“Yêu thương con đúng cách” (YTCĐC) là một cuốn sách đặc biệt – một tác phẩm giáo dục được viết bởi một nhà sư – tỳ khưu Panyananda, một cuốn cẩm nang hướng dẫn đầy đủ, súc tích về cách áp dụng đạo Phật vào việc nuôi dạy trẻ từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành. Kể từ khi xuất bản lần đầu tại Việt Nam (2014) đến nay, YTCĐC đã đồng hành với các thầy cô, cha mẹ lựa chọn phương cách tự hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng trẻ với một tình yêu thuần khiết.
Có lẽ hơi khó định nghĩa nuôi dưỡng trẻ với một tình yêu thuần khiết là gì, song những ai đã chọn Cuốn sách này làm cẩm nang hướng dẫn cho mình trong việc nuôi dạy trẻ hẳn sẽ đồng ý những điều sau:
- Cuộc sống của trẻ rất khác với người lớn. Đó là một cuộc sống vô cùng đơn giản; chân thành, trung thực và rõ ràng, không có sự giả dối và những rắc rối phức tạp song cũng không có tự do.
Trẻ luôn phụ thuộc vào cha mẹ và những người chăm sóc trẻ. - Chính chúng ta (cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ) – không ai khác, phải làm tấm gương cho con, con cái là sự phản chiếu hình ảnh của mình. Cần đặc biệt cẩn thận khi đứng trước “máy quay”, tức là con cái mình. Đừng bao giờ nghĩ, nói hay làm bất cứ điều gì không tốt trước mặt con cái.
- Cha mẹ có hiểu biết sẽ tìm được cách điều chỉnh con cái, không phải lúc nào cũng để trẻ tự làm theo cách của mình bởi vì trẻ chưa đủ khôn ngoan để biết điều gì là đúng và điều gì là sai. Người lớn thực sự nên là tai mắt của trẻ.
Bằng việc kể các câu chuyện mà Tỳ khưu Panyananda đã gặp trong đời với lối diễn đạt đơn giản mà súc tích, Sư đã giúp người đọc nhận ra được nhiều điều. Nếu như ở bức thư thứ nhất Sư viết rằng: chúng ta yêu con nhưng chúng ta cần phải biết phạt con và phải đủ sức răn đe để trẻ biết phải suy nghĩ trước khi mắc lại sai lầm thì ở một số bức thư sau đó, Sư đã dẫn chứng cho chúng ta thấy được sự nguy hại khi trừng phạt quá nghiêm khắc và 14 điều nên nhớ khi xử phạt trẻ.
Trong 38 bức thư in trong sách, đã có rất nhiều tình huống được đề cập: khi trẻ tỏ ra đố kị, bướng bỉnh, hành động như một kẻ hung hăng, hay bắt nạt, hoặc trẻ là nạn nhân thì bạn nên ứng xử ra sao?; khi trẻ có sự khiếp sợ trong tâm trí (vd: sợ ma, …) thì bạn phải làm thế nào?; những điều đầu tiên cha mẹ nên dạy trẻ là gì?; cách nào để dạy trẻ tự lập, mạnh dạn, kiên nhẫn, nói sự thật, biết đúng giờ và hiểu giá trị của thời gian, không tham lam và biết tôn trọng tài sản của người khác …; những đức tính tốt như: khiêm nhường biết ơn, tha thứ, đoàn kết, tiết kiệm … nên được huân tập như thế nào cho có hiệu quả. Các “thử thách” đối với cha mẹ trong việc nuôi dạy con khi có sự can thiệp của chính cha mẹ mình (tức là ông bà của lũ trẻ) cũng được Sư đề cập trong cuốn sách này.
Người đọc sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đọc các phân tích của Sư trước các tình huống được nêu ra. Vậy tại sao một người chưa từng lập gia đình, chưa từng có con có thể đưa ra những lời khuyên như vậy, liệu chúng có hiệu quả hay không? Tất cả sẽ được giải đáp khi bạn đọc, hiểu và kiểm chứng những lời khuyên này trong thực tế (cho dù bạn có phải là một Phật tử hay không).
