Monday, October 3, 2016

NGHĨA BẠN TÌNH THƠ

Tâm sự trong đêm 9/5/2016.
....Dòng đời trôi nổi ...và do Duyên mà tôi đã gặp Chị.Lúc đó ,qua sự giới thiệu của một người quen, tôi biết Chị là một nhà thơ theo đuổi mộng lớn, hiện nay đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi rất xúc động , muốn tìm gặp Chị ngay...vì tôi cũng rất yêu thơ.
Sau nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, tôi nhận thấy Chị thật đáng thương. Không chồng con, nhà cửa cũng không,nhất là không có làm gì ra tiền để sinh sống vì Chị đã ngoài bảy mươi cái xuân xanh!
Cuộc sống của Chị lệ thuộc vào mấy người cháu gọi Chị bằng Cô,bằng Dì ,khiêm tốn , giản dị .Do đó Chị không có phương tiện để tiếp tục thực hiện trọn vẹn mơ ước ấp ủ từ năm Chị 16 tuổi.
Những người cháu khác giàu có, muốn đem Chị về nuôi nhưng Chị lại không chịu cảnh mất tự do và từ bỏ con đường nghiên cứu và viết Văn-Học-Sử, nhất là nghiên cứu về nhà giáo, nhà chí sĩ yêu nước NGUYỄN-ĐìNH-CHIỂU.
Bạn bè Chị cũng muốn gặp Chị, giúp Chị ,nhưng không biết đích xác Chị ở nơi nào! Có khi Chị nương náu trong chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc tỉnh Long An,có khi ở chùa Cao Đài cũng ở Long An,có khi ở gần chùa Từ Hiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lâu qúa không gặp Chị ,có người bảo Chị đã đi nước ngoài hay đã ...đi theo ông bà rồi!
Tôi được gặp Chị nhiều lần kể từ tháng 8/2014 đến nay ở những quán nước lề đường, hay ở gần bờ sông có nước ,có gió mát ,trong những buổi chiều khi mặt trời sắp lặn, hay ban đêm khi có bóng trăng treo lơ lững trên bầu trời , khuất sau bóng cây đầy vẻ thơ mộng. Ngắm mặt trời chiều sắp lặn phản chiếu trên mặt nước sông hay ngắm ánh trăng xuyên qua cành lá đong đưa là sở thích lãng mạn của Chị. Hai chúng tôi cùng thưởng thức vẻ đẹp của đất trời ban tặng. Thân tình với Chị là vậy, nhưng tôi cũng như bao người khác, chưa một lần bước vào nơi ở của Chị do Chị không vui lòng cho biết!
Trong khi gặp nhau, Chị kể cho tôi nghe về Chị thuở thiếu thời, thuở trung niên,về những việc làm của Chị để phục vụ cho nền văn học nước nhà.,những khó khăn gian khổ mà Chị gặp phải...Tôi thích thú, say sưa nghe Chị nói, thỉnh thoảng ghi chép vài ý vì sợ quên. Đây là những lúc Chị được giải bày nỗi lòng giấu kín từ lâu không biết thổ lộ cùng ai nên tôi rất trân trọng những phút giây nầy.
Tôi rất thông cảm hoàn cảnh của Chị. Bản thân chị yếu đuối , hay bị bệnh, lại mang nặng nỗi lo sợ từ nhiều phía, trong 10 năm ẩn dật ,nên tôi tự nguyện giúp đỡ Chị, hỗ trợ Chị về tinh thần cũng như về vật chất trong khả năng tôi có thể thực hiện được, để bù đắp phần nào sự mất mát qúa lớn trong cuộc đời của Chị.
Ngày trước, thật lâu lắm rồi, tôi có nghe 2 câu thơ như vầy, không biết xuất xứ từ đâu:
"Dầu xây chín đợt phù - đồ,
"Không bằng làm Phước cứu cho một người".
Với sự thương yêu thật lòng và sự ủng hộ chân thành của tôi đối với Chị,Chị đã mạnh mẽ tinh thần lẫn thể chất, và Chị đã đạt được một bước thành công trong buổi sáng ngày 07/5/2016 tại CLB Hưu Trí quận 3,tp Hồ-Chí-Minh, trong chương trình NGHĨA BẠN TÌNH THƠ do CLB Thơ Ca Hương Việt quận Tân Bình tổ chức.
Trong thời gian sắp tới, tôi tin rằng Chị sẽ như con chim Phụng Hoàng sãi cánh bay cao bay xa vào bầu trời trong sáng vô tận, bỏ lại phía sau mây mù xám xịt cùng nỗi lòng Ưu Tư khắc khoải của một người yêu Chân-Thiện-Mỹ. Xin chúc mừng Chị , người con yêu quý của đất Cần- Giuộc,tỉnh Long -An.
"Chắp Cánh" cho vừa với ước mơ?
Bao năm khắc khoải nỗi mong chờ!
Tâm tư gói trọn vào trang sách...
Chân lý soi đường đẹp dáng Thơ.
Viết xong lúc 00.37' ngày 10/5/2016 tại Bình Thạnh, tp Ho-Chi-Minh, Việt Nam.
HẠNH-NGỌC( Võ-thị-Kim)
Email :hanhngoccpm51@gmail.com


