Tuesday, August 26, 2014

Pháp Sư Tịnh Không.



Không phải tôi tán thán cư sĩ Lý Mộc Nguyên mà mọi người đều công nhận ông là Bồ tát tái lai, không phải người thông thường. Ông không bao giờ có chút tâm riêng tư, danh vọng lợi dưỡng, năm dục... sáu trần thảy đều buông bỏ, khởi tâm động niệm hành vi việc làm đều vì Phật pháp, vì chúng sanh. Một người lãnh đạo như vậy, một thiện tri thức như vậy, tôi đi qua rất nhiều khu vực quốc gia khác, xem thấy rất nhiều đạo tràng nhưng chưa hề thấy qua. Vì vậy khi ông đến tìm, tôi không thể không thuận. Cũng như đầu tư mua bán, nếu gặp ông chủ tốt, có đạo nghĩa, không đến thì có lỗi với ông. Nếu ông có lòng riêng tư, có mục đích, có mưu đồ, tôi nhất định không gặp. Thuần túy vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì an định xã hội, vì mong cầu hòa bình thế giới, tâm nguyện thuần tịnh vĩ đại như vậy, nếu chúng ta không dốc hết chút sức mọn đến giúp đỡ thì cũng có lỗi với đạo tràng và có lỗi với đại chúng xã hội. HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Lần 10, tập 4.
Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư (P9) Cư sĩ Lý Mộc Nguyên Chuyển Tế Bào Ung Thư Thành Rừng Công Đức. Biến trở lực thành động lực. Ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu một câu chuyện người thực, việc thực. Đây là câu chuyện cảm ứng nhờ lòng tin vào sức Phật của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, một Hoa kiều ở Singapore. Ông dùng lòng tin và nghị lực hết sức kiên cường của mình để niệm Phật A Di Đà, và đem thân tâm cống hiến cho chúng sinh, cống hiến cho Phật giáo, nhờ đó đột phá được bệnh ung thư, cũng như bệnh tim nghiêm trọng của mình. Ông không những không bị ma bệnh đánh ngã, mà còn dùng ung bướu như máy bơm, tạo ra sức mạnh hoạt động, nỗ lực hoằng dương Phật giáo. Ông không những mở ra con đường học Phật rộng rãi, tươi sáng cho Singapore, mà còn đem lại một nguồn năng lượng lớn, nhằm củng cố niềm tin và khích lệ cho chúng ta, những người đồng cảnh ngộ. Tìm cầu chân lý, làm tròn đạo hiếu. Vị cư sĩ họ Lý này là người nhiệt thành, hào sảng. Ông từ nhỏ đã thích tìm hiểu chân lý, phàm việc gì cũng tìm chứng cứ xác thực, mà không tin theo một cách mù quáng. Ông cũng rất hiếu thảo. Khi nghe mẹ mắc bệnh ung thư, tất cả mọi việc, dù là nhỏ nhặt trong cuộc sống, như đút cơm, dọn rửa tiểu tiện v.v…, ông đều đích thân làm. Trong ba năm chăm sóc bệnh cho mẹ, ông có nhân duyên được tiếp xúc với Phật pháp, cũng đích thân thể nghiệm được diệu dụng của niệm Phật. Ban đầu cha của ông cực lực phản đối việc ông tin Phật học Kinh. Chẳng qua ông rất dễ thương, biết cha mình như vậy, nên học thuộc lòng Kinh, rồi lúc tụng kinh lại cầm tờ báo, giả như đang xem báo, mà thực ra trong lòng đang đọc thầm Kinh văn. Ông tuy có duyên tiếp xúc với Phật pháp, cũng rất nhiệt tình phục vụ cho Phật giáo và đại chúng, nhưng khi sư phụ khuyên ông ăn