Monday, March 5, 2018

Hôì ký Vipássana.

shảred https://www.facebook.com/notes/

Cũng giống như những người đi xa mới trở về nhà khác, tôi muốn mang về những món quà nho nhỏ cho những người tôi yêu thương. Ngày trước khi đi, tôi không nghĩ mình có thể mang về món quà gì đó có ý nghĩa cho những người thân xung quanh ngoài cái tâm bình ổn, bớt dao động hơn để tránh làm hỏng việc, tránh đem lại phiền muộn cho người khác. Tôi không ngờ mình có thể đem về một món quà mà tôi cho rằng đó có thể là món quà quý giá nhất trong đời tôi có thể tặng cho những người ở nhà. Chỉ kịp đặt vali xuống, tôi bắt đầu bao gói món quà này dành tặng bạn. Bạn có thể mở ra xem bất cứ khi nào bạn muốn. Và bạn có thể nhận món quà này hay không tùy ý bạn.

Trước khi đến với khóa thiền Vipanassna, tôi chỉ nghĩ đơn giản thiền định sẽ giúp cho tâm mình tĩnh lặng, bớt xáo trộn với quá nhiều ý nghĩ cùng một lúc xuất hiện; giúp mình suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định một vấn đề. Tôi vừa trải qua một thời gian liên tiếp gặp nhiều trắc trở cả trong đời sống tình cảm lẫn công việc. Mặc dù lý lẽ trong đầu đã xác định là phải bỏ bớt tham, sân, si trong đời để bớt khổ. Nhưng trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành vi của tôi thì vẫn luôn còn tham, sân, si. Vẫn luôn tham muốn cái này, tham muốn cái khác, đặc biệt là trong công việc.

Quyết định dời đi 10 ngày để tìm lại một khoảng thời gian yên tĩnh, để nhìn lại mình, nhìn lại quãng thời gian mình đã sống và con đường kế tiếp mình đã chọn; cũng là tìm lại một khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Tôi không nghĩ toàn bộ cuộc đời tiếp theo của mình có thể thay đổi bởi 10 ngày này.

Cũng nhờ duyên may, có thể do còn chút phước phận trước đó, tôi được hai người em giới thiệu về Vipassana. Điều tôi thích khi đọc những thông tin đầu tiên về Vipassana là ở chỗ đây là pháp thiền nguyên thủy, không mang màu sắc tôn giáo, không tông phái, không yêu cầu cải đạo. Nó dành cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi màu da, mọi sắc tộc. Và nó có một bản nội quy rất nghiêm khắc về việc giữ trọn 5 giới trong suốt khóa thiền. Tôi rất ấn tượng với việc người ta yêu cầu các thiền sinh phải im lặng trong suốt 10 ngày, không nói chuyện với những người cùng tham dự, không liên lạc với thế giới bên ngoài bằng bất cứ cách nào. Ngồi thiền suốt 10 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày. Tôi cũng ấn tượng bởi việc người ta không thu tiền lệ phí. Tất cả chi phí để tổ chức các khóa thiền là tiền của cúng dường của các thiền sinh cũ đã theo học muốn tạo tặng phúc lành cho những người khóa sau. Và còn một ý nghĩa thâm sâu khác nữa của việc này mà đến ngày cuối khóa tôi mới hiểu được.

NGÀY 0 - NGÀY TẤT BẬT NHƯ LỆ THƯỜNG

Trước khi đi 2 ngày, tôi thông tin trên FB cho những người bạn của mình biết về việc tôi sẽ vắng mặt 10 ngày. Điều lạ lùng là không ai ngạc nhiên khi biết tôi đi học thiền. Có lẽ mọi người đều thấy cái lệ thường là tôi đã sống quá tật bật, quá nhiều ham muốn, khát vọng - nhất là trong công việc. Và mọi người chúc tôi lên đường an lành. Ngay cả chị phụ trách ở công ty tôi đang làm việc. Mặc dù công việc rất nhiều, nhưng chị cũng động viên tôi yên tâm đi học.

Tuy vậy, vốn là người tham lam, tôi vẫn nhắn gửi với những ai đang còn muốn đòi nợ công việc tôi trước khi đi. Và thế là tôi lại nhận lời thêm công việc vào 2 ngày cuối cùng trước khi đi. Kết quả là đêm ngày trước khi đi tôi vẫn còn 2 bài viết dài phải hoàn thành, 1 cuộc hẹn nói chuyện điện thoại dài và 1 cuộc hẹn gặp trực tiếp. Quần áo, đồ đạc mới chỉ mua về chứ chưa thu dọn vào vali. Nhưng vì quá mệt, tôi lăn ra ngủ trước khi hoàn thành công việc.

Sáng ngày khởi ngày, trời mưa rất lớn. Thức giấc từ 6h kém để tiếp tục làm việc, nhưng tôi cũng chỉ kịp hoàn thành bản mô tả 1 dự án, đối thoại một cuộc điện thoại dài trước khi cô bạn của tôi đến nhờ tư vấn. Vừa nói chuyện với bạn, vừa tất bật tập hợp đồ cho vào vali, tôi ra đi trong khi vẫn còn 1 bản viết chưa hoàn thành. Để kịp giờ xe đón lúc 1h, và để cô bạn tôi tiện trở tôi ra bến xe, tôi ra khỏi nhàlúc hơn 12h. Sợ bạn phải về sớm ăn cơm, tôi không kịp ăn gì trước khi đi. Tôi vẫn luôn bị người bạn trai gần đây nhất cằn nhằn về việc luôn vội vàng, không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ như thế này nhiều lần. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chưa thể thay đổi. Nghĩ lại thấy đã có rất nhiều việc mình quyết định một cách quá nhanh chóng. Quyết định trong lúc đang rất hưng phấn, hoặc quá buồn bực đều không tốt. Tâm tôi không đủ tĩnh để suy xét kỹ lưỡng nhiều góc cạnh trước khi quyết định một việc. Và thực tế là tôi đang phải trả giá vì những quyết định nóng vội đó của chính mình.

