Wednesday, April 10, 2013

Chẳng Phải Vậy Mà Vậy!


Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc www.dohongngoc.com
Khi hiểu được “chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”, ta tưởng đã nắm được từ khóa để mở vào kho tàng “Kim Cang”, nhưng thực ra còn lâu, bởi vì, vậy mà chẳng phải vậy!
Trở lại không khí buổi truyền trao “gươm báu” lúc đó, thấy không ít người bối rối vì câu nói với ngôn ngữ ly niệm của mình, Phật liền hỏi: Tại sao vậy (hà dĩ cố)? Rồi khẳng định: “Bởi vì Bồ tát mà còn có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ tát!”.
Tôi lại một phen chưng hửng! Tưởng Phật sẽ giải thích, ai ngờ Ngài lại nói một câu có vẻ chẳng ăn nhập gì với phần trên! Chắc lại có một bí ẩn gì ở đây! Lúc đầu tôi nghĩ đến ngôi thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, số ít số nhiều với các thời quá khứ, hiện tại, vị lai, như một cách chia “verbe” để nói lên mối quan hệ giữa ta, người, không gian, thời gian, nhưng hình như không phải vậy! Tôi lại nghĩ hay đó là một biểu đồ có ba trục không gian và một đường cong thời gian, trên đó, mỗi cá nhân xác định vị trí của mình trong xã hội, mối tương quan của mình với những “chúng sanh” khác ở một thời điểm nào đó! Cũng không phải! Vậy thì… là cái gì? Mãi sau tôi mới vỡ ra: đó chính là trạng thái vô ngã của hành giả trên bước đường giải thoát! Hành giả phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”- thực sự vô ngã- thì mới có thể “độ nhứt thiết khổ ách”; mà có “độ nhứt thiết khổ ách” cho mình rồi thì mới có thể giúp cho người khác được, mới xứng danh là Bồ tát. Cho nên đây là một đòi hỏi có tính quyết định, là điều kiện “ắt có”.
Vô ngã không dễ “thấy”! Dù có thể dùng lý luận , triết lý về duyên sinh, duyên khởi, về cái “Không” để thấy vô ngã, nhưng đó chỉ là cái vô ngã của lý thuyết, của khái niệm! Còn vô ngã ở đây lại là một trạng thái, một cảnh giới – được cảm nhận bởi hành giả qua một quá trình tu tập dài lâu và miên mật: Thiền! Vâng, chính thiền đã là con đường “độc đạo” mà Phật đã từng nhấn mạnh trong Tứ niệm xứ (Satipatthana), trong An ban thủ ý (Anapanasati): “Đây là con đường độc nhất dẫn tói thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”. Thiền đã có từ xa xưa. Ngay hồi còn nhỏ xíu, một hôm, thái tử Tất Đạt Đa trong lúc ngồi dưới bóng cây coi người ta làm ruộng đã tình cờ rơi vào trạng thái sơ thiền. Sau này trên đường học đạo, Ngài đã gặp hai vị thầy dạy thiền cao nhất thời bấy giờ, và chỉ trong một thời gian ngắn, ngài đã vượt qua tám cảnh giới thiền cho đến phi tưởng phi phi tưởng mà vẫn chưa yên, phải từ biệt ra đi tìm một con đường riêng của mình! Khi đạt đến cảnh giới thiền thứ chín, “Diệt thọ tưởng định” thì mới hết chuyện, lúc đó ngài mới trở thành bậc Giác ngộ thực sự, bậc Toàn giác! Nói cách khác, “Diệt thọ tưởng định” mới là thứ thuốc chữa tận gốc căn bệnh phiền não, khổ đau mà các giai đọan trước đó chỉ là chữa triệu chứng, kiểu đau đâu chữa đó nên cứ bị tái phát hoài. Chữa tận gốc là chữa dứt điểm, hết sợ tái phát, hết sợ di chứng! “Diệt” trong diệt thọ tưởng định ở đây không mang nghĩa triệt tiêu mà là không để nảy sinh! Cắt bỏ một khối u thì không bằng phòng ngừa để khối u đừng sinh ra. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tóm lại, để xứng danh là Bồ tát thì phải vượt qua được cửa ải này. Nói khác đi, Bồ tát phải “hành thâm” thiền định cho rốt ráo, đạt đến trạng thái vô ngã- không còn thấy có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả gì nữa cả- không còn phân biệt, chấp trước gì nữa cả – thì mới thênh thang thõng tay vào chợ mà không sợ vướng bụi trần!