chay, ông lại bảo: “Con ghét nhất là ăn chay.Tại sao đang bình thường như vậy lại đi ăn cỏ?” Ông thèm ăn thịt cá, mà lại còn ăn rất nhiều, nên trọng lượng thân thể từng lên đến chín mươi ký lô, vòng eo số 48. Có người chọc ghẹo, bảo ông mua quần áo một lần phải mua hai bộ, một bên mặc một bộ! Ung thư di căn, ho ra máu. Bác sĩ bảo sống không quá sáu tháng. Năm 1982, ông bỗng nhiên ho ra máu. Sau kết quả kiểm tra, bác sĩ cho biết là ông bị lao phổi. Nhưng sau khi trải qua một thời gian điều trị bệnh lao, bệnh tình ông không chút thuyên giảm. Lúc đó đi bệnh viện kiểm tra kỹ thêm nữa, mới phát hiện là bệnh ung thư! Phổi của ông chẳng những có bướu, mà ngay cả ruột cũng có bướu, thậm chí trong tạng phủ cũng có hiện tượng di căn! Bác sĩ bảo bệnh tình khó có hy vọng, chỉ có thể sống không quá sáu tháng. Ông là một người rất có trí tuệ, đã chứng minh được lòng tin sâu sắc của mình đối với sức Phật trước cửa ải sinh tử này. Sau khi ông ho ra máu, sư phụ cũng khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông không chịu. Ông phát tâm vì đại chúng phục vụ, quyết không thể bỏ dở nửa chừng. Ông bảo “Con không quan tâm gì cả, con chỉ nhất tâm niệm Phật.” Ông biết bệnh tình nghiêm trọng, nên giao phó hết sự nghiệp cho vợ quản lý kinh doanh, ngay cả thẻ tín dụng ông cũng trả lại ngân hàng. Sau đó ông một lòng đem sinh mệnh của mình ra phụng sự Phật giáo, sống một ngày là cống hiến một ngày, an tâm niệm Phật, quyết chí vãng sinh thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Ngay trong hiện tại ông đã sống trên đất Tịnh độ, trong ánh từ quang an lành của đức Phật. Ông phục vụ tình nguyện trong Hội Phật Giáo Cư Sĩ Lâm. Tất cả các hoạt động hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sinh, ông đều đem sinh mệnh mình ra thực hiện. Ông bảo: “Tôi đã đem thân này giao cho long thiên hộ Pháp rồi!” Ông tin Phật pháp, cho rằng tâm thanh tịnh, thì không có bệnh. Ông nghe lời sư phụ khai thị: “Phải kiểm điểm lại tâm niệm của mình. Nếu làm vì bản thân mình thì đó là ma, nếu làm vì đại chúng thì đó là Phật.” Ông tuân theo nguyên tắc này vì đại chúng phục vụ. Kết quả trải qua sáu tháng, thậm chí đến sáu năm, rồi mười năm, mà ông vẫn không bệnh, không chết! Cho đến hiện giờ ông vẫn sống rất khoẻ, lại còn thường tổ chức đoàn Phật tử đi Trung Quốc đại lục, hộ trì Phật pháp nơi này. Ông hiện nay là hội trưởng Hội Cư Sĩ Lâm Singapore, lễ thỉnh Pháp sư Tịnh Không ra sức hoằng dương Pháp môn Tịnh độ, lại còn định thành lập làng Di Đà, mỗi ngày đều hoạt động tinh tấn. Năm 1988, nhân Tổng Hội Phật giáo tại Singapore có tổ chức giớí đàn, sư phụ mong ông hộ trì, phát động mọi người thọ giới. Ông nghĩ: Nếu mình khuyên mọi người thọ giới, thì mình cũng phải phát tâm thọ giới. Sư phụ khuyên ông thọ Bồ tát giới, nhưng lúc đó ông còn rất thích ăn thịt, nên thưa với sư phụ rằng, ông chỉ có thể ăn chay được mỗi tháng mười