Thích Minh Châu
oOo
Nói đến sự chứng đạt chánh trí
(annàràdhanam) là nói đến sự chứng đạt hoàn toàn tuệ quán, cũng tức là nói đến
chứng quả A La Hán, nói đến giác ngộ và giải thoát. Và sự chứng đạt ấy, chỉ có
thể học từ từ, tập từ từ, thực hành từ từ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ,
không có vấn đề đốn ngộ, như Ðức Phật đã giải rất rõ trong kinh Kitagiri, số
70, Trung Bộ Kinh.
Trong kinh ấy, Ðức Phật dạy người
hành giả phải thực hành tiến trình giác ngộ giải thoát ấy qua mười bốn giai
đoạn, giai đoạn nào cũng phải thực hành xong rồi mới được qua giai đoạn kế
tiếp, tiếp tục thực hành như vậy cho đến khi đạt được chánh trí.
1) Giai đoạn thứ nhất: là vị ấy phải
có lòng tin (saddhà) vào bậc Ðạo sư mà mình được biết và đặt lòng tin, tin rằng
vị ấy có khả năng giới thiệu chánh pháp và chỉ dạy con đường giải thoát cho
mình.
2) Giai đoạn thứ hai: là đến gần
(upasankamati), nếu chỉ có lòng tin rồi mà ở nhà thời làm sao nghe được chánh
pháp. Do vậy, vị ấy phải đi đến gần vị Ðạo sư, không phải chỉ đến lấp ló ở
ngoài cổng rồi nhìn vào, mà phải tìm cách đi đến gần vị Ðạo sư ấy.
3) Giai đoạn thứ ba: khi đi đến gần,
người hành giả cần phải làm một vài cử chỉ để phục vụ vị Ðạo sư ấy, như chào
mừng, hỏi thăm, bưng tách nước trà mời vị Ðạo sư uống, nghĩa là làm một số cử
chỉ phục vụ nho nhỏ để được ở gần bên bậc Ðạo sư, không có đứng quá xa tầm mắt
nhìn, tai nghe.
4) Giai đoạn thứ tư: là lóng tai
(sotamodahati) tức là tai để ý những gì bậc Ðạo sư nói, tai sẵn sàng nghe bậc
Ðạo sư nói chuyện, không có lơ đãng, không có nghĩ vơ nghĩ vẩn mà thiết thực
lắng nghe.
5) Giai đoạn thứ năm: là nghe pháp
(Dhammam sunati). Khi bậc Ðạo sư giảng pháp, thời lắng tai những lời thuyết
giảng của bậc Ðạo sư, ghi nhận từng chữ một, tập trung tư tưởng lắng nghe những
lời dạy của bậc Ðạo sư.
6) Giai đoạn thứ sáu: sau khi nghe
pháp, vị ấy thọ trì pháp (dhammam dhàreti) tức là ghi nhớ, không có bỏ quên
pháp đã được nghe, đã được giảng; không phải khi đứng dậy thời quên hết những điều
được nghe, không phải nghe vào lỗ tai này rồi cho đi ra lỗ tai bên kia. Trái
lại, vị hành giả phải thọ trì ghi nhớ các điều đã được nghe, không có quên mất
những gì đã được nghe.
7) Giai đoạn thứ bảy: sau khi thọ trì
pháp, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì (dhatànam dhammànam attham
upaparikkhaiti), nghĩa là vị ấy tìm hiểu ý nghĩa các pháp đã được nghe, đã được
thọ trì.
8) Giai đoạn thứ tám: sau khi tìm
hiểu ý nghĩa pháp được thọ trì, vị ấy chấp nhận pháp ấy (dhammà nigghânam
khamati), nghĩa là sau khi hiểu được ý nghĩa pháp ấy, vị ấy sẽ nhận pháp ấy là
đúng đắn, chơn chánh.
9) Giai đoạn thứ chín: một khi pháp
ấy đã được chấp nhận, vị ấy khởi lên ước muốn (chanda), làm thế nào thành tựu
được pháp ấy.
10) Giai đoạn thứ mười: đã khởi lên ý
muốn thành tựu được pháp ấy, vị ấy phải nổ lực (ussahati) để thành tựu pháp ấy.
11) Giai đoạn thứ mười một: đến đây
vị hành giả phải biết cân nhắc (tuleti) trong sự tu hành của mình, xem thử khả
năng tu hành của mình, cân nhắc những hiệu quả tu tập, và tùy theo đó mà nhiệt
tâm hành trì.
12) Giai đoạn thứ mười hai: đến đây,
vị hành giả mới bắt đầu tinh cần tu tập (padahati), không phóng dật, nhiệt tâm
tinh cần để chứng cho được pháp đã lựa chọn.
13) Giai đoạn thứ mười ba: với sự
tinh cần như vậy, vị ấy tự thân chứng sự thật tối thượng (paramam saccan
sacchikiroti).