Tôi bảo bạn dừng ở bãi đỗ đối diện bến xe Mỹ Đình. Điểm hẹn ở đó.
Bước vào quán nước, nơi đang có mấy người đàn ông  - chắc là những người lơ xe đang ngồi. Ngày thường có lẽ tôi đã hơi e ngại khi vào đó, nhưng hôm nay tôi thản nhiên bước vào. Tôi kéo ghế ngồi, mua một hộp sữa đậu nành và  gói hướng dương làm bữa trưa. Câu chuyện với anh bán mũ tại quán nước khá thú vị. Khi biết tôi đi học thiền, anh hỏi thiền là thế nào. Lúc đó tôi chỉ có thể giải thích với anh là để tâm mình an tĩnh, cho mỗi lời nói hành động của mình đều thể hiện cái ý muốn tốt của mình. Tránh đôi lúc mình có ý tốt, nhưng lời nói, hành động thể hiện ra ngoài lại rất khó nghe, hoặc làm người khác bị tổn thương. Anh gật gù.

Một lúc sau một nhóm các bà kéo vào quán ngồi. Họ rụt rè bảo mua cái kẹo cao su để ngồi nhờ. Anh bán mũ lúc này khá vui tươi bảo: các bà cứ vào ngồi, có ai bắt mua cái gì đâu. Có vẻ cái không khí có một chút tốt đẹp. Câu chuyện rôm rả về việc đi thiền, ai cũng náo nức mong chờ. Quán nước rôm rả với câu chuyện về việc thiền nhờ những thông tin hai bác thiền sinh cũ kể. Tiếng xe ồn ào trước bến làm mấy cô mới từ Thanh Hóa ra đau đầu phải bịt tai lại. Tôi gọi nốt cuộc điện thoại nhờ cô em ở văn phòng viết nốt bài viết mới chỉ gạch đầu dòng được vài ý. Thư giãn ngồi chờ xe.

Xe đến muộn, người đến muộn như cuộc sống lệ thường vẫn thế. 1h30 chúng tôi lên xe, và đoàn người từ phía đầu bên kia bãi đỗ xe kéo lại. Đông hơn tôi tưởng. Tôi tưởng chỉ khoảng 30 người một khóa thiền. Không ngờ có đến cả gần trăm người. Không hiểu sao người ta có thể lo ăn ở miễn phí cho từng đó con người trong suốt 10 ngày. Tiền từ đâu ra?

Trước khi tôi đứng dậy chào để lên xe, anh bán mũ nói với tôi: " Em đi về rồi khi nào có dịp qua đây thì kể cho anh nghe nhé. Anh nhờ em đấy." Tôi mỉm cười gật đầu: "Vâng". 

Tôi ngồi cạnh một chị khoảng gần 50, cắt tóc tém, có vẻ ngoài khỏe khoắn và tinh nghịch, nhưng lại mặc quần áo kiểu những người phớt đời. Chị bắt đầu nói chuyện: "Cái thằng bán mũ ấy, nó hiểu đời đấy. Bằng cách riêng của nó, nhưng nó hiểu đời." Tôi đáp: "Vâng. Anh ấy dặn em nào về ghé qua kể anh nghe về khóa thiền." Chị tiếp lời: "Ừ, chị cũng đã nghĩ hôm nào đó chị sẽ đưa thầy chị qua đây nói chuyện với nó. Chị thích ngồi mấy hàng nước chè lắm. Nhiều chuyện hay." Và chị bắt đầu kể, bắt đầu hỏi tôi một số chuyện. Tôi đã xác định đi một khóa thiền im lặng, cũng không muốn nói nhiều nên nói với chị cũng hạn chế. Nhưng đây sẽ là một nhân vật đặc biệt đối với tôi sau khóa thiền.
Chúng tôi ngồi 3 người trên băng ghế. Tôi không có mấy thiện cảm với bác ngồi bên cạnh đơn giản bởi nhìn nét mặt bác có gì đó khó chịu, có gì đó hằn học. Tôi giải thích đó là do trực giác. Và tôi cũng không gợi chuyện bác. Bác này cũng là người gây nhiều sự chú ý của tôi trong suốt khóa. Con trai bác đi cùng, bước lên xe mùi nồng hơi bia.Chắc có lẽ vừa từ quán bia nào đó vào và bắt đầu nói chuyện ồn ào ở hàng ghế dưới cùng.  Anh này sau là người bỏ về sau 3 ngày không chịu nổi kỷ luật khắt khe của khóa thiền. Mấy bạn trai trẻ băng ghế sau bàn luận sôi nổi về thiền, về các trường phái thiền - những thứ mà họ đọc được hay nghe người khác nói lại. Tôi im lặng.

