Thứ Sáu, ngày 20 tháng 2 năm 2015
Bé Tu nhìn bóng bé trong gương. Mái tóc cột thành hai bím nhỏ có thắt nơ vàng, trông tựa hai cánh bướm đang nhởn nhơ như muốn hôn đôi gò má hồng hồng bầu bĩnh của cô bé. Bé khẽ mỉm cười. Trông bé lớn hơn “năm ngoái” chứ lỵ. Mà đẹp hơn nữa cơ. Giống cô bé Hồng Nhung trong truyện cổ tích chi lạ.
- Mau lên chứ bé! Sao diện quá vậy?
Bé quay lại nhìn. Cò mỉm cười chế diễu:
- Chao ơi! Bé Tu hôm nay xinh quá!
Cò trông cũng “oai” ra gì đấy chứ. Cu cậu mặc chiếc quần sọt màu xanh nước biển, bên trong là chiếc sơ mi trắng ủi thật thẳng nếp. Đầu chải rẽ, đường ngôi thẳng băng cứ y như là đường rầy xe lửa ý. Hôm nay bé Tu mặc áo dài trắng cơ, có thêu vài cánh lá non màu xanh nữa chứ! Hai bé đã sửa soạn xong xuôi nắm tay nhau dắt ra trước, lễ phép thưa ba me:
- Thưa ba me, cho hai con đi chúc Tết các anh chị trong ban biên tập Tuổi Hoa ạ.
Ba bảo:
- Ừ! Các con đi đi, nhưng sao không ăn điểm tâm đã.
Cò thưa:
- Thưa ba, đến nhà các anh chị tha hồ mà ăn ạ.
Hai đứa bước ra cửa, me còn dặn vói theo:
- Đi cho khéo chứ xe cộ ba ngày Tết đông lắm nha các con!
- Dạ.
Hai bé nhảy cỡn lên vui mừng như đôi chim non. Ra đến đầu ngõ thì gặp ngay bé Hồng Diễm. Diễm hẹn đúng giờ ghê cơ. Thế mới xứng đáng là một cô bé gương mẫu trong Đồng Cỏ Non chứ lỵ. Hôm nay, Diễm mặc áo đầm thật mới, cũng màu trắng và có thêu hoa hồng.
Diễm hỏi:
- Mình đi đâu trước hở các “đằng ấy”?
Cò lên giọng kẻ cả:
- Đến nhà anh Cả trước chứ đi đâu nữa.
Thế là các bé đi dọc theo con đường Trương Minh Giảng rồi rẽ vào Kỳ Đồng. Trời hãy còn sớm nên đường phố rất ít người qua lại. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những tà áo dài phất phơ, bên cạnh những bộ veston tề chỉnh. Có lẽ họ đi Chùa, hay đi nhà thờ, chứ mồng một ít ai đi thăm họ hàng.
Chẳng mấy chốc, ngôi nhà anh Trường Sơn đã hiện ra trước mặt các bé. Từ ngoài đường nhìn vào, Cò thấy ngay một cây hoàng mai, nở đầy hoa vàng, lung linh trước làn gió Xuân mát dịu. Mải mê đứng ngắm, bỗng tiếng bé Tu làm Cò giật mình:
- Nhận chuông đi chứ anh Cò.
Cò nhón chân, đặt tay vào nút điện ấn nhẹ một cái. Tiếng “reng reng” từ trong vang lên nho nhỏ. Chị Bích Thủy trong chiếc áo dài Việt Nam màu cà phê sữa, bước ra vui vẻ chào các bé. Bé Tu reo trước nhất:
Chị mở cửa rồi bảo các bé vào nhà. Căn phòng trang hoàng đẹp đẽ hơn mọi hôm. Trên chiếc tủ sách, những cành hoa đào Đà lạt cắn đôi môi đỏ thắm, e lệ nhìn các bé. Tường vôi mới quét màu xanh lá chuối non có đặt một vài bức tranh phong cảnh của họa sĩ Vi Vi vào đó trông nổi bật hẳn lên. Giữa phòng là một chiếc bàn tròn đầy bánh mứt và hạt dưa. Chung quanh bàn, các anh Trường Sơn, Khôi Việt, Vũ Chinh và chị Bạch Liên đang trò chuyện. Thấy các bé vô, mọi người cất tiếng cười vui vẻ:
- Ồ! Các bé cưng đi chúc Tết đấy à? Ngoan quá nhỉ! Trông bé nào cũng xinh và lớn hẳn lên cơ.
Anh Trường Sơn bảo:
- Ngồi vào ghế đi các bé!
Cò còn đứng do dự, chưa dám ngồi thì bé Hồng Diễm đã bảo:
- Cò chúc Tết đi chứ!
Eo ơi! Từ bé đến giờ Cò có làm công việc này bao giờ đâu, thế mà hai cô bé này lại “chơi khôn” dồn Cò vào chỗ bí. Cò đỏ mặt… còn hơn ông mặt trời vào những ngày nắng gắt mùa hạ nữa cơ. Quay mặt về phía anh Trường Sơn và chị Bích Thủy, lắp bắp mãi Cò mới thốt nên lời:
- Năm mới đến, các bé xin chúc anh chị được… bách niên giai lão (Ấy, bé bắt chước ba me đấy nhé!) để chăm lo cho tờ Tuổi Hoa mỗi ngày mỗi hay mỗi đẹp.
Bé Hồng Diễm chúc thêm:
- Riêng chị Cả phải viết nhiều nhiều một tí chứ cứ để các anh ấy lấn đất hoài, bé hổng thèm đâu.
Chị Bích Thủy bẹo má cô bé Diễm rồi mắng yêu:
- Gớm! Cô khéo nịnh chị lắm nhé! Chị còn phải lo cho các “nhóc tì” của chị nữa chứ!
Những giọng cười chợt vang lên như những tràng pháo. Khi sự im lặng trở lại, Cò quay về phía bộ ba Khôi Việt Bạch Liên, chúc tiếp:
- Năm mới đến (lại năm mới đến) các bé xin chúc các anh chị được…
Cò nhíu mày suy nghĩ:
- Được… được… được gì nhỉ? Bé quên mất rồi, để bé nghĩ một tí đã nhé!
Mọi người lại được dịp cười xòa. Cò mắc cỡ ngoảnh mặt ra sau. Bé Tu lên tiếng:
- Thôi để bé chúc tiếp cho nha! Bé chúc các anh chị khám phá ra được nhiều kho tàng bí mật để làm giàu cho nước Việt mến yêu. Riêng chị Bạch Liên phải trổ tài trinh thám cho thật cừ để các anh chị độc giả Tuổi Hoa lác mắt chơi!
Khôi Việt vỗ tay bôm bốp. Vũ Chinh cũng vỗ theo. Bạch Liên mỉm cười:
- Chị không ngờ bé Tu của chị hôm nay ăn nói hay ghê. Được rồi, chị sẽ thưởng cho bé một món quà đặc biệt nha!
Bạch Liên đi lại tủ sách lấy một chiếc hộp có bao giấy hồng và buộc nơ vàng thật đẹp, đặt vào tay bé Tu. Tu lí nhí cám ơn. Khôi cũng bước lại tủ kính mang một chiếc hộp khác đặt vào tay Hồng diễm.
- Còn anh cho cưng cái này nhé!
- Đây, quà của Cò đây.
Cò liếc nhìn bé Tu và bé Hồng Diễm như ngầm bảo “Cò cũng có quà như ai chớ bộ”. Nét mặt Cò lúc ấy tươi hơn lúc nào hết.
Rồi Cò xoay qua anh Vũ Chinh:
- Năm mới, bé chúc anh sáng tác thật hăng nhé!
Nghe xong, anh Cả lên tiếng:
- Thôi bây giờ, anh xin thay mặt tất cả các anh chị ở đây để chúc các bé một năm mới vui vẻ, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Riêng Cò năm mới… bớt nghịch ngợm. Bé Tu với bé Hồng Diễm thì không được đòi quà anh Vi và anh Trinh nữa!
