Tuesday, February 12, 2013

Nhẫn nhục.



Phẩm thứ sáu.

NHẪN NHỤC
1- Một niệm sân phá hủy:
Ngàn kiếp làm bố thí,
Lễ Phật, phước cúng dường,
Công đức lành hết thảy.
2- Chẳng ác nào bằng sân.
Không lành nào hơn nhẫn .
Bởi thế, bằng nhiều cách.
Tu hành hạnh nhẫn an.
3- Nếu ôm lòng thù hận.
Tâm sẽ không lắng trong.
Không hưởng được hạnh phúc.
Sanh mất ngủ, não lòng.
4- Có người lấy lợi kính.
Ra ân cho kẻ kia.
Nếu nổi giận với họ.
Chuốc oán, phản hại về.
5- Nổi giận, bạn xa lánh .
Tuy cho, họ chẳng cầu.
Nếu khởi lòng sân nhuế.
An vui không dài lâu.
6- Sân là cội gốc khổ.
Làm tâm trí mờ lu.
Tinh cần tiêu diệt nó.
Vui hưởng đến muôn thu.
7- Cưỡng làm, ta chẳng muốn.
Nhiễu hoặc, điều ta mong.
Cứ thế chẳng vui lòng.
Sân nhiều mình tự hại.
8- Bởi  thế nên đoạn trừ,
Nguyên nhân khởi hận thù.
Không việc gì khác cả.
Sân nhuế,  hại người tu.
9- Dù việc gì xẩy đến.
Chớ để loạn tâm minh.
Sầu não chẳng nên việc.
Còn mất công đức lành.
10- Nếu việc còn cứu vãn.
Gây mất vui làm gì.
Dẫu hết phương tế nạn.
Khổ sầu có ích chi ?
11- Ta và bạn không muốn,
Miệt khinh, chịu khổ đau.
Hoặc lời ác, bất nhã.
Kẻ thù, không vậy đâu!
12- Nguồn vui, thật hiếm có.
Cội khổ lắm nhiễu phiền.
Không khổ, không từ bỏ.
Này tâm, nên nhẫn kiên!
13- Kẻ ép xác khổ tu.
Vô cớ, chịu cắt, thiêu.
Nay ta cầu giải thoát.
Sao khiếp sợ, không liều?
14- Tập lâu ngày hóa dễ.
Việc gì cũng xuôi yên.
Quen dần những hại nhỏ.
Khổ lớn đến, mặc nhiên.
15- Rắn, rết, sâu, bọ cắn.
Đói khát, đều khảo thi.
Cho đến ung nhọt lở,
Xem thường, đâu khổ chi?
16- Gặp nóng, lạnh, gió, mưa.
Ốm đau, trói, đập, đánh.
Chẳng nên tỏ yếu hèn.
Yếu hèn thêm khổ lãnh.
17- Người thấy máu mình đổ.
Càng dũng cảm ngoan cường.
Kẻ thấy máu người chảy.
Bất tỉnh, sợ thảm thương.
18- Cả hai, do phân biệt.
Trí nhược hoặc dũng kiên.
Nên xem thường họa hại.
Chớ để khổ quật liền.
19- Bậc trí, từng trải khổ.
Sáng suốt, không loạn tâm.
Khi chiến đấu phiền não.
Dù chịu nhiều họa thâm.
20- Mặc nhiên khinh bỉ khổ.
Khắc phục địch tham ngu.
Hơn dũng sĩ thắng trận.
Chỉ lo diệt thây thù.
21- Khổ hại, sanh khởi tâm:
Chán xa, trừ kiêu mạn.
Thương chúng sanh sống chết.
Thẹn ác, vui làm lành.
22- Chẳng giận trách nội tạng.
Nguyên nhân gây bệnh hoạn.
Cớ chi lại giận người.
Đều do duyên tụ mãn.
23- Như người không muốn bệnh.
Mà bệnh vẫn hoành hành.
Cũng vậy, không muốn não.
Não phiền vẫn khởi sanh.
24- Tâm chẳng nghĩ sẽ giận.
Khi giận thật khó kềm.
Cơn giận cũng không nghĩ,
Giận rồi đau khổ thêm.
25- Hết thảy những lỗi lầm.
Bao tội ác từng phần.
Đều do duyên khởi phát.
Chẳng phải vô duyên tầm.
26- Những duyên này hội tụ.
Chẳng nghĩ giận tương sinh.
Và những trận lôi đình,
Chẳng nghĩ mình phát khởi.