Bất chợt tỉnh giấc. Xe đang đi trên một đoạn đường khúc khỉu với hai bên là cánh đồng gốc rạ vàng ươm. Tôi nghĩ chắc đã gần tới nơi. Cả xe bắt đầu thức giấc. Và như để chuẩn bị tâm lý cho nơi đến, hầu như không ai nói với ai câu nào. Tôi không nghĩ nơi học thiền lại gần Việt Phủ Thành Chương. Đã nghe về nơi này lâu rồi, nhưng tôi chưa có dịp ghé qua. Sườn đồi rất đẹp, chúng tôi đi qua con đường xanh mát với trúc và thông. Lấp ló là những ngôi biệt thự thật lớn trên sườn đồi. Xe dừng trước cổng 1 khu giống như khu nghỉ dưỡng. Tôi không thể ngờ chúng tôi lại đến một khu như khu nghỉ dưỡng. Thật đẹp. Thật yên bình!

Đón chúng tôi là 4 anh chị thuộc ban quản lý ngồi ở 4 bàn đăng ký dành cho thiền sinh mới. Chúng tôi ngồi tại một cái lán lớn sạch sẽ với hai khu ghế ngăn nắp, tách biệt cho nam và nữ riêng. Điền lại thông tin vào mẫu đăng ký đã gửi qua email, chúng tôi được cấp số giường và số thứ tự tọa thiền. Ban quản lý thiền sinh nữ trực tiếp có 2 người. Tôi thấy ngạc nhiên vì có một em rất trẻ. Sau này tôi biết em sinh năm 89 và đã ra trường đi làm 3 năm. Em làm thiết kế đồ họa nhưng từ cử chỉ, đầu tóc, quần áo em lại rất giản dị, rất nhu mì, không giống như phong cách dân thiết kế thường nổi trội hơn người khác. Những bạn thiền của tôi gồm đủ các lứa tuổi khác nhau, từ già đến trẻ; cả thành phố lẫn ở tỉnh, sau này tôi còn biết có cả những người từ Đà Lạt, từ Đà Nẵng ra học thiền. Nhưng điểm chung là nét mặt khá là mệt và ai cũng có vẻ không vui, nét mặt đờ đẫn, không tươi tỉnh. Tôi không có thiện cảm với một số chị mặc váy, đi giầy cao gót và vác theo một vali lớn đồ. Cứ như họ đang đi nghỉ mát vậy. Tôi nghĩ khi đã xác định đi thiền thì có gì đó họ đã phải có một suy nghĩ khác.

Chúng tôi được yêu cầu gửi lại tất cả các thiết bị liên lạc gồm điện thoại, máy ảnh, máy nghe nhạc,...và tiền mặt. Họ giữ riêng cho mỗi người vào một túi, đánh số túi và cho vào 1 hòm lớn khóa lại. Nhiều người trước khi gửi điện thoại còn nhắn tin số điện thoại của ban tổ chức để người nhà liên lạc khi cần gấp. Tôi suy nghĩ và quyết định không nhắn số cho ai cả. Không có việc gì gấp phải gọi giật mình từ xa trong 10 ngày này cả. Tắt điện thoại, đếm tiền và gửi cho người quản lý.

Trước khi đi, chúng tôi được dặn mang theo ô dù, đèn pin, chăn màn (nếu muốn dùng riêng), nên tôi đã tưởng tượng người ta sẽ trải chiếu xuống sàn để ngủ. Và nhà vệ sinh chắc hẳn ở một quãng xa chứ không ngờ phòng ngủ chung của chúng tôi là một căn nhà lớn với 35 chiếc giường đơn kê sát nhau thành 3 dãy, mỗi người một giường riêng. Chúng tôi có 4 nhà vệ sinh sạch sẽ, 3 phòng tắm, khu giặt và treo đồ với nhiều dây phơi thoáng mát ngay bên cạnh. Chúng tôi còn có 2 phòng vệ sinh kèm phòng tắm ở sát sườn nhà, nơi nấu nước nóng ngay cạnh, và người ta đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi rất nhiều xô chậu, móc áo, giấy vệ sinh, xà phòng để giặt đồ. Thật là chu đáo quá sức tưởng tượng của tôi.

Tôi nằm giường số 18, thuộc dãy giữa. Cách 1 lối đi nhỏ bên trái giường tôi là giường số 17, 16, 15, bên phải tôi là giường số 19, 20, 21,.. Các giường đều được trang bị sẵn đệm mỏng, chiếu, màn, chăn, gối, vỏ gối. Tất cả đều thơm mới, sạch sẽ. Thật tuyệt! Biết vậy tôi đã không phải vác hẳn 1 vali gồm quần áo mặc cho 10 ngày vì sợ không có chỗ giặt và phơi đồ, kèm theo cả chăn và màn.

Số 17 là 1 chị viên chức, hình như làm ở 1 viện khoa học nào đó. Thấp, nhỏ, nhưng luôn thướt tha với váy dài, áo sát nách và áo khoác dài bên ngoài. Số 16 là một bạn cũng rất mỏng manh nhưng lại toát ra vẻ mạnh mẽ trong nội tâm, có vẻ là người đã có kinh nghiệm đi rất nhiều  nơi. Bạn mang theo đệm riêng, bồ đoàn (đệm ngồi thiền), chăn riêng giống kiểu dân phượt hạng sang chuyên nghiệp. Số 15 là một chị cao lớn, nhưng có vẻ thanh thoát, nữ tính và thảnh thơi. Nằm bên giường 19 là một bạn sau này tôi biết là bằng tuổi tôi, nhưng mảnh mai hơn tôi là người đã đọc nhiều về Phật pháp. Bạn thích giảng giải cho em nằm giường số 20 - một cô gái trẻ mang đậm chất dân phượt xe máy nội địa. Giường 21 kế bên là một bác đã gần 60 nhưng tính lại rất sôi nổi, trẻ trung, cười nói sang sảng được xếp chung dọc dãy bọn trẻ tụi tôi. Dãy bên trong là dãy của những người từ 50 - hơn 60. Đối diện giường số 17 là thuộc dãy trong chính là bác gái nhiều tuổi tôi không mấy có cảm tình khi ngồi chung trên xe.

