Monday, November 28, 2016

Ái Vân

Có nơi nghe tin tôi đến hát, ai đó đã căng biểu ngữ: “Đả đảo Việt cộng Ái Vân!”. Tôi chỉ biết ngồi khóc. Chưa bao giờ tôi lại cảm thấy thân phận người nghệ sĩ lại mong manh đến thế. Họ không có gì cả ngoài lời ca tiếng hát nên khi bị vùi dập, họ chỉ biết kêu trời…
ca_si_ai_van_nhung_vinh_quang_va_cay_dang_o_hai_ngoai_49277_motthegioi_resizeNăm 1993 ông xã có job (có việc làm – BBT) ở Mỹ, cả nhà tôi chuyển sang Mỹ luôn. Lúc này tôi đã có giấy tờ chính thức là cái passport theo điều luật 51 của Đức công nhận cho tị nạn nhân đạo, người Việt ở Đức vẫn gọi tắt là pass 51. Có hộ chiếu, từ nay tôi đã có thể bay đi khắp nơi trình diễn đàng hoàng chứ không phải đi chui trong châu Âu như trước.
Thúy Nga Paris liền tổ chức một tour diễn tại Úc châu và Bắc Mỹ với nhiều tên tuổi quen thuộc của hải ngoại, chỉ mình tôi là ca sĩ mới lần đầu xuất hiện. Là một ca sĩ đi từ miền Bắc nhưng tôi đã đi trình diễn khắp châu Âu, Úc châu và Bắc Mỹ, ở đâu cũng được khán giả thương mến và ủng hộ nhiệt tình, cho đến một ngày…
Sau nhiều năm chỉ thu hình ở Paris, năm 1993 lần đầu tiên Thúy Nga tổ chức ghi hình live tại một sân khấu lớn ở Nam California, đó là rạp hát Cerritos Center for the Performing Arts, nhân kỷ niệm “Paris by Night 10th Anniversary”. Buổi chiều tổng duyệt xong chờ đến tối sẽ ghi hình trực tiếp, bỗng thấy xì xào, nhiều gương mặt nhìn tôi e ngại và khác lạ. Một số nghệ sĩ thái độ gượng gạo không bình thường. Chí Tài gặp riêng tôi, nói: “Nghe nói có nhiều người chống chị lắm”. Tôi tái mặt hỏi và được biết: “Có ba ca sĩ không muốn hát chung sân khấu với Ái Vân” – “Lý do?” – “Ái Vân là ca sĩ Việt cộng”.
Trước một cuộc gần như là “nổi loạn” của mấy ca sĩ này, ai nấy đều hoang mang. Toàn bộ vé đã bán hết, tiết mục thì sắp xếp tập dượt đâu vào đấy xong xuôi, chỉ vài ba tiếng đồng hồ nữa là mở màn, vậy mà nội bộ thì lại đang quá rối ren. Lập tức Ban Giám đốc của Thúy Nga Paris yêu cầu họp khẩn toàn đoàn.
Cô Tô Ngọc Thủy tức Marie To và chồng là Huỳnh Thi tức Paul Huynh đại diện cho nhà sản xuất nói đại ý: Đây là lần đầu tiên Thúy Nga tổ chức ghi hình trực tiếp trên sân khấu lớn của Mỹ với chi phí tốn kém nhất từ xưa đến nay. Anh chị em nghệ sĩ và Thúy Nga Paris đã phải làm việc cật lực một thời gian dài mới có được chương trình này. Cô Ái Vân cũng là nghệ sĩ như mọi người thôi.
Cô hát bên Pháp mấy năm không sao mà tại sao sang bên này lại có chuyện như thế. Mong mọi người suy nghĩ và làm ơn giúp Thúy Nga ghi hình cho xong chương trình này… Nói tới đây, cô Thủy bật khóc, Huỳnh Thi và nhiều người của Thúy Nga Paris cũng khóc. Tôi thì tủi thân nên khóc mùi mẫn luôn.
May sao mọi chuyện êm thấm, không còn vụ “đảo chính” nào nữa. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Văn nghệ thì một cái lạ bằng tạ cái quen. Lúc đó Ái Vân là nhân tố lạ, mới nên rất được đón chào. Vì là ca sĩ độc quyền nên tôi được Thúy Nga tạo mọi điều kiện thu video, audio và hát trong hầu hết các show diễn do Thúy Nga tổ chức ở Mỹ và Canada. Khi được Thúy Nga giới thiệu cho tôi bài Trăng sáng vườn chè của nhạc sĩ Văn Phụng, phổ theo lời thơ Nguyễn Bính, tôi thích ngay. Lời ca khiến tôi hình dung ra cảnh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”.
