Âu Dương Tuần, nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường , một hôm cưỡi ngựa ra ngoại ô du ngoạn, ngẫu nhiên phát hiện một tấm bia mang bút tích của nhà thư pháp đời Tấn Tố Tĩnh, bèn lập tức xuống ngựa xem xét. Đọc xong, ông cảm thấy chữ của Tố Tĩnh rất bình thường, không có gì đáng để ý.
Lên ngựa đi cách tấm bia không xa, ông chưa yên tâm quay lại xem thêm, ông cảm thấy chữ viết không sai, có phong cách cá nhân, xứng đáng được gọi là nhà thư pháp
Rồi lại lên ngựa đi được một đoạn đường, ông cảm thấy hình như mình chưa xem đủ những chữ viết trên tấm bia đá, ông quay lại, xem xét một cách tỉ mỉ chữ trên tấm bia. Lần này, càng xem ông càng say mê, thêm cảm phục tài nghệ của nhà thư pháp Tố Tĩnh, ông ngồi trước tấm bia ba ngày ba đêm mà chưa muốn rời.
Bài học: Rất nhiều sự vật nếu chỉ nhìn qua chưa thể thấy hết giá trị, chỉ có xem xét và thật kỹ lưỡng, anh mới có thể thấy hết giá trị của nó. Cho nên, với con người hay sự vật quen thuộc với mình, không nên bình phẩm hoặc phán xét quá sớm, có như thế, nhận xét mới có thể chính xác, tranh được sai lầm.
Cô bé học lớp 3, con một gia đình khá giả. Ở lớp, cô giáo ra bài về nhà làm. Đầu bài là: Em hãy trực tiếp làm một công việc gì đó giúp mẹ lau dọn nhà cửa. Sau đó, em hãy kể lại việc mình đã làm và nói lên suy nghĩ của mình.
Là một học trò ngoan (hầu hết, các cháu học tiểu học đều rất ngoan), cô bé đã nói với người giúp việc cho cô được lau nhà. Tất nhiên, công việc không đơn giản với một bé mới 8 tuổi. Nhưng cô cũng đã hoàn thành (mặc dù chưa hoàn toàn vừa ý). Trong bài làm, cô đã kể lại chân thực công việc. Sau đó, phần nói lên suy nghĩ, cô bé viết đại ý: sau khi lau nhà xong, em thấy rất mệt, hai tay mỏi rời, quần áo lấm bê bết. Em thấy mình phải cố gắng học tập giỏi để sau này không phải đi làm người giúp việc gia đình suốt ngày phải làm những công việc nặng nhọc như thế.
Sau khi nộp bài mấy ngày, một buổi chiều, trong bữa cơm, cô bé không được vui vẻ như mọi ngày. Cô kể lại chuyện và giải thích với bố mẹ:
- Cô giáo bảo con về nhà viết lại, không được viết như thế vì thế là thể hiện thái độ lười biếng, ngại lao động chân tay. Bây giờ con phải viết thế nào ạ?
Sau khi nói mấy lời an ủi con, người mẹ gợi ý:
- Con có thể viết: lau nhà xong, em mới thấy thương mẹ em hơn vì hàng ngày, mẹ em vẫn phải làm những công việc như thế.
- Nhưng con có thấy mẹ lau nhà bao giờ đâu ạ? Toàn cô giúp việc làm đấy chứ!
Người bố từ đầu chưa nói câu gì, nay mới tham gia để “gỡ rối” cho người mẹ:
- Con không biết là viết văn, người ta phải hư cấu sao? Không nhất thiết phải có thực thì mới được viết. Truyện của các nhà văn mà con đọc đều như thế cả mà!
Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện này và hỏi:
- Bác thấy thế nào?
Suy nghĩ một lát, tôi trả lời:
- Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, không có gì gay cấn, nhưng nó phản ánh đúng đắn một thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay.
