Phần 1.
Ở đây người viết chỉ nêu lên những việc làm đối với những trường hợp người già yếu, mất tại nhà, theo phong tục cổ truyền. Trường hợp mất tại bệnh viện hoặc mất dọc đường, quán trọ, chết vì tai nạn, gươm súng, xe cộ, rắn độc, thuỷ hoả tai, chưa đúng kỳ đáng chết... không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ thao tác và nghi lễ như dưới đây, vậy nên châm chước, tuỳ nghi vận dụng:
1. Lễ mộc dục : (tắm gội)
Lúc tắm gội cho người vừa chết thường để sẵn một con dao nhỏ hay kéo, một vuông vải (khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. lúc tắm, vây màn cho kin, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; "nay xin tắm gội để sạch bụi trần", xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy vuông vải dấp vào nước ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao hay kéo cắt móng tay móng chân,mặc quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại móng tay để trên, móng chân để dưới, để vào trong quan tài ngang với chổ tay, chân. Dao hay kéo, lược thìa và nước đem đi chôn, sau đó rước thi thể đặt lên giường.
2. Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan:
Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).
3. Lễ phạn hàm:
Lễ này theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát. Lễ này ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.
Theo "Thọ mai gia lễ", lễ này được tiến hành như sau:
Lấy ít gạo nếp xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai).
Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: " nay xin phạn hàn, phục duy hâm nạp". Người chấp sự lần lượt xướng "Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm". Tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.
4. Lễ khâm liệm nhập quan: 
Các con vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng "Nay được giờ lành, xin rước nhập quan". "Cẩn cáo" xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.
Đồ khâm niệm: nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.
"Tục ta nhiều người tin theo thầy phù thuỷ, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi nhập quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài. Có người cho là chết phải giờ xấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn át ma quỷ" (Trích "Việt Nam phong tục"- Phan Kế Bính - tr.31)
Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian bên cạnh.
5. Lễ thiết linh: (Sau khi nhập quan)
Là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang.
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ "Cố phụ", "Cố mẫu" thay cho "Hiền thảo", "Hiền tỷ".
6. Lễ thành phục:
Tức là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.
Thờ cúng người thân vừa mất
"Đau lòng tử biệt sinh ly,
Vòng tang, thờ cúng khắc ghi trong lòng"
Người Việt coi trọng việc kỉ niệm ngày mất, nhất là cúng cha mẹ. Theo “Thọ mai gia lễ”, thì cứ đúng ngày quy định trong gia lễ mà làm, không có sự chuyển dịch tuỳ tiện theo lời thầy lễ hay thầy bói nào cả. Chỉ trừ ngày làm lễ an táng và ngày làm lễ trừ phục cần chọn ngày lành. Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vậy nên từ xưa tới nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có những năm, ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần.v.v... theo gia lễ: Lễ chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Ðại tường cứ theo đúng ngày mà làm lễ. Khi đó con cháu ở xa nhớ ngày về làm lễ, thân nhân ở chỗ khác sắm sửa lễ đúng ngày tới dự. Lưu ý tang tế theo ngày định sẵn, thân bằng, cố hữu ai lưu luyến đến thăm viếng, không đợi thiệp mời như lễ mừng, lễ cưới, không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (mời thì đến, không thì thôi).
1. Lễ ba ngày còn gọi là: Lễ tế ngu 
Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Thực ra, trong điển lễ thì không có “lễ ba ngày” mà chỉ có “lễ tế ngu” 祭虞 , gồm có: “sơ ngu 初虞”, “tái ngu 再虞”, “tam ngu 三虞”. “Ngu” nghĩa là “yên”, tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách. Theo “Thọ mai gia lễ” thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (ất, kỷ , tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu.
Dần dần về sau người ta giảm lược, kiêm cả ba lễ luôn, chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày. Vậy là tính ba ngày từ sau khi chôn, theo tục gọi là lễ mở cửa mả. Ngày đó con cháu ra sửa lại mồ mả, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước... Ngu là tế ngu, tế chỉ tế người chết, tế thần. Theo phong tục cũ thì ít khi chết xong chôn ngay, thường còn để năm bảy ngày trong nhà. Khi chưa chôn làm lễ triêu tịch điện, tức cúng cơm hàng ngày vẫn theo lễ thờ người sống. Vậy tế ngu phải tính từ sau khi chôn. 
Có ba điều không yên khiến phải làm lễ tế ngu:
- Ðang sống hoạt động nay mọi hoạt động bỗng nhiên đình chỉ.
- Ðang nhìn thấy , khi đã nhập quan không nhìn thấy bóng dáng nữa.
