gười Việt tị nạn Đức Quốc đang khóc
19/07/201606:17(Xem: 1836)
http://quangduc.com/a58919/nguoi-viet-ti-nan-duc-quoc-dang-khoc#.V406I0vZevE.facebook
Người Việt tị nạn Đức Quốc đang khóc!
Một quả tim nhân ái vừa ngừng đập!
Dr. Rupert Neudeck (14.5.1939 - 31.5.2016)
Một quả tim nhân ái vừa ngừng đập!
Dr. Rupert Neudeck (14.5.1939 - 31.5.2016)
Nguyên Hạnh HTD
Ông ra đi đã để lại một nỗi niềm xúc động trong trái tim tôi bởi vì nếu không có Ông, con trai tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Gia đình tôi vẫn nhớ ơn Ông đời đời nên làm sao chúng tôi không khỏi bàng hoàng đau đớn khi hay tin Ông đã lìa cõi trần!
Vào cuối thập niên 1970, khi người Việt Nam vượt biển trốn thoát chế độ Cộng Sản, những vụ đắm tàu, cướp biển, tấn công, hảm hiếp người di tản và tàu nhỏ chở thuyền nhân bị xua đuổi không cho vào lãnh hải của họ. Sự việc động lòng nhân đạo của một người Đức là Tiến Sĩ Rupert Neudeck, Ông kêu gọi chính quyền Đức, cộng đồng xã hội, tôn giáo, các thân nhân, bằng hữu hãy cứu giúp những thuyền nhân Việt Nam đang tuyệt vọng trên biển cả như thuyền hết xăng dầu, lương thực, chết máy, cướp bóc, v.v...
Khi bị nhà cầm quyền từ chối, Ông không nản lòng mà đã cầm cố ngôi nhà của mình, kêu gọi bạn bè, thân nhân góp tiền của để đóng thuyền ra khơi cứu người Việt Nam. Chỉ ba ngày kêu gọi, người Đức đã hưởng ứng đóng góp đến 1,3 triệu Mark ( tiền Đức thời bấy giờ ) để thuê chiếc tàu CAP ANAMUR đầu tiên ra khơi vào ngày 9.8.1979 với sứ mệnh cao cả là cứu vớt người Việt Nam gặp nguy khốn trên biển Đông. Tiếp theo thêm hai chiếc CAP NAMUR nữa.
Trong thời gian 7 năm hoạt động (1979- 1986) Tổ chức CAP ANAMUR đã cứu vớt được 11.300 người vượt biên trên 223 chiếc ghe và hầu hết được định cư tại nước Đức. Ông cùng thân hữu đã thuyết phục thành công chính quyền Đức cho thuyền nhân Việt Nam được nhập cư vào nước này." (Trích một phần từ bài " Chuyện về Tiến Sĩ Rupert Neudeck và tàu Cap Anamur cứu vớt người tị nạn Cộng Sản vượt biển (79-86) " của Anh Tri ngày 7.6. 2016. Nguồn: Internet.)
Nhờ tấm lòng nhân ái bao la của Ông mà con trai tôi được cứu sống. Lênh đênh vô vọng hơn ba ngày đêm trên biển cả hãi hùng trên chiếc ghe mong manh, đến khi nhìn được ánh sáng của con tàu CAP ANAMUR đang dần dần tiến tới, con tôi đã tạ ơn đức Quán Thế Âm ̣Bồ Tát.
Con tôi vượt biên ngày 8. 4. 1981, được CAP ANAMUR vớt đêm 11. 4. 1981 lúc đang chờ chết. Đó là chuyến CAP ANAMUR 19, tổng cộng 466 người cho nên có tên gọi CAP ANAMUR 19/466. Các ghe kia được vớt ban ngày, tổng cộng 420 người, ghe con tôi được vớt vào ban đêm 46 người. Đúng ra là có một phụ nữ Việt Nam có bầu sắp sinh, trực thăng của CAP ANAMUR chở bà ta vào bệnh viện Singapore, trên đường đi thì gặp ghe của con tôi và vớt luôn. Như vậy, phải cám ơn cả người đàn bà đó vì sau khi đã vớt 8 ghe với 420 người, CAP ANAMUR nghĩ là đủ chuyến rồi và định đi vào bờ. Đến Singapore ngày 12.4.1981, họ không nhận, CAP ANAMUR quay mũi tàu trực chỉ đến Palawan - Phi luật Tân ngày 16.4.1981, qua ngày 4.11.1981 con tôi được định cư ở Đức (Frankfurt am Main).
Không làm sao diễn tả hết nỗi vui mừng của gia đình tôi khi được tin con mình đã được cứu sống! Cho con đi vượt biên bao nhiêu lần, tù tội cũng có. Mỗi lần con ra khỏi nhà, tôi tưởng như mình chết đi được, cuối cùng đến lần vượt biên thứ 8 mới được CAP ANAMUR vớt. Thật không còn nỗi vui mừng nào so sánh được! Vậy là nhờ Ông, chúng tôi đã thoát khỏi một chế độ Cộng Sản vô nhân mặc dù phải đứt ruột lìa xa quê hương và có thể trả giá bằng mạng sống của mình.
Chúng tôi đã dùng nước sông của họ - của nước Đức - để tưới tẩm, dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi, tôi vẫn xúc động khi nghe bài Quốc ca ngày xưa, lời ca nhiệt huyết như không phát ra từ môi mà cất lên từ trái tim mọi người. Nhưng tôi cũng không ngồi nhìn đất nước này, dân tộc này với một ánh mắt hờ hững dửng dưng, một thái độ vô ơn rẻ rúng. Tôi đã dạy các con cùng tôi nhận nơi này làm quê hương, hãy đem tất cả khả năng lao động hay học vấn của mình đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia này.