May thay, nghe cho kỹ thì Phật đã dạy Tu Bồ Đề rất rõ: “Chư Bồ tát Ma ha tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm”. Ma ha tát là lớn, là đại! Các vị Đại bồ tát đều đã làm như vậy mà hàng phục cái tâm mình! Chớ còn… “tiểu” Bồ tát hoặc mới phát tâm… sơ sơ, mới lõm bõm học như ta thì cũng chớ nóng vội! Phải từng bước, trì giới, nhẫn nhục, phải tinh tấn… dài lâu!
“Phật cáo Tu Bồ Đề” chính là để nhắc nhở những ai muốn bước vào con đường Bồ tát thì không thể không thiền định. Bởi không định thì khó mà tuệ. Giới sẽ dẫn đến định, định sẽ dẫn đến tuệ và ngược lại. Đây là một tam giác cân, có hai chiều xuôi ngược. Theo tôi, để điều trị cho tận gốc bệnh “tham sân si” thì chỉ có thể dùng thuốc đặc trị là “giới định tuệ”. Giới để chữa tham, định chữa sân và tuệ chữa si. Nhưng nếu chỉ chữa triệu chứng thì không thể chữa dứt điểm được, nó sẽ tái phát, nó sẽ để lại di chứng. Vậy muốn chữa rốt ráo, chữa tận gốc, thì phải phối hợp cả ba thứ thuốc, ba mặt giáp công. Định không thôi dễ mù mịt. Giới không thôi dễ cố chấp. Tuệ không thôi dễ ba hoa. Tuy vậy rõ ràng là tùy đối tượng mà ba thứ thuốc này sẽ gia giảm cho phù hợp. Người hay “sân”, dễ thương dễ nhớ dễ sầu dễ bi –Rồi bị thương người ta giữ gươm đau/ không muốn chữa không chịu lành thú độc (Xuân Diệu) hay Chưa gặp em mà đã biệt ly/ hồn anh theo dõi bóng em đi (Hàn Mặc Tử)… thì chữa bằng định là tốt nhất. Người trí thức, cóp nhặt gom góp, tự hào vì “đãy sách” của mình, thì chữa bằng tuệ để khống chế, hàng phục triệu chứng “si” trước. Khi tuệ sáng ra thì tự dưng thấy cần phải giới, cần phải định. Nhưng trong cả ba thứ thuốc đó, căn bản nhất theo tôi vẫn là định. Vì có định mới đạt tới vô ngã, mới diệt được “thọ tưởng”, mới không còn phân biệt, chấp trước. Lão Tử bảo nhìn người đạt đạo thấy họ “độn độn hề”- nghĩa là thấy họ có vẻ “khù khờ” thế nào ấy- bởi họ đã khác, đã vô tranh, đã vô sinh rồi vậy!
Nếu bài học đầu tiên Phật dạy là đói ăn khát uống, nặng về Giới thì bây giờ bài học thứ hai là về Định. Từ “Phật cáo Tu Bồ Đề” đến “…tức phi Bồ tát”, có sự nhất quán, trải dài tiến trình thiền định, từ dục giới, sắc giới rồi vô sắc giới, rồi vượt qua tất cả để cuối cùng đạt đến diệt thọ tưởng định, còn gọi là “cửu thiền”, bậc thiền thứ chín! Nghe cứ y như “Độc cô cửu kiếm” mà bí quyết nằm ở chỗ các chiêu thức linh hoạt dính kết không tách rời từ hữu chiêu đến vô chiêu cuồn cuộn như nước chảy mây trôi, không kẽ hở, đến một lúc chiêu thức không còn mà chỉ còn kiếm ý, không thấy có ta có người nữa mới thật sảng khoái, mới thật là… tuyệt chiêu! Lúc đó thì đúng là “năng sở song vong”, trâu cũng mất mà người chăn cũng không còn! Hãy đến rồi biết! Đừng nói suông. Phật đã dạy như vậy. Khó thay!