Trong khi rất nhiều người bỏ cả vali và túi lên giường, đặt ngay dưới chân nằm, tôi đưa vali ra góc tường sát ngoài rìa phòng. Có một thứ duy nhất có giá trị lớn trong túi đồ của tôi - cái chứng minh thư, còn lại là quần áo, sữa tắm, sữa rửa mặt, chẳng có gì phải bận tâm. Tôi không thuộc kiểu phụ nữ thích mua sắm và mang theo nhiều đồ đạc. Cả phòng nhốn nháo mất một lúc khi mọi người bàn tán về chuyện ăn uống và lịch tập. Theo lịch học, chúng tôi phải thức dậy từ 4h sáng, ngồi thiền từ 4h30-6h, ăn sáng và nghỉ ngơi, thiền từ 8h-9h, từ 9h30 đến 11h, ăn và nghỉ trưa, rồi lại thiền từ 1h-2h30, từ 2h30-3h30, 3h30-5h; ăn chiều, rồi thiền từ 6h-7h, nghe pháp thoại từ 7h-8h30, thiền từ 8h30-9h, 9h30 đi ngủ. Thật là một lịch dày đặc và điều băn khoăn lớn nhất của mọi người: bữa chiều của chúng tôi chỉ được ăn một chút hoa quả và uống trà. Chúng tôi không ăn cơm tối. Làm sao mà chịu được đói nhỉ? 

Chị quản lý bước vào và nhắc chúng tôi giữ Luật Im Lặng - Sự im lặng thánh thiện. Chúng tôi được giải thích là từ kinh nghiệm tổ chức các khóa thiền Vipassanatrên khắp thế giới, các thiền sư thấy rằng thiền sinh sẽ tu tập tốt nhất khi im lặng tuyệt đối. Lúc đầu rất nhiều người khó chịu vì cái luật nghe có vẻ rất vô lý này. Nhưng sau, tất cả chúng tôi đều có thể hiểu được vai trò tuyệt vời của Sự im lặng. Tôi đặc biệt cảm ơn Sự im lặng và thấy nó vô cùng hữu ích với mình.

Chúng tôi được ăn bữa ăn đầu tiên vào lúc 5h chiều. Ngày đầu tiên, chúng tôi chưa phải giữ chế độ chỉ ăn hoa quả và uống sữa. Bữa chiều của chúng tôi là xôi lạc ăn kèm củ cải khô - món này giống như ruốc vậy. Không biết là do sợ đói hay cũng giống cái cách mọi người tham lấy nhiều như khi đi ăn buffet, chỉ chưa đến 2/3 dãy người lấy đồ ăn thì bát củ cải đã hết. Chúng tôi thấy một lọ muối vừng đen trên bàn để hộp đồ uống: sữa đậu nành và trà gạo rang. Thế là những người sau chỉ ăn xôi với muối vừng đen. Một số người lúc đầu đã lấy quá nhiều củ cải khô, sau đã để thừa lại bát vì mặn không thể ăn hết. Món nước gạo rang thật ngon. Trong và thơm ngát. Tôi rất thích loại nước này. Bữa ăn đầu tiên không tránh khỏi sự lộn xộn, nhiều người vẫn nói và tiếng xô ghế vang lên. Nhiều người cau mày khó chịu, bác đứng sau lưng tôi càm ràm vì mọi người không biết giữ ý. Tôi im lặng.

Tôi khá ngạc nhiên khi vị thiền sư chúng tôi được biết mặt tại thiền đường lại không phải là thiền sư Goenkaji, vị thiền sư dạy Vipassana cho chúng tôi. Thiền đường trang nghiêm, rộng rãi, sạch sẽ chia làm hai bên, một bên dành cho nam, và một bên dành cho nữ. Chúng tôi có đệm ngồi màu xanh, gối ngồi, và cả một chiếc khăn đắp mỏng nhẹ màu tím rất mềm của hãng Korean Airline. Hai vị thiền sư phụ tá là một cặp vợ chồng người Việt, nói giọng còn chút gốc miền Nam. Lúc đầu tôi tưởng hai thầy cô sống tại trường thiền này và là người tổ chức các khóa học. Nhưng sau này tôi biết hai thầy cô là phụ tá của thầy Goenkaji, là người gốc Việt và đang sống tại Mỹ. Các thầy cô thiện nguyện tham gia giảng dạy tại các khóa thiền tổ chức trên khắp thế giới.  Mọi tài liệu giảng dạy, pháp thoại đều là của thầy Goenkaji nên chúng tôi vẫn được gọi là học trò của Ngài Goenkaji.

Hai thầy cô phụ tá cỡ khoảng trên 60 tuổi, nhưng trông rất khỏe khoắn, trẻ trung, phúc hậu. Giọng của thầy đặc biệt ấm và vang. Tôi có ngay cảm giác yên lành và tin tưởng khi nhìn thấy hai người. Buổi đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn chỉ quan sát hơi thở, hít vào thở ra. Nhưng không phải hít vào thở ra một cách cố tình, mà là theo dõi hơi thở tự nhiên của mình. Vẫn thở một cách bình thường và quan sát nó.