Trong hơn 20 năm ở nước Đức, tôi đã được gặp Ông ba lần: hai lần ở München - thành phố tôi đang ở - và một lần tại hải cảng Hamburg, nhân dịp khánh thành đài tưởng niệm thuyền nhân. Hai lần ở München, tôi được vinh dự đại diện tặng hoa cho Ông. Khi bắt tay Ông tôi đã nói Ông là đại ân nhân của gia đình tôi, Con trai tôi đã được Ông cứu vớt và tôi rất sung sướng được ngỏ lời trực tiếp cám ơn Ông, một ân nhân vĩ đại của cộng đồng người Việt tại Đức. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói đầy ân tình của Ông khi tôi trao tặng bó hoa: " Tôi vui với thành quả mình đã làm, cộng đồng người Việt đã thành công rất nhiều."
Tin Ông mất đã làm chấn động cả cộng đồng. Người Việt khắp nơi trên nước Đức đã xôn xao kêu gọi nhau đến tận thành phố Köln để góp lời cầu nguyện và cũng như một hình thức đưa tiễn Ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Gọi là báo đáp ân nghĩa trong muôn một nên hàng ngàn người đã không quản ngại đường sá xa xôi khắp nơi lũ lượt về.
Thánh đường St. Aposteln (am Neumark- Köln) đông nghẹt. Tất cả đều trong trang phục tang lễ màu đen mọi tấm lòng đều dành cho Ông tràn đầy thương tiếc ngậm ngùi. Với tôi, sự việc ý nghĩa nhất trong buổi lễ là phần phát biểu phân ưu của một vị bác sĩ người Việt. Ngày được CAP ANAMUR vớt, bác sĩ này mới lên 4, vậy mà không ngờ sau này trở thành người mổ tim cho Tiến sĩ Rupert Neudeck. Đó là bác sĩ Nguyễn đình Quang. Ôi! Trên cuộc đời này vẫn còn có những sự trùng hợp thật nhiệm mầu và cao đẹp quá!
Bà Neudeck cũng đã ngỏ lời trong lá thư cám ơn: " Các bạn vẫn luôn luôn duy trì bảo tồn nền văn hóa Việt Nam của các bạn và các bạn cũng là những người đã mang lại sự phong phú tuyệt vời cho xã hội Đức này", và trong phần trích từ Kinh Thánh, có câu bà nhắn gởi Ông thật cảm động: "Lòng nhân hậu và tình thương của Người sẽ theo tôi suốt cuộc đời".
Nỗi mất mát nào lại không đớn đau nhưng hình ảnh cả ngàn người Việt Nam từ muôn phương kéo về cũng đã làm ấm lòng bà Neudeck rất nhiều và đó là niềm an ủi cũng như sự hãnh diện cho những ngày đơn chiếc còn lại. Thiết nghĩ cũng nên có vài dòng vinh danh người phụ nữ này: Bà Christel Neudeck, không phải là người đàn bà đứng sau lưng sự thành công của chồng mà bà luôn sóng vai đồng hành cùng chồng trong công việc cố vấn, điều hành mọi công cuộc từ thiện.
Do đó giải thưởng ERICH FROMM ( 2016) đã dành tặng cho cả hai vợ chồng Ông Bà Christel và Rupert Neudeck ( Theo Nguyễn Hữu Huấn ( Hamburg ) trong số báo Viên Giác 213 ). Luân lý Việt Nam thường khuyên con cháu nên giàu lòng nhân ái qua câu ca dao: " Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng." (Là khuyên con người nên biết thương người khác, nhưng cũng là người trong nước.) Trong triết lý Đông phương, ta cũng thường nghe nhắc câu: " Vua nước Sở mất cung thì người nước Sở được." (Khuyên con người nên dễ dãi chia sẻ vật chất cho người khác. Khác, nhưng cũng là người khác trong nước.) Đằng này Tiến sĩ Rupert Neudeck với người tị nạn Việt Nam thật hoàn toàn xa lạ. Lòng nhân ái của Ông mới thật quá bao la và thiêng liêng cao cả! Thế gian thường tin là Thượng đế ban sự sống và quyết định cái chết cho con người nhưng người trần mắt thịt không dễ thấy. Còn Tiến sĩ Rupert Neudeck quả thật là Ông đã: " Ban sự sống và cả cách sống tốt cho nhiều người "!
Thật đáng tôn vinh! Vĩnh biệt Tiến sĩ Rupert Neudeck! Ông đã ra đi! Nhưng hình ảnh Ông vẫn mãi mãi sáng ngời, rạng rỡ ngự trị trên cao, trên những con tàu CAP ANAMUR, xứng đáng được mệnh danh: " Những con tàu thần thoại". Phong ba, bão táp, tiếng gầm thét của biển cả cũng không thể át nổi thanh danh một đời người đã xả thân cho những công cuộc từ thiện trên mọi lãnh vực nhất là trong công cuộc cứu vớt thuyền nhân Việt Nam vượt biển tìm chân trời tự do. Trùng dương mênh mông, bát ngát, sâu rộng, vô bờ cũng không thể sánh bằng sự bao la, thăm thẳm, ngút ngàn của một tấm lòng nhân ái, đôn hậu của Ông. Một tấm lòng với tình người đối với con người - Hơn thế nữa với cả nhân loại bằng cái tâm không phân biệt. Ông! Tiến sĩ Rupert Neudeck! Xứng đáng ra đi về nơi thanh thản và Ông, đã trở thành bất tử trong lòng người tị nạn Việt Nam chúng tôi.
Tháng 6/2016
Nguyên Hạnh HTD
No comments:
Post a Comment