Wednesday, February 1, 2017

NAM MO A DI DA PHAT.

Tại Yến sào có một vị sư bà, pháp danh Ngộ Quang, bà từng đóng cửa hơn mười năm tu trì nghiêm túc. Bà có hai lời dạy nêu ra được tâm cảnh của bà, hết sức hay giản đơn mà sâu sắc, quả là một sự biểu lộ tín tâm, nguyện lực đầy đủ. Bà dùng âm thanh rất nhẹ nhàng, tự tại, rất ôn hòa nhu nhuyễn mà nói: “Không có việc nào gây ưu sầu, không có việc nào gây hối hả”, đây là hoàn cảnh sinh hoạt rất tốt đẹp, nghe được thì cảm thấy thân và tâm rất mát mẻ. Một người chân thành tin vào Phật lực, tin vào tự tính, tín tâm đầy đủ thì không có việc nào gây ưu sầu, mà đều vãng sanh Cực Lạc, ưu sầu mà làm gì? Đối mọi sự ở thế giới Ta Bà, không còn quái ngại chấp trước thì không bị áp lực bức bách, không bị chuyện gì gây hối hả, mà tất cả đều hết lòng hết sức để hoàn thành tốt đẹp thì tự nhiên công việc được hoàn thành tốt đẹp. Hối hả cũng không thể nhanh hơn, không hối hả cũng không thể chậm hơn. Không thể để cho tâm tư lãng phí vì hối hả thì mới có thể thực sự hết lòng hết sức mà làm việc, lại có thể nhanh nhất trọn vẹn nhất!
Có người hiểu nhầm rằng nguyện vãng sanh Cực Lạc không dính mắc gì với thế giới Ta Bà thì không cần phải làm việc gì cả. Thật ra thì trái ngược lại, không dính mắc là không dính mắc với danh lợi cá nhân, không dính mắc với lợi hại, được mất của chính mình, mà trái lại tâm tình vui sướng, tâm cảnh rộng rãi, làm cái gì thì toàn tâm toàn lực mà làm, không lãng phí tâm tư vì so đo, hoặc gấp rút âu lo, làm việc gì cũng đều vui vẻ hết lòng hết sức, lại cảm thấy trong lòng thanh thản không có việc gì, không mệt mỏi. Như thế cũng giống như Bồ Tát Quán Thế Âm do trong lòng vô vi mà khởi lên tâm từ bi thì mới có thể toàn tâm toàn lực giúp chúng sanh dứt khổ, ban vui.
Điều chủ yếu của nguyện sanh Cực Lạc là sự điều chỉnh phương hướng và tiêu điểm của nội tâm, hoàn toàn không phải có sự sinh hoạt hình thức nào đó, đầy đủ một biểu hiện bên ngoài nào đó, hoặc phải làm một số sự việc thì mới là nguyện vãng sanh Cực Lạc. Câu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ: Có một vị sư trồng rất nhiều hoa lan. Một hôm khi ông có việc phải rời chùa, người đệ tử vô ý làm vỡ một chậu lan rất quí, rất đẹp, người đệ tử rất lo lắng sợ rằng khi sư phụ trở về sẽ quở mắng ông. Không ngờ, vị sư trở về chỉ mỉm cười, người đệ tử bèn hỏi: “Vì sao thầy không giận?” Vị sư đáp: “Ta vì muốn làm cho cảnh trí trở nên đẹp đẽ, khiến mọi người an vui mới trồng hoa lan, chứ không hề muốn nóng giận mà trồng hoa lan, cho nên chậu vỡ cũng không nóng giận!”
Câu chuyện trên gây cho chúng ta một ấn tượng thâm sâu. Một số người không những trồng hoa lan, mà có thể làm bất cứ việc gì cũng không tự chủ, lại bị dính mắc vào sự thành bại, được mất của sự việc, cảm thấy thành quả bị hư hoại, những mất mát không kể là hoa cỏ bị chết, hoặc đồ vật bị hư hoại, hoặc thi không đậu, hoặc con cái không nghe lời thì họ buồn bã phiền bực, đây cũng là uổng tử tại Ta Bà! Vị sư ấy nói đúng, “Ta hoàn toàn không muốn nóng giận mà trồng hoa lan”, ngài hiểu rất rõ động cơ mục đích của mình, có thể nói nguyện của ngài là an vui cùng với mọi người, và nguyện đồng sanh Cực Lạc, không hề nóng giận mà uổng tử tại Ta Bà.
Ta tự phản tỉnh, cảm thấy rất hổ thẹn không được như ngài! Vì có lúc làm việc, nguyện ban đầu là vãng sanh Cực Lạc, nhưng đến nửa chừng thì gặp trở ngại, mà bỗng nhiên uổng tử tại Ta Bà, lại tạo ra năm loại rác rưởi lớn là tham (tham lam) sân (nóng giận), si (ngu muội), mạn (kiêu ngạo), nghi (nghi ngờ).Thực ra thì phải giống như ngài mới là cái nguyện chân chính, trước sau như một, vẫn giữ gìn sự an vui thanh tịnh, gặp phải hoàn cảnh thuận hay nghịch, tâm cũng không thoái chuyển, không để cho đây đó rơi vào cái địa ngục thâm sâu của sự nóng giận, khổ đau.
Nếu trong sinh hoạt hàng ngày, con cái bạn phụ giúp việc mà lỡ đánh vỡ chén, làm hư đồ dùng, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, chỉ ôn tồn dạy bảo chúng, không giận dỗi không la mắng.
Khi về nhà, phát hiện bị trộm, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc mà vui vẻ bố thí, không sợ hãi âu sầu.
Giả như chồng bạn có ngoại tình, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, mà không nóng giận lại đối với chồng càng tốt hơn; trong công việc bếp núc, bạn vẫn nguyện vãng sanh Cực Lạc, vui vẻ lau chùi nồi niêu sạch sẽ.
Bạn bè có hiểu lầm bạn, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc mà không đau buồn, vì đức Phật A Di Đà hiểu bạn.
Hôm nay ăn được món ăn ngon, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, không vì tham ăn mà uổng tử tại Ta Bà.
Bạn trai hay bạn gái có đối xử tốt với bạn, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, hiểu rằng Đức Phật A Di Đà đối với bạn tốt hơn, lại còn mãi mãi không thay lòng. Được như thế thì mới có thể ngay đây mà an lạc, nếu không thì khổ vẫn là khổ, giận vẫn là giận, ngoại trừ phải uổng tử ra thì không được gì cả. Sao bằng lấy uổng tử mà đổi thành vãng sanh!
Nếu trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể luyện tập, nêu cao nguyện vãng sanh Cực Lạc mà niệm Phật, thì khi sắp chết, nguyện lực sẽ mạnh mẽ, không có chướng ngại.
Mong rằng mọi người đều thuộc bài “kệ phát nguyện” mà trong các khóa tụng tại chùa thường được tụng:
Nguyện khi lâm chung không chướng ngại 
Di Đà Thánh chúng đến tương nghinh 
Xa rời ngũ trược, sinh tịnh độ 
Trở lại Ta Bà độ hữu tình.