Các bé “dạ” rõ to. Chị Bích Thủy lên tiếng:
- Thôi mời anh Cả, các em và các bé ngồi xuống dùng miếng mứt đầu năm cho vui.
Tất cả ngồi xuống ghế! Bạch Liên chợt nghĩ đến hộp mứt ngũ vị của chị Bích Thủy năm ngoái bị các bé của chị ấy “cất kỹ… vào bụng” và suýt nữa các bé được ăn bánh canh roi no nê, mà mỉm cười một mình, rồi khôi hài:
- Em thích ăn hộp mứt ngũ vị cơ.
Mọi người cười theo. Một bầu không khí vui tươi hồn nhiên tỏa khắp gian phòng. Tia nắng ấm len lén chạy vào cửa sổ, đùa giỡn với những cánh hoa đào trên tủ sách. Nàng gió Xuân chơi trò ú tim trong những làn tóc xanh non của các bé một cách thú vị.
*
Rời khỏi nhà anh Trường Sơn, các bé đi dọc theo đường Kỳ Đồng đến nhà bác chủ nhiệm và chú quản lý. Nhưng chẳng có ai ở nhà hết. Uổng ghê! Nếu không các bé lại được một phen lì xì nữa rồi. Nhưng cũng may là có chị Hồng Hạnh ở đó. Chị đang lúi húi làm việc ở bàn viết, thấy các bé đến, chị vui vẻ mỉm cười:
- Các bé đi thăm bác chủ nhiệm với chú quản lý phải không?
Bé Hồng Diễm “nịnh đầm”:
- Các bé còn thăm chị nữa chứ bộ.
Chị Hạnh “chun” mũi”
- Gớm! Cô “tâm lý” quá thôi.
Tu hỏi:
- Chị đang làm gì đấy?
- Chị đang ghi tên các anh chị vào gia đình Tuổi Hoa đây.
- Chị siêng quá nhỉ? Tết nhứt mà cũng làm việc.
Cò chúc luôn:
- Sang năm mới bé chúc chị rảnh rang hơn nhé!
Rồi các bé xin phép “cáo lui” sau khi đã nhờ chị Hanh chuyển lời Chúc Tết của các bé đến bác chủ nhiệm và chú quản lý.
Ra khỏi tòa soạn, định lại chị Tỉ Tỉ, các bé bỗng nghe có tiếng gọi:
- Các bé trong Đồng Cỏ Non đó hỉ?
- Dạ, bọn em đây chị!
Chị hỏi bằng giọng Huế nghe êm tai chi lạ!
- Các bé đi mô rứa hỉ?
Bé Hồng Diễm chợt nhớ ra là bé đã học được một vài tiếng Huế do chị Kim Dao Phương truyền lại, trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, bèn đem ra “xổ”:
- Bé định lại mừng tuổi chị a tề.
Chả biết bé nói có đúng giọng Huế một trăm phần trăm không mà chị Tỉ Tỉ khoái chí mỉm cười. Riêng Cò và bé Tu thì phục cô bé này ghê lắm. Rồi Diễm thao thao bất tuyệt:
- Chừ thì thôi. Gặp ri cũng được rồi hỉ? Năm mới bé chúc anh chị hạnh phúc đời đời, riêng chị sáng tác cho nhiều hỉ! Hồi ở ngoài nớ, chị viết hăng ghê! Chứ vô trong ni, răng chị viết ít chi lạ. Ờ! Mà chị nhớ chuyển lời bé đến anh nớ với hỉ?
Chị Tỉ Tỉ chúc lại các bé rồi lì xì mỗi bé một bịch kẹo cau, ngon tuyệt có kèm theo một phong giấy đỏ “bí mật” nữa chứ! Xong, các bé từ giã chị Tỉ Tỉ… lên đường đến nhà anh Quyên Di, đường Phan Thanh Giản.
Anh Quyên Di đang ở trên lầu. Thấy các bé đến, cô bé Minh Nguyệt vội chạy lên gọi anh ơi ới! Thì ra anh đang chơi harmonica, nghe nói có khách anh vừa cầm chiếc kèn vừa chạy xuống thang lầu rồi bảo:
- Tưởng ai, té ra các nhóc tì của Đồng Cỏ Non.
Bé Tu làm nũng:
- Anh không tiếp các bé hả? Bé hổng thèm đâu, đi về cho xem!
Anh bèn xuống nước năn nỉ:
- Ối! Các bé nhõng nhẽo quá giống anh Trinh Chí… mấy năm trước ghê! Thảo nào chả làm em của anh ấy!
Cò “dọa”:
- Anh nói xấu anh Trinh hả? Được rồi, bé sẽ mách lại với anh ấy cho xem!
- Đùa một tí mà! Thôi cho anh xin đi. Anh em các người làm nũng thì chắc là anh phải… tốn tiền xí muội đấy!
Bé Hồng Diễm lên tiếng:
- Bây giờ anh phải thổi đền cho các bé một bản nhạc xuân bằng harmonica cơ.
Anh Quyên Di đành phải nhượng bộ các bé:
- Được rồi, nhưng các bé ngồi vào ghế đàng hoàng đã chứ!
Khi các bé đã an tọa thì tiếng harmonica của anh Quyên Di cũng bắt đầu vang lên những âm điệu trầm bổng, êm ái làm sao! Các bé thật không ngờ ngoài biệt tài làm thơ và viết cho tuổi trăng tròn, anh Quyên Di lại kiêm luôn nghề thổi harmonica nữa chứ!
Sau khi đã chúc tụng xong xuôi (ủa quên! Bé chỉ chúc anh Quyên làm thơ hay, viết cho tuổi trăng tròn càng ngày càng hấp dẫn chứ có “tụng” gì đâu nào) và được mấy bịch lì xì đo đỏ, thì các bé kéo bộ lại nhà cô Minh Quân cũng gần đấy thôi.
Đến nơi gặp chị Thu và cu Vũ đang ngồi chơi cờ cá ngựa ở trước hiên nhà, Diễm hỏi chị Thu:
- Có cô Minh Quân ở nhà không hở chị?
Vũ nhanh nhẩu đáp:
- Có, để Vũ chạy vô gọi mẹ Vũ ra nhé!
Vũ đi rồi, Cò hỏi chị Thu:
- Cô Minh đang làm gì trong đó hở chị? Các bé đến làm phiền cô quá!
Vừa lúc ấy thì cô Minh đã bước ra, mỉm cười với các bé:
- Vào chơi đi các bé, cô vừa khai bút xong.
Cò thắc mắc:
- Khai bút là gì hở cô?
- Là viết vào ngày đầu năm đó cháu! Năm nào cô cũng viết ít nhất là một tiếng đồng hồ. Cô còn bắt chị Thu và cu Vũ viết nữa cơ. Nhưng chỉ viết chừng nửa tiếng thôi!
- Hay nhỉ! Được rồi, chốc nữa về cháu cũng khai bút cho vui.
- Cò có biết làm thơ viết truyện đâu mà cũng khai bút.
Nhưng cô Minh đã bảo:
- Vũ nó cũng đâu có biết viết truyện. Chép bài hay làm toán cũng là một cách khai bút các cháu ạ.
Bé Tu xen vào:
- Vậy mình cũng khai bút Diễm nhé!
Sau khi đã chúc cô Minh được nhiều may mắn trong năm tới, nhất là không bị tài xế lý tưởng Suzuki (tức chị Thu đấy)… đánh rơi như năm ngoái nữa, các bé bèn thẳng tiến đến nhà anh Hoàng Đăng cấp ở đường Nguyễn Thiện Thuật.
Anh ấy đang say sưa đọc một cuốn sách, bên cạnh là một chồng bài học trò cao nghệu, chỉ nhìn thôi các bé đã rùng mình rồi.
