Đố kỵ
Hôm nay, một cái status sượt qua tôi, đại ý nói: em thi đậu, em vui vì bạn em rớt. Cũng không có gì nghiêm trọng khi trẻ nhỏ nói vậy.
Nhưng cảm xúc đó có thể nảy nở thành một thứ khác.
Thật kỳ lạ, một con người luôn học về điều đố kỵ nhanh hơn phần lớn những thứ khác trong đời. Một đứa em luôn đố kỵ với anh trai, chỉ vì anh nó làm mọi việc giỏi, và thường giải quyết mọi thứ thấu suốt. Một người học, luôn khó ở với đứa bạn luôn dẫn đầu trong lớp. Một đứa trẻ, không thể chịu nổi việc bạn nó có nhiều hơn một túi kẹo mỗi ngày khi đến trường.
Lòng đố kỵ nảy mầm và bắt rễ ngay khi một linh hồn biết so sánh. Sợ mình yếu hơn, sợ mình dở hơn, sợ mình thua cuộc. Nhưng đó không phải căn nguyên. Lòng đố kỵ bắt đầu thành hình khi một người sợ đứa bạn bên cạnh học giỏi hơn mình, sợ người đồng nghiệp làm việc nổi trội hơn mình, và đứa em sợ anh trai cứ mãi được tán dương.
Sự khác biệt giữa nỗi sợ mình thua - và nỗi sợ người ta thắng ở chỗ: Khi sợ người khác thắng cuộc, hành vi độc ác của sự đố kỵ bắt đầu xuất hiện. Bởi thay vì tìm cách lắp ráp lại bản thân và thu xếp nỗi sợ của mình, kẻ ấy bắt đầu tấn công người khác.
Khi còn là một học sinh, tôi nhìn thấy sự đố kỵ nảy mầm trong mình. Đó là một lần cô giáo gọi tôi trả lời. Câu trả lời chưa thoả mãn. Cô gọi 1 người khác, nhưng bắt tôi đứng và nghe. Sau đó cô nói: Em nghe bạn trả lời chưa, như vậy mới đúng và đầy đủ.
Khi ấy ngực tôi đau nhói, và khó thở. Chỉ sau buổi sáng, tôi cảm thấy người bạn trả lời câu hỏi kia đã hoá thành kẻ thù của mình. Tôi bắt đầu thấy bạn giỏi hơn tôi, bạn viết chữ đẹp, bạn nói năng nhẹ nhàng, giày bạn đẹp, và bạn chạy thể dục nhanh hơn tôi. Tôi không bao giờ quên cảm xúc tối tăm đó đã tượng hình ra sao, bởi để gột bỏ nó, cuối cùng là một hành trình mỏi mệt và đau khổ vô cùng tận.
Từ năm 12 tuổi đó, tôi không còn bất kỳ hạnh phúc nào của sự vô tư. Những lời chê bai của cô giáo sẽ biến hoá một bạn nào đó trong lớp thành kẻ tôi muốn vượt qua. Kỳ lạ ở chỗ, lời chê bai xuất hiện vào những khoảnh khắc vô cùng đắt giá, chúng như bẻ gãy tôi, và khiến tôi không còn tin rằng mình có thể thư giãn thêm nữa. Một cô giáo từng nói: “Mày học thì được đó, nhưng mày xấu quá, chả thi thố gì được đâu.” – Cô nói và chỉ vào một bạn khác cùng tuổi tôi.
Tôi gặp thầy năm lớp 10. Khi ấy tôi không đậu vào trường chuyên. Sự tủi hổ, đau đớn của một người thất bại phủ vây lấy tôi. Rất nhiều bạn của tôi đã đậu vào ngôi trường ước mơ đó. Tôi đến nhà thầy học, mang theo những ức cợn trong lòng không thể giải toả. Tôi đã nói chuyện với thầy nhiều hơn bất kỳ người lớn nào khác vào thuở đó. 16 tuổi, tôi nghĩ cuộc đời bé xíu trên tay và mình là kẻ thất bại.
Thầy tôi nói với tôi, con cay cú vì cuộc thi đó đến vậy sao, con không biết có cả ngàn cuộc thi trên đời. Nếu con thích, con đi học đại học để tha hồ thi thố. Nhưng tại sao con không tập trung học, con thích học gì? Tại sao con không tập trung? – Cứ mải ghen tuông với người khác, rồi con chẳng thành ai đâu.
Câu nói cuối cùng của thầy xảy ra trong một chiều mưa, và lớp học chỉ có mình tôi đến. Thầy đứng ở cửa sổ, thả câu nói vào tay tôi và nói: “Nếu con cần đọc sách, thầy có kệ sách ở dưới nhà, cứ xuống lựa.”
Mất bốn năm để tôi hiểu buổi chiều nghỉ học đó là một sự cứu chuộc. Tôi đọc nhiều hơn và dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về điều mình muốn làm. Tôi bỏ cuộc đua để trở thành người giỏi nhất. Tôi cũng mất dần hứng thú với việc mình sẽ là ai đó, thành một cái gì đó, hay được ai đó cúi đầu nể phục. Năm 17 tuổi, phần lớn thời gian của tôi là những đêm ngồi viết trên chiếc máy tính cũ. Tôi viết chỉ để viết. Tôi viết vì cảm thấy nó đang làm thoả mãn mọi yếu ớt sinh ra trong mạch đập của mình.
17 tuổi, tôi hay ngủ gục trong lớp học, điểm số mọi môn chỉ còn là vớ vẩn, chỉ còn tập trung để đậu đại học – và đến được với cuộc đời bên ngoài. Tôi đã hạ gục tất cả mọi sự lo nghĩ về đối thủ, sợ ai đó vượt qua mình, căm ghét ai đó sẽ hơn mình, phẫn nộ vì ai đó đẹp hơn mình, căm thù vì ai đó đậu học sinh giỏi không phải mình.
