http://kenh14.vn/con-gai-co-lao-cong-dat-hoc-bong-7-ti-harvard-hoc-cung-nhu-tap-the-duc-neu-muon-dieu-kien-nao-cung-tap-duoc-20160711235620675.chn
Những ngày qua, cô nữ sinh 19 tuổi này được hỏi rất nhiều về việc đã cố gắng ra sao với hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Nhưng với Diệu Liên, đơn giản là nếu muốn, điều kiện thế nào bạn cũng vẫn có thể học tập tốt!
Những ngày qua, cái tên Trần Thị Diệu Liên bỗng được các bạn trẻ nhắc đến nhiều hơn, với sự ngưỡng mộ và lòng cảm phục nhiệt thành dành cho nghị lực của cô gái phi thuờng này.
Ai cũng biết Diệu Liên – cô gái sinh năm 1997 - cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM đã xuất sắc nhận được học bổng 7 tỷ đồng của trường Đại học danh tiếng Harvard. Nhưng điều khiến nhiều thế hệ sinh viên nể phục có lẽ vì hoàn cảnh gia đình của Liên: bạn là con của người mẹ lao công và người cha làm biển quảng cáo ở Sài Gòn.
Cô Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, mẹ của Diệu Liên) gắn bó với nghề lao công ở thành phố này hơn 20 năm qua. Cô từng làm lao công ở nhiều trường Đại học trong nội thành Sài Gòn và hiện đang làm ở ký túc xá Đại học Kinh tế TP. HCM. Chiều hôm nay, sau khi kết thúc ca của mình, cô lại tất bật trở về nhà nấu cơm cho chồng và 2 cô con gái.
Trần Thị Diệu Liên và người mẹ lao công của mình trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn.
Chúng tôi gặp gia đình 4 người họ tại ngôi nhà nhỏ trên đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP. HCM, chỉ chừng 17m2. Phần sân trước nhà ngổn ngang những biển quảng cáo đang đóng dở, ba của Diệu Liên vẫn cần mẫn bên chiếc máy bắn vít để đóng tấm biển hiflex lên khung nhôm. Hai chị em Diệu Liên ngồi đọc tài liệu trên máy tính trong khi cô Lộc đang hí hoáy dưới căn bếp chật chội nhưng tỏa mùi thức ăn thơm phức khắp nhà.
Và sau buổi trò chuyện dài, cảm nhận bầu không khí trong ngôi nhà nhỏ và nghe Diệu Liên nói, chúng tôi hiểu rằng, tất cả những gì Diệu Liên đã trải qua, những cố gắng không ngừng của bạn, của ba mẹ, của những trải nghiệm không chỉ qua sách vở đã giúp Liên chạm tay vào cánh cửa Harvard như thế.
Các thành viên trong gia đình của cô tân sinh viên ĐH Harvard.
Cô lao công chia sẻ cảm xúc về con gái Diệu Liên - (Thực hiện: Quỳnh Trân).
Trần Thị Diệu Liên là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Đầu tháng 4, Liên vừa nhận tin trúng tuyển ĐH Harvard với mức học bổng hiếm có 302.920 USD cho 4 năm học.
Suốt những năm phổ thông, Liên đã giành được không ít những học bổng, thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc:
- Giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) với đề tài nhóm: "Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị".
- Giải Ba Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13
Không chỉ giữ danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền, Diệu Liên còn đạt được nhiều huy chương thể thao ở các môn karatedo, bóng chuyền, bóng đá...
Bài học lớn nhất bố luôn dạy mình là: Con phải suy nghĩ độc lập và tự quyết định đi!
Chào Diệu Liên. Cảm xúc của bạn và bố mẹ như thế nào khi nhận được thông báo nhập học của Harvard?
Thật sự, Đại học Harvard không phải là ước mơ ban đầu của mình. Tuy nhiên đa phần các trường ở Mỹ thường cân nhắc đến điều kiện tài chính của gia đình trong bộ hồ sơ, và Harvard là một trường hiếm hoi không xem xét yếu tố đó, nên mình đã chọn Harvard.