- Ðang ở trên dương thế, nay xác về cõi âm, hồn vất vưởng lìa khỏi xác. Âm dương hoàn toàn cách biệt từ sau lễ thành phần. Sơ ngu, tái ngu, tam ngu là tế để làm cho yên hồn phách, vậy phải tế sau khi mất, sau khi lễ nhập quan và sau khi lễ thành phần xong.
Thời này cũng có trường hợp sau khi chết 4-5 ngày còn để trong nhà lạnh chưa chôn nên không thể làm lễ ba ngày trước lễ an táng.
Kiêng không đắp mộ trong vòng tang : 
Theo phong tục, sau ba ngày an táng là làm lễ mở cửa mả. Trong buổi đó, sửa sang mộ cao ráo, đắp cỏ xung quanh làm rãnh thoát nước, chặt bỏ cây bụi chung quanh để phòng rễ mọc lan, xuyên vào mộ, chọc thủng áo quan. Kể từ ngày đó, con cháu đến viếng thăm, thắp hương chỉ lấy đất chung quanh đắp bổ sung vào những chỗ đất bị sụt lở, không được trèo lên mộ, không được động thuổng, cuốc vào. Có tục này bởi trong ba năm đó áo quan và thi thể đang trong thời kỳ tan rữa, đã xảy ra những trường hợp do không biết để phòng mà mồ mả bị sập. Sập mả, động mả mặc dù là hiện tượng tự nhiên cũng gây cho tang gia nhiều điều lo lắng.
2. Lễ cúng cơm trong 100 ngày: 
Trước bữa ăn, trong vòng 100 ngày sau mất, người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong. Thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong cũng rót chén nước.
Thờ cúng vong linh cũng giống như đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.
3. Cúng tuần: 
Tuần Thất là tuần 7 ngày và lập lại 7 lần, được thực hiện vào các ngày thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42 sau khi mất và tổ chức lớn hơn cúng cơm hàng ngày chút đỉnh. Sở dĩ phải làm Tuần thất là vì người ta tin rằng người chết, sau 7 ngày thì tan một cái vía, mà con người có Bảy Vía nên phải làm tuần 7 lần để cho 7 cái vía lần lượt tan hết thì mới siêu thăng được. Nếu có làm lễ tụng Kinh thì gọi là Trai thất Nhưng có nhiều người chế giảm, không làm Tuần thất từ thứ 1 đến thứ 6, chỉ làm Tuần thất thứ 7 gọi là Chung thất.
Theo thuyết Thần giao cách cảm, ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách xa nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường. Người ta bảo chết là hết. Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm chí người sống. Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị huỷ, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng âm hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát.
Cầu siêu: chỉ tiến hành với người đã được quy với mong muốn vong hồn người chết được mát mẻ. Thực hiện vào cuối tuần thứ 5 (35 ngày) bởi lúc đó hồn được phép về thăm nhà, rồi Siêu linh là lên thuyền Bát Nhã qua miền Tịnh thổ nếu được sư tăng tụng niệm. Đồ lễ là lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè. Trường hợp chùa có thờ các vị Thánh Mẫu thì có thể dâng lễ mặn ở bàn thờ đó còn Phật điện thì tuyệt không dùng. Dịp này phải nhờ sư hoặc các vãi tụng kinh, con cháu quỳ dưới. Khi cầu siêu dùng kinh Adiđà: “Nguyện sinh vào đất Tây phương trong sạch, Hoa Sen nở chín tầng làm cha mẹ. Hoa nở thấy Phật gặp cõi vãng sinh. Lòng thành dâng Lễ, vạn tội tiêu tan, nguyện cho linh hồn thơm tho, đắc độ siêu thoát cùng gia quyến yên vui lợi lộc”. Sau lễ Cầu siêu con cháu thành tâm công đức để tu sửa chùa.
4. Lễ chung thất (49 ngày) và tốt khốc (100 ngày) :
Có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức là lễ chung thất ). Thế tục cho rằng 49 ngày đó là thời kỳ vong linh còn mờ mịt, nổi chìm chưa định, nên phải cúng vong để giúp được chuyển sinh vào chỗ thiện. Theo thuyết của Phật giáo: vừa mới chết, hồn người chết bị Thành Hoàng là vị thần cầm sổ bộ điạ phương phái Ngưu Đầu và Mã Diện áp tải đến tra án trong 49 ngày về những hành vi thuở sinh còn sống, qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát sẽ tự do hay bị gông cùm tuỳ theo tội trạng.
Làm chay: thường thực hiện trong tuần Tứ cửu (cúng 49 ngày) đối với người chết bất đắc kỳ tử. Đàn chay lập ra gồm 3 tầng: trên cùng là tượng Tam bảo được thay bằng 3 bình hương; tiếp theo là tượng Tam phủ (Trời, đất, Nước gồm Thiên Quang, Thích Ca và Thành Hoàng) dưới cùng là ban thờ chúng sinh. Khi tiến hành có Lễ Phật, lễ Tam phủ, Cầu vong, phá ngục, giải oan cắt đoạn, phóng sinh và cúng cháo.
Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc ) với ý nghĩa là thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.
5. Tiểu tường: 
Thế tục cho rằng 49 ngày đó là thời kỳ vong linh còn mờ mịt, nổi chìm chưa định, nên phải cúng vong để giúp được chuyển sinh vào chỗ thiện. Do vậy giỗ đầu là tiểu cát tường, được thực hiện đúng 1 năm sau ngày mất. Khi đó con cháu phải mặc tang phục và lúc tế lễ cũng khóc như khi đưa ma. Đồng thời sắm sanh đồ mã gồm đủ vật dụng hàng ngày xưa kia của người hưởng giỗ, có thêm hình nhân để giúp việc. Đây chính là mã biếu để người quá cố đem biểu các ác thần tránh sự quấy nhiễu.
6. Đại tường: 
Niên quang tự tiễn, thời gian qua mau như tên bắn , thoắt cái đã đến lần giỗ thứ 2, giỗ đại cát tường. Đây còn gọi là Chung thân chi tang và con cháu cũng mặc đồ tang nhưng sự khóc đau có giảm hơn. Ngược lại việc tổ chức giỗ lớn hơn và việc sắm đồ mã lại chú ý hơn bởi đây là mã nhận mà chính người thân quá cố sẽ được dùng. Trước khi đốt mã có cúng ngay tại mộ và sau đó mã sẽ được hóa trước mộ.
7. Trừ phục, (đàm tế) : 
2 tháng sau ngày giỗ hết, tìm ngày Trực trừ thực hiện lễ trừ phục hay bỏ tang. Ngày trực trừ được tính theo Phép ghi 12 chỉ trực. Trước đó 1 tháng gia chủ mặc đồ tang đứng trước ban thờ khấn rằng “Kính lạy…Con là…cùng toàn gia dự định sang tháng vào ngày…sẽ làm lễ đàm cho..nếu được xin báo ứng” sau đó lấy 2 đồng xu ra và lạy khấn “Trên trời lấy nhật nguyệt chia ngày đêm, dưới đất coi âm dương mà phân biệt. Chúng con người trần mắt thịt, mờ mịt không hay vậy xin gieo đồng tiền trông sự báo ứng biết lành mà tới, biết dữ mà xa. Cúi xin bái lạy Hương linh. Cẩn cáo”. Gieo tiền đồng sấp, đồng ngửa là được. Khi chưa được sẽ khấn lại gieo tiếp 2 lần nữa nếu vẫn chưa được sửa lễ xin tiếp hoặc lùi ngày. Trừ phục gồm 3 lễ:
1. Lễ sửa mộ: Ðắp sửa mộ thành mộ tròn.
2. Lễ đàm tế: Cất khăn tang. Huỷ đốt các thứ thuộc phần lễ tang, rước linh vị vào bàn thờ chính. Bỏ bàn thờ tang. Thu cất các bức trướng, câu đối viếng.Từ đó mọi hoạt động gia đình trở lại bình thường (cưới xin, đi dự các cuộc vui..).
3. Lễ rước linh vị vào chính điện và yết cáo tổ tiên: Chép sẵn linh vị mới, phủ giấy hay vải đỏ, khi đàm tế ở bàn thờ tang xong thì đốt linh vị cũ cùng với băng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung (nếu có) đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới. Trường hợp nhà con thứ không thờ gia tiên bậc cao hơn thì vẫn để nguyên bàn thờ như cũ, không phải chuyển bàn thờ mà chỉ cần yết cáo gia thần và yết cáo tổ ở nhà thờ tổ.
8. Cải táng: 
Người mất, sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc cải táng. Tục cải táng khởi nguồn từ thời Bắc thuộc khi quan lại và thương lái TQ chết tại Nam mà gia đình có nhu cầu đưa xương cốt về chính quốc. Về sau thành lệ và thành phong tục bởi: Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài; Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng; Ba là vì, các nhà địa lý, thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có người bệnh hoạn, điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cải táng; Bốn là, những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ.
Chọn ngày: tìm hiểu những mộ chôn bên cạnh xem họ cải xương cốt đã sạch chưa mà quyết định thời gian. Thường vào dịp cuối năm, trước 23 tháng Chạp vì khi đó thời tiết khô ráo. Sau đó phải tìm ngày. Điều quan trọng nhất trong ngày giờ này là tránh các ngày mà có các sao sau chiếu Thiên cương, Thọ tử, Đại hao, Tử khí, Quan phù (xấu trong mọi việc lớn), Băng tiêu ngọa giải (kiêng làm nhà và mọi việc lớn), Thổ cấm (kiêng động thổ), Trùng tang, Trùng phục (kỵ hôn nhân, mai táng, cải táng). Nếu không tính được cần nhờ thầy.