Trẻ em giống như cây nho, chúng có xu hướng leo lên và bám những gì gần nhất. Trách nhiệm nuôi dạy con đặt lên vai cha mẹ. Đừng bỏ bê trách nhiệm trực tiếp của bạn vì kết quả trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới con và chính bạn. Đừng để ai làm bạn sau này cảm thấy tồi tệ bởi họ đã chê bạn không biết dạy con. Hãy nuôi dưỡng trẻ với một tình yêu thuần khiết bằng việc chỉ dạy cho trẻ sống đúng cách để “có được một tương lai tươi sáng”.
Samanta trân trọng giới thiệu tới Bạn cuốn sách “Yêu thương con đúng cách” – một cách nhìn nhận khác về việc nuôi dạy con, một cách nhìn sâu sắc và từ bi của Đạo Phật
TRÍCH ĐOẠN TRONG SÁCH:
[HIỂU RÕ trẻ và các đặc tính tự nhiên của trẻ]
“Để nuôi dưỡng trẻ và làm tốt công việc đó, chúng ta phải có hiểu biết đúng đắn về trẻ và những gì trẻ muốn. Điều này cũng giống như một người muốn trồng trọt, phải học để hiểu về đất, khí hậu và những loại cây mà người đó muốn trồng. Còn nếu ai đó muốn nuôi chó, họ phải biết đặc điểm tự nhiên của con chó để có thể huấn luyện nó cho đúng.
Ngày nay, nhiều người thích nuôi các loại chó ngoại to nhỏ khác nhau và bán với giá cao. Nhiều nhà có tới vài con chó. Họ cần các cuốn sách hướng dẫn cách huấn luyện từng giống chó cụ thể. Và họ thực sự có thể huấn luyện những con chó đó. Một số người có thể không bao giờ dạy con mình nhưng lại có thể huấn luyện được những con chó tốt. Lý do có thể làm được điều đó là bởi vì họ đã nghiên cứu và hiểu rõ các vấn đề về chó. Nếu có kỹ năng về việc mình làm, chúng ta sẽ có thể làm tốt việc đó.
Phần lớn các bậc cha mẹ nuôi con mình theo cách họ đã được thấy ở người khác. Họ không làm theo bất kỳ nguyên tắc hay hướng dẫn nào. Ai đó có con thành đạt trong cuộc sống, nếu hỏi họ cách nuôi dạy con cái tốt, họ sẽ lúng túng khi đưa ra câu trả lời. Bởi vì họ không có tài liệu nào về cách họ đã làm. Một số thậm chí còn tệ hơn khi họ không để ý gì cả và chỉ để mặc mọi thứ xuôi theo số phận. Họ cho rằng tất cả phụ thuộc vào may rủi. Suy nghĩ như vậy thật sai lầm. Nói mọi thứ phụ thuộc vào may rủi nhưng thực tế, chúng phụ thuộc vào hành động. Cuộc đời của con cái là kết quả của những hành động của cha mẹ. Khi cha mẹ có trách nhiệm với sự ra đời của con, việc nuôi dạy chúng thành người tốt trong tương lai cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất.”
[Người thầy đầu tiên của con]
Các bậc cha mẹ thân mến.
Xin hãy lắng nghe những gì tôi nói. Đó là tiếng nói của những ước vọng tốt đẹp trong tôi. Cách duy nhất là hãy lắng nghe và làm theo bởi ngay lúc này đây, tôi sẽ nói cho bạn tất cả những gì tôi biết.
Tôi đang kêu gọi các bạn, những người làm cha làm mẹ, bởi các bạn đã sinh ra những cô bé, cậu bé tuyệt vời. Các bạn yêu con và tự hào rằng cuối cùng bạn đã có những đứa con của chính mình. Tất cả các bậc cha mẹ đều yêu thương con cái và muốn con cái trở nên hạnh phúc. Không ai chủ ý làm điều gì không hay cho những đứa con của mình. Đó là một thực tế hiển nhiên. Song tình yêu của cha mẹ cũng giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể hữu ích hoặc gây hại. Tình yêu thương đó hữu ích cho trẻ nếu yêu đúng cách. Còn nếu sai lầm, chắc chắn tình yêu đó sẽ làm hại trẻ. Nhiều bậc cha mẹ đã làm hỏng con mình bởi chính tình yêu này. Họ làm hỏng con mà không hề biết. Chẳng hạn như trường hợp cha mẹ yêu thương và bao bọc con cái thái quá, cho chúng được thoải mái tự do tới mức chúng không biết cách tự chăm sóc bản thân. Mọi thứ dường như đều dựa vào cha mẹ. Bất cứ cái gì trẻ muốn, bất cứ điều gì trẻ làm, chúng đều được chấp thuận mà không có lấy một lời can ngăn. Các bậc cha mẹ đó sợ làm tổn thương đến tình cảm của con cái. Khi trẻ được phép làm bất cứ điều gì theo ý thích như vậy, trẻ sẽ trở thành người sai khiến cha mẹ. Thực tế, các bậc cha mẹ đó sợ con mình hơn bất cứ điều gì khác. Họ không có can đảm để làm phật ý chúng chút nào. Và trẻ cũng biết rằng cha mẹ đang chiều chuộng chúng.