ngày mà thôi. Lúc đến giới tràng, ông bị một vị thầy quở rằng: “Làm Bồ tát gì, mà còn ăn thịt chúng sinh!” Sau khi thọ giới, trước khi ra về, ông gọi điện về nhà bảo vợ chuẩn bị cơm canh cá thịt để đợi ông. Kể nghe cũng lạ, khi ông về đến, cảm thấy trong nhà có mùi hôi, giống như mùi chuột chết, nhưng lại tìm không ra xác con chuột nào cả. Sau đó ông mới phát hiện, mùi hôi đó xuất phát từ nồi thịt kho mà thường ngày ông thích ăn! Từ đó về sau, ông chỉ cần ngửi đến mùi thịt, thì cảm thấy là mùi chuột chết, tự động không dám ăn. Ông bảo: “Chính tôi cũng không dám tin, một người ham ăn thịt như mình, rốt cuộc lại có thể ăn chay!” Đây chính là chỗ bất khả tư nghì trong Phật Pháp! Buông xả bản thân, vì Phật giáo. Khắc phục bệnh tim nghiêm trọng. Lý cư sĩ không những có bệnh ung thư mà còn có bệnh tim mạch, bệnh cao máu và bệnh tiểu đường nghiêm trọng. Ba mạch máu tim của ông bị nghẽn. Hai sợi trong đó bị nghẽn đến chín mươi lăm phần trăm. Một sợi bị nghẽn chín mươi phần trăm. Bác sĩ bảo ông phải mổ, vì nó hết sức nguy hiểm, có thể khiến cơ tim bị xơ cứng bất ngờ, đưa đến cái chết đột ngột. Ngày ông định đi nhập viện giải phẫu tim cũng là ngày giới Phật giáo có việc rất quan trọng cần ông giúp đỡ. Ông nghĩ chắc Bồ tát bảo mình đừng đi mổ, cho nên đến trước bàn Phật thắp hương thưa: Con không đi mổ nữa! Sau đó ông gọi điện đến bệnh viện hủy bỏ ca mổ tim này, đi lo việc Phật sự. Giữa việc mình và việc đại chúng, ông đã chọn vì Phật giáo, vì đại chúng, không nghĩ gì đến việc lợi hại, đắc thất cá nhân, ngay cả việc sống chết của bản thân mình cũng buông xuống! Chỉ cần việc có ích cho chúng sinh là nhiệt thành, đích thân thực hiện. Ông mỗi ngày niệm Phật, không tiếc sức mình vì Phật giáo, vì đại chúng phục vụ. Ông không những lo Hội Phật Giáo Cư Sĩ Lâm, thư viện Phật học, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng Phật pháp, từ lớp giáo lý cho trẻ em, đến lớp người già, chăm sóc cho họ, dạy họ niệm Phật, thậm chí ông còn đến nhà tù giảng dạy Phật pháp, đi trợ niệm cho người lâm chung và giúp người chết tắm gội, thay y phục…, chỉ cần là việc lợi ích, giúp chúng sinh học Phật, ông đều làm một cách nhiệt tình và cẩn thận chắc chắn. Kết quả bệnh ung thư của ông không sao, mà bệnh tim cũng không cần phải mổ, tự nhiên khỏi hẳn! Sau đó ông đi bác sĩ kiểm tra lại, được biết ba mạch máu tim bị nghẽn đã tự nhiên trở lại bình thường, còn thân thể càng lúc càng mạnh khoẻ. Ông mỗi ngày có thể bơi đến một ngàn năm trăm mét, thậm chí có thể mỗi lần bơi đến năm ngàn mét. Ngồi thuyền mọi người cảm thấy say sóng, riêng ông thì không, lại còn có thể giúp bác sĩ chăm sóc người bệnh! Đi Trung Quốc đại lục đến vùng giá rét, ông mặc rất ít mà vẫn không cảm thấy lạnh. Không phải là phép mầu, mà do nguồn tâm tiêu diệt gốc bệnh, khiến tế bào tổ chức mới trở lại. Bác sĩ và mọi người nói chung đều cho rằng trường hợp của ông là