Tìm đất, chọn hướng: ban đầu cổ nhân chú ý cả việc chọn đất làm nhà (dương cơ), dựng chùa...và đặt mả (âm phần) và cho rằng “Nhất dương thắng Thập âm”. Nhưng về sau dương cơ chỉ cốt lấy hướng còn âm phần (nơi an táng của người thân) thì được quan tâm đến cả vị trí, thế đất, hình thù đám đất và hướng. Địa điểm lý tưởng cho nơi đặt mộ là có thế đất vuông vức, nằm lưng chừng quả đồi giống hình chiếc ghế bành: phía sau có Hậu chẩm là tựa vào Rùa đen (Huyền Quy), trước mặt có Minh đường là Phượng hoàng đỏ thấp hơn như cái ghế để chân, bên trái có Rồng xanh (tả Thanh Long) nằm cao hơn, bên phải có Hổ trắng (hữu Bạch Hổ). Xa hơn có dòng nước chẩy coi như huyết mạch của đất. Như vậy địa điểm đặt một lành là phải có đủ “Long, Huyệt, Sa, Thủy” và tránh những đám đất méo mó, trước rộng, sau hẹp...việc chọn hướng cần dựa vào mệnh người nằm dưới mộ và tránh hướng Tuyệt mệnh, Hoa hại.
Trường hợp các gia đình quy tập mộ người thân trong một khu thì việc xác định hướng là theo mệnh của người gia trưởng, những thành viên khác sắp xếp theo thứ tự “Tả chiêu hữu mục”: các đời lẻ về bên tay Trái-hướng Đông, đời chẵn về bên Phải-hướng Tây. Trong bàn đồ thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng sắp xếp Bài vị hay ảnh theo nguyên tắc này.
Chọn mầu gạch: Xưa kia khi cải sẽ đắp mộ tròn. Sau này xây hình dài hoặc tròn tùy gia chủ nhưng đa phần dài. Hiện nay việc quét vôi các ngôi mộ xây đã giảm, đa phần là ốp gạch. Việc chọn mầu gạch cũng theo nguyên tắc sinh vượng của Ngũ hành, Bát quái.
Người mạng Hỏa nên dùng màu tương sinh, hành Mộc tức là xanh lá cây.
Không nên dùng màu đen, xanh nước biển, tím-xanh (màu tím nghiêng về xanh, màu tím lạnh, là màu hành thủy).
Người mạng Thổ nên dùng màu đỏ, hồng, cam
Nên tránh màu hành Thủy: đen, xanh nước biển và tím xanh. Kỵ nhứt là màu xanh lá cây, cây rút chất bổ từ đất mà sống, người mạng Thổ dùng màu hành Mộc tức ngày càng suy yếu về sức khỏe, thể lực cũng như tiền tài, vật chất.
Người mạng Kim tốt nhất nên dùng màu vàng đậm đến nâu,
Kiêng kỵ những màu hành Hỏa như đỏ, hồng, cam.
Người mạng Thủy tốt nhất dùng màu bạc, trắng, vàng.
Kỵ màu vàng đậm, nâu, bởi vì đất (đê) có thể trấn áp, chận được nước, nước chảy không suông, mọi sự bế tắc ( màu tím nghiêng về đỏ hồng, màu tím ấm, là màu hành hỏa).
Người mạng Mộc nên dùng màu xanh nước biển, đen, tím xanh.
Tuyệt đối không nên dùng màu của Kim như vàng tươi, trắng và bạc, ví như cây bị cưa, búa, rìu chặc thành khúc vậy.
Sinh:
a. Thổ sinh kim, thổ nhiều thì kim bị vùi – kim nhiều thì thổ yếu.
b. Hỏa sinh thổ, hỏa nhiều thì thổ tiêu rụi – thổ nhiều thì hỏa tối.
c. Mộc sinh hỏa, mộc nhiều thì hỏa không cháy – hỏa nhiều thì mộc cháy.
d. Thủy sinh mộc, thủy nhiều thì mộc trôi – mộc nhiều thì thủy cạn.
e. Kim sinh thủy, kim nhiều thì thủy tràn – thủy nhiều kim chìm.
Khắc:
a. Kim khắc mộc, mộc nhiều kim cùn – kim nhiều mộc gãy.
b. Mộc khắc thổ, thổ nhiều mộc gãy – mộc nhiều thổ nghiêng đổ.
c. Thổ khắc thủy, thủy nhiều thổ trôi – thổ nhiều thì thủy ứ.
d. Thủy khắc hỏa, hỏa nhiều thủy cháy – thủy nhiều hỏa diệt.
e. Hỏa khắc kim, kim nhiều hỏa ngưng – hỏa nhiều kim tiêu.