Ca sĩ Ái Vân cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Ca sĩ Ái Vân cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Trung tâm Thúy Nga sản xuất đến cuốn Paris by Night 17 thì có sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Trước đó Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã làm MC cho Paris by Night, nhưng từ khi có Nguyễn Ngọc Ngạn thì cặp đôi MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Nguyễn Ngọc Ngạn là cặp bài trùng của Paris by Night suốt từ đấy cho đến bây giờ. Nguyễn Ngọc Ngạn vốn là nhà văn nên anh rất giàu kiến thức, vốn sống lại thêm sự duyên dáng, hóm hỉnh đã kết hợp khéo léo vốn văn học vào phần MC của mình.
Đứng bên anh Ngạn là một Nguyễn Cao Kỳ Duyên trẻ trung, thông minh, duyên dáng và không kém phần hóm hỉnh đã mang lại cho khán giả những trận cười nghiêng ngả, những giây phút thú vị và bổ ích. Nói đến Thúy Nga thì không thể không nói đến đôi MC Nguyễn Ngọc Ngạn – Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Elvis Phương và tôi hát cặp liên tục một thời gian nên Thúy Nga cũng muốn thay đổi. Được biết Nguyễn Hưng nổi tiếng từ năm 17 tuổi khi anh đoạt giải Kim Khánh môn khiêu vũ do nhật báo Trắng Đen tổ chức tại Sài Gòn, anh vừa sang định cư tại Canada năm 1992. Sở trường Nguyễn Hưng là hát và nhảy. Khi mời Nguyễn Hưng về cộng tác, Thúy Nga có ý định cho tôi ghép đôi với ca sĩ này. Đang đà thắng lợi của liên ca khúc, tôi đề nghị Nguyễn Hưng cùng làm nhạc cảnh Tấm Cám, anh vui vẻ nhận lời. Tôi bàn với anh Nhật Ngân, anh khoái chí lắm, nói: “Ok! Làm luôn”.
Ái Vân với Elvis Phương trong “Bài ca sao” của nhạc sĩ Phạm Duy
Ái Vân với Elvis Phương trong “Bài ca sao” của nhạc sĩ Phạm Duy
Năm 1997, tại Houston, Texas diễn ra giải Kim Khánh để vinh danh các ca sĩ hải ngoại, tôi được giải Kim Khánh ca sĩ hát dân ca hay nhất. Có một trái ngược thú vị là ở trong nước tôi được giải về nhạc nhẹ, ra hải ngoại lại được giải dân ca. Vui nhất là sống dưới mái nhà Thúy Nga Paris, tôi được thỏa sức tung hoành thể nghiệm trong nghệ thuật. Có những điều trước đây chỉ có trong mơ ước như làm liên khúc, nhạc cảnh lấy từ kho tàng truyện cổ dân gian… thì khi về với Thúy Nga tôi được ủng hộ hết mình.
Với người nghệ sĩ, không có gì vui hơn. Niềm vui chẳng tày gang, giữa lúc cảm thấy sung sức nhất trong nghệ thuật, tôi chợt phát hiện mình bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Những năm 1999 – 2000 là thời gian tôi có lịch diễn dày đặc, hầu như tuần nào cũng đi hát. Hàng tuần cứ đến thứ năm là xếp đồ đạc để thứ sáu bay show, hát ngày thứ bảy rồi chủ nhật bay về. Tuần nào cũng vậy, thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ có ngủ. Đến thứ năm lại xếp va li chuẩn bị đi. Nhân ngày nghỉ đầu tuần tôi lấy hẹn đi khám sức khỏe định kỳ. Hôm ấy bác sĩ Rebecca Phan Bích Vân khám cho tôi bỗng nói: “Chị có cái gì trong ngực ấy. Chị đi làm mammogram (chụp nhũ) kiểm tra ngực đi” – “Cái gì chị?” – “Có một cái gì rất kỳ, chị cố gắng chụp xong thì mổ đi nhé”.
Tôi đi làm mammogram theo yêu cầu của bác sĩ Vân nhưng chẳng thấy gì. Cô kỹ thuật viên đưa phim cho bác sĩ đọc ngay nhưng cô nói bác sĩ không thấy có gì bất thường. Tôi yên tâm vào toilet rửa tay chuẩn bị đi về. Nhưng khi xong việc đi ra tôi bỗng thấy cô kỹ thuật viên đứng ngay trước cửa: “Xin lỗi bà cho tôi chụp lại một lần nữa”. Lại vào chụp, xong, tôi về nhà và vẫn đinh ninh không có vấn đề gì. Ba tuần sau bác sĩ Vân gọi: “Chị à, chị đã đi mổ chưa?” – “Mổ gì cơ?” – “Thì đi mổ lấy cái hạt ấy ra.” – “Hạt nào? Bác sĩ xem phim bảo không có gì.” – “Chị có máy fax không, bật lên đi, em sẽ gửi kết quả chụp hôm trước cho chị”.