Dĩ nhiên còn có nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nữa cần được trải nghiệm để tự khám phá, tự phát hiện. Đó là cái mà trong kinh Phật gọi là “vô lượng nghĩa”! Gươm báu trao truyền ở đây chính là khả năng “phá chấp”. Khi còn chấp, nghĩa là còn cột chặt vào một nghĩa cố định nào đó là hãy còn “trụ”, còn dính, còn mắc, sao đạt được cái gọi là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”? Một chiêu “phá kiếm thức” trong “Độc cô cửu kiếm” của Lênh Hồ huynh đệ vung lên đủ phá kiếm trận của mười lăm cao thủ võ lâm đang vây hãm chàng. Khi đạt đến vô chiêu, chắc còn kinh thiên động địa hơn nữa! Phá kiếm thức chỉ là một chiêu đơn giản của “phá chấp” thôi! Vào một lúc nào đó ta sẽ cảm nhận, sẽ khám phá thêm, sẽ “ngộ” thêm nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nữa. Điều quan trọng là thực hành, là khám phá, là phát hiện qua sự thể nghiệm, trải nghiệm riêng mình. Chính ở đó, mới biết thế nào là không thể nói được (bất khả thuyết), không thể bàn luận được (bất khả tư nghì)! Ngôn ngữ cũng đành “bó tay” vậy!
(trích “Gươm Báu Trao Tay”, viết về Kim Cang Bát nhã của ĐHN)

Đọc "Thấp Thoáng Lời Kinh" Của Đỗ Hồng Ngọc Trần Tuấn Mẫn và (BS Đỗ Hồng Ngọc) Nguồn: www.quangduc.com

Đọc xong tác phẩm “Thấp thoáng lời kinh” của Đỗ Hồng Ngọc. Im lặng, thanh thản, hoan hỷ như vừa trải qua một cuộc du lịch kỳ thú đến những vùng đất xa xôi, kỳ ảo, để rồi sau đó tâm trí như loãng đi, mơ hồ, lung linh, băn khoăn trong khi niềm thú vị vẫn còn đó, quanh quất lâu dài. Gập sách lại, tôi bỗng thấy thấp thoáng lời sách, từ ngữ, câu văn từ bài này chuyển sang bài nọ, chữ nghĩa nhẹ nhàng đổi chỗ nhau, nhưng vẫn rất tự nhiên, rất trật tự và rất đẹp. Phải chăng tác giả cũng thấy thấp thoáng chứ không nghe văng vẳng lời kinh vì không trực tiếp nghe ai giảng kinh và dĩ nhiên không trực tiếp nghe được kim thanh của Đức Phật. Anh chỉ tự nghiên cứu kinh điển, tự cảm nghiệm và những dòng kinh chợt đến chợt đi trong tâm tưởng. Có lẽ anh dùng từ thấp thoáng cũng là do sự khiêm tốn, muốn bảo rằng những gì anh viết ra không phải là từ sự nghiên cứu mang tính kinh viện mà chủ yếu là do cảm nhận, do sự suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Tôi vui vì nghĩ như thế, vì nghĩa mình thông cảm được với anh và vì được anh truyền cho niềm cảm hứng và mấy phần kiến thức Phật học.
Thấp thoáng lời kinh cũng như hàng chục tác phẩm khác của tác giả đều có giọng văn trong trẻo, sinh động, nhẹ nhàng, tươi vui, hiền hòa và dí dỏm. Sách dày 130 trang, vẫn khổ 17x17cm, gồm 24 bài, bàn về một số thuật ngữ, pháp ngữ, học thuyết được trình bày trong các kinh Phật: Duyên khởi, ngũ uẩn, không, vô ngã, sanh tử, luân hồi, tâm, thức, tuệ, ba-la-mật…
Trong Phật giáo Thiền, khi nói “bàn về…” , người ta nghĩ ngay đến các Đại thiền sư có lời bàn, lời tụng về các công án, thoại đầu của người xưa, đại khái như lời của Vô Môn Huệ Khai, Tuyết Đậu, Tuệ Trung Thượng Sĩ… Tôi có phần ngại khi đọc sách của Đỗ Hồng Ngọc mà bỗng nhớ đến lời bàn của các vị Đại thiền sư vì thực ra anh không hề có ý định gì khác mà chỉ viết như là để biểu lộ một cảm nhận vô tư. Rồi tôi lại nghĩ, “vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà vậy” cũng là câu nói thông thường của đồng bào miền Nam, nghe như luận lý biện chứng siêu việt của Phật giáo Đại thừa.