Khi ấy, tôi nhẹ nhõm sống với những buổi sáng vật lộn để không ngủ gục trong lớp học. Nhưng tôi bắt đầu quan sát bản thân mình, ngắm nhìn những tỵ hiềm mình đã xây đắp bao lâu, từ năm 12 tuổi. Tôi có 5 năm để căm ghét hầu hết những ai giỏi hơn mình, chỉ còn may mắn ở chỗ, hên là tôi đã không làm một điều gì ác với họ - chỉ bởi vì hèn yếu.
Nhiều lần, tôi kinh ngạc trước một đứa học cùng, nó đắc thắng kể nó đã lừa thằng học chung ngồi sau bằng cách cho một đáp số giả khi thi, bởi vì nó tin cách đó sẽ giúp nó giỏi nhất lớp. Có bạn vô cùng hân hoan kể rằng bạn vui đến mức nào khi tất cả bọn luyện thi chung đội tuyển đều rớt sạch, trừ bạn. Lòng đố kỵ không che giấu, nổi lên như một cơn đắc thắng độc chiếm và sự kiêu kỳ nông cạn. Nó biến những đứa trẻ thơ ngây thành những chiến binh tìm cách rạch mặt bạn khi không còn cách đàng hoàng để chiến thắng. Và đôi khi cách bẩn thỉu nhất được tôn vinh – vì kẻ ấy cuối cùng đã thắng.
Tôi bắt đầu sợ những đố kỵ. Đố kỵ không dừng ở so sánh, nó sẽ vươn bàn tay để cào cấu đối thủ, sát phạt người mình thù ghét, thậm chí biến mọi hành vi của người xung quanh thành đòn thù. Một cô gái ghét một cô bạn khác vì cô kia giỏi, đẹp, có bạn trai ngon lành, có cha mẹ hoà nhã, có nhiều danh vị. Cô bắt đầu nói xấu bạn, tìm cách phá tình yêu của bạn, hãm hại bạn trong nghề nghiệp. Nhiều khi ta chỉ thấy phần cuối cùng của hãm hại, mà không biết nó chỉ bắt đầu bằng móng vuốt của đố kỵ bắt đầu dài ra.
Nhưng phần khủng khiếp hơn của đố kỵ là chính những gì ta phải chịu đựng trong bản thân mình. Tôi chưa bao giờ thư giãn khi luôn phải dòm chừng một ai đó giỏi hơn. Tôi chưa bao giờ thấy nhẹ nhõm khi một kẻ khác đi nhanh hơn mình. Tôi luôn canh chừng như chó săn, độc địa như loài đỉa, và ma lanh như một thằng hề có hai gương mặt. Điều đó có hạnh phúc không?
Nó biến thành toàn thể bất hạnh khi người đố kỵ mãi mãi thua cuộc. Nó đẩy họ vào sự tự ti cùng cực, xấu hổ với bên ngoài và tự nhục nhã loại trừ bản thân. Trong khi đó họ không hiểu cuộc đời chỉ đơn giản là lăn đi, đâu ai nhìn thấy ai, đâu ai rảnh rỗi tị hiềm so sánh họ với người thắng cuộc? – Nội tâm yếu đuối đến mức ám ảnh và biến mình thành con ốc ngu xuẩn.
Tôi đã viết rất nhiều về sự đố kỵ, trong quá trình quan sát bản thân mình. Nỗi sợ vì mình không thành công NHƯ một ai khác, nỗi sợ vì ai khác giỏi hơn mình là những nỗi sự phù phiếm, đần độn và ác độc. Tôi hầu như đã quên mất bản thân chỉ vì đố kỵ, quên mất yêu thương nó, quên mất săn sóc nó, quên mất nuôi dưỡng và làm nó hạnh phúc. Tôi chỉ mải mê tấn công một người khác.
Cảm xúc tư ghét, so bì bên trong là một bức tường thành – nó trấn áp hạnh phúc. Kẻ đố kỵ không thường hạnh phúc, chúng ăn nỗi hờn giận và sợ hãi để tiếp tục sống.
Kinh dị hơn nữa, lòng đố kỵ nảy sinh từ cách người lớn, người thầy, người quan trọng luôn miệng so sánh một đứa trẻ với điều gì đó hay ho hơn nó. Và họ chỉ đang gieo mầm cho cái ác trương phình lên như bệnh dịch.
Chẳng đứa trẻ nào cần đố kỵ để lớn lên cả...
Khải Đơn
http://nsvietnam.blogspot.com.au/2016/07/tin-ong-troi-bao-hong-kong-cong-bo-tap.html
Thầy hay trò
Không hiểu vì lý do gì, tối nay tôi đã coi liền hai bộ phim, Angry Birds và The Man Who Knew Infinity. Tình cờ trong cả hai phim đều có một nhân vật cùng vai trò: Một hình tượng/người lớn có sức ảnh hưởng kiến tạo nên nhân cách của một người vẫn đang đi tìm chính mình.
Tôi sẽ không review cả hai bộ phim này, vì với tôi những ý nghĩ này chỉ vô tình sượt qua, không liên quan đến hai bộ phim, mí bạn đi xem thấy hay dở coi như không liên can nha :)). Tôi muốn nói về thầy - và trò.