Nghi thức: Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Ðến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới táng.
Trước hết khai mả, nhặt lấy xương xếp vào một cái tiếu sành, rẩy nước vang vào rồi che đậy thật kín, không cho ánh sáng mặt trời lọt vào được. Nhà phú quý thì dùng quan quách liệm như khi hung táng đem cải táng sang đất khác. Còn quan tài cũ nát thì bỏ đi, tốt thì đem về dùng hoặc làm cầu, hoặc làm chuồng trâu chuồng ngựa, để trâu ngựa đứng cho khỏi sâu chân. Dân gian tin rằng: Hễ ai đau tức thì lấy mảnh ván thộ (mảnh ván quan tài nát) đốt lên, để gầm giường mà nằm thì khỏi đau tức.
Trong khi cải táng có ba điều là tường thuỵ (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải táng: Một là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật; Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết; Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt. Khi nào gặp như thế thì phải lập tức lấp lại ngay.
Khi cải táng phải cất mộ ban đêm hoặc sáng sớm khi Mặt trời chưa mọc, hoặc nếu làm ban ngày thì phải có lán che bởi âm dương cách biệt nên phải kiêng không để mặt trời trực tiếp dọi vào. Nhưng, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, có nhiều trường hợp, gặp đất dưỡng thi, hoặc ba điều tường thuỵ (tức mộ kết phát) không nên cải táng, phải lấp lại ngay. Trong trường hợp thi thể sau nhiều năm vẫn còn nguyên vẹn, nếu để ánh nắng mặt trời trực tiếp dọi vào thì rữa ra ngay và teo lại. Mặt khác buổi sáng hay đêm không khí thường trong lành, ít người tụ tập, đỡ độc hại. Vì vậy, để phòng xa nên kiêng ánh mặt trời, lâu ngày trở thành phong tục chung.
Sau khi hoàn thành việc xây phải gắn bia có ảnh, họ tên, năm sinh, năm mất và có thể có câu đối, ví dụ khi xây mộ thân phụ, có người đã gắn câu: “Công cao mở đất lưu hậu thế, Đức cả rèn con rạng tổ tông”.
9. Kị nhật: 
hay cát kị thực hiện vào ngày mất (theo âm lịch) từ năm thứ 3 trở đi. Ý nghĩa, đồ lễ, nghi thức đã chép kỹ tại phần cúng giỗ. Thông thường các năm thứ 5, 15, 25.. gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn sẽ làm lớn hơn.
10. Chăm sóc mộ phần: 
là một trong những hình thức thờ phụng. Việc này được thực hiện vào dịp trước Tết, trước ngày cúng giỗ và dịp Thanh minh.
11. Tạ mộ 
khi mộ bị sụt hay trong gia đình có sự xấu hoặc sẽ chuyển đi xa. Lễ gồm trầu, cau, xôi, chuối, rượu, gà, gạo, muối, vàng, mã. Đồ lễ đặt trước mộ, con cháu khấn vái, chú ý khấn cả Thổ thần nơi đặt mộ (Dẫn hồn sứ giả Ngũ đạo tướng quân, Đương sứ Thổ địa chính thần) và phải viết Sớ.
Quan niệm của Đạo Phật:
TRONG VÒNG 8 TIẾNG ĐỒNG HỒ:
Tiếng đồng hồ đầu tiên là Mắt chết trước (không còn thấy nữa), tiếng thứ 2 đến Tai (không còn nghe được nữa), tiếng thứ 3 là Mũi, tiếng thứ 4 là Miệng, tiếng thứ 5 là Thân, tiếng thứ 6 là thức ngã chấp, thức thứ 7 là Ý, thức cuối cùng là tạng thức hay a Lại Da Thức là thức ra sau cùng (nóng ở đâu sau cùng) quyết định nơi tái sanh về cõi nào (cái này P đánh thêm từ bài giảng khác, có thể P nhớ không chính xác tên các thức... nhưng để giúp cho một số bạn thắc mắc được hiểu rõ hơn tại sao phải cần 8 tiếng)
PHẦN HỒN (tinh thần) rất quan trọng cho nên trong vòng 8 giờ đầu tiên (từ 1 phút cho đến 8 tiếng) quý vị nên làm những điều sau đây:
Xin quý vị đừng lưu tâm đến phần thể xác mà hãy quan tâm đến phần tinh thần của người thân nhân mới qua đời.
