Sunday, July 17, 2016

THỰC HIỆN TÂM NGUYỆN VÃNG SANH CỦA MẸ.

NGƯỜI BỆNH BIẾN THÀNH PHẬT TỬ
Khi còn làm tại khoa ung bướu, tôi gặp một bệnh nhân, cậu ấy là sinh viên của lớp cao đẳng công nghiệp, dáng người thanh tú. Nhưng khi mười bảy tuổi thì bị bướu hạch, đó là một loại ung bướu phát triển trong cơ thịt, gọi là “bướu cơ thịt vằn”, trên bàn tay, bàn chân, da đầu đều có. Trên da đầu bướu hạch nổi lên to bằng cái bánh bao, trên mí mắt cũng nổi hạch lớn, có thể vừa một chiếc chum úp vào. Khi cậu đến viện thì một y viện lớn đã mổ cho cậu mấy lần, nhưng hạch bướu vẫn phát sanh trở lại. Cha mẹ cậu làm nghề kinh doanh việc bán gà, giết gà. Họ cực khổ hai mươi mấy năm mới cất được một tòa nhà cao vút những bốn năm tầng. Vốn là nhà khá giả, nhưng khi cậu bị bệnh, chẳng những họ đã tiêu hết tiền của trong nhà lại còn phải đem nhà đi cầm cố để trả nợ, cuộc sống cả nhà phải rơi vào cảnh khốn cùng. Cha cậu nói với tôi rằng, nếu như tiếp tục chữa trị cho cậu thì ông không thể nuôi dưỡng các em cậu. Gia đình biết rằng bệnh của cậu không thể chữa khỏi, nên muốn tôi đừng tiếp tục chữa trị, chỉ cần cho cậu thuốc giảm đau là tốt rồi. Mỗi khi các ung hạch đau nhức thì thật cậu không chịu nổi, cha mẹ cậu thấy thế thì trong lòng đau đớn, không thể đau thay cho cậu được.
Cậu ấy có căn lành. Thầy của cậu từng bảo cậu niệm Phật. Khi bị đau nhức đến cực điểm, cậu vẫn một lòng niệm Phật, niệm cho đến khi hết đau, và tay chân lạnh cóng của cậu ấm trở lại. Như thế cậu khỏi cần dùng thuốc giảm đau. Vì gia đình không còn cách nào cho cậu nằm viện, cho nên cậu phải nằm ở nhà. Cậu đã trải qua một lần ngưng thở rồi sống lại.
Một hôm cha cậu tiến đến y viện tìm tôi, kể cho tôi nghe sự việc rất thần bí, rất lạ lùng không thể nghĩ bàn: hôm qua cậu bé hôn mê, gia đình cho rằng cậu đã không xong, liền thay quần áo, đội mũ của nhà trường cho cậu, xem đó là đồ liệm cho cậu. Đến hai giờ sáng, cậu ngưng thở, mạch dừng, toàn thân cóng lạnh, môi, mặt trắng nhợt. Mẹ cậu tuy rất thương tâm, vẫn rất kiên cường nghe tôi dặn dò mà khẩn thiết niệm A Di Đà Phật cho cậu.
Lòng từ ái của bà mẹ thật bi thiết, việc niệm Phật cũng không thể nghĩ bàn; bà niệm từ hai giờ khuya cho đến tận sáng, thì bỗng nhiên cậu ấy thở một hơi dài, đôi môi hồng như trái anh đào, và cậu sống lại. Gia đình vừa mừng, vừa sợ hãi, trăm mối ngổn ngang.
Sau khi cậu ấy sống lại, tôi đến thăm cậu. Vì cậu đã từng bảo với tôi là cậu rất muốn đến qui y Tam Bảo tại chùa, do đó chúng tôi sắp đặt, đề phòng cậu có thể ngưng thở bất cứ lúc nào, liền đem cậu qui y tại chùa Tịnh Luật. Vì bấy giờ cậu không thể đi được, anh bạn Hà Hiếu Thứ phải cõng cậu đi một quãng đường núi mà xe không thể đi được. Bấy giờ, cậu ráng sức ôm lưng anh Hà. Toàn thân thể cậu, đôi chân gầy đến nỗi chỉ còn xương da. Chư tăng chùa Tịnh Luật rất từ bi, để cậu ngồi tại đại điện mà thọ Tam Quy. Vì cậu đứng lên, cúi xuống rất khó khăn, nên khi phải đảnh lễ bái Phật trong nghi thức Qui y, tôi đều lễ bái thay cậu. Bấy giờ hình như cậu đã đem hết phế phủ, tâm can để đọc bài văn Qui y, tiếng của cậu khiến tôi hiểu rõ thế nào là “qui mạng”. Qui mạng tức là dốc hết toàn bộ sinh mạng.