Các bé tiến vào cửa lúc nào anh Hoàng cũng chẳng hay, đến lúc ngước mặt lên, chợt thấy các bé, anh ấy mới… ra lệnh:
- Vào đi các bé! Đến lâu chưa? Anh mải mê công việc chẳng hay biết gì cả.
Cò đáp:
- Các bé đến cũng lâu rồi, nhưng thấy anh bận nên không dám gọi.
Anh dắt các bé vào, rồi gọi người nhà đem mứt bánh ra dọn. Cò lần này có vẻ dạn dĩ hơn, đứng dậy chúc:
- Năm mới bé chúc anh phát minh nhiều điều mới lạ trong lãnh vực khoa học và giải đáp thắc mắc thật “chì” để các anh chị trong gia đình Tuổi Hoa “nể” chơi.
Anh Hoàng khiêm nhượng:
- Anh chỉ biết cố gắng giải đáp thôi chứ có phát minh gì đâu nào!
Nhưng anh Hoàng nói tiếp ngay:
- À! Anh cũng có phát minh chứ!
Thấy các bé trố mắt nhìn, anh Hoàng cười mỉm chi:
- Phát minh của anh là một chất Hóa học có ký hiệu Th, chất này thuộc về ngoại hạng không có ở trong bảng phân hạng tuần hoàn các nguyên tố.
- Th là chất gì hở anh? Ở đâu có vậy anh?
Ngó Cò, anh Hoàng lại cười:
- Chất Th là chất Tuổi Hoa ở trạng thái thiên nhiên, khắp nơi đều có như Huế, Đà Nẵng, Sài gòn, Cà mau v.v… Chất này quan trọng lắm, anh đang nghiên cứu các đồng vị, tính chất vật lý, hóa học của nó. Ngoài ra anh còn đang tìm phương pháp điều chế và công dụng của nó nữa.
Rồi anh lấy trong tủ sách ra ba quyển dịch cuốn “Người Việt cao quí”… lì xì cho mỗi bé một quyển. Thật là ông giáo sư có khác. Lúc nào cũng sách với vở không hà!
Các bé bèn đón taxi “dông” về Thị Nghè, đến nhà anh Trinh Chí. Chả thấy ảnh đâu cả. Em gái anh ấy đang đứng trước bàn sửa lại mấy cành mai vàng cắm trong lọ sứ. Bé Hồng Diễm reo lên trước tiên:
- Chào chị Thúy ạ!
Thúy ngước mắt ra nhìn:
- Chào các bé… Cỏ non!
Không đợi chị mời, các bé đã bước vào:
- Anh Trinh đâu hả chị?
- Anh ấy bận trả lời thư cho các bé trong Đồng Cỏ Non đấy.
- Chị đừng nói nhé! Để… hiệp sĩ Cò vô “hù” anh Trinh chơi!
- Còn lâu Cò mới hù anh được!
Bé Hồng Diễm mở lời chúc Tết:
- Năm mới bé chúc anh Cai Đồng Cỏ Non của các bé mập thêm một tí để… trả lời thư cho các bé thật nhiều, chứ các bé trong đồng cứ than anh Trinh chậm thư hoài à.
Sau khi được chị Thúy đãi một “chầu” dưa hấu, các bé lên đường đến nhà anh Vi Vi, ở mãi tận Gia Định cơ – gần trường Cao đẳng Mỹ thuật đấy mà.
Chao ơi! Cái anh họa sĩ này sao mà “nghệ sĩ” ghê cơ. Tóc dài đến ót vẫn không chịu hớt, năm ngoái Táo Quân lên trình Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có “xuống chiếu” ra lệnh cắt ngắn mà anh ấy vẫn tỉnh bơ hà.
Các bé vào đến cửa, một chú chó ra sủa gâu gâu. Cò toan co giò chạy thì anh Vi Vi đã ra đến cửa bảo:
- Không sao đâu các bé, nó hiền lắm đó. Hiệp sĩ gì mà thỏ đế quá vậy.
Rồi anh dắt các bé vào nhà. Cò than:
- Chú chó của anh làm bé sợ bắt đói bụng luôn anh Vi ơi!
- Anh đền cho các bé… bánh tét nhân mây nhé!
Các bé nhao nhao phản đối:
- Xí! Bé hổng thèm đâu.
- Chứ cái chi bây giờ?
- Bánh tét nhân thịt cơ.
Thế là anh Vi phải “thân chinh” xuống bếp cắt bánh để thết các bé. Nói nhỏ với các bạn nha : Anh Vi ngoài tài vẽ vời hoa lá, anh còn là một cây “nội trợ” đấy. Giỏi chưa?
Khi ăn uống no nê rồi, các bé mới bắt đầu chúc Tết:
- Năm mới đến, các bé chúc anh chị (ủa quên, anh Vi thôi chứ!) vẽ hay vẽ đẹp gấp năm gấp mười năm qua và được giải thưởng đều đều để khao kem các bé ăn với nha!
- Khôn hén!
Nói rồi anh “âm thầm” móc trong túi quần ra một phong pháo, châm ngòi đốt. Tiếng nổ tạch đùng vang lên, những mảnh giấy vụn tung tóe đầy nhà. Bé Tu và bé Hồng Diễm bịt tai nhắm mắt lại. Cò khoái chí vỗ tay bôm bốp như muốn làm cho niềm vui lớn rộng thêm lên. Anh Vi nhìn các bé mỉm cười trong ánh nắng xuân hồng mát dịu.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)
http://tuoihoandmore.blogspot.com.au/2015/02/be-i-chuc-tet.html
Thứ Ba, ngày 17 tháng 2 năm 2015
Những Viên Pháo
Khi mà những cây ô môi nở hoa hồng cả một vùng trời, đó là mùa đông đã trở về. Làng tôi có nhiều cây này. Tôi không thích ăn ô môi, trái gì mà đắng đắng chát chát lại đen sì. Chỉ có mấy cái hột ăn tạm được, bùi bùi. Tuy nhiên, màu hoa làm tôi rưng rưng buồn gì đâu. Buổi trưa nằm võng ngó mông lên cây chở đầy màu hồng phấn. Gió nhẹ thổi qua, cánh hoa cùng những bụi phấn rơi lả tả. Trưa nắng mùa đông hanh vàng yếu ớt, nằm nhìn hoa đầy cánh, bầu trời mù đục. Thuở nhỏ tôi đã biết bâng khuâng sớm với loài cây tầm thường đó. Bởi vì hoa nở vào mùa lạnh, không khí thơm mùi lúa mới và gió chướng ngập trời. Từ đó, tôi biết mùa lạnh đang về. Những ngày giáp Tết thần tiên của tuổi thơ đang chờ đón.
Mùa đông, lạnh quá chừng mà tôi phải dậy sớm. Ba má tôi thì vẫn dậy thật sớm, sửa soạn đi làm. Má tôi nấu cơm sớm, bỏ trong gào mên mang theo. Tôi nằm lười biếng nghe tiếng lục đục dưới nhà, trùm chăn kín đầu. Má tôi gãi nhè nhẹ lòng bàn chân tôi để đánh thức:
Mùa đông, lạnh quá chừng mà tôi phải dậy sớm. Ba má tôi thì vẫn dậy thật sớm, sửa soạn đi làm. Má tôi nấu cơm sớm, bỏ trong gào mên mang theo. Tôi nằm lười biếng nghe tiếng lục đục dưới nhà, trùm chăn kín đầu. Má tôi gãi nhè nhẹ lòng bàn chân tôi để đánh thức:
- Nguyên! Dậy đi con!
Nhột quá, tôi co chân lại ư ư mấy tiếng ngái ngủ. Má tôi giục:
- Sáng rồi. Ăn cơm rồi sửa soạn đi học. Trễ bây giờ, Nguyên!
