Monday, October 10, 2016

GIÁM TRAI SỨ GIẢ.


- Giám Trai Sứ Giả còn gọi là Giám Trai Bồ Tát, là một vị thần trông nom việc ăn uống cho chúng Tăng trong chùa, thường thờ ở nhà bếp. Vị thần này thường có hình dạng mặt xanh tóc đỏ.
- Vào ngày 23 tháng 12 âm lịch là ngày Thánh Đản đức Giám Trai. Ngài là một vị Bồ Tát hóa hiện thân hình Khẩn Na La Vương. Ngài là một trong tám vị thần Hộ Pháp.
- Trong truyền thống Phật Giáo Ấn Độ có vẽ hình tượng Giám Trai Bồ Tát ở nhà bếp, sự việc này trong kinh điển nhà Phật ghi chép rất rõ ràng. Theo sử liệu về Giám Trai Sứ Giả, có rất nhiều quan niệm khác nhau.
- Giám Trai là hiện thân của La Hán Tân Đầu Lô Phả La Đọa. Theo quyển Hạ Bộ Thích Thị Yếu Lãm và Đạo An truyện thì việc thờ Thánh Tăng Tân Đầu Lô trong Trai Đường bắt nguồn từ ngài Đạo An ( 312-385 ) :
" Đạo An Pháp Sư mộng thấy nhà sư người nước Hồ tóc bạc mày dài, nói rằng : Hằng ngày dọn cơm cho ta ăn, về sau sẽ có Luật Thập Tụng.
Ngài Đạo An biết ngay rằng đó là La Hán Tân Đầu Lô bèn dựng bệ thờ trong nhà ăn, đặt thức ăn cúng dường. Về sau, các chùa lấy đó làm phép tắc."
- Trong truyện cổ Phật Giáo có đề cập đến câu chuyện Hai Con Cọp Tinh Ở Hoành Sơn. Trong nhà Trai thờ tượng cốt một vị Tăng, lông mày trắng rũ dài, hiệu Giám Trai Sứ Giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà Tôn Giả.
- Quan niệm này ngoài Đạo An truyện, có thể ảnh hưởng từ danh hiệu đệ nhất ứng cúng và tư tưởng của bộ Pháp Trụ Ký cho rằng : La Hán Tân Đầu Lô phụng ý chỉ của Phật, ở lại trần gian ủng hộ, xiển dương Phật Pháp. La Hán " mày trắng " đã thị hiện ứng cúng trong lễ cúng dường của vua A Dục, hóa độ Lương Võ Đế và xác chứng sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Đạo An .v.v...
Tuy vậy, theo Tăng Nhứt a Hàm 1 và Tăng Chi Bộ 1 thì tôn giả Tân Đầu Lô chỉ là vị Thánh đệ tử bậc nhất về hàng phục ngoại Đạo và rống tiếng rống sư tử.
- Sách Tiễn Đăng Dư Thoại, Thính Kinh Viên Ký chép : " Có một người tú tài họ Viên, thích vui đùa nhảy nhót, làm trò hề trẻ con. Có lần anh lấy phấn xanh bôi lên mặt, sau đó vào trong khám ngồi duỗi hai chân, những người làm bếp tưởng là thần xuất hiện, nên nói một cách rất cung kính: Đây chính là Hồng Sơn Đại Thánh Giám Trai. Từ đó về sau, các nhà bếp trong chùa thường thờ vị này."
- Ngoài ra, còn có thuyết cho rằng : Giám trai chính là Đại Giám Thiền Sư Lục Tổ Huệ Năng được thờ ở nhà bếp, nơi gần nấu nướng củi lửa, trên đầu đội khăn, tay cầm cái búa đang ngồi.
Lấy ý rằng, khi Lục Tổ đến Huỳnh Mai gặp Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn thì Tổ đưa ra phía sau bửa củi, giã gạo. Suốt tám tháng làm việc nặng nhọc, không hề được sự quan tâm dạy dỗ của Tổ Sư nhưng ngài không hề phiền hà, trách móc. Chỉ biết chăm chỉ làm việc, phụng sự Tam Bảo mà thôi.
Một hôm Tổ đến chỗ giã gạo hỏi rằng : " Gạo đã giã trắng chưa ? "
Ngài Huệ Năng trả lời rằng : " Dạ bạch, trắng rồi mà thiếu người sàng sảy."
*** Ý Tổ hỏi : Tâm đã gạn sạch hết phiền não chưa ?
Ngài Huệ Năng đáp : sạch rồi mà thiếu người ấn chứng.
Tổ bèn gõ vào cối xoay ba cái rồi quay lưng đi vào lối sau. Thế là canh ba đêm ấy, ngài Huệ Năng đi vào lối sau gặp Tổ và được truyền Y Bát.
