhỏ to chuyện gì ra chìu bí mật như không muốn ai nghe. Ba má có nhiều chuyện để lo cho bầy con đông đúc. Tôi không dám quấy rầy hay hỏi han bất cứ chuyện gì. Chỉ cần ba nhíu mày không vừa ý là tôi sẽ không bao giờ làm một chuyện đó, dù có thích mấy đi chăng nữa. Hình như trẻ con như tôi sinh trong thời cái khổ kề bên nên khôn sớm và tinh ranh. Tự dạy cho mình phản xạ để bảo vệ mình ra khỏi những cám dỗ mà linh cảm rằng sẽ có hại về sau.
Cũng mãi sau này tôi mới nghe nói lại về những hồn ma lảng vãng trong làng khi đêm về. Cô Thu nhà ở cuối xóm bị dấu mất dạng trong bụi rậm mãi 3 ngày sau mới tìm ra. Ngồi chồm hổm, mặt cúi gập xuống đất, miệng bê bết những cát và bùn. Nhà vệ sinh không có, những bụi cây ven sườn núi là những nơi lý tưởng để làm chuyện đơn giản mà không đơn giản chút nào đối với con người từ ngàn xưa đến giờ.
Chí ít thì trong đời cho đến nay tôi chứng kiến 2 lần ma giấu người trong bụi rậm. Đến khi phát hiện ra thì đã ra người tửng tửng, ăn nói như người bị tâm thần và cứ bốc đất mà ăn. Tôi nghe đồn có người chết rục, người nhung nhúc những dòi bọ. Đó là những người bị dấu lâu ngày quá mới nên nỗi như vậy. Nghe thì nghe nhiều nhưng tôi chưa chứng kiến. Nhưng người khùng vì chuyện bị ma, rồi được tìm ra sau vài ngày với miệng đầy bùn thì tôi không lạ.
Nhưng rồi tuổi thơ tôi trôi qua bình thản và nhẹ nhàng. Chuyện gì cũng chỉ đọng lại trong tôi vài ngày rồi tan đi như chưa từng xảy ra. Nhưng tôi vẫn lưu trong đầu lời căn dặn cứ lập đi lặp lại với lũ con của ba mỗi khi đêm về:
- Đi đâu thì đi, chơi đâu thì mặc. Sau 7 giờ tối tất cả phải có mặt ở nhà học bài. Khi đi lung tung chỗ nào không có người. Đặc biệt có muốn đi cầu thì về nhà, không vào các bụi rậm hay dòng suối nào quanh làng. Cẩn thận hết sức, đi đâu cũng hai người một mà đi…
Ba còn dặn nhiều. Dặn mỗi ngày, quyết liệt và gay gắt. Tôi không màng mấy, bởi còn nhỏ suốt ngày má giữ rịt trong nhà. Những điều căn dặn không cần phải nhớ làm gì. Chỉ suốt ngày nô đùa và chưa đến7 giờ thì đã lăn đùng ra ngủ trong vòng tay của má. Bây giờ nhớ lại thấy hồi ấy mình vô tư lạ lùng. Ngẫm nghĩ lại thấy ba má canh chừng con cái như gà mẹ bảo vệ đàn con mình khỏi lũ diều hâu xuất hiện bất cứ lúc nào trên bầu trời.
Nhưng rồi tôi lại là người gặp anh con bà Quế. Chuyện xảy ra nhưng mỗi lần có dịp kể lại tôi vẫn rùng mình kinh sợ. Để rồi từ đó nỗi sợ ma ám ảnh tôi mãi đến bây giờ.