Nhìn chung, trẻ em thường làm mọi điều theo ý thích nên chúng không bao giờ nghĩ tới hậu quả. Nếu trẻ muốn một điều gì, chúng nghĩ chúng phải có hoặc phải làm cho bằng được. Do đó, chúng trở nên ương bướng và dễ bị kích động. Chúng thể hiện cơn tức giận của mình bằng cách quăng ném hoặc đập phá đồ đạc. Và chính những hành vi đó khiến cha mẹ cảm thấy buộc phải làm theo để đáp ứng mọi điều trẻ muốn. Còn khi trẻ vòi được thứ mình muốn bằng cùng một chiến thuật, chúng sẽ lặp lại “bài” đó và luôn có kết quả tương tự. Vậy ai thực sự là người có lỗi trong những tình huống này? Chính các bậc cha mẹ có lỗi bởi vì họ đã quá dễ dãi khi cho phép con cái làm quá theo ý chúng. Lẽ dĩ nhiên, điều này xuất phát từ tình yêu thương con trẻ. Tôi không định nói điều này để ngăn cản các bậc cha mẹ không yêu thương con mà tôi muốn nói rằng bạn phải yêu thương con đúng cách.
Người xưa có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để nói về việc dạy bảo con trẻ. Câu nói đó đến nay vẫn đáng để cho chúng ta lắng nghe và suy ngẫm. Giờ khoan hãy nói tới con trẻ. Chúng ta hãy cùng hình dung về một người nông dân và đàn gia súc của mình. Người nông dân đó chăm bẵm và yêu quý đàn gia súc nên đã thả cho chúng đi nhẩn nha gặm cỏ xung quanh. Vì sự buông lỏng trong chăn thả xuất phát từ tình yêu thương của người nông dân nên đàn gia súc “vô tư” đi ăn cả rau và những cây trồng khác trong vườn nhà hàng xóm. Vì vậy, người nông dân phải trả tiền đền bù thiệt hại. Còn đàn gia súc từ đó bị quây thả giữa những hàng rào gỗ chắc chắn để tránh cho chúng khỏi “đi lạc”. Và điều này cũng đúng đối với con trẻ. Chúng ta yêu con, nhưng chúng ta cũng cần phải biết phạt con. Không phải chúng ta sẽ đánh con chí tử hay gây tổn thương cho trẻ nhưng phải đủ sức răn đe để khiến trẻ biết suy nghĩ kỹ trước khi mắc lại sai lầm. Cũng như người thợ gốm sứ thường dùng một cái vồ bằng gỗ để đập cái ấm cho nó lên khuôn đẹp. Song việc vỗ đập đó được thực hiện vừa phải và tất nhiên không làm vỡ cái ấm. Điều này cũng đúng khi phạt một đứa trẻ.
