Sunday, May 17, 2015

Thien Trang.Thanh Thuy Giao Linh. Thanh Tuyen.

THUỞ RUNG ĐỘNG ĐẦU ĐỜI. NHỚ TIẾNG HÁT THIÊN TRANG
(Theo dõi các bài về các ca sĩ trước 1975 trong album "Kể chuyện văn nghệ")
Trời Houston mỗi lần mưa, buồn thê thảm. Mới 5-6 chiều mà tối như nửa đêm. Trong phòng vắng viết sách không có gì thú vị bằng uống trà và nghe Thiên Trang ca. Từ dạo sang Mỹ, tôi hạn chế nghe nhạc Việt để cải thiện phát âm của mình. Cái giọng Pháp và tiếng Hoa bao nhiêu năm, giờ khó mà bỏ nếu không chịu khó nghe phim và nhạc Mỹ. Vì vậy mà tuy bên này băng đĩa các ca nhạc sĩ trước 1975 bán đầy dẫy, on sale hàng tháng, mua chất đầy nhà, mà thực lòng ít có thời gian nghe, trừ khi lòng có gì tâm sự.
Mà quả thật, lòng có chút "tâm tư", lại mưa hay lạnh ngoài kia mà nghe nhạc Việt với ly trà thì không gì bằng. Tự nhiên nhớ Thiên Trang lạ lùng. Phải nói trong các ca sĩ trước 1975, Thiên Trang là người kín kẽ nhất. Những thông tin về cô hiếm hoi dù đã cố gắng tìm kiếm trên google rất nhiều lần. Trên các diễn đàn, hay dưới các bài hát trên youtube, nhiều khán giả cũng có chung một thắc mắc là tại sao giọng Thiên Trang rất hay, nhiều người ái mộ mà sao không có một bài báo nào viết về cô, hay chí ít một dòng tiểu sử ngắn cho mọi người biết chút ít về cô ca sĩ khả ái này. Ngay cả người viết, dù đã đọc rất nhiều bài về các ca sĩ. Nhưng tuyệt không có một tư liệu khả dĩ nào để viết bài. Nhưng để sửa sai cho một bài trên link: http://giaitri-so1.blogspot.com/2013/…/thien-trang-ca-si.htm, tôi buộc phải viết bài này. Tôi không rõ tác giả bài viết tìm tư liệu từ đâu để viết bài link trên. Nhưng tôi nghĩ chắc có một sự nhầm lẫn ở đây. Người tên Thiên Trang hiện phụ trách chương trình talk show "Kiến thức căn bản về Luật pháp" trên đài VAN Tivi 55.2 không thể là ca sĩ TT trước 1975.
"Thiên Trang, nữ ca sĩ nổi danh trước năm 1975, sở hữu một chất giọng tình cảm, dịu dàng và mượt mà sâu lắng. Album Thiên Trang - Những ca khúc một thời để nhớ ghi lại vài trong rất nhiều ca khúc mà ca sĩ Thiên Trang biểu diễn khá thành công".
Đấy là tất cả về Thiên Trang trên internet, ngoài ra, không có tài liệu nào thêm. Thực sự là một sự thiếu sót khi chúng ta không có bài nào về cô dù số người ái mộ tiếng hát cô khá đông. Với tôi, Thiên Trang là ca sĩ gắn liền với bao kỷ niệm thiếu thời. Đặc biệt năm tôi lên trung học.
Hồi ấy, ngay trường tôi học có quán cà phê khá lớn. Tôi không rõ quán mở lúc nào, nhưng năm tôi lên lớp 10 thì quán đã mở rộng bề thế. Tuy so với ngày nay quán chẳng là gì, nhưng những năm đầu 1990s, đó là quán cà phê lớn nhất từ Đồng Đế đến cầu Xóm Bóng. Quán bao quanh với tre nứa và che nắng bằng những tấm vải xanh da trời. Ghế trong quán đủ cho chừng 80-100 người. Thời ấy, TV là loại xịn nhất là TV Sony 21 inches. Giá bán có khi trên hai cây vàng. Thêm cái mấy VHS chạy tapes nhựa. Khi băng chạy xong một vòng, phải dùng một dụng cụ tay xoay ngược lại vì bấm ngược bằng máy hay dơ đầu từ. Lỡ bị dơ thì phải tháo ra lau chùi rất mệt.
Cùng chung trường, nhưng không chung lớp, là một anh bạn tôi tên Bôi. Bôi lùn, mập mạp, miệng lúc nào cũng chu lên khi nói chuyện. Hắn ta khá vui tính, khi nói là liên tu bất tật không biết lúc nào dừng. Mà kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là trận cười cong cả lưng lại. Khi hắn cười hai cái môi cứ chúm chím lại như con gái. Tính hắn hiền, mà cực kỳ tốt bụng. Anh hắn sở hữu quán cà phê đó. Nên cứ xong giờ học, tôi hay họp cả đám con trai trong quán để hoạch định chuyện chơi bời hay phá phách. Sẵn tiện ghé mắt liếc xem cô bé hàng xóm của hắn, tên Hoàng, học dưới một lớp, đẹp nổi tiếng cả khu phố.
Hoàng nổi tiếng vì có vẻ đẹp lai tây, mắt tròn xoe, má hồng, lông mi cong vút. Nàng cũng nổi tiếng vì chưa có học sinh trung học nào mà thành tích học 10.0 như nàng. Nàng nổi tiếng đến độ, không có đứa con trai nào dám nhìn thẳng nàng khi nói chuyện. Hoàng trở thành thơ, thành nhạc cho cái đám trung học chúng tôi.
Rồi nàng có bạn trai. Anh chàng bạn trai là đàn anh tôi, trên hai lớp. Anh học giỏi và đẹp trai như tài tử. Người lực lưỡng như Rambo, đẹp như Tom Cruise thời thập niên 1980, chứ không phải Tom của sau này. Chúng tôi biết thân phận mình nên chẳng ai dám nói chuyện cùng nàng, chỉ len lén nhìn nàng cười, nàng đung đưa tóc, nàng nháy mắt. Tim muốn rụng ra ngoài mà miệng cứ phải câm nín nghẹn lòng. Thế rồi ngày ngày, đám tôi kéo nhau ra quán anh của thằng Bôi ngồi, uống cà phê đắt ngắt và ngóng sang ... bên kia bờ rào để chờ Hoàng đi học. Ở đó, lần đầu tôi nghe Thiên Trang hát bài "Hoa nở về đêm". Cho nên nói kỷ niệm về Hoàng và Thiên Trang là rung động đầu đời thửơ học sinh về tình yêu và âm nhạc.
Ngày ấy người ta thịnh phim Hồng Kông. Đi đâu cũng thấy nhắc tới Lưu Đức Hòa, Chung Sở Hồng, Trương Mạn Ngọc... Đâu đâu cũng thấy người ta nhắc đến những bộ phim HK mới. Rồi những băng Thúy Nga tràn về. Lúc đó ông Ngạn chưa làm MC. Mà chúng tôi cũng chẳng quan tâm ai đang nói. Ca sĩ ai cũng hát hay, nhưng sao tôi vẫn ấn tượng Thiên Trang với mái tóc bù xù của cô. Điệu bộ diễn tả của Thiên Trang nũng nịu, nhẹ nhàng, lúng liếng như cô gái chừng 20 tuổi là cùng. Thiên Trang làm chúng tôi tưởng tưởng Hoàng đang hát. Vì thế mà chúng tôi nghe say mê. Nghe miệt mài. Nghe không biết chán. Không biết cái băng đã xoay đi xoay lại biết bao lần mà vẫn thích nghe Thiên Trang hát "Hoa nở về đêm".
Chả biết vô tình hay hữu ý mà anh của Bôi cũng thích nghe cái năng ấy. Sau khi đóng cửa tiệm, tôi lại thấy anh mở cuốn băng ấy trong phòng mình. Chí ít là 5 lần, tôi thấy anh ngồi lặng nghe Thiên Trang hát bài ấy. Dù cho thời gian đó người ta ái mộ Hương Lan và Tuấn Vũ. Đi chỗ nào cũng nghe Hương Lan hay Tuấn Vũ, nhất là mấy xe bán kẹo kéo.
Sau này khi người ta nghe nhạc bằng tape nhựa thì những bài hát của Thiên Trang cũng không nhiều. Các tapes nhạc ở nhà tôi mua chỉ có chừng hai cuốn Thiên Trang, trong khi các ca sĩ khác là khá nhiều. Mà lạ, báo văn nghệ, ca nhạc, kịch trường ... trước 1975 đăng hình và bài rất nhiều, tuyệt nhiên không có Thiên Trang. Mãi sau này tôi tình cờ có tờ báo Đời của Chu Tử năm 1972 mới có bài rất ngắn nhắc đến Thiên Trang. Trong chuyện mục giới thiệu 20 ca sĩ hàng đầu Việt Nam thì có ba ca sĩ trẻ gần gần tuổi nhau được giới thiệu. Đó là Phương Hồng Quế (1953), Hương Lan(1956), và Thiên Trang(1954?). Thiên Trang được giới thiệu cuối cùng và chỉ hơn 5 dòng viết. Trong khi các ca sĩ khác thì dài hơn. Đơn giản là
"Thiên Trang là một ca sĩ trẻ khá nổi trong giới học sinh hiện nay, nhưng nàng rất ngại tiếp xúc với người ngoài và hiếm hoi dành cho báo chí một bài phỏng vấn".
