Wednesday, May 21, 2014

TSKH Phan Hồng Giang.

TSKH Phan Hồng Giang: Con chữ mảnh mai

Hồng Thanh Quang (thực hiện)

TSKH Phan Hồng Giang sinh năm 1941 ở Huế, là con trai thứ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Ngay từ nhỏ, anh đã được du học (từ lớp 4 tới lớp 8, cậu bé Nguyễn Đức Hân đã được vào học ở Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm và Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc). Mãi tới năm lớp 9, anh mới về Hà Nội học... Năm 1960, anh được chọn đi học tại Khoa Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.Lomonosov (MGU). Có lẽ cái duyên gắn anh với văn học Nga Xôviết cũng từ thuở đó...
Và thực ra, tôi biết anh trước tiên là với tư cách một dịch giả. Ngày tôi còn nhỏ, những tác phẩm mà Phan Hồng Giang dịch từ nguyên bản hoặc bản dịch bằng tiếng Nga như Ngày phán xử cuối cùng (Blaga Dimitrova), Dagestan của tôi (Rasul Gamzatov), Cánh buồm đỏ thắm (A. Grin)… đã thực sự là những người bạn đồng hành thân thiết trong hành trình tinh thần đến với cái đẹp, cái thiện, cái lãng mạn… Lớn lên, sang Liên Xô du học, tôi càng thấm thía hơn cái tinh thần Nga la tư rất đậm đặc mà mình đã được tiếp nhận từ sách dịch của Phan Hồng Giang.
Sau này, bước vào nghề viết, tôi đã có nhiều dịp được tiếp xúc gần với TSKH Phan Hồng Giang và người vợ hiện nay của anh, nữ thi sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngát, người phụ nữ đầy cảm xúc của đồng đất Hưng Yên. Và càng hiểu cặp vợ chồng văn nghệ sĩ này, tôi càng thấy yêu quý và kính trọng họ.  Trong cảm nhận của tôi, đó là những trí thức đích thực, biết vượt qua những bụi bặm của đời thường quá nhiêu khê của chúng ta hiện nay để giữ gìn những di sản tươi mát từ thời thanh xuân.
Và nói thực, tôi rất mong sau này, đến tuổi như họ bây giờ, tôi vẫn còn giữ được ở mình sự trong trẻo và điềm đạm khi nhìn cuộc sống như họ.
Hồng Thanh Quang: Mới đây, tôi có đọc lại bộ toàn tập của nhà phê bình Hoài Thanh, thân phụ của anh. Và tôi thực sự tâm đắc với ý tưởng của ông trong bài “Văn chương là văn chương”. Tôi xin được trích dẫn ra đây: “Người ta vẫn có thể đứng về  phương diện xã hội phê bình một văn phẩm cũng như người ta có thể phê bình về phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức… Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì gì trước hết vẫn phải là văn chương đã…”. Điều tưởng như hiển nhiên ấy mà ở vào những năm 30 của thế kỷ trước, đã châm ngòi cho cả một cuộc tranh luận quyết liệt… Với tư cách một người nghiên cứu văn học, anh có thể nói gì về điều này?
TSKH Phan Hồng Giang: Điều mà nhà văn Hoài Thanh đã khẳng định, như anh nói, quả là một chân lý hiển nhiên. Bất kể một sản phẩm tinh thần nào trong xã hội được đặt tên là do mang đặc trưng riêng nào đó để nó trở thành chính nó. Văn chương cũng vậy. Nó thiên về động chạm đến những vấn đề nhân tình thế thái, tâm hồn - số phận con người ít nhiều mang tính nhân văn vĩnh cửu dù bao giờ cũng khởi nguồn từ những trường hợp cụ thể hữu hạn về không gian - thời gian. Nó là sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ ở mức độ tinh túy nhất.
Điều này lý giải vì sao Truyện Kiều hàng trăm năm sau vẫn còn nguyên sức lay động lòng người, trong khi những bài báo dù “nổ vang” đến mấy, có hiệu ứng tích cực đến mấy  thường cũng chỉ có tác động nhất thời nếu chưa đạt tới tầm văn học. Mỗi loại hình đều có chức năng, đặc trưng riêng, không hề mang tính phân biệt sang hay không sang.
Tiếc rằng cho tới tận ngày hôm nay trên thực tế không phải không còn cách tiếp cận văn học  mà hơn 70 năm trước Hoài Thanh đã từng tỏ thái độ không đồng tình.
Giọng điệu của nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong các bài bút chiến của mình thuở đó rất cứng cỏi nhưng không thô bạo, khác với một số nhân vật cũng “tham chiến” ở giai đoạn này. Chắc trong đời sống, bác Hoài Thanh cũng là một người mềm mỏng? Anh đã bao giờ bị cha mình rầy la nặng chưa?
- Anh nhận xét hoàn toàn đúng. Người ta nói “Văn là người” - văn của Hoài Thanh thể hiện tính cách ngoài đời của ông: tự tin vào chủ kiến riêng của mình nhưng không bao giờ đao to búa lớn, luôn tôn trọng người đối thoại với mình. Trong đời sống thường nhật, ông luôn từ tốn mềm mỏng, “bực không tức, giận không cáu”, không bao giờ gay gắt to tiếng. Với riêng tôi, nếu ông thấy có điều gì không hay không phải thì ông chọn thời điểm thích hợp ôn tồn khuyên bảo để “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” mà thôi.
- Khi biết anh cũng đi theo con đường của cha mình, bác Hoài Thanh có dặn dò anh điều gì không?
 - Cha tôi căn dặn tôi rằng, vô luận làm việc gì trên đời trước hết cũng phải vìlẽ lớn của dân tộc, của đất nước; riêng trong văn chương cần phải giữ cho được sự tự do trong suy nghĩ - sáng tạo và sự  trung thực ít ra là với chính mình.
Trong những cuộc trò chuyện riêng tư, có bao giờ anh nghe thấy cha mình đưa ra những nhận xét khác với những gì mà ông đã viết thành văn bản về các tác phẩm, các nhân vật chính của nền văn học chúng ta ở giai đoạn đó không?
-  Ông luôn luôn nói và viết như mình nghĩ, không bao giờ nghĩ một đằng, nói một nẻo. Tất nhiên trong vài trường hợp nào đó cũng có thể đôi lúc ông cân nhắc “gia giảm” liều lượng khen chê để “lập ngôn” cho dễ thuyết phục hún.
Tồn tại một xu hướng thích tô vẽ cho quá khứ, cho rằng trong quá khứ cái gì cũng hay hơn hiện tại. Dường như các nhà văn thời trước đối xử với nhau tử tế hơn, họ cũng tài năng hơn… Anh là người được nhìn thấy ở khoảng cách gần những nhân vật chính trong làng văn nước ta ở nhiều thời, anh nghĩ thế nào?