Kết quả chụp hình có hình vẽ rõ ràng cho thấy có một hạt nhỏ 1-2 cm2 ở ngực phải. Tôi sờ vào thấy cứng. Khi đó mới hoảng, theo chỉ dẫn của bác sĩ, chúng tôi lập tức liên lạc với bác sĩ giải phẫu Hillsdale xin cái hẹn gặp ông.
Tôi ngưng hết các hoạt động biểu diễn để tập trung chữa trị. Mấy lần hóa trị làm tôi kiệt sức, đầu trọc lóc không thiết làm gì hết. Tôi rút khỏi Thúy Nga Paris từ đó. Bệnh tật làm tôi mệt mỏi không muốn hành nghề nữa, cộng với vài ba chuyện đàn bà vớ vẩn khiến tôi và Thúy Nga xa nhau. Rất đáng tiếc nhưng cũng phải thôi.
Mười năm gắn bó với Thúy Nga Paris, tôi như con tằm đã nhả cạn tơ nên đôi lần tôi ngỏ ý với Thúy Nga Paris xin được rút lui, nhưng cô Thủy – Marie To không chấp nhận. Đến lúc này tôi chia tay với Thúy Nga Paris là vừa. Chỉ tiếc cuộc chia tay có chút vị đắng. Dù rất buồn vì cái kết không vui nhưng trước sau tôi vẫn nói rằng trong mười năm về với Thúy Nga là mười năm hạnh phúc nhất của đời tôi.
Tôi đã được Trung tâm Thúy Nga Paris rất quý mến, cưng chiều và trân trọng. Thúy Nga Paris đã tạo điều kiện cho tôi mặc sức sáng tạo và thể nghiệm trong nghệ thuật, có nhiều tiết mục thành công nhưng cũng có những tiết mục không mang lại hiệu quả về thương mại. Trong một số nhạc cảnh tôi có dịp được đưa những người thân của mình cùng lên sân khấu diễn chung. Tôi coi đấy cũng là một ưu ái của Thúy Nga Paris.
Qua đây tôi xin gửi lời tri ân tới Trung tâm Thúy Nga Paris. Dù thế nào tôi cũng vẫn coi Thúy Nga Paris là gia đình nghệ thuật thứ hai, bên cạnh gia đình nghệ thuật của ba má tôi, mãi mãi.
Ái Vân, Ái Thanh, Chí Tài trong bìa CD do trung tâm Thúy Nga thực hiện
Ái Vân, Ái Thanh, Chí Tài trong bìa CD do trung tâm Thúy Nga thực hiện
Sau khi tích cực chữa trị, bệnh tật cũng đã ổn. May phát hiện kịp thời, khối u chưa di căn, nếu không thì trời cứu. Khỏe mạnh rảnh rỗi lại nhớ sân khấu. Thôi Thúy Nga Paris rồi tôi vẫn nhận nhiều show hát cho một vài trung tâm khác. Tôi có nguyện vọng về Việt Nam biểu diễn. Bệnh tật đã ổn nhưng bệnh này khó lường, không biết mình sống chết lúc nào. Tôi nhớ quê, thèm được một lần trở về hát trên sân khấu quê nhà.
Năm 2001, có phái đoàn chính phủ Việt Nam sang San Francisco, dẫn đầu là Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Các doanh nhân Việt kiều ở San Francisco được mời đến dự. Ông xã nhà tôi cũng được mời, giấy mời “ông bà” nên ông xã bảo tôi “đi cho vui”, tôi tắc lưỡi đi theo. Buổi chiều hôm đó ông xã về nhà đón tôi, nói: “Hôm nay phải đi sớm” – “Sao?” – “Hôm nay có thể có biểu tình”.
Tôi thấy hơi chờn chợn nhưng đã lỡ đóng bộ rồi nên cứ đi. Gần đến nơi đã nghe hô đả đảo râm ran. Vào sảnh, thấy nhiều khuôn mặt cũng quen, đã từng ăn Tết ở Tổng lãnh sự. Nhưng nhiều khuôn mặt khả nghi lắm – lành lạnh và rờn rợn.
Vợ chồng tôi ngồi đầu hàng thứ hai, thứ ba gì đó. Đến mục ông Nguyễn Tấn Dũng giải đáp, người thì hỏi vấn đề này, người lại hỏi vấn đề kia. Anh Thành Kim Lợi ngồi cạnh, ghé tai tôi nói: “Vân muốn hỏi gì thì hỏi đi, muốn về Việt Nam hát thì hỏi đi, người ta giải đáp luôn”.