Con Red màu đỏ nó muốn tìm Đại bàng anh dũng – bức tượng khổng lồ là vị tráng sĩ trong làng, và cả là câu chuyện cổ tích mà hồi bé nó được học. Nó nghĩ cần phải làm gì đó để tìm ra vị anh hùng, để thông hiểu những điều đang rối trong suy nghĩ nó, và hơn hết để nó không còn ở trong trạng thái lờ mờ chẳng biết mình là ai. Đại bàng là thần tượng của nó – thần tượng theo nghĩa đen, trọn vẹn, đầy đủ và vững tin, chứ không phải là một hình ảnh nông cạn thoáng qua của một đứa trẻ.
Học trò chính là như vậy. Đó là những người chưa thành hình trọn vẹn. Thầy là người ngoài đầu tiên nó thực sự có trao đổi, tranh cãi, gắn bó – sau cha mẹ. Quá trình này để đi tìm chính mình.
Nó muốn được hút vào cái tri thức mà thầy/thần tượng trao. Nó muốn được thực hành cái điều được cho là to tát mà thần tượng làm được. Nó muốn được trò chuyện, gần gũi với thần tượng đó. Nhưng quan trọng hơn tất cả, đó là nó muốn tìm thấy chính mình – một bản thân – đúng như nó ao ước – được dựng sẵn trong đầu từ trong thần tượng/thầy mà nó yêu quý.
Sẽ có những người học trò khát khao đến cháy bỏng được thầy mình khen một câu. Lời khen đó không có tí tiền bạc nào, lại chẳng có huân chương, địa vị. Lời khen có khi chỉ là một câu hách dịch thấy gớm của ông thầy: “Cô cũng được nhỉ?”, hay một câu nhẹ như không của cô giáo: “Làm vậy chắc cực lắm ha, thôi qua nhà cô nấu cho ăn?”, hoặc một lời xằng xí nào đó của thần tượng nó kiểu: “Em sẽ làm được” – đã khiến người học đó bay lên tận mây xanh.
Trong bộ phim The man who knew infinity – nhân vật nhà toán học trẻ người Ấn Độ làm việc cuồng điên, cháy bỏng, gục ngã chỉ vì muốn cầu xin thầy mình hãy ngó lấy những gì anh viết, hãy công nhận anh.
Người thầy nghiêm khắc thực thụ - vốn đã biết học trò mình là một thiên tài – vẫn lạnh nhạt tới xương, chỉ nói: “Cậu phải chứng minh được nó”, rồi ngậm tẩu hút thuốc tiếp.
Sự lạnh nhạt của người thầy trong bộ phim là sự tôn trọng khắc kỷ của người đàn ông dành cho một người đàn ông – học trò mà mình thật sự trọng thị. Điều đó thôi thúc cậu trai người Ấn làm việc cuồng điên, bất chấp, đớn nhau, nhẫn nhịn sự khốn khổ, chỉ một mực làm việc.
Trong phim Angry Birds cũng vậy, con Red phải thực sự thất vọng vì ông thần tượng vì ổng không vuốt ve, không giúp đỡ gì mà chỉ đuổi nó đi, nhìn ổng còn quá lười nữa, vì vậy mà nó hành động – vì thôi thúc bảo vệ ngôi làng.
Người thầy chính là như vậy. Họ ở đó, họ xây ra một lâu đài bằng cát. Họ cho người học trò thấy họ đã tự tay mình làm ra mọi thứ từ cát. Rồi đó, đứng trước sự sừng sững của họ, đứa học trò đắn đo và suy nghĩ ra sao về định mệnh của nó, sức mạnh của nó, tinh thần nó... Suy nghĩ ra sao?
Người thầy không thể nào khác được. Họ phải là một đốm lửa, chẳng to bùng, chẳng vĩ đại, nhưng chắc chắn phải là một khoảnh khắc nào đó vụt lên, đẩy cái nhân cách đang lùng nhùng chưa định hình kia vào một trạng thái thăng hoa và hạnh phúc đỉnh điểm trước một điều tốt – và từ đó nó sẽ nghĩ suy nó sẽ làm một thứ gì đó tốt.
Người thầy chẳng ghê gớm khác thường, họ đơn giản chỉ là ai đó có thể nhắc là chân đứa trẻ khi nó gần ngã xuống một hố thẳm, là người nói thành lời một điều tốt bé nhỏ nào của nó vào một khoảnh khắc phi thường, quyết định nó sẽ bứt phá mình để làm tất cả, là người gật gù nhìn nó đi, hoặc ném đống bài vở vào mặt nó và nói: “Em không cố gắng gì cả!” – Người thầy là một khối lửa chuyển hoá liên tục, thiêu đốt trái tim và định hình cái con người trước mặt ông , ngay cả khi nó không ngờ nó đang được uốn rèn đúng như một điều tốt ông mong gieo xuống cho nhân loại đời kế tiếp.
Còn học trò – đứa trẻ với đôi mắt to tròn đang nhìn những mộ thần tượng/ông thầy to đùng đó – nó phải làm gì đây? Mối quan hệ này phức tạp ghê gớm. Nếu như đứa học trò cần một lời khen, cần một cái nhìn khinh bỉ, cần sự hạch sách táng tận để biết có ai đó quan tâm, đoái hoài và sẵn sàng ở bên nó, chỉ dạy nó, thì ông thầy cũng cần một cảm giác như vậy.
Đừng nghĩ người dạy không cần được động viên. Đừng nghĩ thần tượng có thể mãi mãi hay ho. Đó là một mối quan hệ mà cả hai bên cần đổ năng lượng cho nhau, hoặc sẽ lạc mất nhau nhanh đến không ngờ.
Trước một câu hỏi vu vơ của người thầy, đứa học trò tìm kiếm. Nó khiến thầy cảm thấy người có ích, đã tạo cảm hứng cho người học. Thầy sẽ tiếp tục, tiếp tục, với đầy cảm hứng và suy nghĩ tốt lành hướng tới tri thức.