-  Đúng là có xu hướng đó, một thứ tâm trạng hoài cổ “bao giờ cho đến… ngày xưa…”. Ngày xưa số người viết văn ít hơn bây giờ (không lên tới con số hàng ngàn như hiện nay!). Phần lớn họ thấm nhuần đạo đức Nho giáo, vốn kiến thức Tây học cũng khá dồi dào nên dễ gây ấn tượng là họ tài năng hơn, đối xử với nhau mềm mỏng, lịch thiệp hơn. Nhưng đi sâu vào thì theo tôi không hẳn là thế, vì thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, bên cạnh đa số tử tế luôn nảy nòi những kẻ “đâm ba chày củ”, luôn coi mình “là số 1, là duy nhất, là tuyệt vời” để rồi “mục hạ vô nhân”, lấy làm thích thú với các scandal.
Dù thế nào ấn tượng chung còn đọng lại trong tôi về thế hệ các nhà văn tôi có dịp được gần gũi là họ thật ấm áp, trong lành và tài ba.
Có ý kiến cho rằng, những thành tựu lớn nhất trong phê bình văn học của bác Hoài Thanh là ở thời trẻ. Anh có nghĩ thế không?
- Dễ đồng tình với nhận xét như vậy. Trong lĩnh vực nghệ thuật, tài năng thường bộc lộ khá sớm. Nên nhớ thi sĩ Nga Lermontov đã kịp để lại di sản thơ vĩ đại khi chỉ sống 27 năm trên cõi đời. Vũ Trọng Phụng cũng đã có sự nghiệp văn chương đồ sộ khi chỉ tồn tại 27  năm trên dương thế!
Hoài Thanh nổi tiếng với loạt bài tranh luận văn chương ở tuổi 27 và viết Thi nhân Việt Nam khi vừa mới ngoài 30 tuổi, cái tuổi có lẽ là thích hợp nhất với người làm phê bình văn học theo kiểu thiên về “duy cảm” như ông.
Tuy nhiên, một nhận xét như trên cũng  không hẳn đúng, bởi sau này, khi đã ngoài “ngũ thập tri thiên mệnh”, rồi lục thập…, Hoài Thanh vẫn có những trang phê bình thơ tinh tế, sâu sắc về thi ca cổ điển của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự…, về các nhà thơ trẻ mới xuất hiện như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Lý Phương Liên,  Nguyễn Duy… và nhất là về cuộc đời, sự nghiệp của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.
Các bài viết của Hoài Thanh luôn luôn vượt qua một cái “ngưỡng” chất lượng nào đấy; trong ông bên cạnh người viết luôn hiện diện một nhà biên tập - tự biên tập tỉnh táo, khắt khe. Mượn câu nói của Sir Alex Ferguson trong bóng đá, có thể nói về chất lượng khác nhau trong các tác phẩm phê bình của Hoài Thanh: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi!”.
- Người con nào cũng kính trọng và yêu quý cha mình. Tôi biết là anh cũng như thế khi nói và nghĩ về cha anh. Nhưng trong nghiên cứu và phê bình văn học, anh lại là một đồng nghiệp của cha mình, dù là ở thế hệ sau. Từ góc độ khoa học và văn học, anh đánh giá thế nào về những thành tựu của cha mình trong lĩnh vực phê bình văn học?
- Vị trí của Hoài Thanh với tư cách là một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX là điều đã được thừa nhận mà không cần đến đánh giá của con cái trong nhà. Phần tôi, chỉ muốn nói thêm rằng, cống hiến đáng quý nhất của ông, theo tôi, là ở chỗ bằng một tình yêu vô tư, bằng tất cả sự tinh tường, tinh tế hiếm thấy, ông đã  tìm ra và  truyền lại cho mọi người  cùng cảm được cái đẹp, cái tình ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ tuyệt diệu của thơ văn.
Anh có bao giờ phải chứng kiến những dằn vặt hay ân hận của nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi ông cảm thấy đã có cái gì đó có thể là chưa đúng trong công việc của mình ở quá khứ?
- Cũng có lúc như vậy. Chẳng hạn về cuối đời có lúc ông nghi ngờ sự “tự phê bình” quá mức cần thiết (!) khi nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật giữa thập niên 30 thế kỷ trước , hoặc đánh giá quá khắt khe về cuốn Thi nhân Việt Nam (mà vào những ngày cuối đời, ông lại trở về nâng niu trân trọng nó như đứa con tinh thần thân thiết nhất). Suy cho cùng, con người nhiều khi cũng khó vượt được ra ngoài cái gọi là “hạn chế của hoàn cảnh lịch sử”.
Có ý kiến cho rằng bây giờ chúng ta không có những nhà phê bình văn học đích thực, vì cách giới thiệu các tác phẩm văn học mới hiện nay chủ yếu cũng được tiến hành theo cái gọi là “lợi ích nhóm”. Mà việc này không chỉ phổ biến ở những tác giả thuộc thế hệ trước mà ngay cả ở những người được coi là còn trẻ, đang sung sức. Anh nghĩ thế nào?
- Về cơ bản tôi tán thành nhận xét của anh. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ, vẫn còn có những nhà phê bình lương thiện và tài năng đấy chứ, anh Hồng Thanh Quang! Cụ thể là những ai, chắc anh cũng có thể nêu tên.
Bây giờ anh có còn cập nhật tình hình sáng tác văn học của nước mình hay không? Liệu có nguy cơ đang tồn tại và hoành hành cái gọi là “nền văn học kinh tế thị trường”?
- Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” của tôi quả là cũng không còn đủ sức, đủ say mê để cập nhật tình hình sáng tác văn học nước mình, nhưng cũng có thể cảm nhận cái gọi là nguy cơ “văn học thị trường”, khi mà không ít tác phẩm chạy theo thị hiếu dễ dãi - nhiều sex, nhiều bạo lực  và ít tính nhân văn.
Anh có nhận xét gì về hiện trạng làng văn? Ai là tác giả đương đại mà anh đánh giá cao? Cái gì mà anh không thích trong sáng tác của những nhà văn đang là chủ đạo hiện nay?
- Như đã nói ở trên, tôi không còn nhiều cơ hội để đọc tương đối đầy đủ các cuốn sách mới ra. Thành thử tôi cũng chỉ hay chú ý đọc những tác giả mà mình đã ưa thích từ trước. Các nhà văn theo tôi vẫn giữ được phong độ từ bao năm nay là Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái.  Tôi không nghĩ rằng ở tuổi của mình những nhà văn mà tôi yêu thích có thể “lột xác” để thay đổi hoàn toàn cách viết của mình. Mà có cần họ phải thay đổi như thế không? Vì như ai đó đã nói: “Suy cho cùng, suốt đời mình, nhà văn chỉ viết một cuốn sách duy nhất”…