Ngay trước khi được đưa vào Thiền đường (nơi ngồi thiền tập trung của tất cả các thiền sư và thiền sinh), chúng tôi đã được ban quản lý cho nghe băng dịch tiếng Việt về những lời căn dặn liên quan việc giữ 5 giới đạo đức (Sila): Không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống chất gây nghiện và cả sự im lặng thánh thiện, sự không đụng chạm giữa các thiền sinh. Khi vào trong thiền đường, chúng tôi lại được nghe những lời căn dặn như thế thêm một lần nữa; và thầy Goenkaji nhắc chúng tôi về quyết tâm ở trọn 10 ngày trong khóa thiền. Chúng tôi đi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày 1. Đêm đầu tiên tại trường thiền pha trộn nhiều thứ âm thanh: tiếng thì thầm nói chuyện, tiếng ngáy, tiếng dép đi vệ sinh của những người khó ngủ, tiếng trở mình, tiếng côn trùng kêu, tiếng sột soạt của túi nilong đựng đồ của người không chịu nổi đói. Tôi lặng lẽ nghe cho đến khi ngủ thiếp đi.

NGÀY 1 - TÂM TRÍ CHÚNG TA NHƯ NHỮNG CON KHỈ
Keng, Keng, Keng. Tiếng chuông báo thức lúc 4h sáng. Một số người già khó ngủ hơn đã thức từ trước đó khoảng 30 phút với tiếng dép đi loẹt xoẹt trong bóng đêm. Giờ thì 1 bóng điện bắt đầu được bật lên và tiếng ngáy đã tắt. Tôi tập động tác thức giấc Yoga rồi bước xuống giường, bắt đầu công cuộc vệ sinh cá nhân. Đánh răng, rửa mặt xong tôi còn gần 20 phút để gấp chăn màn và xoa bóp chân tay trước giờ thiền. Nhiều giường vẫn nằm ngủ, đặc biệt là dãy giường ở giữa của tôi - dãy gồm những người trẻ nhất. Rồi số 19, 20, 21,..cũng thức giấc, số 16, 15 cũng dậy, chì còn lại số 17 tiếp tục trùm trăn lên mặt che ánh điện và tiếp tục ngủ.

4h20 - Keng,, Keng, keng báo hiệu chuẩn bị giờ lên Thiền đường. Thiền đường nằm trên 1 đường cung, ở giữa khu nhà ở của nữ và nam. Chúng tôi cần đi một đoạn khoảng 100m để tới thiền đường. Bên ngoài trời mưa lạnh và vẫn còn tối. Đây là lý do vì sao chúng tôi cần mang theo đèn pin và ô dù để che khi trời mưa. 
Bên ngoài thiền đường để rất nhiều hộp kem chống muỗi Sotifell. Chúng tôi bôi kem chống muỗi và lặng lẽ đi vào thiền đường. Các thiền sinh nam luôn là những người đến thiền đường sớm hơn nữ. Phần lớn họ đã ngồi khoanh chân ngăn nắp trước khi đám nữ thiền sinh bước vào. Hai thầy phụ tá chưa xuất hiện, nhưng khi thấy các anh chị quản lý tắt bớt đèn và bắt đầu ngồi thiền, chúng tôi cũng làm theo. Chúng tôi bắt đầu quan sát hơi thở. Thở một cách tự nhiên, không cố tình hít sâu hay thở sâu như tôi được hướng dẫn trong Yoga.

Khoảng 5h hai thiền sư phụ tá đi vào từ một lối cửa ra vào khác, dẫn từ khu nhà ở của thiền sư. Thiền đường có 3 cửa - 1 cửa cho nữ, một cửa cho nam và 1 cửa cho thiền sư. Sở dĩ tôi đoán đó là khoảng 5h vì khi đó chúng tôi vẫn nhắm mắt theo dõi hơi thở. Và trong suốt cả khóa, tôi vẫn không biết chính xác là mấy giờ thì thiền sư phụ tá xuất hiện, ngày nào cũng đúng vào giờ đó, nhưng ko biết là mấy giờ. Không có đồng hồ treo tường trong thiền đường, tôi không đeo đồng hồ đeo tay, tôi lại không hỏi ai vì giữ luật im lặng. Chiếc đồng hồ duy nhất tôi nhìn thấy là chiếc đồng hồ nhỏ để trên bàn của thiền sư phụ tá nam, cách khá xa chỗ tôi. Khoảng 30 phút trước khi buổi thiền đầu tiên kết thúc thì băng tiếng vang lên. Tiếng tụng niệm của Ngài Goenkaji. Tiếng vang và ấm, có gì đó thật đặc biệt. Thầy tụng bằng tiếng Ấn cổ, và khi đó tôi không biết nó có nghĩa là gì. Chỉ biết nó giống như thầy đang hát một giai điệu và giai điệu đó những ngày sau cứ vang mãi lên trong tâm tôi. Những giai điệu dễ chịu. Kết thúc bài tụng bao giờ cũng là câu: "Bhavatu mandalam...  - có nghĩa là "Nguyện cho tất cả chúng sanh được hòa hợp, an lạc, hạnh phúc". Những ngày tập khó nhọc ngay sau đó, cứ khi nghe tới câu này là như tôi được giải thoát, và đúng là giải thoát thật vì khi đó tôi được duỗi đôi chân đau nhức của mình ra khỏi thế ngồi bán già hay khoanh tròn.