Trước sự giận dữ của thầy, khi ông buông lời ác ý: “Em coi lại chính em đi, cái này gọi là viết à?” – Bạn cặm cụi viết lại, bạn đắn đo sợ hãi, bạn đào bới tìm cách mới. Lần tiếp theo, trước trang bài làm lại, chưa chắc nó đã hoàn hảo, nhưng nó thắp sáng cảm giác trong người dạy rằng hoá ra đứa học trò ngu ngốc ấy có lắng nghe, và dường như nó đã đi tìm kiếm.
Trước cuộc chiến của tri thức, khi thầy mệt mỏi, ông ngẩng đầu nhìn lên, vẫn thấy đứa học trò cặm cụi kiếm tìm. Ông không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông bị ám ảnh bởi cái ý hướng làm một người lớn trọn vẹn, ông cố gắng nhiều hơn. Lúc này, đứa học trò bé mọn đã hoá thành đồng sự, nó nhóm lại ngọn lửa miệt mài dường như đã nguội ở một người làm việc chuyên nghiệp.
Trước ý muốn trở nên xấu xa, tồi tệ, người thầy nhìn vào ánh mắt trong veo đã từng nói tin ở họ, tin vào mọi điều họ làm, và mãi nhìn họ như ánh sáng, người thầy sẽ không đủ sức để trở nên đen tối. Ông muốn cái ánh mắt thần tượng đó còn y nguyên. Ông ngại huỷ hoại nó. Ông muốn là một bức tranh tốt đẹp để đứa trẻ có thể ngắm nhìn, với đôi mắt và tâm trí trong lành.
Ý hướng đó là hạt mầm thế hệ đã nảy lên trong bất cứ lồng ngực nào của loài người – nó chỉ vô tình thăng hoa hơn trong những linh hồn được người đối diện yêu kính thầm thì gọi là thầy. Nó trao vào tay thầy một thứ huy hiệu như thể để truyền lại điều lành, giữ lại hạt ánh sáng, và ghi dấu một thanh âm gọn ghẽ trong suốt để ngân hoài cho những vòng sóng của tương lai. Đó là thiên chức của sự truyền đạt.
Đến đây dường như đã rõ, chuyện có được một người thầy trọn vẹn – là một vinh dự suốt đời – như có thêm mẹ hoặc cha cho một sự sống. Có được một người trò – là một vinh hạnh của thầy/thần tượng – bởi như luôn mang bên mình một vòng chuông nhỏ, lúc lắc âm vang, buộc mình không dám phạm qua điều tàn nhẫn, bôi xoá, buộc mình cứng thẳng người mà cố gắng – cốt vì ham thích được sự công nhận đó của đứa nhỏ đang nhìn mình.
Tới một lúc, thầy – trò chỉ là một tình tri kỷ, đòi hỏi và áp đặt không ngừng, và đồng thời cũng thấu hiểu chẳng cần lên tiếng. Bằng cách đó, mỗi chúng ta lớn lên như cỏ cây, không sợ gì hết vì luôn có ai để bấu víu vào, cả ông thầy khổng lồ và đứa nhỏ đang lầm lũi bước đi.
Và cũng bởi cốt lõi vươn tới là tình bằng hữu tri kỷ, nếu một trong hai người không thể cảm thấy người học trò hay người thầy kia đang lầm lụi làm việc và học chỉ vì muốn giữ lại tình cảm tốt đẹp, thì đó là lúc họ thực sự lạc mất nhau.
Mất cả tiếng nói của nhau.
Khải Đơn
Những đổ vỡ bình tĩnh
"Nói thế này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng cứ nghĩ sẽ không gặp lại cô ấy nữa, cơ thể tôi như bị xé ra làm đôi." – Đó là một đoạn Murakami viết, khi Tokai thú nhận rằng lần đầu tiên anh yêu một phụ nữ.
“Dạo gần đây tôi hay nghĩ rằng rốt cuộc thì tôi là gì đây?”
Tokai – một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thành đạt hơn 50 tuổi – một người đàn ông giàu có, bặt thiệp, sống cuộc đời độc thân. Anh quan hệ với nhiều phụ nữ cùng lúc và không gắn bó với ai. Anh điều khiển các mối quan hệ như những cuộc hẹn bệnh nhân phẫu thuật, lý tính, gọn gàng và đơn giản. Vì anh thích độc thân.
Nhưng tới một ngày, anh thổ lộ với nhân vật ‘tôi’ rằng anh nghĩ anh đã yêu một phụ nữ. Ngoài 50 tuổi, và lần đầu yêu thật, và cảm thấy bị xé ra làm đôi, và mất tất cả mọi cảm giác khác – ngoài sự tập trung tối đa vào người phụ nữ đó.
Nếu hôm nay là một ngày mưa, và bạn nhàn rỗi, hãy mở quyển “Những người đàn ông không có đàn bà” của Haruki Murakami ra, để bắt đầu những câu chuyện ngắn đúng chính xác như tựa đề chung.
Lần đầu tiên, sau nhiều năm làm độc giả trung thành của Murakami, tôi thấy ông viết về một trạng thái khác: sự cô đơn của cuộc sống trưởng thành. Dù rằng trong sách, đôi chỗ ta vẫn bắt gặp nhân vật thiếu niên chấp chới như thuở của Rừng Na Uy. Nhưng không, những khách bộ hành đã chán các cuộc phiêu lưu mỏi mệt và sầu muộn của Murakami đừng thất vọng, đây là một thế giới khác.
Ông cố gắng cắt nghĩa một người đàn ông sẽ thế nào khi họ mất đi một phụ nữ, hay có một phụ nữ, hay gắn bó cuộc đời theo từng lớp với những phụ nữ khác nhau.
