Monday, February 4, 2013

Trẻ mồ côi và khuyết tật!


Trên lầu: Trẻ sơ sinh (20 trẻ)

...Tôi đi thẳng vào phòng. Cô đang đút cho cháu một món ăn lỏng. Cô thì ngồi mà cháu thì đang nằm dài trên nền gạch mát. Tôi thầm nghĩ chắc là em bé đang nhỏng nhẻo hoặc lười ăn. Nhưng không, cô cho biết ở tư thế này thức ăn sẽ tự động trôi vào cổ họng chứ khi ngồi em không thể nào tự mình nuốt trôi được!?

Một em đang nằm trong nôi. Cô phụ trách trẻ hơn đã phải ngồi hẳn vào bên trong nôi để đút từng muỗng cháo lỏng cho em. Món ăn lỏng cứ trào ra hai khóe miệng. Cô dùng khăn mềm chặn lại dưới cằm và dùng muỗng lùa thức ăn trở lại miệng cho em.

Tất cả các em ở đây từ sơ sinh đến thiếu niên tuổi 14, 15 đều được các cô dùng khăn bọc thay tả vì các em không thể tự chủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân! Từ đầu năm đến nay đã có 5 em chết. Những chiếc giường bỏ trống…Có một em mới vào độ 4, 5 ngày nay; ai đó đã bỏ trước cửa…

Một em bị não úng thủy với chiếc đầu to khủng khiếp cùng một mảng mủ máu nhầy nhụa ở phía sau gáy. Cô trực ca đang chậm rãi lau chùi.  (ảnh minh họa)

Một em bị chứng hở hàm ếch với khuôn mặt mà mũi và miệng liền nhau tạo thành khoảng trống hoác. Một em với chiếc sọ đầu dài như trái dưa gang xanh. 

Một em đôi mắt lờ đờ đang khó khăn với cái chiếc ống đưa thức ăn vào tận ruột. (ảnh minh họa)

Có hai em đang nằm trên giường mà cả hai tay phải giở lên cao để trói ngoặc vào thành giường bằng tấm mền cũ xé dài. Cô trực nói vì sợ các em sẽ đập đầu vào tường? Tôi nói khẽ có thể nào cột theo một cách khác không? thay vì trói ngoặc ra sau như thế? Hai cô dường như muốn hướng sự chú ý của tôi vào câu chuyện dạy dỗ giáo dục khó nhọc của các cô từ ngày nhặt về các em bị cha mẹ bỏ rơi.
Bên cái nôi đặt sát tường, một bé trai cứ đứng chồm-chồm cả thân hình. Thoáng nhìn cứ tưởng em sẽ ngã hẳn cả người ra ngoài nôi. Nhìn thấy ánh mắt lo ngại của tôi, cô phụ trách trấn an: “Không sao đâu, nó không té đâu. Có bữa nó còn leo lên trên cao kia mà cũng đâu có té…” Nhưng trong suốt câu chuyện tôi cứ liếc nhìn trông chừng cháu hoài bởi vì chuyện gì cũng có thể xảy ra phải không bạn?
Như cái anh 14 tuổi đang ngồi lúc lắc đong đưa thân hình. Tay nầy đập phành phạch vào ngực kia cứ như King Kong đang nổi giận. Cô phụ trách nói: “Trước đây mỗi lần vệ sinh nó trây trét cả người... Giọng cô chùng xuống “Cháu có sạch thì các cô mới sạch” thế nên dù đến đột xuất tôi cũng nhận ra được sự giữ gìn sạch sẽ ở các em lẫn các cô
Cũng mới mấy ngày nay thôi các cô đã ẵm vào một bé gái vừa lên 5 tuổi với đôi mắt to, mũi cao, da trắng. Cha mẹ nuôi đến ngần tuổi này rồi thì đuối sức nên phải bỏ em trước cổng vì biết rằng trung tâm này có điều kiện chăm sóc tốt mà còn được UNICEF bảo bọc. Đứt ruột đem con cho người rồi lại len lén đến ngó nhìn con như một khách vãng lai. Rồi còn năn nỉ các cô đừng báo cho Ban tổ chức trại biết vì nếu không đứa con mình sẽ bị trả về và mọi sự ưu đãi sẽ không còn. Được biết hai vợ chồng còn muốn sanh thêm đứa nữa. Bé đang nằm. Cô đỡ bé ngồi lên. Tôi bẻ miếng bánh ra làm đôi, rồi làm tư… đưa vào miệng cho bé. Bé đung đưa đầu, đôi mắt khỏe mạnh kia vẫn không nhìn thấy tôi, miếng bánh được ngậm vào miệng rồi lại bị lè ra. Em không biết ăn, em không biết uống, chỉ biết ngồi đung đưa chiếc đầu qua lại. Tôi kê chiếc gối lại gần định đỡ em nằm xuống nhưng rồi lại thôi.
Còn anh chàng nôi bên cạnh mới ghê. Bé cứ đưa mắt nhìn tôi nhoẻn miệng cười toe. Tôi đứng dựa vào nôi giương đôi tay ôm em và xoa nhẹ lưng em. Tôi đã đứng như thế và ôm em qua cái giường nôi. Nhưng em cứ giơ tay đòi bồng. Ngó trước ngó sau, ngó lui ngó tới, chẳng có ai rảnh tay. Tôi bậm môi ẳm đứa bé ra khỏi nôi. Ôi khuôn mặt bé rạng rỡ cái miệng toét cười khoe vài cái răng con mới mọc, đôi mắt sáng lấp lánh cùng vẻ sung sướng không che giấu trên gương mặt….Tôi ẳm em ra khỏi nôi. Tôi ẳm em ngồi trên tay tôi. Chiếc tả quấn bằng khăn lông cộm chặt dưới đôi bàn tay. Lưng em sát vào ngực tôi. Tôi đung đưa em một lúc rồi bồng trả vào nôi. Khuôn mặt em bỗng nhiên nhăn nhó lên có lẽ vì thất vọng! Em dường như muốn khóc. Tôi vội đưa miếng bánh cho em. Em quây quẩy lắc đầu. Tôi lại ẳm em lên trong một phút ngần ngừ tôi nghĩ ra cách là trao em lại cho một người phụ trách đang ngồi ở phía xa xa kia nhờ bồng giữ dùm. May mắn lắm, vừa thấy cô, em đã giơ tay đòi bồng. Lúc ra về khi đi ngang qua chiếc nôi của em, tôi lén nhìn về phía em thì thấy em đang đứng dựa vào thành nôi bình thản ngó lại. Tôi thở phào thấy lòng bình tĩnh hơn rồi cúi chào từ giã các cô để còn tiếp tục viếng thăm các em lớn hơn ở tầng dưới.