- Theo anh ở ta bây giờ, văn học còn có vai trò như nó đã từng có trong những thập niên trước, đặc biệt là trong giai đoạn mà chúng ta đã tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược, thống nhất đất nước?
-  Con tạo xoay vần, thế giới biến thiên, văn học trong hoàn cảnh bùng nổ dữ dội của các phương tiện truyền thông cũng không thể giữ được vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của xã hội như trước đây vài thập niên khi mà các cuốn sách như Thơ của Tố Hữu, Sống như Anh của Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi… được in hàng vạn bản và được truyền tay nhau đọc. Bây giờ văn hóa đọc đang bị giảm sút, mỗi đầu sách văn học thường chỉ dừng lại ở con số  nhỏ nhoi 1 - 2 ngàn cuốn, quá nhỏ nhoi so với số dân xấp xỉ 90 triệu của cả dải đất hình chữ S bên Biển Đông.
Nói thật, tôi không bao giờ đánh giá thấp vai trò của văn học và của các nhà văn nói chung. Nhưng tôi cũng không bao giờ muốn quá đề cao vai trò của văn học và các nhà văn. Và điều này có lý do của nó. Hồi trẻ, tôi đã đọc và rất mê các tác phẩm của nhà thơ Dagestan, Rasul Gamzatov. Và qua thơ cũng như văn của ông, tôi đã rất yêu xứ sở núi đồi Dagestan. Tôi cứ nghĩ đó là quê hương của hòa bình và thân thiện. Thế nhưng sau khi cải tổ thất bại và Liên bang Xôviết tan rã, Dagestan nói riêng và cả vùng Cápcadơ nói chung đã trở thành những điểm nóng đẫm máu nhất. Hóa ra, sự anh minh và tâm hồn thánh thiện của thi sĩ cũng không thể cứu rỗi được quê hương mình. Hóa ra thiện tâm của nhà văn cũng không thể nào thay đổi được bản tính dã man của nhân loại. Liệu tôi có quá bi quan hay không?
- Cũng như anh, tôi rất yêu R. Gamzatov và gần gũi với xứ sở Dagestan kỳ thú của nhà thơ… Anh đã nêu lên thực trạng đau lòng mà ai cũng phải thừa nhận. Nhưng tôi thấy anh không bi quan quá đâu. Tôi cũng nghĩ như anh. Văn học dù có tác động xã hội lớn đến thế nào, nó cũng không thể gánh vác nổi những kỳ vọng nặng nề mà các con chữ mảnh mai không thể nào gánh vác!
Nhà văn Colombia nổi tiếng G.Garcia Marquez đã từng nói: “Ai cũng biết ở Nam Mỹ tồn tại rất nhiều nhà độc tài, nhưng thử hỏi đã có ngọn bút nhà văn nào lật đổ được một chế độ độc tài nào chưa!?”. Nói như F. Dostoievsky: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới này!”, cũng chỉ là thể hiện một ước muốn cháy bỏng rất ít tính thực tế của nhiều người trong chúng ta mà thôi.
Theo anh, vị trí của nhà văn Việt Nam hiện nay trong xã hội có thể được đánh giá như thế nào? Vì sao?
- Theo tôi, vị trí này không cao lắm. Một phần do xã hội hiện nay có nhiều giá trị khác được coi trọng hơn, và thêm nữa, tự các nhà văn thực ra cũng chưa làm được nhiều điều tốt đẹp như mọi người kỳ vọng.
Tôi có cảm giác rằng, hiện nay không chỉ riêng nhà văn mà nhìn chung, toàn bộ lớp trí thức của chúng ta cũng không ở vị trí mà họ từng có trong giai đoạn trước? Vì sao?
- Đúng vậy. Vì sao ư? Vì những người ở vị trí có thể phát huy thế mạnh vốn có của trí thức, do bận bịu nhiều mối lo khác nên không dành nhiều thời gian khai thác(?) giá trị vô hình mà vô giá của giới trí thức. Và vì từ phía các nhà trí thức cũng chưa bộc lộ được đầy đủ  và thuyết phục giá trị tiềm ẩn (nếu có!) của mình.
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách… Nhưng liệu các trí giả có nên cổ xúy cho những tư tưởng làm mất ổn định xã hội hay không?
- Chẳng ai có thể cổ xúy cho những tư tưởng làm mất ổn định xã hội cả.  Cái rất khó ở đây là làm sao xác định, chỉ ra đích xác, đích danh tư tưởng nào có thể làm mất ổn định xã hội, dưới góc nhìn nào, từ quyền lợi của ai…
Làm thế nào để có được một tinh thần trí thức đích thực? Và cái tinh thần trí thức đích thực ấy có thể được xác định như thế nào?
- Tinh thần trí thức đích thực là trong mọi suy nghĩ hành động phải đặt quyền lợi của quốc gia, của dân tộc lên trên lợi ích phe nhóm, lợi ích cá nhân. Chỉ có thể căn cứ vào lời nói, việc làm, hiệu quả khách quan mà xác định được tinh thần trí thức ấy chân chính hay không.
Tôi nghĩ rằng, nếu là một trí thức đích thực thì không được cực đoan. Không được xu thời… Trí thức thì lại càng không nên có thái độ không ăn được thì đạp đổ. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi cũng nghĩ như anh: Cực đoan, xu thời, không ăn thì đạp đổ hay trùm chăn theo “chủ nghĩa Mackeno”… đều là cách hành xử của kẻ tiểu nhân.
Liệu một trí thức có thể đi cố xúy cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan không? Liệu họ có thể tuyên truyền cho một tinh thần phủ nhận cả một quốc gia, một dân tộc khác hay không?
-  Câu hỏi của anh chỉ có thể có một câu trả lời: Không ai và không bao giờ được như thế!
Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Có ý kiến cho rằng, thực trạng không mấy vui vẻ trong làng trí thức nước ta hiện nay phải chăng chỉ là hệ quả của cả một quá trình xây dựng đội ngũ trí thức mới mà chúng ta đã bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ trước. Có đúng vậy không, thưa anh?
- Đúng như anh đã gợi ý. Trên đời này “Gieo gì gặt nấy”, không có gì tự nhiên sinh ra  từ “cái-không-có-gì”!
Theo anh, đâu là những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục của ta? Tôi cũng xin nói thực là tôi không tin những lý lẽ của một số vị trong làng giáo dục, đặc biệt là những gì coi giáo dục như một lĩnh vực thương mại, khi họ phê phán hết lời hệ thống giáo dục mà chúng ta từng có trong thời bao cấp. Nói thật, tôi cũng là một sản phẩm của hệ thống giáo dục đó và tôi không cảm thấy mình là một “phế phẩm”. Tất nhiên, tôi cũng biết là mình có những lỗ hổng nhưng tôi không tin rằng, hệ thống giáo dục đã đào tạo nên những người như chúng tôi lại là một hệ thống yếu kém toàn phần như một số nhà “học giả” tự xưng mình là cấp tiến muốn mô tả.