Tokai sẽ làm gì khi ông lỡ yêu thật lòng lần đầu tiên một phụ nữ đã có chồng? Kino sẽ làm gì khi anh trở về nhà sau chuyến đi làm, thấy vợ mình ngủ với một người khác, ly hôn cô, và... rồi sao nữa? Một chàng trai nằm nghe người đàn bà kể chuyện mỗi đêm như cuộc phiêu lưu ngàn lẻ một đêm, anh ta sẽ ra sao trong cái thế giới truyện mà cô kể? Samsa của Murakami (không phải Samsa của Franz Kafka nhé) sẽ làm gì trong cái thế giới mà anh bừng tỉnh như một con gián, và lại trót yêu một cô gái? Rồi đến một ngày, nhân vật “tôi” có thể làm gì, khi anh nhận được điện thoại, nghe đầu dây bên kia nói M. – bạn gái cũ của anh – đã tự tử.
Lần lượt, những Tokai, Kino tự bóc tách bản thân họ thành từng phần, như một người đàn ông gỡ bỏ giáp trụ xuống, để nhìn thấy chính họ đã chảy máu thương tích ra sao, khi bị một người đàn bà hủy hoại.
Như Tokai, đó là “xé ra làm đôi”, là tìm cách đưa bản thân về không, là sự ngưng đình tất cả giác quan để thấu suốt cơn đau của một người yêu thật lòng và bị chối từ như một sự thừa thãi. Kino không thoát được hốc tối của sự đau. Kino dường đã bình tâm sau cuộc ly hôn, nhưng anh chôn mình trong quán bar, ngủ với một cô gái lạ mặt và bị chìm vào sự mắc kẹt, “trở nên trong suốt” hay đúng hơn là mất đi bản thân – vì người phụ nữ đã bỏ anh.
Nếu bạn muốn hiểu thêm một cách khác về cảm giác khi con người yêu, và mất đi ai đó, thương đến trọn vẹn, rồi tự tay rời bỏ, chỉ vì một nguyên cớ bình thường như hơi thở, chỉ để làm nhau đau, như một người đàn ông mất phương hướng, một người đàn bà muốn trả đũa, một chàng trai yêu như thuở ngây thơ, một cô gái quá mệt vì mắc kẹt với tình yêu trong vắt như nước ngọt lành.
Sẽ chẳng có lỗi lầm gì khi yêu thương, và cũng chẳng có sự tha thứ nào khi đổ vỡ. Những người đàn ông không có đàn bà, hay những người đàn bà không có bóng dáng đàn ông, họ ngắm nhìn sự tình bĩnh của mình chuyển động, ngắm nhìn cái chết cười với mình, ngắm nhìn sự chia ly bỏ rơi mình, ngắm nhìn bản thân mất mát, chậm chạp và rúng động.
Nhưng tình yêu là thứ không cưỡng hay bẻ cong được, nó là nước suối tuột qua tay, thứ để lại là bàn tay ướt lạnh, đau nhói hay mát lành – nhiều khi chỉ là những rung chấn sót lại trong não.
Nếu ai đã từng quên mất là Murakami có viết truyện ngắn, thì hãy đọc thử tập này. Có một Murakami khác, không phiêu lưu, không giam hãm, không ảo tưởng, chỉ là một người đàn ông thành đạt và thực tế... đến mức bị đổ vỡ.
"Mất đi một người đàn bà là như vậy đó. Có lúc, mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà."
"Khi đã trở thành những người đàn ông không có đàn bà, sắc màu của sự cô độc sẽ ngấm vào da thịt bạn. Như vết ố của rượu đỏ bị đổ xuống tấm thảm nhạt màu. Kể cả với vốn kiến thức tề gia nội trợ phong phú, bạn cũng khó mà tẩy được. Cùng với thời gian, vết ố nhạt dần đi nhưng sẽ mãi là vết ố cho đến khi bạn trút hơi thở cuối cùng." - Ông viết vậy.
Khải Đơn
Không biết làm gì
Tôi gặp cô bé ấy vào một mùa hè sinh viên, khi tôi học năm tư. Cô ngồi cạnh tôi và kể về hoàn cảnh của mình. Ba mẹ em không hiểu em, họ không muốn em học ngành em thích, họ bắt em học báo chí, em chưa bao giờ thích báo chí cả, em phải làm sao?
Như một người cùng lứa, tôi có nói với cô vậy hãy làm thứ gì mình thích. Chúng ta ở đây, Sài Gòn, cha mẹ ở quê, hãy nghĩ một cách tệ bạc nhất là họ sẽ chả thể biết được ta làm gì, và ta tha hồ nói dối họ. Hồi đó, tôi nói dối mẹ mọi thứ, chỉ vì tôi muốn được làm thứ mình thích.
Tôi không cho rằng nói dối là hay, nhưng giữa việc phải sống theo ý nguyện của ai khác, và ý nguyện của bản thân, thường cuối cùng bằng mọi giá, tôi sẽ đu theo ý nguyện của mình dù nó có gây ra bao nhiêu lấn cấn đạo đức chăng nữa.
Bốn năm sau, khi tôi đang lang thang đâu đó ngoài vườn Tao Đàn mùa Tết, tôi gặp lại em. Em nói dù sao thì cả em và tôi cũng đã tốt nghiệp. Em cười: "Em tưởng mình không qua được" - Và nói em đang làm copy cho một agency nhỏ, đại loại viết bài PR đăng báo theo danh sách của khách hàng. Em nói em không hạnh phúc, em thấy các con chữ vô hồn, và em muốn sống vui vẻ, "sống như chị vậy" - em nói vậy.