Mình viết bài luận trong vòng 3 giờ đồng hồ vào ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ vào Harvard. Vì đã nộp hồ sơ khá trễ và hầu như không đặt quá nhiều hy vọng sẽ được lựa chọn. Thế nên khi nhận được thư của đại học Harvad mình vô cùng bất ngờ và hạnh phúc.
Cách đón nhận của bố mẹ cũng bình thản lắm. Với gia đình khác, có thể khi bạn thông báo đã đậu Đại học, bạn nhận học bổng, bạn được du học, thì ba mẹ con cái sẽ vỡ òa cảm xúc và ôm nhau khóc.
Nhà mình thì khác, mình báo tin cho bố: "Con nhận học bổng toàn phần của Harvard". Bố bảo: "Ừ, trường đó học tốt đấy con!". Vậy là xong. Còn mẹ thì bảo mình đi rồi mẹ cũng buồn, nhưng may quá, mẹ còn có em gái mình, vậy là được rồi! (cười). Các thành viên trong gia đình mình thuờng không thể hiện cảm xúc nhiều với nhau mà.
Nhưng dù không nói ra, nhưng mình biết họ luôn là hậu phương vững chắc, luôn cổ vũ, động viên tinh thần mình bằng cả trái tim họ. Hơn tất cả, mình biết ơn vì bố mẹ luôn dạy mình phải độc lập trong suy nghĩ, nhờ vậy mình mới có được thành công ngày hôm nay.
Bạn có thể nói rõ hơn về bài học "độc lập trong suy nghĩ"?
Nghĩa là mình phải tự quyết định và chịu trách nhiệm những thứ liên quan đến cuộc sống của bản thân mình. Đây là bài học mà bố đã dạy cho mình từ bé, và bố cũng là người có ảnh hưởng nhất đến sự hình thành nhân cách của mình.
Có một sự kiện mà mình luôn nhớ đó là khi mình thi tuyển sinh lớp 10, lúc đó mình đậu vào chuyên Sinh của trường Phổ thông Năng Khiếu và chuyên Anh của trường Chuyên Lê Hồng Phong. Mình đã hỏi bố rằng mình nên học trường nào, bố bảo mình phải suy nghĩ độc lập và tự quyết định đi!
Vậy nên, mình chọn học chuyên Anh của trường Lê Hồng Phong. Sau khi hoàn tất hồ sơ và chuẩn bị nhập học, bố gọi mình ra, cười: "Nói thật nha, bố thích con học chuyên Sinh ở trường Năng Khiếu hơn". Bố mình là thế, không hề can thiệp vào sự lựa chọn của mình dù bố có một sự lựa chọn khác dành cho mình, nhưng bố luôn tôn trọng quyết định của con gái.
Hoàn cảnh gia đình cũng có những khó khăn nhất định, nếu như người khác chỉ cần cố gắng 50% thì chắc hẳn Diệu Liên lúc nào cũng phải nỗ lực đến 100%, có khi nào bạn cảm thấy áp lực không?
Mình không áp lực cũng chưa bao giờ tự ti về xuất phát điểm của mình. Những khó khăn trong quá khứ là yếu tố đã hình thành nên nhân cách và thành công của mình ngày hôm nay. Albert Einstein có một câu nói rất hay: "Giáo dục là những gì còn lại sau khi đã quên". Học không chỉ để lấy kiến thức mà còn để lấy kỹ năng nữa.
Cách mà mình vượt qua những khó khăn trong học tập, cách chinh phục những tri thức mới cũng là cách mà mình đang học.Về điều kiện, vật chất, có thể ví dụ như thế này: Việc học tập cũng như tập thể dục, đa số mọi người cứ nghĩ là phải đến Trung tâm thể thao hay phòng tập gym với đầy đủ máy móc hiện đại thì mới tốt. Thật ra chúng ta vẫn có thể tập thể dục bằng cách chạy bộ, nhảy dây hay chạy xe đạp mà... Học cũng như vậy, có điều kiện thì tốt hơn, nhưng nếu mình thật sự muốn làm điều gì đó thì dù trong điều kiện nào cũng có thể thực hiện được.
