Con đường Đức Phật đã đi qua để đạt đến bờ giải thóat chính là khế hợp Tâm – Trí – Thiền làm một. Nhưng con phải hiểu đứng đắn điều này đế tránh sai lầm mà đa số người học đạo thường mắc phải là chia sẻ cuộc đời giáo pháp của Thế Tôn theo sở kiến, làm theo pháp mà mình thích và cho là hợp với mình, lâu ngày sinh khinh thường các pháp hành khác. Đó là tìm cách chia rẽ hòa hợp của người tu.
Thật ra không có một pháp môn nhất định nào để thành Phật cả. Vì sao? Vì chủng tánh sai biệt của chúng sanh. Đây là những người cõi thiên hết phúc xuống làm người trần. Đó là lòai rồng xuống thế vì muốn tu để cởi lớp rồng. Kia là ngạ quỷ muốn tu nên được thân người làm phương tiện thóat lên cõi trên. Chưa kể đến những chúng (sanh) không dùng thân người để tu Phật Đạo. Căn cơ nghiệp quả khác nhau thì sự vào đạo cũng khác nhau. Mỗi hành giả tuy không rõ biết căn cơ nghiệp quả của mình, nhưng tự nhiên sẽ sinh ưa thích các pháp hợp với mình rồi tu tập theo pháp ấy. Pháp và người liền nhau đi đến giải thóat, dù là người nào hành pháp nào, không nhất định, không khuôn phép đúc sẵn, nên gọi tự tánh của các pháp là bình đẳng.
Người tu phải lấy tánh bình đẳng ấy mà học đạo, không vì mình theo con đường này mà chê con đường khác. Khi Phật, Bồ Tát phân biệt diễn nói pháp Đại thừa,Tiểu thừa vi từ bi muốn chỉ rõ sự khác biệt giữa các chúng sanh, muốn chỉ rõ lối tu hành có từng bực quả chứng như thế nào để dứt nghi cho con, chứ không vì chê bai kẻ căn cơ thấp, không vì riêng thích pháp nào. Con phải lấy tâm không tranh ấy mà tu Phật Đạo.
Các pháp được Thế Tôn thuyết ra, tuy có sai biệt nhưng đều mang vị giải thóat thì pháp nào cũng không ngòai ba điểm cốt tủy để hành là Tâm – Trí – Thiền.
Tâm đây có nghĩa gì? Tâm là sự phát tâm cầu đạo, nếu không có tâm đạo thì người ấy chỉ là ngọai đạo tu thần thông. Có tâm đạo, tâm hướng Phật này thì không bao giờ sa vào cảnh giới ngọai đạo. Đã tự thấy mình quyết chí tu theo Phật là trụ tâm nơi Phật.
Trí là tư duy, Trí đây chưa phải Huệ, nhưng tạm mượn sự suy nghĩ này để phân biệt, giảng giải, tìm hiểu trong tâm thức lời Phật dạy, hay vấn đề liên quan mật thiết đến sự tu học của mình.
Thiền không có nghĩa Tông phái nào hay cách tĩnh tọa nào. Con hãy nghe kỹ đây để giải nghi lầm và hành thiền đúng nghĩa. Thiền là sự ly cách, chuyển đổi dần hay đột ngột của tất cả những gì chúng sanh thành một cái gì khác mà ta gọi là Phật Tánh.
Có tâm cầu đạo (là) đã thấy vấn đề phải giải quyết, con tìm cách trụ vào đó, gạt bỏ mọi sự việc khác khỏi tâm trí, khỏi đường đi, chính là con hành thiền đấy. Thí dụ, một hành giả ao ước được hóa sanh vào cõi nước của Đức A Di Đà Phật, người ấy trì niệm danh Ngài. Trì niệm như thế nào? Phải đạt đến Nhất Tâm trì niệm thì mới gọi là đúng pháp. Khi niệm Phật, tâm chưa định, nên bất cứ tạp niệm nào cũng có thể cắt đứt giòng chánh niệm, nên phương tiện ngồi một nơi để động của thân không ảnh hưởng đến tâm là Hữu tướng tọa thiền. Khi dẹp tan được tạp niệm, không còn cảnh ngòai nào ảnh hưởng đến giòng niệm trong tâm nên dù làm gì, đi lại, nói chuyện, ăn uống, vẫn thấy giòng niệm trong lòng không hề ngừng, không hề gián đọan, là Vô tướng tọa thiền.
Thiền đã là một với Tâm, Trí. Tâm đã gạn hết bợn nhơ của Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. Trí đã sạch chướng ngại, vô minh, đường đã thông thì nơi đâu mà không đến được. Đạo từ ý niệm đã trở thành chính người đó, vì mọi nẻo ngăn che đã không còn. Các phương pháp hàng phục tâm xao động khi tọa thiền, ngòai cách trụ vào niệm, còn có thể trụ vào hơi thở, hoặc để định lực sớm phát hơn với người đại căn là lồng câu niệm làm một cùng hơi thở mà trụ tâm. Tùy theo công hạnh của tiền kiếp, tùy theo bổn nguyện, hành giả được quả chứng mà không tự cầu. Đó là Định, như thế thì Thiền Đinh đi liền nhau. Có Thiền tức có Định. Trong ngòai không có hai tướng là Thiền, Định. Không thọ, không lìa là Thiền Định. Không khởi niệm mà vẫn niệm là Thiền Định.
Khi định lực đã có, là hành giả có thể trụ trong giòng chánh định bất cứ lúc nào, và thấy biết sự thật mà những kẻ khác không thấy biết. Như Đức Thích Ca nhìn thấy xuyên suốt mười phương thế giới, tất cả các cõi nước của các Đức Phật khác, nhìn thấy các Bồ Tát và đại chúng, quyến thuộc đến nghe Pháp mỗi khi ngài chuyển Pháp luân. Lắng nghe chỗ không tỏ hiểu của các Bồ Tát ấy mà giảng bày cặn kẽ. Định lực của Ngài thù thắng đến độ có thể giây lát khai thị cho những hàng sơ cơ trông thấy những sự thật ấy gọi là Phật thị hiện thần thông cho đại chúng nương theo oai thần mà vào cảnh giới bất khả tư nghị giải thóat của Phật, Bồ Tát.
Cho nên con phải vững tâm, không khởi tà niệm, một mực nương theo Phật Tổ là thầy, khởi từ tâm, thương mình khổ vì kiếp người, thương người cùng thân phận khổ như mình, hành trì đúng pháp. Ở thế gian mà lòng thường lìa thế gian thì sự giải thóat của con là sự giải thóat của bao người. Một người trụ được trong giòng chánh định mang lại lợi hữu vi, vô vi, không kể xiết cho người khác. Khi cứu một người thóat bịnh hiểm nghèo là cứu được một mạng người. Nhưng cứu họ thóat được sân si là cứu được bao mạng người và cứu được cả kiếp sau của họ.
Không trụ công đức thù thắng của pháp vô vi, không bỏ công đức hiện tiền của pháp hữu vi, người đã trụ trong Chánh Định là chỗ dựa của muôn lòai. Con phải y pháp mà hành, thường sóat lại tâm mình để không lìa Thiền Định. Tự biết không chuộng thần thông hay mong cầu danh vọng, làm sao mà có thể cầu những điều ấy nơi Phật được, thì quả báo không cầu (cũng) tự đến.
No comments:
Post a Comment