Trước đây chúng ta đã nói: Có thể nói tâm niệm, sinh mệnh của chúng ta đều sinh, đều diệt trong từng sát na, cho nên lúc nào cũng là lâm chung. Do đó:
Câu thứ nhất: “Nguyện khi lâm chung không chướng ngại” cũng có thể nói là”Nguyện tôi thời thời không chướng ngại”. Bảo rằng chướng ngại là chúng ta vọng tưởng, chấp trước mà tự mình sinh ra chướng ngại. Muốn “không chướng ngại” thì tự mình phải quyết tâm buông bỏ.
Câu thứ hai: “Di Đà Thánh chúng đến tương nghinh”. Để đề tỉnh chính mình, thông thường chúng ta niệm thành “Di Đà Thánh chúng thường tiếp dẫn”, cũng chính là hy vọng đức Phật A Di Đà và tất cả Thánh chúng, giờ nào phút nào cũng liên tiếp với tâm của ta, tương tiếp thông suốt, luôn luôn dẫn đạo ta.
Câu thứ ba: “Xa rời ngũ trược, sinh tịnh độ”. Chỉ nguyện tâm của ta mau mau buông bỏ những thứ “rác rưởi”, mau mau thoát rời mọi ô nhiễm của những ác niệm, khôi phục lại sự thanh tịnh của bổn tính mà luôn luôn sinh hoạt trong sự an lạc của Tịnh độ.
Được như thế thì mới :”Trở lại Ta Bà độ hữu tình” và đồng thời mãi mãi vui mừng độ chúng sanh, mãi mãi không mệt mỏi, mãi mãi không chán nản.
Nguyện tôi thời thời không chướng ngại 
Di Đà Thánh chúng thường tiếp dẫn 
Xa rời ngũ trược sinh Tịnh Độ 
Mãi mãi vui mừng độ chúng sanh.