Thế là tôi phát biểu. Tôi nói là tôi sang đây là chuyện riêng chứ không phải chính trị gì hết. Tôi muốn về Việt Nam biểu diễn, rất muốn được tạo điều kiện cho tôi được về nước diễn. Ông Nguyễn Tấn Dũng bảo thì cứ về, có sao đâu. Tôi cảm ơn và trở về chỗ ngồi…
Ái Vân bên người chồng thứ 3 và các con
Ái Vân bên người chồng thứ 3 và các con
Phần hỏi đáp vẫn tiếp tục, ông Dũng đang trả lời một câu hỏi thì tự nhiên cửa phòng họp bật mở. Một mùi xăng nồng nặc xộc vào và tiếng đàn bà hét chói tai: “Đả đảo cộng sản!”. An ninh của Mỹ nhanh chóng ập vào lôi người đó đi. Ông Dũng vẫn bình tĩnh phát biểu tiếp. Sau đó giải tán, cũng không nghe ai bàn tán gì cả.
Tôi đinh ninh sự việc cũng chỉ đến đó thôi. Chẳng dè ít ngày sau có tường thuật buổi gặp gỡ của Phó thủ tướng với cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco của báo Công an Nhân dân, cuối bài có nhắc đến ca sĩ Ái Vân lên phát biểu về việc muốn trở về hát tại Việt Nam. Bài báo nhanh chóng lan truyền trên Internet rồi dần lan ra trên báo chí của người Việt hải ngoại.
Báo hải ngoại gọi tôi là Việt cộng nằm vùng. Tôi còn nghe nhiều tin đồn khác về tôi như “Cô này đảng viên, là thân cộng, thậm chí họ bảo tôi là bí thư chi bộ đảng ở San Jose, là đại úy Việt cộng”… Thật là những sự tưởng tượng phong phú đến không ngờ.
Tết 2002 và 2003 là hai cái Tết khủng khiếp với tôi. Hai năm suy sụp kinh khủng. Bên này đến Tết là dịp nghệ sĩ bận rộn làm ăn, bay show liên tục diễn cho cộng đồng khắp nơi. Trong khi đó tôi phải ngồi nhà trực điện thoại. Mỗi lần chiếc điện thoại trong phòng ngủ réo chuông là tôi biết ngay có một nơi nào đó từ chối show diễn của mình rồi.
Thậm chí có nơi nghe tin tôi đến hát, ai đó đã căng biểu ngữ: “Đả đảo Việt cộng Ái Vân!”. Tôi chỉ biết ngồi khóc. Chưa bao giờ tôi lại cảm thấy thân phận người nghệ sĩ lại mong manh đến thế. Họ không có gì cả ngoài lời ca tiếng hát nên khi bị vùi dập, họ chỉ biết kêu Trời.
Tôi chấm dứt nghiệp hát ở hải ngoại từ đấy. Thà đắng cay một lần còn hơn đau khổ suốt đời.
Một Thế Giới
Mọi người, hễ xách va li đi Tây không giấu được mặt “con buôn”. Lúc đầu nghe nói đi buôn đã đỏ mặt, vì miếng cơm manh áo cũng phải liều, lâu ngày thành chai mặt luôn.
ca_si_ai_van_tung_lam_con_buon_nhu_the_nao_49038_gbaytrangvenguoichongthuhai3_d23_resize
Thời bao cấp được đi nước ngoài mà không kèm theo buôn bán tí chút thì hoặc là người lơ ngơ hoặc là người nói phét. Tôi thuộc loại người lơ ngơ nhưng đi nhiều người ta bày cho rồi cũng biết. Buôn có bạn bán có bè, bí mật đi buôn ở xứ ta thì được, sang xứ người làm vậy dễ chết lắm. Mọi người, hễ xách va li đi Tây không giấu được mặt “con buôn”. Lúc đầu nghe nói đi buôn đã đỏ mặt, vì miếng cơm manh áo cũng phải liều, lâu ngày thành chai mặt luôn.
