Saturday, May 26, 2018

MINH DANG QUANG


Related image
Tô sư Minh đăng Quang.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên dưới 2000 năm và đã thấm sâu trong lòng dân tộc Việt. Khoảng giữa thế kỷ XX, tại miền Nam Việt Nam, đức Tổ sư Minh Đăng Quang phát Bồ-đề tâm với chí nguyện: “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, khai sáng “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, nay là Hệ phái Khất Sĩ – thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
I. THÂN THẾ VÀ THỜI NIÊN THIẾU
Đức Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG, thế danh Nguyễn Thành Đạt (tự Lý Huờn) chào đời lúc 10 giờ tối ngày Tân Tỵ 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).
Xuất thân từ gia đình kính Phật trọng Nho, thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn). Ngài là con út trong gia đình có 5 anh em. Bốn anh chị trước Ngài, cụ bà đều thọ thai bình thường, nhưng đến Ngài thì cụ bà mang thai đến 12 tháng mới khai hoa. Mười tháng sau, ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý (1924), cụ bà bịnh nặng rồi qua đời, hưởng dương 32 tuổi. Ngài được người cô và bà nội lãnh phần nuôi dưỡng.Đến 3 tuổi, Ngài được kế mẫu Hà Thị Song nuôi dưỡng đến ngày trưởng thành. Cụ ông mất ngày mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), thọ 75 tuổi.
Tuy sinh trưởng ở một làng quê, nhưng Ngài có trí thông minh khác hẳn những trẻ cùng thời. Phong cách đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, nói, làm… đều thể hiện sự trang nghiêm, điềm đạm hơn chúng bạn. Ngài thường san sẻ sách vở viết mực của mình cho bạn nghèo đồng học, giúp đỡ người khó khổ, tật nguyền. Chính nhờ vậy mà ngay từ lúc còn niên thiếu, Ngài được thân phụ rất yêu quý và mọi người thương mến. Ở trường, Ngài luôn chăm chỉ học hành, bài vở học đến đâu đều thông suốt đến đó và mỗi năm mỗi tiến bộ.
Ngoài giờ học tập ở trường, Ngài phụ giúp việc nhà, đỡ đần cha mẹ. Khi tuổi lớn dần, Ngài rất thích theo cụ ông đến chùa lễ Phật nghe kinh và thọ dùng chay lạt. Nhờ đó tâm thương người mến vật dần thêm tăng trưởng.
Như là một thiên tư, Ngài rất siêng năng ưa thích nghiên cứu, tìm hiểu sách vở các tôn giáo, nhất là tam giáo Thích – Đạo – Nho. Vốn sẵn tuệ căn, Ngài thường tìm đến các bậc thức giả trưởng thượng đương thời để tham vấn đạo lý. Nhờ vậy mỗi khi chuyện vãn với những người thiện duyên, Ngài đều luận giải một cách tinh tường và được người người cảm phục.