Sau này các chùa tờ tự cho rằng, Ngài chính là Lục Tổ Huệ Năng vì Lục Tổ Huệ Năng được vua Đường ban tặng thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư.
- Lại có thuyết khác, có một người vào chùa công quả, chỉ lo việc bửa củi nấu cơm, lo cho Tăng chúng. Nhưng đến khi Tăng chúng ăn xong luôn bị thiếu cơm vì nấu ăn ngon quá. Cuối cùng, thường phải ăn cơm cháy. nhưng do cố gắng dụng công tu nên thành Đạo trước mọi người. Vì vậy, có nơi thỉnh thoảng đem cơm cháy cúng ông Giám
- Theo Hà Nam Phủ Chí chép : " Vào năm đầu niên hiệu Chí Chánh ( 1341 - 1368 ) đời nhà Nguyên, tại chùa Thiếu Lâm có một hành giả đầu tóc rối bời, lưng trần chân đất, làm việc ở nhà bếp rất có trách nhiệm. Nhưng ở trong chùa lại không có ai biết đến tánh danh của Ngài.
Vào năm Chí Chánh thứ 10 ( 1350 ), Lưu Phước Thông lãnh đạo đội quân Khăn Đỏ bao vây, đốt phá chùa Thiếu Lâm, Tăng chúng hoảng hốt bỏ chạy. Bấy giờ, vị hành giả nấu cơm ở nhà bếp, tay cầm khúc thiêu hỏa côn chạy ra sơn môn, thân thể biến hiện cao to 10 trượng, đứng hiên ngang như gọn núi quát rằng : " Ta là Đại Thánh Khẩn Na La Vương đây."
Quân đội Khăn Đỏ hoảng hồn bỏ chạy. Chùa Thiếu Lâm từ đó không bị uy hiếp nữa và vị hành giả này cũng viên tịch luôn. Mọi người mới biết là do Khẩn Na La Bồ Tát hóa thân. Trong chùa bèn kiến lập điện Khẩn Na La để thờ phụng. Và vẽ hình tượng đem thờ tại nhà bếp, gọi là Giám Trai Sứ Giả. Nhằm để cầu nguyện việc ăn uống tại nhà bếp đầy đủ. Vì vậy mà các chùa phổ biến thờ hình tượng Ngài.
- Thủy Hử truyện chép : " Trí Thâm đem túi vải để xuống trước Giám Trai Bồ Tát, cầm thiền trượng .. "
- Trong nghi thức cúng ngọ, có niệm đến danh hiệu Ngài. Và mỗi khi chư Tăng thọ trai đều xưng niệm để chùa chiền được an ổn, điều hòa thực phẩm duy trì sinh hoạt Tòng Lâm lâu dài.
- Trong Tòng Lâm luôn thắp nhang cầu sự gia hộ của Ngài, khiến cho phẩm thực được đầy đủ để lo cho Đại Chúng tu học. Thế nên, trong nghi thức Thiền Môn, tự viện Tòng Lâm mỗi nửa tháng chúc tán, trong đó có nghi khánh chúc Ngài Giám Trai
" Công tư đãnh nãi
Chức nhậm tư thình
Viễn thừa Hương Tích chi phong
Vĩnh tác vân trù chi chủ."
Dịch :
" Công việc nồi niu bếp núc
Chức vụ lo dâng đồ cúng tế
Noi phong thái cơm ngon Hương Tích xưa
Lúc nào cũng làm chủ quản nhà bếp của chư Tăng."
" Giám Trai Sứ Giả
Hỏa bộ oai thần
Điều hòa bá vị tiến duy hinh
Tai hao vĩnh vô xâm
Hộ mạng tự thân
Thanh chúng vĩnh mông ân."
Dịch :
" Giám Trai Sứ Giả
Hỏa bộ oai thần
Điều hòa trăm món hiến vị ngon
Tai hao mãi không xâm
Hộ mạng giúp thân
Tăng chúng luôn nhờ ân."
- Việc thờ ông Giám ở nhà bếp nhằm để nhắc nhở mọi người rằng : Nhơn tu vạn hạnh. Mỗi người một chí nguyện, tu hành cốt là ở chỗ dụng tâm, không câu nệ ở việc làm cao hay thấp, sướng hay cực, mỗi người mỗi việc. Nếu chọn việc cao sang, sạch sẽ thì việc thấp xấu ai làm ?
- Việc làm có khác nhưng dụng tâm thì giống nhau. Cho dù việc làm vất vã đến đâu đi nữa mà làm với nhiệt tâm cần cù vì Phật Pháp, vì lợi tha, có dụng tâm Phật thì hạt giống giác ngộ, giải thoát hiện tiền. Hễ tinh tấn tu hành đúng Pháp, biết phụng sự Tam Bảo, lo cho Đại Chúng thì công đức vô biên. Nhất định sẽ thành tựu Đạo quả như Ngài Giám Trai vậy.
thiên sứ Hòa Bình Thi Xuan Phuong Luong


No comments:

Post a Comment