Qua các tác phẩm có liên hệ đến Phật học của tác giả và nhất là qua Thấp thoáng lời kinh, tôi dám chắc anh đã đọc không ít về các kinh Hoa Nghiêm, Bát-nhã, Bát-nhã Tâm Kinh, Kim Cương, Pháp Hoa… và các Thiền điển, thâm nhập được cái biện chứng siêu việt nói trên: “Tất cả là một, một là tất cả” của Hoa Nghiêm, và nhất là: “Tất cả pháp đều là Phật pháp, tất cả pháp không phải là Phật pháp nên mới gọi là tất cả pháp – Gọi là thuyết pháp mà không có gì để thuyết nên mới gọi là thuyết pháp – Gọi là chúng sanh tức không phải chúng sanh mới gọi là chúng sanh – Như Lai nói 32 tướng chẳng phải tướng, chỉ tạm gọi là 32 tướng…” của Kim Cương.
Các bài viết ở đây, theo lời tác giả, là “những loay hoay, bứt rứt”, “những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân.” (trang bìa 4). Những lời tâm sự ấy là chân thật, là tình nghĩa và những gì anh viết ra thì chân xác trong chừng mức có sự chấp nhận của những người đã học Phật, đã tu Phật hay đã từng chiêm nghiệm về cuộc đời. Anh nhận định sâu sắc về các đề tài nói trên, nhưng vốn là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị thân và tâm, có khi anh tế nhị và có đôi chút dí dỏm nên chuyển ý sang bình diện cụ thể, thiết thực, gợi ý chúng ta về sự suy nghĩ, về thái độ tích cực trong cuộc sống hằng ngày nên cố ý chuyển ý nghĩa của vài lời kinh như là một thể cách khế cơ.
Anh nói về “Tùng địa dũng xuất” trong kinh Pháp Hoa thật là hay khi thay vì bảo rằng đất là tâm địa, là đất tâm, là khả năng giác ngộ ngay liền của tâm thì anh lại bảo tâm là tâm vô, thân chỉ là sự tập hợp các nguyên tố trong đất chứ chẳng là gì cả, vậy cả thân lẫn tâm đều không (Tùng địa dũng xuất) và ý nghĩa của Tùng địa dũng xuất là phát tâm muốn thành Phật. Bàn về ngũ uẩn, anh khẳng định ý kinh sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô minh, vốn là không; rồi anh khuyên, hãy lo cái tâm, còn cái thân tứ đại thì kệ nó (Đất, Nước, Gió, Lửa). Thâm ý thật tài, tôi cảm phục và vui đến nực cười. Hẳn anh cũng biết rằng ngũ uẩn là cả con người gồm thân và tâm, sắc chính là tứ đại; anh muốn khuyên người ta chớ lo lắng về bệnh tật, về cái chết, xóa đi những ám ảnh viễn vông của bệnh tưởng mà anh thường thấy ở các bệnh nhân cho nên bảo rằng mặc kệ cái tứ đại. Nói như thế thì coi chừng sẽ có rất ít khách đến với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để nhờ chữa trị! Sau khi nêu ý kinh về 12 nhân duyên mà bảo rằng hễ một chi phần được chấm dứt thì cả 12 chi phần đều chấm dứt, tức là giải thoát. Anh dí dỏm: “Vô sanh là hết chuyện, diệt thọ, tưởng, dứt ái, thủ… là hết chăng? Còn lâu ! Bởi: Vô vô minh diệc vô vô minh tận, không hề có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!” Anh khéo léo nhắc nhở rằng hiện nay khó có người hiểu được ý nghĩa của vô sanh, lại càng rất khó có hy vọng chứng đạt vô sanh, trong khi vô minh vẫn lừng lựng ra đó, ở đâu, lúc nào cũng thấy sai lầm, tội lỗi, vậy phải tìm cách giảm thiểu vô minh thay vì mơ tưởng vô sanh. Phải chăng đấy là lý do anh dịch câu chữ Hán trong Bát-nhã Tâm Kinh như vậy thay vì dịch rằng không có vô minh (thì dĩ nhiên) không có sự chấm dứt của vô minh.
Nhẹ nhàng mà thâm sâu, dí dỏm mà chân thật là tính chất của Đỗ Hồng Ngọc. Thật hay và thật vui khi anh bàn về Hơi thở ra vào, Bồ-tát Di-lặc, Du hý ta-bà, Luân hồi sanh tử vv…và về tất cả các đề tài khác (tôi không dẫn chứng vì muốn dành phần thú vị cho các độc giả).