Má tôi vẫn tiếp tục gãi gãi. Tôi buồn cười quá quên mất giấc ngủ:
- Lạnh quá mà má!
Má tôi dịu dàng:
- Dậy xuống bếp sưởi ấm.
Tôi vẫn nũng nịu một chút:
- Con không ăn cơm đâu. Con ăn xôi nè…
Má tôi bước lên ván, xếp mùng nhanh nhẹn. Tôi bò lồm cồm rồi quờ quạng xuống nhà. Trời ơi, lạnh quá. Lúc đi ngủ má bắt mặc quần dài, tôi không chịu vì quen mặc quần cụt. Gió luồng qua khe hở vách lá buông, mơn trên cặp giò lạnh ngắt. Tôi ngồi sà xuống bếp, tay hơ lửa xoa xoa bàn chân. Chị tôi đang dọn bữa ăn sáng. Ngoài trời còn mờ mờ vì là mùa đông, sương mù còn rây kín khắp nơi. Nhìn chén cơm trắng bốc khói nghi ngút phát thèm. Mà tôi chẳng bao giờ chịu ăn cơm không, nhất định đòi mua cho một gói xôi. Xôi bà Cần ngon phải biết. Nếp dẻo, đậu rang dòn và dừa béo ngậy. Ăn nóng mùa này là nhất rồi.
Tôi mở cánh cửa nhìn ra vườn, chợt nhớ đống lá tôi reo lên:
- Má ơi, con đốt lá nghe?
Má tôi gật đầu cười với tôi. Trước nhà có hai cây cao su. Mùa này lá rụng hết tất cả. Những chiếc lá tuần tự nhuộm vàng rồi rơi xuống. Chiều nào chị tôi cũng quét lá gom lại thành đống sau nhà. Tôi lấy một thanh củi cháy đỏ ra mồi. Một lát là lửa cháy đỏ hồng rừng rực, tiếng lửa bén vào lá khô tạo một âm thanh vui tai. Chị tôi mua xôi về đưa cho tôi kèm với cái cốc lên đầu đau đau. Tôi ngồi ghế nhỏ vừa ăn vừa sưởi ấm. Làng tôi ai cũng quen sưởi bằng lá cao su. Loại cây này không thiếu gì, ngoài cả rừng để lấy mủ, nhà nào cũng có một vài cây phía trước. Chỉ việc chịu khó quét gom lại là có một bếp lửa ấm nồng. Đối với bọn học trò nhỏ như tôi thì sưởi lá thích thú hơn. Vừa nhìn vui mắt lại có thể xúm xít chung quanh nói chuyện. Ở nhà sưởi, đến trường cũng sưởi. Ngồi ấm áp chẳng đứa nào muốn kẻng đánh vào học. Tưởng tượng đang ở nơi ấm áp lại phải chạy vào lớp học ngồi nghe cô giáo dạy. Tôi nghĩ chắc cô giáo cũng thèm sưởi ấm lắm nhưng vì là cô giáo nên phải gương mẫu một chút. Mà cô cũng phải mặc áo ấm đó chứ.
Ăn sáng xong tôi phải sửa soạn đi học. Ba má tôi đi làm sớm, lúc sương còn dầy đặc không thấy đường. Má tôi mặc cái áo nỉ nhỏ và mỏng, đội nón lá tay xách giỏ. Ba tôi đội nón cối trắng áo ngoài bạc màu, quần rộng cũ. Ba má tôi đi làm tảo tần từ sáng, sương la đà trong không khí đã dần làm áo ông bạc phếch. Chị tôi thì phải đi bán ở một tiệm tạp hóa lớn ngoài chợ. Chị tôi làm đủ thứ nghề, nhưng toàn là những nghề vặt không cần sự chuyên môn. Khi thì buôn bán, làm cỏ, trồng rau, làm khuy nút v.v… Thời con gái của chị tôi chỉ vỏn vẹn trong mấy năm tiểu học. Phải ra đời sớm, sách vở quăng mất lúc nào. Học chỉ đủ biết đọc sách, tính toán. Ra đời với những giọt nước mắt tủi buồn.
Như thế buổi sáng không có ai ở nhà. Trưa ba má tôi không về. Chị tôi về nấu cơm, hai chị em ăn buổi trưa. Mùa đông đi học chán phèo. Phải chi người ta cho học trò nghỉ đông thay vì nghỉ hè. Mùa đông ở nhà đến qua Tết đi học lại. Như thế chắc tôi không biếng học như bây giờ. Trời lạnh chân tay đứa nào cũng mốc lên, đóng vẩy. Gãi nhẹ lên chân thì một lớp bụi trắng bay lên. Tay chân trở thành tấm bảng bất đắc dĩ. Tha hồ vẽ voi vẽ chuột lên đó, nom bẩn không chịu được. Cô giáo hay khẻ chân về cái tội này. Tên nào cũng giống như mọi, cô Mười hay ví von như vậy. Chúng tôi không biết mọi ra sao, nhưng chắc chắn chẳng đứa nào chịu mặc quần dài. Dù trời lạnh thế nào đi nữa.
Tôi ôm cặp đệm chạy băng băng trên con đường còn đẫm sương, chạy để quên bớt cái lạnh. Gió thổi vù vù hai bên tai. Khắp làng nhà nào cũng có một đống lửa như nhau. Mệt, tôi đi chậm đến nhà thằng Sao sưởi một chút rồi rủ nó đi học. Hai đứa vừa đi vừa ăn đậu phọng rang. Nhà thằng Sao tương đối khá giả nên sáng nào chị nó cũng rang cho nó cả túi đậu hoặc bắp. Nhai đậu lúc này thật không gì thú vị bằng. Thằng Sao hỏi:
- Mày làm toán chưa? Kỳ này cô cho toán khó quá chừng!
- Làm rồi.
Sao nói:
- Mày cho tao coi với nghe? Tết tao cho thèo lèo ăn.
Tôi mỉm cười. Thường Sao hay hối lộ cho tôi mấy món nho nhỏ để đổi với bài toán. Toán lớp ba đâu có khó khiết gì, tôi làm như chơi. Lần này tôi đề nghị:
- Tao không thích thèo lèo. Mày chặt cho tao cành mai đi.
Sao ngần ngừ:
- Sợ ông nội tao biết.
Tôi bĩu môi:
- Biết gì! Cây mai nhà mày lớn thấy mồ, chặt một nhánh ăn thua gì. Sáng mày dậy sớm chặt không ai biết đâu!
Sao nghe tôi nói có lý, gật đầu. Tôi mừng rơn. Tôi đâu thích mấy cành mai gì, nhưng chị tôi thích ghê lắm. Năm ngoái chị khen nhà chị Đào bên cạnh có cành mai trên bàn thờ đẹp quá. Chị thèm thuồng có một cành mai rực rỡ như vậy để cắm trên bàn thờ ông bà. Trông có vẻ Tết nhứt một chút. Chị tôi nói chị rất yêu hoa màu vàng. Nhất là màu vàng mảnh mai quí phái của hoa mai. Tết nhà tôi chỉ có chậu vạn tho, hoa cũng vàng nhưng tầm thường và rẻ tiền hơn cúc, mai. Tết này mang về cành mai chắc chị tôi thích vô cùng.
Tôi nhắc Sao cho chắc chắn:
- Nhớ nghe?
- Nhớ. Mày phải cho tao coi bài toán này, mà có trúng không?
- Trúng chứ. Bài toán dễ ợt. Mai mốt tao cho mày coi nữa.
- Ừ.
Hai đứa cười và móc tay cam kết. Sao đưa tôi một nắm đậu phọng. Tôi nhai dòn rụm, thấy khói bay từ miệng ra. Tôi nói:
- Mày coi tao hút thuốc nè!