Có hai cách phạt. Cách thứ nhất là bằng lời nói và cách thứ hai là bằng cây roi. Bạn cần dùng lời nói để dạy con. Và phải dạy đi dạy lại. Bản tính trẻ vốn hiếu động, luôn làm một điều gì đó nên chúng chưa phân biệt được hành động của mình là đúng hay sai. Chúng chỉ biết làm và như vậy, có khi đúng khi sai. Giả sử trẻ đã làm một việc và đó là một hành động sai. Nếu cha mẹ biết nhưng không ngăn cấm hay khuyên răn trẻ, trẻ sẽ nghĩ rằng chẳng có vấn đề gì. Nếu cha mẹ không trách mắng trẻ vì đã làm việc đó, trẻ sẽ lặp đi lặp lại hành động đó cho đến khi nó trở thành một thói quen. Và nếu đã hình thành thói quen sẽ rất khó thay đổi. Hầu hết các bậc cha mẹ đều mắc sai lầm này bởi họ nghĩ đó là chuyện nhỏ, không gây hại gì. Nhưng họ quên mất rằng, chính những chuyện nhỏ đó thực tế lại trở thành chuyện lớn. Một người khôn ngoan và cẩn trọng phải luôn nhận thức được các vấn đề nhỏ như vậy. Nếu vấn đề nhỏ được quan tâm, khi chuyện lớn xảy ra sẽ xử lý được. Đó là sự thật. Trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ nên bao gồm cả việc phải luôn để mắt tới các hành động của con cái. Khi thấy con làm việc gì sai, phải dạy bảo con ngay lập tức. Tuy nhiên, nên dạy bảo con một cách nhẹ nhàng với thái độ bình tĩnh. Đừng nói bằng giọng tức giận bởi khi tức giận, bạn sẽ không đạt được kết quả tốt đẹp nào mà còn khiến cho trẻ cũng dễ bị giận dữ. Nói bằng tình yêu thương và sự cảm thông sẽ đem lại kết quả tốt hơn. Trước hết, cha mẹ hãy nói cho con biết điều gì là sai, là đúng. Hãy nói với con rằng cha mẹ chỉ yêu người ngoan và không thích người hư. Nếu trẻ muốn được cha mẹ yêu, trẻ phải ngoan ngoãn. Hãy luôn nói với con nhiều lần như vậy và đừng do dự về điều đó.
Khi dạy bảo con trẻ, cha mẹ phải nói cho đến khi trẻ hiểu. Trẻ phải biết lý do, phải hiểu việc đó là gì và làm sao cho đúng. Sau khi đã dạy bảo con bất cứ điều gì, các bậc cha mẹ cũng phải luôn để ý không cho trẻ mắc lại lỗi đó nữa. Nếu cha mẹ thấy con trẻ mắc những lỗi đã từng được chỉ dạy, hãy nhắc trẻ phải cẩn thận hơn về lỗi đó. Trẻ em không phải khó uốn nắn, trừ trường hợp người lớn khiến cho trẻ trở nên khó bảo. Nếu trẻ đã được chỉ bảo nhiều lần mà vẫn mắc lỗi tương tự, đó là lúc cha mẹ phải sử dụng tới cây roi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên nhớ: không dùng roi vọt khi không thực sự cần thiết bởi nếu bị đánh đòn nhiều lần, trẻ sẽ quen đi và trở nên lì đòn, không còn sợ nữa. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải sáng suốt trong việc phạt đòn con trẻ. Tuyệt đối không bao giờ đánh con khi bản thân đang cáu giận. Có một số bậc cha mẹ hay đánh đòn con trẻ ngay trong lúc tức giận và đánh một cách tùy tiện không một lời giải thích lý do. Đây chính là sự bạo hành với con cái.
Khi sử dụng hình phạt bằng roi vọt, các bậc cha mẹ phải nói rõ cho con hiểu rằng việc trẻ làm là sai, và là lỗi đã được cha mẹ cảnh báo trước nhiều lần mà vẫn tái phạm. Cha mẹ nên nói chuyện với con để trẻ hiểu rằng mình đã sai, rằng những gì trẻ làm là không đúng. Cha mẹ phải giúp con nhận thức ra đó là một lỗi lầm. Làm cho trẻ nhận thức được thực tế rằng mình đã làm sai là một việc rất quan trọng. Khi trẻ nhận ra rằng mình có lỗi thì hình phạt hợp lý được đưa ra sẽ giúp trẻ nhớ và hi vọng sẽ không tái phạm sai lầm tương tự nữa.
Khi trẻ không làm điều xấu, trẻ sẽ làm được điều tốt, những việc lành thiện. Cần cho trẻ nhận thức rõ rằng “làm tốt được khen, làm sai bị phạt”. Khi trẻ mắc lỗi và bị phạt, trẻ sẽ nhận thức được “làm sai bị phạt” là có thật. Và khi trẻ làm việc tốt, cha mẹ nên dạy cho trẻ nhận ra kết quả của việc làm đó bằng cách thưởng cho trẻ. Cha mẹ đừng bao giờ là người tham gia thụ động trước bất cứ hành động nào của con cái. Hãy khen con ngay khi con làm được việc tốt và phê bình con khi làm một việc không tốt. Đây là một nguyên tắc quan trọng. Dạy đi dạy lại cho trẻ là cách duy nhất giúp con bạn trở thành người tốt. Tôi đề nghị tất cả các bậc cha mẹ nên chú ý tới điều này.