- Đúng như anh nói. Không thể phủ nhận những gì là tốt đẹp hiển nhiên của giáo dục mà anh, tôi và nhiều người khác nữa đều là sản phẩm dù là chưa thể hoàn chỉnh! Tất nhiên hệ thống giáo dục cũ cũng còn nhiều khiếm khuyết. Những khiếm khuyết này ngày càng bộc lộ rõ hơn khi thời đại mới đặt ra những yêu cầu đổi thay mới. Đó là xu thế tất yếu của sự phát triển. Thay đổi thế nào để có thể xây đắp cho bền vững, cho chắc chắn cái nền tảng nhân văn - dân chủ - dân tộc - hiện đại của giáo dục.
Bây giờ chúng ta có thể làm gì để khắc phục những điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay? Và liệu có thể khắc phục được không?
-  Theo tôi, trước tiên cần sự quan tâm trực tiếp, sự vào cuộc của những người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất trong xã hội ta để tập hợp được những người có tài trí, tâm huyết với sự thay đổi căn bản, toàn diện  thực trạng giáo dục.  Thay đổi về triết lý giáo dục, về hệ thống quản lý vận hành, về chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, về cách nhìn nhận đối xử với các em học sinh - sinh viên, về chương trình và sách giáo khoa, về phương pháp dạy và học…
Tác giả cổ điển Nga nổi tiếng Kuzma Prutrkov từng nói: Hãy nhìn vào gốc rễ! Vậy đâu là căn nguyên những điểm yếu cốt tử của nền giáo dục Việt Nam hiện đại?
- Căn nguyên những điểm yếu cốt tử của giáo dục  như đã nhắc sơ qua ở trên theo tôi là ở chỗ chúng ta đã chậm thay đổi khi hiện thực đất nước ta, hiện thực thế giới chung quanh đã thay đổi một cách cơ bản, từ đó mà chưa có sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng với hoàn cảnh mới.
Anh có tin rằng chúng ta sẽ tìm ra những phương thức hữu hiệu để chống lại nạn sùng bái bằng cấp hay không?
- Tôi tin rằng nếu chúng ta có sự thay đổi triệt để trong công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa thì nạn sùng bái bằng cấp có thể được xóa bỏ. Trong tình trạng tù mù về đánh giá, bố trí cán bộ thì bằng cấp sẽ chỉ là cái cớ để hợp thức hóa những ý đồ trục lợi trong sắp xếp ông này bà nọ vào chức nọ chức kia (mà như một “bí mật”(!) không ai không biết là hầu như chức nào cũng có giá của nó !).
Theo anh, liệu có đúng không khi một số người nói rằng, phẩm hạnh của con người Việt Nam hiện nay đang bị suy thoái, vì chúng ta đã không được chuẩn bị chu tất cho một cuộc sống ở trong cơ chế thị trường?
- Theo tôi, khó có thể chuẩn bị chu tất cho một cuộc sống trong cơ chế thị trường. Chỉ có điều để kìm hãm sự suy thoái phẩm hạnh    của con người thì ở tầm rộng lớn, bao quát nhất cần phải nỗ lực chuyên tâm xây dựng cho được “bộ ba” Nhà nước pháp quyền - Kinh tế thị trường văn minh và Xã hội dân sự lành mạnh.
Có một sự thực là, bên cạnh không ít những mặt tích cực, trong xã hội ta hiện nay đang xuất hiện khá nhiều những chuyện đồi phong bại tục… Không phải vì tôi làm báo trong lực lượng Công an và phải tiếp cận với nhiều tin tức hình sự mà tôi nói thế đâu. Anh có thể lý giải được sự xuống dốc về đạo đức ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội chúng ta được không?
- Tôi tạm tự tìm kiếm cho mình lời giải về cái sự mà anh gọi là “xuống dốc đạo đức ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội chúng ta” như thế này, anh xem có trúng ý anh không nhé.  Chính sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một “bộ phận không nhỏ” đảng viên có chức quyền - như NQ TW 4, khóa XI năm ngoái đã chỉ ra là căn nguyên đầu tiên và cơ bản nhất dẫn đến sự xuống cấp đạo đức của toàn xã hội ta hiện nay mà không ai không nhận thấy và hết sức ưu tư.
Có ý kiến cho rằng, chính các phương tiện truyền thông cũng có lỗi trong việc khiến tình trạng phạm tội lan tỏa nhanh và rộng như thế. Anh nghĩ thế nào?
-  Anh nói quá đúng. Các phương tiện truyền thông, vô tình hay cố ý(?), vì để thu hút khách chẳng hạn hay vì để lảng tránh(?) những vấn đề hệ trọng nhưng lại có phần “nhạy cảm”(!), nhiều khi đã quá mẫn cán  tỷ mỷ đưa tin những hành vi bạo lực ghê tởm vô luân góp phần “quảng bá”, nuôi dưỡng tâm lý “bình thường hóa”, “vô cảm hóa” của xã hội đối với những tội ác kinh sợ đó.
Không có ác thì không có thiện. Ác luôn đi kèm với thiện… Phải chăng chúng ta nên chấp nhận hiện thực như đang xảy ra?
-  Có thể là như vậy. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn nghĩ rằng, chúng ta không thể chấp nhận một hiện thực phũ phàng như thế; nhân loại không thể đi vào con đường tự sát về mặt đạo đức. Cái Ác phải dần ít đi, cái Thiện trước sau phải đến lúc lên ngôi. Không thể nào khác - tôi tin như thế!
Tôi biết là thử nghiệm về một xã hội muốn hoàn toàn nhân văn như đã diễn ra ở Liên Xô đã bị thất bại. Nhưng tôi cũng không tin rằng cách phát triển hiện nay của xã hội loài người lại là hoàn hảo. Liệu nhân loại còn có con đường phát triển nào khác nữa không, thưa anh?
- Trong cách phát triển của xã hội loài người hiện nay, theo tôi, không phải là không có điểm sáng. Dù chưa có và khó có thể có ngay một hình mẫu xã hội hoàn hảo trên thế giới này hôm nay. Nhưng theo tôi vẫn có thể nhận ra mô hình cho một xã hội như thế cho mai sau. Đó là hướng tới nỗ lực thiết lập một xã hội với thế “chân vạc - kiềng 3 chân” - với “bộ ba” như tôi đã nhắc qua ở đoạn trên: Một Nhà nước pháp quyền để đem lại Tự do - Dân chủ - Kỷ cương, một nền Kinh tế thị trường để bảo đảm cuộc sống sung túc, một Xã hội dân sự để mọi người được hưởng Công bằng, Văn minh.
Xin cảm ơn anh!