Giờ ăn sáng đầu tiên. Chúng tôi xếp hàng dài để qua bàn để thức ăn. Bữa sáng được dọn ra là một thau nui và một thau canh củ quả nấu với hạt đậu. Ngon tuyệt! Chưa bao giờ tôi ăn món nui ngon thế.

Bữa trưa là những món hoàn toàn chay, nhưng cũng cực kỳ ngon. Tôi chưa bao giờ ăn đồ chay ngon như vậy. Ở những quán cơm chay tại thành phố Hà Nội hay HCM nơi tôi đã từng ăn, người ta thường nấu nhiều dầu, nhiều gia vị và thường hay giả là món thịt này thịt kia. Ở đây chúng tôi hoàn toàn không có món giả này, giả kia,  các loại rau củ quả, đậu, nấm, mộc nhĩ, các loại đỗ xào, nấu, om hay luộc vẫn nguyên hình dạng cắt miếng nhưng tuyệt ngon. Sau này chúng tôi hiểu, những người phục vụ cũng chính là các thiền sinh cũ, những người đã theo học khóa thiền 10 ngày và tự nguyện đăng ký đi phục vụ. Và khóa học cũng chỉ chấp nhận những người đã học xong khóa học 10 ngày làm người phục vụ. Họ có tâm từ bi, tình thương yêu đối với các thiền sinh mới, và họ toàn tâm nấu những món ăn đó cho chúng tôi. Đó cũng là một phần đặc biệt quan trọng làm cho những món ăn đó ngon đến vậy.

Nhiều người khó chịu vì không được nói chuyện, vẫn ra hiệu, vẫn thỉnh thoảng thì thầm. Cô bé thiền sinh phục vụ tại nhà ăn thỉnh thoảng lại phải đưa tay lên môi: suỵt

Trên tấm bảng tại nhà ăn có dán một tờ A4 kẻ dòng ngăn nắp để thiền sinh đăng ký họ tên người muốn gặp tham vấn thiền sư, một tờ A3 giải thích về Sự im lặng thánh thiện, 1 tờ A4 giải thích việc tụng niệm của thầy Goenkaji đơn giản là để tạo không khí thích hợp cho buổi thiền. Việc một số thiền sư cũ vái lạy 1 lần trước và sau giờ thiền đơn giản là theo truyền thống tại Ấn Độ người ta muốn cảm ơn. Không ai bắt và muốn các thiền sinh mới làm điều đó. 1 tờ A3 về thời khóa biểu học tập trong ngày. 1 tờ A4 luôn thay đổi mỗi ngày - Hôm nay là ngày 1. Hôm nay là ngày 2,... cho đến ngày 11. Trong suốt khóa thiền, tôi không quan tâm hôm nay là ngày 26, 27, ngày mùng 1, mùng 2 hay ngày mùng 5, mùng 6. Tôi chỉ có khái niệm hôm nay là ngày thứ mấy của khóa thiền.

Chúng tôi có hai khoảng thời gian để các thiền sinh có thể tham vấn hỏi đáp, thắc mắc về những vấn đề gặp phải trong quá trình tu tập với hai thiền sinh phụ tá vào lúc 12h-12h30 và sau 21h mỗi ngày. Thầy giải đáp cho nam, cô giải đáp cho nữ.  Tôi nhìn vào bảng đăng ký và suy nghĩ về việc tham vấn thiền sư vào lúc 12h-12h30. Tôi quyết định đăng ký gặp thiền sư phụ tá cùng 3 người khác nữa. 
Câu hỏi của tôi là: 
- "Thưa cô, con thấy khi theo dõi hơi thở thì rất nhiều ý nghĩ ập đến trong đầu, hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác chứ không liên tục tập trung vào hơi thở được. Như vậy có gì không ổn không?"
- "Thế tốt đấy. Không sao đâu. Con cứ tiếp tục quan sát nó."
Tôi chỉ hỏi bà đơn giản vậy thôi. Tôi quyết định là mình cứ bình tĩnh làm lần lượt theo sự chỉ dẫn xem sao.

Tất cả những thắc mắc trong ngày của tôi đều được giải đáp trong bài Pháp thoại của thầy Goenkaji vào buổi tối. Sau này tôi biết rằng bài giảng của thầy được thu âm từ cách đây lâu lắm rồi, phải đến 20 năm vì thầy đã già yếu và không còn trực tiếp giảng giải cho thiền sinh cả đến hơn chục năm nay. Vậy mà mọi thứ thầy nói cứ như đang diễn ra với tôi. Chứng tỏ cũng đã rất nhiều người giống như tôi. Và thầy đã được nghe đủ các loại thắc mắc, các triệu chứng của hàng chục nghìn thiền sinh trên khắp thế giới. Tôi quyết định sẽ không cần hỏi gì trong các ngày tiếp theo nữa. Vì mọi thắc mắc trong ngày của tôi sẽ sáng tỏ vào giờ pháp thoại.

