Friday, May 16, 2014

Cúng dường tiền cho Tăng Ni: Nên? Không nên?

Có nên Cúng dường tiền cho thầy trụ trì! Có nên cúng dường vàng, bạc cho tăng, ni! Có nên cúng dường tiền, bạc cho thầy mình! Trả lời: Không nên cúng dường vàng, bạc, tiền cho tăng, ni - Vì nếu làm như vậy thì thí chú vô tình làm cho tăng nhân, tu sĩ bị phạm giới. Nếu muốn cúng dường, bạn nên gửi tiền bạc cho người nuôi tăng sĩ (Người lo cơm, nước) cho các vị tu sĩ tu học. Bởi vì: "Tiền bạc, vàng, bạc, các đồ châu báu là những vật mà Tỳ khưu đụng chạm vào bị phạm giới dukkaṭa; nếu thọ nhận riêng cho mình thì phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ." Hỏi: Kính thưa Thầy, có một sĩ quan quân đội hỏi con, vào chùa lễ Phật, một người cúng dường 1000đ và một người cúng dường 100.000đ thì người nào có phước đức hơn? Đáp: Trong giới luật Phật, cấm các tu sĩ không được cất giữ tiền bạc. Người cất giữ tiền bạc thì bị tội xả đọa (Ni tát kỳ ba dật đề). Phật tử vào chùa lạy Phật, cúng tiền bạc dù một đồng cho đến hằng tỷ đồng đã không có phước báo mà còn phi công đức như: 1- Khiến cho chư tăng ham mê tiền bạc mà quên giữ gìn Thánh hạnh của mình, đó là phi công đức thứ nhất. 2- Có tiền khiến cho chư tăng sa ngã chạy theo dục lạc thế gian, sống hưởng thụ, không giữ gìn giới luật, khiến cho người đời khinh chê Phật pháp và cũng vì vậy, khiến cho Phật pháp suy đồi, đó là phi công đức thứ hai. 3- Có tiền, khiến chư tăng chạy theo danh lợi, quên hạnh thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn, đó là phi công đức thứ ba. 4- Có tiền, khiến cho chư Tăng xây dựng chùa to Phật lớn, làm cho dính mắc vật chất, tâm không xả ly dục và ác pháp, đó là điều phi công đức thứ tư. 5- Có tiền cúng dường của đàn na, thí chủ đem về nuôi giòng họ anh em con cháu và xây mồ mả tổ tiên, cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ ở, đó là điều phi công đức thứ năm. 6- Cúng dường tiền bạc cho bọn đầu trộm đuôi cướp gian xảo lợi dụng chiếc áo cà sa đi xin (khất thực) tiền bạc bất chánh, đó là điều phi công đức thứ sáu. Do sáu điều phi công đức trên đây, người Phật tử cúng dường tiền bạc đã không được phước báo mà lại còn thêm sáu tội rất nặng, đó là tội diệt Phật pháp. Xưa, đức Phật và chư Thánh Tăng đi khất thực tứ sự vừa đủ cho cuộc sống tu hành và thực phẩm, ngày ăn một bữa, không để dành và cũng không có xin tiền bạc. Ngày nay, gặp tu sĩ đi xin tiền bạc thì đó là những tu sĩ giả mạo, chứ không phải là người tu chơn chánh. Người Phật tử nào cúng dường tiền bạc là người Phật tử đã bị kinh sách phát triển lừa đảo lường gạt “phước báo” để lấy tiền làm giàu riêng cho cá nhân, ngồi mát hưởng bát vàng. Do sự cúng dường tiền bạc của Phật tử thiếu trách nhiệm và bổn phận đối với Phật giáo, nên có một số người lợi dụng kẽ hở đó chui vào Phật giáo, kinh doanh buôn Phật bán Pháp lẫn trong chiếc áo cà sa làm việc tồi tệ, khiến cho người đời không kính trọng Phật giáo. Tóm lại, cúng dường chư Phật và chư thánh tăng, dù một đồng hay một tỷ đồng thì cũng không được phước báo một chút gì cả mà lại còn thêm tội. Phải nói người cúng một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng, vì cúng dường nhiều, khiến cho chư Tăng dễ sa ngã chạy theo vật chất, quên đường tu hành nên phải tội nhiều hơn. Khi cúng dường tiền bạc thì nên giao cho một người cư sĩ nguyện trọn đời mình lo cho đời sống chư Tăng thì được phước, vì đó là cúng dường đúng chánh pháp. >>>Không biết thì không có tội, việc làm trước đây của bạn xem như vẫn có phước nhưng sau này biết rồi phải lưu ý nhé. Phật chỉ cho phép chúng ta cúng dường Tứ Sự thôi: đó là Thức Ăn, Y phục, Thuốc men, và Liêu cốc (chỗ ở). Ngoài ra trong chùa nếu có 1 phật tử phát nguyện công quả thì bạn đc phép gửi tiền cho vị ấy để lo cho chư Tăng. Trường hợp này