Tuesday, May 19, 2015

Người Biên Tập nhắn nhủ nhà thơ.


Thứ tư - 14/12/2011 09:00

Các nhà thơ vốn là người có “cái tôi” rất lớn, trong từng dòng, từng đoạn, luôn thấy “cái tôi” của họ. Các nhà thơ cũng là những người rất cẩn trọng, kỹ càng trong từng câu, từng chữ. Ấy vậy mà đôi lúc, có lẽ do bản tính lãng đãng, mà các nhà thơ lại bỏ qua những điều rất sơ đẳng trong công đoạn gửi bài tới tòa soạn. Người Biên Tập muốn nhắc tới hai trường hợp thường gặp khi nhận bài của các nhà thơ. 

Trường hợp thứ nhất: nhà thơ quên béng mất tên của mình. 
Là nói quên tên theo nghĩa đen luôn, tuyệt không phải nghĩa bóng nghĩa biếc gì. Tức là nhiều tác giả gửi bài tới nhưng không đề tên trong bản thảo, gửi qua đường bưu điện thì chỉ ghi tên mình ở ngoài phong bì thư, còn bên trong chỉ có tên bài thơ và nội dung bài thơ. Một số tác giả gửi bài qua email cũng “mắc lỗi” như vậy, tức là trong file đính kèm chẳng thấy tên tác giả đâu, địa chỉ cũng không nốt. 

Hàng ngày Người Biên Tập luôn nhận được lượng bài vở kha khá của cộng tác viên gửi về, cho nên việc lần tìm lại địa chỉ ở phong bì hoặc ở email rồi viết thư hỏi tên tác giả, địa chỉ tác giả là khá phức tạp, nhiêu khê. Vì vậy, Người Biên Tập xin nhắc lại rằng khi gửi bài, dù qua đường bưu điện hay qua email thì các bạn nên nhớ ghi tên mình ở trên, hoặc dưới mỗi bài thơ, kèm theo địa chỉ cụ thể để Người Biên Tập và tòa soạn còn tiện liên lạc, trao đổi. 

Còn nữa, khi các bạn dùng bút danh thì nên ghi tên thật của mình ở phần địa chỉ để tránh tình trạng tòa soạn gửi báo biếu và nhuận bút tới mà bưu điện không cho các bạn nhận vì bút danh không có trên chứng minh thư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác.

Riêng với các tác giả gửi bài qua email, Người Biên Tập muốn lưu ý thêm điều này: rất nhiều bạn đã đổ nội dung thẳng vào thư mà không có đính file kèm, việc ấy cũng gây khó khăn cho Người Biên Tập khi nhận bài, vì Người Biên Tập phải tạo file mới và coppy nội dung của các bạn vào đó. Người Biên Tập không ngại thao tác này, nhưng việc tạo file mới và coppy vào đấy, lại không có tên tác giả thì dễ dẫn tới sự nhầm lẫn đáng tiếc, chưa nói tới việc phải định dạng lại cách trình bày cho mỗi bài thơ, có thể sẽ không đúng với ý tác giả. Tốt nhất là các bạn gửi theo tệp tin đính kèm.

Trường hợp thứ hai: gửi đi gửi lại nhiều lần.

Người Biên Tập hay gặp trường hợp một số bạn gửi bài hôm trước, hôm sau gửi lại vì có chữa vài câu, vài chữ, hôm sau nữa lại gửi tiếp cũng vì lý do tiếp tục chữa thêm. Có bạn gửi đi gửi lại tới lần thứ sáu, khiến Người Biên Tập thật sự hoang mang là không biết đây đã phải lần cuối chưa, chính vì thế cũng chưa dám nghĩ đến việc sử dụng vì sợ khi báo in ra rồi tác giả vẫn còn “xin đổi bản thảo”. 