Khi ấy, tôi lại nói với em, vậy hãy vạch ra xem em muốn làm gì, rồi thử bỏ công ty ấy, đi làm việc em thích đi. Dù sao tụi mình cũng mới đi làm chừng ba năm, có nghỉ thì cũng đâu gì mà tiếc.
- Đầu tiên, em muốn làm gì?
- Em... cũng không biết nữa.
- Em... cũng không biết nữa.
Sau đó tôi không còn biết khuyên gì, bởi vì rất khó để cho ai đó một lời khuyên mà họ không cần. Năm đó, tôi ra Tao Đàn hai lần, nhìn các giỏ hoa đẹp, tôi nghĩ về các giấc mơ của mình.
Khi tôi ra quyển sách đầu tiên, tôi nhận được tin nhắn em chúc mừng. Em nói tôi hãy chỉ em viết sách. Khi ấy, tôi chưa bao giờ viết một quyển gì, và thành thật mà nói, quyển sách của tôi thành hình được là nhờ các biên tập viên đã chỉ đường cho tôi. Tôi chỉ lại em chính xác những gì hai em biên tập viên dạy tôi. Em nói: "Em sẽ viết một quyển sách về những giấc mơ của mình" - Tôi chỉ bảo em, hãy bắt đầu đi, không thì mình sẽ quên mất, có khi mỗi ngày mình viết 1000 từ, mà nó nhanh chóng thành quyển sách em ạ.
Tôi không còn gặp lại em nữa. Bạn tôi có quen em, và bảo với tôi, em vẫn nói em sẽ viết sách.
Tôi nhận ra rằng trong cuộc đời này, có những người thật kỳ lạ, họ luôn muốn một điều gì đó, bị giằng xé trong một giấc mơ nào đó, luôn tự nghĩ mình là nạn nhân của ai đó: của cha mẹ, của hệ thống giáo dục, của pháp luật, của tình bạn, của người yêu. Câu chuyện của họ sẽ thường bắt đầu bằng câu "A không muốn em làm...." - Nhân vật A, ta có thể thay tên tuần tự là các đối tượng trên.
Họ sẽ mải miết nói về các giấc mơ không thành, về sự bất hạnh ở hiện tại, về ẩn ức, về tù ngục, về đớn đau trăn trở. Tôi đã gặp cả trăm bạn trẻ cũng nói về những lo lắng như vậy, nhưng sự khác biệt giữa những người chịu lớn lên và những người như em - đó là hầu hết mọi người đều lăn đi, hành động, hoặc đã gục ngã.
Chỉ có những người như em, trơ trơ như gỗ đá, luôn buồn phiền vì bất hạnh do một nhân vật A nào đó gây ra, nhưng lại không thực sự hành động gì cả.
Nếu mình bất bình vì lựa chọn của cha mẹ, mình cần phải chọn điều mình cho là đúng. Và cũng cần phải chứng minh luôn là mình sẽ làm đúng.
Nếu mình thù ghét công việc, hãy rời gót và làm một điều khác.
Nếu mình không thể hi sinh vì người yêu, bạn thân, họ hàng, thì đừng đem họ ra làm món quà buôn chuyện - biến họ thành ngọn lửa thiêu rụi ước mơ của mình. Không ai thiêu rụi ước mơ của ai cả, em ạ.
Đương nhiên là tất cả những mớ ở trên, chả có cái nào dễ và không đau.
Đương nhiên một hạt cây sẽ không nảy mầm, nếu vỏ không nứt và làm bể vỡ một cấu trúc hoàn hảo.
Đương nhiên là ta chẳng thể nào lớn lên, nếu cứ mãi có một nhân vật A nào đó chịu trách nhiệm cho sự vô nghĩa của bản thân mình.
Tôi sợ những đương nhiên như vậy.
Khải Đơn
Cơm tấm
Năm 18 tuổi, tôi lên Sài Gòn lần đầu tiên, và thứ được ăn đầu tiên, có lẽ mãi mãi không quên, là cơm tấm.
Hàng cơm tấm nằm trong cái hẻm nào đó ở Lê Văn Sỹ. Vào năm 2005, miếng sườn bé vừa phải, mỏng dính, cơm tấm tơi hạt, chỗ ngồi bé và sạch tinh, dĩa cơm được múc ra gọn gàng, nóng khói bay bay.
Bà bán hàng cũng chẳng màng bán nhiều, nướng nhiêu đó sườn, bán loáng cái sớm hết trơn, Gần một tuần ở Sài Gòn, sáng nào tôi cũng ra thăm bà, có hôm ngủ dậy 8 giờ rưỡi, ra hẻm đứng muốn khóc, bả bán hết trơn, dọn tiệm về rồi.
Từ sau 2005, chưa bao giờ tui ăn lại được đĩa cơm tấm giống như bà bán đó.
Có những hàng cơm tấm, nướng cả chậu thịt buổi sáng. Mùi khói bay muốn sặc. Miếng sườn đưa lên đĩa đã cứng ngắc, nguội ngắt. Những cái bếp nướng kỳ cục, thô lỗ, ban đầu chỉ để mùi thơm bay để mời khách, rồi thành sỗ sàng hun khói luôn đứa đang ngồi ăn. Khói làm cái gì không biết, mà miếng sườn nguội tanh vại?
Có cô bán cơm tấm ẩu tới độ, đĩa cơm múc đâu chừng được một chén cơm, vục cho nguyên một muỗng mỡ hành. Tới khi ăn, tui không hiểu có phải mình đang ăn cơm chan mỡ không nữa. Cô ẩu tới độ, nhắc luôn miệng mấy lần không mỡ hành, cũng cứ thế mà tương vô cho vừa lòng mới chịu. Một đĩa cơm lầy lội.