hợp lệ (không phạm giới) Trong bộ Milindapañhā: Ðức vua Milinda vấn đạo, có đề cập đến 10 vật bố thí có tội là: 1- Majjadāna: bố thí rượu, chất say, ma tuý, heroin, thuốc phiện, thuốc lá, v.v.... 2- Samajjadāna: bố thí lễ hội vui chơi, say mê.... 3- Itthidāna: bố thí kỹ nữ ăn chơi truỵ lạc.... 4- Usabhadāna: bố thí bò đực giao cấu với bò cái. 5- Cittakammadāna: bố thí những tranh ảnh khiêu dâm. 6- Satthadāna: bố thí vũ khí sát sanh. 7- Visadāna: bố thí thuốc độc sát sanh. 8- Sankhālikādāna: bố thí xiềng xích, gông cùm. 9- Kukkuṭasūkāradāna: bố thí gà heo để làm thịt. 10- Tulākūṭamānakūṭadāna: bố thí cân thiếu (trọng lượng), thước đo thiếu. Những vật bố thí trên làm cho người thọ thí phải phạm giới, phát sanh phiền não, ác pháp, thiện pháp không thể phát sanh. Như vậy, dầu thí chủ có tác ý tốt như thế nào, sự thật những vật thí đem lại sự tai hại cho người thọ thí, thì sự bố thí ấy chắc chắn không phải tạo nên phước thiện, chỉ tạo nên tội lỗi ác nghiệp mà thôi. Do đó, thí chủ phải chịu khổ kiếp hiện tại; sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh phải chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo. Xét về vật bố thí: vàng, bạc, tiền bạc Ðối với người tại gia vàng, bạc, tiền bạc là thứ rất cần thiết trong cuộc sống, dùng để mua bán trao đổi hàng hoá hằng ngày. Thí chủ đem vàng, bạc, tiền bạc bố thí giúp đỡ những người tại gia với nhau là việc làm phước thiện. Ðối với hàng xuất gia là Sa di, Tỳ khưu thì vàng, bạc, tiền bạc là thứ không hợp với giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định như: - Trong Sa di thập giới, giới thứ 10, Ðức Phật chế định ban hành rằng: "Jātarūpa - rajata - paṭiggahanā veramaṇi-sikkhāpadaṃ samādiyāmi". "Con xin thọ trì điều học là tác ý tránh xa sự thọ nhận vàng, bạc". Ðức Phật đã chế định ban hành đến cho tất cả Sa di, Sa di phải nghiêm chỉnh thực hành theo, không được phạm giới, phá giới. Nếu Sa di nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc, Sa di ấy phạm giới thứ 10 của Sa di. - Trong Bhikkhupātimokkha, Tỳ khưu giới gồm có 227 điều học, trong phần 30 giới Nissaggiya pācittiya, điều giới thứ 18 Ðức Phật chế định ban hành rằng: 18- "Yo pana bhikkhu jātarūpa rajataṃ uggaṇheyya vā uggaṇhāpeyya vā upanikkhittaṃ vā sādiyeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ". "Tỳ khưu nào tự mình thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) hoặc sai người thọ nhận vàng, bạc, hoặc hài lòng hoan hỉ vàng, bạc (tiền bạc) cất giữ dành cho riêng mình, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy". 19- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ rūpiyasaṃvohāraṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ". "Tỳ khưu nào dùng tiền bạc (vàng, bạc) mua sắm thứ vật dụng nào, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy". 20- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ kayavikkhayaṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ". "Tỳ khưu nào mua bán, trao đổi, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy". [Bhikkhupātimokkhapāḷi, phần Nissaggiya pācittaya] Ðức Phật đã chế định giới điều và ban hành đến tất cả Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải nghiêm chỉnh hành theo, không được phạm giới, phá giới. Trường hợp phạm giới - cách sám hối Nếu vị Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) riêng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti [*] theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại. [*] Sabhāgāpatti: Hai vị Tỳ khưu phạm giới có cùng đối tượng như nhau.Ví dụ: một vị giết muỗi, một vị giết kiến, hai vị Tỳ khưu này đều phạm giới pācittaya, không được phép sám hối với nhau. Nếu vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm thứ vật dụng nào