Điều phải nên làm:
1.Kể từ khi người thân tắt thở liên tục trong 8 tiếng đồng hồ phải chí tâm niệm Phật để hộ niệm cho thần thức người chết, chúng ta phải nhớ kể từ khi người đó tắt hơi thở cuối cùng là phải chí tâm niệm Phật, không đợi rước Thầy, nhiều người gọi điện thoại lại chùa này chùa kia để thỉnh Thầy gặp lúc đó một hai giờ sáng, vị Thầy nào mà họ bắt điện thoại là chúng ta may mắn, nếu không họ để cái máy trả lời tự động là muộn rồi, thành ra chúng ta phải làm ngay người trợ niệm cho người thân của mình.
2.Phải liên lạc ngay với một vị Thầy có kinh nghiệm về trợ niệm vãng sanh cho người mới chết, nếu người bệnh lúc còn sống tu theo tịnh độ thì phải thỉnh một vị Thầy chuyên tu về pháp môn Tịnh độ (đừng thỉnh vị Thầy thiền, vị Thầy thiền lại họ khai thị làm cho người thân mình không bắt được và thần thức của người thân mình sẽ đi vào cảnh giới xấu) để vị Thầy này khai thị cho thần thức của người mới chết và vị Thầy này sẽ hướng dẫn cho chúng ta biết cách trợ niệm theo phương pháp nào có hiệu quả nhất để giúp cho người vừa mới chết được vãng sanh về cõi lành, tốt nhất là được vãng sanh về Tịnh Độ, nếu người bệnh lúc còn sống tu theo pháp môn thiền thì phải thỉnh một vị Thầy chuyên tu về thiền tông để khai thị cho thần thức của người mới chết để giúp cho người chết khỏi đọa vào ác đạo: địa ngục, ngả quỷ, súc sinh
Điều cần lưu ý: nếu nơi phòng của người bệnh vừa mới chết không có tôn tượng Đức Phật Di Đà, đâu phải ai cũng có tượng Đức Di Đà sẵn đó đâu, mà chỉ có tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc tượng của đức Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc tượng của đức Địa Tạng Vương Bồ Tát thì chúng ta đừng câu nệ chấp trước là phải chờ đi vô chùa mượn, thỉnh tượng Phật A Di Đà, lúc đó nó muộn rồi, nhớ không cần…đức Phật không có chấp, chờ cho chúng ta đi thỉnh, mượn được tượng Phật thì sẽ mất một hai tiếng đồng hồ trợ niệm quan trọng của người thân của mình, người vừa mới qua đời phải niệm Phật ngay càng sớm càng tốt, chúng ta nên nhớ chư Phật không còn chấp nhất, chỉ có chúng sinh mới còn tâm phân biệt Phật Quan Âm, Phật Thích ca, Phật Địa Tạng, Phật Di Đà mà thôi.
Tất cả người thân còn sống không được khóc lóc, lưu luyến, thương tiếc, nếu quả thật thương tiếc thì hãy niệm Phật trợ niệm cho người chết được vãng sinh, đừng khóc lóc làm động tâm và nhất là không được để nước mắt nhễu vào người họ, vì nếu người đó mà đọa vào loài ngã quỷ, thì những giọt nước mắt này chạm vào thân họ trong khi a lại da thức chưa xuất ra, mới xuất có mấy thức trước, thì họ cũng có cảm giác như là lửa nhễu trên người của họ, làm hại cho việc vãng sinh. Trong một đoạn của một vị tôn túc giảng thế này: người mà đã chết rồi khi mà nước mắt nhỏ lên người họ đó, nếu người chết đó đã tái sinh vào loài ngã quỹ thì họ thấy nước mắt của mình nhễu lên người họ đó, dưới cái nghiệp của loài ngả quỷ họ thấy nước là lửa, họ thấy lửa nhễu lên người họ có cảm giác đau đớn như là lửa phỏng từ đó họ nổi sân, họ không được tái sanh vào các cõi lành, do đó khi khóc làm cho tâm thần họ bị bấn loạn, bây giờ chúng ta đang nghe pháp đây mà một đứa bé khóc lên… tâm của mọi người chưa bị đau, chưa bị lúc lâm chung nè… mà chúng ta còn cảm thấy khó chịu, một đứa bé khóc cũng làm cho hai vợ chồng cãi lộn, trong khi người lâm chung nghe tiếng khóc của mọi người, họ sẽ bấn loạn tinh thần và họ mất chánh niệm và sẽ đi vào cõi xấu