"Tâm trí chúng ta như tâm trí của những kẻ điên. Bạn hãy tưởng tượng có một người thấy thương một người bị điên, ông đem cho anh này một đĩa gồm mấy miếng thịt gà. Ngay khi anh này cầm miếng thịt gà lên, tâm trí anh ta bảo đó là miếng xà phòng và anh ta bắt đầu cọ xát nó lên người để tắm. Ngay khi vừa cọ xát lên người, anh ta lại nghĩ: ồ đây là quả bom, kẻ kia muốn giết mình và anh ta ném những miếng thịt gà vào người vừa cho mình." Tâm trí của chúng ta cũng như vậy. Khi vừa khởi lên ý nghĩ này, nó liền khởi lên ý nghĩ khác, chưa kết thúc ý nghĩ này, nó lại khởi lên ý nghĩ khác. Tâm trí của chúng ta luôn chạy rông và tốn sức cho nhiều điều vô nghĩa. Đó là những nỗi dung mà tôi ấn tượng trong buổi pháp thoại đầu tiên.

Quả đúng như vậy! Tôi đã thực chứng điều đó với tâm trí của mình khi theo dõi hơi thở tự nhiên. Nếu trước đó tôi được yêu cầu hít ra, thở vào sâu một cách cố ý, tôi sẽ chỉ thấy hơi thở, tâm trí rất tập trung. Nhưng khi tôi cứ để hơi thở tự nhiên và theo dõi những gì xảy ra trong đầu mình thì tôi thấy một loạt ý nghĩ thay nhau xuất hiện. "Các ý nghĩ của chúng ta gồm đủ thứ, nhưng có thể chia làm 2 loại: những ý nghĩ về quá khứ hoặc ý nghĩ về tương lai. Nhưng không có ý nghĩ cho hiện tại." Ồ, đúng vậy. Chúng ta luôn nghĩ về quá khứ, hoặc tương lai mà ít khi chú tâm suy nghĩ về cái thực tại đang diễn ra ngay tại lúc này, ngay tại đây. Nghịch lý của đời là quá khứ đã qua không thể thay đổi, tương lai thì chưa tới và là hệ quả của những gì đang diễn ra, nhưng chúng ta không dành tâm cho hiện tại. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ của chúng ta.

Bài pháp thoại của thầy dài và nhiều điều thú vị, nhưng đó là những gì ghi dấu sâu nhất với tôi trong ngày 1. Tôi còn ấn tượng về cách mở đầu bài giảng vào mỗi ngày của thầy: "Vậy là ngày thứ .... đã qua đi, chúng ta chỉ còn ... để tu tập." Lúc đầu chỉ ấn tượng ở giọng điệu, nhưng sau tôi nhận thấy nó mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Một câu chuyện trong bài pháp thoại sau này sẽ làm sáng rõ điều này. 

Sau buổi pháp thoại, chúng tôi được hướng dẫn cách thực tập thiền cho ngày tiếp theo trong vòng 30 phút. Luôn là như vậy. Tôi thường mong chờ giây phút này vì tôi là đứa thích điều mới mẻ. Mà tôi nghĩ chắc cũng không chỉ có riêng tôi như vậy. Đặc tính của bộ não con người là thích những gì mới lạ. Cả một ngày thực hành đi, thực hành lại một bài tập, não tôi đã rất chán bài tập cũ, chán đến nỗi những giờ tập buổi chiều nhiều lúc tôi phát hiện mình chợt giật mình sau một vài phút ngủ gật.

NGÀY 2 - TRỘM?

Buổi tập ngày thứ 2 chúng tôi được hướng dẫn vừa quan sát hơi thở ra vào tự nhiên, từ quan sát cảm giác vùng tam giác mũi; chấp nhận thực tế là tâm trí luôn lang thang. Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát xem tâm trí có quay trở lại với hơi thở trong vòng 5 phút không. Nếu không quay trở lại thì hít vào thở ra một vài hơi mạnh hơn một chút để gọi nó trở về. Mục đích là bắt đầu quá trình mài sắc khả năng quan sát cảm giác. Các buổi tập đối với tôi vẫn khá nhẹ nhàng. Chúng tôi vẫn được đổi tư thế chân, duỗi ra, co vào mỗi khi thấy mỏi và đau. Hơi buồn ngủ vì cứ tập đi tập lại động tác quan sát tam giác mũi cả ngày.  

Chuyện làm tôi thấy mệt hơn lại chính là cái thế giới phức tạp của 31 người phụ nữ trong một căn phòng. Khó chịu với tiếng tụng kinh lầm rầm của bác già ở dãy giường trong; khó chịu vì tiếng lầm rầm nói chuyện của mọi người trong giờ nghỉ; khó chịu vì một vài hành vi vô ý thức trong nhà ăn; khó chịu vì phải chờ toa lét, vì bệ ngồi wc ướt nhẹp; vì chờ phòng tắm, vì chờ chỗ giặt, tiếng xả nước, máy sấy tóc vào giờ nằm nghỉ buổi trưa, vì tiếng dép loẹt xoẹt đi lại,...Mặc dù đã có luật im lặng, nhưng rất ít người giữ luật được tuyệt đối. Hầu hết vẫn thích rì rầm khi không thấy bóng dáng người quản lý. Sau một vài lần bị chị quản lý nhắc nhở phải giữ im lặng, nhiều người bắt đầu canh chừng giống như canh chừng cảnh sát. Tôi cảm ơn sự im lặng. Tôi cũng xác định mình phớt lờ. Tôi vẫn cố để có 15 phút ngủ ngắn sau mỗi giờ ăn sáng và trưa. 