(Còn một kỳ)

BÓNG NGƯỜI TRƯỚC NHÀ CẦU
(Tiếp theo và hết)
Tôi không thích coi TV. Kỳ lạ và khó hiểu nếu không muốn nói là kỳ quặc với đám trẻ cùng tuổi. Chỉ mê truyện. Những sách truyện cỏn con chừng chục trang giấy mỏng dánh, cẩn thận lật từng trang nếu không muốn rách sau vài lần dở. Cuốn nào có đắt tiền hơn chút xíu được in màu offset thì nham nhở. Mực không pha chung như bây giờ mà in chồng màu lên nhau. Một khuôn mặt công chúa có được mô tả xinh đẹo đến cỡ nào mà lên tranh cũng thành ra thằng hề, vì màu chồng lên nhau không đều. Lệch, xéo, đậm đặc, lỗ mỗ như con đường đầy ổ gà. Trông đến là tội nghiệp. Thế mà quý lắm, nâng niu như trân chaâu bảo ngọc. Tay không lúc nào rời, cũng không bao giờ cho ai mượn dù có bị mua chuộc đến độ nào. Đọc suốt ngày, đánh vần từng chữ mà đọc, chậm chạp và mất công vì có khi đọc hoài vẫn không hiểu nghĩa. Vậy mà vẫn đọc. có khi đánh vần không ra thì nhờ bất cứ anh nào giúp dùm, làm lắm khi ai trong nhà cũng bực mình. Thói ghiền sách ăn sau từ nhỏ mãi đến giờ bỏ không được.
Tôi nhớ mình có một anh bạn con bà con xa có truyện nhiều. Tôi hay trao đổi với anh những quyển má mới mua với những truyện mà tôi chưa đọc. Nhà anh cách nhà tôi chừng vài chục căn, đi ngang qua một gốc cây me tay già lắm quỉ nhiều ma làm ai đi qua cũng rung mình kinh sợ. Giữa ban ngày mà gió từ gốc cứ thổi ra lồng lộng như bão, thoáng độ vài giây thì ngưng. Tôi qua chỗ ấy mấy lần, lần nào cũng như có ai đang nhìn mình từ trên cao mà nhìn lên thì chẳng thấy gì. Tôi nghe kể có nhiều người thấy. Tôi chưa thấy nên chưa tin. Vả lại cơn mê truyện đôi khi át mất lý trí. Cứ tranh thủ vài ngày lại chạy lên đổi truyện khác. Một tuần không lên người bức rức khó chịu như có kiến bò không làm sao cưỡng lại được.
Một tối nọ say mê một truyện mới mượn. Đọc mà quên là đã hơn 9 giờ, má giục đi ngủ để mai đi học. Tôi tiếc rẻ cuốn sách hay, chợt nghĩ ra một ý tưởng điên rồ là thắp đèn dầu vào toilet giả đi cầu để đọc tiếp.
Nghĩ sao làm vậy, vả lại cơn ghiền đang phát chả nghĩ gì đến lời dặn “đi đâu cũng phải có hai người” vội thi hành ngay điều mình nghĩ. Lợi dụng lúc mọi người còn say sưa với cuốn phim vừa chiếu, tôi lẻn xuống bếp, thắp một ngọn đèn dầu nhỏ rồi lần mò trong đêm đến nhà vệ sinh.
Khu chuồng trại nuôi rộng chừng 200 met vuông lờ mờ dưới 1 ngọn đèn nhỏ xíu không đủ soi sáng được vật gì cho rõ. Mấy con heo nằm ngủ say sau khi no bụng, ủng ỉnh cái miệng như trong cơn mơ. Đi hết dãy dài chuồng trại tôi lần mò mở cửa phong vệ sinh. Nhẹ nhành đặt ngọn đèn trên cái móc sắt rồi vừa đứng vừa ngốn ngấu đánh vần cuốn truyện dở dang.
Chẳng biết là thời gian trôi đi bao lâu. Chỉ biết là vẫn chưa thấy phim xong, vì tiếng nhôn nhao coi phim vẫn còn vọng lại chỗ tôi ngồi. Cuốn ruyện thì còn chừng hai trang là hết.
