https://tuoitre.vn/doi-bong-cua-ma-474749.htm
Đôi bông của má
TTO - Hơn một tháng sau ngày đáo tuế, tôi kết hôn lần đầu. Lễ cưới tổ chức đơn giản trong vòng thân tộc trên ba mươi người. Cô dâu tuổi 60 ngập tràn hạnh phúc muộn mằn trong những lời chúc mừng, quà tặng của hai bên gia đình.
Có món quà đơn sơ nhưng nặng nghĩa tình là quyển sách tâm lý hôn nhân mà chị họ tôi phải mất cả buổi lục tung mấy nhà sách ở thành phố để tìm; có món quà xa xôi cách nửa vòng trái đất mang hơi ấm của chị, của em... Nhưng đậm đà nhất, nồng thắm nhất trong tôi là đôi bông của má.
Khi nghe báo tin “Chị ba đi lấy chồng!”, các em tôi đều lo ngại. Anh vừa qua một cơn thập tử nhất sinh. Bệnh lao màng não đã vật anh, người đàn ông to cao, 80kg, nằm bẹp hôn mê suốt tháng trời trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Bây giờ, anh đã sống, não hồi phục tốt nhưng bước đi chưa vững. Liệu sau này sức khỏe anh khôi phục được bao nhiêu phần trăm? Tôi kiên quyết: “Lúc này anh rất cần có người kề cận chén cơm ly nước. Chị đã sống hết cuộc đời sáu mươi năm của chị, phần đời còn lại chị sẽ sống cho anh!”.
Một tháng sau ngày xuất viện, anh đưa tôi về gặp ba má. Má gọi riêng tôi đến ngồi bên cạnh: “Bác hỏi thiệt con, mà con cũng trả lời thiệt lòng với bác nghen! Vậy chớ con có thương thằng K. không?”. "Bác ơi! Con đã quyết định sống đời với ảnh rồi mà!". Bụng thầm kêu như vậy, còn miệng tôi líu ríu: “Dạ, con thương ảnh lắm!”.
Má nhẹ nhàng cầm tay tôi: “Đời thằng K. khổ nhiều rồi. Hai đời vợ đã dở dang, mình nó gà trống nuôi hai con, giờ bệnh chết đi sống lại, không biết nó có bình phục như trước được không? Má chỉ sợ nửa chừng con bỏ nó, nó khổ nữa thì tội lắm. Bệnh thằng K. lâu dài không biết thế nào, nếu nó không đi làm lại được thì có năm công ruộng ba má cho đó, vợ chồng cùng làm ăn. Sống khổ con có chịu được không?”.
Nghe má nói, nước mắt tôi chỉ chực trào ra: “Má ơi! Con là chị thứ ba trong gia đình tám anh chị em, chuyện khổ cực con không sợ, chỉ lo con lớn tuổi không còn nhiều sức khỏe để chăm sóc ảnh”. “Vậy là má yên tâm rồi, còn chuyện này má cũng nói với con luôn!”. Má dừng lại một chút rồi má cầm cả hai tay tôi, bao nhiêu yêu thương cháy long lanh trong đôi mắt má: “Má quý con lắm. Trong lúc thằng K. hôn mê bất tỉnh, tiêu tiểu không chủ động được con cứ lăn xả vào lo cho nó, má thấy con thương nó thiệt lòng. Hai con dâu trước, má không ưng nhưng thằng K. nó thương nên má cũng đi cưới. Lần này má chịu con, má cưới con cho nó. Má có đôi bông này, hột nó nhỏ, giá trị không bao nhiêu nhưng nó là vật kỷ niệm của má, má cho con để lúc nào má cũng ở bên hai con”. “Má ơi! Con thương má quá má ơi!” - vừa nói tôi vừa ôm siết má, mùi mồ hôi của má sao giống của mẹ tôi, mẹ yêu thương đã từ biệt chị em tôi 20 năm trước.