Thế là đã rõ, chúng ta có một Lệ Thanh không cho chụp hình, giờ có thêm Thiên Trang. Lệ Thanh khó đến nổi, hát đại nhạc hội nhưng cô vẫn nhất định không cho vẽ hình mình trên bản quảng cáo. Để đến nỗi người ái mộ giờ muốn biết mặt Lê Thanh thì chỉ còn cách chụp đoạn video ngắn 1 phút 47 giây Lệ Thanh hát bài Viễn Du trên một chiến hạm VNCH năm 1961 do một đài truyền hình Mỹ thâu.
Đối với Thiên Trang, do cô trong ban nhạc Loan Mắt Nhung của hai nhạc sĩ Tuấn Khanh và Tâm Anh nên ông Chu Tử mới nhờ hai ns nói dùm nên ta mới có bài viết ngắn chừng năm dòng chữ nhỏ trên báo Đời 1972 như đã nhắc ở trên. Cái hình Thiên Trang đăng báo cũng nhỏ, chừng 1,5 đốt ngón tay, đen thui, nhìn không rõ mặt. Mãi sau này tôi mới biết đó không phải là hình nhà báo có được từ Thiên Trang, mà có lẽ họ xin lại từ hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên, in trên đĩa phát hành hình như năm 1973 thì phải. Trong cuốn đĩa 45 vòng này, mã số đĩa M 3587 - 88,Thiên Trang hát cùng Nhật Trường (Rừng Lá Thấp), Hoàng Oanh (Từ Đó), Trang Mỹ Dung (Người ra Vùng Hỏa Tuyến). Riêng Thiên Trang hát bài Trả Tôi Về (Trên bìa đĩa ghi thế nhưng đúng ra phải là XIN Trả Tôi Về của nhạc sĩ Mạc Thế Nhân).
Tôi rất muốn tìm hiểu về cô Thiên Trang mà không tài nào có được. Tình cờ trong một lần nói chuyện với nữ ca sĩ Giao Linh, cô nhắc đến Trang Mỹ Dung với lòng thương cảm. Cô nói:
- Ca sĩ trước, cô thương nhất Trang Mỹ Dung. Cổ kẹt lại nên thiệt thòi đủ điều. Nên về đây, có show nào là cô cố gắng nói bầu show cho đi hát. Cô nói, lứa tuổi tụi mình còn mấy đứa đi hát đâu. Mà tuổi già thì nó sầm sập kéo tới. Nên phải biết thương lấy nhau. Nghĩ nhiều lúc cũng tội lắm con...
Nghe cô Giao Linh nói tôi nhớ hồi nam ca sĩ P về Việt Nam, ông chạy đến nhà Kim Cương nói dùm cho chuyện đi hát lại. Kim Cương sau này nói lại với tôi:
- Cô nói bây giờ cô đâu có nắm gì nữa đâu. Cũng đâu còn đoàn hát đâu mà giúp. Biết là tội mà đâu có biết làm sao được. Ai cũng có thời con ạ. Hết thời thì phải chịu thôi ....
Kỳ nữ còn nói nhiều, nhưng chuyện tế nhị, không tiện nêu ra đây. Vậy mới thấy, ai cũng dù có nổi tiếng mấy thì cũng phải biết sau này mình già đi không còn khán giả ái mộ nữa. Chứ khi trên đài vinh quang mà cứ sống tự dương tự đắc, không có đức, không có tình, xem khán giả như con chiên phải chạy theo mình, sau này hết tài, hết sắc thì khán giả coi như rác. Mà cứ xem gương cái đám ca sĩ ở Việt Nam giờ thì biết kết quả sau này...
Trở lại chuyện Giao Linh thì khi nhắc đến TMD, cô chợt nhớ ra một người nên hỏi tôi:
- Con nhớ nữ ca sĩ Thiên Trang không?
- Con biết. Nữ ca sĩ của Ngày em 20 tuổi, Xin trả tôi về, Hoa nở về đêm, Ngày tàn chinh chiến ...
Giao Linh nhìn tôi hơi ngạc nhiên. Đoạn cô nói:
- Ở hải ngoại cô thương nhất Thiên Trang. Thiên Trang tội lắm con. Bên đó đâu có đi hát như bên này. Mà Thiên Trang cổ lấy chồng làm lớn trong NASA. Vợ chồng đi đâu, tiếp xúc ai cũng có người theo dõi. Cổ cứ nói cô là, "Chị có show nào rủ em đi hát với, em nhớ sân khấu quá". Vậy mà có lần cách đây vài năm (GL kể tôi năm 2007), gặp Thiên Trang trong tiệm băng đĩa, sẵn có bà Nga (Thúy Nga, chủ Thúy Nga Paris By Night) qua Cali, cô mới gọi lại giới thiệu để có show thì gọi cổ đi hát. Không ngờ vài bữa sau, chồng Thiên Trang vào cơ quan (NASA) thì bị chặn ở cửa. Nó bảo trong mấy ngày qua anh có gặp người không phải công dân Mỹ. Nó phát cho cái phiếu, về nhà nhớ đã gặp ai thì điền vào. Nhất là những ai ngoài nước Mỹ. Không nhớ ra thì cứ lấy phép nghỉ thoải mái đến khi có cái tên nó cần mới cho đi làm lại.
Thế là Thiên Trang gọi Giao Linh. Hai người ngồi nghĩ mãi mới nhớ ra bà Thúy Nga từ Pháp sang. Sau vụ đó, Thiên Trang khó quay lại ca hát dù cô rất muốn.
Lúc mới qua, Thiên Trang hát cho trung tâm Làng Văn, sau đó là Diễm Xưa. Có dạo khán giả thấy Thiên Trang đóng nhạc cảnh cho MV của nam ca sĩ Chế Linh. Có lẻ Giao Linh giới thiệu vì Giao Linh và Chế Linh rất thân tới mức gọi tao - mày. Thiên Trang ít hát riêng. Cô hát chung với Tuấn Vũ, Chế Linh, hay Sơn Tuyền.
Phải nói giọng Thiên Trang khá rõ. Trong số các ca sĩ hát chân phương nhất, ta có thể kể ra như Phương Dung hay Trang Mỹ Dung. Không rõ Thiên Trang người vùng nào, nhưng giọng miền nam nên dù lên cao hay xuống thấp thì bài hát vẫn rõ lời. Giọng cô không vút cao trong vắt như Thanh Tuyền, Trang Thanh Lan. Không luyến lấy như Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm. Cũng không nhảy nhót, thả hơi như Giao Linh, Hoàng Oanh. Giọng Thiên Trang là giọng cô gái mới lớn. Nghe Thiên Trang ca cứ ngỡ như đang nghe cô gái nào đó đang nũng nịu, trách hờn người yêu. Rất đáng yêu. Chính vì thế, dù đã lớn tuổi, Thiên Trang vẫn giữ được giọng hát ngày nào. Vẫn lưu dấu lòng yêu thương của khán thính giả ái mộ với tiếng hát của mình.
Về đời tư, dường như khán thính giả không biết gì về Thiên Trang do cô khá kín tiếng. Chỉ có chi tiết là cô có chồng làm ở NASA như đã nói ở trên. Một khán giả nữ tình cờ gặp cô ở Las Vegas (2007) và có cho mọi người biết cô vẫn rất xinh đẹp như xưa, có một cậu con trai chừng 13- 14 tuổi. Vậy cậu trai đó hiện nay khoảng 20 tuổi. Không rõ cô còn ai nữa không.
Hai năm trở lại đây, khán giả mộ điệu yêu thích tiếng hát Thiên Trang lại thấy cô xuất hiện trên Asia. Có lẻ chồng cô về hưu nên họ cũng nới lỏng kiểm soát chăng? Không rõ. Cô vẫn như ngày nào. Dường như thời gian chỉ viếng thăm cô rồi không đụng chạm gì đến gương mặt, giọng hát, mái tốc xoăn dài bồng bềnh, ánh mắt ngây thơ, thân hình thon mỏng ... của cô như thửơ nào. Và người ta lại râm rang bàn tán trên các trang mạng xem thử làm cách nào họ biết về cô nhiều hơn. Tất cả những gì chúng ta biết về cô quá ít mặc dù thời đại hiện nay là thời của kỹ thuật số, thời của truyền thông, tin tức.
Hy vọng có dịp sẽ chuyển bài này cho cô đọc và mong cô lên tiếng để mọi người cùng có dịp chiêm ngắm cô ở cự li gần hơn.
Chỉ muốn nói cùng cô rằng, khán giả vẫn còn nhớ đến tiếng hát cô nhiều lắm.
