https://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2017/01/31/765088/
Trò chuyện với một bác sĩ Phật tử
Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung |
GN Xuân - BS.Nguyễn Bảo Trung đang công tác tại BV Nguyễn Trãi (TP.HCM), anh sinh năm 1980, đã xuất bản 2 cuốn sách(Vô thường và Sen) được độc giả, nhất là bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt bởi sự nhẹ nhàng trong văn phong cùng kinh nghiệm thực tập nhận diện sự thật để khỏe hơn, an hơn giữa cuộc sống.
Bác sĩ Trung đã có cuộc trao đổi với Giác Ngộ xuân Đinh Dậu, anh đã nói "tin nhân quả để có giấc ngủ bình an" và cho biết thêm:
- Trong hai cuốn sách trên mình chia sẻ về những câu chuyện rất đỗi bình thường đã, đang và sẽ xảy ra hàng ngày, đôi khi là những bài thơ... Cám ơn bạn đọc đón nhận, đọc và đồng cảm cùng tôi. Thật sự, đây là những câu chuyện, ai cũng gặp được, ai cũng kể được trong cuộc sống.
* Nhân duyên nào đưa anh đến với việc viết lách, lại là viết về đề tài liên quan tới Phật giáo, thực tập chánh niệm...?
- BS.Nguyễn Bảo Trung: Cách đây 8 năm, thấy mình làm việc trong môi trường quá nhiều áp lực, căng thẳng... và thấy tánh mình hay nổi nóng, kiêu ngạo nên Hồng Ngọc, một người bạn tu học theo pháp môn Làng Mai đã tặng mình vài cuốn sách của Sư ông Thích Nhất Hạnh như Hơi thở - nuôi dưỡng và trị liệu, Nhật tụng thiền môn, Giận... Nhờ đọc sách của Sư ông, nhờ tiếp xúc trực tiếp với sự thảnh thơi, tươi mát, vững chãi nơi bạn ấy (Hồng Ngọc), nhờ trong lúc hành y - chạm vào bao nhiêu niềm đau cũng như nỗi thống khổ của bệnh nhân và nhờ tham gia trực gác ở khoa cấp cứu, nơi mà sinh mạng con người chỉ gói gọn lại ở một hơi thở, một nhịp tim..., tôi đã hiểu được một phần, chỉ một phần nhỏ bé thôi về “thế nào là vô thường”, “thế nào là không có bùn thì không có sen”...
Tôi đã viết lại những gì mình cảm nhận được. Thật sự, bây giờ tôi vẫn còn nhiều thói hư tật xấu đang cần sửa chữa.
* Vậy, ngoài giờ làm ở bệnh viện (chắc chắn là rất bận), anh còn có thời gian để thiền?
- Theo tôi hiểu, khi chúng ta sống thật tự nhiên, chấp nhận chính mình và mọi người đang là, sự việc xảy ra thì phải xảy ra..., đó là đang “thiền”. Thiền, đơn giản là lúc tức giận biết mình đang tức giận, lúc vui mừng biết mình đang vui mừng...
Để trở thành người quan sát, nhân chứng như vậy, phải thực tập mỗi lúc mỗi nơi. Điều đó rất khó. Nhưng chính câu nói của Bụt - Mỗi chúng sinh đều là một vị Bụt sẽ thành - đã mở ra cho chúng ta một con đường, để hy vọng, để mạnh dạn cất bước lên đường.
* Nhiều bạn trẻ ngày nay than bận rộn, không có thời gian để làm việc, anh nghĩ sao?
- Nếu cần bận rộn hãy bận rộn. Nếu cần nghỉ ngơi hãy nghỉ ngơi. Sau cơn bão rồi, đất trời tự nhiên sẽ lặng yên. Đừng tìm kiếm sự lặng yên trong cơn bão!