Điều đầu tiên cần nói, là Người Biên Tập vô cùng hoan nghênh, kính trọng việc chữa bài vì nó cho thấy tác giả rất kỹ trong nghề. Kỹ ở lĩnh vực nào thì còn phải xem, riêng văn chương mà kỹ thì đáng ca ngợi. Ngọc càng mài càng sáng, văn chương càng chữa càng có thể hay lên. Nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng của Trung Quốc là Viên Mai có viết trong Tùy Viên Thi Thoại thế này: “Chữa thơ khó hơn làm thơ, sao vậy? Là vì lúc làm thơ, ý hứng phát sinh trong đầu óc, dễ dàng mà làm nên bài, còn khi chữa thơ thì ý hứng đã qua rồi, đại cục đã xong rồi, chỉ còn một vài chữ không xong...” 

Nhưng chính Viên Mai cũng viết: “Thơ không thể không chữa mà cũng không thể chữa nhiều, sao cho vừa đúng là điều rất khó”. Người Biên Tập không bàn luận sâu vào hành động chữa thơ, ở đây chỉ xin nói một chút về việc gửi rồi lại chữa, rồi lại gửi, lại chữa. Cứ gửi rồi chữa rồi gửi như thế, nó cho thấy bạn là người cầu toàn nhưng lại cũng là người khá... nôn nóng. Vẫn biết tâm lý chung là khi mới viết xong một tác phẩm tác giả thường nghĩ nó đã hoàn chỉnh và muốn gửi đi in ngay. 

Nhưng trừ một vài trường hợp đặc biệt, viết là hoàn chỉnh ngay tắp lự, còn lại phần lớn các tác phẩm đều ẩn chứa “một vài chữ không xong” sau khi viết lần đầu và “một vài chữ không xong” này chỉ được phát hiện khi tác giả đọc lại. Cho nên Người Biên Tập rụt rè đề nghị thế này: khi viết xong, các bạn hãy cất sang một bên, để vài ngày sau, thậm chí vài tuần sau đọc lại, khi đó hẳn sẽ bình tĩnh, tỉnh táo hơn để biết tác phẩm có “một vài chữ không xong” không, nếu có thì sửa tiếp, nếu không thì khi đó mới ung dung gửi đi cũng chẳng muộn mằn gì. 

Việc chữa đi chữa lại nhiều lần trước mặt người khác, dù là Người Biên Tập, cũng dễ làm cho tác phẩm phần nào giảm đi cái sự thiêng. Nhà thơ càng hạn chế để người khác thấy công việc bếp núc thơ của mình càng tốt. Người Biên Tập nghĩ, thời gian sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm chính là cấp số nhân của thời gian tồn tại tác phẩm. Và thời gian đó phụ thuộc vào sự điềm tĩnh của tác giả.

Và, người làm thơ dường như cũng giống người đi câu. Người đi câu nhiều kinh nghiệm khi thấy phao nhấm nháy nửa chừng sẽ chẳng bao giờ vội vàng giật, mà chờ phao chìm lút xuống mới giật, khi đó chắc chắn là được cá. 

Người Biên Tập.