Dạy trẻ em nói dối, thậm chí buộc trẻ em nói dối, có thể nói là căn bệnh nặng nhất của nền giáo dục từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ khi tới nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ em nước ta đã được nghe và dạy nói dối. Cách nay gần bốn mươi năm, khi ăn cơm, thấy món đậu phụ kho với cà chua, con gái tôi đã chỉ vào đĩa nói: “Con không ăn thịt bò đâu”. Mẹ cháu ngạc nhiên hỏi:
- Đây là đậu phụ, sao con lại gọi là thịt bò?
Cháu khẳng định:
- Cô giáo bảo đây là thịt bò màu trắng.
Hóa ra hàng ngày, đi nhà trẻ liên cơ (nhà trẻ cho con cán bộ nhiều cơ quan), cô giáo đã dạy cho các cháu nhiều điều không phải là sự thật, chẳng biết với động cơ gì?
Lớn hơn, khi học tiểu học, các cháu đã được dạy làm văn không được viết những điều mình suy nghĩ, phải viết theo những tiêu chuẩn đạo đức mà cô giáo xác định: như lao động tất phải là vinh quang, chăm chỉ học tập để sau này nhất định chỉ để góp phần xây dựng đất nước, ngày nay được sống no đủ, hạnh phúc nên rất biết ơn đảng, bác (mặc dù chúng chẳng biết đó là những ai)…
Rồi càng lên lớp trên, học sinh càng được làm quen và trở nên thành thạo với những lời nói sai sự thật, những biểu hiện giả tạo. Cổng trường treo khẩu hiệu to tướng “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng “học sinh thân yêu” và cha mẹ chúng được coi là những con bò sữa để một năm học không biết có tới bao nhiêu lần “tự nguyện” đóng góp các khoản cho trường. Hàng năm, học sinh phải tới trường học từ đầu tháng 8 để nhà trường thu tiền, nhưng tới ngày 5 tháng 9, vẫn phải giả vờ nô nức chào đón năm học mới, trình diễn làm đẹp lòng các vị quan khách theo yêu cầu của các thầy cô. Năm học nào cũng có nhiều cuộc thi tìm hiểu mà trong đó, để làm bài dự thi đạt chỉ tiêu 100%, học sinh cả lớp ngồi chép một bài dự thi theo bản phô-tô-cop-pi do cấp trên đưa xuống. Thầy cô bằng mọi cách ép học trò học thêm nhưng cứ đến ngày 20 tháng 11, ngày Tết nguyên đán, học sinh phải nô nức tặng hoa, tặng quà cùng với bao lời ca ngợi công ơn của những người luôn được so sánh “như mẹ hiền”. Rồi, thầy cô luôn luôn nhắc nhở phải trung thực, nghiêm túc khi làm bài kiểm tra, khi thi cử, nhưng trước mỗi kỳ thi, các em được thông báo nộp tiền “chống trượt” để có người ném bài giải sẵn. Học trò mang phao thi rồi rải trắng sân trường sau khi buổi thi kết thúc, nhưng thầy Hiệu trưởng giải thích với báo chí đó là những tờ rơi của các trường đại học tự giới thiệu phát cho học sinh….
Nếu cứ kể thì nói mỏi miệng không hết chuyện gian dối trong nhà trường Việt Nam.
Cho nên không lấy làm lạ khi trong một điều tra gần đây, người ta công bố: số học sinh tiểu học nói dối là 20%, con số này gấp đôi, rồi gấp 3, gấp 4 lần lượt khi lên cấp THCS, THPT và đại học.