Houston 03/12/2014
PS: Ai có thông tin gì thêm xin bổ sung ở đây. Chân thành cảm tạ
GIỌNG CA THANH THÚY, TIẾNG HÁT GIỮA ĐÊM TRƯỜNG VẮNG LẶNG
(Xin theo dõi và đọc các bài về văn nghệ sĩ khác trong album "Câu chuyện văn nghệ ")
Đã lâu lắm rồi tôi không còn thời gian mà ngồi nghe nhạc như vẫn thường làm khi còn trẻ. Nhớ ngày còn mài đũng quần trên ghế trường học trung học, cứ những đêm mưa tôi lại pha trà, ngồi nghe nhạc rồi đọc sách. Những giây phút như thế, giờ đã trở nên hiếm hoi ở xứ người. Chẳng phải vì bận, mà là căng thẳng nhiều chuyện quá, nên đâm ra mất cả hứng để hưởng thụ cuộc sống.
Mấy bữa nay Houston trời đổ mưa rào ban tối. Nhìn mưa qua song cửa, tự nhiên muốn nghe cô Thanh Thúy ca quá chừng. Thèm như người đang cố gắng bỏ thuốc lâu ngày rồi bỗng nhớ lại cảm giác cũ mà hút lại.
Nhiều người nói tiếng hát của cô dành cho người trung niên hay già. Nhưng càng ngày trên các trang mạng như youtube, toàn thấy giới trẻ sinh sau 1975 kéo vào nghe cô hát rồi bình luận không dứt. Những chương trình Asia có tiếng hát của cô luôn làm các bạn trẻ hào hứng lùng xem và ngưỡng mộ. Tưởng thời gian như ngừng trôi. Tưởng như cô Thanh Thúy vẫn hot như hồi mới ra hát thập niên 50s.
Tôi không nhớ lần đầu tôi nghe tiếng hát Thanh Thúy là khi nào. Chắc có lẽ lâu lắm. Hồi tôi học cấp 2, một nhà hàng xóm làm thợ may có cái máy đĩa với những đĩa nhựa 45 vòng. Ở đó, tôi nghe cô Thanh Thúy hát bài "Cho người vào cuộc chiến".
Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi ... anh quên thân mình
Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng ... anh đi
Tiếng hát buồn buồn vào một chiều mưa ru tôi vào một miền ký ức. Nơi ấy, có một cuộc chiến tương tàn với những những người trai ra đi vào khói lửa để những người con gái ở hậu phương chờ đợi trong mỏi mòn. Tự nhiên tôi ao ước mình cũng là người lính và cũng có một người vợ hết mực yêu thương chờ chồng về. Đó là lần đầu tiên , tôi lờ mờ có khái niệm về chiến tranh Việt Nam.
Gần nhà tôi, có một gia đình sống trong một túp lều nhỏ. Hàng ngày tôi hay sang chơi vì nhà ấy có dàn máy karaoke toàn bài xưa. Cô chủ nhà, một người Saigon chính hiệu, luôn kể cho tôi nghe về văn nghệ sĩ trước 1975 và hát cho tôi nghe. Tiếng hát cô tuy không lên được nốt cao, nhưng tâm tình và đặc sắc, không lẫn với ai cả. Cô nói trong số các ca sĩ thời trước, cô thích tính tình cô Thanh Thúy nhất, dù không phải là người ái mộ tiếng hát này.
- Sau này sang hải ngoại, Thanh Thúy hát kéo dài quá - cô kể - Ngày trước hát đã buồn, giờ còn buồn hơn. Chị, cô vẫn xưng hô với tôi là chị, không thích lắm. Ngày cũ, mỗi lần xuân đến hát nhạc xuân trên truyền hình, ba chị cứ hay tránh Thái Thanh và Thanh Thúy. Không rõ vì sao. Nhưng chị ái mộ Thanh Thúy vì cô ấy rất hiền và tội. Gặp người ái mộ không chảnh chọe lên mặt.
Những năm đầu thập niên 1990s, internet là một khái niệm mà hầu như chẳng ai biết, băng nhạc từ hải ngoại về nước hiếm hoi. Chỉ ai có tiền mới dám mua. Nên những lời kể của cô hàng xóm là tất cả những gì tôi biết về cô Thanh Thúy. Ký ức về bài nhạc cũ, và lời kể về người ca sĩ dễ thương với khán giả ám ảnh trí tò mò người con trai muốn tìm hiểu mọi sự như tôi.
Sau này may mắn tôi có mấy tờ báo Kịch Trường trước 1975, lại có bài giới thiệu cô Thanh Thúy trên báo Đời của ông Chu Tử. Đọc để biết thêm, chứ tiếng hát cô vẫn xa lạ với tôi. Ngày nọ, người hàng xóm cách nhà tôi mấy nhà đột nhiên có đồ Mỹ là một cái máy cassette to đùng. Băng đầu tiên ông mở là tiếng hát Thanh Thúy. Cứ sáng sớm tôi thấy ông tập thể dục, rồi ngồi trầm ngâm phía trước nhà, bật băng Thanh Thúy hết volume. Tiếng hát cô vang vọng cả một vùng rộng lớn xung quanh. Buồn và và thổn thức như người góa phụ khóc chồng mới mất. Toàn những bài về lính. Kỳ lạ thay, tụi công an chưa bao giờ can thiệp. Chắc chúng cũng thích Thanh Thúy hát bài hát lính như bộ đội ở trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế thích Duy Khánh hay Chế Linh.
Tôi yêu tất cả những tiếng hát thời cũ. Đơn giản qua họ, tôi biết trân trọng những gì mà miền nam đã để lại cho nước Việt. Tôi yêu tiếng hát cô Thanh Thúy cũng vì thế. Nhưng nói cho thật lòng, hai tiếng hát mà người ta cần có thời gian cảm thụ để yêu thích là cô Thái Thanh và Thanh Thúy. Tôi nghe cô Thanh Thúy hát, nghe để mà nghe. Nhưng không cảm được chất "men" trong giọng hát. Chú ý đến nội dung bài hát hơn giọng ca.
Cuối năm ấy tôi có chuyện buồn. Một buổi chiều, ông hàng xóm mở băng Thanh Thúy, và kỳ lạ thay, cả người tôi như run lên vì cảm xúc. Tôi đã hát cùng tiếng hát ấy từ đầu đến cuối cuốn băng. Hóa ra lâu nay, lời ca nốt nhạc đã ngấm vào người mà tôi không biết. Tôi thuộc từng bài, từng chỗ dừng của ban nhạc. Tôi nghe cô hát, và tôi thấy mình như lạc vào miền ký ức nào đó không thực. Tự nhiên tôi nhớ … người ấy vô cùng.
Tôi phải khen ai đó có ý kiến khi nói rằng tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát cần sa. Tôi không hút cần sa, nhưng tôi cũng là người hút thuốc. Tôi biết cảm giác của người hút. Lần đầu thử phì phà vì thấy người khác cũng hút. Cái cảm giác khó chịu lúc đầu không làm người ta dừng hút. Có khi sẽ tự hỏi, người ta hút say sưa, tại sao mình lại không? Rồi khói thuốc làm người ta say và thích thú với cảm giác. Ghiền lúc nào không hay. Tiếng hát Thanh Thúy cũng gây nghiện theo cách ấy.
Từ chiều ấy, tôi nghe Thanh Thúy mỗi ngày. Tôi mê mang với tiếng hát lạ mà mỗi lần nghe, tôi lại nghe trãi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lần nọ, cô con gái nhà đó sang nhà tôi chơi, ông hàng xóm lại mở cuốn băng, điều mà ông làm hàng ngày lúc 9-10 giờ sáng, và 4-5 giờ chiều. Cô gái nói tôi:
- Lại Thanh Thúy anh. Ba em nói bả là tiếng hát khói sương gì đấy. Em nghe hoài mà em chưa cảm được. Nhưng không hiểu sao ba em ghiền như ma túy.
Cô nói rồi nhìn vào mắt tôi, hình như mong một sự đồng tình. Trái với mong đợi, tôi chỉ nói thoáng:
- Không anh thích lắm.
Chẳng nghe cô đáp lại tiếng nào.
Tình cờ một lần tôi ngồi nói chuyện với ông hàng xóm, ông tiết lộ cho tôi một chuyện. Ông bảo:
- Mày biết không, tao nghe mấy người nói tiếng hát Thanh Thúy thu hút cả ma đấy. Mà lạ lắm mày ạ, cứ ban tối hôm nào tao không ngủ mà mở Thanh Thúy là như có cảm giác ai đang nhìn mình ấy.
Nhà ông có cái cửa sổ thông ra một cây gòn già. Ngày ấy dân làng tôi hay đồn chỗ ấy ma nhiều lắm. Đêm đêm từ cây gòn già cứ có ánh lập lòe của đom đóm, như ánh ma trơi ta hay thấy ngoài nghĩa địa vắng. Tôi chẳng rõ lời ông kể có thật chăng? Hay đơn giản là ma nhiều nên ra hoài, cần chi đến "Tiếng hát lúc không giờ" (Biệt danh của cô Thanh Thúy). Nhưng nó cũng làm cho tôi không bao giờ nghe cô hát lúc đêm về nữa, mãi đến khi ra hải ngoại.