Gửi một cộng tác viên đặc biệt

Thứ sáu - 01/04/2011 04:12


Anh Vũ Tuấn thôn Cầu xã Trung Lương huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam thân mến! 
Thế là đã 9 năm BBT chúng tôi thường xuyên nhận được bài cộng tác từ anh. Khoảng thời gian 9 năm vốn không quá dài nhưng cũng không thật ngắn và lại càng không phải để thách đố lòng kiên trì với một người cầm bút.
Chúng tôi vẫn nhớ những bài thơ đầu tiên anh gửi tới BBT với nét bút dung dị, chan chứa tình cảm, tình yêu của một người thương binh luôn nặng lòng với trang thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những bài thơ ngắn, thể lục bát mang đậm dư vị ca dao, dân ca và ấm áp trong cái tình của người thơ miền chiêm chũng đồng bằng Bắc Bộ. Trong những hình ảnh, âm điệu và cảnh sắc ấy chúng tôi cảm nhận thấy một chút gì đó rất đỗi quen thuộc hình ảnh thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Đồng quê gió hát thì thào 
Muôn nẻo quần áo len vào hội xuân 
Rặng hoa chen nở tần ngần 
Cành cao trĩu tiếng chim tìm hiểu nhau 
Sợi mưa rụng ngọc trắng đầu 
Nắng nghiêng nghiêng đám rước dâu qua làng 
(Xuân Quê)
hay bài:
Nắng vàng giỡn bướm trên không 
Lúa non vờn gió dưới đồng lô xô 
Sóng xanh mê mải đùa nô 
Với vài nón trắng nhấp nhô mặt đồng 
Dập dìu câu hát bên sông 
Con đê uốn éo theo dòng người đi
(Đồng Quê) 
Những câu thơ nghiêng về thực tả, nhịp điệu đều đều phần nào đã vẽ lên được phong cảnh êm đềm của làng quê, xóm mạc. Tuy nhiên để tìm ra một nét chấm phá có tính chất đột khởi ở bức tranh phong cảnh đó thì lại chưa có. Nhìn vào đó người ta chỉ thấy có hai chiều là dài và rộng, còn chiều sâu thì mờ mờ bị che lấp hoặc nhìn mãi mà không hình dung ra được. Ở bài “Xuân Quê” với câu thứ 3: “Rặng hoa chen nở tần ngần” theo chúng tôi nên thay từ “chen” bằng “Xoan” thì có lẽ là hay và hợp lí hơn. Bởi: “Rặng hoa xoan nở tần ngần” sẽ làm tăng tính cụ thể, tạo điểm nhấn và đường nét cho thơ hơn, đồng thời người đọc cũng dễ dàng tiếp nhận hình ảnh này. Trong bài “Đồng quê” tác giả dùng từ “éo”- (Con đê uốn éo theo dòng người đi) là chưa hay. Nó mang nặng chất khẩu ngữ thường ngày, không tạo được sự mềm mại của câu thơ lục bát. Trong trường hợp này nên dùng từ “Lượn” là phù hợp. Vẫn ở những đề tài đã viết nhưng lần sau anh thử thể hiện bằng một số thể thơ khác, biết đâu lại có những hiệu quả khá hơn, vừa tạo ra được sự đa dạng trong sáng tác, vừa không bị gò vào thể lục bát, dễ làm nhưng lại khó hay. 
Nhìn vào những sáng tác trong 9 năm qua của anh, chúng tôi thấy cái tình là đậm đà hơn cả. Cái tình ấy đưa người đọc về với người mẹ quê hương yêu thương, về với mối tình thời trai trẻ đã thoảng trôi đi trong âm thầm lặng lẽ nhưng còn đọng lại đến bây giờ...về với cả những mơ ước trong hạnh phúc đời thường của bạn bè, của đồng đội và của chính mình. Điều đó thật đáng trân trọng. 
Vẫn biết rằng: “Khả năng của con người là có hạn, sự phát triển của văn chương là vô hạn” nhưng là những người làm công tác biên tập, chúng tôi vẫn chờ sự cố gắng nhiều hơn nữa trong sáng tác tiếp theo của anh. Và với tất cả những tình cảm, tình yêu mến anh dành cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong suốt 9 năm qua chúng tôi luôn coi anh là một cộng tác viên đặc biệt. 
Chúc anh vui khỏe, hạnh phúc và có nhiều sáng tác hay.
NGƯỜI BIÊN TẬP
http://vannghequandoi.com.vn/Tho-tren-ban-bien-tap/Nho-nho-chuyen-gui-bai-cong-tac-3228.html

Lặp lại ý như thế, nên chăng?