Có lẽ nói dối đã thành thói quen, không ý thức được rằng thế là nói dối nên lời khuyên của người mẹ, người bố của cháu bé trên kia cũng là kết quả họ được đào tạo gần hai chục năm trên ghế nhà trường và những năm tháng va chạm với môi trường sống và làm việc. Đúng là trong sáng tác văn học, nhà văn thường dùng hư cấu. Hư cấu là việc tạo ra (nói nôm na là “bịa”) những chi tiết để phục vụ cho việc trình bày một tư tưởng, cảm xúc. Hư cấu được trình bày những cái gì có thể xảy ra chứ không nhất thiết phải nói cái đã xảy ra. Nhưng người ta chỉ có thể hư cấu được chi tiết, cảnh vật, con người, sự việc, … cụ thể. Không ai hư cấu tư tưởng, tình cảm. Trong tác phẩm, nếu trình bày những tư tưởng tình cảm bịa đặt hay vay mượn của người khác, không phải là những tâm niệm, những khao khát cháy bỏng của mình, nhà văn đã làm việc dối trá, lừa người đọc. (Thật xót xa khi trong văn học Việt Nam ta không thiếu những trường hợp thế này). Tả việc lau nhà, cô bé có thể thêm thắt chi tiết để thể hiện sự vất vả, cũng có thể nói mẹ thỉnh thoảng có lau nhà, nhưng không thể nói thương mẹ vì mẹ phải lau nhà vất vả. Em rất thương mẹ bởi nhiều lý do chứ không cần phải bịa tạc ra cái lý do không có này.
12 năm được dạy nói điều giả dối trong nhà trường, lớn lên, mỗi người chúng ta quen nói sao cho đẹp lời, nói sao cho thể hiện lập trường quan điểm đúng đắn, nói sao cho vừa lòng người nghe, nhất là khi người nghe là cấp trên, là người có quyền sinh quyền sát với cuộc đời mình. … chứ không quen nói đúng suy nghĩ, với tình cảm xuất phát từ đáy lòng.
Hết thế hệ này tới thế hệ khác, hơn năm mươi năm qua, nền giáo dục của chúng ta đã liên tục cho ra đời những con người dối trá, luôn luôn “diễn”, diễn lời nói, diễn việc làm, dù đó chỉ là một việc nhỏ như trồng một cái cây, nói một vài lời trong những cuộc thăm viếng, …. Báo chí, truyền hình, phát thanh hoạt động suốt ngày đêm, nhưng những điều đăng tải trên đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Tôi luôn cho rằng cái cần cải cách nhất trong giáo dục hiện nay không phải là chương trình, sách giáo khoa. Chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng vẫn dạy học sinh theo kiểu này thì kết quả chắc không có gì thay đổi so với hiện nay. Bộ giáo dục khẳng định lần cải cách này sẽ chuyển mạnh từ dạy chữ sang dạy người. Lại coi lần này sẽ là một trận đánh lớn. Trong trận đánh ấy, nếu Quý Bộ định tiêu diệt sự dối trá thì đó là một đại hồng phúc cho không chỉ học sinh mà cho toàn thể nhân dân ta. Còn nếu không, chẳng lẽ chúng ta sẽ vẫn cứ dạy người như thế này sao?
***
CHÙA.
Ở Việt Nam, làng nào cũng có một ngôi chùa, có làng vài ba ngôi. Dù to nhỏ, ở giữa hay ngoài rìa làng, ngôi chùa rất gần gũi với con người. Mỗi khi tới chùa, cảm giác đầu tiên là sự tĩnh lặng. Mái ngói rêu phong, những mảng tường gạch xây có nơi đã bong lớp vữa ngoài.
Dưới tán cây, ngôi chùa nép mình khiêm nhường như lánh xa cõi đời đầy gió bụi. Phảng phất hương của sói, của ngâu, của mộc, của ngọc lan… những loài hoa ít sắc nhưng đượm hương cùng hương trầm phảng phất. Từ ngoài, bước vào chùa, như bước vào một thế giới khác, lánh xa cõi trần tục đầy bon chen nhiễu nhương xô bồ.