Sau ngày cưới, tôi cùng anh về thăm ba má. Ánh nhìn đầu tiên của tôi gặp ngay đôi tai của má. Cả hai lỗ tai đều trống huơ, không một chiếc bông tai. Tôi ôm hôn má rồi vội vàng ra sau nhà để kịp giấu những giọt nước mắt đang tuôn tràn. Má ơi! Thương má quá, kỷ niệm một thời đẹp nhất má đã trao hết cho con: đôi bông là sính lễ trong đám cưới hụt của má. Ba má ở vùng tạm chiếm thoát ly đi kháng chiến nên không thể làm đám cưới mà phải mượn đám giỗ ở nhà người thân để ra mắt họ hàng. Chưa làm lễ thì giặc càn, nội chỉ kịp dúi vô tay má đôi bông trước khi túa ra chạy trốn. Đã hơn sáu mươi năm đôi bông ấy gắn liền với má. Ngay lúc thiếu đói, cả nhà phải ăn cháo, khoai lang thay cơm má vẫn không nỡ cầm cố nó.
Một lần, tôi nghe tiếng má trong điện thoại, giọng lạc hẳn: “Má nghe nói thằng K. hút thuốc lại, sao con không cản nó? Bệnh của nó mà hút thuốc là chết. Con phải cản nó nghen. Má tin tưởng ở con, má giao nó cho con đó!”. Tôi dạ để má yên lòng: “Con sẽ lựa lời để can ảnh. Nhưng má biết tính ảnh mà, trời cản chưa chắc ảnh nghe nữa là con". Tối đó, đứng trước gương săm soi đôi bông của má, tôi thủ thỉ như vậy. Kỳ lạ chưa! Trong gương, đôi bông tai sáng ánh nụ cười hiền hậu của má. Tôi như nghe thấy giọng chậm rãi của má: “Bởi vậy má mới tin tưởng mà giao sanh mạng nó cho con”.
Liền mấy ngày, tôi cân nhắc, lựa lúc lựa lời mà chưa tìm được dịp để khơi mào câu chuyện. Cuối tuần, mấy người bạn thân tới thăm, nói chuyện rôm rả, người nào cũng châm thuốc hút. Lạ sao như có phép mầu, anh vẫn ngồi tỉnh không trong không gian sực nức mùi khói thuốc. Khách về hết, tôi thăm dò: “Sức mạnh nào tiếp thêm nghị lực cho anh vậy?”. Đôi mắt nhìn xa xăm, anh thong thả kể: “Chuyện đời… xưa của anh: Năm 1977, vừa tốt nghiệp phổ thông, anh đi bộ đội, ra biên giới Tây Nam. Đánh dữ lắm! Ở nhà má nghe hết tin báo tử này đến tin báo tử khác, mà tin về thằng “K. đen” của má thì không thấy. Má gồng gánh mấy giỏ đồ ăn, đi một chặng xe, hai chặng tàu đò rồi lội bộ gần 30 cây số cắt Đồng Tháp Mười từ Bình Châu lên tận Tà Nu thăm con. Đến được đơn vị thì trời tối mù. Được tin báo, anh vội chạy ra trạm, từ xa thấy đốm sáng nhỏ lấp lánh, anh đã nhận ngay ra má. Mà nói thật, chắc là thần giao cách cảm, ánh sáng từ trái tim má chứ đôi bông đâu đủ sáng để nhận ra má đâu!".
Tôi hiểu lắm ý nghĩa câu chuyện kể của anh. Bây giờ đây, lần nữa đốm sáng từ trái tim má đó, đốm sáng từ đôi bông của má đã tiếp cho anh thêm sức mạnh để bỏ thuốc lá - một đổi thay kỳ vĩ - bởi anh đã nghiện thuốc lá từ lâu lắm, từ lúc khoác áo lính lên vai. Mà thứ nghiện nào cũng khó lòng rứt ra được!
Ôi! Đôi bông của má, không chỉ là kỷ vật thiêng liêng, món quà sâu nặng mà còn là báu vật mang sức mạnh nghìn trùng của trái tim người mẹ!
No comments:
Post a Comment