phép mầu. Nhưng Pháp sư Tịnh Không bảo: “Đây không phải là phép mầu, đây là hiện tượng bình thường. Chúng ta bệnh, suy già đều vì trong lòng của mình có các độc tố như tham, sân, si, lại thêm các thứ ô nhiễm và mê lầm, vì vậy có bệnh, có già.” Pháp sư cho rằng bệnh của Lý cư sĩ sở dĩ khỏi là vì ông dứt sạch những chất độc bệnh tật bên trong, khiến tâm trở nên thanh tịnh, chân thành và từ bi. Do đó, tế bào toàn thân của ông mới tự động tổ chức, sắp xếp trở lại, thân thể cũng tự nhiên hồi phục sức khoẻ. Bị vu cáo, chịu trắc trở, càng dũng mãnh tinh tấn. Ông buông xả tất cả tâm tư, ham muốn cá nhân, chỉ hết lòng niệm Phật, vì đại chúng phục vụ. Do đó ông không những cải thiện được bệnh tình, khoẻ mạnh trở lại, mà còn có thể khắc phục mọi chướng ngại, khó khăn của hoàn cảnh xung quanh. Ông tình nguyện đem hết sức mình phục vụ Phật giáo, song lại bị một số người hiểu lầm, thậm chí vu cho ông là tham ô, rồi đi thưa kiện. Ông bị cục điều tra Singapore tra xét, thẩm vấn đến mười ba lần. Kết quả nhân viên cục điều tra không những chứng thực ông không có tham ô, mà còn cảm động vì ông, nên bảo ông đi thưa trở lại những người đã vu cáo mình. Nhưng ông bảo: “Tôi đã thọ giới Bồ tát, tôi không muốn làm như vậy!” Ông chỉ một lòng giúp đỡ chúng sinh học Phật, không muốn cùng chúng sinh kết duyên ác. Tuy gặp rất nhiều trắc trở, chướng ngại, nhưng ông đều không có thoái tâm, trái lại càng tin tấn dũng mãnh vì Phật giáo, vì chúng sing mà cống hiến, phục vụ. Niệm Phật hoá giải tai hoạ tù tội. Ông cho rằng nghiệp chướng của mình còn rất nặng, nên cần phải siêng năng niệm Phật. Ngay ngày quy y, ông cũng gặp phải chướng ngại. Mỗi lần gặp chướng ngại, ông càng chứng thực sự bất khả tư nghì của sức niệm Phật, càng tăng trưởng niềm tin đối với công đức niệm Phật. Lúc trước ở Singapore, cây xăng còn chưa có nhiều, cho nên ông lái xe đều chuẩn bị thêm một bình xăng dự bị để ở thùng xe sau. Chúng ta biết tình hình an ninh ở Singapore trước giờ rất tốt, có tiếng trên thế giới. Cảnh sát lúc nào cũng chú ý đến sự an toàn của người dân. Ngày quy y, ông gặp cảnh sát chặn xe lại giữa đường xét hòi. Cảnh sát thấy sau thùng xe của ông có một thùng xăng, lại có chiếc áo tràng màu đen, nghi rằng ông đi đốt nhà, cướp giật, nên đưa ông về trạm giam ở cục cảnh sát. Cảnh sát nói với ông rằng: “Hôm nay là thứ bảy, cảnh sát trưởng không đến. Ngày mai là chủ nhật, thứ hai là ngày lễ Quốc khánh, thứ ba ông phải ra toà! ” Ông vì vậy bị đưa vào trại tạm giam. Trong đó đã có hai người tuổi khá lớn, là dân đạp xe ba bánh, vì cờ bạc mà bị bắt. Lý cư sĩ suy nghĩ: Ở trong đây phải làm sao đây? Ông bắt đầu lớn tiếng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lại còn mời hai vị đạp xe ba bánh cùng niệm. Hai vị này không thèm để ý, ông càng lúc càng niệm lớn tiếng. Ông lại nhớ đến lúc quy y, Pháp sư Diễn Bồi có nói: “Hôm nay là muời chín tháng sáu, mọi người ngoài việc niệm thánh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm, cũng có thể niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà.” Do đó, ông lại lớn tiếng niệm: A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…, niệm đến hơn mười một giờ, có một vị cảnh sát đến mở cửa, bảo với ông: “Ông ra ngoài, cảnh sát trưởng cho gọi.”