Hồi giữa thập niên 1990s, Nha Trang đang có phong trào thu băng đĩa nhạc lậu. Ai có gia đình bên Mỹ đem đĩa về rồi sang ra băng bán. Người ta bán khắp nơi, thậm chí chở băng bằng xe đạp bán khắp cùng hang cùng ngõ hẻm. Tôi tuần nào cũng đạp xe lên Nha Trang lùng mua băng Thanh Thúy, ở đó tôi làm quen cô bạn thứ hai của cuộc đời grin emoticon. Nàng lúc đó mới học lớp 11. Tóc dài chấm lưng, mắt nâu đậm, làn da trắng, má lúc nào cũng hồng hào. Nhìn như lai. Vậy mà nàng mê Thanh Thúy mới chết chứ. Khi quen thân lên, nàng nói:
- Cả nhà em ai cũng mê Thanh Thúy. Nhất là mấy bà dì. Em nghe hoài, đâm nghiện. Nhà không sót băng Thanh Thúy nào.
Đời kể ra kỳ lạ. Khi tôi tưởng mình không thể yêu được nữa sau khi tan vỡ mối tình đầu thì nhờ tiếng hát Thanh Thúy giúp tôi ... yêu lại grin emoticon Tuy sau này không đến với nhau nữa, nhưng tiếng hát Thanh Thúy theo tôi suốt mấy năm liền trong ngập tràn yêu thương. Đơn giản là đến nhà nàng, tôi chẳng nghe gì ngoài mấy băng Thanh Thúy tua đến nhão ra.
Có thể nói Thanh Thúy đã giúp nhiều văn nghệ sĩ định cư ở Mỹ qua sự tiếp sức của MC Nam Lộc. Cuộc đời cô, nhiều báo nói đến nhiều nên không cần kể ra chi tiết ở đây. Năm cô 15 tuổi, cái chết của người mẹ kính yêu cùng sự khó khăn của gia đình vô hình chung đẩy Thanh Thúy thành ca sĩ . Nổi tiếng từ quốc nội ra đến hải ngoại. Với cô, tiếng hát là lẽ sống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô thành văn, thành thơ của nhiều cây viết. Lối sống tình cảm, và đời sống không tai tiếng giúp Thanh Thúy thành ca sĩ được lòng giới mộ điệu khắp nơi, kể cả ngày nay trong tầng lớp trẻ trong nước. Trên youtube, nhiều khán giả cứ bình phẩm:
- Nè mấy diva Mỹ Linh, Thanh Lam, Lệ Quyên ... vào nghe cô Thanh Thúy hát mà bắt chước nè.
Năm 1996, đặc san Thanh Niên tháng cũng giới thiệu cô Thanh Thúy trong loạt bài giới thiệu các giọng ca hải ngoại gồm Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền. Trong bài viết, họ nhắc đến chi tiết khu Thanh Thúy ở, có studio chụp hình. Người thợ chụp hình đục một lỗ trên trần nhà để ánh sáng dọi vào để chụp hình Thanh Thúy cho một số báo đầu tiên giới thiệu giọng hát cô thời ấy. Trong bộ sưu tầm của tôi, hiện vẫn còn lưu nhiều hình cô với những tập nhạc hay bìa báo. Phải đến cả trăm. Dù ở đâu, hình ảnh mái tóc xoăn buông rủ, nụ cười nhẹ như hơi thở, cùng tà áo dài đã tạo nên một thương hiệu của nữ ca sĩ đất thần kinh và mang tên thật hiếm hoi trong giới ca sĩ miền nam.
Sau này sang hải ngoại, biết số cô qua ca sĩ Hoàng Oanh, thỉnh thoảng em ba gọi thăm cô những dịp quan trọng. Trong số các ca sĩ, Thanh Thúy có lẻ là trường hợp hiếm hoi liên lạc lại các cuộc gọi lỡ. Bao giờ tin nhắn máy cô đều phát đi một giọng nói:
- Bạn đang gọi đến số máy của Thanh Thúy ... Xin để lại lời nhắn cùng số điện thoại để Thanh Thúy sẽ liên lạc lại.
Đa số ca sĩ trước 1975 đều có cách hành xử với khán giả cách trọng thị như thế. Không như một số ca sĩ trẻ sau này đều nói:
- Nếu các bạn gọi đến đặt show, xin để lại tin nhắn cùng số liên lạc,(tên) sẽ liên lạc lại nhanh nhất có thể grin emoticon
Lần nào cũng thấy cô cám ơn vì đã gọi hỏi thăm. Thật khác xa trí tưởng tượng mà em ba về cách hành xử của những ca sĩ thuộc hàng thượng thừa như cô. Hình như con cô có tiệm thuốc. Có khi gọi cô đang phụ con như bao bà mẹ khác. Nghe cô kể chuyện chỉ biết thầm cảm phục cách hành xử mà cô dối với một người không tên tuổi như tôi. Và tôi chợt nhận ra rằng, đó là lý do tại sao cô vẫn nổi tiếng và được lòng khán thính giả mặc dù cô không còn đi hát nhiều như xưa.
Chỉ biết nói rằng, con quý tiếng cô lắm cô ơi! Con mong cô khỏe mãi để phục vụ khán giả, nghe cô.

shared Hao Duc Nguyen's photo.

CA SĨ THANH TUYỀN: NGƯỜI KỂ CHUYỆN TÌNH ĐÔI LỨA BẰNG GIỌNG HÁT
Trước 1975, thường có sự phân biệt "gu" giữa các khán thính giả trong việc chọn lựa ca sĩ nào mà mình ái mộ. Những người có học thường thích nghe những hát bài tiền chiến với những ca sĩ như Thái Thanh, Quỳnh Giao, Kim Tước, Lệ Thu, Anh Ngọc, Duy Trác... Giới bình dân thì mê các tiếng hát như Thanh Tuyền, Phương Dung, Giao Linh, Phương Hồng Quế... Còn giới sinh viên, học sinh thì đương nhiên thích các giọng ca của phong trào nhạc trẻ như Thanh Mai, Julie, Duy Quang, Elvis Phương, Paul Tuấn... Tuy vậy cũng có nhiều người thích lẫn lộn các ca sĩ. Chỉ cần giọng ca hay là thích. Cho nên ta thấy các tape nhạc xưa như Băng nhạc Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Sơn Ca, Nhật Trường... các nhạc sĩ hay mời lẫn lộn các ca sĩ để các giới ai cũng có thể mua băng và thưởng thức tiếng hát mà mình yêu thích. Tôi thuộc loại người thích tạp nham như thế. Ai có giọng hát hay là thích, không câu nệ người đó hát loại nhạc nào hay thích hợp cho giới nào. Trong số các ca sĩ tôi ái mộ, người mà thích nhất thời trẻ là nữ ca sĩ Thanh Tuyền và bố Duy Khánh. Bố thì em ba đã viết trong bài trước. Trong bài này, thử nói chút về nữ ca sĩ Thanh Tuyền (nghĩa là Dòng Suối Xanh, theo ý giảng giải của hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát. Tránh từ Mai là tên trên giấy tờ, vì hai ông nói Mai có thể làm người nghĩ đến hai chữ mai táng, không tốt.).
Tôi nghe đến cái tên nữ ca sĩ Thanh Tuyền khi chừng 10 tuổi. Nguyên nhà bên cạnh đông con cái mà lại vắng người chăm sóc. Thế là bà chủ nhà, lấy ông anh họ bên bác, thuê một chị chăm trẻ, là người bắc mới vào, và thích hát cực kỳ. Một ngày không biết bao nhiêu bận nghe chị ta hát ru. Mà lạ, ru toàn bài hát kể chuyện tình yêu đôi lứa. Chị ta hát đi hát lại trong nhiều năm bài Linh Hồn Tượng Đá của tác giả Mai Bích Dung, một tên khác của nhóm Lê Minh Bằng. Hát từ năm này sang năm khác mà không biết chán. Hát bất kể giờ giấc. Cứ nhạt miệng, nhạt mồm thì đã nghe lanh lảnh tiếng nàng:
Trên dốc đá tôi tình cờ quen chàaaaaaaaaaaaaaaaang.
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau
Chị cứ sửa lời bài hát. Thay vì nàng, thì biến thành chàng. Trước 1975, bài Linh Hồn Tượng Đá thường do các nam ca sĩ trình bày như Chế Linh, Thái Châu, Elvis Phương, Anh Khoa... nên chữ nàng là đúng rồi. Nhưng ngay như các nữ ca sĩ thì họ cũng không thay lời. Nhật Thiên Lan chẳng hạn (Nhật Thiên Lan là người về nhì trong cuộc tuyển lựa ca sĩ năm 1959, đứng sau ns Thanh Sơn. Ca sĩ Phương Dung cũng thi trong đợt này), vẫn giữ nguyên chữ nàng trong bản gốc. Nghe chị hàng xóm kéo dài chữ chàng, nghe mà não lòng.
