Friday, April 14, 2017

THA THỨ NHƯNG NGHIÊM KHẮC DẠY DỖ.

----
shared 
Tha thứ nhưng nghiêm khắc dạy dỗ chứ không phải tha thứ rồi bỏ qua luôn khiến họ tiếp tục phạm lỗi… Cái khó của Bồ tát là làm ra vẻ dữ tợn để trách phạt cho chúng sinh sợ mà dừng tay tạo tội, tuy nhiên lòng Bồ tát vẫn buông xả, bình an, yêu thương. Đây là điều rất khó làm. Ngay cả với cha mẹ dù thương con lai láng mà lúc phạt đòn con, lòng vẫn phải giận, không giận không đánh được, mà muốn đánh là phải giận. Còn Bồ tát thì tách ra hẳn, lòng không mảy may giận nhưng tay vẫn cầm roi đánh. Tức là yêu thương thì giấu kín trong lòng, còn cái thị hiện ra bên ngoài là sự nghiêm khắc. Nên biết, dạy dỗ nghiêm khắc rất giống với giận nhưng lại không phải giận. Đây là bản lĩnh của một vị Bồ tát, chúng ta cần hiểu điều này để giữ tâm mình trong cuộc sống. Tuy không giận, không ghét, không căm phẫn người xấu, nhưng phải làm sao cho người ta đừng xấu nữa.
Thực tế trong cộng đồng nào cũng có kỷ luật, có sự thưởng phạt. Và chính hình phạt, sự căm phẫn với kẻ xấu đã góp phần ngăn chặn cái xấu lại, khiến người ta dè dặt không dám làm sai. Còn khi chúng ta tha thứ, tức là thấy người khác làm điều sai, điều xấu mà không phạt thì ta vô tình đi ngược lại sự công bằng của xã hội. Vì vậy đừng tưởng sự tha thứ trong hoàn cảnh nào cũng luôn hay, luôn đúng. Cái tha thứ cho người khác xét với bản thân mình là một đạo đức, nhưng đối với cộng đồng xã hội đó là điều mất công bằng.
Tuy nhiên, nếu ta giận, ghét người phạm lỗi thì kéo theo phiền não cho chính mình, làm mình không tu được. Hơn nữa còn kéo theo cái ác nghiệp cho chính mình. Chẳng hạn, khi nghe chuyện ông già 60 tuổi xâm hại đứa bé 6 tuổi, nhiều người đã không kiềm được sự căm phẫn và mắng những lời thậm tệ. Nhưng trong nhân quả, khi ta ghét người có lỗi thì lập tức cái lỗi lây qua chính mình ngay. Lầm lỗi là một loại ‘virus’ cực kì dễ lây, mà môi trường để nó lây lan từ người này qua người kia chính là sự căm ghét. Do đó, khi nghe lỗi của ai, ta hãy nghe trong sự bình thản, không căm phẫn, giận dữ.
Và hãy nhớ rằng cái lỗi nào cũng có nguyên nhân của nó. Chẳng hạn với câu chuyện trên, ta đặt tâm mình vào tâm người kia để hiểu tại sao ông lại phạm cái lỗi nặng nề như vậy?
Ta thấy rằng trong quá khứ ở kiếp này và những kiếp khác chúng ta đã vô tình hay cố ý một lúc nào đó từng nói những lời bậy bạ xúc phạm thần thánh, những bậc hiền triết, những bậc đáng kính, hoặc dù không nói ra nhưng xúc phạm bằng ý nghĩ bí mật thì chắc chắn người đó sẽ có ngày làm những chuyện tồi tệ nhất để cho người đời phỉ nhổ. Nhân quả là như vậy.
Và trong chúng ta ai là người chưa từng bao giờ khởi ý nghĩ xúc phạm những bậc đáng kính? Rất ít. Cho nên tất cả chúng ta đều là những tội nhân tiềm tàng cả, bởi trong quá khứ, ở kiếp này hay những kiếp khác ta đã vô tình hay cố ý xúc phạm bậc thần thánh, bậc hiền triết nào đó rồi. Và sẽ có lúc ta làm chuyện bậy bạ để mọi người khinh thường, phỉ nhổ. Còn người nào tâm hồn thanh tịnh, không bao giờ làm điều bậy, nói bậy, thậm chí nghĩ bậy thì chắc chắn trong quá khứ họ đã luôn cung kính những bậc Thánh đúng mực. Vì thế, ta nghiêm khắc răn dạy để giữ sự công bằng, nhưng ta tha thứ để làm gì? Tha thứ vừa là đạo đức, vừa để ngăn chặn cái lỗi của người khác đừng lây vào cuộc đời mình.
Ngược lại, ai mà biết cung kính những bậc Thánh thì tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không bao giờ nghĩ hay làm những điều bậy bạ. Nhờ đó, họ cũng tránh được rất nhiều lầm lỗi trong cuộc đời.
------------
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: Internet

No comments:

Post a Comment