Đọc Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng cảm thấy mình chỉ thấp thoáng lời anh và loay hoay, bứt rứt về cái kiến thức Phật học của mình. Những đoạn kinh tôi đã thuộc lòng bỗng trở nên “thấp thoáng”. Và bài viết này của tôi chắc cũng chỉ là những dòng chữ thấp thoáng, rất có thể có chỗ mù mờ, tăm tối. Mong anh Đỗ Hồng Ngọc và chư độc giả niệm tình lượng thứ
. Trần Tuấn Mẫn - Văn hóa Phật giáo, số 163, ngày 15-10-2012
Thiền Và Thở
Ghi chú: Mấy năm gần đây, tôi có dịp viết hoặc trao đổi nơi này nơi kia về đề tài Thiền và Sức khỏe cũng như Thở để chữa bệnh. Tủ sách Phật học TỪ QUANG, chùa Xá Lợi, Tập 1-2012, mới đây có đăng bài Thiền và Thở. Xin được chia sẻ cùng các bạn.
Thân mến,
ĐHN. 
Câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Sức khỏe là chuyện của mỗi người, của mọi người. Đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thõa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chỉ chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn. Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết – Đức Phật- bảo đừng vội tin, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Đừng “hí luận” nữa. Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để cảm nhận, không thể nhờ ai khác.
Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất: Đó là Thở. Và là Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chứ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở… bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem! Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà xem! Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, cò cử thì đã bị bệnh rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường nhất chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì bày đặt chế biến đủ kiểu cho nó hư đi! Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, cơ vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi! Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn, bởi ai mà chả biết thở cơ chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán ( quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có cuộc sống có sức khỏe và hạnh phúc. Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Sao lại không chọn các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở là tốt nhất, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm sóat cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?). Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0=zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào ( trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khí công, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- tạm gọi là “Pranasati” chăng?- tức đặt “niệm” vào quãng lặng, và thực chất cũng không còn cả niệm, một sự “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra, sâu trong các tế bào, nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cầu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi nữa, các tế bào ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, “nghỉ ngơi”! Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già, bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Người Nhật, người Tây Tạng có cách “ngồi” thiền riêng của họ, người Tây phương có cách khác hơn, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi ích hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho hoạt động các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi rất nhanh. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy đáng kể! Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là do tuổi tác- dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi hoàn toàn và uống thuốc theo toa bác sĩ chừng mươi ngày sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Bởi nguồn gốc sâu xa hơn của đau cột sống, đau thắt lưng lại là do stress, nếp sống căng thẳng phải chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay tivi thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người đi chùa lạy Phật mà tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau. Do vậy, giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa. Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai thành phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là “xả hơi”! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì ta cần “xả hơi”! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn, giúp chữa nhiều thứ bệnh hoạn một cách hiệu quả. Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy ( để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nhưng oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt-hóa thành rỉ sét ngay. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn! Các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxygen đến 40% trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ thiền chắc cũng giống như ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng thật ra khác hẳn! Thiền khoảng 30-40 phút thì mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, giảm các họat động hệ giao cảm trên bề mặt da, giảm nhịp tim và hô hấp đáng kể. Cortisol và ACTH cũng giảm, do đó, không bị stress; trong khi Arginine và Vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ gia tăng đáng kể. Nhiều nghiên cứu ngày càng sâu hơn về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA… hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt… trong tương lai. Những năm gần đây, nhờ có các phương tiện như PET (positron emission tomography) hay SPECT (single photon emission tomography) và fMRI (functional magnetic resonance imaging) để đo hoạt động tưới máu não, cho thấy một số vùng được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng minh thiền khác với giấc ngủ, mà đó là một trạng thái tỉnh giác an tịnh (state of restful alertness). Kỹ thuật fMRI cho thấy hoạt động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý (vùng lateral prefrontal và parietal), cũng như gia tăng ở vùng kiểm soát tự động, tỉnh thức (pregenual anterior angulate, amygdala, midbrain và hypothalamus). Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định như đã nêu trên. Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lựơng cho các hoạt động vỏ não. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp tục nhưng rõ ràng thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp và tạo sự sảng khoái, là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống. Thiền ngày càng trở nên một kỹ thuật trị liệu hiệu quả trong y sinh học, nhất là lĩnh vực tâm lý trị liệu, nên đã có nhiều ứng dụng thực tiễn trong y khoa.
Nghiên cứu về lâm sàng cho thấy thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, giảm lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung. Người hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác. Học sinh cấp 2 có thực tập thiền trên 2 tháng, có kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (giảm xung đột, hung hăng), tự tin hơn, có khả năng hợp tác và quan hệ tốt hơn với người khác. Thiền giúp làm giảm cân, giảm béo phì, giảm nghiện thuốc lá, rượu, các chất ma túy nói chung. Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này! Hãy nương tựa chính mình. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
Đỗ Hồng Ngọc (Tủ sách Phật học TỪ QUANG, Chùa Xá Lợi.