Nếu trong thời gian cấp bách này mà không mời thỉnh được một vị Thầy để làm chủ lễ hộ niệm cho người thân mới qua đời thì đừng chờ đợi nữa mà tất cả thân quyến hãy tập trung chung quanh giường của người thân mới chết mà chấp tay niệm lớn danh hiệu A Di Đà Phật (tôi nghĩ không ai đã từng đi chùa mà con cháu lại không thuộc được 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” không cần lấy Kinh, lúc đó đừng có dại mà chạy đi kiếm kinh Địa Tạng, đừng có dại mà tụng kinh Pháp Hoa, lúc đo trong thời gian này từ 1 phút đồng hồ sau khi chết cho đến 8 tiếng chỉ niệm Phật hiệu A Di Đà và nhớ càng đông chừng nào càng tốt chừng đó) để trợ niệm cho người chết, càng tụng nhiều, tụng sớm bao nhiêu thì sự trợ niệm cho người chết càng có kết quả tốt đẹp bấy nhiêu
3.Nếu lúc người chết còn sống có thói quen niệm 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” thì ngay lúc này mọi người phải niệm đủ 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”
Nếu lúc còn sống người chết có thói quen niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” thì ngay lúc này mọi người phải niệm đúng 4 chữ “A Di Đà Phật”. Tại sao? Tại vì khi người đó niệm 6 chữ mà chúng ta niệm 4 chữ làm cho họ mất chánh niệm, bằng chứng là khi chúng ta theo gen của Thầy, đầu tiên Thầy cho nửa tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” nhẹ nhàng rồi sau đó Thầy cho niệm nhanh vừa, rồi nửa tiếng nữa Thầy cho đi kinh hành, nửa tiếng nữa Thầy cho lạy hải triều âm thì chúng thấy nó an lạc lắm, nhưng theo rơ của những vị tu theo Pháp Sư Ngộ Thông là niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật liên tục rất nhanh thì chúng ta niệm không được, tại vì nó khác với tập khí bình thường của mọi người, lúc này còn tỉnh táo mà chúng ta niệm không được. Thành ra chúng ta chớ dại mình thích niệm 4 tiếng mà người đã chết niệm 6 tiếng thì phải tùy thuận người đó mà niệm cho họ vãng sanh
4.Nếu người chết lúc còn sống có thói quen khi niệm Phật hiệu theo kiểu chậm rãi, nhẹ nhàng, khoan thai, rõ ràng thì lúc trợ niệm chúng ta phải niệm theo đúng kiểu người chết lúc còn sống thường hay áp dụng, nếu chúng ta làm trái lại sẽ có hại cho người chết hơn là có lợi cho người chết
5.Nếu người chết lúc còn sống có thói quen khi niệm Phật hiệu thật nhanh thì mọi người phải theo đó mà trợ niệm thì mới có kết quả, chúng ta phải biết căn cơ của mỗi người đều khác nhau cho nên đừng lấy cách niệm Phật của mình mà áp dụng cho kẻ khác thì có lợi không thấy đâu mà chỉ thấy hại. Chúng ta phải biết mục đích niệm Phật là gì? là để cho tâm được an lạc, nếu cách niệm Phật của mình không hợp với căn cơ của người mới chết thì dễ làm cho thần thức của người mới chết không được hoan hỷ thì cảnh xấu sẽ đến mà cảnh tốt sẽ không được đến
6.Trong lúc hộ niệm đọc danh hiệu Phật trợ niệm cho người mới chết không cần có chuông mõ, lúc này là lúc 8 tiếng chạy đua với thời gian, ngoại trừ trường hợp lúc nguời chết còn sống có di chúc thích trợ niệm đi kèm với tiếng khánh hay mõ thì mình mới áp dụng
7.Sau khi trợ niệm đủ 8 tiếng đồng hồ kể từ khi người thân qua đời, chúng ta bắt đầu dùng hai ngón tay chạm nhẹ vào lòng bàn chân của người mới chết để xác nhận xem thần thức của người chết tái sanh về cõi nào. Nếu hai ngón tay của chúng ta chạm vào lòng bàn chân mà có cảm giác nóng ấm thì đây là triệu chứng cho biết người mới chết thần hồn của họ bị sao đọa vào địa ngục, nhớ sau 8 tiếng là cơ thể bắt buộc bị lạnh, mà rờ trước 8 tiếng cũng không đúng nữa, mà phải sau 8 tiếng, có thể để chuông đồng hồ reo nhỏ hay rung. Ví dụ chết lúc 1 giờ thì đặt chuông đồng hồ reo lúc 8 giờ, vừa đúng 8 tiếng xong là ngưng niệm Phật đánh 3 tiếng chuông, rồi bắt đầu lấy 2 ngón tay, cái điểm rờ là lòng bàn chân của người chết mà “Nam tả nữ hữu”, người nữ thì rờ vào lòng bàn chân bên phải của họ, người nam thì rờ vào lòng bàn chân bên trái.