Bữa nọ, đang trưa nắng gắt, chị lại cất tiếng hát thánh thót như dàn đồng ca nhà thờ. Lanh lảnh như cái chuông gió gặp bão. Ba tôi giật mình tỉnh giấc, ông la lên:
- Cái con Thanh Tuyền lại hát nữa rồi, không cho ai ngủ cả. Mà bài hát người ta là nàng mà nó cứ chàng chàng là sao?
Má tôi cười, bà nói:
- Thì nó đang yêu thằng kia mà ông bắt nó gọi nàng sao được?
Ở nhà ai cũng biết chị đang quen 1 anh ngoài làng. Hai anh chị cứ thập thò hẹn hò khi chủ vắng nhà. Nghe má nói, ai cũng vỡ ra cười. Khi cơn địa chấn của trận cười vừa xong, tôi hỏi ba:
- Ủa Thanh Tuyền là ai, mà ba cứ ví cô hàng xóm mình vậy?
Ba tôi cười:
- Thì chỉ thích Thanh Tuyền mỗi bài đó. Nghe hoài thành quen. Đến khi con này hát thì lại nhớ ra. Mà lạ, cái mặt con bé nó giống Thanh Tuyền.
Hồi ấy, tôi chẳng biết Thanh Tuyền là ai. Nghe ba tôi nói vậy thì biết vậy. Chứ chừng 10 tuổi đầu, biết gì đến ca sĩ này nọ. Mà kỳ lạ, chị hàng xóm ở phải đến 4-5 năm mà tụi tôi không ai biết tên là gì. Cứ gọi là ca sĩ Thanh Tuyền hay cái cô "Trên dốc đá", theo mấy chữ đầu bài hát.
Khi lên lớp 7, tôi tham học một lớp vẽ. Em của ông thầy dạy một bữa đem về một cái mấy đĩa cũ kỹ mà nghe nói anh mua từ một bà bán đồng nát. Thời ấy, Bảo Yến và cô em Nhã Phương bắt đầu nổi lên như một hiện tượng lạ. Đi đâu cũng nghe đám con nít nghêu ngao:
"Một ngõ vắng xôn xao, nằm trong thành phố lớn. Một tiếng nói yêu thương, cho lòng thêm tơ vương..."
Hình như bài Ngõ Vắng Xôn Xao của ns Quốc Dũng thì phải. Tôi thích Bảo Yến hơn vì cái giọng Huế trầm buồn khó lẫn với ai. Thấy cái đĩa than 78 vòng của hai cô ca sĩ ấy, tôi mở suốt. Anh bạn lớn tuổi em ông thầy dạy vẽ thấy vậy, cứ chọc:
- Em nhỏ mà sao toàn nghe nhạc buồn. Hay nhỉ.
Một bữa, anh đem về cái đĩa 45 vòng rồi mở nghe mê man. Mở đi mở lại nhiều lần. Tôi ngồi đợi anh để mở đĩa mình nên buộc phải nghe hết cái đĩa nhỏ anh mới đem về. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô Thanh Tuyền trên bìa đĩa và tiếng hát của cô. Nếu tôi nhớ không lầm thì đĩa đó gồm 4 bài: Đa tạ (ns Anh Việt Thu), Một đời hoa (ns Đào Duy. Bài này nổi tiếng với tiếng hát Dạ Hương trước 1975), Em không buồn nữa chị ơi (Châu Kỳ. Phương Hồng Quế hát lần đầu tiên trên đài truyền hình), và Nếu anh còn nhớ (ns Phạm Mạnh Cương). Nghe hoài cái đĩa nhỏ xíu, tôi đâm mê tiếng hát Thanh Tuyền lúc nào không hay. Thế là thay vì đợi mở đĩa Bảo Yến, tôi lại là người bỏ cây kim từ đầu để nghe cái đĩa lại lần nữa. Tua đi tua lại đến độ cây kim bị mòn chỉ sau 1 tháng.
Phải đến năm tôi gần 20 tuổi, tôi mới lại nghe Thanh Tuyền hát lại vì tình cờ có một tape nhạc thâu trước 1975 do một người bạn tặng. Băng ấy, có lẽ tôi nghe phải đến vài trăm lần. Hằng đêm cứ sau giờ dạy học ở nhà dòng, khi trở về với căn phòng vắng một mình, tôi lại ngồi học với ngọn đèn đêm và tiếng hát Thanh Tuyền. Tuổi mới lớn, yêu đương ai chả có. Ngồi nghe Thanh Tuyền hát, thấm vào máu huyết từng câu chữ. Nhất là hai bài Gõ Cửa Ghé Thăm (ns Mạnh Quỳnh) và Phố Vắng Em Rồi (ns Mạnh Phát). Nhưng bài gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất là bài Nếu Đời Không có Anh của nhạc sĩ Hoàng Trang. Rất nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng không ai qua giọng ca Thanh Tuyền. Chỉ cần nghe Thanh Tuyền ngân điệp khúc:
Không anh đời như thiếu nhiều
Không anh mây trôi ngập ngừng
Làm sao không nhớ đến người mình yêu
Vắng xa nhau một lần mà lòng như thấy lâu rồi
... là thấy một trời chất ngất những cảm xúc ngút ngàn tận mây xanh. Suốt thời gian học trung học, đời tôi là chuỗi dài những xáo trộn những tình cảm. Tôi tự ti và thiếu tự tin trong mọi sự. Yêu ai dù có đau khổ tột cùng đến mấy cũng ôm vào lòng. Rồi thả lòng mình trong những lời ca nức nở của Thanh Tuyền. Chỉ khi nghe Thanh Tuyền, tôi mới biết tận cùng của nổi cô đơn trong lòng mình nó lớn đến độ nào.
Trong tân nhạc, ta có Giao Linh được mệnh danh là Nữ Hoàng Sầu Muộn (tôi thích chữ này hơn chữ Mộng). Nhưng Giao Linh nức nở khi tình yêu tan vỡ, không tròn. Giọng Giao Linh là giọng của người đàn bà khóc mối tình oan nghiệt. Còn Thanh Tuyền thì diễn tả những bài hát khi người con gái đang yêu mang nỗi nhớ người yêu. Xa nhau nhưng không biết bao giờ mới gặp lại. Nàng buồn nhưng lòng đầy tự tin nơi tình yêu chân chính, không dối lừa. Nên khi Thanh Tuyền ca, người nghe thấy cái buồn trong tiếng hát, nhưng không tuyệt vọng. Nghẹn ngào thổn thức, nhưng không đánh mất lòng tin tưởng với người thương nơi xa.
Tôi có ông thầy dạy tôi môn ngôn ngữ học ở trường đại học cực kỳ thích tiếng hát Thanh Tuyền. Nhạc chuông ông để một bài hát của Thanh Tuyền. Bài Điệu Buồn Phương Nam của ns Vũ Đức Sao Biển. Có lần ông bảo tôi:
- Hát như Thanh Tuyền mới là hát chứ. Làm cái quái gì mà miền nam nó tạo ra biết bao giọng ca quí đến như thế. Còn cái lũ miền bắc toàn nghệ sĩ nhân dân với ưu tú mà phát chán. Tao là chả bao giờ nghe chúng.
Cuối khóa học, tôi tặng ông đĩa VCD Thanh Tuyền kỷ niệm 36 năm đi hát. Ông mừng rối rít. Như vớ phải vàng.
Có lần nói chuyện với kỳ nữ Kim Cương, bà bảo tôi:
- Thanh Tuyền mới ghé cô đó con. Nó vào đây thắp nhang cho má rồi hát bài Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh. Má mê bài này lắm. Mà phải Thanh Tuyền hát mới hay. Giọng còn khỏe ghê con. Chừng đó tuổi rồi mà hát cứ sang sảng. Cô biết Thanh Tuyền lâu rồi mà vẫn ngạc nhiên làm sao nó giữ giọng hay quá.
Mãi gần đây, qua theo dõi một phỏng vấn với Hương Thơ, tôi mới biết bài Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh của ns Nguyễn Văn Tí là bài ruột của Thanh Tuyền khi cô tham gia đoàn Kịch Nói Bông Hồng do Kim Cương lập sau ngày mất nước. Khi được làm live show ở nhà hát lớn Hà Nội trước khi bị cấm về nước hẳn, Thanh Tuyền cũng đấu tranh với những người kiểm duyệt để được hát bài này và bài Chuyện Buồn Ngày Xuân của ns Lam Phương.
Khi ra hải ngoại, may mắn gặp cô Thanh Tuyền nơi nhà hàng tôi làm. Tôi chào xong. Cô chỉ nhìn rồi nói chủ đề khác chẳng liên can:
- Cô thấy con có tướng phú quí. Sau này, con sẽ rất giàu đó. Cô có nghỉ hát mà đến con, đừng có quên cô nhé.
Tôi cười lớn vì nghĩ cô chọc mình. Cô nói:
- Cô nói là phải đúng, cứ giữ lời ấy sau sẽ thấy.