* Đức Dalai Lama thứ XIV nói, Ngài bất ngờ với con người vì cứ bán sức khỏe để kiếm tiền để rồi sau đó lại dùng nhiều tiền kiếm được hầu mong mua lại chút sức khỏe. Là một bác sĩ, anh có lời khuyên nào cho bạn đọc trong việc cân bằng giữa làm việc và bảo dưỡng sức khỏe của mình?
- Tôi xin mượn câu nói của Thiền sư Ajahn Chah ở Thái Lan: Muốn cơ thể khỏe mạnh, phải bắt cơ thể hoạt động. Muốn tâm khỏe mạnh, phải giữ tâm đứng yên.
* Cũng là một Phật tử, anh thấy mối liên hệ giữa thân-tâm như thế nào?
- Chúng là một, không tách rời. Những gì dưỡng nuôi thân sẽ dưỡng nuôi tâm và ngược lại.
Tác phẩm của BS Nguyễn Bảo Trung
* Trên cơ sở mối liên hệ đó, việc một bệnh nhân khi điều trị bệnh (nơi thân) cần một tâm thế như thế nào? Anh có lời khuyên nào cho các bệnh nhân của mình?
- Những bệnh tật xảy đến cho thân tâm nói riêng và những biến cố trong cuộc đời nói chung thường do hai nhóm yếu tố chính. Nhóm đầu là những yếu tố chúng ta không thể thay đổi được như gene, tự miễn, quá trình lão hóa... Đối với nhóm yếu tố này chúng ta phải học cách chấp nhận và chào đón chúng đến trong sự an nhiên, bằng lòng. Nhóm thứ hai là những yếu tố chúng ta có thể thay đổi được như nếp nghĩ, thói quen, cách ăn uống, vận động, phương pháp chữa trị...
Thứ gì có thể thay đổi được, thì chúng ta phải thay đổi.
Nhiều khi bệnh tật giảm bớt hay hết hẳn chỉ với một việc tưởng chừng như đơn giản như dừng lại một thói quen hút thuốc lá hay là buông bỏ hận thù.
* Có người nói, tình thương (lắng nghe, thấu hiểu, buông bỏ hận thù như anh nói) của thầy thuốc cũng là một-loại-thuốc quý cho bệnh nhân? Kinh nghiệm của anh trong việc này?
- Tất nhiên, sự lắng nghe, thấu hiểu và thực tài của thầy thuốc là một loại thuốc quý, nhưng phải biết rõ rằng trong mọi mối quan hệ, nhất là mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân luôn cần có sự hợp tác với nhau. Thầy thuốc có khi lắng nghe, thấu hiểu tốt, chữa giỏi... nhưng bệnh nhân không chịu thay đổi, không tuân trị, nhất là không có tin cậy thì cũng như không. Người ta hay gọi Bụt là Y vương. Bụt đưa cho chúng ta đơn thuốc chữa trị, con đường để đi... còn việc tin cậy, thực hành theo và bước đi... đó là việc của mỗi người chúng ta.
* Tuy nhiên, đâu phải bác sĩ, y tá... nào cũng vậy, nhất là khi đồng tiền (hoa hồng từ những ca mổ, kê toa thuốc...) đã xâm nhập vào công việc của người hành nghề y?
- Bởi vậy tôi mới nói, cần có sự tin cậy. Cuộc sống, con người, sự việc... lúc nào cũng có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu. Mỗi chúng ta phải tâm niệm, có luật nhân quả, để mỗi khi nói và làm... chúng ta thật cẩn trọng. Một việc thiện, một điều lành chẳng những giúp cho người khác hạnh phúc mà còn giúp chúng ta thấy bản thân mình có ích, giấc ngủ mình được bình an. Còn một việc xấu, lỗi lầm chẳng những hại người mà còn gây hại lại chính chúng ta. Thiền sư Nhất Hạnh dạy: Mọi loài tương tức, tôi và anh dung thông.
