Sunday, January 23, 2011

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.


Nghe kinh Pháp Hoa và trì tụng, con đựơc an ổn thân tâm, nhưng để hiểu và hành thì con chưa đạt được điều ấy.Vấn đề phải tìm hiểu và quán, tu trong kinh là Tri Kiến Phật. Tri Kiến Phật đó là sự thấy biết của Phật Đà, đó là trí huệ viên mãn tột cùng. Nói tất cả mọi người, mọi vật đều có Phật Tánh là nói tất cả chúng sanh đều sẽ được Tri Kiến Phật, hay chúng sanh đều là Phật.

Điều này con thật khó mà tin được. Vì sao? Vì con chưa thấy, chưa được, chưa ngộ  Phật Tánh, Phật Tri Kiến, nên không nhìn thực thể như nó vẫn thường hằng. Như khi con buồn, tìm an ủi, quân bình cho tâm hồn trong sự chiêm ngưỡng tượng Phật, đau khổ ngập trong lòng nên trông tươjng đức Di Lặc con không cảm được từ tâm của Ngài, vì tượng Di Lặc Bồ Tát là biểu tượng của Pháp Hỷ, sự an ổn vô song về mặt  tâm linh, điều thật xa cách với tâm trạng hiện tại của con. Con trong tượng Phật Tổ để thấy Ngài không gần gũi trần gian. Con nhìn tượng tạc vị Bồ Tát với nét thương cảm chúng sanh qua gương mặt đượm buồn và nhận rằng đích thực đây là Phật của con. Con cảm thấy một mối giao cảm đặc biệt với vị ấy và mở lòng cầu nguyện.

Thật ra chư Phật vẫn đồng tâm thương xót chúng sanh, chỉ vì kiến chấp của con mà Phật hóa chẳng đồng. Ở nơi không (mà) lập các Pháp là (vì) chư Phật tùy tâm địa của chúng sanh mà thuyết giảng. Với người thích giáo pháp Thanh Văn, Phật vì đó nói pháp ấy là Thanh Văn. Với người thích Đại Thừa, Phật vì đó nói pháp ấy là Đại Thừa. Nhưng đâu phải vì danh dự Đại Thừa, Tiểu Thừa mà các giáo pháp không cùng xuất sanh từ Phật Tri Kiến. Các pháp sai biệt ở văn tự, (nhưng), bản tánh vốn là sự giác ngộ của Phật, không hề khác nhau, vì thế muôn pháp đều dẫn đến giác ngộ. Dù hàng Thanh Văn không biết, không hay, Phật đã gieo Phật Trí nơi mình.

Một ngừơi cư xử không phải với con, ức hiếp con, con thở than, buồn bã hay giận dữ. Tại sao? Tại sao con cần phải phản ứng lại sự việc trên như thế! Có phải vì trong con những ý niệm về ức hiếp, bất công vẫn còn đầy dẫy nên con cảm thấy sự bất công, tức là chính con cũng không khác người kia. Như thế con có thật sự tốt hơn người kia, con là thiện và họ là ác không? Tuy con không hành ác nghiệp nhưng tâm không lìa ác, nên tất cả giai đọan nhân quả của điều ác vẫn diễn biến đầy đủ trong con, đó là sự thấy biết chúng sanh. Nếu trong cảnh óan tắng hội đó, đau khổ của con chuyển thành thuận cảnh, con sung sướng biết bao.Thế nghĩa là trong đau khổ có mầm hoan lạc. Hạnh phúc đến sau khi vượt qua đau khổ là hạnh phúc có sự dự phần của trí huệ. Trí huệ là giai đọan mở đầu Tri Kiến Phật.

Trong một hòan cảnh tuyệt vọng con vẫn còn niềm tin vào điều vượt ngòai phạm trù của lý trí sẽ xóa tướng tuyệt vọng mà con đang nhận biết rõ ràng. Niềm tin ấy khiến con niệm Phật cầu thóat khổ, cầu điều kỳ diệu. Đó chính là niềm tin vào bản tánh thiện vẫn chi phối vũ trụ. Sợ hãi là tin vào sự chiến thắng của điều ác. Nếu có một sự tin tưởng tương đương vào điều thiện thì sợ hãi tiêu tan. Phải chăng giây phút cầu nguyện ấy con vượt qua tướng thời gian nên vượt qua tướng sinh tử. Đã nói với hiểm nguy, với tứ đại, với giả duyên, với tam nghiệp rằng: Bất chấp sự cản trở của các ngươi, bất chấp sự trói buộc mà các ngươi đang giam giữ ta, ta vẫn tiến lên, tiến mãi về phía trước, về cảnh giới của Tri Kiến tuyệt đối, hãy giải thóat cho ta khỏi hòan cảnh hiện tại. Đó là vươn tới Phật và Tri Kiến Phật, như một phép màu sẽ đưa con vào nước Trí.