Nói vậy nhưng khi tôi yêu cầu chụp hình lưu niệm thì nhất định không chịu. Chỉ nói khẽ:
- Cô xin con. Cô giờ không như xưa đâu.
Về nhà tìm trên google mới biết Việt Nam thời gian đó đang xầm xì tấm hình Thanh Tuyền với khuôn mặt mộc chụp với ns Nguyễn Văn Đông và cô Thẩm Thuý Hằng. Nghe gì đó, nên có lẽ cô ngại chụp với tôi chăng? Tôi nghĩ vậy.
Đọc báo Đời Chu Tử, tôi thấy hai trường hợp cùng tên Mai, cùng đi thi ca nhạc ở lứa tuổi 9-10 và cùng nổi tiếng là thần đồng. Đó là Khánh Ly (tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai) và Thanh Tuyền (Phạm Như Mai). Nếu tôi nhớ không lầm, phần thưởng cho thần đồng Như Mai lúc đó là một bịch kẹo to tướng mà nhà trường phải gọi xích lô chở cô ca sĩ nhí về tận nhà. Cũng nên biết hai ca sĩ này là hai người đầu tiên hát cho trung tâm Thúy Nga. Năm 1967, khi Thúy Nga ra băng nhạc đầu tiên là băng Ca Khúc Da Vàng với tiếng hát Khánh Ly. Qua hải ngoại, khi Thanh Tuyền còn đang làm cho hãng in bản đồ thì cô Thúy Nga bay từ Pháp sang Houston thăm năm 1982. Suốt đêm không ngủ, cô Thúy tiết lộ với Thanh Tuyền ý định tái lập trung tâm Thúy Nga ở hải ngoại. Tuần sau đó Khánh Ly và Thanh Tuyền bay đi Pháp để cho ra đời cuốn Thúy Nga 1, với một kinh phí mà bìa sau viết là khổng lồ, khoảng 15 ngàn USD thời điểm đó. Lúc Thanh Tuyền bay đi Pháp, người con trai út với người chồng sau, là quan chức cao cấp sở quan thuế của VNCH và cũng là người đem cô ra khỏi Việt Nam năm 1978, mới được hai tháng tuổi.
Cuộc đời Thanh Tuyền là những chuỗi ngày phú quí vinh hoa tột cùng mà cũng bất hạnh nghiệt ngã. 16 tuổi hơn được phát hiện bởi ns Mạnh Phát trong lần ghé thăm Đà Lạt. Ông về nói chuyện cùng ns Nguyễn Văn Đông, sếp sòng đài phát thanh, giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca. Hai người phải nài nỉ bố Thanh Tuyền vì ông không muốn cho cô con gái đi hát. Nhưng rồi gánh nặng 14 người con buộc ông bố gật đầu với điều kiện ns Mạnh Phát nhận Thanh Tuyền làm con nuôi. Chuyện này cũng giúp cô ký contract mà không vi phạm luật vì chưa đủ 17 tuổi. Chỉ sau 3 tháng, ns Nguyễn Văn Đông đưa tiếng hát Thanh Tuyền bay khắp Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng nghe tiếng hát mới lạ từ Đà Lạt mới về đô thành. Thậm chí tiếng hát cô vượt qua lằn ranh vỹ tuyến. Không biết bao anh bộ đội đã tâm sự họ mở đài Saigon chỉ để nghe các ca sĩ miền nam hát, nhất là nghe giọng ca người nữ ca sĩ khả ái này.
Nhưng rồi biến cố 1975 đã đẩy Thanh Tuyền đi vào con đường khác. Gia nhập đoàn Kim Cương, đi hát những bài cách mạng để mong lấy được cái thẻ văn công, làm cần kiếm cơm nuôi 3 con. Còn người chồng thì đã đi trước và mất hẳn liên lạc trong nhiều năm. Lúc mất nước (30/4/1975), Shayla Châu Đình, người con gái út mới hơn 1 tháng tuổi (Shayla sinh 9/3/1975). Chuyến vượt biên đem Thanh Tuyền qua Malaysia. Cuộc sống nơi trại làm Thanh Tuyền có lần quẩn trí tự đâm dao vào bụng tự tử. May mắn cô thoát chết. Vì chuyện đó, sau này ở Houston mấy người lắm chuyện cứ nói Shayla là do Thanh Tuyền bị hải tặc ... Bà T, vợ một tay trống cự phách và là thành viên một ban nhạc nổi tiếng trước 1975, có lần giận quá mà lớn tiếng trước mặt tôi:
- Cái đám ngồi không buôn chuyện hại người. Nói vậy mà không sợ trời phạt cho câm lại. Biết Shayla là cháu ai không? Bà V (phu nhân một vị tướng VNCH nổi tiếng trước 1975) mà nghe được bả vặn họng cho. Giận mấy người này quá. Đồn vậy mà đồn cho được.
Nói vậy rồi bà đứng thở hồng hộc vì tức.
Đương nhiên có những lời đồn cũng không phải là sai. Nhưng đó là chuyện riêng của cô. Chúng ta ái mộ cô thì cứ hãy thưởng thức tiếng hát thôi là đủ rồi. Biết nhiều quá, phỏng có ích chi?
Với người nổi tiếng quá sớm, sống trong vinh hoa phú quí thì chuyện sai lầm này nọ là chuyện đương nhiên. Nhưng dẫu gì mặc lòng, đậu tú tài I như cô thì cũng xem là một nỗ lực đáng ngạc nhiên cho người theo đuổi kiếp cầm ca (Thanh Tuyền học Lê Văn Duyệt)
Mấy năm gần đây, Thanh Tuyền thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong các buổi gây quỹ cho các chùa. Tiếng hát cô vẫn vậy. Vẫn lanh lảnh và ngọt ngào như thửơ nào. Đương nhiên Thanh Tuyền của ngày hôm nay không còn là một Thanh Tuyền của ngày xưa cũ nữa. Thời gian ở trại tị nạn, nhìn thấy cái khổ nhiều người làm cô ngộ ra nhiều điều. Đến như ngày mai thế nào, cô cũng "không biết có còn mà nói chuyện với nhau nữa không, chứ đừng nói là hát", như lời cô tâm sự trong một cuộc phỏng vấn. Đó là lý do Thanh Tuyền vẫn đi hát không phải vì cơm áo gạo tiền mà vì muốn trả ơn khán giả đã bao nhiêu năm thương mến mình và làm từ thiện.
Vẫn biết ngày nào đó, cô phải lui vào bóng tối, nhường sân cho lớp ca sĩ trẻ sau này. Nhưng tên tuổi cô sẽ còn sống mãi trong nền tân nhạc Việt. Một giọng ca kể chuyện tình mà có lẽ hàng trăm năm mới lại có một tiếng hát như thế xuất hiện.
  • CA SĨ GIAO LINH: TIẾNG HÁT NỨC NỞ NGHE NHƯ CỦA GÓA PHỤ KHÓC CHỒNG
    Trong số các ca nhạc sĩ trước 1975, tôi biết và nói chuyện nhiều với ca sĩ Giao Linh nhất. Khi còn sống trong Saigon, cô và tôi ở cùng chung một con đường. Đường CMT8, mà trước 1975 ta vẫn gọi với cái tên Lê Văn Duyệt, hay là Chanson Boulevard dưới thời Pháp thuộc (Trong tiếng Pháp, chữ Chanson có nghĩa là bài hát). Một bữa có công việc phải làm trên quận nhất, tôi tình cờ thấy tấm biển "Giao Linh Quán" trên đường về. Chợt nhớ có đọc đâu đó thông tin cô Giao Linh đã về nước hát và mở quán. Không ngờ nó lại gần nhà tôi đến thế. Vài lần băng qua mà tôi không đủ dũng khí tạt vào đến mãi đến lần thứ 5. Tháng 8/2006, lần đầu tiên tôi diện kiến người có biệt danh "Nữ Hoàng Sầu Muộn".
    Phải nói tôi nghe tiếng hát Giao Linh khá sớm. Nếu tôi nhớ không lầm thì khoảng năm lớp 3 thì phải. Ngày ấy, nơi tôi ở chỉ có hai cái máy hát đĩa. Bà thợ may duy nhất trong làng có gần 3 cuốn album với gần 50 đĩa nhựa trước 1975. Bà thường hay mở Giao Linh vì rất ái mộ giọng hát này. Trong số chừng 5-6 đĩa do Giao Linh ca, tôi chỉ nhớ hai đĩa vì bà mở cho tôi nghe gần như mỗi lần tôi đem đồ nhà lên sửa. Đĩa thứ nhất do hãng Sơn Ca (ns Nguyễn Văn Đông) sản xuất gồm 4 bài: Tâm Sự Hằng Đêm, Hồi Chuông Kỷ Niệm, Năm Phút Cho Em, và Để Nhớ Một Người. Ở cái đĩa thứ 2, tôi nhớ mỗi bài Hai Mùa Sao Sáng. Khi nghe Giao Linh hát, tôi ấn tượng đến độ cứ tua đi tua lại mỗi bài đó đến độ tôi không còn nhớ những bài còn lại tên gì.