Và tôi chúm miệng lại, thở ra từ từ. Trông cứ như người lớn hút thuốc phì phèo. Bây giờ hai đứa đã đến bờ suối. Sương vẫn chưa tan hẳn. Mặt trời ửng màu vàng qua hơi sương trông như trái cam khổng lồ. Một vài chiếc lá thấp ướt cọ vào chân mát lạnh. Tôi và Sao đi qua cây cầu khỉ cheo leo. Những màng tơ nhện ướt sương, lấp lánh ngộ nghĩnh như dát Kim Cương. Buổi sáng chưa tan sương cảnh vật trông mờ ảo lạ thường. Vạn vật dễ thương hơn lúc trưa nắng. Qua khỏi con suối phải đi luồn trong rừng cao su mới đến trường. Nơi đây chúng tôi gặp nhiều đứa bạn dưới phía chợ, trên làng đổ về. Lá cao su dầy và cao đi đá tung tóe lên, trò chơi thật vui. Đến chợ làng, Sao rủ tôi vô ăn bánh bèo. Tôi không ăn, chẳng phải vì không thích, mà ba má đã dặn ở nhà. Ăn với thằng Sao chắc là nó phải trả tiền, vì tôi làm gì có. Tôi ngại, dù sao nhà mình cũng nghèo mà. Thằng Sao nhất định ép phải ăn, tôi làm bộ nói ngồi ăn bánh bèo kỳ lắm, tụi con gái thấy kỳ cục lắm. Thế là Sao mua mấy củ khoai lang nóng hổi cầm ấm cả tay.
Đến trường cả bọn xúm lại tán gẫu. Đứa nào cũng náo nức về những ngày Tết sắp đến. Đứa khoe nhà tao mới sơn lại, treo màn đẹp lắm. Nhà tao mua mấy chậu cúc đẹp ghê. Ba tao mổ heo, làm gà. Má tao gói quá chừng bánh, bây giờ lo mua bột, đậu xanh rồi. Tết tao có tiền lì xì đầy túi, mặc sức đánh bầu cua. Ba tao mua mấy hộp pháo dành giao thừa đốt, tụi tao lén lấy bỏ dưới lon sữa bò đốt nổ vui lắm. Còn tôi đấy à? Tôi chỉ có một vài điều để khoe. Nhưng tôi không nói ra đâu, với tụi bạn. Đó là tình thương của ba má và chị dành riêng cho tôi. Quí hơn cả quà bánh mà đáng lẽ học trò nhỏ như tôi phải rất thích.
Cô Mười tuyên bố năm nay lớp sẽ ăn Tất niên. Chúng tôi thích quá vỗ tay reo hò tở mở. Cô nói nhà trường tổ chức liên hoan và phát thưởng kỳ đệ I lục cá nguyệt luôn. Có cả nhạc, kịch, vũ nhưng do lớp Nhì và lớp Nhất trình diễn. Lớp Ba chẳng được lên sân khấu. Nhưng cần gì, chỉ cần có buổi tất niên trong lớp là thích chán. Cô nói mỗi đứa sẽ đóng tiền, cô mua dưa hấu, bánh mứt và nước ngọt về ăn uống. Học trò nhao nhao hỏi. Nào là có văn nghệ không hả cô, có đốt pháo không? Bọn con gái phản đối trò đốt pháo vì hay giật mình. Thế là hai phe cãi cọ sôi nổi. Tất cả đều vui vẻ, không khí hào hứng. Bọn con trai vỗ bàn ghế ầm cả lên, nhổm lên ngồi xuống huých nhau cứ như con choi choi.
Tôi ngồi nghe lơ đãng, mắt nhìn về phía cửa sổ. Ở đó mặt trời đang nhú lên sau lớp sương mờ. Bầu trời xanh hơn, ngăn ngắt những phiến mây trắng. Cửa sổ mở ra bên hông một căn nhà. Nơi chỗ tôi ngồi có thể thấy các tàu chuối non xanh nõn. Màu cây lá thật thân thiết, quen mắt nhìn. Đôi khi tiếng trẻ nhỏ khóc, tiếng đứa chị ru dỗ. Nghe buồn buồn. Đứa chị nhỏ hơn tôi, cỡ chừng học lớp Tư mà phải giữ em, phải biết nựng nịu ru ngủ. Cứ vào học khoảng một giờ, tôi nghe tiếng ru em. Nhỏ chị hay hát câu mà tôi cũng rất thích:
Ầu ơ… lục bình bông tím.
Điên điển bông vàng.
Lục bình trôi nổi… ầu ơ… lục bình trôi nổi… như phường hát ngao
Câu ca dao làm tôi bùi ngùi. Mặc dù nhỏ tôi vẫn hiểu rõ câu trên, thấm thía. Tôi nghe lơ đãng bởi vì không biết chắc có đi dự Tất niên được hay không. Món tiền dự tiệc ít ra cũng mua được xôi từ nay đến giáp Tết! Buồn lắm nếu không dự được. Tôi biết, nên chẳng thèm để ý làm gì.
Thằng Sao khều tôi:
- Ê mày, hôm nay ngày mấy rồi?
- Thì ngày 7, mày không nhớ hả?
- Không phải. Tao hỏi hôm nay ngày mấy mình?
- Không biết. Mày hỏi cô đó.
Sao đứng dậy hỏi:
- Thưa cô nay ngày mấy mình rồi?
Cô Mười đáp:
- À… hôm nay 20 rồi. Còn mười ngày nữa là Tết. Ngày 23 đưa ông Táo chúng ta sẽ ăn Tất Niên.
Chúng tôi reo lên thích thú. Vậy là từ nay được quyền nghỉ Tết rồi, sướng bằng thích. Ôi chao, những ngày Tết! Chỉ tưởng tượng thôi đã nghe ngọt như bánh mứt, béo ngậy như thịt mỡ và vui như pháo Tết.
Từ khung cửa sổ, tôi nhìn thấy màu lá đỏ tươi. Loại cây gì tôi không biết tên. Lạ lắm. Bình thường lá màu xanh, đến mùa lạnh tự nhiên đổi sang màu đỏ. Trông rực rỡ, như để cùng đón Tết cho vui.
*
Chị tôi xách giỏ, trong đựng một con dao, đi trước. Tôi nhảy chân sáo theo sau. Hai chị em đi rọc lá chuối để má tôi gói bánh. Má tôi nói ngày mai gói để kịp đưa ông Táo về trời cho long trọng. Tôi ưa lúc gói bánh lắm. Làm bộ ngồi phụ má tôi thoa mỡ lên lá, thỉnh thoảng len lén lấy một cục nhưn đậu xanh bỏ nhanh vô miệng. Tôi còn đòi má gói cho mấy cái bánh nho nhỏ, thật nhiều nhưn. Tánh tôi kỳ cục, ăn mấy cái bánh đặc biệt đó lại thấy ngon hơn. Không gì thích bằng đêm thức để canh lửa. Nằm võng nghe má kể chuyện đến lúc ngủ quên không hay.
Tôi vừa trông thấy một chú chim cu đậu trên cành gòn. Chú ta có bộ lông màu nâu đen, lớn bằng chú bồ câu. Chú chàng kêu gù gù trong cổ. Cúc… cù cu, cúc… cù… cu. Tôi đứng lại chỉ cho chị tôi thấy:
- Có con chim kìa chị!
Chị tôi nhìn lên nói:
- À, con chim cu.
Có lẽ chị tôi nhớ đến hai câu ca dao: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. Chị hỏi một câu, đối với tôi lúc đó thật lãng xẹt:
-Em thích tới Tết ăn chè không?
Tôi nhăn mặt:
- Không. Tết ai thèm ăn chè. Ăn thèo lèo, uống nước cam phải ngon hơn không?!
Chị tôi bứt chiếc lá dâm bụt, nói:
- Ngu quá! Có vậy mà cũng không biết!
