Friday, May 22, 2015

Thư Gởi Các Bạn Ham Làm Thơ ĐƯỜNG LUẬT - Quách Tân.

Các bạn thân mến, 

Thấy các bạn ham làm thơ Đường luật mà chưa nắm vững nguyên tắc cơ bản, tôi xin viết gởi các bạn những lời sau đây, tuy không phải là khuôn vàng thước ngọc, nhưng cũng có thể làm những mũi tên chỉ đường cho các bạn khi bước vào cửa làng thơ hôm nay đã vắng người qua lại. 

Các bạn vốn đã biết thơ có nhiều thể. Thể nào cũng có ưu điểm, khuyết hoặc nhược điểm. Không thể nào hơn thể nào. Cũng như tôi, các bạn lựa thể Đường luật là vì thể nầy thích hợp với tâm hồn các bạn. Thể thơ nầy đã bị các nhà Thơ Mới đả kích dữ dội ngót mười năm, từ 1932 đến 1941. Bị công kích đả đảo, là vì thể thơ có khuyết điểm. Những khuyết điểm ấy, ngay khi thể thơ mới ra đời, đã bị một số danh gia, như Lý Thái bạch, Hàn Sơn ... chỉ trích nặng lời, chớ chẳng đợi đến các thi  nhân sanh sau hàng nghìn năm. Bị đả kích mà vẫn tồn tại, tồn tại là vì bên cạnh những khuyết điểm dễ khắc phục, có những ưu điểm, trừ những kẻ thiên kiến, những người không độ lượng, không ai phủ nhận, không ai nỡ hủy diệt, trái lại còn rủ lòng ấp ủ nâng niu. 

Ở đây, tôi không đề cập đến những ưu khuyết của thể thơ. Tôi chỉ nói đại khái những gì có thể giúp các bạn làm thơ cho đúng cách, trúng điệu mà thôi. 

Trước hết xin nói về THI ĐỀ. 

Thơ có HỮU ĐỀ THI, tức là thơ có đề, và có VÔ ĐỀ THI, tức là thơ không đề. 

Thơ không đề dễ làm mà khó hay. Thơ có đề khó làm mà dễ hay. 

Khó làm là vì bị đề thơ bó buộc, ngòi bút không thể tung hoành được tự do. Dễ hay vì đường lối đã có sẵn, người làm thơ chỉ cố gắng là có thể đi đến chỗ thành công. 

Còn dễ làm là vì không bị lệ thuộc đầu đề, tình ý dễ dàng tuôn trào theo nguồn cảm hứng như gió đồng rộng, nước nguồn cao. Nhưng khó hay là vì thi nhân phải tự vạch cho mình đường đi nước bước thích hợp mà phi kẻ tài cao không dễ gì mình tự làm chủ lấy mình. 

Cổ hiền phương Tây có câu ‚L’art nait de contrainte et meurt de liberté, nghĩa là ‚Nghệ thuật sanh nhờ cưỡng bách, chết vì tự do, là vậy đó. 

Cho nên chúng ta nên làm thơ có đề trước.  

Nhưng không phải đụng đề thơ nào cũng gắng công phí sức làm. Phải lựa chọn. Chúng ta nên tránh những đề mục thông thường, có tánh cách xã giao, như thơ Tết, thơ mừng cưới hỏi, thơ mừng thọ v.v... Những đề tài ấy, đối với những người đã rành nghề, là những đề tài rất khó khăn. Bởi người trước đã làm nhiều quá rồi, chúng ta làm nữa thì không sao tránh khỏi lập lại những tình ý người trước đã nói, trừ những bậc tài cao bút luyện, khó tìm ra những từ, tứ tân kỳ. Cũng không nên chọn những vấn đề rộng lớn như thân phận con người, hồn dân tộc, tình nhân loại, thơ muôn thuở v.v... Vì ngòi bút dù tài tình đến đâu cũng không thể diễn tả nổi trong phạm vi 8 câu 7 chữ. 