Tôi nhớ năm 1987 Cộng hòa Dân chủ Đức tổ chức một đoàn nghệ sĩ gồm 5 nước sang Phi châu biểu diễn. Phía Việt Nam có tôi. Sang đến Angola, gặp một số chuyên gia Việt Nam đang công tác bên ấy, các chú mời về nhà ăn cơm. Bữa cơm xa quê thật ấm cúng và thịnh soạn, toàn đàn ông nấu mà đủ món và rất ngon. Có canh miến, gà luộc và cả nem rán…
Dân Angola rất nghèo, các chuyên gia Việt Nam cũng chỉ khá hơn một chút, đồng lương rất khiêm tốn, tôi thật thà hỏi: “Các chú cũng khó khăn mà sao làm nhiều món thế này?” Các chú bảo: “Lương mỗi tháng 100 đô thì làm sao có thể ăn thế này được. Cháu có biết hôm nay các chú đãi cháu bằng gì không? Bằng bàn chải đánh răng đấy”. Tôi cười: “Thảo nào hôm qua ra chợ, thấy dân địa phương bày bán rất nhiều bàn chải đánh răng hiệu ‘Hàm Rồng’ của Việt Nam”. Mọi người cười theo vui vẻ. Lòng trâu cũng giống dạ bò, cứ nói thật như thế vui hơn.
Cứ mỗi lần đi Tây, đau đầu nhất là dò cho được thông tin thời điểm này đem hàng gì đi, mua hàng gì về. Tiền nong có thể mượn được, nhất là lại mượn tiền đi nước ngoài nhưng thăm dò thông tin hàng hóa mua bán mà lơ mơ rất dễ ôm nợ vào thân, không đùa được. Tôi chẳng sành chuyện buôn bán, thực sự không có khiếu, nhưng đi nhiều cũng phải nhớ.
Bảng tổng kết kinh nghiệm của dân đi nước ngoài sành điệu cho ra một cái list như sau: mang đi Nga: đồng hồ Citizen, quần bò Thái, dép tông Thái Lan hiệu Lily, áo phông cành mai Thái Lan, kính râm gấp, đồ trang sức bằng bạc, bột nghệ… Mang về: xe máy, xe đạp, máy khâu, máy quay đĩa, quạt máy “tai voi”, bàn là, nồi áp suất, dây “mai xo”, áo bay, bít tất, túi lưới, vòng bi, phim, giấy ảnh, chậu nhôm, con búp bê lật đật.
Đi Tiệp, Ba Lan mang đi áo 3 lớp, quần bò, vàng… Mang về: khuy bấm, mũ phớt, bít tất, phẹc mơ tuya, giấy bóng kính, phim, giấy, B complex, Philatop, thuốc cảm Anazil, quần áo, giầy dép lỗi thời, xích, líp, bi, vải sa tanh, súng hơi, phụ tùng xe đạp, dollar (tất nhiên mang giấu), thậm chí nhiều ông còn mua cả… vòng tránh thai, bao cao su…
Đi Đức mang đi: dollar, đồng hồ Citizen, đồ trang sức bằng bạc như kẹp tóc cài đầu hình con bướm. Mang về: Xe đạp, xe máy, giấy ảnh, len, áo lông Đức, vải sa tanh, giầy dép, tất xù nilon, kem bôi mặt, shampoo gội đầu… hàng gì của Đức mang về cũng bán được, chỉ có lãi nhiều hay lãi ít.
Đi Hung mang về dược phẩm, thuốc giun. Đi Trung Quốc thì mang về chỉ thêu các màu, các con đồ chơi bằng nhung, thuốc Bắc, sâm, nhung… Đại loại thế.
Hình ảnh ba mẹ con nghệ sĩ Ái Vân chụp tại Đức. Năm đó, con trai cả của chị - Anh Vũ - vào lớp 1. Anh Vũ là con trai của Ái Vân và người chồng thứ hai
Hình ảnh ba mẹ con nghệ sĩ Ái Vân chụp tại Đức. Năm đó, con trai cả của chị – Anh Vũ – vào lớp 1. Anh Vũ là con trai của Ái Vân và người chồng thứ hai
Hàng hóa loạn quá không nhớ hết được, anh em phải “sáng tác” các bài hát liệt kê các món hàng cho dân buôn lậu lần đầu xuất ngoại. Anh Mạnh Hà nhại bài Việt Nam – Liên Xô của chú Minh Hiến: “Cành mai, kính gấp nắm tay ta cùng đi, dù bao khó nguy cành mai vẫn thắng, đôi dép Li li thắng hơn quần bò, chỉ có Citi (đồng hồ Citizen) thì hơi bị xoàng…”. Anh Lân Cường nhại bài Quê em miền Trung du của Nguyễn Đức Toàn, bài rất dài liệt kê hầu hết các món hàng mua bán ở Nga: “Đôm anh ở nơi đây, chẳng xa cũng không gần, nào mời em đến đó/ Thương vụ anh đấy, trông bề ngoài thế thôi, nhưng lại giàu nhất Mát (Moscow)/ Đôm anh thật là sang, vì… với món hàng, lại cộng thêm máy tính/ Đi về cơm bữa, anh chuyển vài computer, là sẽ có mươi ‘tờ’ (1 tờ = 1 vé = 100 dollar)/ Từ mờ sáng tinh mơ, anh đã đi ‘đánh hàng’, mãi tít tận sân bay…”.