Một ngày sau khi về nhà, cậu gọi điện thoại đến y viện cho tôi, cậu nói: “Em nằm mơ từ dưới núi chùa Tịnh Luật, cứ bước ba bước thì lạy một lạy, lạy cho đến trước tòa đại điện Bồ Tát Quán Thế Âm. Cứ theo như các động tác mà cô đứng một bên lạy Phật thế cho em, em cứ ba bước một lạy”.
Tôi cầm ống điện thoại nghe cậu ấy nói mấy lời mà không ngăn được nước mắt ràn rụa. Một thiếu niên đã tê liệt trong lúc mộng mị cứ ba bước một lạy, lạy đến trước tòa Quán Thế Âm; trong lòng cậu vẫn mong được lạy Phật linh hoạt như chúng ta! Những lời nói này của cậu đã khích lệ tôi phá vỡ được hàng lớp cửa khó khăn, vì so với cậu ấy, có thể nói chúng ta không khổ chút nào!
Cậu ấy nói với tôi rằng tâm niệm cuối cùng của cậu sau khi sống lại là mong muốn cha mẹ thay đổi nghề, đừng giết gà nữa. Cha mẹ cậu chặt đùi gà ở dưới lầu, thì ở trên lầu đùi của cậu đau nhức không chịu được. Nhưng cha mẹ cậu đã quen làm nghề này, không biết đổi nghề thì phải làm sao. Gần đến tiết Thanh Minh, tôi đến thăm gia đình cậu. Đây chính là lúc làm ăn thuận lợi có người tới mua gà, họ đến chuồng gà ở sau nhà, bắt gà đem giết. Trong lúc vội vã, tôi tự nảy ra ý, buộc miệng mà nói với người khách mua gà: “A Di Đà Phật, rất xin lỗi, hôm nay họ không bán gà, tôi đã mua số gà đang có”. Người khách mua liền nói: “Ồ, cô mua hết rồi sao? Thôi thế cũng được! ” và người khách bỏ đi. Hôm ấy tôi vừa lãnh lương xong, chuẩn bị thay cho cậu ấy cúng dường một số tiền cho chư tăng ở chùa Tịnh Luật, cho nên tôi mới sẵn tiền trong người. Nhưng tôi tin rằng chư tăng ở chùa Tịnh Luật đồng ý cho tôi thay chư vị mà phóng sanh cho đám gà, vì chư tăng đại từ, đại bi mong muốn các chúng sanh đang thoát khổ được vui.
Tôi xin lỗi cha mẹ cậu ấy vì tôi đã tự ý mời người khách mua gà ra đi, xin họ tha lỗi cho tôi. Tôi nói: “vì từ trước đến nay tôi chưa từng mua gà, không biết phải trả bao nhiêu để mua hết số gà trong chuồng đằng sau nhà. Tiền cúng dường trong bao đỏ này xin giao trước cho các vị để chi tiêu qua tiết Thanh Minh, còn thiếu bao nhiêu tôi sẽ mang lại. Số gà kia xin các vị bán cho tôi, nhưng vì tôi không có chỗ nuôi, nhờ các vị nuôi dùm tôi, mỗi tháng chi phí nuôi dưỡng bao nhiêu tôi sẽ gởi lại các vị, đây là mong muốn cuối cùng của cậu con các vị. Cậu ấy muốn các vị thay đổi nghề, tôi nhất định sẽ giúp cậu ấy toại nguyện, để cậu ấy không nuối tiếc, an tâm mà đến thế giới Cực Lạc ở Tây phương”. Cha mẹ cậu nói khéo: “không cần, không cần bao nhiêu đó đủ rồi, cô không cần mang thêm tiền lại. Chúng tôi đồng ý không giết số gà này, chúng tôi nuôi dưỡng chúng, cô không cần trả tiền chi phí nuôi dưỡng”. Vì từ khi họ thấy sắc mặt của cậu mang vẻ đau khổ như mấy con gà bị giết, họ không còn muốn giết gà nữa. Chỉ vì cuộc sống bức bách, cho nên nhất thời họ không biết đổi nghề thì phải làm gì. Hôm ấy chúng tôi ra chuồng gà phía sau, quy y Tam Bảo cho số gà, mong từ nay về sau chúng phát tâm quy Tam Bảo: “Quy y Phật không đọa địa ngục; quy y Pháp không đọa ngạ quỉ; quy y Tăng không đọa súc sanh”.