Chúng ta nên chọn những chủ đề mà đời sống thường ngày cống hiến cho chúng ta. Chúng ta hãy nói lên những nỗi buồn, những niềm vui, những khát vọng, những tư tưởng ... thoáng hiện trong tâm hồn, những vẻ đẹp nhìn thấy trước mắt, nhớ lại trong ký ức, trông thấy trong mơ mộng ... Hãy nói lên những cái đó với lòng chân thành thấm thiết. Những vật chung quanh mình, những sự việc xảy ra trước mắt mình đều là những đề tài nên thơ, nếu chúng ta hòa lòng chúng ta vào sự vật, nếu chúng ta biết cách dùng những sự vật để tự diễn đạt mình, diễn đạt những hình ảnh của mộng mị của những kỷ niệm xa xưa ... Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, phải cố tránh những đề tài người ta đã dùng đi dùng lại nhiều quá, nếu chúng ta không khám phá thêm được những gì tân kỳ, độc đáo. 

Một khi đã có đề rồi thì chúng ta lo lập ý, cấu tứ. 

Nhưng trước khi lập ý, cấu tứ, chúng ta phải xét kỹ chủ đề. 

Nếu là đề do chúng ta chọn thì dễ khai triển, vì chính chúng ta đã sẵn có ý trước rồi mới có đề. Nhưng nếu là đề của  người khác ra, thì chúng ta phải cần phân tách kỹ lưỡng để cho dễ lập ý, cấu tứ và dễ cho tình ý mình phô diễn không bị lệch lạc, không xuất đề, không phản đề. 

Ví dụ đề mục của CỬA BIỂN QUY NHƠN, BÀN THÀNH HOÀI CỔ ... chúng ta nhận thấy trong mỗi đề mục có hai thành phần : Cửa biển và Quy Nhơn, Đồ Bàn và Hoài cổ. Chúng ta phải nhận định xem thành phần nào chính, thành phần nào thứ. Đề mục trước thuộc về cảnh, đề mục sau thuộc về tình. Như vậy thì trong đề mục trước. Cửa biển là chính, đề mục sau Hoài cổ là chính. Nhưng cái gì làm cho Cửa biển chúng ta toan tả đây, mọi Hoài cổ chúng ta toan nói đây, khác với các Cửa biển khác, khác với mối cảm hoài khác ? Chính là Quy Nhơn, chính là Bàn Thành. Chúng ta có thể nói rằng trong đề mục trước, Cửa biển là thân xác, Quy Nhơn là tâm hồn; trong đề mục sau, Hoài cổ là cốt cách, Bàn Thành là tinh thần. Quy Nhơn thêm sắc thái cho Cửa biển, Bàn Thành gây hương vị cho Hoài cổ. Đối với thơ, chính tâm hồn, tinh thần, sắc thái, hương vị mới thật là quý. Cái đáng quý lại để xuống hàng thứ yếu, là nghĩa làm sao ? Nghĩa là thành phần thứ yếu nép ở sau, núp ở trong để làm cho thành phần chính yếu nổi bật. Nói một cách khác, thành phần chính là vua, thành phần thứ là quân sư; thành phần chính là Chủ tịch Chánh phủ, thành phần thứ là Thủ tướng ... Địa vị của quân sư của thủ tướng thấp hơn, nhưng nhiệm vụ lại nặng hơn vua, hơn chủ tịch. 

Khán đề xong, chúng ta mới lập ý, rồi cấu tứ, bố cục. Bài bố phân phối tình ý đâu đó cho chu đáo rồi, chúng ta mới hành văn. Có làm như vậy, bài thơ mới ăn đề, ý tứ mới khỏi lộn xộn, rời rạc, đầu đuôi mới tránh khỏi nạn voi chuột giao duyên ... 

Có dịp tôi sẽ nói thêm về các điểm ấy. Bây giờ chúng ta nên trở lại với Thi Đề.  