    Phải thừa nhận rằng không ai hát bài Hai Mùa Sao Sáng hay bằng Giao Linh. Nghe cô hát, mới cảm hết cái "thần" và "nỗi sầu" trong từng câu chữ. Mùa Noel mà đi chơi cùng người yêu, dừng chân bên quán vắng, không khí lạnh giữa tĩnh lặng bóng tối bao quanh, cùng tiếng chuông từ xa xa vọng lại, cộng với tiếng hát Giao Linh bài "Hai Mùa Sao Sáng" từ máy đĩa phát ra thì không còn gì có thể "phiêu" hơn. Trong khung cảnh ấy, tâm trí con người ta như trôi bồng bềnh trong miền ký ức xa xăm. Quá khứ, thực tại cùng hòa quyện vào nhau. Và nỗi buồn mơ hồ từ sâu thẳm nào đó trong góc khuất tâm hồn trổi dậy như làn sương mù dày đặc lãng đãng bay trước mặt. Nhìn tưởng có thể chạm được bằng tay mà sao không tài nào với tới được. Chỉ thấy cái se se lạnh vương víu đến từng dây thần kinh ở mỗi đầu ngón tay. Rùng mình ớn lạnh như thấy bóng ai lướt qua rèm vải giữa đêm trường.
    Tôi thấy cái bìa đựng đĩa bài Hai Mùa Sao Sáng do Giao Linh ca và bài nhạc khổ A4 phát hành sau đó đều decor và bố cục như nhau. Tuy đơn giản nhưng không tầm thường. Đôi mắt Giao Linh tuy không có gì đặc biệt cho lắm nhưng nhìn vào thấy cả một trời thương nhớ xa xăm. Đến khi đặt đĩa vào máy, tiếng hát như xé toang màn sương mù đục, nhói đau thấu đến tận cùng tâm can mà chẳng rõ vì sao lại thế.
    Tiếp theo đĩa tân nhạc này không lâu, các nhà sản xuất ra đời thêm đĩa tân cổ giao duyên với Hoa Hậu Sân Khấu Mộng Tuyền trình bày. Phần lời nhạc tất nhiên của ns Nguyễn Văn Đông. Kết hợp với phần vọng cổ của soạn giả mang tên Đông Phương Tử. Thật ra, hai cái tên Phượng Linh bên tân nhạc, hay Đông Phương Tử bên cổ nhạc đều là do ns Nguyễn Văn Đông tạo nên (cùng với những cái biệt danh khác như Phương Hà, Vì Dân, Hoàng Long Nguyên). Đĩa tân cổ nhạc Hai Mùa Sao Sáng, với tiếng hát Mộng Tuyền, là bản tân cổ giao duyên đầu tiên trong lịch sử thu băng đĩa của Miền Nam Việt Nam. Đương nhiên là đĩa thắng lớn.
    Trở lại với Giao Linh thì bài Hai Mùa Sao Sáng cô ca ở nhiều nơi. Phần thâu thì ngoài đĩa nhựa như đã nói trên, cô còn thâu video bài hát với bối cảnh tuyết rơi ở Pháp. Tiếc là khi còn bên Việt Nam tôi không hỏi cô là quay ở thành phố nào. Cô chỉ nhắc đến cuốn video bằng nụ cười dòn tan và câu nói nửa thật nửa bông đùa:
    - Cuốn video ấy tốn không biết bao nhiêu là tiền, thời gian và công sức. Nếu không có chú hỗ trợ, chắc khó mà hoàn thành.
    Nói rồi, cô lại cười và nháy mắt tình tứ với chú Sang, tên chồng cô.
    Tuy cô không nói, nhưng nhìn vào khung cảnh trong đoạn phim và hình ảnh mờ mờ hậu cảnh nhà thờ phía sau ở phút 1:45' đến 1:50', tôi đoán có lẽ đó là nhà thờ chính tòa Reims, một thành phố vùng Champagne-Ardenne, cách Paris 129 cây số về phía Đông Bắc.
    Trong cả hai bản thâu, đĩa nhựa và video, tôi thích bản thu mới hơn. Không đơn giản là vì kỹ thuật hay hình ảnh đẹp, mà tiếng hát Giao Linh thâm trầm và sâu lắng hơn. Có lẽ Noel với cuộc sống nơi xứ người làm tiếng hát Giao Linh nghẹn ngào và nức nở hơn. Nếu bản đĩa nhựa là tâm trạng hai kẻ yêu nhau khi đi lễ đêm đông, thì bản video là tiếng khóc khi đôi đứa đôi đàng cách biệt ngày Chúa sinh ra đời mà không biết ngày nào mới gặp lại.
    Giao Linh cũng hát hay hơn bất cứ ca sĩ nào bài Những Đóm Mắt Hỏa Châu (ns Hàn Châu). Tôi nhớ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, cuối làng có quán cà phê nằm không xa nghĩa trang. Ban đêm chỗ ấy vắng lặng đến tê người. Vậy mà, thỉnh thoảng cuối tuần tôi lại hẹn cô bạn ra quán. Chẳng biết vì cà phê ngon, hay vì ít người qua lại không phát hiện chuyện mình, hay đơn giản chỉ vì quán lúc nào cũng mở tiếng hát Giao Linh. Mà lạ, trăm lần như một, sáng tối như nhau, bà chủ quán lại mở cái băng nhạc có bài Những Đóm Mắt Hỏa Châu trong ấy. Ban sáng, chỗ ấy có cái chợ bé bé bán đồ ăn sáng và tôm cá người ta đánh bắt ban mai. Cô em có lần về nhà nói lớn:
    - Em phải công nhận là cô Giao Linh hát bài Những Đóm Mắt Hỏa Châu hay thiệt. Băng có cả chục bài, mà cứ đến bài đó là ai cũng im phăng phắc để nghe. Cô bán bánh canh cứ chép miệng, "Trời ơi, người gì mà giọng ca hay dữ vậy? Nghe hoài không ngán".
    Ngoài hai bài trên, những bài như Lòng Mẹ, Nhật Ký Đời Tôi, Màu Tím Pensee, Ga Chiều Phố Nhỏ, Đêm Ru Điệu Nhớ, Tà Áo Cưới... là những bài mà chỉ có tiếng hát Giao Linh mới truyền tải trọn vẹn cái "thần" trong từng lời ca, nốt nhạc. Đến như bài Chuyến Đò Vỹ Tuyến vốn nổi tiếng với tiếng hát Hoàng Oanh thì giọng Giao Linh nghe thổn thức hơn. Đương nhiên là tùy từng cảm nhận của từng người và từng thời điểm, cách đánh giá cũng khác nhau. Trên đây chỉ là nhận định mang tính cảm quan của người viết.
    Giao Linh lẫn Thanh Tuyền đều là học trò cưng của ns Nguyễn Văn Đông. Giữa hai ca sĩ dường như đều có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên. Cả hai đều có sinh ra trong gia đình nghèo khó. Nhà Thanh Tuyền 14 người con, nhà Giao Linh 7. Cả hai ông bố đều khó và cấm cản chuyện hát hò. Nếu Thanh Tuyền nhờ cậu chỉ dạy, thì Giao Linh nhờ mẹ kêu thầy dạy lén mà theo đuổi con đường âm nhạc. Tuổi cả hai bằng nhau (1949) và thành danh cùng lứa tuổi 17 (1966). Giao Linh thì đoạt giải Kim Khánh năm 1966, đại diện cho Air Vietnam. Thanh Tuyền thì đoạt giải tiếng hát trên đài phát thanh Đà Lạt, hình như với bài Nắng Đẹp Miền Nam của ns Lam Phương thì phải, lúc mới 9- 10 tuổi.
    Giao Linh thành danh do công ns Thu Hồ phát hiện. Ngày ns Thu Hồ nói Giao Linh đến gặp ns Nguyễn Văn Đông, cô nhỏ bé đến độ "không dắt nổi chiếc xe Vélo Solex băng qua hiên nhà”, như lời ns Hải Ngoại Thương Ca nhớ lại. Rồi ông tự hỏi: Người thì nhỏ bé như thế thì liệu có hơi đâu mà ca với hát? Nhưng rồi nể lời ns Thu Hồ, bố ca sĩ Mỹ Huyền, ông vẫn cho Giao Linh thử giọng. Và điều ngạc nhiên là dù người hạt tiêu, nữ ca sĩ “Lòng Mẹ” hát được đến quãng 8 với một nội lực đáng khâm phục (Tối đa là quãng 9). Một hợp đồng độc quyền 3 năm đưa tên tuổi Giao Linh lên hàng ngôi sao trên bầu trời ca nhạc Saigon, với vô số những tiếng hát thượng thặng mà nền âm nhạc Việt Nam hiện nay và đến nhiều năm sau sẽ không bao giờ có lại được.