Tôi ngơ ngác nhìn chị. Lúc đó hai chị em vừa đến nhà thằng Sao. Nhìn cây mai đã tuốt hết lá, nụ xanh mơn mởn tôi reo lên:
- Chị ưa bông mai không?
Chị tôi gật đầu. Tôi khoe:
- Mai mốt em đem về một cành. Của thằng Sao nó cho.
Mắt chị tôi sáng lên, chị hỏi dồn:
- Thiệt giỡn?
- Thiệt. Mai em hối nó, thế nào cũng có mà.
Chị tôi im lặng. Chắc chị nghĩ đến cành mai rực rỡ. Chị tôi thích hoa, mùa hè chị ưa hoa phượng, hay hái về nhà thật nhiều. Còn hoa mai thì không thể kiếm dễ dàng như vậy, nên vẫn còn trong mơ ước của chị tôi. Cũng như chị đã cực khổ hái hoa phượng để đổi lấy cái lồng dế của con Bạch cho tôi, vào năm tôi vừa mới đi học. Bây giờ tôi lớn rồi, tôi đã tìm cho chị tôi một món quà tuyệt vời.
Đến vườn chuối, chị tôi lựa chặt các tàu chuối to còn lành lặn. Tôi rọc ra, xếp lại. Thân tàu chuối vác về để má tôi rọc nhỏ ra, phơi rồi để cột bánh. Làng tôi tuy nhỏ nhưng trồng rất nhiều loại thực phẩm. Má tôi gói bánh thì đã có nếp trồng sẵn, đậu xanh cũng vậy. Lá chuối thì chịu khó đi xin láng giềng. Ở quê ai tính tình cũng đôn hậu, sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Lúc về chị tôi ghé tiệm tạp hóa lĩnh tiền. Tôi đứng ngoài cầm giỏ đợi. Tiệm lúc này trông cũng sang lắm. Tường treo la liệt những tờ tranh cảnh, tranh loài vật. Tôi ưa loại tranh như Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Lưu Bình Dương Lễ v.v… Còn có mấy bức tranh hoa trái bốn mùa, tranh gà tranh lợn. Màu sắc rực rỡ chói cả mắt. Các ô đựng thèo lèo, mứt đầy ắp. Trà bọc giấy đỏ chói. Tôi ưa các loại mứt bí, gừng, dừa, hạt sen đựng trong hộp. Nhưng chắc chắn là phải đắt lắm. Chị tôi ra cầm mấy tờ giấy bạc, bạc cắc. Tôi nhìn chị vui, gương mặt tươi tắn. Tôi nói:
- Chà, chị có nhiều tiền quá!
Chị quay nhìn tôi, cười:
- Thích không?
- Thích – Tôi ngần ngại nói – Chị cho em tiền đi ăn tiệc nghe chị?
- Tiệc gì?
- Tiệc Tất niên. Lớp em làm. Có ăn bánh hát văn nghệ nữa, vui lắm. Lớp em đứa nào cũng đi hết…
Chị tôi hỏi:
- Một đứa đóng bao nhiêu?
Tôi nói tiền. Chị đếm lại và đưa cho tôi một tờ. Chà, tờ giấy bạc mới phẳng phiu thơm phức mùi giấy! Tôi vuốt ve hoài không chán.
Trên đường về, tôi thấy Tết đã len lén đến. Những chậu vạn thọ nở rực rỡ từng luống vàng ối. Nhà đang được quét dọn, sơn sửa lại. Chị tôi nói để cho ông Táo về trời tâu nói tốt cho nhà mình. Vườn tược được quét dọn sạch sẽ, quang đãng. Mai tuốt sạch lá cũ để ra lá mới mởn hơn và hoa nhiều hơn. Trời trưa nắng ráo, gió nhiều. Gió thơm mùi lúa mới gặt xong, mùi rạ khô nồng nồng. Thứ gió đặc biệt chỉ có vào mùa ruộng lúa được nghỉ ngơi, mùa Xuân.
Bữa Tất niên thật là vui. Hát hò loạn cả lên. Đứa nào cũng hát cả. Có đứa hát vọng cổ. Bài gì mà Nấu bánh đêm Xuân. Có cái câu tức cười lắm, “Bánh ít nằm cạnh lư đồng”. Đứa nào không hát được thì kể chuyện vui. Lớp tôi có con Cúc hát khỏi chê, như là mấy cô hát trên radio. Chả là Cúc hát trong ban ở nhà thờ. Giọng con nhỏ cao và thanh như kẹo dừa. Cô Mười cũng phải hát một bài. Chúng tôi lắng nghe rồi vỗ tay rầm rầm. Hôm nay cô mặc áo dài màu vàng. Cô nói trưa nay cô về quê ăn Tết, phải về sớm để kịp đưa ông Táo về trời. Cô mua thêm nhiều bánh mứt nên bọn tôi được ăn thả dàn.
Tôi thầm cám ơn chị tôi đã cho tiền đi dự Tất niên. Nếu hôm nay mà không đi được chắc là buồn lắm. Tôi dặn thằng Sao ngày mai tôi đợi sớm để lấy mai về. Sao biểu gần Tết rồi lấy, đem về bây giờ nó héo, tới Tết không có nở đâu. Tôi bằng lòng.
Trưa Sao rủ tôi tới nhà nó đốt pháo chơi. Chúng tôi đặt viên pháo vào lon sữa bò, đục lỗ nhỏ rồi châm ngòi. Pháo nổ hất cái lon lên cao. Lại còn trò bắn pháo. Pháo đặt trên một thanh tre như kiểu cây cung, dùng nhang châm ngòi xong bắn lên. Viên pháo sẽ nổ trên không, xác tan thành các mảnh giấy nhỏ bay lả tả. Trò chơi thất hấp dẫn đối với tôi. Bởi vì có bao giờ tôi được mua cho một phong pháo đâu. Cả đến một vài viên cũng không có. Đôi lúc có tiền, tôi chỉ có thể mua được mấy phong pháo tép. Loại pháo này chơi chán ngấy. Nếu có cây súng sắt, lắp pháo vào thì bắn nổ liên hồi, oai như cao bồi. Bằng không thì phải dùng gạch đá đập. Nổ nhỏ chả hách tí nào. Súng sắt thì quá đắt, không thể nào mua nổi. Má tôi chỉ có thể sắm Tết cho tôi một bộ quần áo, vài đồng bạc mới lì xì cho vào túi vui vui.
Tôi ở nhà Sao đến chiều về. Trên đường về, tôi huýt sáo vui vẻ. Tôi có đem về cho chị tôi thèo lèo với bọc mứt. Chị tôi ưa ăn kẹo đậu, chị nói tối ngậm đỡ buồn. Gì mà buồn, kỳ cục. Tết mà buồn nỗi gì, ăn cho vui chứ sao lại đỡ buồn được. Đối với tôi, tuổi nhỏ, Tết vui dễ sợ.
*
Mồng một Tết, làng tôi mang một bộ mặt mới. Năm đó, tôi vừa khôn để biết quan sát. Mặc dù đêm qua cố thức chờ giao thừa, sáng tôi vẫn dậy sớm như thường ; quên, dậy sớm hơn ngày thường. Đêm giao thừa mọi người thức chờ cái giây phút thiêng liêng đó. Đợi nghe con vật gì kêu đầu tiên, mở đầu một năm may rủi. Chỉ nghe heo, gà hoặc chó mà thôi. Ba tôi nói chừng nào nghe chim bồ câu kêu thì có hòa bình. Nhưng lũ bồ câu có bao giờ chịu thức vào giờ đó đâu, chúng còn mải ngủ say. Tôi thì chỉ nghe tiếng pháo điếc tai. Thoạt đầu chỉ có vài tiếng lẻ tẻ, sau đó hàng loạt pháo thi nhau nổ. Tiếng pháo cũng ồn nhưng nghe rất vui tai. Tôi giật mình thức dậy, đi ra trước xem có gì lạ không. Má tôi dọn mâm cúng giao thừa, lâm râm khấn vái. Tôi nhìn chung quanh, thấy ánh sáng lập lòe của những ngọn đèn cầy. Nhà nào cũng có một mâm hoa quả ngoài trời, thắp hương khấn. Đêm vẫn đen, đối với tôi chẳng có gì lạ.