TRỘM, ÔI TRỘM... 
Giặt thót người, chúng tôi choàng dậy. Một số người kêu toáng lên: Đâu? Đâu? Bật điện lên? Nó chạy lối nào rồi? ... 
Tôi không chắc đó có phải là chị số 15 đang nói hay không. Tôi không cố nhìn xem đó là ai.
- Ôi, cháu cứ thấy có ai sờ soạng ở phía dưới chân. Lúc đầu tưởng là có ai đơ đơ trong phòng mình, ai dè, nhìn rõ là có người mà không rõ là nam hay nữ,....
Mọi người bắt đầu lao vào hỏi:
- Tại sao không kêu lên sớm hơn? Nó chạy đường nào nhỉ? ...
Lúc đó là gần 1h đêm. Chị quản lý đi từ tầng 2 xuống. Căn nhà có 2 tầng với cầu thang ở bên ngoài cách biệt giữa tầng 1 và tầng 2. Chị bước vào và nói: 
- Suỵt, đã bảo là mọi người không được nói mà. Dù có cháy nhà cũng không được nói. Mọi người về chỗ đi ạ.
Không mất gì cả. Chị để vali ở cuối giường và gác chân lên vali. Tôi cũng không biết có trộm thật không. Sau này được một chị nói chị là người phải dậy bật điện lên đầu tiên nhưng thấy các cửa vẫn đóng. Không hiểu có trộm không. Chỉ biết khi đó tôi cũng thót tim. Nhưng nhờ Sự im lặng, mọi người nhanh chóng không bàn tán, hỏi han, kể lể nữa. Tôi quay mặt sang bên phải và cố sử dụng hơi thở để định thần lại. Cái vali và balo của tôi để ở góc tường gần khu cửa ra vào vẫn ở nguyên đó. Có đôi khi người ta thấy mình cứ ki cóp giữ chặt đồ, họ tưởng có cái gì quý giá lại sinh lòng bất thiện. Tôi nghĩ mình cứ để đồ vất vưởng ở ngoài thế lại hay. Mà trong phòng tất cả đồ đạc có giá trị đều đã được gửi, còn gì ngoài quần áo và những thứ vặt vãnh của phụ nữ. May mà không có tên trộm nào bị bắt. Tôi không biết nếu có trộm bị bắt thì sự thể sẽ ra sao. Có khi người ta túm vào đánh rồi cũng nên. Nghĩ đến mà hãi hùng.

Bắt đầu từ ngày hôm đó, mọi cửa luôn được hỏi đã đóng chưa trước giờ đi ngủ. Bác ở dãy trong đôi khi còn sốt ruột ra gài cửa ngay cả khi biết còn người ở ngoài. Khi được người khác nhắc còn người ở ngoài. Bác lầm rầm:
- Đến giờ rồi thì phải đóng chứ. Ai còn ở ngoài cho ở ngoài.
Tôi im lặng.

NGÀY 3 - CHUẨN BỊ GIẢI PHẪU
Chúng tôi được căn dặn ngày 1,  ngày 2, ngày 3 chúng tôi chỉ tập thiền Anapana - thiền theo dõi hơi thở - là sự chuẩn bị cho cuộc giải phẫu sâu nội tâm bằng Vipassana. Phải từ ngày thứ 4 chúng tôi mới bắt đầu thực hành Vipassana . Chúng tôi tiếp tục theo dõi hơi thở, nhưng quan sát cảm giác ở vùng nhỏ hơn - vùng ngay dưới mũi và trên môi trên. Chúng tôi mài sắc khả năng quan sát và cảm nhận cảm giác của mình. 

Khi tâm trí đã được giao rõ nhiệm vụ là tập trung vào 1 vùng nhỏ nhất định, chúng bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn. Hoặc do hai ngày luyện tập kéo tâm trí về hiện tại của hơi thở, tâm trí tôi đã không còn lang thang nữa. À, lúc này tôi đã hiểu thế nào là ĐỊNH (Samathy).

Bài pháp thoại của thầy Goenka mỗi buổi tối luôn là những giây phút tuyệt vời. Thầy kể nhiều câu chuyện rất giản đơn, nhưng lúc này tôi thấy nó thật nhiều ý nghĩa sâu sắc. Luôn nhắc chúng tôi phải quyết tâm, phải kiên trì luyện tập, tâm trí luôn quân bình, chấp nhận bản chất: tâm trí lang thang, hơi thở nông hay sâu cũng đều là thực tại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận thực tại đúng như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là, hay nó dường như là thì chúng ta mới có giải pháp cho nó được. Tôi không kể chi tiết về bài Pháp Thoại, tốt nhất nên để phần thú vị này cho bạn tự khám phá.

Các bạn từ từ nhấm nháp những ngày tiếp theo cùng tôi tại đây nhé:

NGÀY 4 - NGÀY VIPASSANA
https://www.facebook.com/notes/bui-hang/h%E1%BB%93i-k%C3%BD-vipassana-ng%C3%A0y-4-ng%C3%A0y-vipassana/580547911993095

NGÀY 5 - MỔ XẺ VỚI TÂM QUÂN BÌNH
https://www.facebook.com/notes/bui-hang/hồi-ký-vipassana-ngày-4-ngày-vipassana/580547911993095

NGÀY 6 - MÓN QUÀ
https://www.facebook.com/notes/bui-hang/h%E1%BB%93i-k%C3%BD-vipassana-ng%C3%A0y-6-m%C3%B3n-qu%C3%A0/580566701991216

NGÀY 7 - NGẪM VỀ ĐẠO PHẬT
https://www.facebook.com/notes/bui-hang/h%E1%BB%93i-k%C3%BD-vipassana-ng%C3%A0y-7-

No comments:

Post a Comment