Nếu hai ngón tay của chúng ta chạm vào lòng bàn chân mà có cảm giác nóng ấm thì đây là triệu chứng cho biết người mới chết thần hồn của họ bị sao đọa vào địa ngục, nếu hai ngón tay chạm vào lòng bàn chân của người chết mà có cảm giác lạnh giá, lạnh buốt thì hãy tiếp tục dùng 2 ngón tay này chạm vào đầu gối của người mới chết, chạm vào cả hai bên trái phải luôn, nếu hai đầu ngón tay có cảm giác nóng ấm thì thần hồn của người chết tái sanh vào cõi súc sanh: trâu, bò, heo, chó, gà, vịt…nếu hai đầu ngón tay có cảm giác lạnh giá khi chạm vào đầu gối của người mới chết thì hãy dùng hai đầu ngón tay này chạm vào vùng bụng của người mới chết, vị trí chính xác nhất mà hai đầu ngón tay phải chạm vào thân thể người mới qua đời là cái lỗ rốn, sờ bàn tay không chính xác, nếu hai đầu ngon tay có cảm giác nóng ấm thì thần hồn của người chết đã đọa vào cảnh quỹ đói, nếu ngay lỗ rốn của người chết mà lạnh giá thì chúng ta hãy tiếp tục dùng hai đầu ngón tay này chạm vào ngực của người mới chết, điểm chính xác nhất mà hai đầu ngón tay phải chạm vào tử thi là vị trí của quả tim (ngay cái ấc chỗ chấn thủy), nếu hai đầu ngón tay có cảm giác ấm ngay chấn thủy thì thần hồn của người chết được tái sanh vào nhân đạo hay cõi người, còn nếu hai đầu ngón tay có cảm giác lạnh giá ngay chấn thủy thì tiếp tục dùng hai đầu ngón tay chạm vào hai vai, nếu hai đầu ngón tay có cảm giác ấm ngay vai thì thần hồn người chết đã tái sanh vào cõi A Tu La, nếu hai đầu ngón tay có cảm giác lạnh giá ngay vai thì hãy tiếp tục dùng hai đầu ngón tay chạm vào mí mắt của người mới chết, nếu hai mí mắt của người mới chết có cảm giác nóng ấm thì thần hồn của người mới chết được thác sanh vào một trong 6 cõi của tầng trời Dục giới là cõi trời có vợ có chồng gồm cõi trời thấp nhất là Tứ Thiên Vương, thứ hai là Đao Lợi Thiên, thứ ba là Dạ Ma Thiên, thứ 4 là Đâu Suất Đà Thiên, thứ 5 là Hoá Lạc Thiên, thứ 6 là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Nếu hai mí mắt của người chết có cảm giác lạnh lẽo thì chúng ta hãy tiếp tục dùng hai ngón tay này chạm vào trán của người mới chết, nếu chúng ta có cảm giác trán của người mới chết nóng và ấm thì thần hồn của người mới chết được thác sanh vào 18 cõi trời sắc giới, còn hình tướng nhưng hết dâm dục vợ chồng, nếu trán của người chết lạnh giá thì chúng ta hãy dùng hai ngón tay chạm vào chân tóc của người mới chết, nếu chân tóc của người mới chết có cảm giác nóng ấm thì thần hồn của người mới chết được tái sanh vào các cõi trời vô sắc giới (cõi trời chỉ có tâm thức mà không có thân tướng, là những cõi trời thuộc về Phi tưởng, Phi phi tưởng cao lắm), nếu chân tóc của người mới chết có cảm giác lạnh giá thì chúng ta hãy tiếp tục dùng hai đầu ngón tay chạm vào đảnh, mọi người thấy đảnh của đức Phật Di Đà, Phật Thích Ca có cục thịt cao không, nếu chỗ này có cảm giác nóng ấm thì thần hồn của người chết chắc chắn 100% là được cửu phẩm liên hoa trong 9 phẩm ở Tây Phương Cực Lạc được vãng sanh, hoa nở thấy Phật rồi đó
8.Nếu người chết quá 8 giờ đồng hồ toàn thân đều giá lạnh khó tìm ra chỗ nóng lạnh sau cùng ở đâu để biết được htần hồn của người chết tái sanh về cõi nào, bởi vậy phải đặt đồng hồ báo, qua khỏi giờ đó là bị trượt, chết 1 giờ thì phải đặt 8 giờ, chết 1:30 thì đặt 8:30, còn nếu dùng tay thử trước 6 tiếng đồng hồ thì sẽ không được chính xác, vì trong thời gian này cơ thể sẽ còn nhiều chỗ còn hơi ấm, nhất là quả tim, cho nên muốn chính xác phải chờ hơn 6 tiếng cũng đừng để quá 8 tiếng, mà phải chính xác nhất là 8 tiếng đồng hồ theo như trong Kinh dạy thì mới chẩn đoán chính xác người đó được
Hết phần 1
Tuvivien sưu tầm của Trần Mạnh Thái sưu tầm và giới thiệu.