Dạy học ở mái ấm là cách mình muốn giúp các em thay đổi nhận thức và cách học
Bạn nói về việc học không chỉ để lấy kiến thức mà còn phải lấy kỹ năng, vậy Diệu Liên đã lấy những kỹ năng như thế nào cho mình?
Mình đi dạy, không phải dạy để mưu sinh kiếm tiền, mình dạy hoàn toàn miễn phí cho trẻ em nghèo ở các mái ấm mồ côi.
Mình bắt đầu tham gia việc dạy học cho các em vào năm lớp 10. Trước đó mình đã mong muốn được đi dạy cho trẻ em nghèo rồi, vô tình một hôm mình có đọc được một bài viết trên facebook của một nhóm tình nguyện và thấy hoạt động đó rất giống với những gì mà mình thích nên đã đăng ký tham gia. Việc đi dạy trong suốt những năm qua cho mình rất nhiều trải nghiệm thú vị. Từ việc tiếp xúc với mọi người, mình đã có một cái nhìn cuộc sống chân thực và rõ ràng hơn là thông qua lăng kính của người khác.
Mình luôn nghĩ dạy học là công việc có thể thay đổi được nhiều điều trong cuộc sống. Mình mong muốn từ thay đổi nhận thức và cách học của các em, sẽ giúp được các em thay đổi con đường mà các em chọn sau này. Và điều mình luôn nói với các em là, đại học không phải là con đường duy nhất để thành công sau này, tấm bằng cũng không phải thứ quan trọng nhất, điều cốt lõi là hãy cứ học cái các em muốn và giúp ích cho các em.
Cái nhìn cuộc sống và những trải nghiệm của riêng mình đó, bạn có đưa vào bài luận của mình để gửi tới ĐH Harvard?
Khi nộp hồ sơ vào Harvard mình phải viết 2 bài luận. Bài luận chính tầm 650 chữ, trả lời khoảng 4-5 câu hỏi mà trường đặt ra. Còn bài luận phụ thì không giới hạn từ, không giới hạn chủ đề nhưng phải thể hiện được những quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
Trước đó, có một số anh chị đã khuyên mình nên thể hiện bài luận một cách chân thật nhất về bản thân vì đó là cách ghi điểm tốt nhất. Do vậy, khi viết bài luận, mình không quan trọng ĐH Harvard có thấy mình là người phù hợp với trường hay không, mình chỉ thể hiện đúng suy nghĩ của mình trong bài luận đó là được.
Bài luận chính thì xin cho phép mình giữ làm bí quyết riêng (cười). Còn bài luận phụ của mình kể về một lần tiếp xúc với một em bé khuyết tật ở làng Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ) và những suy nghĩ khi tiếp cận với em bé đó. Mình đồng thời liên tưởng đến một phần quá khứ của mình từ đó đưa ra những suy nghĩ của bản thân về một số vấn đề trong cuộc sống.
Có lẽ những chia sẻ chân thành của mình đã làm lay động được hội đồng tuyển sinh. Và mình rất bất ngờ khi nhận được một lá thư tay của một giáo viên trong ban tuyển sinh gửi kèm với hồ sơ thông báo nhập học. Họ nhận xét bài luận của mình là "chân thật" và khơi gợi được "xúc cảm đam mê".
Bạn cũng từng gặp thất bại khi săn học bổng của các trường của Mỹ vào những năm trước, và thất bại đó có giúp gì cho bạn khi xin học bổng Harvard không?
Vào năm lớp 9, mình từng thất bại khi săn học bổng của chính phủ Singapore khi đã đi đến vòng phỏng vấn. Lúc đó mình rất buồn và đã quyết tâm cải thiện kỹ năng của bản thân. Một năm trước mình cũng đã thất bại khi nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ, thế nhưng gia đình không tạo áp lực cho mình. Đồng thời bạn bè luôn ở bên cạnh làm nguồn động viên giúp mình có động lực để tiếp tục thực hiện ước mơ du học.