Các sư trụ trì, từ sự cụ, sư ông, sư bác, đến sư thầy hay chú tiểu đều ăn mặc nâu sồng, bước đi lặng lẽ như lẫn vào trong cảnh vật của ngôi chùa bình dị. Dù lúc ngồi niệm Phật đọc kinh hay đi lại, quét tước, làm vườn làm ruộng, tôi đều thấy họ như những cái bóng không tạo nên sự chú ý đặc biệt nào. Chỉ cần bước chân vào chùa, ta đã được chào đón bằng một lời quen thuộc: “A di đà Phật!” của những người cùng ngưỡng mộ Đức Phật Tổ. Rồi dù chỉ mang theo thẻ hương và gói hoa, bạn cũng được tiếp đón ân cần, giúp xếp hoa trên cái đĩa nhỏ, thắp ba nén hương, thỉnh chuông với thái độ trang trọng chuẩn bị chu tất giúp bạn làm việc tin ngưỡng trước Phật tổ.
Các vị sư trụ trì trong mỗi ngôi chùa thường sống dựa vào những hoa lợi do vườn chùa, ruộng chùa mang lại. Để canh tác, các vị dù tuổi đã cao, sức không được khỏe mạnh như trai tráng lực điền cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Chỉ đôi khi vào vụ gặt, các “thiện nam tín nữ” mới giúp nhà chùa một vài buổi cho kịp thời vụ. Các phiên chợ trong làng thường thấy các vị với vẻ ngoài nâu sồng mang hoa trái trong vườn chùa ra bán. (Cũng có khi mấy bà vãi thay nhau bán giúp). Sinh sống bằng mồ hôi đổ ra, nên cuộc sống trong chùa thường đạm bạc. Sân phía sau, không thể thiếu chum tương, vại cà, cùng bên ngoài có ao rau muống hoặc mảnh vườn mùa nào thức ấy. Quan hệ giữa các vị trụ trì cùng dân làng cũng thân tình, gần gũi. Chạy sang chùa, xin sư cụ một lời khuyên cho công việc gia đình, một thang thuốc nam bằng những cây thuốc trồng trong vườn chùa, chạy sang quét đỡ cái sân chùa trong lúc nhà chùa bận bịu, ngày rằm mồng một, hay ngày lễ ngày hội, nhiều người tới làm giúp, tay năm tay mười khiến không khí trong chùa khác hẳn ngày thường, …
Đó là những việc thường xảy ra trong các ngôi chùa làng trước đây. Đời sông những người trong làng không thể thiếu vắng bóng dáng mái chùa và những con người sống thầm lặng với tấm lòng từ bi hỉ xả.
Người tới chùa ai cũng ăn mặc nghiêm cẩn, dáng đi nhẹ nhàng, nói năng chừng mực. Họ đứng trước bàn thờ im lặng, nhiều lắm cũng chỉ nghe tiếng “xuýt xoa”. Không gian yên tĩnh giúp con người đối diện với Đức Phật, khấn nguyện bằng an, cầu xin được tha thứ vì đã có chút lầm lạc, …. Tất cả đều diễn ra nghiêm trang và thành kính. Để tới khi ra khỏi chùa, con người trở lại với tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng, bao nhiêu gánh nặng được trút bỏ.
Nhưng từ vài chục năm nay, những ngôi chùa đã thay hình đổi dạng. Bên ngoài, mái chùa mang dáng dấp của những ngôi chùa phương bắc. Phía dưới, các loại gạch men nhiều màu bóng loáng cùng với những bức tượng sơn son thiếp vàng, những đèn màu xanh đỏ nhấp nháy. Trên bàn thờ Phật, những lon bia ngoại, nước ngọt coca-cola, rồi mâm cao cỗ đầy, đủ loại bày chồng chất, nhất là vào những ngày sóc vọng, rồi xì xụp khấn khứa, bao ước vọng “thích đủ thứ” của các bà các cô “mắt xanh mỏ đỏ” được kêu cầu, người đi lại ra vào chen vai thích cánh như mắc cửi, mùi nước hoa đủ loại nức mũi, cảnh người đứng sau vái lưng người đứng trước … khiến cho người ta không còn cảm giác bước vào ngôi chùa để chờ đợi một sự sẻ chia, tìm được một sự thanh thản. Không chỉ cầu ăn nên làm ra, tiền vào như nước, nghe nói có bà cũng từng du học nước ngoài, học hàm học vị đủ cả, không chỉ cầu xin danh cao lộc hậu, còn xin Phật trừng trị đối thủ đang cạnh tranh cái ghế cao chót vót của đức phu quân. Cuối cùng, không biết có phải do sự trừng trị của Đức Phật mà rồi “thân bại danh liệt”. Trong chùa mà có vẻ như còn xô bồ hơn cả ngoài đường phố nhiễu nhương.