http://hongthanhquang.vn/?page=p2ct&tid=271

........................................................................


Nhà BiêN KịCh NguyễN Thị HồNg NgáT: "TôI Như Con ChuộT TúI, KhôNg Bao Giờ Bỏ Con"

Đôi nét về cá nhânTrackbacks (0)góp ý (7)   


Người ta thường biết đến nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với vai trò một nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng cuộc sống riêng tư với bao thăng trầm vất vả thì có lẽ ít người biết được.

Bất kỳ một người con gái nào khi lớn lên, ai chẳng mong muốn có được một tình yêu đẹp, chân thành, lập gia đình một lần êm ấm rồi vợ chồng con cái cùng chung sức vun đắp cho cái gia đình ấy. Cô gái Hồng Ngát thủa nào cũng có một niềm mơ ước nhỏ nhoi như vậy. Nhưng cuộc đời lại không như người ta nghĩ, ông trời dường như không dành cho chị cái phần may mắn tưởng chừng như rất đỗi bình thường ấy.
Mối tình đầu của chị rất đẹp. Năm 18 tuổi, chị gặp anh ở chiến trường. Khi ấy, chị là cô văn công trẻ trung xinh đẹp, hát hay, anh là chàng bộ đội Hà Nội đẹp trai, hào hoa phong nhã.  Anh chị lấy nhau, sinh được 3 người con: một trai, hai gái. Cuộc sống ban đầu tưởng chừng sẽ rất hạnh phúc nhưng không ngờ nó lại có kết cục không ai mong muốn. Cuộc hôn nhân giữa hai người tan vỡ.
 
 Gia đình nhà biên kịch Hồng Ngát

Một thời gian không lâu sau, chị được tổ chức cử đi học Điện ảnh tại Nga. Ba đứa con nhỏ, chị phải gửi bà nội trông nom. Xa con, chị đau khổ vô cùng nhưng cũng gắng chịu đựng vì đây là cơ hội hiếm hoi, có thể thay đổi tương lai nên chị đành quyết tâm ra đi. Sáu năm trời xa Tổ quốc nhưng lúc nào trong lòng chị cũng hướng về các con. Chị tiết kiệm từng đồng, vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền, dành dụm tiền gửi về nước nuôi con.
Khi về nước, thời gian đầu đối với chị rất khó khăn. Có lúc chị phải ở nhờ nhà mẹ chồng. Hồng Ngát cũng đón được ba đứa con đang độ tuổi ăn học về nuôi. Cuộc sống của ba mẹ con vô cùng khó khăn, có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, chị chỉ muốn chết. Một mình nuôi con ăn học, khó khăn rất nhiều nhưng chị luôn tâm niệm một điều bằng bất kỳ giá nào cũng phải động viên con vào đại học và các con của chị dù có làm bất cứ nghề gì cũng phải biết duy trì và giữ gìn cho gia đình êm ấm. Và chị tự nhận mình giống như con chuột túi, dù cuộc sống có lên bổng xuống trầm vẫn không bao giờ rời bỏ các con của mình.