dùng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại. Nếu vị Tỳ khưu nào mua bán, trao thứ vật dụng đổi không hợp với giới luật của Tỳ khưu; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại. Trong giới luật Tỳ khưu, vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm một thứ vật dụng nào dùng cho mình, thứ vật dụng ấy là vật làm cho phạm giới, không chỉ vị Tỳ khưu ấy không được phép sử dụng, mà còn các vị Tỳ khưu khác cũng không được phép sử dụng; thậm chí đem cho thứ vật dụng ấy đến vị Sa di, thì vị Sa di ấy cũng không được phép sử dụng nữa. Như vậy, những thứ vàng, bạc, tiền bạc , vật dụng nào là vật làm cho phạm giới Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải xả bỏ những thứ ấy đúng theo cách thức của mỗi vật, mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu. Nếu vị Tỳ khưu nào không chịu xả bỏ thứ vật dụng ấy, thì dầu cho vị Tỳ khưu ấy có sám hối āpatti bao nhiêu lần đi nữa cũng không thể thoát khỏi āpatti (phạm giới). Tai hại của sự phạm giới Vị Tỳ khưu nào phạm giới: dầu giới nặng hay nhẹ, như giới tác ác, giới ác khẩu, thì vị Tỳ khưu ấy bị trở ngại cho sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, nhất là trở ngại cho sự tiến hành thiền định và tiến hành thiền tuệ, trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Trong Chú giải dạy: "Āpannā āpattiyo’ti, sañcicca vītikkantā satta āpattikkhandhā, sañcicca vītikkantañhi antamaso dukkaṭadubbhāsitampi saggamagga-phalānaṃ antarāyaṃ karoti..." [Bộ Maṅgalatthadīpanī, phần Vinayakathā] "Āpannā āpattiyo’ti": "Tỳ khưu đã phạm giới": nghĩa là Tỳ khưu có tác ý phạm phải 7 loại āpatti (phạm giới). Sự thật, điều nguy hại đối với Tỳ khưu có tác ý phạm phải āpatti, dầu chỉ là dukkaṭa āpatti (giới tác ác), dubbhāsita āpatti (giới ác khẩu) cũng có thể làm trở ngại cho sự tái sanh lên cõi trời dục giới, cho sự chứng đắc các bậc thiền định, Thánh Ðạo, Thánh Quả...". Nếu vị Sa di, Tỳ khưu phạm giới ấy, chưa sám hối, chưa làm cho giới trở nên trong sạch trước khi chết, sau khi chết, do giới không trong sạch, thì khó tránh khỏi bị sa đoạ trong cõi ác giới. Ðức Phật dạy: "Sāpattikassa bhikkhave nirayaṃ vā vadāmi tiracchānayoniṃ vā’ti. Sāpattikasseva āpāyagamitā vuttā". [Bộ Saraṭṭhadīparūṭīkā , bộ Maṅgalaṭṭhadīpanū] "Này chư Tỳ khưu, Như Lai răn dạy các con: đối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) sẽ tái sanh cảnh địa ngục, hoặc loài súc sanh. Ðối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) chỉ có con đường ác giới mà thôi". Xin dẫn chứng: Trong bộ Chú giải Pháp cú, tích Erakapatta-nāgarājavatthu tóm lược như sau: Trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, một vị Tỳ khưu trẻ ngồi trên thuyền trong dòng sông Gaṅga, nước chảy xiết, vị Tỳ khưu ấy nắm bụi cỏ bên bờ sông, làm cho đứt lá cỏ, coi thường không sám hối āpatti. Sau đó, vị Tỳ khưu ấy một mình hành đạo trong rừng, đến lúc lâm chung hình ảnh lá cỏ hiện ra như quấn vào cổ, khi ấy, không có vị Tỳ khưu nào để sám hối āpatti, tâm hối hận phát sanh nghĩ rằng: "aparisuddhaṃ me sīlaṃ: giới của mình không trong sạch", nên sau khi vị Tỳ khưu ấy chết, do tâm ô nhiễm ấy, tái sanh làm loài súc sanh là long vương Erakapatta, đến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, long vương Erakapatta vẫn chưa thoát khỏi kiếp súc sanh. Ðức Phật chế định giới điều cấm Sa di, Tỳ khưu thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc dành riêng cho mình; nếu vị Sa di, Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc riêng cho mình, thì vị Sa di, Tỳ khưu ấy phải phạm giới, giới không trong sạch. Nếu Sa di, Tỳ khưu nào phạm giới do nguyên nhân thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc trực tiếp từ thí chủ dâng đến mình, dẫn đến những tai hại cho đời sống phạm hạnh của Sa di, Tỳ khưu trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, thì thử hỏi: - Thí chủ có được phước thiện bố thí thật hay không? - Có phải thí chủ hộ độ Sa di, Tỳ khưu giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định ban hành đến Sa di, Tỳ khưu hay không? - Có phải thí chủ hành đúng theo lời giáo huấn của Ðức Phật hay không? - Có phải thí chủ có bổn phận bảo tồn Phật giáo cho được trường tồn lâu dài trên thế gian này không? V.v.... Ðó là những vấn đề mà thí chủ nên có trí tuệ suy xét đúng đắn, kỹ lưỡng trước khi làm một việc gì. Làm đúng lời dạy của Ðức Phật, thì có phước. Làm sai lời dạy của Ðức Phật, thì có tội. Không làm thì không tạo nghiệp, khi đã làm rồi, thì đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, mà thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đều do con người có quyền chủ động chọn lựa nên hay không nên. Nhưng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp thì không có quyền chọn lựa, hoàn toàn bị động, phải chấp nhận như người thừa kế của nghiệp. Thiện ghiệp cho quả an lạc. Ác nghiệp cho quả khổ. Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, chắc chắn không có một ai muốn hậu quả không tốt sẽ phát sanh đến cho mình và những bậc thân yêu kính mến của mình. Nhưng một khi đã làm không đúng theo lời dạy của Ðức Phật, đã tạo ác nghiệp rồi, thì dầu muốn dầu không cũng phải chấp nhận quả của thiện ác nghiệp của mình đã tạo. Bởi vậy cho nên, người Phật tử cần phải nên học hỏi để hiểu biết rõ: Thế nào là tạo thiện nghiệp? Thế nào là tạo ác nghiệp? Thế nào là tạo phước thiện? Thế nào là tạo tội ác? Nhờ sự hiểu biết đúng đắn, mới có trí tuệ sáng suốt chọn lựa: Nên cố gắng tạo mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện. Nên cố gắng tránh xa mọi ác nghiệp, mọi tội ác.... Thì chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh..., đồng thời duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại. Biết cách bố thí tạo phước thiện - Phước thiện bố thí tiền bạc dâng gián tiếp đến Sadi, Tỳ khưu một cách hợp pháp Thí chủ bố thí dâng tiền bạc trực tiếp đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu là điều bất hợp pháp, vì làm cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy phải phạm giới. Trường hợp, người thí chủ có đức tin trong sạch nơi cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu nào, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đặc biệt đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; nhưng tự mình không có điều kiện mua sắm những thứ vật dụng cần thiết làm phước bố thí trực tiếp dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; thí chủ có thể làm phước thiện bố thí bằng một số tiền theo cách gián tiếp. Trước tiên, thí chủ trao số tiền ấy cho người trung gian "người hộ Tăng" (Veyyāvaccakara), có phận sự lo công việc giúp đỡ hộ độ Sa di, Tỳ khưu trong chùa, nhờ người hộ Tăng thay mặt mình lo mua sắm thứ vật dụng cần thiết để làm phước bố thí dâng đặc biệt đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Sa di, Tỳ khưu ấy biết rõ rằng: Kính bạch Sư (Ðại Ðức), con có gởi một số tịnh tài (tiền) nhờ người hộ Tăng "tên A" thay mặt con tìm những thứ vật dụng cần thiết dâng đến Sư (Ðại Ðức), khi nào Sư (Ðại Ðức) cần đến thứ vật dụng nào, xin thỉnh Sư đến gặp người hộ Tăng "tên A" ấy, nhờ người ấy đi tìm thứ vật dụng ấy dâng đến Sư (Ðại Ðức). Ðiều này đã được Ðức Phật cho phép trong giới thứ 10 trong phần 30 điều giới Nisssaggiya pācittiya. Trong điều giới này, thí chủ muốn làm phước dâng một thứ vật dụng nào, bằng một số tiền tương đương, đến riêng cá nhân vị Tỳ khưu nào, vị Tỳ khưu ấy phải từ chối bằng khẩu và thân, không được phép thọ nhận trực tiếp số tiền ấy, cũng không sai bảo người khác nhận cho mình. Nếu người thí chủ hỏi để biết người hộ Tăng, thì vị Tỳ khưu ấy có thể giới thiệu cho thí chủ được biết người hộ Tăng ấy. Ðiều trước tiên, thí chủ trực tiếp đến gặp người hộ Tăng và gởi số tiền, nhờ mua sắm giùm thứ vật dụng ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Tỳ khưu ấy biết. Khi nào vị Tỳ khưu ấy cần đến thứ vật dụng ấy, có thể đến gặp người hộ Tăng bảo rằng: Sư cần đến thứ vật dụng ấy. Người hộ Tăng đi tìm mua sắm thứ vật dụng ấy thay mặt thí chủ làm phước dâng đến vị Tỳ khưu ấy, thuộc về cá nhân thí, nên phước thiện bố thí được nhiều hay ít, tuỳ thuộc vào người thọ thí có giới đức trong sạch hay không trong sạch. Ðó là việc làm hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành. - Phước thiện bố thí tiền bạc dâng trực tiếp đến chư Tỳ khưu Tăng Thí chủ có đức tin trong sạch đến chư Tỳ khưu Tăng, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Thí chủ ấy có thể làm phước bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến chung cho chư Tỳ khưu Tăng (không riêng cho cá nhân vị Tỳ khưu nào), để lo mua sắm những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng có thể trực tiếp nhận số tiền ấy bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân [*], vì tiền bạc là vật mà Tỳ khưu không nên đụng chạm. Do đó, vị Ðại Ðức gọi người hộ Tăng cất giữ số tiền bạc ấy, và đi mua sắm những thứ vật dụng dâng chung đến chư Tỳ khưu Tăng. [*] Tiền bạc, vàng, bạc, các đồ châu báu là những vật mà Tỳ khưu đụng chạm vào bị phạm giới dukkaṭa; nếu thọ nhận riêng cho mình thì phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ. Thí chủ biết cách làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, thuộc về Tăng thí, chắc chắn có phước thiện vô lượng, và có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp. * Phước thiện bố thí tiền bạc cúng dường Tam bảo Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm muốn dâng một số tiền, để cúng dường Tam bảo. Cúng dường Phật bảo: xây cất chánh điện để tôn thờ Ðức Phật, tu sửa chánh điện, v.v.... Cúng dường Pháp bảo: ấn hành kinh sách, để truyền bá giáo pháp của Ðức Phật. Cúng dường Tăng bảo: hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết như: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng. Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp học, nên mua sắm sách, vở ... dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy. Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp hành, nên hộ độ đặc biệt y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy. Nếu vị Sa di, vị Tỳ khưu bị lâm bệnh, nên hộ độ đặc biệt cứu chữa cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy mau khỏi bệnh. Thí chủ có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm dâng tiền bạc dầu ít dầu nhiều tuỳ theo khả năng của mình cúng dường Tam bảo, chắc chắn có phước thiện bố thí vô lượng, có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp. Như vậy, thí chủ có thể làm phước thiện bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến vị Ðại Ðức trụ trì chùa, hoặc một vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng thọ nhận trực tiếp bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân. Vị Ðại Ðức ấy gọi người hộ Tăng trong chùa cất giữ số tiền ấy, để lo phụng sự ngôi Tam bảo. Phật Giáo Tồn Tại Giáo pháp Ðức Phật Gotama của chúng ta được tồn tại 5.000 năm trên thế gian, có nghĩa là đến thời điểm đó, Phật giáo hoàn toàn bị tiêu hoại, bị mất hẳn. Bởi vì, không còn có người nào học và hành, hiểu biết về Phật giáo nữa. Phật giáo đó là pháp học Phật giáo, pháp hành Phật giáo và pháp thành Phật giáo. Hoàn toàn thuộc về nội tâm, không có một hình thức nào. Thời kỳ Phật giáo phát triển, nhờ các hàng Phật tử là bậc xuất gia và tại gia cư sĩ tinh tấn, kiên trì, chăm chỉ theo học pháp học, thông thuộc