Khi dạy con, chỉ nói thôi vẫn chưa đủ. Phải có hành động đi liền với lời nói. Cha mẹ phải luôn ý thức rằng mình là tấm gương cho con cái. Mỗi đứa trẻ trong một gia đình sẽ luôn bắt chước hành động của cha hoặc mẹ. Nếu trẻ yêu bố và thân thiết với bố, trẻ sẽ bắt chước bố. Còn nếu trẻ yêu mẹ, trẻ sẽ bắt chước mọi hành vi của mẹ. Việc bắt chước như vậy nếu diễn ra nhiều lần sẽ dần tạo thành một thói quen trong tâm trí trẻ và trẻ sẽ trở nên giống như cha mẹ mình. Vì vậy, cha mẹ phải đặc biệt cẩn thận khi đứng trước các “máy quay”, tức là con cái mình. Đừng bao giờ nghĩ, nói hay làm bất cứ điều gì không tốt trước mặt con cái. Trẻ sẽ chỉ nên thấy và nghe được những điều tốt đẹp. Để làm được như vậy, các bậc cha mẹ phải rèn luyện bản thân tuân thủ nguyên tắc: Không bao giờ làm bất cứ điều gì tùy tiện. Nếu những người chủ gia đình sống đúng cách, con cái họ chắc chắn sẽ ghi nhớ gương tốt đó. Các bậc cha mẹ đừng quên rằng những tấm gương mình tạo ra luôn ảnh hưởng tới suy nghĩ của trẻ.
Hình mẫu của những người gần gũi với trẻ và từ môi trường xung quanh có ảnh hưởng nhất định tới trẻ. Các bậc làm cha làm mẹ phải luôn hết sức chú ý, không để cho con mình tiếp xúc với những nơi, những người và những thứ không hay. Đừng để cho con mình dính với những điều bất thiện, vì khi gần với những điều xấu, những ảnh hưởng xấu sẽ tác động tới trẻ. Nếu trẻ thấy hay gặp bất cứ điều gì không tốt, do còn nhỏ nên trẻ không nhận thức được điều đó xấu như thế nào. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm cha mẹ là phải giải thích cho con bằng cách hướng dẫn trẻ quan sát và chỉ ra cho trẻ thấy người đó hay việc đó xấu ở chỗ nào, và nếu làm như vậy họ sẽ phải chịu hậu quả gì. Đừng bao giờ để trẻ tìm hiểu, khám phá bất cứ điều gì khi không biết thực chất của nó. Ngay cả khi điều đó có thể là tốt, bạn cũng phải làm cho trẻ hiểu một cách thấu đáo. Các bậc cha mẹ không chỉ nuôi con mà còn phải là người dạy dỗ con. Đức Phật từng nói cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái, vì vậy các bạn nên luôn nhớ làm tốt nhiệm vụ này.
Trẻ em thường hay nằn nì đòi cái này cái nọ ở cha mẹ. Như khi trẻ thấy bóng bay ngoài chợ, trẻ sẽ muốn có một quả. Bạn có nên mua cho con? Thực tế, bạn không nên mua bởi vì điều đó không có ích lợi gì. Bạn nên giúp con hiểu việc đó là lãng phí tiền. Đừng chiều theo những đòi hỏi của con đối với những thứ vô giá trị. Một trong những lý do khiến các bậc cha mẹ thường bị trẻ quấy rầy ở vấn đề nhỏ nhặt này là do họ đã có lúc nuông chiều con. Khi đi vào chợ, trẻ sẽ muốn ăn các loại quà bánh đang được chào bán dọc bên đường. Những thứ đó thường không được vệ sinh và không đáng để mua. Cha mẹ nên nói với con lý do vì sao những thứ này không sạch. Chúng chứa nhiều vi khuẩn. Ăn chúng sẽ bị đau bụng, sâu răng. Trẻ sẽ phải đi tiêm và sẽ rất đau. Hãy cố gắng tìm cách giải thích để trẻ hiểu và trẻ sẽ không còn quấy rầy bạn. Các tình huống khác cũng vậy. Bạn nên cố gắng giúp trẻ hiểu và bạn sẽ ít bị trẻ quấy rầy. Đây là một cách xử sự với con cái.