Thứ sáu - 01/04/2011 04:12

Anh Đinh Tiến Công, ở xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình gửi về Ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội bài Ngày trở về. Nguyên văn tác phẩm như sau:
Ngày trở về
1
Tôi sống sót trở về
Từ cối xay thịt khổng lồ
Thành Cổ Quảng Trị
Thịt xương đồng đội bốn phía chở che
Như chiếc hầm cá nhân
Tôi nghĩ thế!
Và tôi biết
Giờ chân tay của tôi là đồng đội cho
Ánh mắt nụ cười là đồng đội cho
Cả đầu óc trái tim tôi cũng đồng đội cho nốt 
2
Tôi trở về bởi chưng sống sót
Bởi chưng đồng đội chở che
Tôi mang theo ước mơ đồng đội
Nơi luống cày ruộng rẫy đồng quê
Tôi đã không giữ được lời thề
Trước cuộc đời dâu bể
Còm cõi mái tranh
Vợ con đói khổ
Câu thơ dầu dãi nắng mưa
Xin cúi đầu vái lạy đồng đội xưa…
Bài thơ thật thà như lời người sống nói với người đã khuất. Họ từng là đồng đội của nhau, từng chịu đựng bom đạn, đói khát, nắng khét mưa dầm ở Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm ác liệt. Tình, ý của tác giả gửi gắm vào bài thơ đã rõ, quá rõ: đó là sự tri ân biết ơn những người đã hy sinh và sự day dứt của người sống khi “không giữ được lời thề”. Một lời thề mà bất kể người cầm súng chiến đấu chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước nào cũng canh cánh trong lòng là quyết mang lại độc lập tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân trong đó có gia đình mình. Đó cũng chính là ước mơ của bao nhiêu người lính dám xả thân vì lý tưởng cao đẹp. Thế mà, sau cuộc chiến trở về có người lính đã không làm được điều đó để “Còm cõi mái tranh/ Vợ con đói khổ”. Chỉ mấy câu thơ thôi, nhưng cũng đủ làm ta rưng rưng suy nghĩ và cảm thông chia sẻ với thân phận không ít người lính sau chiến tranh. Vất vả đói nghèo vẫn đeo đẳng bản thân gia đình họ.
Tuy nhiên ở bài viết này chúng tôi không đi sâu phân tích hay bình giảng tác phẩm mà chỉ muốn góp ý với anh Đinh Tiến Công một vài điểm về mặt nghệ thuật.
Hạn chế rõ nhất, theo chúng tôi là sự lặp lại ý không cần thiết. Ở đoạn 1 bài thơ tác giả đã nói đến sự trở về của mình với lòng biết ơn đồng đội chở che: “ Tôi sống sót trở về/ Từ cối xay thịt khổng lồ/ Thành cổ Quảng Trị/ Thịt xương đồng đội bốn phía chở che/ Như chiếc hầm cá nhân…” .Tiếp đó, anh đã viết rất xúc động về tấm lòng tri ân của mình đối với đồng đội đã hy sinh: “ Và tôi biết/ Giờ chân tay của tôi là đồng đội cho/ Ánh mắt nụ cười là đồng đội cho/ Cả đầu óc trái tim cũng đồng đội cho nốt”. Thế là đủ để người đọc hình dung ngẫm nghĩ về tình cảm ý niệm của anh.
Nhưng ở đoạn 2 tác giả lặp lại ý trên nhưng sơ lược và không có tác dụng nâng cao hay nhấn mạnh ý đoạn 1. “Tôi trở về bởi chưng sống sót/ Bởi chưng đồng đội chở che”. Nó bị thừa. Thơ tối ky cái sự nói hết và nói thừa anh ạ. Vì thế có thể cắt 2 câu thơ đó. Theo chúng tôi, ở đoạn 2 của bài thơ nên sửa lại thế này:
Tôi trở về
Mang theo ước mơ đồng đội
Nơi luống cày ruộng rẫy đồng quê
Tôi đã không giữ được lời thề
Trước cuộc đời dâu bể
Còm cõi mái tranh
Vợ con đói khổ
Câu thơ dầu dãi nắng mưa
Xin cúi đầu vái lạy đồng đội xưa…
Đấy là những góp ý mang tính chủ quan của chúng tôi. Quyền chấp nhận là của tác giả, anh Đinh Tiến Công ạ. Chúc anh tiếp tục sáng tác thành công. 
NGƯỜI BIÊN TẬP