 Ngộ và Nhập

Bản hoài của chư Phật xưa nay là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Khai là mở ra, khui ra, bày ra. Mở ra để làm gì? Để cho thấy (Thị). Thấy để làm gì? Để giật mình (Ngộ), để tỉnh ra, ờ há, vậy hả? Và cuối cùng là để Nhập. Nhập vào đâu? Vào tri kiến Phật, vào thấy biết của Phật. “Thấy biết” của Phật thì… có gì hay? Có đó. Không cần kính viễn vọng để thấy trăm ngàn tỷ thiên hà trên bầu trời, không cần kính hiển vi để thấy trăm ngàn tỷ tế bào trong cơ thể, ngay từ cái khảy móng tay đã thấy ngay nếu tán nhuyễn mỗi hạt cát sông Hằng thành một con sông Hằng, rồi nghiền vụn từng hạt cát sông Hằng mới này thành vô số vi trần thì mỗi vi trần sẽ là một vũ trụ…; chỉ cần trợn con mắt giữa chặn lông mày lên đủ chiếu rọi khắp tam thiên đại thiên nheo nhóc hân hoan sáu tầng bay nhảy, vô số chư Phật, Bồ tát khản cổ giảng tứ đế, nhân duyên, bát nhã, pháp hoa… còn Như Lai im hơi lặng tiếng trong thực tướng vô tướng của mình! Ấy là nhờ tốc độ tâm, nhờ ngũ nhãn, nhờ prajna, bất nhị…
Cho nên Sen thì vừa nhập vào bùn vừa nhập vào Như Lai… Bồ tát thì vừa nhập hữu vi vừa nhập vô vi, yết đế yết đế…
Khai đã là khó. Vì đó là “kho tàng bí mật” của Như Lai, là Như Lai “tạng”, là “bào thai” Như Lai, đâu dễ mà thấy biết. Phật cũng đã thử mở toang ra ở buổi Hoa Nghiêm mà chẳng mấy ai thấy, chẳng mấy ai tin. Vì thế mà phải dùng truyền thông “đa phương tiện”, tùy cơ ứng biến. Nhưng Khai rồi, Thị rồi mà Ngộ cũng không phải dễ! Nhập lại càng khó hơn. Huệ Năng lục tổ ngộ trong nháy mắt, với chỉ một câu kinh nghe được tình cờ nhưng cũng mất mười lăm năm lăn lộn giang hồ mới “Nhập” được! Trong hội Pháp Hoa, biết sắp “Niết bàn” Phật bèn nói toạt: “Ai cũng sẽ thành Phật”. “Rất dễ”. “Rất mau”. Nhiều kẻ không tin, nhiều người trách cứ. Thế nhưng, Phật không dối. Ai cũng là Phật bởi ai cũng sẵn hạt giống đó rồi, vẫn đề là tưới tẩm chăm bón. Rất dễ rất mau là tùy thổ ngơi, tùy công sức nhẫn nhục tinh cần. Tâm vô lượng, nên “thổ ngơi” vô lượng. Kẻ chậm người mau. Một khi “nhất tâm bất loạn” thì niệm niệm chẳng sinh, một hơi thở vào ra, một tiếng nam mô đều đã đủ, đều tuyệt diệu. Còn chỗ đâu cho sanh tử luân hồi nọ kia? Cho nên từ đầu đến cuối đâu có sai biệt chút nào. Không Bát Nhã làm sao thấy hết chân không diệu hữu, làm sao thấy hết duyên sanh? Không Khổ tập diệt đạo làm sao có chánh định để thấy Vô ngã, biết Như Lai?… Cuộc hành trình khởi đi từ bố thí trì giới nhẫn nhục… là không thể thiếu. Cho nên có Văn Thù tri – kẻ dẫn truyện gần xa – thì có Phổ Hiền hành – người “vác ngà voi” không mệt mỏi!
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Bởi sen “nhập” vào cả hai phía: Bùn và Như Lai.
Bùn và Như Lai vốn “bất nhị”, không hai.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!

Hồ Sen hoa nở ngát hương
Bụi trần mà chẳng vấn vương hồng trần
Ngô Đình Duy (06 March 2013)
Bao giờ buông ngã tham sân
Bụi trần chẳng bám, hồng trần chẳng vương

Dương Quốc Định (6 March 2013)

No comments:

Post a Comment