BƯỚC ĐƯỜNG TÌM MẸ.
( Hạnh Ngọc viết theo lời kể của 1 Tình Yêu online).
Quê Hương tôi tận Đà Nẵng. Hiện nay tôi đang sống và làmviệc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khi tôi đã đủ khôn lớn , trưởng thành ,thì Mẹ và Cha tôi lần lượt qua đời.
Đau đớn nhất là vào ngày cưới của tôi, lúc chồng tôi đeo nhẫn cưới cho tôi , hai họ (không có mặt Mẹ tôi) và thân nhân ,bạn bè hoan hỷ với hạnh phúc của tôi thì tại ngôi nhà nhỏ bé của tôi ở quận Tân Phú, Mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng vì bịnh ung thư di căn!
Không có nỗi đau nào hơn khi Mẹ mất mà không được về nhà để tang cho Mẹ! Vì bên nhà chồng kiêng cử, không cho về. Phải 3 ngày sau mới được về thì Mẹ đã không còn lại chút gì nữa!!!
Nỗi đau cùng cực làm cho tôi không còn khóc được nữa! Ngôi nhà xa lạ của bên chồng với những người thân của chồng , Mẹ chồng và tình yêu của chồng không bù đắp được sự mất mát quá lớn trong tôi. Tôi cảm thấy mình xa lạ, cô đơn trong chính ngôi nhà tôi đang ở!
Tôi cần một vòng tay ấm áp, một Ánh mắt nhìn đầy thương yêu của Mẹ, một sự thông cảm cho người mới nhập vào đại gia đình , nhưng ...tôi đã thất vọng. Ngoài chồng tôi ra, tôi cảm giác rằng các người khác trong gia đình không dễ gần gũi, cãm thông.!
.....
Ngày tôi sinh đứa con đầu lòng, Mẹ tròn con vuông. Sung sướng vì tôi được làm Mẹ, cũng là lúc tôi thương Mẹ tôi , nhớ Mẹ tôi nhiều nhất! Và tôi đã khóc thật nhiều!
Có sanh con, được làm Mẹ, mới hiểu được tình Mẹ cao quý dường nào! Mẹ đã nuôi con thương con với tình thương vô bờ bến, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của con . Vậy mà trước đây tôi không biết yêu quý Mẹ, thậm chí làm khổ Mẹ, lơ là với những lời dạy bảo của Mẹ. Giờ đây tôi hiểu ra thì Mẹ đã ra người thiên cổ rồi. Tôi không còn có dịp để quỳ bên chân Mẹ, xin lỗi Mẹ và nhận từ Mẹ những lời an ủi vuốt ve đầy thương yêu trìu mến nữa!
Cha tôi vì lao động quá sức để nuôi các con ăn học nên Cha cũng qua đời sau cơn đột quỵ cách đây vài năm.
Thế là 4 chị em chúng tôi bị mồ côi cả Cha lẫn Mẹ!
......