Chúng ta thấy có nhiều bài thơ được truyền tụng, thân bài không mấy phù hợp với đề bài. Ví dụ bài : 

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn, 
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn. 
Gác mái ngư ông về viễn phố, 
Gõ sừng mục tử lại cô thôn. 
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi, 
Dặm liễu sương sa khách bước dồn. 
Kẻ ở Chương đài người lữ thư, 
Lấy ai mà giải nỗi hàn ôn. 

Đó là tác phẩm của bà Huyện Thanh Quan, một giai thoại được phần đông tao khách tán thưởng. Đề mục, sách nầy chép là CẢNH CHIỀU HÔM, sách khác lại chép là CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ. 

Cả hai thi đề đều không thích đáng. Bởi trong toàn bài gồm có hai ý quan trọng là ‚giữa đường xa‛ và ‚ngày sắp hết‛. Ông Hư Chu tác giả tập khảo luận ‚Để hiểu thơ Đường luật‛, đề nghị gọi là ĐƯỜNG CHIỀU. Tôi đồng ý cùng ông ấy. 
Vì sao lại có tình trạng như thế ? Là vì cổ nhân ít thích đặt thi đề. Thường thường hễ hứng đến thì thơ ra. Thơ hoàn chỉnh rồi mới coi mặt đặt tên. Để tiện việc kêu gọi, nhiều khi lấy một vài chữ trong bài mà mệnh danh. Cũng lắm khi thơ được làm mà không được gọi, rồi người sau muốn dễ gọi mới đặt tên theo ý mình. Bài trên đây của bà Huyện Thanh Quan là một bằng chứng cụ thể. Bài nầy bà đã làm trong lúc vào Huế dạy các cung phi theo lệnh vua Tự Đức.  
Có nhiều bài thơ rất hay mà đề không được ổn đáng, như Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan, Thu Điếu, Thu Ẩm ... của Nguyễn Khuyến v.v... cần phải chỉnh danh cho hợp lý. 

Nhưng công việc chỉnh danh xin để lại cho những nhà soạn sách thi tuyển. Chúng ta thử nêu đôi luật mà đầu đề và thân bài khắng khít nhau, để làm mẫu. 

QUA PHÚ YÊN TỨC CẢNH 

Kìa đảnh Cù Mông nọ Vũng Rò (tức Vũng Rô) 
Con đường thiên lý chạy quanh co. 
Vườn dừa mé biển tung đuôi phụng, 
Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò. 
Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng, 
Biển Hồ sen nở gió thơm tho. 
Đá Bia tích cũ mây dù lấp, 
Qua lại còn nghe khách chuyện trò. 
(Một tấm lòng) 

Trong bài, những ý qua, Phú Yên và tức cảnh điều được diễn đạt. Đọc bài thơ, chúng ta thấy lần lược bày ra trước mắt phong cảnh Phú Yên từ Cù Mông đến Vũng Rô. Nếu đề bài nầy là CẢNH PHÚ YÊN thì bài thơ hỏng, vì những cảnh vật trong bài chỉ là những cảnh vật ở hai bên đường khi tác giả đi ngang qua, chớ đâu phải phong cảnh toàn tỉnh Phú Yên. Những ‚tiếng chuông ngân lúc trời chạng vạng‛, ‚hơi gió thơm tho do sen nở nơi hồ rộng dưới chân hòn Bi Sơn‛, không phải lúc nào cũng có. Cả đến vườn dừa luôn luôn hiện hữu, cũng chỉ tung đuôi phụng những lúc có gió biển thổi vào, và những khoảnh rẫy ở sườn non bất di bất diệt cũng chỉ có  bắp theo mùa... Những cảnh kia, những vật kia, khi đi qua thì có đó, nhưng khi trở lại chắc gì vẫn còn y. Muốn thích thực đề Cảnh Phú Yên phải chọn những cảnh vật đặc biệt và thường hiện hữu của Phú Yên, những cảnh vật mà riêng Phú Yên mới có, hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác. Đề ra là CẢNH PHÚ YÊN tức là bảo chúng ta vịnh hay tả cảnh trí Phú Yên, chớ không phải nói về phong cảnh ở trước mắt khi đi ngang qua Phú Yên. 