Ngồi trên máy bay anh chị em trong đoàn đều xì xầm to nhỏ trao đổi nhau về đem hàng nào đi để bán và mua gì về để bán có lời nhiều. Ai nấy ngồi lo không biết hàng họ mang đi có bán được không, không bán được hàng tiền đâu mà mua hàng về, mà mua hàng về mới quan trọng. Khi xe ô tô đoàn vừa đỗ ở sân khách sạn, thấy thương lái Nga, nhiều người gọi đùa là Nga ngố, đứng chờ sẵn là biết Nga vẫn cần hàng Việt Nam. Anh em nhớn nhác mừng hết lớn. Vừa về khách sạn nhận phòng đã nghe chuông reo điện thoại từ các phòng thông báo giá cả cho nhau rất nhanh nhẹn.
Đoàn Việt Nam năm 1985 đến Nga được diễn ở Bolsôi Theater (Nhà hát lớn Moscow) và ở khách sạn Russia (khách sạn lớn nhất của Moscow). Mấy ông Nga ngố về từng phòng hỏi: “Anh có gì?” – “15 cành mai, 8 quần bò, 25 kính gấp, 20 đôi dép Lily (dép tông của Thái Lan), 2 đồng hồ Citizen” – “Thế anh lấy cái gì?” – “Nồi áp suất, dây mai xo, bàn là, áo bay, giấy ảnh”. Nga ngố tính toán rất nhanh, nói: “Của anh đổi ra từng này nồi áp suất, từng này áo bay, từng này bàn là. Tối nay anh mang hàng đến Bolsôi Theater… tôi sẽ trao cho anh đủ”. Tối đó mang đồ đến Nhà hát, diễn xong thấy túi đồ mang bán của mình được thay bằng túi đồ mang về. Đầy đủ hết tất cả.
Bán buôn với Nga ngố thật sướng, khỏi phải lo bị lừa. Gặp đám dân phe các nước khác rất dễ bị lừa cho trắng mắt. Năm 1981, Đoàn Nhạc nhẹ Trung ương được sang tập huấn ở Ba Lan, Tiệp Khắc 2 tháng. Vừa sang Ba Lan là mọi người mang hàng đi bán hoặc mang tiền dollar, vàng ra chợ bán. Anh Thịnh béo nhanh nhất, mới sáng ra đã bán xong hàng họ rồi. Về hotel, anh Thịnh giở tiền ra đếm, vẻ khoái chí ra mặt, vừa đếm vừa giơ tiền lên phía cửa sổ ngắm vì lần đầu tiên mới nhìn thấy tiền Ba Lan. Bỗng gió ngoài cửa thổi nhẹ vào, anh Thịnh thấy số 0 cuối cùng của tờ tiền lắc lư, rồi rụng xuống. Hóa ra cậu Ba Lan láu cá đã dán thêm con số 0 vào tờ tiền. Mặt anh Thịnh méo xẹo, anh chửi um lên. Coi như chuyến đi này lỗ vốn.
Anh Mạnh Hà cũng bị vố đau như thế khi đến Ba Lan. Anh đi bán vàng, đổi dollar lấy tiền Ba Lan. Cứ 1 dollar ăn 2.000 Zloty. Cầm xấp tiền 20 ngàn Zloty toàn tiền 2.000 chưa nóng tay, cũng giống như anh Thịnh, anh Mạnh Hà thấy con số 0 cuối lắc lư rồi bay mất. Đau hơn hoạn. Hôm khác, anh Mạnh Hà ôm xấp áo cành mai đi bán. Thằng phe Ba Lan trả 20 nghìn Zloty. Bán, mừng thấy lời to. Chẳng dè kiểm tiền chỉ thấy mấy đồng thật kẹp ngoài, trong là giấy báo. Ngẩng lên nó đã chạy. Anh Mạnh Hà đuổi theo, vừa đuổi vừa hét. Công an Ba Lan tuýt còi chạy theo anh. Anh nghĩ bụng có thể ông công an Ba Lan này là cánh hẩu của thằng phe kia, khéo không họ bắt mình tống giam thì toi. Anh Mạnh Hà không dám đuổi nữa. Chấp nhận mất trắng.
Dân mình cũng láu không kém. Được mấy năm đầu hàng hóa mang sang còn nghiêm, sau rồi thật giả bất phân tùm lum. Đồng hồ Seiko mạ vàng giả, đeo được hai bữa vàng tróc vảy như cá vàng tróc vi trông rất ghê. Áo băng đạn (áo có 4 túi hộp) màu đen, sơ mi đen mang đi, có người lấy giặt thử đen ngòm cả bể tắm người ta. Kính gấp một thời gian tróc màu, trong veo, chẳng nhìn thấy gì cả. Được cái áo cành mai có vẻ thật, sau rồi cành mai Tàu đưa sang cả tấn, mặc được hai hôm thì bợt màu đứt chỉ trông rất thảm.