Các thành viên lớn tuổi trong nhà như ông bà nội ngoại hai bên thường làm hư trẻ hơn cả cha mẹ nếu các bậc cao niên này hiểu sai vấn đề. Người già thường rất yêu trẻ. Tôi đã nghe một số người lớn tuổi nói rằng họ yêu con nhưng còn yêu cháu nhiều hơn. Các cháu vì nhỏ nên những người già thường cưng chiều chúng. Yêu quá thường ít sáng suốt. Ông bà không thấy được cái sai và sẽ nuông chiều cháu thái quá. Bất cứ điều gì cháu làm cũng đều đáng yêu nên họ sẽ đưa ra đủ lời bào chữa cho cháu. Đổi lại, trẻ tự hào vì được ông bà yêu chiều. Trẻ không biết sợ ai cả cho nên hễ khi nào trẻ bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ tìm đến nấp vào lòng ông bà và sẽ được an toàn. Trẻ nhận được sự cảm thông và vỗ về. Những đứa trẻ trở thành bất khả xâm phạm. Do đó, mỗi khi trẻ sai và bị cha mẹ mắng mỏ, ông bà hay xen vào và nói rằng chúng còn nhỏ, chưa biết gì, rằng điều đó không có gì quan trọng, rằng chúng sẽ nên người khi lớn lên. Những người già như vậy đã làm hỏng trẻ con. Tôi xin lỗi phải nói với những người ông, người bà rằng các ông bà chắc chắn có thể rất yêu cháu mình, không ai phản đối điều đó, song các ông bà phải yêu cháu đúng cách. Các ông bà phải giúp trẻ nên người. Đừng bao giờ biến trẻ thành người xấu. Khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ trách cứ rằng trẻ trở thành người xấu là tại ông bà mình. Đó là một sai lầm lớn, một sai lầm chúng ta vô ý mắc phải và nó thực sự có hại trong thời đại hiện nay.
Nên nhớ, cả người tốt và người xấu tồn tại trong thế giới chúng ta ngày nay phần lớn là kết quả của sự giáo dưỡng từ cha mẹ. Cha mẹ cho con cuộc sống, nuôi con lớn và có thể làm cho con trở thành người tốt hoặc người xấu. Nếu ta gặp một người xấu và thử tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân, ta sẽ thấy ông bà tổ tiên người đó ngày trước cũng có vấn đề. Nếu chúng ta gặp một người tốt, ta sẽ thấy rõ ràng rằng người đó có người cha người mẹ tốt. Trái cây không bao giờ rụng xa cội gốc, con người cũng vậy. Con của một kẻ say rượu sẽ gần gũi những người hay uống rượu. Con của kẻ cờ bạc sẽ sống gần sòng bạc. Tất cả chúng ta đều gặt hái kết quả từ gia đình mình, thừa kế từ gia đình mình. Tôi cầu xin các bạn – những bậc làm cha làm mẹ – hãy giúp cho con cái mình trở thành người tốt.
Đừng để ai làm bạn sau này cảm thấy tồi tệ bởi họ đã chê bạn không biết dạy con.
CỘNG ĐỒNG THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG CON ĐÚNG CÁCH
“Nếu ai đó hỏi bạn rằng bạn có yêu con của mình không, hẳn bạn sẽ nghĩ người đó chắc chưa có con. Bởi vì bất cứ ai có con rồi đều biết rất rõ họ yêu con nhiều tới mức nào. Tình yêu thương của người làm cha làm mẹ là một tình yêu thuần khiết.”
Nhân dịp về Hà Nội tháng 11/2017 vừa qua, Sư cô Pháp Hỷ (Dhammanada) đã có một “món quà đặc biệt” dành cho các em thiếu niên – buổi hội thảo với chủ đề: nói chuyện với tuổi teen: Mình yêu ai nhất.
Nói theo cách của Sư cô: “nói chuyện với tuổi teen: mình yêu ai nhất đã khép lại nhưng mở ra một hành trình mới cho các em và bố mẹ: hành trình khám phá bản thân và các tương giao trong đời sống”.
No comments:
Post a Comment