Có hàng cơm tấm sườn gần công viên Lê Thị Riêng, má ơi miếng sườn, nó to chắc choàng kín luôn cái đĩa. Xong tui nhớ lời mẹ tui nói, sườn mà to quá là heo già ròi :))) Xong tui ăn không nổi. Thịt cũng chẳng ngon lành gì. Mỡ hành lênh láng. Cơm lổn nhổn cứng khô lẫn lộn.
Một bữa ăn ở hàng cơm tấm nọ, cơm thịt đều ok, không xảy ra sự cố gì, tự dưng đong cho chén canh lá hành hẹ. Húp một phát tưởng húp nguyên chén bột ngọt. Chia tay luôn bữa sáng, cả một ngày đần như bị say thuốc.
Có lần, bạn tui – một người bị dụ ăn – đêm khuya đã dắt tui ra chợ Tân Định ăn cơm tấm. Ăn ghẹ mà, tui hổng than phiền, phàm là người được bao tui ngoan lắm, cho gì ăn nấy chứ không phản đối bình phẩm gì. Nhưng ăn xong nhìn tờ tiền nó móc ra trả, moáh, cơm tấm vỉa hè gì mắc hơn 50k. Chia tay chợ Tân Định luôn.
Tới hồi tui tới cơm tấm Cali, Thuận Kiều ngồi, tui nghĩ nó quả là một cái nhà hàng hoàn hảo của tất cả những thứ kể trên. Canh thì toàn bột ngọt, cơm thì ép cho ra cái hình hoa văn cung đình kì quặc, sườn thì ăn vô không cảm xúc, dưa leo thì bữa vui thì dưa leo tươi, bữa buồn nó vừa héo vừa đắng.
Có đêm đi làm về khuya, con đường về nhà không còn tiệm nào mở, tui vô Cali ngồi ăn và nghĩ cuộc đời nên kết thúc cho nhanh, hệt như cái miếng sườn ngu ngốc này đi cho tui nhờ. Cơm với chả tấm.
Cơm tấm sườn bì là thức đồ dễ dàng quá, miết ai cũng nghĩ mình nấu được. Họ cần một cái bếp để nướng thịt, một mớ gạo tấm rẻ tiền để làm cơm, vài miếng đồ chua là thành món. Nên rồi ai cũng đâm đầu ra hẻm bán cơm tấm, sáng cơm tấm, trưa cơm tấm, éo bán cơm tấm cũng chưng biển bán cơm tấm, sườn không nướng cũng ghi sườn nướng. Tui phát mệt vì cơm tấm.
Tui đi tìm lại cái bà bán nào đó giống bà trên hẻm Lê Văn Sỹ - bởi cái bà cũ đã lặn đâu mất dạng sau mấy năm tui chui rúc ngoài Thủ Đức.
Sau này tui hiểu được một điều, thức gì dễ nấu vô độ, là thức ấy khó tìm ra người chuyên tâm toàn ý với nó vô cùng. Cơm tấm là cái hạng ba đào như vậy. Nó dở ương như một thằng con trai hay đứa con gái mới lớn, chẳng biết sao hiểu nó tới cùng, ứng xử cho đàng hoàng mà không bị nó giương đấm lên quạt cho một cái, nhưng đổi lại, hiểu nhau rồi thì tận tình chu đáo đến toàn tâm cho người khác. Người nấu cơm tấm không giữ mình, đĩa cơm tấm cẩu thả như món bài tập bừa bãi bầy hầy, thiệt ăn không nổi.
Xong rồi, một bận nọ năm giờ sáng, bạn tui xách xe máy chở tui đi chơi, đường đi qua Đa Phước. Đi tới chừng gần sáu giờ thì đói quá, thấy cô bày đồ ăn lên quán, hai đứa ghé vào hỏi. Cô bán cơm tấm, mà giờ có cơm, chứ chưa có canh, vì canh chưa nấu xong.
Trên đĩa cơm của cô, cơm tấm tơi hạt nóng khói nghi ngút, miếng sườn mỏng te keo kiệt nhưng bé vừa tầm, và mỡ hành của cô chúm chụm một muỗng vừa đủ. Chút dưa cà rốt củ cải của cô chừng chắc ngâm ở nhà, không ngọt ngay tàn bạo như trong phố. Chỉ sau vài mươi phút, quán cơm kín người. Cô bán vẫn chậm chậm sửa soạn, múc cơm, bày đồ. Không nhanh được. Cũng chẳng vội để làm gì.
Vậy là tới một hồi, phải lết ra Đa Phước mới gặp người bán cơm tấm Sài Gòn như trước. Một người biết phân biệt gạo tấm không phải hạt gạo to như con heo, và sườn thì không thể nướng cho cứng ngắc nguội ngắt hay dùng miếng sườn to hơn cái đĩa, và mỡ hành thì không thể tưới nguyên muôi vô cơm...
Một thứ đồ ăn đơn giản vậy... chắc là khó nấu lắm...
Khải Đơn
Châu Uyên Đào Nghe bạn kể giống cơm tấm bà Năm trong hẻm Lê Văn Sỹ gần Nguyễn Trọng Tuyển quá. Bà một mình không chồng con. Quán nhỏ tinh tươm, cơm tấm vừa đủ rất ngon. Bà gới sẵn cơm cháy vàng rộm ai cần cứ lấy thêm. Bà làm chậm rãi, không một thao tác nào thừa nên rất nhanh .
Một đứa bé bị lạm dụng tình dục sẽ đi đến đâu?
Hãy bắt đầu bằng một phỏng vấn cũ tôi làm với một người tư vấn cho trẻ bị lạm dụng. Cô nói: Hầu hết các em cô gặp đã bị lạm dụng từ lâu nhưng người nhà cho qua, giấu đi, hoặc không biết, đến khi em bé có dấu hiệu bất thường mới đưa tới đây.