Những năm chiến tranh người Việt Nam ra nước ngoài, hồi đó chỉ loanh quanh các nước Xã hội Chủ nghĩa, đi đâu cũng được nể trọng. Sau hòa bình, người Việt đi đâu giống như lũ quét hàng hóa, dân bản địa sợ chết khiếp. Hàng hóa ngày một khan hiếm, tìm mua rất khó. Vừa nhác trông bán ở cửa hàng này, chạy về lấy tiền quay lại đã hết sạch. Đi mua hàng mà kéo nhau lũ lượt cùng đi thì lấy đâu cho đủ hàng, vì vậy phát hiện được “mỏ” hàng phải giấu kín, thậm chí phải bày kế “nghi binh”.
Cái thời áo bay Liên Xô người Việt rất hâm mộ. Liên Xô sản xuất không kịp, hàng áo bay luôn “cháy chợ”. Một lần thấy hai anh trong đoàn ôm về hai đống áo bay mọi người lác mắt. Hỏi mua ở đâu, người bảo metro số 6, người kia bảo metro số 4. Hai ông nói hai nơi chẳng biết đằng nào mà lần nhưng nóng ruột cứ phải đi. Nhảy hết tàu điện metro số 6, lại nhảy tàu điện metro số 4. Đi kịch bến chỉ thấy bãi tha ma, đành tiu nghỉu quay về.
Thế vẫn chưa “đau” bằng vụ vải lanh chéo ở Tiệp. Ba ông Mạnh Hà, Quang Huy, Thịnh béo đi bát phố trung tâm Praha, phát hiện ra cửa hàng vải lanh chéo, mừng húm. Cửa hàng còn 6 súc vải sa-tanh (mỗi súc 100 mét), mua tất. Nhân viên cửa hàng khỏi phải bán lẻ thích lắm, nói: “Mai chúng mày đến đây tao bán nữa.” – “Ok! Ok!” Mỗi anh hai súc vác về, ném cái uỵch trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của Lệ Quyên, Vũ Dậu, Chinh dù, Tuấn mũi, Phú chim… Hỏi mua chỗ nào tất nhiên không ai nói rồi. Cả nhóm “ủ mưu” sáng mai bám theo ba ông tướng này.
Sáng sau mấy ông kia rỉ tai nhau: “Anh ạ, họ rình đi theo mình”. Vốn tài tổ chức, Mạnh Hà bày mưu ngay, nói như này như này… Rồi phân công hai người nhởn nhơ quanh khách sạn, chui vào cửa hàng ăn sáng uống cà phê, người thứ ba tót đi. Cả nhóm bám theo thấy đương sự cứ lừ lừ đi, ra công viên ngồi, cứ thế ngồi thảnh thơi ngắm trời mây. Đợi mãi, sốt ruột, cuối cùng biết bị lừa cả nhóm quay về khách sạn. Vừa về khách sạn đã thấy mấy ông tướng vác sáu súc vải lanh chéo ném cái uỵch trước mặt mọi người.
Sau này anh Mạnh Hà là giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương vẫn hay kể về vụ lanh chéo. Anh nói: “Cứ thấy dân Hà Nội ai mặc đồ lanh chéo là mình xấu hổ chết được, không dám ngước mặt lên”.
Kiều Hưng là ca sĩ khét tiếng miền Bắc những năm bảy mươi, tám mươi. Anh bắt đầu nổi tiếng với Bài ca trên núi của Nguyễn Văn Thương. Từ Bèo dạt mây trôi (dân ca) tới Vượt cầu Mây của Nguyễn Thịnh, anh có cả trăm bài được khán giả ưa chuộng. Với tôi bài Tình ca của Hoàng Việt anh là người hát hay nhất, không làm dáng không khoe kỹ thuật, giọng hát của anh rất đằm thắm thiết tha chân tình. Tôi gắn bó với anh từ thời học trường nhạc cho tới thời hát cho Trung tâm Thúy Nga. Mọi người và tôi vẫn gọi anh là Đĩ Lùn, anh gọi tôi là Mặt Rắm. Chả hiểu sao lại gọi Mặt Rắm, chỉ biết đó là biệt danh mẹ anh đặt cho anh, anh lấy đặt cho tôi.