Những thất bại trong quá khứ đã trở thành những bài học và dần dần khiến mình trở nên hoàn thiện hơn. Và rồi hôm nay mình đã dùng chính những kinh nghiệm quý báu đó để đạt được thành tích cao.
Luôn đi ngủ vào lúc 10.30 tối!
Cách Diệu Liên học tập trong 12 năm qua có khác gì những học sinh khác không? Học thêm, học ngày học đêm, hay học như thế nào để có được thành công ngày hôm nay?
Mình không học thêm, cũng không học đêm. Có một điều thú vị ít người biết đó là mình luôn đi ngủ vào lúc 10h30 tối. Ngày nào cũng thế, mình không thích thức khuya và mình luôn hoàn thành bài vở trước đó để có thể đi ngủ đúng thời gian biểu của bản thân và thức dậy vào 5h30 mỗi sáng.
Mình còn dành thời gian để hoạt động ngoại khóa, nên lịch học cũng không đến nỗi kín mít. Dù là học trường chuyên nhưng nếu sắp xếp được thì lịch học thì không phải học từ sáng đến tối đâu.
Vì sao bạn lại chọn ngành khoa học kỹ thuật mà không phải một chuyên ngành khác?
Hiện tại mình vẫn chưa xác định rõ bản thân sẽ làm tốt ở lĩnh vực nào, tuy nhiên mình luôn có niềm đam mê rất lớn với các sáng chế khoa học. Mình lựa chọn khoa học kỹ thuật vì ngành này cho mình hai điều: Một là luôn có gì mới để học và hai là để lại sản phẩm giúp ích cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, mong muốn lớn nhất của mình là có thể đưa những đề tài khoa học của Việt Nam có xuất phát điểm ngang bằng với nước ngoài.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bạn sẽ bắt đầu hành trình của mình trên đất Mỹ, vậy bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến đi sắp tới?
Hiện tại mình đang đi thực tập tại một công ty về phần mềm để thử xem công việc có phù hợp hay không, đồng thời tham gia các dự án giáo dục và khoa học. Mỗi ngày mình đi làm, rồi đi dạy cho các em nhỏ ở mái ấm và về nhà, mọi chuyện vẫn rất bình thường, mình không áp lực về việc chuẩn bị quá nhiều cho chuyến đi sắp tới.
Vì với mình, việc có đi du học không thể hiện bạn tài giỏi hay sẽ thành công trong tương lai. Vì vậy du học không phải là đích đến cuối cùng để chúng ta bằng mọi giá có được. Nó chỉ có thể là con đường để dẫn bạn đến đích đến sau này của mình. Câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: đích đến thực sự sau khi đi du học của mình là gì?
Cảm ơn Diệu Liên về những chia sẻ chân thành của bạn. Chúc bạn sẽ có những ngày tháng học tập thật thú vị tại đại học Harvard!