Lạ chưa, sáng Tết gì mà vắng hoe. Con đường trước nhà dễ chừng như chưa có ai bước qua. Tuy nhiên cảnh vật trông hớn hở hơn, nhờ sạch sẽ và tươm tất. Nhà nào cũng thấy màu hoa, thật là tươi sáng. Con đường đang chờ bước chân rộn rã khua vang mừng năm mới. Áo quần mới tinh diện đẹp con đường quê. Ngộ ghê, sáng nay trời chẳng lạnh gì hết. Hai ba hôm trước sáng dậy còn phải sưởi ấm. Hình như bước chân mùa Xuân về, mang theo nắng ấm áp.
- Năm nay nhà mình ăn Tết lớn ghê!
Chị tôi đứng sửa lại cành mai vừa nói. Cành mai tôi mang về từ nhà Sao, hôm nay nở rực rỡ. Màu vàng tươi đặt trong nhà càng nổi hơn, xem chị tôi ưng ý lắm, săm soi từng chút. Thui gốc, thay nước, tưới hàng ngày. Bây giờ nó đang khoe sắc thi đua với chậu vạn thọ. Thật ra năm nay ăn Tết chẳng có lớn lao gì. Cũng mâm trái cây như đu đủ, sung, quít, chuối hái trong vườn. Mấy chai nước ngọt xếp ngay hàng, hộp trà, mứt. Bánh tét, bánh ít ê hề. Má tôi nói:
- Lớn lao gì đâu con. Mong cho sang năm làm ăn khá giả năm sau nhà mình ăn Tết lớn.
Tôi ngây thơ hỏi:
- Lớn ra sao hả má?
- Thì nhiều đồ ăn hơn.
- Có nhiều pháo không má?
- Nhiều lắm. Gì cũng có hết!
Xúng xính trong bộ quần áo mới, tôi đến gần má nói khe khẽ:
- Mừng má năm mới…
Má tôi cho tôi ít tiền lì xì. Tôi cười thay lời cám ơn. Rồi đến ba và chị tôi. Lần lượt tôi có món tiền nhỏ rủng rỉnh trong túi. Phải gì ngày thường có nhiêu đó tiền tha hồ xài. Cả đến thức ăn, hễ cứ ngày Tết là thật nhiều, ăn chẳng hết. Tết tôi chỉ có thế, bấy nhiêu người lì xì. Họ hàng bà con không một người ngó ngàng đến.
Chị tôi dặn:
- Sáng nay đừng đi rông nghe. Đừng ra chợ đánh bầu cua…
Tôi hỏi:
- Em mua pháo đốt nghe, chị?
Chị tôi trợn mắt:
- Mồng một đốt pháo nhức đầu cả năm xui lắm.
Tôi ngồi trơ mặt ra, thế thì biết làm gì cho qua ngày hôm nay? Tết mà phải kiêng cử nhiều thứ buồn quá. Bên ngoài tiếng pháo nổ lộp bộp thật quyến rũ. Tôi bước xuống ván, phải đi vòng vòng coi người ta đốt pháo.
Chị tôi đứng nơi cây trứng cá. Chị mặc áo bà ba mới màu hồng. Tóc chị dài thả xuống đến lưng. Chị đứng vịn nhánh cây trứng cá nhìn đâu đâu. Tôi đến đứng bên cạnh. Gió thổi vài cánh hoa trứng cá màu trắng bé tí bay bay. Nắng xuân thật ấm, vàng óng ả thật ngon mắt. Nắng chảy dài trên con đường đất đỏ, lên các mái đầu, các chiếc áo mới. Chưa bao giờ tôi thấy màu nắng đẹp như thế này.
Căn nhà đối diện nhà tôi sáng nay thật ồn ào. Đó là nhà ông Phú, căn nhà đẹp nhất làng. Nhà gạch hẳn hoi, mái ngói đỏ tươi. Trước nhà có một hòn non bộ đặt trên một ao sen nhỏ. Vườn hoa tươi tốt, các chậu kiểng xanh um. Trong nhà ông còn sang trọng nữa. Đứng bên nhà tôi có thể thấy màu gạch bóng loáng. Bức màn trúc mới tinh, đi ngang khua tiếng kêu thật vui tai. Hàng hiên bày mấy chậu cây hạnh trái vàng ửng. Trái rất nhiều, trĩu cả cành. Lại còn mấy trái dưa hấu da xanh mướt, thật to. Tóm lại, nhà ông ăn Tết lớn nhất làng. Mấy đứa con ông mặc quần áo đẹp rất sang. Thằng Tâm mở bao giấy đỏ, lấy ra một phong pháo treo trên cành nhãn. Nó lấy cây nhang trên bàn thiêng châm vào. Khói bay một đường nhỏ như sợi chỉ, nghi ngút. Tôi trố mắt ra nhìn. Ngọn khói ngắn dần dần rồi chạm đến viên pháo đầu tiên. Tôi không giữ nổi sự háo hức, nói với chị:
- Chị coi nhà thằng Tâm đốt pháo kìa. Gần nổ rồi đó, hay quá!
Chị tôi nhìn, giật mình rung mạnh cành trứng cá. Pháo nổ rền vang thật vui tai. Cả một dây pháo dài nổ liên hồi rất lâu mới hết. Tôi nhìn chị tôi cười:
- Chị nhát thấy mồ. Pháo nổ mà cũng sợ!
- Đâu có, tại chị nghe chưa quen.
Mà thật, tiếng pháo đầu làm chị giật mình. Bây giờ thì chị tỉnh bơ như thường. Tôi lém lỉnh hỏi:
- Bây giờ chị nghe quen rồi hả?
- Ừ.
Tôi nói ngay:
- Em mua pháo đốt nghe?
- ….
- Em mua pháo nghe? – Tôi nhắc lại.
Chị tôi ngần ngại. Chị nhìn qua bên nhà ông Phú:
- Thôi, để dành tiền mua sách vở học. Mua pháo phí lắm.
Mặt tôi ỉu xìu như cái bánh tráng nhúng nước. Chị nhìn tôi ái ngại. Gì mà đầu năm cái mặt chừ bự, không khá được. Chị dịu giọng:
- Mình qua bên đó coi đốt pháo nhe, Nguyên!
Tôi gật đầu cười ngay tức khắc. Có lẽ chị đọc trong mắt tôi niềm ao ước được cầm trên tay những viên pháo đỏ vui mắt. Những viên pháo quyến rũ tôi hơn bao giờ hết. Bây giờ đành phải đi xem người ta đốt pháo vậy. Hai chị em tôi nắm tay nhau đi sang. Xác pháo đỏ cả một khoảng sân. Đêm giao thừa tôi nghe nhiều lắm, bên phía nhà ông Phú. Xác pháo nằm lẫn với cánh mai vàng trông thật dễ thương. Có vẻ Tết, cái Tết sang cả, giàu có.
Thằng Tâm tiếp tục châm ngòi một phong pháo khác. Tiếng nổ như muốn vỡ toang lồng ngực tôi. Tôi nôn nao nhìn từng viên pháo văng ra chỉ còn vô số mảnh giấy vụn. Tôi ao ước, ngày hôm nay rảnh được cả phong pháo tha hồ đốt. Tôi không có bà con quyến thuộc nên không đi chúc Tết, không đi đâu ngày mồng một. Có pháo, tôi sẽ không đốt ngu dại như thằng Tâm đâu. Tôi đốt từ viên một, úp lon sữa bò lên hoặc cột sau đuôi con Mực. Tôi không nhát cáy như vài thằng bạn, chỉ dám cầm cây nhang thụt thò châm ngòi, xong chạy ra xa bịt tai lại. Như thế thì còn gì thú vị nữa. Pháo đốt phải nghe nổ, càng to càng tốt.
