Tuesday, November 22, 2016

Thẫm Phán TRẦN VĂN LINH.

 http://www.aihuubienhoa.com/p120a189/tran-van-linh

Dòng sông Đồng nai đã mang nguồn nước ngọt, trong xanh, tươi mát và đất phù sa phì nhiêu bồi đấp hai bên bờ sông từ hướng Bắc chạy dài qua hướng Tây Nam và Nam của vùng đất Biên Hòa. Những cánh đồng ruộng lúa xanh tươi, những vườn bưởi hai bên dòng sông năm nào cũng được mùa. Bưởi Biên Hòa được nổi danh, thơm, ngọt nhất nước. Từ thác Trị An với những làng dọc hai bên bờ sông: Bên hữu ngạn dòng sông có những làng: Thường Lang, Tân Tịch, Tân Hòa, Mỹ lộc, Tân Uyên, Mỹ Qưới, Tân Ba, Tân Hạnh, Chợ Đồn, Tân Vạn…Phía tả ngạn dòng sông thì có những làng: Trị An, Thiện Tân, Tân Khai, Tân Phú, Bình Long, Bình Ninh, Điền Hòa, Long Chiến, Bình Hưng, Bình Hòa, Bình Lợi, Tân Triều, Bửu Long, Bình Trước, Cù Lao Phố, Phước Lư và chảy dài xuống quận Long Thành, quận Nhơn Trạch…nơi nơi dân cư được sự ưu đải tốt của dòng sông, nên người dân Biên Hòa chúng ta luôn luôn hưởng được đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, dòng sông cũng nuôi dưởng nhiều nhân tài của Biên Hòa. Bên hữu ngạn, làng Tân Hòa có Giáo sư chính trị gia Nguyễn Ngọc Huy. Tân Uyên được mệnh danh là vùng đất địa linh phát sinh nhiều nhân kiệt như: Nhà văn Bình Nguyên Lộc, Tổng trưởng Tài chánh Châu Kim Nhân, Bác sĩ Tô Dương Hiệp ( Trưởng nam nhà văn Bình Nguyên Lộc, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa), Bác sĩ Lý Văn Ba, Bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân. Phía tả ngạn, làng Bình Long có Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Trần Văn Linh, làng Bình Trước có Đại Tướng Đỗ Cao Trí và Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, làng Phước Lư có Bác sĩ Tổng Trưởng Xã Hội Trần Ngươn Phiêu…. 

Đặc biệt bài viết hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý đồng hương Biên Hòa một nhân tài của xứ Bưởi. Một người rất thông minh, trọng chân thật, thích công bình, yêu chân lý và đầy lòng nhân ái; một người lãnh đạo tối cao ngành Tư Pháp nước Việt Nam Cộng Hòa chúng ta: Thẫm Phán TRẦN VĂN LINH.


 Chúng ta đi từ chợ Biên Hòa ngang qua Bửu Long về Bến Cá, Bình Ý, đến Bình Thạnh, quận Công Thanh qua Tân Phú, Bình Long và đến bến đò Bình Ninh. Từ bến đò nầy, trên chuyến đò qua bên kia sông là quận Tân Uyên. Dòng sông Đồng Nai chảy đến đây được chia ra hai nhánh, tạo ra cù lao Mỹ Quới. Bên tả ngạn sông Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu mầu mở, vùng đất địa linh của làng Bình Long, nơi đã phát sinh nhân kiệt: Trần Văn Linh. Cụ Trần Văn Linh sinh năm 1924 tại làng Bình Long, quận Công Thanh, tỉnh Biên Hòa. Thuở thiếu thời, mỗi sáng sớm, Ông đi xe đạp 3 cây số từ nhà đến bến đò Bình Long qua Mỹ Lộc, rồi trở xuống Tân Uyên hơn cây số mới đến trường. Đôi khi ông cũng qua sông từ bến đò Bình Ninh qua Tân Uyên là đến trường Tiểu học Tân Uyên. Học xong bậc tiểu học, Ông lên Sàigòn dự thi và được trúng tuyển vào trường trung học Petrus Ký với hạng thứ 13 trong tổng số hai ngàn thí sinh trên tòan quốc về tham dự vào năm 1938. 