Tam tạng, Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, và thực hành nghiêm chỉnh theo pháp hành giới, hành định, hành tuệ, dẫn đến kết quả chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Ðến thời kỳ Phật giáo suy đồi; do các hàng Phật tử là bậc xuất gia, và tại gia cư sĩ dần dần chểnh mảng việc theo học pháp học, giảm dần đức tin, thiếu tinh tấn thực hành theo pháp hành giới, pháp hành định, pháp hành tuệ. Do đó, A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả bậc cao bị tiêu hoại từ từ, đến bậc Bất Lai Thánh Ðạo – bậc Bất Lai Thánh Quả; bậc Nhất Lai Thánh Ðạo – bậc Nhất Lai Thánh Quả; cho đến cuối cùng bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả bậc thấp cũng suy đồi. Theo thời gian, trí tuệ kém dần, số hành giả tiến hành thiền tuệ không còn đúng theo Pháp hành Trung đạo, do đức tin giảm dần, nên việc gìn giữ giới không hoàn toàn trong sạch. Sự tiêu hoại về pháp học Phật giáo, bắt đầu tiêu hoại Vi diệu pháp tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Kinh tạng và Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại. Ðến khi tiêu hoại Kinh tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại. Ðến khi Luật tạng tiêu hoại dần, chỉ còn hình thức Tỳ khưu mặc y màu lỏi mít, khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại. Cho đến khi hình thức chỉ còn một miếng vải màu y quấn nơi cổ hoặc cột cổ tay, vẫn còn nghe gọi tên "Tỳ khưu", khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại. Cho đến không còn miếng vải màu y, cũng không còn ai gọi đến tên "Tỳ khưu" nữa, lúc ấy, thật sự Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian. Như vậy, Luật tạng là nền tảng căn bản của Phật giáo. Trong Chú giải Luật tạng dạy: "Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti". [Vinayapiṭaka aṭṭhakāthā, Parājikakaṇṇānidāna] "Luật tạng là tuổi thọ Phật giáo, Khi Luật tạng được trường tồn, Thì Phật giáo được trường tồn". Cho nên, công việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử: bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ. Phật giáo được phát triển hay suy đồi chính là do bên trong các hàng Phật tử; còn bên ngoài, người ngoài chắc chắn không thể làm cho Phật giáo được phát triển hoặc suy đồi. Vậy, muốn cho pháp học Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải học hỏi nghiên cứu, hiểu rõ đúng đắn theo Tam tạng – Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật và động viên khuyến khích người khác cũng học như vậy. Và pháp hành Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải gìn giữ giới cho được trong sạch, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo, và động viên khuyến khích người khác cũng hành như vậy. Như vậy, Phật giáo có thể phát triển nơi người Phật tử này, lại có thể suy đồi nơi người Phật tử khác. Phật giáo có thể phát triển nơi này, lại có thể suy đồi nơi khác. Phật giáo có thể phát triển nơi dân tộc này, lại có thể suy đồi nơi dân tộc khác. Cho đến khi Phật giáo không còn tồn tại nơi người nào cả, nơi dân tộc nào cả, khi ấy mới gọi là Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian. Giáo pháp của Ðức Phật Gotama trường tồn 5.000 năm trên thế gian. Như vậy, đến nay đã trải qua 2.546 năm rồi, phần thời gian còn lại 2.454 năm nữa. Cho nên, chúng ta nhận thấy Phật giáo đang suy đồi nơi một số người này, một dân tộc này, đó cũng là việc bình thường tự nhiên. Ðiều tốt hơn hết, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có tâm niệm đúng đắn rằng: "Phật giáo đang hiện hữu trong tôi, tôi cố gắng tinh tấn, kiên trì làm cho Phật giáo được phát triển". Như vậy, Phật giáo được trường tồn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui cho tất cả chúng sinh, nhất là chư thiên và nhân loại.

No comments:

Post a Comment