Ông Phú mang ra một phong pháo thật dài. Loại pháo này dài gấp đôi loại pháo thằng Tâm đốt nãy giờ. Nguyên một phong pháo nổ lâu phải biết. Mắt tôi sáng lên chăm chú nhìn. Chị em tôi đứng dưới bóng cây mít trong sân nhà ông. Phong pháo bây giờ được treo trên cành mãng cầu. Ông rút điếu thuốc trên môi châm vào. Bọn trẻ đánh bầu cua gần đó cũng ngước nhìn ông. Sợi dây mồi ngắn dần, viên pháo đầu tiên bắt đầu nổ. Lạ chưa, tiếng nổ lần này không to lắm, lẻ tẻ như được đốt lẻ từ viên. Những viên pháo đỏ còn nguyên rời ra, rơi xuống khắp sân. Thằng Tài la lên:
- Lép! Pháo lép rồi!
Thế là chúng chạy nhao nhao lại nhặt. Tôi chưa kịp phản ứng gì đã thấy chị tôi chạy thật nhanh đến vuông sân. Tôi lật đật chạy theo. Hai chị em nhặt được mấy viên pháo. Tôi hí hửng cầm trong tay, cười với chị. Tay chúng tôi dính đầy cát. Quần tôi đầy vết bẩn vì không quen mặc quần dài chạy. Khuỷu tay chị tôi cũng vậy, dơ òm. Tôi cầm mấy viên pháo lên, khoe:
- Em được bốn viên nè!
Chưa kịp nghe chị tôi nói gì, thì tôi nghe một tiếng nổ lớn rất gần bên tai tôi. Chị tôi nhảy dựng lên, mây viên pháo rơi cả xuống đất. Tay chị tôi vung vẩy như một con thú bị thương. Tôi đã hiểu, viên pháo chị tôi cầm trên tay phát nổ bởi lúc chị tôi lượm, ngòi nổ vẫn còn cháy.
- Chị có sao không? Chị…
Tôi cuống quít hỏi. Chị tôi xuýt xoa, không ngớt vung vẩy bàn tay. Chị đưa tôi xem. Tôi còn nhớ rõ ngón tay trỏ của chị đứt một đường, máu chảy đỏ tay. Nguyên cả đầu ngón tay nám đen, do sức nóng. Trông bàn tay với một ngón đỏ loi cựa quậy, mắt tôi cay xè. Đôi mắt chị tôi ướt đẫm, đôi mắt tôi cũng bắt đầu ứa ra những giọt nước mắt. Hai chị em nhìn nhau.
Tôi thổi phù phù vào đầu ngón tay, tưởng như có thể làm dịu cơn đau.
- Chị đau lắm không?
Chị tôi lắc đầu. Qua màn nước mắt tôi thấy trọn vẹn tình thương yêu ngập trong màu mắt. Tôi quăng cả mấy viên pháo:
- Em không chơi pháo nữa đâu chị!
Chị em tôi dắt tay nhau về. Tôi nắm tay chị tôi, ngón tay bị thương. Chị tôi bỗng cười với tôi, miệng méo xệch.
*
Có lẽ, tôi không bao giờ quên, những chuyện nhỏ nhặt đó. Bây giờ, những khi đông về nhìn màu ô môi hồng lòng tôi rưng rưng. Từ cành mai vàng ối, viên pháo đỏ tươi đều gợi cho tôi ngày xưa cũ. Những ngày Tết thân ái quê nhà. Mấy năm nay trẻ nhỏ không được đốt pháo, điều này thật đáng buồn. Còn gì vui bằng ngày Tết nghe pháo nổ vang rền, xác pháo đỏ rải khắp nơi. Như mùa xuân rải niềm vui khắp nhà. Trong tôi luôn nhớ màu vàng của hoa cải rạng rỡ những chú bướm nhởn nhơ. Biết bao giờ được trông thấy lại, chị nhỉ?
Tôi mong giao thừa năm nay sẽ nghe tiếng chim bồ câu kêu gù gù, như lời ba tôi nói.
Phải không chị, vết sẹo trên ngón tay trỏ của chị, vẫn còn?
Duy Nguyên
(Bút nhóm Hoa Nắng)
(Bút nhóm Hoa Nắng)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195 và 196, ra ngày 15-2 và 1-3-1973)
Thứ Tư, ngày 11 tháng 2 năm 2015
Chợ Tết
Con ngõ nhỏ bò trông như con rắn,
Một đoàn người đang nối gót theo nhau
Tiếng cười vang như trộn với áo mầu,
Trông tươi hẳn dưới khung trời đang xuống.
Đám mây trắng bay đi về một hướng,
Đám mây cam còn tíu tít dưới chân trời.
Đám mây hồng không xa lắm hơi hơi,
Gió thổi mạnh từ đồng không mát rượi.
Tre với trúc đầu cành châu lá cọ,
Con đường vang lên vui lẫn âu lo.
Một chốc nữa cả đoàn ra đến chợ,
Tản nhau ra lẫn với kẻ đi vô.
*
Cả một khúc đường dùng làm chỗ họp,
Những thức ăn trái quả được bày ra.
Nơi đầu này một chị gái đang ca,
Mời quý khách lại xem hàng dưa hấu.
Ngay bên cạnh hai bà đang đấu khẩu,
Khăn trên đầu được tháo xuống ngang vai.
Lũ trẻ con vui vẻ đứng bên ngoài,
Một cụ lớn bước vào can tất cả.
Bà hàng thịt đang mỉm cười ra giá,
Chú ba tàu vui vẻ nói bô bô.
Bà cụ già xếp chiếc bánh chưng khô,
Đứa cháu cũng rao lên vang một góc.
Bỗng có tiếng trẻ con òa lên khóc,
Miệng chu lên đòi chị ẵm lên xem
Hàng đồ chơi mỗi lúc lại đông thêm,
Anh tuổi trẻ đứng lên khoe các món.
Dăm hàng pháo cũng không tẻ mọn,
Lũ thanh niên xúm lại nói nhau nghe
Pháo “Điện Quang” kia mới thật là ghê,
Như chúng tớ đốt ầm vang mới thích.
Mấy hàng mứt ôi thôi chật ních,
Lũ trẻ con chỉ trỏ hộp đựng sen.
Miếng mứt dừa cong lại ở sát bên
Gừng, khoai, mãng, món nào cũng có.
Thằng bé chỉ chị mua em món đó,
Chị lắc đầu nói nhỏ lại đằng kia.
Thằng bé con thì nước mắt đầm đìa,
Chị vội ẵm không quên cho một đét.
Cứ sóng lượn người người quên cái rét…
Xe mực khô than hồng lên trong bếp,
Khô bỏ vào sực nức mũi mùi thơm.
Chít khăn đen bà cả đang mua nếp,
Chị người làm rỗi rảnh đứng trông nom.
Cụ đồ nho thì giang san một góc,
Người bu quanh nhờ viết hộ đôi câu
Dăm câu đối máng ngay vào nóc,
Cụ gật gù hạ bút viết “sống lâu”
Tiếng heo kêu người nhìn ra anh lái
Vật kêu to, người miệng cũng oang oang
Mùi phân xông lên mọi người ngài ngại
Nhất cụ già giàu mặc áo Tây sang.
*
Tôi đi một vòng chép lại thành thơ,
Từ chiều đến tối chưa dứt tiếng cười.
Tôi muốn viết nhiều như lòng tôi mở,
Nhưng vụng quá trời nên đến đây thôi.
NGUYỄN TRÚC
(Tết ngày xưa)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 120, ra ngày 1-2-1974)
No comments:
Post a Comment