Dưới lầu: Có tất cả 30 em trai lẫn gái.

Em Ty – cố chìa tay phải ra ngoài cửa sổ để bắt tay tôi một lần nữa. Em là đứa con trai mồ côi. Em rất hữu dụng cho các cô. Em giúp các cô khiêng đẩy…Em có một nụ cười dễ mến. Tuy rằng em không thể học văn hóa vì đầu óc không tiếp thu được. Cô nói khi biết ‘ra’ giường em có vết dơ đã kêu em vào phòng tắm…
Và một em trai nhỏ nữa cũng thật lanh lợi. Em đã làm tôi ngạc nhiên khi chìa tay hỏi: “Cô cho con xin cái kẹo” A thì ra em là một đứa trẻ mồ côi bình thường không bị chứng não, em là đứa trẻ duy nhất ở trại đi học văn hóa dù đêm nào các cô cũng phải kiểm tra lại và dạy dỗ thêm.
Cô giải thích cho việc đứng gần nôi 2 em trai 14 tuổi. Lý do: hai ông tướng này rất hiếu động có thể gây bất ngờ và phiền phức cho khách viếng thăm (nắm níu tay chân, sờ chạm..) Tuy nhiên tôi thật cảm động với cái bắt tay nắm chặt gần như không muốn buông tay của em trai ngồi ở cái nôi gần cửa. Nụ cười và khuôn mặt của em khiến tôi nao lòng.
Còn em bé gái với đôi chân mày nhướng cao. Em lăng xăng bên tôi đưa nắm kẹo ra rồi lại nắm về. Tôi không biết ý của em. Em muốn tôi lột vỏ kẹo cho em! Tôi ngượng ngùng vì không hiểu ý của em.:-(Đứa bé trai nhỏ chìa chiếc kẹo cho tôi. Lần này tôi đã hiểu ý. Tôi bóc vỏ kẹo cho em. Tôi cầm chiếc kẹo đưa vào miệng em. Em cười hỉ hả vui sướng.
Phía phòng bên trong là các em gái độ 14, 15 tuổi nhưng nhìn cũng như các đứa bé. Dài đòn nhưng tay chân ốm suy dinh dưỡng. Bộ thăng bằng tâm sinh lý (cerebral paralisis hoặc cerebral palsy) là một thể liệt cứng, nhưng tâm sinh lý vẫn phát triển bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt các bé gái vẫn đều đặn mà lại rất nhiều. Các cô cũng rất cực nhọc về khoản này.
Tôi lắng nghe cô phụ trách già giặn kinh nghiệm chăm sóc các em từ độ tuổi sơ sinh đến tuổi thiếu niên. Cô nói nếu không có tình thương và hy sinh thì không thể làm được lâu. Có nhiều cô trẻ đã nghỉ vì không chịu được sự dơ bẩn. Cô so sánh các em ở trên lầu còn nhỏ thì chỉ cực ở khâu cho ăn uống giặt giũ nhưng các em ở dưới lầu đây thì phải kiêm thêm vấn đề tìm hiểu tâm lý và luôn phải luẩn quẩn trông nhìn, vì các em tuy thân xác lớn, nhưng mọi nhu cầu ăn uống, vệ sinh cá nhân, cũng chỉ như đứa trẻ lên ba. Hơn thế nữa, tâm sinh lý của các em lại phát triển như trẻ bình thường, nên vấn đề chăm sóc càng phải hết sức tâm lý và tế nhị. Các tổ chức trên thế giới rất tinh tế trong vấn đề này, đôi khi vẫn phối hợp các em với nhau để thăng bằng tâm sinh lý nam nữ. Vẫn để cho các em ‘tự xử’ với sự hiểu biết và cảm thông…Tôi lắng nghe mà cảm thấy mở mắt hơn rất nhiều điều. Tôi dè dặt dúi vào túi áo trắng của cô một ít tiền như một sự ủng hộ tinh thần ‘chiến sỹ’ tiếp tục với nhiệm vụ vì đàn em thân yêu. Các cô vui vẻ nở nụ cười hân hoan. Tôi ra về với cảm giác vừa nhẹ nhàng cùng một nỗi buồn man mác... Nhẹ nhàng với tâm trạng đang làm được một điều gì hữu ích. Buồn vì số phận mỗi con người phải gánh chịu. Không biết phải làm gì hơn chỉ biết khấn thầm với chư Phật mười phương và Quán thế âm Bồ tát giúp cho các em ngay tại nơi này đây có thể ăn được, uống được và ngủ những giấc nồng. Chỉ mong có thế thôi!

Chuyến đi thăm tặng tiền và quà cho các em ở trung tâm khuyết tật 
Thành phố Biên hòa Đồng nai 7 November 2012 10:42:34 AM (23/10al) Thứ tư


No comments:

Post a Comment