Đột nhiên một đôi chân đen ngòm che lấp ánh sáng từ chuồng heo chiếu tới, hai bóng ống chân lấp ló ngay chỗ kẻ hở của cánh cửa bị cắt ngắn phía dưới. Tôi nổi gai óc lên, người như phát sốt, mồ hôi túa a đầm đìa. Có ai đi cầu vậy nhỉ? Khách thì không phải rồi, người nhà ư? Sao không thấy gõ cửa như thường khi ai đó muốn đi muốn kiểm tra xem thử có ai trong toilet không? Mà thường anh em tôi ai xử dụng thì gọi to để người ngồi trong biết mà nhanh chân cho người khác chứ đâu đứng yên như vậy? Mà sao mình cũng không hề nghe tiếng bước chân đi tới? Ba vẫn thường qui định ai đi ra đây phải mang cái guốc cao để tránh nước bẩn cơ mà, sao tiếng guốc không thấy? Hay mình mãi mê đọc quá mà không nghe? Hay là…bao nhiêu câu hỏi nhảy múa trong đầu óc nhỏ bé của thằng tôi mê truyện mà không có lời giải đáp. Nỗi sợ hãi bị bắt gặp đọc truyện không chịu đi ngủ thì nhiều hơn là nghĩ đến con ma nào đó.
Tôi hỏi khẽ, giọng thều thào như đứt quãng:
- Ai đó! Đi cầu hả?
Không có tiếng gì đáp lại. Tôi liền chúi đầu xuống cho chắc ăn là có ai đó đứng phía trước phòng vệ sinh. Hai bàn chân to đen xù xì vẫn đứng đó. Không rõ ràng nhưng hai cây cột đen vẫn không động đậy hai di chuyển gì. Sốt ruột, tôi rê cái đèn dầu nhỏ đến sát gần khe hở của cánh cửa. Vẫn như cũ, chỗ 4 tấc cắt cụt là một cái chân người, một cái chân người đứng cao hơn mặt nền xi măng chừng vài phân tay. Chúa mẹ ơi! Cứu con với. Tôi bắc đầu hoảng loạn. Ai muốn chọc mình vậy? Nếu là người thì lên tiếng nãy giờ chứ sao tôi rê hoài cái đèn mà không lên tiếng. Mấy anh tôi thì chân không to như thế, ba má tôi thì chỉ cần lên tiếng nói hay nhìn ánh đèn là biết ngay có người đang sài nhà cầu, cớ gì không có tiếng gì vọng lại sau câu nói vậy?
Trong cơn hoảng sợ tưởng có thể làm tôi ngất đi được thì tôi chợ nghe một mùi thúi xông lên nồng nặc, mùi thúi cứ quấn lấy lỗ mũi dù tôi cố gắng nín thở lại. Cái bóng chân vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi gào lớn cốt ý cho mọi người nghe và cũng để trấn áp cơn sợ hãi làm tôi nghẹt thở:
- Ai đó? Sao không lên tiếng vậy? Tôi gần ra rồi, đợi chút.
Tôi nói đoạn thì giật nước thật mạnh, giả vờ như vừa đi xong rồi toan mở cửa. Chợt nhớ khoảng cách từ cánh cửa đến đoạn tường chuồng heo trước mặt (cao ngang đủ che khoảng trống bên dưới nên cửa chỉ mở được nửa chừng thôi) không đủ cho một người đứng thì nói to thêm:
- Đứng xê ra tôi mở rộng cánh cửa.
Vẫn không có tiếng đáp lại. Lúc này dám chắc là co chuyện lạ sằp xảy ra rồi nhưng không nghĩ gì đến ma cộ gì cả. Chỉ biết là chuyện này lạ lắm. Nhưng trưuớc sau gì cũng phải ra, không thể ở hoài trong này được, thúi quá nồng lên làm tôi nhức đầu và xây xẩm mặt mày.