>>>
Chúng tôi gõ cửa nhà Trần Thị Diệu Liên, nữ sinh 19 tuổi, vừa nhận học bổng toàn phần trị giá gần 7 tỷ đồng của trường đại học Harvard (Mỹ). Gọi là nhà nhưng thực chất chẳng khác gì một túp lều ở khoảng sân sau của một căn nhà cấp 4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Mảnh đất đang thuộc diện giải tỏa này thuộc quyền sở hữu của bà ngoại Liên. Thấy con cái khó khăn, nhiều năm trước, bà gật đầu đồng ý cho ba mẹ Liên dùng tôn và gạch cũ cơi nới tạm bợ, làm thành một tổ ấm đơn sơ để các cháu có "cái chui ra chui vô". Có lẽ, nhiều người đang mường tượng nơi Diệu Liên sống là một quận nghèo nào đó giữa Sài Gòn rộng lớn. Nhưng không, đó là mái nhà xiêu vẹo, mục nát nằm trên một tuyến đường chính ngay trung tâm Sài Gòn, quận 1, đối diện với những ngôi nhà kiên cố, khang trang mới xây… Ba Liên là anh Trần Văn Dưng (sinh năm 1964, quê Thái Bình), làm nghề thiết kế biển quảng cáo đã 20 năm nay. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, Thanh Hóa), lao công của một trường đại học trong thành phố. [CLIP] Ngôi nhà xiêu vẹo được gắn đầy bằng khen của Trần Thị Diệu Liên - Thực hiện: Lê Ái Hơn 20 năm trước, anh Dưng từ Bắc vào Nam, hai bàn tay trắng bôn ba khắp nơi, cuối cùng chọn Sài Gòn làm bến đỗ lập nghiệp. Năm 1995, anh Dưng kết hôn với chị Lộc. Hai năm sau, họ đón đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Trần Thị Diệu Liên. Liên lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự chăm sóc tận tình của cha. Những năm đầu đời, Liên đã sớm bộc lộ những tố chất đặc biệt, khiến anh Dưng và chị Lộc thầm nuôi hy vọng về đứa con gái thông minh, lanh lợi. Và kỳ vọng của vợ chồng anh Dưng đã không đặt nhầm chỗ. Từ khi bước vào cấp 1 đến lúc tốt nghiệp cấp 3, mỗi năm Diệu Liên đạt được vô số các giải thưởng lớn nhỏ từ cấp trường, thành phố, quốc gia rồi quốc tế... Có bao nhiêu bằng khen anh Dưng động viên con cứ treo hết lên tường cho ba ngắm. Lâu dần, cả "túp lều" xiêu vẹo của vợ chồng anh được gắn đầy bằng khen. Choáng ngợp, ngưỡng mộ, lòng thoáng chút ghen tị là cảm giác của nhiều người trong lần đầu bước chân vào tổ ấm có "bức tường bằng khen" đặc biệt này. Thậm chí, nhiều giấy khen, bằng khen phải treo chồng lên nhau vì... không đủ chỗ. Bức tường bằng ván ép treo đầy bằng khen, huy chương của Diệu Liên. ẢNH: LÊ ÁI Mỗi tấm bằng khen có kích cỡ, màu sắc, nội dung khác nhau. Mỗi bằng khen, huy chương, trông như một món châu báu đầy mê hoặc, biến căn phòng chật hẹp, cũ kỹ trở nên lộng lẫy, sang trọng và đáng giá như đang chứa cả kho châu báu. Ngước nhìn bức tường treo đầy bằng khen, huy chương, hầu hết mang tên Trần Thị Diệu Liên, có một số của Trần Thụy Như Quỳnh (con gái thứ 2), mắt anh Dưng long lanh, miệng anh nói mà như cười: “Mỗi lần có việc gì buồn chán, mệt mỏi tôi đều dành thời gian để ngắm bằng khen của các con để thấy lòng mình ấm trở lại, thêm động lực để tiếp tục cố gắng, vươn lên”. Nghề thiết kế biển quảng cáo của anh Dưng tuy không phải đi làm xa nhà nhưng tính chất công việc lại bấp bênh, mang tính thời vụ. Mỗi tháng, cộng tiền mà anh kiếm được với số lương ít ỏi làm lao công của vợ, gia đình nhỏ 4 người có ngót nghét gần 6 triệu đồng để chi tiêu. Mấy năm trước, gia đình anh Dưng, chị Lộc nằm trong diện hộ nghèo của phường, năm