PHẦN 4 - SỰ KHIẾM KHUYẾT BIẾN THÀNH HOA SEN QUÝ
***
Khi đang bệnh, cha tôi gửi cho tôi một tấm thiệp. Trên thiệp chỉ viết mấy câu. Đó là lời dạy bảo vô cùng quan trọng đối với tôi, đồng thời khiến tôi nhớ ơn sâu sắc. Ông hỏi tôi:
“Sâu róm biến thành bươm bướm?”
Ai giúp nó trang điểm?
Ai dạy nó bay lượn?
Vì sao từ một con sâu xấu xí, bò chậm chạp lại biến thành một con bướm vừa đẹp vừa biết bay?
Con sâu róm đã có thể biến thành con bươm bướm, thì thứ kém cỏi cũng có thể biến thành hoa sen quý, phàm phu cũng có thể biến thành Phật!
Lần nọ, có người gửi cho tôi một chậu thạch liên thuộc loại màu lục đậm, lá rộng. Một hôm tôi phát hiện trong cây có một con sâu, cắn hết mấy ngọn lá. Một đóa hoa thạch liên trở nên khiếm khuyết. Tuy có mất mấy ngọn lá nhưng vài ngày sau tại mỗi chỗ lá bị mất lại mọc ra một đóa thạch liên nho nhỏ mà lại hoàn chỉnh, biến thành hoa trong hoa, so với hoa vốn có lại càng xảo diệu, càng đẹp đẽ càng dễ thương hơn! Tôi trông thấy thế thì rất cảm động, cảm động đến nỗi ôm lấy cây thạch liên mà cảm tạ sự thuyết pháp của nó, vì nó đã dạy cho tôi một sự việc rất quan trọng, đó chính là bỏ đi một ngọn lá thì có thể lớn thành một đóa, chỗ bị hư hại có thể biến thành một đóa sen đẹp đẽ hơn, hoàn chỉnh hơn.
Cuộc sống của chúng ta cũng đâu khác gì, quá trình tu hành của chúng ta cũng như thế. “Tu hành” chính là tu sửa hành vi, đem sự sai lầm khiếm khuyết mà tu chỉnh đổi mới, biến thành một đóa “sen quý” hoàn chỉnh. Ta bỗng nhiên hiểu được, bài kệ đầu của chú Lăng Nghiêm vẫn được niệm hằng ngày trong khóa buổi sáng.
“ Trong ánh sáng sen quý ngàn lá mọc ra 
Có hóa thân Phật ngồi trong hoa quý”...

Có thể sen quý ngàn lá của đức Phật là do tu như thế! “mất đi một lá, mọc ra một đóa”, cứ mất đi một lá thì mọc ra một lá mới; bỏ đi lá nhỏ, có thể mọc ra đóa lớn, cứ như thế mà liên tục “sửa đổi lỗi lầm, sinh ra trí tuệ”, thành tựu được sen quý ngàn lá sáng ngời.
Như Lai ngồi trong hoa quý ấy. Cũng là bùn dơ mà dùng được thì nở ra hoa sen, không dùng được thì bị ô nhiễm. Cũng là lỗi lầm, có khiếm khuyết mà sẵn lòng tu sửa thì thành ra sen quý ngàn lá; không chịu sẵn lòng tu sửa thì thành thạch liên khô héo.
Trong đời chúng ta thường có nhiều khiếm khuyết gây đau khổ. Có người bị trắc trở hôn nhân, có người mất người thân, có người gặp thiên tai, bệnh tật, xe đụng, có người gặp điều oán ghét, khổ đau không nói được, có người thất bại sự nghiệp, cảnh ngộ éo le...đủ mọi thứ không như ý, đều cũng như thạch liên bị hư hại, mất lá. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta theo tinh thần thạch liên, mỗi khiếm khuyết đều có thể sửa đổi để trở thành hoa sen quý đẹp đẽ, trang nghiêm hơn.
Dưới đây là những ví dụ cụ thể...

No comments:

Post a Comment