Chùa nào cũng nhiều hòm công đức. Điều này không lạ. Ở Myanmar, một đất nước có truyền thống Phật giáo như nước ta, tôi cũng thấy như vậy. Vấn đề là ở chỗ tiến trong đó được sử dụng như thế nào.
Thay vào màu nâu sồng của quần áo, nét mặt đăm chiêu, lặng lẽ, các vị sư ngày nay mặt mũi phương phi biểu thị một cuộc sống dư thừa, quần áo một màu vàng chóe đến lóa mắt, đi lại hiên ngang như những dũng tướng trên chiến trường. Luôn thấy các vị lần tràng hạt nhưng nhìn vẻ mặt người ta chắc đó chỉ là thói quen của mấy ngón tay. Ngoài đường, các đệ tử của Phật Tổ Như Lai phóng xe máy hạng sang cùng điện thoại loại sành điệu nhất chẳng chịu thua kém những trai thanh gái lịch. Rồi các vị cũng nhận huân chương cũng đăng đàn diễn thuyết nói tới chủ nghĩa xã hội, … Trước sự tấp nập của những người hâm mộ, các vị không còn giữ được vẻ khiêm nhường của những người ăn mày cửa Phật trước đây.
Tờ giấy bạc vốn vẫn được coi là vật uế tạp không được đặt lên ban thờ nay nằm hãnh diện trên đĩa cùng khói hương như hun để hối lộ thánh thần. Sợ chưa tỏ rõ lòng thành, người ta còn nhét từng tờ bạc lẻ vào tay, vào vạt áo, vào bất cứ chỗ nào có thể nhét được trên tượng Phật. Chắc dưới con mắt của những “chúng sinh” này, Phật cũng chỉ giống một quan chức cấp cao, quan chức hạng đặc biệt ở cõi trần thế có thể làm tất cả mọi người toại nguyện miễn là được thỏa mãn cái nhu cầu “đầu tiên”.
Nhà chùa thì chẳng ngăn cản có lẽ vì nghĩ “tích tiểu thành đại”.
Nhu cầu tới chùa của tôi ngày càng phai nhạt, vì cái mình cần tìm ở nơi đây dần không còn.
Lần gần nhất tôi bước chân tới chùa là vào năm 2006.
Mùa xuân, nghe nói chùa Non Nước trên Sóc Sơn mới có tượng Phật lớn lắm, hai vợ chồng cùng đi. Vừa là du xuân, vừa lễ Phật. Thấy cảnh chùa mới xây dựng khang trang, bà xã nhà tôi muốn góp một chút tiền công đức. Chúng tôi tới trước cái bàn có mấy vị của nhà chùa đang ngồi với một xấp giấy in sẵn. Thấy vợ tôi cầm tờ giấy bạc, một vị sư nữ hỏi:
- Tên là gì?
Bà vợ tôi chưa nghe thấy, nhưng tôi thì nghe rõ, và dĩ nhiên không thể bỏ qua, tự nguyện đóng góp phần nhỏ bé xây dựng chùa mà như nộp tiền phạt cho cảnh sát giao thông. nhưng cố kiềm chế, không nói gì.
Lại nghe họ hỏi, cao giọng hơn:
- Tên là gì?
Tôi không kìm được nữa:
- Cô xem bà ấy có đáng tuổi mẹ cô không mà ăn nói trống không thế. Gọi là ăn mày cửa Phật mà sao ăn nói xấc láo như thế.
Từ đó tới nay, tôi không bao giờ bước chân tới chùa nữa.
Thanh thản đâu chưa thấy, chỉ mua thêm sự bực mình.
No comments:
Post a Comment