nay vừa thoát nghèo nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn… Không đủ chỗ, nhiều bằng khen, giấy khen của Diệu Liên phải treo chồng lên nhau thành từng xấp. ẢNH: LÊ ÁI Cuộc sống khốn khó, nhà vẫn chưa có; tuy nhiên, vợ chồng anh Dưng chưa một ngày ngừng nuôi ước mơ con cái được đi du học. Nhưng thật lòng, nhiều đêm, người cha nghèo nhìn các con say ngủ rồi vắt tay lên trán suy nghĩ: "Chắc chỉ khi nào chúng nó rời khởi túp lều này, đến một chân trời khác thì mới có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ đó!". Anh Dưng bộc bạch: “Tôi có 3 ước mơ lớn trong đời, đó là có nhà để ở, Liên và Quỳnh đều được đi du học. Nay, Liên được vào đại học Harvard coi như 1/3 tâm nguyện đời tôi đã được hoàn thành. Khi biết tin cháu đậu vào trường Mỹ, tôi âm thầm lên mạng tìm xem nó là ngôi trường như thế nào, biết được có nhiều người xuất chúng trên thế giới từng học ở đó, tôi mừng mất ngủ mấy ngày”. Căn nhà xiêu vẹo, mục nát này đã nuôi dưỡng một tài năng như Diệu Liên. ẢNH LÊ ÁI Khi được đặt vào tình huống giả dụ, nếu được đổi cơ hội du học của Diệu Liên để nhận ngay một gói 7 tỉ đồng tiền mặt và dùng tiền đó để mua nhà, "đổi đời" thành đại gia ngay lập tức, anh có đánh đổi? Anh Dưng giật nảy người, cương quyết: “Gia đình tôi nghèo thật, nhưng dù được cho 7 tỉ hay 70 tỉ tôi cũng không nhận đâu. Cơ hội làm ra tiền thì có thể có nhưng cơ hội du học như thế này thì khó lắm. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới số tiền này!”. Nếu chị Lộc tần tảo sớm hôm kiếm tiền nuôi con, thì anh Dưng bao nhiêu năm nay lại đóng vai trò người cha kiêm cả vị trí của người mẹ. Anh chăm sóc, nhắc nhở Liên việc ăn uống, học tập; rồi đảm đương cả vai trò "vệ sĩ" cho con gái. Những đêm thấy Diệu Liên đi làm về khuya, không an tâm, anh lại xách xe chạy đến công ty để đón con. Hay như khi biết con gái bỏ quên dây xạc máy tính, anh cũng vội vàng giúp Liên đi tìm lại, vì: "đoạn đường đó nhiều xe nguy hiểm lắm, để bố đi cho!”. Căn nhà chỉ 17 m2 chất đầy đồ đạc, sách vở... không còn chỗ để ngồi. ẢNH LÊ ÁI “Tôi chỉ mong cháu học đúng ngành mình mơ ước, khi ra trường có công ăn việc làm ngay, không kỳ vọng lớn lao gì”, người cha trả lời như vậy khi được hỏi anh đặt kỳ vọng gì ở Diệu Liên sau 4 năm học ở Mỹ. Nghe tin cháu sắp đi Mỹ du học mà trong nhà tài chính vẫn eo hẹp, bà ngoại Diệu Liên trào nước mắt. Bà là người chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành và thấy rõ quá trình phấn đấu không ngừng trong học tập của hai chị em Liên. Với bà, đứa cháu nào cũng ngoan, cũng giỏi, nhưng riêng Liên, đó là một tấm gương hoàn hảo mà bà cảm thấy tự hào mỗi khi giới thiệu: "Cháu tui đó, sinh viên đại học Harvard". 'Mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác với những điều em tưởng tượng. Em bình tĩnh đến lạ lùng, dù trước đó đã nghĩ, nếu mình được nhận vào Harvard sẽ rất vui. Có lẽ là do quan niệm: chọn đại học là chọn sự phù hợp chứ không phải là một giải thưởng để mình đạt lấy', con gái chị lao công nhận học bổng 7 tỉ kể khoảnh khắc đón nhận tin vui từ Harvard. ... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/choang-ngop-gia-tai-chi-lao-cong-co-con-duoc-hoc-bong-7-ti-cua-harvard-post169441.html | NongNghiep.vn
No comments:
Post a Comment