14) Giai đoạn thứ mười bốn: vị hành
giả, với trí tuệ thế nhập sự thật, vị ấy thấy (Pannàyanamativijjha passati).
Ðây là giai đoạn cuối cùng, vị ấy thành tựu được chánh trí.
Như vậy, muốn thành tựu được chánh
trí, được giác ngộ giải thoát, vị hành giả phải cần trải qua mười bốn giai đoạn
để cuối cùng được giác ngộ giải thoát. Tiến trình này lẽ dĩ nhiên là không dễ
dàng, và đòi hỏi ở nơi vị hành giả một nghị lực phi thường, một sự sáng suốt
đặc biệt, một sự kiên trì liên tục không thối thất. Con đường đưa đến giải
thoát khỏi khổ đau, chấm dứt sự sanh tử luân hồi không bao giờ là một tiến
trình dễ dàng đơn giản, hoát nhiên đại ngộ. Tuy nhiên, bậc Ðạo sư của chúng ta
hiểu được tiến trình tu tập khó khăn này, nhận thức được nhiệt tình tha thiết
giác ngộ của đệ tử, nên Ðức Phật đã giới thiệu bốn tùy pháp (anudhamma) để giúp
các đệ tử của mình tiến bước trên con đường tu hành đạt được chánh trí.
a) Tùy pháp thứ nhất: một đệ tử nhiệt
tình có lòng tịnh tín đối với giáo pháp bậc Ðạo sư, và sống thể nhập pháp ấy,
tùy pháp này được khởi lên : "Bậc Ðạo sư là Thế Tôn. Ðệ tử là con. Bậc Thế
Tôn biết, con không biết". Ý thức được tùy pháp này, người đệ tử tôn xưng
Thế Tôn là bậc Ðạo sư, mình tự xác nhận là người đệ tử, nên người đệ tử có một
sức mạnh đặc biệt vươn lên cho xứng đáng là đệ tử của bậc Thế Tôn, vâng theo
lời dạy của bậc Ðạo sư và cố gắng hành trì những pháp bậc Thế Tôn đã giảng dạy.
b) Tùy pháp thứ hai: được khởi lên
cho vị đệ tử thuần thành là tìm được những sức mạnh đặc biệt trong giáo pháp
Ðức Bổn Sư (Rumhaniya ojavatam), những pháp Phật dạy thành những đòn bẩy tạo
thành sức mạnh vươn lên cho người đệ tử hướng thượng. Lời dạy của Ðức Bổn Sư là
những sức mạnh kỳ diệu đối với người Phật tử, thúc đẩy người Phật tử tiến lên
phía trước. Với sức mạnh này của chánh pháp, người đệ tử đạt được chánh trí.
c) Tùy pháp thứ ba: là sự phát tâm
dõng mãnh: "Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô
héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ
trượng phu cần dõng". Người Phật tử cảm thấy dấy lên một sức mạnh vô song,
một tinh tấn lực dõng mãnh dầu chỉ còn da bọc lấy xương, máu thịt có khô héo,
vị đệ tử vẫn hăng hái tu tập, hành trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để
chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Với nghị lực quyết tâm dõng mãnh như vậy,
người đệ tử sẽ đạt được chánh trí.
d) Tùy pháp thứ tư: là thế nào cũng chứng đắc được
một trong hai quả sau đây: "Chánh trí ngay trong hiện tại và nếu có dư y,
chứng quả Bất Lai"
Như vậy trong con đường tu chứng
thánh trí có đến mười bốn giai đoạn cần phải dõng mãnh kiên trì tu tập. Nhưng
đối với người Phật tử thành tâm được giới thiệu rõ ràng đủ cả mười bốn giai
đoạn cần phải tu tập, lại thành tựu được bốn tùy pháp nói trên, thời thế nào vị
Thánh đệ tử cũng chứng ngộ được chánh trí, thành tựu giải thoát và giác ngộ.
Con đường giác ngộ chánh trí có khó khăn, nhưng không
vượt ngoài tầm tay của vị đệ tử chí thành, khi được bốn tùy pháp thúc đẩy và
trợ duyên.
http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha048.htm
An nhiên tự tại tâm thinh,
Diệt trừ bản ngã lộ trình tâm linh.
Phá tan tam độc vô minh,
Chánh tri chứng đắc tiến trình đinh ninh.
Chuông ngân rã mộng ba sinh,
Tỉnh hồn mê muội bặt tình thế gian.
Khói trầm xua tiếng thở than,
Chuyển xoay nghiệp lực tỏa ngàn Tuệ đăng.
Phá tan tam độc vô minh,
Chánh tri chứng đắc tiến trình đinh ninh.
Chuông ngân rã mộng ba sinh,
Tỉnh hồn mê muội bặt tình thế gian.
Khói trầm xua tiếng thở than,
Chuyển xoay nghiệp lực tỏa ngàn Tuệ đăng.
Saturday, 28 February 2015. 2:06PM.
No comments:
Post a Comment