Trông thấy đám gà đáng thương như thế, khi niệm “không đọa súc sanh” thật tôi muốn rơi nước mắt. Tôi thì thầm khuyên đám gà cùng niệm Phật, bảo với chúng rằng thế giới Cực Lạc ở Tây Phương có Đức Phật A Di Đà, bất cứ chúng sanh nào chỉ cần nguyện đến thế giới Cực Lạc, niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì Đức Phật đều đồng ý tiếp dẫn chúng sanh ấy đến thế giới Cực Lạc, ở đó không ai phải chịu khổ, có thể an tâm tu hành, làm Bồ Tát. Cô em của cậu ấy đứng bên cạnh nhìn bỗng nhiên giật mình bảo tôi: “Bác sĩ Quách, cô nhìn mấy con gà kìa! Tại sao tất cả đều im lặng nhìn vào cô? Xưa nay tôi chưa từng thấy đám gà có bộ dạng như thế!” tôi nói với cô ta: “Em ạ, em sai rồi, trông thấy anh của em bị bệnh đau khổ, em có đau lòng không?” cô ấy nói: “Rất đau lòng”. Tôi nói: “Gà cũng rất sợ chết, rất đau lòng, chúng nó đều biết đau. Em có muốn Đức Phật đến cứu anh của em không?” cô ấy gật đầu, tôi lại nói: “Thì cũng thế, gà cũng muốn có người cứu chúng. Tôi đã quy y cửa Phật dùm cho gà, từ nay về sau chúng là đệ tử của nhà Phật, cùng với tôi là anh chị em, gia đình em từ bi thay tôi săn sóc chúng, để cho chúng được sống tốt lành, không sợ phải bị giết, được không? Chúng ta nên cùng với gà phát nguyện, sau này tất cả cùng đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, gia đình em săn sóc đám gà này để cho chúng sung sướng không phải khổ sở, thì như thế anh của em cũng vui sướng mà không đau khổ”.
Hôm ấy vào “Tiết Đản sinh” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cậu ấy bình tĩnh niệm Phật mà vãng sanh Cực Lạc ở Tây Phương. Theo cô y tá Lâm Ức Phân, người đã săn sóc cậu thì trước khi cậu vãng sanh, thần trí rất sáng suốt, tâm ý rất an tịnh. Khi cô đến thăm cậu, cô đậu xe tại một chỗ ở rất xa, cô còn chưa đến nhà cậu, cậu đã nói với cha mẹ rằng:
Chị Lâm đến rồi, trước khi vãng sanh cậu ấy lấy một cuộn băng ghi âm đưa cho tôi, và khuyên: “Đây là sự khảo nghiệm mà Phật Tổ trao cho chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau sinh Cực Lạc”. Ngày cậu vãng sanh cũng đúng vào ngày tôi xuống tóc xuất gia. Nguyên trước đó tôi không hề biết cậu vãng sanh, nhưng đêm hôm ấy tôi mộng thấy cậu mở đôi mắt sáng (trên mí mắt cậu vốn có một hạch lớn khiến cậu không thể mở mắt được), rất vui vẻ nói với tôi: “A Di Đà Phật, nay thì thứ gì tôi cũng trông thấy được rồi!” một số Phật tử đến trợ niệm cho cậu. Vì cậu là lớp trưởng nên có rất nhiều bạn đồng học đến thăm, tất cả cùng niệm Phật cho cậu. Khi cậu vãng sanh, sắc mặt rất tươi tốt, thật khó nghĩ bàn. Các hạch u lớn ở trên đầu, trên mi mắt đều biến mất. Các bạn đồng học rất cảm động, cha mẹ cậu cũng cảm thấy không thể nghĩ bàn.
Họ cảm thấy sâu sắc rằng việc giết gà trong hai mươi năm,cuối cùng chẳng có tiền, chẳng có con, chẳng dư dã chút nào, chỉ có sự giết hại suông bao nhiêu sinh mạng, còn lại lắm nỗi đau thương. Cũng may, đứa con niệm Phật cầu sanh nước Tịnh Độ của Đức Phật, ở lại đó học con đường thành Phật, hơn nữa, nét mặt lúc lâm chung rất tốt lành của cậu đã cho họ niềm an ủi và lòng tin to lớn nhất. Người bệnh đã trải qua những thăng trầm kia một lòng niệm Phật, trở thành con Phật. Người con Phật ở Cực Lạc thì hạnh phúc nhất so với tất cả mọi người con, con vua, con trời cũng không thể sánh nổi! Lúc mới đầu, việc họ đổi nghề không phải là dễ, nhưng nhờ Phật lực gia bị người chủ cho thuê nhà của tôi là Lâm sư thư rất từ bi, bà bán đồ chay rất phát đạt, bèn hăng hái bảo mẹ của cậu làm đồ chay để giải quyết việc đổi nghề, để thỏa mãn tâm nguyện cuối cùng của cậu con. A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…
Hít vào một hớp gió Cõi Tịnh
Thở ra tràn ngập ngào ngạt Từ Bi
ĐẠI TỪ ĐẠI BI A DI ĐÀ PHẬT
Cho người niềm vui, cho người phương tiện, cho người lòng tin
Nguyện cùng tu thiện, nguyện cùng niệm Phật, nguyện cùng thành Phật.
---o0o---
Like
Comment

No comments:

Post a Comment