    Từ ngày Giao Linh về nước, năm 2000, đã có nhiều bài báo viết về cô. Tưởng không nên nhắc lại ở đây vì bạn đọc có thể dễ dàng tìm ra nhiều thông tin của Nữ Hoàng Sầu Muộn trên mạng xã hội. Trong bài này, tôi chỉ kể thêm 1 số kỷ niệm về cô.
    Lần gặp đầu tiên, tôi chọn một bàn nhỏ gần cửa ra vào trong Giao Linh Quán và nhìn cô đang nói chuyện cùng chồng và vài nhạc sĩ. Tôi gọi người chạy bàn lại và nói nhỏ xin được nói chuyện riêng. Cô ra chào tôi bằng một tiếng cười nhẹ trong cổ họng. Tôi mỉm cười đáp lễ, rồi chỉ nói:
    - Cô vẫn vậy. Con vẫn nhận ra cô.
    Giao Linh nhìn tôi, thoáng ngạc nhiên qua ánh mắt. Tôi chẳng nói gì thêm, chỉ chìa ra hàng loạt bài báo viết về cô trên báo chí trước 1975, những đĩa nhựa, và những tờ nhạc A4 có hình cô trang đầu. Cô có vẻ ngạc nhiên:
    - Làm sao trẻ như con mà có những thứ này?
    Rồi cô gọi chồng mình đến, chìa cho xem và nói chuyện cùng tôi. Nhờ gần nhà, tôi đến quán cô gần như mỗi tháng. Do thế, tôi may mắn gặp mặt nhiều ca nhạc sĩ nổi tiếng ngày cũ mà tôi chỉ nghe tên hay thấy trên báo như hề Tùng Lâm, ca sĩ Tâm Vấn, ca sĩ Trang Mỹ Dung ... Ngày nọ, tôi thấy mấy người dìu vào quán một người đàn ông gày gò nhưng cao, chống nạng đi lại khó khăn. Giao Linh ngưng câu chuyện với tôi, kéo ghế đứng dậy tiếp khách. Khi quay lại, cô thì thầm:
    - Con biết ai không?
    Chưa kịp trả lời, đã thấy cô nói nhanh:
    - Nhạc sĩ Khánh Băng đấy. Tội lắm con. Ổng đi không thoát, tụi nó đánh nhiều quá mà ra nông nổi vậy đó. Chi mà ác quá.
    Nói xong, cô trầm ngâm làm không khí xung quanh như trầm xuống. Phải nói, quyết định về hát năm 2000 của cô là một bước ngoặc táo bạo. Kim Anh hay Lê Uyên về Việt Nam hát từ những năm đầu thập niên 1990s. Hồi đó chuyện này được xem như một trong những một sự kiện gây chấn động làng văn nghệ giữa hai bờ đại dương. Nhưng Giao Linh về và định cư lâu dài ở Việt Nam để phát triển sự nghiệp thì có thể gọi là tiền phong.
    Có những khó khăn ban đầu tưởng không vượt qua được. Nếu lần đầu Thanh Tuyền về năm 1997 chịu tang mẹ bị hải quan nạt nộ vì không chịu bỏ mắt kiếng, che mắt sưng vì khóc, thì Giao Linh cũng sốc khi cô hát trước ban kiểm duyệt và bị phàn nàn:
    - Hát gì mà buồn thế. Hát gì vui vui ấy chứ. Thế này thì thật là ... Ối giời ơi! Buồn quá ...
    Kinh nghiệm của những lần như thế giúp Giao Linh biết cách chỉ giáo cho những ca sĩ về sau này. Như Tuấn Vũ chẳng hạn. Cô nói tôi:
    - Cô cứ nói Vũ. Cứ mặc kệ họ nói gì thì nói. Đã chấp nhận về là mình vì người thương mến mình. Khán giả là người trả tiền nghe mình hát, nên mình nghĩ đến họ trước. Chú ý gì đến những lời khó nghe của những người kiểm duyệt chương trình.
    Đương nhiên còn nhiều chuyện hậu trường mà tưởng không nên nói hết trong bài viết này. Tôi cũng không bàn về chuyện đúng sai khi cô quyết định bỏ hết mọi sự để về Việt Nam. Những chủ đề ấy tưởng cần có thời gian và được trình bày trong một bài riêng thì hay hơn. Chỉ biết rằng, trước khi chúng ta trách các ca sĩ về Việt Nam hát, hãy đặt mình vào vị trí của họ rồi lên tiếng mắng nhiếc cũng không muộn. Ở đây, tôi không muốn đề cập đến chủ đề chính trị rồi tự bào chữa cho các ca sĩ về nước bằng cách lập lại câu nói mà ai cũng đã từng nghe:
    - Xin để nghệ sĩ ra ngoài những bàn tán đụng đến chính trị. Là nghệ sĩ, họ chỉ biết đến khán giả chứ không quan tâm hát ở đâu hay chính thể đó là gì bla bla bla.
    Nhưng tôi chỉ nói rằng, có những chuyện "Thấy vậy mà không phải vậy. Như vậy mà không đúng vậy". Càng ngày khi ra đời nhiều, tiếp xúc nhiều nhân vật nổi tiếng, tôi phải thừa nhận Nữ Hoàng Sầu Muộn là người rất khôn ngoan trong đời sống và khéo ăn nói trong giao tiếp. Đời cô, tuy mang tiếng là "bé hom hem", nhưng lại nổi tiếng là tay quần vợt có hạn (cùng với Phương Hồng Quế bên tennis). Hát trên sân khấu thì không bao giờ thấy cười, nhưng bên ngoài thì cô xả ga và những trò nghịch ngầm thì không ai lại. Cho nên, đừng cho mình hiểu hết mọi sự nếu chỉ nghe nói lại hay tin vào những bàn tán dư luận. Nhưng hãy đánh giá ai đó nếu mình đã tiếp xúc qua tìm hiểu kỹ bằng tất cả các giác quan mà tạo hóa ban tặng cho mình. Viết vậy, tôi hy vọng bạn đọc hiểu những gì tôi muốn nói.
    Tuy Giao Linh mời đi nghe cô hát nhiều lần, nhưng tôi chỉ có diễm phúc hai lần. Một lần với cô bạn cùng trường. Cô bạn mới chỉ 22 tuổi, nhưng ghiền tiếng hát Giao Linh cách đặc biệt. Cô nói:
    - Mẹ em thích cô Giao Linh lắm. Mê từ nhỏ đến nay gần 50 mà vẫn ghiền. Vẫn sưu tầm tape nhạc như con nít. Nghe Giao Linh đi hát ở đâu cũng mua vé đi theo thần tượng. Giờ cả nhà em cũng y như mẹ. Nam hay nữ trong nhà, về nhà là mở Giao Linh.
    Tôi kể Giao Linh nghe, cô cười:
    - Vậy mà có người nói khán giả của cô chỉ là mấy bà già đó con.
    Nói vậy rồi cô cười to. Tiếng cười không lẫn vào bất kỳ ai. Sau này có lần được cô mời đến phòng trà Tiếng Xưa của cô Xuân Hòa, tôi chứng kiến 1 nhóm thanh niên mình mẩy xâm trổ, chạy 4-5 chiếc xe phân khối lớn dừng lại trước cửa rồi nói lớn:
    - Hôm nay cô Giao Linh hát hả? Bán cho 10 vé vào ủng hộ cô coi.
    Tiếc là hôm đó phòng trà đông đến không còn chỗ ngồi, nhiều người phải đứng nghe. Anh chàng chạy xe đầu tiên nói:
    - Thôi cả đám vỗ tay chào cô rồi hôm khác có dịp lại đến ủng hộ cô vậy.
    Tôi vẫn nghĩ mãi đến chuyện đó mãi về sau này, rồi tự hỏi sao những ca sĩ trước 1975 lại có thể tài năng để khán giả còn nhớ đến mình sau chừng ấy năm đi hát đến như vậy. Nó làm tôi nhớ 1 câu Giao Linh hay nói trên báo. Cô nói:
    - Theo tôi, đường ca hát thấy dài mà ngắn, đạo đức cư xử với mọi người xung quanh mới là con đường dài, (...) tôi vẫn nhớ lời dạy của nhạc sĩ Thu Hồ: "Nghề ca hát này đa đoan lắm, có tài mà thiếu đức là không lâu dài...". Tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay chính là luôn luôn khắc ghi câu nói ấy.
    (Ký giả Minh Phong, 20 tháng 8 năm 2011. Bài báo “Ca sĩ Giao Linh: Bạn đặt cho tôi nghệ danh may mắn”. Báo điện tử Kiến thức ngày 6 tháng 5 năm 2013).
    Cũng như những tên tuổi khác, rồi có một ngày chúng ta sẽ phải từ biệt cô. Sẽ chẳng còn thấy cô cúi mình hướng về phía có ánh đèn flash lóe lên mỗi khi có khán giả muốn chụp mình. Tất cả rồi sẽ tàn theo tháng năm. Nhưng tiếng hát của Giao Linh thì còn trường tồn thêm nhiều năm nữa khi người ta nhắc đến nền tân nhạc Việt Nam.

No comments:

Post a Comment