Ngày nay, tuy đời sống vật chất tạm gọi là đầy đủ vì vợ chồng tôi có công việc làm ổn định, tôi đi dạy học, chồng tôi làm công ty nước ngoài, thu nhập cũng khá để có thể nuôi 2 con (một trai một gái) ăn học thành người hữu dụng cho xã hội, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thốn một tình cảm thiêng liêng . Đó là TÌNH MẸ. Đó là suối nguồn mát mẻ chảy vào tâm hồn tôi , nuôi dưỡng sự sống trong tôi, làm cho tôi có động lực để vươn lên trong một xã hội vốn có nhiều khó khăn trắc trở.
Tôi tâm sự với bạn đồng nghiệp về niềm ưu tư của tôi là tôi thèm ôm MẸ và thèm một vòng tay ấm áp yêu thương của Mẹ. Bạn tôi rất thông cảm và dẫn tôi về nhà để tôi làm quen với Mẹ của bạn ấy.
Khi đến nhà bạn ấy, tôi thấy Mẹ của bạn rất hiền hoà, phúc hậu. Các con của Mẹ rất ngoan. Dù người nào cũng lớn, cũng trưỡng thành nhưng rất thương yêu Mẹ. Thấy cảnh nầy tôi thầm nhủ : chỗ nầy không phải của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi không nên xen vào đời sống tình cảm của người khác,e có sự hiểu lầm, ganh tỵ.Vậy là tôi gát lại ý định "tìm Mẹ ...".
Rồi một ngày nọ ,cũng có một bạn trai đồng nghiệp hứa dẫn tôi ra Hà Nội để làm quen với Mẹ của bạn ấy. Mẹ có 4 người con trai, không có con gái, nên có thể thích hợp với tôi.
Tôi chưa đi Hà Nội để tìm Mẹ chứ cũng thừơng đi công tác ra ngoài ấy. Tôi mong sao gặp được Mẹ như tôi từng mong đợi!...
Tôi cũng thường dành thời gian để đi chùa lễ PHẬT,làm công quả, nấu ăn cho bếp ăn từ thiện để gieo duyên lành, nghe pháp nhất là Ngài T.T.T thuyết giảng trong mỗi ngày Chủ Nhật tịnh tu tại Chùa Phổ Minh, quận Gò Vấp.
Trong những ngày chủ nhật tịnh tu và những ngày lễ lớn, tôi nhận thấy có rất nhiều phật tử không phân biệt địa vị xã hội vân tập về chùa để Thiền, đọc kinh,nghe thuyết pháp. Trong số các vị ấy ,tôi rất kính trọng và có cảm tình với cô HN.Nhìn Cô thật phúc hậu, dễ gần gũi, nhất là nụ cừơi tươi thân thiện,dễ mến.Thứ bảy vừa qua tôi đã có dịp mở lòng tâm sự cùng cô...Tôi cũng cám ơn Cô đã dành thì giờ ngồi nghe tôi nói.
Niềm Tin nơi Tam Bảo đã dẫn dắt tôi đến với chánh pháp của Đức Thế Tôn.
Tôi cũng tin rằng tôi sẽ tìm được MẸ.
-------------
Viết theo lời tâm sự của một Phật tử có tên là L.Ph.(có chút hư cấu).
HẠNH - NGỌC, chiều 2/10/2016.