27- Cho rằng có vật chủ.
Làm ra Ngã, Thần ngã.
Chủ ngã cũng không nghĩ,
Tương sinh, mà tự sinh.
28- Không duyên sinh, không quả.
Ngã thường muốn quả sinh.
Tức ở cảnh phiêu linh.
Vẫn chấp thường không đổi.
29- Ngã ấy nếu thường còn.
Chẳng động tợ thái hư .
Dù gặp nhơn duyên khác.
Thể chẳng động như như.
30- Lúc động cũng như trước.
Động dụng có ích gì?
Vậy duyên động lên ngã.
Ngã, động, nào tương quan?
31- Bởi thế tất cả pháp.
Không tự chủ, duyên sanh
Biết vậy chẳng nên sân.
Xem như trò huyễn hóa.
32- Thế thì ai trừ giận?
Nói trừ không đúng lý,
Nhưng muốn dứt khổ đau.
Nhờ trừ sân, phải vậy .
33- Nếu gặp kẻ oán thân.
Vô cớ làm hại mình.
Nên nghĩ do duyên sinh.
Cam lòng vui chấp nhận.
34- Nếu khổ do tự chọn.
Chớ chẳng ai muốn sinh.
Do vậy các hữu tình.
Thảy đều không khổ sở.
35- Hoặc người chẳng cẩn thận.
Bị gai đâm tổn thương.
Hoặc do mê sắc dục.
Bỏ ăn vì nhớ nhung.
36- Thắt cổ, nhảy vực sâu.
Uống ăn nhầm thuốc độc.
Làm hạnh thiếu phước đức.
Tự mình gây tổn sầu.
37- Người tự đem tánh mạng.
Kết liểu vì khổ đau.
Huống chi với kẻ khác.
Không làm tổn thương sao?
38- Với kẻ vì não loạn.
Sát hại ta bất nhơn.
Ta không lòng thương hại.
Cũng chớ nên giận hờn.
39- Giả như kẻ hại người.
Vì bản tánh ngu mê.
Ta giận thật phi lý.
Như giận lửa thiêu ghê!
40- Nếu lỗi do ngẫu sanh.
Từ người vốn hiền lành.
Ta giận thật phi lý.
Như trời khói tỏa quanh!
41- Kẻ dùng gậy đánh ta.
Ta thường oán kẻ ấy.
Vì cơn giận khiến họ.
Ta ghét giận thôi nha !
42- Trước kia với hữu tình.
Ta từng gây tổn bại.
Kẻ gây hại chúng sanh.
Nên nay chịu tổn hoại.
43- Thân này, vũ khí đó.
Cả hai gây đớn đau.
Giữa thân và vũ khí.
Cái nào đáng giận cao?
44- Thân bệnh ghẻ khắp người.
Chạm nhẹ đau thấu trời.
Vô minh chấp ngã ái.
Thân hoại, oán hờn ai?
45- Kẻ ngu không muốn khổ.
Cứ gây khổ dặt dài.
Đến khi gặp khổ hại.
Nhân quả giận do ai?
46- Ví như quỷ giữ ngục,
Với rừng kiếm núi đao.
Đều do nghiệp mình tạo.
Trách giận ai được nào?
47- Nghiệp đời trước phát động.
Khiến nay người hại ta,
Thế nên họ bị đọa.
Có phải lỗi do ta?
48- Nhờ đó ta nhẫn tu.
Tiêu trừ nhiều tội lỗi.
Trái lại, ta nhịn nỗi.
Đọa đày họ thiên thu.
49- Nếu ta gây hại người.
Vì họ, ta lợi ích.
Này hỡi tâm thô kệch!
Giận người chi hởi ngươi?
50- Ta nhẫn, sanh công đức,
Địa ngục, chẳng đọa sa.
Nếu ta riêng gìn giữ.
Được gì kẻ hại ta?
51- Nếu đem oán trả thù.
Chẳng cứu khổ đường u.
Ta thoái mất hạnh nhẫn.
Thật khó thành chơn tu.
52- Tâm vốn chẳng hình hài.
Ai cũng không hủy được.
Nếu Tâm chấp thân này.
Ắt bị nhiều tổn hoại.
53- Lời khinh miệt tục thô.
Với tiếng ác xưng hô.
Không hại thân ta cả,
Này tâm! Sao để vô?
54- “Vì người chẳng ưa ta”.
Đời này hoặc mai sau.
Cũng chẳng làm gì được.