Sau khi đổ bằng Diploma, Ông cũng phải thi tuyển để vào học lớp đệ tam. Năm đó, 1942, lớp đệ tam trường Pétrus Ký chỉ tuyển 70 học sinh cho 2 lớp. Lần nầy, Ông trúng tuyển vào hạng 5 trong tổng số hơn năm trăm thí sinh tham dự. Ông tốt nghiệp bằng tú tài 2 năm 1945. Hai năm sau, năm 1947, Ông vào học trường Đại học Luật khoa Sài Gòn vừa khai giảng cho niên khóa đầu tiên. Ông tốt nghiệp trường đại học Luật Khoa năm 1950. Sau đó, Ông được trúng kỳ thi tuyển vào ngạch Thẫm phán. Sau khi tốt nghiệp ngành Thẫm phán, Ông là Biện lý tại tòa sơ thẫm Sàigòn, Biện lý tại tòa sơ thẫm tỉnh Vĩnh Long. Trở lại Sàigòn, Ông là Hậu thẫm tòa Thượng thẫm Sài Gòn và chánh án tòa Sơ thẫm Sàigòn. Sau đó, Ông là Thẫm phán tòa Thượng thẫm và trở thành Chánh án tòa Thượng thẫm Sài Gòn.


 Năm 1967, Thẫm phán Trần Văn Linh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đề cử vào chức vụ Thẫm phán Tối Cao Pháp Viện và được sự chấp thuận của Thượng viện tại Quốc Hội. Đến năm 1974, Ông được đa số trong tổng số 9 vị Thẫm phán Tối cao Pháp viện bầu chọn Ông là Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện nước Việt Nam Cộng Hòa.

 Ông đến nước Mỹ vào đầu tháng 5 - 1975. Sau những năm sách vở trở lại trường đại học, Ông đậu bằng Master. Ông là Giám đốc quản thủ thư viện tại trường đại học Luật Khoa tại New Orleans cho đến khi về hưu. Trong thời gian về hưu, thỉnh thoảng, Ông có tham gia trong những buổi sinh hoạt về Phật Giáo. Ông thích sống ẩn dật. Ông thường nghiên cứu và viết sách về lý thuyết Phật học. Hiện tại, Cụ Trần Văn Linh đang sống tại Baton Rouge, Louisiana.

 Người dân Biên Hòa rất tự hào và hảnh diện về nhân tài Trần Văn Linh. Người ghi lại chi tiết bài nầy may mắn được sinh ra tại làng Tân Phú, cách Bình Long vài cây số. Vào đầu thập niên 60, cũng với chiếc xe đạp, ngày ngày đi qua làng Bình Long đến bến đò Bình Ninh, qua sông, đi học tại trường trung học Tân Uyên, và sau đó cũng được tốt nghiệp tại trường đại học Luật Khoa Saìgòn. Ngoài việc kính phục Ông Trần Văn Linh là một nhân tài của đất nước, tôi vẫn luôn luôn qúi trọng Ông là một bậc Thầy về ngành Luật , một Niên trưởng của trường đại học Luật Khoa Sàigòn năm xưa. Kính cầu xin Trời Phật ban cho Ông Trần Văn Linh sức khỏe thật dồi dào, Ông sống thanh thản, an vui tuổi già và hạnh phúc.
Người Biên Hòa. 
***
Lời của blogger: Chị của thẩm phán ở bên phải căn nhà của ba má tôi (từ nhà tính ra) Mỗi lần ông về thăm chị là cả chợ nhốn nháo vì hai hàng lính bồng súng ống chào hô rầm rập làm lối cho ông vào nhà. Lần nào cũng vậy, thăm chị xong bước ra khỏi nhà là ông rẽ qua phải ghé vào nhà bắt tay ba tôi. Ngước nhì nhìn ông cao dong dỏng vừa bước vào nhà đã chìa thẳng cánh tay đón bắt bàn tay ba. Sau vài câu chào hỏi ông nhanh nhẹn bắt tay chào từ giã. Tôi luôn nhìn thấy cặp mắt và nụ cười hãnh diện của ba sau mỗi lần được vị Thẩm phán Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện ghé nhà thăm hỏi bắt tay:)

No comments:

Post a Comment