Tất cả những cố gắng của chị đến nay đã được đền đáp. Các con chị đã trưởng thành như chị mong muốn. Người con trai lớn của chị Cù Thái Dương đã tốt nghiệp lớp đạo diễn - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1993. Cũng có giai đoạn Dương sống không phải là chính mình nhưng nhờ có sự động viên, tình thương yêu, kiên trì dạy dỗ của mẹ Ngát mà bây giờ, Dương đã có nhiều thay đổi, sống khỏe mạnh, gắn bó với gia đình, có một công việc ổn định tại một cơ quan văn hoá ở Hà Nội và một gia đình hạnh phúc với hai đứa con một trai một gái.
 
 Vợ chồng nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Cù Thu Thuỷ, con gái thứ hai của chị theo học Mỹ thuật Công nghiệp, năm thứ tư theo chồng sang học ở Úc. Đến nay Thuỷ cũng đang rất hạnh phúc bên đứa con gái 10 tuổi và một người chồng thành đạt. Cô con gái út Cù Kim Chi ở với mẹ từ nhỏ, vì thương mẹ nên đã sớm đi làm tại Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Sau này, mẹ động viên, Chi cũng thi vào khoa Đạo diễn và đã tốt nghiệp năm 2004 trường ĐH SKĐA. Chi cũng đã có gia đình nhỏ hạnh phúc với hai con trai. 

Dù tất cả đã lớn khôn và có gia đình riêng nhưng các con của chị vẫn rất quấn mẹ, luôn tranh thủ thời gian để về với mẹ, quây quần bên mẹ. Và nói như một người bạn thân của Hồng Ngát từng nhận xét, "chị giống như mẹ gà luôn xoè cánh ra để che chở cho đàn con của mình".
Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu như không nhắc đến một người rất quan trọng đối với đối với cuộc sống và sự  nghiệp của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - đó là Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, người bạn đời đã 17 năm nay gắn bó cùng chị. Anh là một trong những Tiến sỹ văn học đầu tiên của ta được đào tạo ở Nga.  Anh rất thương yêu các con của chị, coi  như con mình sinh ra. Có thể nói, cuộc đời chị gặp may về hậu vận. Giờ đây, chị đã có một gia đình thực sự hạnh phúc.
Lời tâm sự của Cù Kim Chi - cô con gái út về mẹ Ngát:

Có lẽ là do sự sắp đặt của số phận, mình là con út, bố mẹ chia tay nên mình ở với mẹ. Và sau này, khi đã biết suy nghĩ thì cả ba anh em đều về ở với mẹ. Đối với mình, mẹ luôn là một người bận rộn với con cháu, thích sự sum họp gia đình.

Tuy đôi khi giữa hai thế hệ cũng có những điểm bất đồng, thậm chí có những việc mẹ can ngăn nếu không theo ý mẹ, mẹ cũng dỗi nhưng rồi vượt lên trên hết là tình thương con.

Ấn tượng nhất của mình về mẹ là cách nuôi con, để con tự quyết định những gì cần thiết nhất đối với con mình. Bà luôn tôn trọng ý kiến của con, con muốn làm gì, thích công việc gì thì tự con quyết định.

Chị gái mình thi trượt đại học năm đầu tiên, mẹ đã rất buồn, nhưng bà không trách con mà vẫn động viên, lúc nào cũng có sẵn cơ hội để con làm lại.

Đối với mình, mẹ luôn là người hỗ trợ mình mọi phương diện: sức khỏe, kinh tế, tinh thần với những lời động viên.
Theo Phương Hà

NHỚ CỤ HAI HIÊN

ThơTrackbacks (0)Thêm góp ý   


  
                                               Nguyễn Thị Hồng Ngát
Nhớ cụ Hai Hiên*


                 Đêm đêm
Ông cụ  nấu bếp thời Tây không chịu ngủ
Ông cứ ngồi bên đống than không còn đỏ hồng
Hỏi, ông bảo ông làm gì còn mắt mà nhắm
Giật mình nghe rõ tiếng ông
Mà  không biết tiếng nói ấy từ đâu vẳng tới?
Ông vẫn nghe rõ bước chân người đi
Dù không một lần ông ngoái lại
Tấm lưng già còng xuống bên bếp lửa
Xoong chảo bỗng dưng lanh canh
Bếp tàn tro mà nồi canh trên bếp vẫn sôi sùng sục...
Ông cụ nấu bếp giơ hai tay  lấy làm tiếc
Lúc này tôi mới giật mình nhận thấy ông cụ không có đầu
Sao cụ cứ ngồi hằng đêm như thế?
Một thế kỷ đã trôi qua
Ông cụ và những người đầu bếp của mình  vẫn ngồi hằng đêm như thế
Xoong chảo bỗng dưng lanh canh...
Bếp tàn tro mà nồi canh trên bếp vẫn sôi sùng sục...
Ông cụ bỗng cất tiếng cười
Khi thấy người dương thế nói về lòng yêu nước
Lòng yêu nước có bao giờ cũ
Dù những người yêu nước thỉnh thoảng vẫn bị bỏ quên
Chị đừng lấy làm phiền
Khi thấy chúng tôi  ngồi hằng đêm ở góc vườn hoang này đã một thế kỷ
Đừng hỏi chúng tôi vì sao đêm đêm không ngủ
Xoong nồi cứ khua lanh canh...
                                                      Làng Tân, 5-09
* Cụ Hai Hiên cùng một số cộng sự đã tham gia vụ Hà Thành đầu độc nổi tiếng năm1908 và bị thực dân Pháp chém đầu. Ngôi mộ cụ hiện vẫn nằm ở một góc vườn hoang ở làng Tân ( Nghĩa Đô).Thế Giới Điện Ản

http://nguyenhongngat.vnweblogs.com/


 
http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=57717
Thứ Năm, 17/01/2013 - 8:00 AM
Một giọng thơ nữ không cần trang điểm
Bìa tập thơ "Cỏ thơm mây trắng" của Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Đọc "Cỏ thơm mây trắng" của Nguyễn Thị Hồng Ngát, NXB Hội Nhà văn, 2012.