Ghét họ ích chi nào?
55- Chúng ngăn ngại lợi dưỡng.
Khiến ta chịu thiệt thòi.
Nhưng chết rồi đâu hưởng?
Nghiệp tội đọa đời đời.
56- Thà nay chết sớm hơn.
Chẳng nguyện sống tà mạng.
Dù ở đời dài lâu.
Cuối cùng thân ma táng.
57- Mộng vui sống trăm năm.
Mơ hưởng giây khoái lạc.
Cả hai người như nhau.
Cần sớm nên Tỉnh Giác.
58- Tỉnh được giấc mộng mơ.
Cả hai không trở lại.
Kiếp sống ngắn hay dài.
Chết đến đều như vậy.
59- Dù được nhiều lợi dưỡng.
Hưởng vui thú trần hồng.
Chết như bị giặc cướp.
Lột trần, tay trắng không.
60- Vì tài sản nuôi mạng.
Mới tránh dữ làm lành.
Nhưng vì lợi nuôi giận.
Phước hết, tội ác sanh.
61- Nếu vì cầu sự sống.
Khiến người chịu đọa đày.
Do làm điều tội ác.
Sống có ích chi đây?
62- Bị chê, khiến người nghi.
Rồi giận kẻ chê báng.
Vậy sao ta lơ đãng,
Với người bị phỉ chê?
63- Chuyện người can chi ta.
Do vậy ta quên lãng.
Như thế sao chẳng nhẫn,
Phiền não kẻ gây ra?
64- Giận chi người phá tháp.
Hủy tượng, hoại Chánh pháp.
Đấng Giác ngộ, Hiền nhân.
Không bao giờ tổn chấp.
65- Kẻ hại bậc Đạo sư.
Và bạn lành thân kính.
Hãy nghĩ do duyên sanh.
Sân hận nên lắng định.
66- Hữu tình với vô tình.
Cả hai đều gây hại.
Cớ sao giận hữu tình?
Nên nhẫn tất cả vậy.
67- Kẻ do ngu làm hại.
Người do dại nổi sân.
Vậy thì ai có lỗi?
Thử xem ai không lầm?
68- Nhân gì tích tạo nghiệp?
Mà nay chịu quả tai.
Mọi sự đều do nghiệp.
Sao tức giận người ngoài?
69- Đã thấy biết như vậy.
Nên lấy hiền ở lành.
Ta cần phải nhất tâm.
Siêng làm các phước thiện.
70- Ví như nhà mình cháy.
Lan dần đến nhà người.
Gắp dùng đồ dập lửa.
Rút bớt cỏ tranh thui.
71- Cũng thế, Tâm sở tham.
Năng trợ lửa sân cháy,
Nhà công đức rụi thiêu.
Nên trừ lòng luyến ái.
72- Như tử tội chờ giết.
Mong chặt tay tha mạng.
Nếu chịu khổ tu hành.
Phước sanh, lìa chướng nạn.
73- Nay không kham khổ nhỏ.
Sao chẳng diệt tham sân.
Là nguyên nhân các khổ.
Đọa địa ngục vô ngần.
74- Vì dục, đã bao lần.
Đọa hỏa ngục thiêu thân.
Chẳng ích cho ai cả.
Thật ngu xuẩn muôn phần.
75- Khổ này không đáng kể.
Đem lợi lớn cho mình.
Trừ tổn hại chúng sinh.
Nên vui mừng nhận để.
76- Người khen đức kẻ thù.
Với niềm vui hoan hỷ.
Sao ngươi chẳng hợp ý?
Tự vui mừng khoan thư .
77- Sanh niềm vui như vậy,
Niềm vui không tội quấy.
Chư Phật đều xưng khen.
Pháp đẹp lòng người đấy!
78- Vì người được vui thưởng.
Nếu ngươi không chung hưởng.
Chớ nên ganh ghét nhau.
Bị mất phước mai sau.
79- Người khen công đức ta.
Ta chúc họ an vui.
Họ khen công đức địch.
Sao ta buồn không nguôi?
80- Cầu chúng sanh an lạc.
Mà phát tâm Bồ đề.
Nay chúng sanh thạnh đạt.
Sao giận hờn khen chê?
81- Cầu chúng sanh thành Phật.
Được thụ hưởng cúng dường.
Nay thấy người lợi kỉnh.
Sao não phiền vấn vương?
82- Lẽ ngươi đáp ân thân.
Phải dưỡng nuôi cung cấp.