II. TẦM ĐẠO VÀ XẢ NGHIỆP TRẦN THẾ
Vốn sẵn căn tính của người xuất trần, Ngài nhiều lần xin phép thân phụ được qua xứ Chùa Tháp tầm sư học đạo. Nhưng thân phụ vì quá thương con, nên không đành để Ngài ra đi một mình một bóng đến xứ lạ quê người khi tuổi đời còn niên thiếu. Qua nhiều đêm suy nghĩ, không thể vì tình cảm riêng tư của gia đình nhỏ hẹp mà chần chừ chí nguyện, nên Ngài quyết chí ra đi:
Thôi thì thôi, thế thôi thì,
Vẹn nguyền, xin chịu lỗi nghì với cha.
Thiếu niên ngày nọ lìa nhà,
Vượt biên giới Việt, Miên xa dặm ngàn.
Lên non tìm động hoa vàng,
Tầm sư học đạo chốn Nam Vang thành.
(Trụ Vũ – Thi hóa Tiểu sử Tổ sư)
Ngài rời Việt Nam đến Campuchia lúc 15 tuổi và đến thọ giáo với ông Lục Tà Keo mà Ngài đã từng nghe thân phụ đôi lần truyền kể về công hạnh giúp đời. Chính nơi vị thầy đầu tiên này, Ngài đã trải qua những cuộc thử thách cam go như đào giếng, lấp ao, trông nom vườn rẫy, quản lý công nhân trong các cơ sở sản xuất lò vôi, buôn bán… Rồi đến một ngày, vị thầy hoan hỷ tỏ lời khen ngợi và giao hết gia tài sản nghiệp cho người đệ tử còn đang tập sự trông nom.
Hơn 3 năm, Ngài vừa công quả vừa hành thiện giúp đời, cứu nhân độ thế. Cũng trong thời gian này, Ngài đã nhận ra được tính chất tạm bợ, được mất có không của vật chất… và nhận thấy rằng hạnh nghiệp tại gia vừa tu tập vừa làm phước giúp đời không phù hợp với tâm nguyện, nên Ngài đã bái tạ thầy, xin phép về lại Việt Nam.
Thời gian đó, Ngài được người thân quen giúp cho chỗ làm việc ở một hãng buôn trong vùng Chợ Lớn.
Chính nơi này nghiệp duyên xưa tái hiện, thử thách và kết thúc. Hơn một năm sau, người bạn đời Kim Huê giã từ trần mộng, để lại Ngài đứa con gái còn thơ dại. Thành Đạt xin thôi việc, bồng con lặng lẽ quay về quê nhà và nhờ gia đình nuôi giúp. Tròn một năm sau, bé Kim Liên cũng theo mẹ ra đi, để lại trong lòng Ngài bao nỗi thương tâm, trầm quán:
Gẫm trong trời đất vô cùng,
Nợ duyên âu cũng nghiệp chung muôn loài.
Hay là Thánh ý Như Lai,
Muốn cho ôn lại trọn bài đau thương?
Đau thương là tính vô thường!
Vô thường là tính đoạn trường xưa nay.
(Trụ Vũ – Thi hóa Tiểu sử Tổ sư)

Vô thường huyễn hóa đã đánh thức tánh giác và nuôi dưỡng Bồ-đề tâm của Ngài. Vào những buổi chiều tà, Ngài thường ngồi bất động, trầm tư, nhìn ánh hoàng hôn buông xuống, quán chiếu vạn pháp đổi thay huyễn hóa, vô thường. Có phải chăng bài học đau thương, bài học vô thường, bài học đoạn trường là những bài học vi diệu đã chuyển hóa phiền não thành Bồ-đề, giúp duyên cho vị Bồ-tát tròn xong hạnh nguyện hôm nào còn dang dở?