Trong các nhà thơ nữ thời hiện đại, tôi thích tìm đọc thơ của Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Thị Hồng Ngát. Mỗi người một phong cách, song tựu trung đều giống nhau ở một điểm: Cả ba chị đều lấy thơ ca làm nơi trú ngụ cuối cùng của trái tim. Nói thế cũng có nghĩa là, nếu không có tâm trạng thực sự, khổ đau thực sự, xúc động thực sự, cả ba chị đều không thể nào cầm bút viết thành thơ. Đằng sau mỗi bài thơ của Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát đều có một cái gì đó. Một cái gì đó rất khó gọi thành tên, nhưng nó làm nên sức nặng cho những con chữ.
Giọng thơ của Xuân Quỳnh là giọng thơ buồn thương của định mệnh - buồn thương ngay cả khi tác giả cố gắng "Tự hát" lên mà vẫn bị nỗi buồn ấy ám ảnh không tha:




Em trở về đúng nghĩa trái tim em Là máu thịt, đời thường ai chẳng cóCũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữaNhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Giọng thơ của Phan Thị Thanh Nhàn là giọng thơ hoài tiếc đến cực đoan - một sự cực đoan rất đáng yêu, đáng để phái mày râu phải giật mình nhìn lại con đường và nhìn xuống đôi bàn chân của mình:
Nếu anh đi với người yêuChỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôiCon đường ta đã dạo chơiXin đừng đi với một người khác em
Còn giọng thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sao? Có phải là giọng thơ của một người đàn bà khát? Và ý nghĩa tượng trưng của cơn khát này là gì, mỗi khi chị đưa đôi mắt đăm chiêu và hy vọng nhìn mãi lên trên cao:
Ngước nhìn thăm thẳm trời xanh
Mỗi lần KHÁT - tự biến thành… giọt mưa