Nhưng họ sống tự lập.
Chẳng vui, sao hờn sân?
83- Không mong người vui an.
Huống cầu người thành Phật.
Thêm ghét kẻ giàu sang.
Còn đâu tâm Tỉnh giác?
84- Lợi lộc hiến cho người,
Hoặc ở nhà thí chủ.
Đâu phải phần riêng ngươi.
Can chi thí, chẳng thí?
85- Cớ gì bỏ công đức.
Lòng tin và hạnh phúc.
Chẳng giữ được gia tài.
Tự mình sao không tránh?
86- Chẳng những ngươi không sợ.
Những ác nghiệp đã làm.
Còn ghét ganh với bậc,
Tu hành phước đức sao?
87- Như kẻ thù gặp khổ.
Có gì làm ngươi vui?
Nếu trù họ bị khổ.
Chẳng thành chuyện hên xui.
88- Dù lời trù đã được,
Họ khổ, ngươi ích chi?
Nếu tự kiêu toại nguyện.
Chuốc họa khó lường ghi.
89- Vì kẻ chài ngu mê.
Câu lợi để mắc câu.
Giam ta vào địa ngục.
Nấu nhừ chảo đồng sôi.
90- Nhận lời khen vinh hưởng.
Chẳng phải phước sống lâu.
Chẳng mạnh hoặc chẳng bệnh.
Chẳng khiến thân an vui.
91- Ta hiểu nghĩa lợi cầu.
Khen tặng ích chi đâu?
Nếu mua vui giây phút.
Tửu sắc nhiễm ghê thôi!
92- Nếu vì chút hư danh.
Khiến hao tài, mất mạng.
Tiếng tăm gì rỡ rạng.
Chết rồi, ai vui chăng?
93- Xây lầu bằng cát đổ.
Trẻ ngu tiếc đau khổ.
Khi danh dự tổn thương.
Tâm ngu tợ trẻ nhỏ.
94- Âm thanh vốn không tâm.
Vui gì lời khen tặng.
Vậy mà mong tiếng khen.
Để được vui ra mặt.
95- Khen ta hay kẻ khác.
Ích gì đến với ta,
Vui mừng thuộc người ấy,
Ta được chút chi là.
96- Nếu người vui, ta vui.
Tất cả đều như vậy.
Tại sao họ khen địch,
Lòng ta lại không vui?
97- Nghĩ mình được ca tụng.
Mà tâm sanh vui mừng.
Vui ấy không thích đáng.
Như thái độ trẻ ngu.
98- Thích khen, tâm tán loạn.
Phá chí lìa tử sanh,
Khiến ganh người có đức.
Hủy hoại những hạnh lành.
99- Hiện tại nếu có người.
Muốn hủy danh dự ta.
Tức nhiên họ muốn cứu,
Ta thoát khỏi đọa sa.
100- Mình tìm cầu giải thoát.
Chớ để danh lợi ràng.
Người mở giúp trói trăn.
Sao ta lại tức giận?
101- Ta sắp đến cảnh khổ.
Nhờ ơn Phật gia hộ.
Có kẻ đóng cửa ngăn.
Sao ta lại phẫn nộ?
102- Nếu bảo họ ngăn phước.
Mà giận cũng chẳng nên.
Không hạnh nào bằng nhẫn.
Sao chẳng giữ lâu bền.
103- Vì lầm lỗi phiền ưu.
Chẳng ham nhẫn kẻ thù.
Đó là tự ngăn ngại,
Mầm phúc đức nhẫn tu.
104- Không nhục, nhịn chẳng sinh.
Oán thù sinh đức nhẫn.
Muốn gieo nhân tu Phước.
Hờn giận xin chớ nên.
105- Hợp thời, người đến xin.
Không chướng việc bố thí.
Cũng vậy, thụ giới sư.
Chẳng ngại việc xuất thế.
106- Người xin nhiều, dễ cho.
Kẻ thù nhiều, khó nhẫn.
Nếu chẳng gây thù hận.
Thì chẳng ai hại ta.
107- Kẻ thù như vật báu.
Không nhọc mà có được.
Thường trợ hạnh Bồ đề.
Vậy ta nên hoan hỷ.
108- Ta nhẫn nhờ kẻ thù.
Được quả phước công tu.
Nên cúng dường đến họ.
Vì trợ duyên ta tu.
109- Tưởng thù không trợ tu.
Nên ta không cúng thí.
Vậy chánh pháp trợ tu.