III. XUẤT GIA, CHỨNG NGỘ CHÂN LÝ
Nhận thấy con đường giải thoát tự thân và cứu khổ độ sinh không thể ngoài con đường xuất gia như chư Phật chư Tổ quá khứ, không thể ở mãi trong ngôi nhà vật chất giả tạm, nên Ngài quyết chí ra đi, hướng về nguồn Chánh giác vào một sáng tinh sương xuân Giáp Thân – 1944.
Lần này, Ngài đến vùng biển Mũi Nai – Hà Tiên với ý định đón tàu ra Phú Quốc rồi lần đi phương xa, nhưng do duyên trễ tàu, Ngài tìm cảnh vắng tĩnh tọa tham thiền. Vào một buổi chiều, trước cảnh thiên nhiên trời nước bao la của núi rừng biển cả, những chiếc thuyền nhấp nhô, bọt biển tụ tán…
Ngài thiền quán, chiêm nghiệm vạn pháp, chơn tâm hiện bày, chứng đạt lý vô thường, khổ não và vô ngã. Các pháp đối đãi đầy vơi, có không, còn mất, sống chết, khổ vui của cuộc đời chỉ là huyễn hóa, duyên sinh. Ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Sự kiện bừng ngộ tâm linh trọng đại này nhằm ngày rằm tháng 2 âm lịch năm 1944. Năm đó đức Ngài tròn 22 tuổi. Sau đó, Ngài trở lại thăm viếng thân phụ và gia đình, khẳng định quả vị tu tập và con đường mà Ngài đang dấn thân, rồi tiếp tục du phương trải nghiệm chơn lý.
Lần này Ngài lại lên vùng Thất Sơn, nơi có những bậc ẩn tu ít người thấy gặp.Giữa cảnh trí thiên nhiên núi cao chớn chở, cây lá phủ giăng, bốn bề tịch lặng, ngày đêm tham thiền tịnh tọa. Thời duyên đến, Ngài được một cư sĩ trong chuyến hành hương chiêm bái tri ngộ, thành kính cung thỉnh Ngài về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ – Mỹ Tho để phổ hóa nhân sanh. Tại vùng đất hữu duyên này, Ngài tiếp tục lặng lẽ nghiên tầm giáo điển của hai truyền thống Nam và Bắc tông Phật giáo.
Trong thời gian đầu hành đạo vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định,… Ngài đến viếng thăm, tham vấn chư vị danh Tăng trưởng thượng đương thời như: thiền sư Minh Trực ở Phật Bửu tự, đại sư Huệ Nhựt phái Thiền Lâm, ngài Thiện Tường (chùa Vạn Thọ – Tân Định), Hòa thượng Huệ Đăng (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Đồng thời, Ngài cũng đến trao đổi với các cư sĩ trí thức lúc bấy giờ, như cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (Hội Phật học Nam Việt), cư sĩ Đoàn Trung Còn (Tịnh Độ Tông – Sài Gòn), cư sĩ Nguyễn Chấn (Trà Vinh)… Thông qua những chuyến viếng thăm và trao đổi đạo lý, Ngài biết rõ hiện trạng Phật giáo, đồng thời định hướng cho Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam theo truyền thống Phật Tăng xưa, phù hợp với nền văn hóa bản địa Việt Nam.
Vào ngày Rằm tháng Tư và Rằm tháng Bảy năm 1946, để châu viên giới tướng tương ứng với giới thể tự tánh trang nghiêm thanh tịnh mà Ngài đã thân chứng, Ngài đã ứng dụng lời Phật dạy thực hiện Bồ-tát hạnh đối trước Tam Bảo tại Linh Bửu tự 7 ngày đêm thu nhiếp tam nghiệp, phát đại nguyện thọ nhận Y Bát giới Sa-di, rồi cụ túc Tỳ-kheo 250 giới, với pháp hiệu MINH ĐĂNG QUANG. Ngài phát nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát.
IV. THUYẾT PHÁP VÀ TRUYỀN ĐẠO
Thời pháp đầu tiên đánh dấu bước đường hoằng dương Phật pháp của Tổ sư là “Thuyền Bát-nhã” vào ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Tuất (1946) tại Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Từ đó, gót chân hành đạo của Ngài rộng lần ra, từ phạm vi làng này sang làng nọ. Người dân hiền cảm mến hình ảnh một nhà sư thân đắp mảnh y vàng, tay ôm bình bát đất, chân trần đi khất thực vào mỗi buổi sáng, không nhà cửa, không gia đình quyến thuộc, không cất giữ chứa chấp món chi, không tiền bạc, không ở một nơi nào nhất định, …

Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa độ xuân thu.

Trong những buổi thuyết pháp, Ngài luôn kêu gọi Tăng đồ trở về với giới luật “Nên tập sống chung tu học” và “Không tự lấy để trừ tham, không tự làm để tránh ác”.
Đầu năm 1947, đức Tổ sư rời Phú Mỹ, khởi phát chuyến du hành đầu tiên, tiếp độ Tăng Ni xuất gia và Phật tử tại gia. Ngài lần lượt đi qua Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rồi về lại Long An, Thủ Thừa… Ngài quan tâm giáo dưỡng, xây dựng Tăng đoàn, tốt về đạo hạnh, vững về Phật pháp.
Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Ngài dẫn đoàn Du Tăng 20 vị hướng về vùng Chợ Lớn – Sài Gòn – Gia Định để truyền bá giáo pháp. Ngài chủ trương và thường khuyến hóa chư đệ tử với quan niệm:
“Ta là tất cả, tất cả là ta. Ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta.
Tiếng ta đây là tất cả. Đó tức là chơn lý võ trụ.
Người thực hành đúng chơn lý gọi là khất sĩ. Khất ấy là xin, Sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy.
Xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. Học bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm.
Dạy là đem kết quả thực hành đặc điểm chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, các pháp nương sanh, mở ra con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước.
Con đường ấy kêu là Đạo. Đạo của Sống là xin nhau sống chung, Đạo của Biết là học chung, Đạo của Linh là tu chung”.
Ngài cũng khuyến khích mọi người hãy cùng chung xây dựng một cõi đời đạo đức, một xứ thiên đường, một cuộc sống an vui hạnh phúc cho nhân loại ngay tại trần gian này bằng cách:
Mỗi người phải biết chữ
Mỗi người phải thuộc giới
Mỗi người phải tránh ác
Mỗi người phải học đạo.