Đúng là tác giả đã tự hóa thân để mà giải thoát, chứ không phải giải khát thông thường. Một sự hóa thân thật kỳ lạ và tuyệt vời! Cơn khát ở đây chính là cơn khát của nỗi khắc khoải nghệ thuật. Vâng, Hồng Ngát đã dùng vẻ đẹp của thơ ca làm những liều thuốc để an ủi chính mình. Điều này được bộc bạch, hé lộ rất rõ trong tập thơ mới nhất của chị có tên là "CỎ THƠM MÂY TRẮNG". Một cái tên thật gợi, vừa rất gần lại vừa rất xa.
Với bốn nhăm bài góp mặt trong tập - tôi đã đọc và đã tìm thấy những câu thơ, những bài thơ của chị phải trả giá bằng cả cuộc đời - cuộc đời của một người đàn bà quyết tâm tồn tại giữa bao nỗi đa mang, trắc ẩn có tên và không có tên:
Sao có lúc lòng buồn đến thếDù vẫn cười như chẳng có gì đâuMỗi ngày sống vẫn làm đủ việcNào đâu hay người đổi mặt thay màu
Bài thơ cứ tiếp tục trôi đi một cách thật nhẹ nhàng, thật đắm đuối với một câu hỏi tưởng chừng bâng quơ:
Sao có lúc lòng buồn đến thếDòng sông xưa còn đỏ phù sa?Ta về quê nhớ một thời khao khátCỏ rất thơm mây trắng rất hiền hòa
Rồi đánh đùng một cái, bài thơ bất ngờ khép lại cũng bằng một câu hỏi - câu hỏi lúc này không còn bâng quơ nữa - một câu hỏi không dễ trả lời:
Những người tốt đi đâu hết cảThương cây còn cố giữ một màu xanh…
Bỗng dưng nhớ và nghĩ tới tên gọi của tập thơ - ẩn giữa cái rất gần và rất xa tưởng như mơ mộng ấy - là một nỗi xót xa khôn cùng. Nỗi xót xa ấy còn được lặp lại dữ dội hơn nữa ở trong những câu thơ cuối cùng của bài "Đi tìm sự bình yên":
Sống khó quá làm sao không mệt mỏiĐi đâu giờ để có được bình yênGiữa nhà mình gió bão vẫn từng cơnLòng không tĩnh làm sao đời tĩnh được?
Nhưng điều đáng quý nhất là dù mệt mỏi đến đâu, nữ thi sĩ vẫn ngẩng cao đầu và can đảm cất bước. Chị đi, đi để chứng minh tình yêu cuộc sống của mình không bao giờ vơi cạn:
Em vẫn đi dù biết mỗi năm bạn bè cứ vơi dầnHọ đã lánh về miền xa thẳmĐể lại một tình yêu thầm lặngMột tình yêu vời vợi không lời
Tình yêu vời vợi không lời của Hồng Ngát không chỉ dành riêng cho bạn bè mà còn dành cho những mảnh đất, những âm thanh mà chị đã từng sống, từng nghe - một tình yêu khiến ta không ngủ nổi vì những cánh bèo đã chìm trong đất, những mạch nước giếng làng trong vắt đã được đổ đầy bằng gạch xỉ gạch than:
Làng làm gì còn ao? Làm gì còn bờ bãiLàng lên phố lâu rồi - Bản giao hưởng từ thủa hồng hoangSao con ngân mãiUôm uộp trong đêm - uôm uộp trong lòng
(Đêm nghe tiếng ễnh ương kêu)
Tiếng ễnh ương kêu than trong đêm đã hóa thành tiếng lòng thắc thỏm của nhà thơ.
Đến đây tôi bỗng nhận ra một điều ở trong "CỎ THƠM MÂY TRẮNG": Trong các bài thơ của Hồng Ngát đầy rẫy những câu hỏi, và chính những câu hỏi đó đã làm nên tính công dân, tính tư tưởng cũng như tạo ra chất thơ, hồn thơ của chị - Đó là một giọng thơ nữ không thể trộn lẫn, vừa nhạy cảm lại vừa thẳng thắn; nhạy cảm với mọi sự đời và thẳng thắn với chính bản thân mình. Có lúc đọc thơ, lại ngỡ như đang đọc trộm nhật ký của chị:
Đã định chào thơ không tri âm tri kỷ cùng thơ nữaĐã nói dỗi như thể bao nhiêu lần rồi nhưng khi gặp bạn bè thân thiết vui quá lại quên khuấy đi Lại cầm bút lại muốn viết lại muốn chia sẻ lại muốn nói về cuộc sống tuy vất vả nhọc nhằn nhưng vẫn đáng yêu (Dỗi).
Những trang thơ giống như nhật ký như thế, có rất nhiều rất nhiều trong thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đây là một phong cách và cũng là một thế mạnh của chị để đi vào lòng bạn đọc. Biết là vậy, nhưng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh, đủ tự tin để thổ lộ đến cùng những suy nghĩ của mình - một sự thổ lộ không khoan nhượng giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác. Mặc dù đã có lúc chị rụt rè tự nhủ:
Đời vốn thế thôi thì ta biết vậyHãy lặng yên như chẳng biết gìHãy lặng yên như một kẻ ngu siMọi sự ghét bắt nguồn từ sự nói (Đi tìm sự bình yên)
Nhưng cuối cùng thì nhà thơ chân chính trong chị vẫn cứ phải lên tiếng, và có nói ra, thì chị mới đúng là chị:
Phim quay mãi vẫn cứ là vô tậnChỉ cuộc đời là hữu hạn mà thôiƯớc gì người với người là bạnNhỏ nhen chi? Chật hẹp lắm cõi đời. 
Trên phim toàn nói điều tốt đẹpƯớc gì đời - sống cũng đẹp như phimCao cả với thấp hèn - hai cực Để cho ai cứ mãi mãi đi tìm…
(Phim và Đời)
Cũng có lúc chị biết sợ - sợ rất nhiều thứ. Nghe những nỗi sợ mà chị liệt kê ra, người khó tính dễ cho chị là người… lẩn thẩn: "Sợ tất cả từ trẻ thơ - đầu bạc/ Sợ vô tâm làm khổ người thân/ Sợ mèo đói, sợ chó tru khát nước/ Sợ con đau, sợ chẳng thể đỡ đần/ Sợ bè bạn xa gần quên nhớ/ Sợ quê hương gần đó mà xa/ Sợ chồng giận mỗi lần sơ ý/ Sợ anh em ruột thịt trong nhà" (Sợ)
Nhưng khi chị đã vượt qua sự tê tái, vượt qua những âu lo, vượt qua bao đau buồn - nỗi sợ của chị bùng cháy lên thành một Điểm Ngời Sáng rực rỡ triết lý nhân sinh:
Sống một ngày cho thật đáng sống hơnCòn thấy sợ bởi còn yêu đời lắm
Chính vì Hồng Ngát biết quý, biết nao nức, biết chắt chiu từng ngày từng giờ, thậm chí từng phút những gì trần gian và bầu trời đã ban tặng cho mình nên tất cả những bài thơ viết về mùa xuân của chị, vừa mang cái sinh lực của thiếu nữ lại vừa có được cái tinh lực của một người từng trải:
Một chút nhớ thôi - nhẹ như tơMột chút thảo thơm giữa hững hờMột lời thân mến tan mệt nhọcHoa đào vẫn thắm giữa vườn xưa. 
Xuân đã về kia gió gió bayNhớ thương ba vạn sáu ngàn ngàyVẫn làm như thể không thương nhớMuối mặn ba năm gừng vẫn cay. (Khi mùa xuân tới)
Bên cạnh một Hồng Ngát nhạy cảm, thẳng thắn ở mảng thơ thế sự, ta lại phát hiện thêm một Hồng Ngát thật đắm say và nồng nàn trong những câu thơ chị viết về những người thân thương và gần gũi nhất của mình:
Em mới hiểu ta cần nhau đến thếGiữa mênh mông ngả cuối của cuộc đờiMỗi ngày sống càng nâng niu gìn giữCả khi chết đi cũng không thể xa rời…(Không thể xa rời)
Nguyễn Thị Hồng Ngát đã lên chức bà, nhưng gặp chị và nhất là đọc thơ của chị, tôi thấy chị trẻ quá - sự trẻ trung, nói đúng ra là sự trẻ thơ của một người lấy thi ca làm cứu cánh tin cậy, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua những giai đoạn nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Và chị đã vượt qua được! Chị có một cuốn tiểu thuyết lấy tên là "Hai lần sống một mình". Nhưng hình như chị chưa bao giờ phải sống một mình - bên trong trái tim của một người đàn bà gặp nhiều sóng gió vẫn có một cô bé con trong trẻo tên là Hồng Ngát luôn lạc quan mỉm cười, luôn hồn nhiên cất cao tiếng hát. Chính nhờ cô bé con ấy, nụ cười ấy, tiếng hát ấy mà chị luôn có thơ. Từ "NHỚ VÀ KHÁT" đến "CỎ THƠM MÂY TRẮNG" là cả một chặng đường dài. Thơ chị càng ngày càng đằm sâu hơn và day dứt hơn, chính vì thế cũng giản dị hơn, thân thiết hơn với muôn nẻo đời thường. Điều đáng trân trọng nhất là thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát chưa bao giờ cần đến sự trang điểm hay làm điệu chữ nghĩa bằng son phấn mà vẫn tràn đầy nữ tính và sự duyên dáng. Một giọng thơ nữ dù tác giả có đãng trí quên đề tên, nhưng tôi tin, bạn đọc vẫn có thể nhận ra người nữ thi sĩ quen thuộc của mình

No comments:

Post a Comment