Xem đó, chúng ta thấy việc phân tách đầu đề cho kỹ lưỡng là việc rất cần. 

Bài nầy đưa ra làm mẫu là đứng trên phương diện ‚ăn nề‛ mà thôi. Tản Đà tiên sinh khen là một bài thơ tả cảnh hay song không rung cảm lòng người vì thiếu tình. Nhưng đây lại là một vấn đề khác, có dịp chúng ta sẽ bàn nhiều. Bây giờ thử đưa ra một bài thơ tình nữa cho đủ đôi : 

KHÓC QUAN PHỦ VĨNH TƯỜNG 

Trăm năm quan Phủ Vĩnh Tường ơi 
Tuổi chửa ba mươi cũng một đời 
Chôn chặt văn chương ba thước đất 
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời 
Nắm xương dưới ván chau mày khóc 
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười 
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc 
Trăm năm quan Phủ Vĩnh Tường ơi. 

Trong đề thơ, Quan Phủ Vĩnh Tường thành phần chính yếu, Khóc là thành phần thứ yếu. Nhưng Khóc lại là thần, còn quan Phủ Vĩnh tường chỉ là cây đa. Và quan Phủ Vĩnh Tường là thân thế, Khóc là ân tình. Thiếu ân tình, thân thế, quan phủ Vĩnh  Tường nằm lạnh trong xác chết. Song thiếu xác chết, lấy gì để khóc kể nỗi ân tình dở dang. Cũng như không có thần thì cây đa lấy gì mà thiêng, còn không có cây đa, thần lấy chi mà nương tựa. Phải có cây đa để thần nương tựa, phải có thần để cây đa được linh thiêng. Phải có thân thế, phải có ân tình, phải có hồn, phải có xác. Hồn xác quấn quít lấy nhau, thân thế ân tình ôm ấp lấy nhau thì bài thơ mới sống. Bởi hồn ẩn trong xác, thần ẩn trong cây đa, nên mới đặt quan Phủ Vĩnh Tường làm chính, Khóc là thứ. Nhưng đóng vai chính, cây đa không ăn hiếp thần. Đóng vai thứ, ân tình vẫn lai láng trên thân thế. 

Thân thế quan Phủ Vĩnh Tường đã thể hiện trong trạng huống đau thương: tài cao, chí cả mà mạng lại yểu, cho nên hồn không thể yên vui. Hồn không yên vui, chẳng những vì bởi tài chưa kịp dùng, chí chưa được toại; không yên vui còn vì con mới sanh còn đỏ ối mà đã phải chịu cảnh mồ côi, vợ mới đồng sàng trong 27 tháng mà đã phải chịu đơn chiếc chốn phòng sương ... Cuộc đời trăm năm bị thâu ngắn còn không đầy ba mươi năm. Duyên hương lửa trăm năm bị cắt đứt sau một thời gian ấm nồng ngắn ngủi. Đó là nguyên nhân của bao nhiêu nỗi bất hạnh cho gia đình ... Tình cảnh bi ai đã phát nên những lời thống thiết, và tiếng khóc âm thầm, khi não nùng khi tấm tức, làm nát ruột khách bàng quang. 

Đề tài Khóc Quan Phủ Vĩnh Tường cũng như đề tài Qua Phú Yên Tức Cảnh đã được tác giả khai triển một cách thận trọng và chu đáo. 

Các bạn nên tìm thêm, trong số thơ được truyền tụng, những bài có đầu đề thích đáng để nghiên cứu và học tập cho thật thấm nhuần, thì mới mong làm thơ luật đúng cách.  

Quách Tấn
  
Nguồn: Đặc San Lại Giang 2010

No comments:

Post a Comment