Những thời pháp của Ngài thuyết còn ghi lại trong bộ Chơn Lý (gồm 69 tiểu luận).
Ngài đã khéo dung hợp tư tưởng giáo lý của hai truyền thống Phật giáo, mở ra một nguồn mạch cho con đường Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác, giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận được chân giá trị của đạo Phật.
Chư Tăng Ni xuất gia theo Ngài học đạo thời bấy giờ có trên một trăm vị, Phật tử quy y thọ giới tại gia cũng hàng chục vạn người. Tịnh xá được thành lập hơn 20 ngôi tại các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Trong hàng đại đệ tử của đức Tổ sư có các vị Trưởng lão, Thượng tọa kế tục đạo nghiệp, lập các giáo đoàn Du Tăng đi hành đạo khắp hai miền Nam – Trung (1955 – 1975) như quý Ngài: Giác Chánh, Giác Tánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An, Giác Nhiên, Giác Lý, Giác Đức v.v…
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và chư Trưởng Lão trên đường hành đạo
Bên Ni giới Khất sĩ thì có quý Ni trưởng: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên v.v…
V. THỜI KỲ THỌ NẠN VÀ VẮNG BÓNG
Chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), Ngài chậm rãi qua lại dưới tàng cây bả đậu với dáng vẻ suy tư, rồi cho gọi chư Tăng đệ tử lấy đệm trải dưới gốc cây, ân cần dạy bảo, khuyến tấn tu học, gìn giữ giới pháp, và mở mang mối đạo. Ngài từ giã đệ tử và bảo rằng Ngài sẽ đi tu tịnh tại núi “Lửa” một thời gian. Chư Tăng đệ tử xin theo, Ngài không cho mà còn dạy rằng: “Các ông hãy ở lại ráng lo tu, mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh, đền ơn chư Phật, ấy là các ông theo tôi và làm vui lòng tôi nơi xa vắng, rồi một ngày kia tôi sẽ trở về”.
Sáng hôm sau, mùng 1 tháng 2, Ngài rời Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc) đi qua Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) rồi đi tiếp qua Cần Thơ. Đi theo Ngài là một vị sư già và một chú điệu. Khi đến Cái Vồn (Bình Minh) thì bị một số người ngoại đạo bắt đi biệt tích. Bấy giờ chư đệ tử mới biết ra ẩn ý lời nói của Ngài.

Trái oan là nghiệp chúng sanh
Nạn tai là chuyện phải đành mà thôi
Đành rồi, hóa giải tức thời
Khổ đau sẽ hết nụ cười thêm xinh
MINH ĐĂNG QUANG bóng an bình
MINH ĐĂNG QUANG ngọn đèn linh Ta-bà.
(Trụ Vũ – Thi hóa Tiểu sử Tổ sư)
Sự ra đi của Tổ sư là một sự mất mát lớn lao không thể tả xiết đối với môn đồ đệ tử lúc bấy giờ và mãi cho đến ngày hôm nay. Tuy vậy, người đệ tử đức Phật thực hiện lời dạy của chư Phật, luôn tinh tấn tu tập, hành trì chánh pháp. Các đức Thầy, các Trưởng lão Tăng và Ni đại đệ tử của Tổ sư đã nỗ lực tu tập tự thân, thành lập các Giáo đoàn và hoằng dương Chánh pháp. Tiếp nối sứ mạng thiêng liêng cao cả của Tổ sư và chư tiền hiền, ngày nay chư đệ tử Tăng Ni và nam nữ Phật tử Khất Sĩ vẫn cùng nhau một lòng mến đạo thương Thầy, y lời chỉ giáo, gắng công duy trì đường lối giáo lý Y Bát Khất Sĩ để mở mang Phật pháp, giáo hóa nhân sanh, đền ơn Thầy Tổ trong muôn một.
Sưu tầm
Pages: 1 2 3 4 5
Pages: 1 2 3 4 5

Related image
Tỳ Kheo (Phât lơn')

Image result for sa'di
Sa di (Phât nhỏ)

No comments:

Post a Comment