Ông cảm thấy rất lạ, vừa rồi cảnh sát mới nói, hôm nay là thứ sáu, cảnh sát trưởng không đến. Sao bây giờ lại đến? Ông bước ra ngoài xem, cảnh sát trưởng mới hơn ba mươi tuổi. Cảnh sát trưởng hỏi: Sao ông bị bắt? Ông đáp: Tôi trên xe có để thêm một thùng xăng, họ bảo tôi đi đốt nhà. Tôi lại có mang chiếc áo tràng màu đen, họ bảo tôi định đi ăn cướp. Ông lại chỉ chiếc áo tràng, rồi nói với viên cảnh sát: Ông xem, tay áo tràng này rộng như vậy, nếu đi ăn cướp thì chạy thực bất tiện, sẽ vấp ngã! Cảnh sát trưởng lại hỏi: Họ có đối xử không tốt với ông không? Ông đáp: “Không có.” Cảnh sát trưởng bảo: “Vậy thì ông có thể ra về.” Cảnh sát trưởng còn bảo một cảnh sát giúp ông mang bình xăng để lại trên xe. Trước khi ra về, Lý cư sĩ còn trở lại phòng tạm giam, bảo với hai người bị giam chung khi nãy: “Các ông thấy không, tôi niệm Phật có thể được ra. Còn các ông lại không chịu niệm, không chịu tin lời tôi!” Tâm thay đổi, vận mệnh thay đổi; thân và hoàn cảnh cũng thay đổi. Lý cư sĩ cả đời gặp nhiều chướng ngại, nhưng tin vào sức Phật, chưa từng thoái chí nản lòng. Ông kiên trì dùng sức niệm Phật và sức phát nguyện để chiến thắng sức nghiệp. Có một lần đi núi Cửu Hoa ở Trung Quốc đại lục, ông gặp một người rất giỏi về bói toán. Người này bảo: Ông sẽ bị liệt, không thể đi được. Vị ấy còn khuyên ông mau mau trở về. Lý cư sĩ đáp: “Tôi tin Phật và Bồ tát! Tôi không tin cũng như không quan tâm đến chuyện đó!” Từ việc này đến việc khác, ông đã chứng minh cho chúng ta thấy sức mạnh của lòng tin và tâm nguyện niệm Phật, nhất định thắng được sức nghiệp. Ông không những không bị liệt, lại còn đi đứng nhanh nhẹn. Tâm của ông đã chuyển hoá, thân thể theo đó đổi thay, thế giới hoàn cảnh cũng thay đổi. Buông bỏ những thứ không mang được. Siêng tu công đức mang theo được. Chúng ta phải hiểu danh lợi và quyến thuộc trên thế gian đều là những thứ không mang theo đựơc. Chỉ có công đức, phước đức tu hành mới mang theo được, sử dụng được. Ông đã phán đoán, lựa chọn rất có trí tuệ. Ông chọn buông xả danh lợi, là những thứ không mang theo được; chọn dùng sinh mệnh để gieo nhân lành, tu tập tất cả công đức, là những thứ mang theo được. Nếu chúng ta liên tục gieo trồng hạt giống tốt vãng sinh Tây Phương thành Phật, thì nhất định có thể sinh về thế giới Cực Lạc và đều được thành Phật. Đây là quả báo tốt đẹp nhất. Phật A Di Đà, Công đức không lường. Một niệm tương ưng, Sáng toả mười phương. Phóng sinh là để lòng từ bi phát sinh và cũng để cứu lấy sinh mệnh mình.

Buddha Day Ceremonies.