Sunday, May 21, 2017

Một dịch giả thầm lặng

Một dịch giả thầm lặng

http://timhieudaophat.com/cua-thien/1866-ni-s-thich-n-nh-lc-mt-dch-gi-thm-lng.html

Ni sư TN.Như Lộc vốn là đệ tử của HT.Thích Thiện Hòa (Tổ đình Ấn Quang) và được HT ủy thác gởi cho Sư bà Thiền Quang, Giám viện Ni bộ Bắc tông chùa Từ Nghiêm, để theo Sư bà học đạo.

Những kỷ niệm khó phai dưới mái chùa xưa

Dưới mái chùa Từ Nghiêm, Ni sư thọ Sa di ni lúc còn rất trẻ - năm 21 tuổi – và 2 năm sau thì thọ Thức xoa ma na. Ni sư thấy rằng, trong 6 học pháp dành cho chư Ni họ Thức xoa có đôi điều khó hiểu, mà sách vở tài liệu tra cứu thì quá hiếm hoi, nếu có chỉ gồm các bản bằng Hán tự. Bằng sự hăng hái của tuổi trẻ, với cái tâm trong sáng của một người thanh niên có học vấn khát khao tri thức, muốn tìm hiểu mọi vấn đề tới nơi tới chốn, với chút vốn liếng về ngữ pháp Hoa văn (cha của Ni sư là người Hoa), đồng thời cũng vì lý do muốn có một tài liệu, để quý Ni trẻ thế hệ đàn em dễ dàng trong việc nghiên cứu tìm hiểu, nên NS.TN Như Lộc đã mạo muội âm thầm dịch quyển “Luật Thức xoa ma na”, đặc biệt có thêm phần chú giải rõ ràng.

Hoàn thành xong tác phẩm dịch thuật, Ni sư in ra thành quyển, loại sách “bỏ túi” gọn, nhẹ và sau đó đem sách cung kính biếu cho viện chủ và quý Sư bà ở Tổ đình Từ Nghiêm, mỗi vị mỗi quyển, với một tâm trạng tươi vui hớn hở vì tự cảm thấy mình vừa làm xong một việc tốt. Nào ngờ, việc làm trên đã bị hội đồng quý Sư bà trong Ni bộ Bắc tông đánh giá là ngông nghênh, thiếu suy nghĩ và ở đôi chỗ còn mang tính phạm thượng. Đặc biệt là ngôn từ, lời lẽ ở phần chú giải của quyển sách, hoàn toàn không phù hợp với một người sơ cơ, còn non nớt trên đường tu hành như tác giả. Kết quả là Ni sư bị nghiêm cấm mọi công việc viết lách, phiên dịch, thay vào đó là một nhiệm vụ mới: xuống nhà trù, hàng ngày phụ trách nấu cơm cho Ni chúng ăn trong thời gian 3 năm.

Cũng may, “bản án” sau đó được quý Sư bà giảm xuống còn 2 năm, do tình trạng sức khỏe của Ni sư không tốt và tiếp đến vào năm 1984, Ni sư được quý Sư bà “ân xá”, cho đi tham dự học lớp Cao cấp Phật học khóa I, khóa đầu tiên của GHPGVN được tổ chức tại Viện Phật học Vạn Hạnh, TP.HCM. Cũng trong thời gian này, Ni sư tranh thủ ghi danh học thêm lớp Trung văn ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Cuối khóa năm 1986, Ni sư trình cho các giáo viên nhà trường một công trình biên soạn của Ni sư về Ngữ pháp Hán văn, gồm 3 quyển. Quyển 1: Hiện đại Hán ngữ. Quyển 2: Ngữ pháp Hán văn cổ, và quyển 3: Giải bài tập trong 2 quyển 1, 2. Công trình này đã được các nhà chuyên môn nồng nhiệt tán thưởng. Cuối năm 1988, Ni sư tốt nghiệp lớp CCPHI với hạng thủ khoa tuyệt đối các môn. Mặc dù đỗ thủ khoa, nhưng Ni sư không có may mắn nằm trong danh sách những người được cấp học bổng du học ở nước ngoài trong dịp đó. Âu đó cũng là nhân duyên! Từ đó, theo sự phân công của BTS THPG TP.HCM, Ni sư phụ trách môn Luật học ở các trường hạ trong TP.HCM mỗi mùa an cư. Năm 1989, Ni sư được mời về làm giáo thọ môn Luật học tại Tổ đình Ni viện Kim Liên đồng thời là quản thủ thư viện của phòng kinh sách chùa Xá Lợi.

Những ngày quy ẩn

Trở về đảm nhận trụ trì Ni viện Phổ Minh (quận 4, TP.HCM) năm 1990, Ni sư ra sức tu sửa lại ngôi chùa đã mục nát, đang bước sang thời kỳ hoang phế, kế đó là mở lớp luyện dịch về Hán ngữ dành cho chư Ni và Phật tử. Thời gian còn lại Ni sư dành cho việc nghiên cứu dịch thuật Luật tạng và sáng tác văn học, viết kịch bản… Nhưng lớp học hoạt động cũng chẳng được bao lâu.

Thời gian qua, Ni sư đã cho ra mắt các quyển: Cao tăng qua các thời đại; Yếu nghĩa Tỳ kheo Bồ tát giới; Quy sơn cảnh sách; Luật Sa di ni; Luật Thức xoa ma na; Bộ ngữ pháp Hán ngữ (3 cuốn); Như Lộc tuyển tập 1, 2, 3 (truyện ngắn); một số kịch bản tiểu phẩm viết cho Đài Truyền hình TP.HCM và một số kịch bản phim viết bằng Hoa ngữ cho một hãng phim Trung Quốc…

Con người dường như ai cũng tự chọn cho mình một hướng đi trong cuộc sống. Riêng với NS.TN Như Lộc, con đường ấy là nghiên cứu, dịch thuật kinh điển, biên soạn và sáng tác văn học. Giờ đây khi tóc trên nửa mái đầu đã bạc, nhìn lại một thời tuổi trẻ với bao xốc nổi và đoạn đường mà mình đã qua với nhiều chông gai, trắc trở, Ni sư vẫn thấy mình đi đúng hướng, bởi một người làm công tác dịch thuật kinh điển cũng như dịch thuật bộ Luật tạng, muốn kiên trì đi trọn con đường đã chọn, người đó phải tìm thấy Pháp lạc trong công việc của mình. Ở đó ngoài phần nghĩa của chữ, người ta còn phải nắm cho được cái “lý” của nó nữa. Có như thế thì người nghiên cứu, người học đạo mới ngày càng “thâm nhập kinh tạng”, “trí tuệ như hải”. Theo: Giác Ngộ
TÌM HIỂU ĐẠO PHẬT - SỐNG ĐỜI THANH THẢN THEO PTVN 

Nghĩa trang Đa Phước (3)

No comments:

Post a Comment