Sự mầu nhiệm mà con mong cầu phải đến vì bản thể của Phật vốn không hạn lượng. Không tranh nên không gặp cảnh tranh, luôn là thusận cảnh. Đề Bà Đạt Đa là Phật vì Phật đã chỉ cho chúng sanh thấy định lực của Phật Tổ. Đề Bà Đạt Đa là Phật vì đã phỉ bang Phật, ghét Phật, vì Phật là Phật. Hình ảnh của Phật là hình ảnh mà ông chối bỏ, tức là ý niệm về Phật có trong ông. Người ta không thể phản đối một hình tượng không hề hiện hữu. Nghiệp chướng, chúng sanh kiến ngăn trở Đề Bà Đạt Đa cảm Phật, hòa nhập vào Phật, thấy Phật nơi mình. Nhưng Phật trong ông vẫn hiện diện. Tại sao con lại nghĩ rằng ông ghét Phật, mà không biết rằng ông chưa bao giờ không kính Phật.

Ghét hay thương chỉ là hai cách tiếp nhận một tiền đề sẵn có. Cách này hay cách kia là phương tiện diễn đạt, nên tướng ghét cũng như tướng thương kính mà thôi. Đề Bà Đạt Đa là Phật thị hiện, là Bồ Tát độ óan tắng.

Phải biết rằng mọi sự con vẫn cho là thuận nghịch, từ chỗ đứng của con đều không thật. Tâm con đem vào những phán đóan mà tự thể các hiện tượng hay pháp ấy không có. Ví dụ con vẫn cảm thấy mặt đất rất vững chắc, từ bao kiếp vẫn cho rằng vòng tay của đất rất vững chắc, từ bao kiếp vẫn cho rằng vòng tay của đất đáng tin cậy vô cùng. Nhưng hãy thử tưởng tượng nếu mặt đất trở thành trong suốt thì bầu trời mênh mong đáng sợ trên đầu lại vẫn có dưới chân. Không có nơi trú ẩn an tòan, con sẽ thấy chân lý: trời trên đầu, đất dưới chân trở thành nghịch lý. Nước chảy xuôi chỉ là giả tướng, hãy tìm tướng xuôi ngược nơi tâm.

Và luôn nhớ không thể tin vào con để quyết định chân tướng của sự vật. Vì sao con phải lễ Phật, vì Phật ở ngòai, không đảnh lễ vị Phật ở trong ư? Như thế vẫn chưa thấy Phât. Đảnh lễ mà không hướng vào đâu, không hướng về phía trước, không hướng về sau, không trên, không dưới, không phía trong, chẳng phải không phía trong. Lìa tướng qùy, tướng đứng vào nơi vô biên. Đó là ngộ nhập Phật Tri Kiến.

Hoa sen mọc từ bùn nhơ lại có mùi thơm ngào ngạt, đó là nhờ mọc từ bùn mà có hương hay bản chất của sen là thơm? Từ nơi bụi manh lại nảy điều cao quý chính vì tánh của bùn vốn không nhơ. Tướng bùn lầy là phương tiện cho hạt giống nảy mầm. Vì muốn chỉ tánh của bùn và sen là một, nên hoa phải chấp tướng hiện hữu. Nếu không muốn chỉ Tánh ấy thì vắng bặt tướng tịnh và bất tịnh, vắng bặt nói năng, tên gọi, không có tướng thiện-ác, chúng sanh và Phật. Tánh không tên ấy khi động thì hóa ra vũ trụ, không động thì vô hình, rắn hơn sắt đá, tạm gọi Tánh Không. Ngộ Tánh Không của vạn vật là ngộ Phật Tri Kiến. Không ghét người xấu, không chuộng người lành, không ngại đau khổ, không ưa Niết Bàn, với sức kham nhẫn vô biên thề tận độ chúng sanh thành Chánh Giác. Tất cả chúng sanh chưa thành Phật thì con nguyện chưa thành Phật. Đó là pháp môn tự tu dẫn đến Tri Kiến Phật. Có phát tâm như thế mới có thể hiểu kinh Pháp Hoa, mới thật trì kinh Pháp Hoa.

Đó chính là thực hành Diệu Pháp. Con hãy phát tâm!

No comments:

Post a Comment