Cửa he hé mở, một bóng đen sừng sững đứng chắn ngay khoảng trống cửa vừa mở. Đèn dầu vẫn còn dưới đất hắt lên khuôn mặt một người đàn ông mặt trắng bệt lại, trên đầu trọc lóc không một cọng tóc và đang mặc một bồ quần áo tù xù xì hôi thối đến nồng nặc, đứng cách tôi chừng hơn sải tai người lớn. Tôi nhìn thẳng không sợ sệt. Hai mắt trắng tròng đen, hai cằm bạch ra và một vết sẹo dài ngang má…Tôi tưởng ai đó coi phim nhà đi nhờ nhà cầu. Tôi vẫn ngây thơ nghĩ là người nên vẫn không thấy sợ. Tôi lớn tiếng nói vọng:
- Chú tránh ra cho cháu đi.
Cái bóng đen không nhúc nhích rồi chậm rãi tiếng lại gần, đưa cánh tay gầy guộc vẫy vẫy trong không khí. Một sức mạnh vô hình làm tôi như muốn chồm người về phía người đàn ông. Tôi vẫn nhìn, người đàn ông như đang đi mà chẳng tiến gần tôi được chút nào. Bàn tay vẫn liên tục vẫy, mùi hôi thối càng lúc càng nồng lên muốn ói.
“Bọn bắt cóc” (ba tôi không dung từ ma để chúng tôi khỏi sợ, mà cũng có thể không hiểu hết ý nghĩa của từ đó), lời ba má dặn văng vẳng trong đầu tôi. Tôi giữ chặt cửa ôm ghì lại không bước theo cái chân bây giờ đã bắt đầu không nghe theo lệnh mình. “Bọn bắt cóc”, miệng tôi lẩm nhẩm, tay tôi cố gắng đấm mạnh hết khả năng vào cánh cửa bằng ván gỗ. Không ai nghe tôi cả, tôi cố gào mà miệng cứ ục ặc không thành lời. Nước mắt tôi trào ra vì uất ức mà cả tức giận, muốn khóc mà sao không khóc được, nghẹt thở.
“Bọn bắt cóc”, tôi vẫn nói nhảm, tay chợp túm lấy cái đèn dầu rồi quay người quăng mạnh vào bóng người đàn ông. Ngọn đèn dầu bay xuyên qua cái bóng, rơi mạnh xuống nền gạch vang lên một “choảng” khô khóc. Dầu còn ít, nên bắt lên chạy yếu ớt nhưng đủ cho tôi thấy tia mắt nhìn tóe lửa của người đàn ông.
Nghe tiếng động ba là người đầu tiên phóng ra. Ba nói lớn:
- Đi đi, đi nhanh lên.
Cái bóng đen vụt biến như chưa từng xuất hiện ngay lối cửa thông ra khoảng đất trống. Mọi người ùa ra, xem thử đã có chuyện gì xẩy ra. Tôi gần như ngất xỉu vì hoảng sợ. Lúc đó rõ ràng trong trí óc non nớt của tôi bị một ấn tượng mơ hồ rằng bóng tôi vừa thấy không phải là tầm thường, phải là chuyện gì khủng khiếp lắm ba tôi mới hoảng loạn như vậy.
Mãi sau ba mới kể lại là nghe tiếng rơi của cái đèn làm ba như bừng tỉnh, tai thích làm ba phân biệt rõ những tiếng động nhỏ trong ngổn ngang tiếng ồn xung quanh. Nhìn lên giường chỗ tôi thường hay ngủ, không thấy đâu, ba lao ra chỗ tiếng động vừa vang lên thì thấy cái bóng đen đang vẫy tay về phía tôi.
Ba má không la gì tôi vì chuyện đọc sách trong nhà vệ sinh, nhưng từ đó cấm tiệt không cho ai đến đi cầu mà không có ba má đi kèm. Nếu ai mắc quá mà không có ba má ở nhà thì cứ thoải mái đi vào cái bô ba tôi đặt ngay lối đi, rồi người ở sẽ đi dọn vào sáng hôm sau. Lệnh này duy trì mãi đến năm tôi hoc lớp 8 mới thấy bỏ. Nhưng sau lần đó tôi chẳng bao giờ gặp còn gặp lại cái bóng đen lần nào nữa. Không biết là ba tôi đã làm gì.
Hết

No comments:

Post a Comment