Nhà thơ tình và người tình thơ cuối cùng

Nhà thơ viết “Thơ duyên” trong tuổi 18. Chị yêu bài thơ khi còn ở tuổi học trò. Tình yêu ấy thành duyên ban đầu… Đó là câu chuyện giữa “hoàng tử thơ tình” Xuân Diệu và người bạn thơ Châu Anh Phụng.

Hàn Anh - 
Ngày 22/10/1982, TP HCM nắng trở nhạt. Một cái gì như mây biếc, hoa lạnh, chiều thu…
Và kia nữa… ngoài sân, hai cây me ríu rít tiếng chim… Tiếng gõ cửa rất nhẹ. Chị ra mở cửa. Nhà thơ Hoàng Trung Thông bước vào:
- Châu Anh Phụng biết ai đây không nhỉ?
Người đứng bên cạnh nhà thơ Hoàng Trung Thông im lặng, trán xòa mái tóc. Mái tóc, ánh mắt, cái phút giây lặng lẽ cũng từ xa của người ấy. Chị bất ngờ vụt gọi:
- Ồ, thi sĩ Xuân Diệu!
Nhà thơ Xuân Diệu bước nhẹ lên một chút, ríu ra đặc giọng miền Trung:
- Ông Thông ở Sài Gòn ra kể, được biết Châu Anh Phụng đang làm một việc có ích lớn, tự bỏ tiền xây bia mộ cụ Đồ Chiểu ở Cần Giuộc. Tôi cũng đang sửa soạn chuyên luận mới, bổ sung cho tiểu luận Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, viết năm 1963…
Chị với nhà thơ Hoàng Trung Thông đi vào nhà. Còn lại nhà thơ Xuân Diệu ở ngoài sân, ngẩn ngơ. Nhà thơ nghiêng nghiêng đầu, giọng nói to:
- Châu Anh Phụng có nghe tiếng thu động, hơi thu giăng cánh, chân thu bước êm không?
Những gì nhà thơ nói bỗng làm trong chị rưng rưng những câu Thơ duyêncủa Xuân Diệu: Chim nghe trời rộng giang thêm cánh/Mây lặng chiều thưa, sương xuống dần.
Chiều hôm ấy, nhóm thơ Đường của Châu Anh Phụng đến thăm hỏi, chúc mừng nhà thơ Xuân Diệu. Ông vừa được Viện Hàn lâm khoa học Đông Đức phong Viện sĩ.
Luôn tiện, nhóm thơ Đường mời Xuân Diệu nói chuyện về những bài thơ Đường luật của ông cho mọi người thưởng thức.
Chiều 24/10/1982, nhà thơ Xuân Diệu làm một công việc không theo nghi thức xưa nay của mình: Bình thơ phải có bục đứng, bình hoa, người nghe thơ phải là chị em phụ nữ ngồi đối diện.
Bây giờ nhà thơ ngồi cùng người nghe quanh chiếc bàn dài hình quả xoài trong nhà chị Mai Huỳnh Hoa. Và đặc biệt chị Châu Anh Phụng được ngồi bên cạnh theo yêu cầu nhỏ của nhà thơ.
Hôm ấy, Xuân Diệu chọn 3 bài tứ tuyệt: Trời vọng chân mây, Nắng vàng chiều và Hoa tím tương tư làm trong thời kỳ kháng chiến.
Gần một giờ bình thơ, người nghe cứ lặng đi, hồn nhập vào hồn thơ Đường sống động. Bỗng chị Châu Anh Phụng như người làm trở mái chèo cảm xúc, hỏi nhỏ nhà thơ:
- Bài Thơ duyên năm khổ. Nhưng mỗi khổ là một tứ tuyệt Đường thi độc lập trong một chỉnh thể, có phải không?
Nhà thơ gật đầu tán thành và yêu cầu chị đọc cho một số khổ.
Chị Châu Anh Phụng không ngần ngại đọc: Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều/ Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn/ Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Chị đọc xong ngồi lặng im, mắt xa xăm.
Chiều ấy, nhà thơ và Châu Anh Phụng trao đổi thật tâm đầu ý hợp về Thơ duyên. Bài thơ thật tinh tế, ghi lại cảm nhận của nhà thơ ở lứa tuổi 18. Còn người yêu bài thơ cũng yêu từ cái tuổi học trò.
d
Bút tích nhà thơ Xuân Diệu tặng Châu Anh Phụng.
Trong cái tinh tế của người phụ nữ trưởng thành, chị hỏi nhà thơ, sao trongThơ duyên chỉ có hoa rất chung. Trong khi đó, mọi thứ còn lại rất cụ thể.

Đôi mắt nhà thơ nhìn chị, lấp lánh bái phục. Bất ngờ, nhà thơ hỏi:
- Vậy chớ Phụng có biết nhà thơ sau này lắp thứ hoa nào vào cái tuổi 18 ấy không?
- Thưa có phải hoa ngọc trâm không thi sĩ?
Chị Phụng vui ra mặt, nhà thơ bồi thêm như đố:
- Bài thơ Hoa ngọc trâm, Xuân Diệu viết năm nào vậy?
- Thưa, tháng 6/1962, hai tháng sau bàiBiển.
Nghe chị Phụng cho một đáp án đúng, cả nhóm thơ Đường vỗ tay tán thưởng.
Thơ là tình, tình là thơ trong hai người thơ
Chiều 24/12/1983, nhà thơ Xuân Diệu đi công tác, đến thăm Châu Anh Phụng. Ông chép cho chị bài thơ Biển với lời đề tặng: “Biển cho cô Châu Anh Phụng”. Cũng chuyến đi ra Vũng Tàu lần ấy có cả nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhân dịp vào tiếp nhận ảnh chân dung cụ Đồ Chiểu. Đấy cũng là dịp khánh thành lăng thơ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 