“Nhân vật” trong thơ

Thứ tư - 02/11/2011 15:42


Bạn Đào Đại Long sinh năm 1989 ở Thanh Miện, Hải Dương vừa gửi đến tòa soạn bài thơ “Con bướm trắng”. Đọc bài thơ này, Người Biên Tập bỗng thấy “chột dạ” và có gì đó vương vấn đến mối sầu về Người hàng xóm đã hóa thành bướm trắng trong thơ Nguyễn Bính thuở nào: “Hồn trinh còn ở trần gian/ Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”. Phải nói rằng bạn đã thâu liễm khá tốt toàn bộ câu chuyện của Người hàng xóm để biến thành Con bướm trắng cho mình: Hồn ai nặng một lời thề/ Hóa thành bướm trắng bay về bên tôi. Điều đó sẽ đạt yêu cầu nếu bạn là người thợ thủ công thuần túy đang làm ra mặt hàng có mẫu sẵn, còn đối với văn chương thì không phải như vậy (văn chương được coi là một quá trình sáng tạo mang tính đơn nhất, đòi hỏi người viết không lặp lại chính mình, càng không lặp lại người khác…) và Người Biên Tập luôn chờ đợi, kì vọng tới sự nhiệt tâm sáng tạo ở một người trẻ như bạn.
Trong bài thơ “Nuối tiếc” của tác giả Nguyễn Hữu Văn, Người Biên Tập lại gặp đôi chút khó xử: “Ngôi trường, dốc sỏi, bài ca/ Cây đa còn đó người xa mất rồi/ Người đi vơi cạn lòng tôi/ Đắn đo cho lắm để rồi nát tan/ Cúi chào Cụ “bước sang ngang”/ Sao tôi chậm chạp để nàng phải đi/ Cụ dạy từng chữ từng ly/ Sao tôi chẳng hiểu chút gì nàng ơi/ “Khuôn trăng đầy đặn” nụ cười/ Tưởng người yêu dấu hóa người phương xa/ Nhìn vầng trăng khuyết bay qua/ Nhìn cây chuối úa sau nhà buồn tênh”. Một bài thơ ngắn nhưng người viết lại dùng rất nhiều cách xưng hô để nói về nhân vật chính. Đầu tiên là “người” tiếp sau là “Cụ” và “nàng” làm cho Người Biên Tập phải trông lên, nhìn xuống mới tìm ra được “logic” của niềm Nuối tiếc. Hẳn nhân vật “Cụ” ở đây là một cô giáo được tác giả yêu thương nhưng khi trong lòng còn đôi chút đắn đo do dự thì thuyền tình đã sang ngang nên để lại nhiều nỗi xa xót, ân hận. Điều muốn nói là có nhất thiết tác giả phải gọi tên cô gái và dùng cả chữ “nàng” ở phía dưới hay không, vì những câu trên đều đã dùng chữ “người”. Đối với một văn bản, đặc biệt là thơ thì tính nhất thể càng cao, độ hàm xúc càng lớn, chỉ trong trường hợp bất khả kháng người viết mới sử dụng những cách gọi nhân vật khác nhau để tạo sự đa dạng cho phù hợp với cung bậc cảm xúc, cũng như tính cách, cá tính nhân vật.
Cuộc sống luôn đem lại cho người viết muôn vàn cảm xúc. Cảm xúc ấy có thể là những gì ta bắt gặp hàng ngày, có thể xuất phát từ một tác phẩm văn học quen thuộc, hay từ dấu ấn, kỉ niệm của cuộc đời… nhưng sử dụng nguồn cảm xúc ấy như thế nào để tạo ra một tác phẩm có dấu ấn của riêng mình mới là điều khó và không phải ai cũng làm được.
Người Biên Tập