Các bố mẹ có cả ngàn cách để giấu diếm đi chuyện cho mình đã bị một ai đó cưỡng hiếp:
- Người lạm dụng bé là người thân, có thể: ông nội, ông ngoại, chú, cậu, anh họ, em họ, cháu họ. Và đương nhiên bố mẹ không muốn người thân đi ở tù - hoặc cũng không muốn chuyện như vậy bị người ngoài biết.
- Người lạm dụng bé là hàng xóm, và bố mẹ sợ "lớn lên người ta biết con mình không còn trinh" nên im luôn.
- Người lạm dụng bé đã cho bé nhiều đồ chơi, kẹo bánh, quần áo đẹp: Thôi, cũng tốt cho bé, chắc người ta thương con mình, thôi cái gì bỏ qua được thì bỏ qua.
- Người lạm dụng bé vì chính sơ xuất của cha/mẹ, ví dụ để ông nội tắm cho cháu gái, xong ổng thịt luôn cháu, gửi con ở nhà cậu, chú, xong họ xâm hại luôn đứa nhỏ: Thôi, đằng nào cũng là lỗi từ mình trước, thôi thì im lặng được thì im đi.
- Người lạm dụng bé là thầy giáo/cô giáo: Lỡ làm lớn chuyện, con mình thành thất học còn khổ cả đời. Thôi im đi cho êm thắm.
Vâng, tất cả những nguyên nhân trên đều có một đặc điểm: Cha mẹ/người bảo trợ KHÔNG COI ĐỨA TRẺ/CON MÌNH là trung tâm của vấn đề, mà họ đã coi sĩ diện, danh dự quan trọng hơn thân thể của em bé bị lạm dụng.
Nhưng "làm ầm lên" có giúp gì được cho trẻ không? - Đàng nào em cũng bị lạm dụng rồi, có lấy lại được đâu? Chửi bới kẻ gây tội có làm em khỏe lại hay hết tổn thương đâu?
Có, giúp được rất nhiều.
Thứ nhất, nếu "may mắn" vụ án được giải quyết đầy đủ, kẻ phạm tội đi tù, ok, fine, thế giới bớt một thằng hiếp dâm.
Những kẻ xâm hại trẻ em luôn có xu hướng lặp đi lặp lại sự xâm hại này, với cùng một trẻ, hoặc với rất nhiều trẻ trong cộng đồng. Nếu con bạn bị xâm hại, thì có thể em của bé, em trai, chị gái của bé, hay bé con nhà hàng xóm cũng có thể lâm vào tình trạng tương tự. Nếu vụ án có thể giải quyết, con của chính bạn và những đứa trẻ xung quanh sẽ bớt đi nguy cơ bị tấn công tình dục bởi mấy thằng ẩn mặt ấy.
Thứ hai, nếu không "may mắn" vụ án được giải quyết, việc bạn làm ầm ĩ vụ này lên có giúp gì không?
Đầu tiên, bạn sợ nó hủy hoại thanh danh của con bạn. Tuy nhiên, bạn không biết có một phần tối trong tâm lý trẻ con là nếu việc làm ghê gớm đó không được lật tẩy, xử lý, nhiều bé sẽ có xu hướng tự sỉ vả nó và nghĩ NÓ MỚI LÀ NGƯỜI SAI vì kẻ xâm hại có bị gì đâu. Một số trẻ khác bị tổn thương tinh thần, sang chấn tâm lý và trở nên bất bình thường.
Ghê rợn hơn, một số trẻ bị lạm dụng nhiều và tàn bạo sẽ có xu hướng tìm kiếm nạn nhân, ĐI LẠM DỤNG LẠI trẻ khác (dù chưa có ý thức về tình dục) và trở thành kẻ lạm dụng khi đủ lớn. Đó chỉ là một cách tự giải tỏa nỗi đau của bản thân và áp đặt sức mạnh lên kẻ khác.
Khi bạn làm ầm ĩ lên, bạn trấn áp kẻ cưỡng hiếp trẻ em bằng sự cảnh báo và cảnh giác của cộng đồng. Kẻ đó - phải được nhìn nhận là kẻ có thể gây hại cho bất cứ đứa trẻ nào trong cộng đồng, và mọi phụ huynh cần phải cảnh giác.
Khi làm ầm lên, bạn không hủy hoại thanh danh của con bạn, mà cho bé biết bé được bảo vệ - và mẹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ bé.
Khi bạn làm ầm lên, cũng là lúc bạn không còn phải nghe bất cứ lời xầm xì nào phỉ báng con bạn nữa: Bạn là kẻ lật bài ngửa rồi.
Và quan trọng hơn hết, tôi tin rằng, những em bé đã trải qua tai nạn khủng khiếp này cần được điều trị thực sự về tâm lý, tinh thần và cả thể chất.
Bạn im miệng, không bao giờ nói với con về việc con đã bị xâm hại, chỉ làm cho vết thương ẩn đi sâu trong bé, và có thể hóa thành thương tổn bật ra khi bé lớn và bắt đầu yêu một ai đó.
Người trả lời phỏng vấn tôi đã kể, một bệnh nhân của bà là người lớn, và cô không thể yêu một ai, hoàn toàn không hạnh phúc. Lý do sau nhiều tháng điều trị được tìm ra là bệnh nhân nghĩ việc ôm ấp, vuốt ve là xấu và kinh tởm, bởi cô đã bị xâm hại khi còn rất bé. Cô nghĩ đó là lỗi của cô.
Vậy thôi, tương lai của bé, là do ba mẹ nặn từ đầu...
Khải Đơn
No comments:
Post a Comment