* Anh đã làm gì để giữ mình trước sự thật vừa nói, cũng là vấn nạn mà dư luận rất quan tâm, lo ngại ấy để giữ “chánh mạng” theo Bụt dạy?
- Khi nghe một câu chuyện không đúng về mình, hay quá đúng về mình... tất nhiên phản ứng đầu tiên của chúng ta là tức giận và cố gắng giải thích. Sự tức giận này là do chúng ta thấy mình mất đi một thứ gì đó, như mất mặt, mất chỗ ngồi, mất một mối quan hệ... Dù rằng, chung cuộc cái gì cũng mất. Một người có “tu”, tức là có lắng nghe trái tim, có sửa mình mỗi ngày... sẽ nhanh chóng nhận ra, đó là quả mà mình đã gieo, đó là nhân duyên không thể tránh khỏi - người đó sẽ sám hối và biết chế tác những điều tốt đẹp hơn trong tương lai để làm vơi đi phần quả. Và mình đang học theo điều đó.
* Cuối cùng, nhân dịp năm mới, anh có lời chúc gì cho độc giả?
- Tôi muốn gửi đến lời chúc sức khỏe. Bởi vì có sức khỏe chúng ta mới có thể thực hiện được nhiều điều khác nữa.
* Cám ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị này...
Chúc Thiệu thực hiện
Có những mầu nhiệm mà ta chưa biết
Chúng ta cứ ngỡ mình bất tử. Chúng ta cứ ngỡ y học đã phát triển tột bậc có thể trị liệu được tất cả. Chúng ta không chịu đối diện với thực tế là mình đang chết dần.
Chẳng phải giải Nobel Y sinh học năm 2016 phảng phất ý niệm vô thường đó sao? Có sinh là có diệt. Sinh và diệt xuất hiện cùng nhau ngay khi đứa trẻ chào đời.
Giả sử rằng, nếu được lựa chọn giữa chết từ từ với bệnh nan y hay chết đột ngột, tai nạn bất ngờ, chúng ta sẽ chọn cái nào nhỉ? Thật sự chúng ta không chọn được đâu giữa hàng triệu hàng tỷ cái duyên góp lại. Hỏi như vậy, chỉ là để nhìn sâu hơn về vấn đề sinh tử.
Một số bệnh viện lớn hiện nay đã có khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Không biết ở đó ngoài việc được điều trị giảm nhẹ những cơn đau về mặt thể xác bằng morphin, an thần, corticoid... bệnh nhân có còn được điều trị giảm đau về mặt tinh thần? Nếu có, đó là phương pháp gì? Nghe kinh? Quán niệm hơi thở? Nhìn thẳng vào cái chết?
Theo mình, hãy cho bệnh nhân biết họ đang mắc ung thư giai đoạn cuối không thể nào cứu chữa. Và hãy sắp xếp trong phòng bệnh một góc nhỏ thờ Bụt, hay thờ tùy theo tín ngưỡng.
Những ngày trước khi chết cực kỳ quan trọng. Đó là những ngày dọn mình! Dọn dẹp lại lòng mình. Khi biết rằng vài ngày nữa sẽ chết, chúng ta có còn ham muốn một điều gì không? Những danh tính, địa vị, gia đình... mà trước đây chúng ta cho là tất cả, bây giờ có giá trị gì không?
Thay vì không chấp nhận cái chết, chúng ta lại bình tâm đón chào nó. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy thời gian còn lại là quý báu. Sẽ nói lời tha thứ. Sẽ nói lời xin lỗi... Sẽ khác. Rất khác.
Cuộc sống vốn bí ẩn và nhiệm mầu. Sự hiểu biết của chúng ta vẫn còn sơ khai lắm. Thế nên một góc nhỏ đặt tượng Bụt, nơi đêm vắng lặng nằm nghe kinh biết đâu sẽ thay đổi rất lớn nơi tâm chúng ta.
BS.Nguyễn Bảo Trung
|
No comments:
Post a Comment