Ái Vân bên người chồng hiện tại
Ái Vân bên người chồng hiện tại
Đi Nhật. Mấy anh chị em rủ nhau mua dây “đăng-ten”, loại hay viền vào quần áo phụ nữ mà không thấy Đĩ Lùn đi mua cùng. Biết Đĩ Lùn chậm chạp khéo lại phải ăn mảnh rồi. Hôm về Hà Nội, tôi đang trên đường vào đoàn trình diện đã thấy Đĩ Lùn phóng xe ra, gặp nhau ở dốc Cầu Giấy, anh hớn hở quát trêu: “Mặt Rắm đi làm muộn nhé!”. Tôi nghĩ bụng, quái lạ, ông này đi làm về sớm thế nhỉ? Thì ra trưa về Hàng Đào bán mấy cuộn dây đăng ten, bà mua hàng bảo: “Ừ, đăng ten nilon này mới đúng, chứ loại đăng ten anh Kiều Hưng bán sáng nay là đăng ten vải khó bán lắm. Quý anh ấy lắm thì tôi mua vớt hộ thôi”. Hôm sau gặp Đĩ Lùn tôi trêu, anh cười khì khì bảo: “Lần này ông ngu, lần sau thì chết với ông”. Nhưng lần sau “ông” lại “ngu” nốt, Đĩ Lùn lại bị hố. Mọi người trêu anh, nói: “Đĩ Lùn chỉ lấy vợ là không bị hố thôi”.
Lệ Quyên kể: ở Ba Lan mấy ông toàn mua hàng nặng như xích, lip, vòng bi. Chị Vũ Dậu mách cho Quyên và cả đoàn mua khuy bấm vừa nhẹ vừa “thắng”. Lúc đầu ra mua được mỗi người 20 vỉ, sau họ chỉ bán mỗi người 10 vỉ thôi. Anh Tuấn đàn bầu xếp hàng mấy lượt, bị phát hiện không cho mua. Tuấn bầu lẩm bẩm “Sư mày, đã thế ông về hóa trang”. Đang mặc áo NATO, xách túi NATO, Tuấn bầu chạy về thay áo măng tô Bộ Tài chính nặng trịch, đội mũ phớt ra mua tiếp. Được hai lần, bà bán hàng phát hiện ra, đuổi luôn. Tuấn bầu lại lẩm bẩm giọng miền Trung nghe hiền khô: “Tiên sư mày, dù sao tau cũng lừa được mày hai lần”. Cười đau bụng.
Mũ phớt ở Nga rất rẻ, có mấy rúp một chiếc, đem về Việt Nam lãi cả chục lần. Cái khó là mũ phớt đóng gói dễ bị gãy, nát. Phải cầm tay.
Anh nào đi Nga về cũng ôm một chồng mũ phớt trên tay, thêm một chồng mũ phớt trên đầu. Ra sân bay người nào cũng đội một chồng mũ phớt cao chót vót. Nào Mạnh Hà “Thủ lợn thiu”, Huy phô, Quyên kều, Thịnh béo, Vũ Dậu, Chinh dù… một đoàn cứ mũ phớt chót vót trên đầu, cao lênh khênh, cao lêu đêu… như đoàn hề xiếc. Tiếc là không có cái ảnh nào ghi lại cảnh này làm kỷ niệm.
Không phải khi nào đi buôn cũng thắng. Lần đi Nga, có mấy người buôn bán ở Nga nhiều nhắn nhe: “Nghệ… bột nghệ nhé… thắng lắm”. Tôi mang đi hai cân. Sang Nga chẳng ma nào nó hỏi. Mấy tay buôn người Nga còn không biết là gì. Kéo va ly đi giữa mưa tuyết, chẳng hiểu sao bột nghệ thấm ra cái áo dài vàng khè, dở cười dở mếu.
Dân Việt đi buôn chán chê rồi bày trò chọc quê nhau. Sang Đức, ra cửa hàng xe đạp, mua phụ tùng xe đạp ở Berlin. Bà bán hàng vui vẻ chào tiếng Đức “Ha lô… ha lô!”. Chúng tôi chưa kịp đáp bà đã xổ ra một tràng tiếng Việt: “Đéo có xích, đéo có bi, đéo có săm, đéo có lốp…”. Hóa ra dân Việt xui bà nói. Mấy thằng buôn Việt láo toét đưa tiền cho bà này rồi bảo cứ thấy người Việt là mày nói luôn cho tao. Qua Nga, qua sân bay Dubai, vừa vào nhân viên quá cảnh người Ả Rập đã nói ngay: “Chào Thị Nở! Chào Chí Phèo!… vào đây. Đi lối này”. Toàn mấy ông Việt bố láo dạy cho nó.
Một Thế Giới

Chị Nhung - 1970 ( Phim Việt nam đặc sắc )

No comments:

Post a Comment