Ta cũng chẳng trân quí?
110- Nếu nghĩ họ hại ta,
Ta giận không lễ cúng.
Sao lương y trị bịnh,
Ta mừng vì giúp ta?
111- Nhờ người sân tột độ.
Ta siêng tu nhẫn kiên.
Kẻ thù là nhẫn duyên.
Nên cúng như chánh pháp.
112- Đức Mâu-ni đã dạy.
Ruộng phước Phật, chúng sinh.
Thường cung kính cả hai.
Tròn đầy sang bến Giác.
113- Các đối tượng huân tu.
Nhờ chúng sanh và Phật.
Nếu chỉ biết kính Phật.
Sao y giáo phụng hành?
114- Chẳng phải Phật, chúng sanh.
Đều ngang nhau trí đức.
Nhờ hữu tình trợ lực.
Thể tánh vốn tương đồng.
115- Ân chúng sanh vô lượng.
Khiến ta kính vô cùng.
Phật công đức vô chung.
Cũng làm ta tôn quí.
116- Giúp ta đến quả Phật.
Cả hai đều bình đẳng
Nhưng Phật khác chúng sanh.
Biển công đức vô tận.
117- Đức Phật đầy huệ đức.
Mỗi người có chút thôi.
Tuy vật cúng ba cõi,
Cũng chẳng thấm vào đâu!
118- Làm thắng ích Phật pháp.
Chúng sanh có dự phần.
Do trợ công lập đức.
Ta nên cúng xa gần.
119- Chư Phật không hư dối.
Làm lợi ích chúng sanh.
Cách nào báo ân Phật?
Ngoài ban vui hữu tình.
120- Độ sanh mới đền đáp.
Ơn Phật cứu khổ hình.
Dẫu ta tuy thọ hại.
Gắng làm mọi việc lành.
121- Chư Phật vì chúng sanh.
Không tiếc bỏ thân mạng.
Ta ngu si kiêu mạn.
Làm gì giúp chúng sanh?
122-  Chúng sanh an lạc, Phật mừng vui.
Muôn loại khổ đau, Phật ngậm ngùi.
Ta nguyện độ đời, Phật đại hỷ.
Tổn nhơn hại vật, Phật buồn rồi.
123- Như lửa cháy quanh sắp đốt thân.
Ai ban dục lạc chẳng vui mừng.
Nếu gây đau khổ cho sanh chúng.
Tâm Phật xót thương chẳng hỷ hoan.
124- Từ  trước con làm hại chúng sanh.
Khiến lòng bi Phật chẳng thương tình.
Nay con sám hối bao lầm lỗi.
Lạy Phật khoan hồng con cúi xin.
125- Để được Như Lai mãi đẹp lòng.
Từ đây tội diệt, phước vun trồng.
Dù con bị đạp lên đầu cổ.
Thà chết làm vui đức Thế tôn.
126- Tâm Phật đại bi tỏa rộng thinh.
Xem trong Pháp giới cũng như mình.
Muôn loài với Phật cùng Chân thể.
Như vậy sao không kỉnh chúng sinh?
127- Làm chúng sanh vui, Phật cũng vui.
Thêm nhiều thành tựu lợi cho đời.
Thế gian hết khổ, mình sung sướng.
Do vậy thường hành phước thiện thôi.
128- Ví như quan cận thần.
Gây bức hại chúng dân.
Có người trông thấy rộng.
Không phục thù quan nhân.
129- Bởi quan không cô thế,
Trên còn được vua thương.
Kẻ hại sức tuy yếu.
Cũng chớ nên coi thường.
130- Ngục tốt, Phật Đại bi.
Một thù, một cứu bạt.
Như dân thờ bạo chúa.
Chịu nhẫn, đời an vi.
131- Bạo chúa dù nỗi sân.
Chẳng làm ta khổ trí.
Phạm tội với chúng sanh,
Đọa địa ngục họa ký.
132- Như vua dù hoan hỷ,
Cố nhiên chẳng thể làm.
Cho muôn loại thế gian.
Tròn thành quả Chánh giác.
133- Sao nay ta chẳng rõ,
Quả phúc chúng sanh là,
Đời này hưởng vinh hoa,
Đời sau thành Chánh giác?
134- Cõi luân hồi nhờ NHẪN.
Ta đẹp, không khổ đau,
Được danh tiếng sống lâu.
Như Chuyển luân vương vậy.
Cố Ni Sư Trí Hải chuyển dịch

No comments:

Post a Comment