Ở phố thì chép bài thơ Biển, ra biển thì đọc bài thơ hoa. Đó là ý của nhà thơ Hoàng Trung Thông gợi ý Châu Anh Phụng đọc bài thơ Hoa ngọc trâm của Xuân Diệu. Chị Phụng hỏi lại, khổ nào nhà thơ thích nhất để xem có trùng vói ý mình hay không.
Nhà thơ Xuân Diệu bảo chờ một chút, trăng lên khỏi biển mới đọc. Châu Anh Phụng ý nhị reo khẽ: “Trùng với ý Phụng rồi đấy”.
Trên mặt biển, sóng Vũng Tàu đã vàng trăng canh một cùng giọng đọc thơ trong ngần của chị: Hoa giúp cho anh tỏ mối tình/ Vì ta hoa đã nở năm cánh/Dịu dàng canh một trăng soi bóng/Tha thiết canh năm nguyệt trở mình.
Sau buổi chia tay nhà thơ Xuân Diệu, trong bài Hồi tưởng, người ta nghe một nỗi xốn xang trong tình, trong ý của chị: Ngọc trâm cài áo duyên còn nợ/ Sóng biển hôn bờ sóng vấn thanh.
Và hai câu thơ cuối cùng trong bài thất ngôn bát cú của chị là lòng biết ơn một mối tình chung vạn thuở: Cảm ơn trời đất cùng thầy mẹ/ Nào uổng sanh ra giống hữu tình.
Người ở Hà Nội, người ở Sài Gòn, khoảng xa cách trở. Anh Tịnh Hà, em trai cùng mẹ của nhà thơ, lâu lâu lại đến gõ cửa nhà chị để chuyển một bài thơ mới chưa in, một tập thơ mới vừa xuất bản và những lời nhắn thăm.
Cứ mỗi lần nhận được tin anh Xuân Diệu, trong sổ tay thơ của chị lại xuất hiện những câu lục bát, nét chữ chân phương.
Chị làm thơ để nhớ người tình thơ của mình: Nhớ khi thơ bắc nhịp cầu/ Nỉ non vẳng lại bên cầu tiếng tiêu/Biết em sống giữa cô liêu/Anh thường nắng sớm mưa chiều đến thăm.
Nén nhang khóc người hay khóc một tình thơ
Sớm ấy, anh Tịnh Hà mang thư anh Xuân Diệu cho tôi. Thư đề ngày 31/8/1985, hẹn gặp ở khách sạn Bông Sen, buồng 106, đường Đồng Khởi.
Tôi hỏi anh Tịnh Hà, anh Xuân Diệu đến thăm chị Phụng chưa. Anh Tịnh Hà cho biết, anh Diệu có việc gấp, đi đồng bằng sông Cửu Long, nhờ Tịnh Hà nhắn chị Phụng sẽ gặp sau.
Hôm sau, anh Tịnh Hà đến thông báo cho chị Phụng.
Gặp lại tôi, vẻ mặt anh đau khổ. Anh nói: “Này, ông biết không, mình vừa nói anh Diệu về sẽ gặp sau, chị liền đứng dậy, lặng đi. Rồi như vừa hờn, vừa thương, chị đọc hai câu thơ xuất thần, như thơ tình cổ điển: Anh như chớp bể mưa nguồn/Em như dáng liễu trong vườn ngóng ai.
Anh Xuân Diệu ở đồng bằng sông Cửu Long về, phút giây đầu tiên gặp gỡ, chị Phụng gửi nhà thơ bài Nhớ. Bài thơ được viết trên tờ giấy rời với lời đề tặng: “Riêng tặng tác giả tập thơ Gửi hương cho gió”.
Mười tám câu thơ lục bát da diết một tâm hồn đồng điệu. Cuối bài thơ, chị lấy hai câu ca dao để làm ngàn năm nhớ và yêu của chị: Núi cao chi lắm núi ơi/Núi che mặt trời không thấy người thương.
Một ngày vào tháng 12/1985, trước 15 phút anh Tịnh Hà đến, chị Châu Anh Phụng mệt, không đi làm, lòng thấy bồn chồn, mắt mờ mịt. Chị ngồi dậy, chép lại 4 câu thơ đầu của bài Nhớ: Mây bay mà ngỡ trăng đi/Nhớ anh đã nói những gì với em/Một mùa lá đổ bên thềm/Tương tư nặng gánh tăng thêm nét sầu.
Chị chưa kịp lau hai mắt ướt, anh Tịnh Hà đột ngột đến báo tin anh Xuân Diệu mất vào lúc 12h40. Hôm ấy là ngày 18/12/1985. Chị nghe lòng như có sóng.
Còn 20 phút nữa anh Tịnh Hà lên máy bay ra Hà Nội thọ tang anh. Chị Châu Anh Phụng bước đến bàn thờ, rút một nén nhang Ông Thọ, bọc vào giấy điều, gửi anh Tịnh Hà. Cho đến bây giờ, chị Phụng vẫn không quên giây phút đau buồn ấy của đời mình.
Sau 5 ngày thọ tang, anh Tịnh Hà trở về nói cho tôi biết, nén nhang của chị Phụng vừa cắm xuống lư đồng, lửa bốc lên đỏ rực, làm mờ hết tấm hình anh Xuân Diệu trên bàn thờ.
“Có lạ không ông?”, anh Tịnh Hà vịn vào vai tôi thổn thứ
....http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nha-tho-tinh-va-nguoi-tinh-tho-cuoi-cung-1974406.html

No comments:

Post a Comment