Cảm xúc trong những bài thơ đầu tay

Thứ sáu - 01/04/2011 04:12

Phần nhiều những người trẻ khi mới cầm bút làm thơ đều có lợi thế lớn về cảm xúc. Cái thế giới tưởng tượng của mở ra được trong tâm trí người đọc chính là nhờ vào sự dẫn dắt của cảm xúc. Cũng vì thế mà cảm xúc luôn rất quan trọng và cần thiết đối với những bài thơ đầu tay.
Bạn Vũ Nguyễn Nam Khuê đang là học sinh lớp 10C1 trường THPT chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ đã gửi về ban biên tập một chùm thơ dự thi ba bài: (Khoảng ngày tàn; Lặng ngắm quê tôi; Đàn Guitar không dây).Trong đó đáng kể nhất là bài thơ Đàn guitar không dây. Bài thơ có cách lập tứ khá mới. Cây đàn guitar không dây nhưng vẫn ngân lên những bản tình ca, những giai điệu trầm bổng trầm trong tâm trí người đọc. Hẳn nếu nghe kỹ những bài ca đó ta sẽ thấy rằng bài ca và giai điệu ấy không phải ngân lên từ sáu dây đàn thực mà nó ngân lên từ chính trong lòng tác giả. Điều này chỉ khi đến cao trào của xa xót, nuối tiếc chúng ta mới thấy những thảng thốt bật ra thành tiếng:
Đàn guitar không dây
Lấy dây nào để nối cho tất cả/ Lấy dây nào để nối được bài ca.
Đoạn thơ dưới đây lại có cấu tứ khá chặt và ít nhiều thể hiện chất lấp lánh của một hồn thơ trẻ:
Còn gì không giữa khoảng trống mênh mông của bình minh và đêm tối
Khoảng trống giản đơn của sáu dây đàn – sáu canh giờ vụt qua rất vội
Từng dây buông....
Em có nghe có những tiếng bình thường và phẳng lặng
Tựa mặt đàn gỗ lắng những phong ba
Tựa lớp sơn ngoài phủ lên xù xì đàn bé nhỏ
Anh rất cần vẻ thật thà của buổi chiều cuối ngõ
Gõ cửa chút lặng im...
Sau thanh âm ồn ào và xôn xao anh đã đi tìm
Sáu dây đàn của niềm tin ước mơ khao khát
Đã đảo chao! Ôi mất luôn cả ngọt ngào đắng cay cùng giấc say để ngày mai tỉnh dậy.
Nhược điểm trong bài thơ này theo chúng tôi chính là tính liên kết còn nhẹ, rời rạc, nhiều câu thừa, nhiều câu không rõ nghĩa vô tình đã làm đuối hụt cho cả bài thơ. Ban biên tập hi vọng bạn sớm trưởng thành và gửi cho chúng tôi nhiều sáng tác mới.
Bạn Hoàng Thị Ngà từ Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì - Hà Tây gửi đến ban biên tập 21 bài thơ dự thi đầu tay. Thơ bạn mộc mạc, chân thực, có chất thơ và chất đời sống, nhiều câu thơ, bài thơ tuy hơi cũ nhưng tạo được cảm giác cùng sự rung động nhẹ nhàng: Lần đầu tiên khâu áo/ Cho một người con trai/ Sao thấy mình lúng túng/ Cầm kim cứ rơi hoài (Tình người khâu áo), hoặc cái tình trong bài Nhớ quêCon đâu ngờ giữa thành phố mưa rơi/ Ngọn đèn nhà ai vượt qua ô của kín/ Chuyến tàu đêm nay người đi đông nghịt/ Len lỏi giữa dòng con ngơ ngác/ Đọc tên ga quê mình. Dẫu vậy còn khá nhiều điểm phải bàn về tứ thơ, giọng thơ, ngôn ngữ thơ...trong những trang viết đầu tay này của bạn.
Cảm xúc là cái làm nên thơ của bạn nên cũng không thể thiếu trong thơ. Làm thơ mà không có cảm xúc thì đơn giản những bài thơ viết ra chỉ là cái xác chữ vô hồn. Nhưng thiết nghĩ cảm xúc cũng chỉ là một vườn hoa đẹp, nhiều hương sắc dễ làm cho người đọc mê mẩn mà cũng dễ làm cho người đọc nhàm chán, vì thế không nên lệ thuộc quá nhiều và coi cảm xúc là tất cả.
Những trang viết đầu tay gửi tới ban biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội khá nhiều, chúng tôi cũng hi vọng đây là nơi cho các bạn thử sức và khẳng định khả năng văn chương của bản thân. Mong tiếp tục nhận được nhiều cộng tác từ các bạn.
NGƯỜI BIÊN TẬP.


No comments:

Post a Comment