Thursday, January 20, 2011

Hội Họa


Con được Mẹ họa tâm. Quên được cái Ta của con thì vào được Tâm Mẹ họa, tức Tâm Mẹ truyền cho.

Hội họa là tướng của Mỹ, quan sát Mỹ như thế nào thì bức họa tả như thế ấy. Nếu con không quan sát mỹ mà để mỹ hóa hiện thành họa phẩm thì con sẽ thấy tất cả vũ trụ này là hiện thân của cái đẹp tòan diện, vì tất cả vũ trụ tuân theo một quy luật hài hòa, cân đối, tuyệt vời. Con có biết chăng? Từng hạt bụi cũng có chỗ đứng của nó, cũng có số phận, cũng có bắt đầy và chấm dứt; hay nói khác đi, cũng không có bắt đầu, hiện diện và không cả diệt vong. Thế thì con vẽ gì đây? Vẽ các sự vật thật có, hay không thật có? Nếu thật có thời nhận định của mọi người về một vật đều giống nhau, nếu không thật có thì lẽ ra không một ai có nhận biết. Vậy khi vẽ thế giới là con họa tâm của con đó; mà tâm ấy thì huyễn vô cùng. Thế thì lấy gì để nhìn thế giới? Lấy Tánh Không mà nhìn, và Tánh Không chẳng cần phải luyện tập mới có, đó là bản tánh của muôn vật.

Một con ong không nhìn thấy vẻ đẹp của bướm, bướm không nhìn thấy vẻ đẹp của hoa như con tưởng, vì mang nặng thành kiến của lòai người, mà hoa chỉ là thức ăn. Và chính con, con đâu nhìn thấy cái đẹp của côn trùng. Con mang ảo tưởng về thân người của mình, tận đáy lòng vẫn chưa chấp nhận sự thật là không có gì khác nhau giữa con và một con kiến, con mèo, cây cỏ...Chỉ có sự khác biệt về nghiệp qủa; mà nghiệp quả thì không thừơng hằng. Con không thích nghe tiếp (thì) đó là Ngã đấy, mà Ngã là bất bình đẳng.

Con có cái nhìn buộc tội mọi người, đó là bất bình đẳng. Con có ưa thích (riêng), đó là bất bình đẳng. Thế thì làm sao thấy vẻ đẹp thật được mà họa? Bất bình đẳng là căn bệnh tàn phá vũ trụ. Ta thương (các) vi sinh “đục khóet” những cơ thể “lành mạnh” đồng với một người nói Pháp. Vi sinh vật ấy không “nghiến răng gặm nhắm sức khỏe con người”, mà đó là những chúng sinh nghiệp căn quá nặng phải hóa sanh trong lòai ấy, phải sống trong môi trường ấy, hòan tòan vô tội về nơi ở của mình, bởi vì chúng không có ý chọn nơi. Nếu chúng cảm được cái khốn cùng của kiếp sống ấy, chúng sẽ tu. Và chính chư Phật cùng chư Đại Bồ Tát dùng Viên Âm độ chúng nên gọi Phật và Bồ Tát là Y Vương cũng vì thế: trị lành bệnh của muôn lòai. Cả chấy, rận...cũng thế, khi phát tâm tu, nghiệp dứt, chúng không còn bị đọa trong kiếp ấy, nên hóa sanh vào một thân tướng khác, không còn phải sống bằng máu.

Điều ấy con phải hiểu, giải thích cho con rõ vì sao có người phát tâm tu thì gặp hiểm nạn: Phát tâm (tu) là một việc làm rất kinh khủng đó là sức mạnh thu nhiếp thời gian, sức mạnh vượt qua sinh tử, thu bao nhiêu kiếp vào làm  một, sức mạnh của người lội ngược dòng, sức mạnh của người chiến đấu với chính mình, sức mạnh của thiên nhiên. Đó là cái năng lực phi thường biến chúng sanh thành Phật.

Cho nên vẽ là một phương pháp hữu vi, tả, chỉ...Lột được sự thật ấy, cái bản chất, cái hình dáng thật ấy của mọi vật, thay vì uốn nắn giả tướng thêm theo ý mình.

Con có thấy “Tình yêu làm người ta rạng rỡ” như con người vẫn tả không? Đó là vì khi thương yêu nhau thật sự, con người quên mình, chỉ nghĩ đến làm điều tốt đẹp cho nhau, bỏ đi những vụn vặt. Tóm lại, đó là biến tướng của Từ Bi Hỷ Xả qua cửa ngỏ ái dục. Điều đó cho con rõ cái đẹp không nằm ở kích thước.
Trong cách nhìn người khác, con thường chỉ nhìn với nhục nhãn, chỉ thấy họ tiếp cận với mình trên một mặt phẳng: tâm trạng của người ta trong lúc ấy, rồi sinh buồn, vui, lo sợ...Đó là chấp huyễn. Hãy nghĩ! Vô lượng kiếp về trước hay vô lượng kiếp về sau, người kia trong hòan cảnh này sẽ xử trí với con ra sao? Cả con cũng thế, vô lượng kiếp về trước và vô lượng kiếp về sau con phản ứng như thế nào với hòan cảnh trên?

Mọi vật biến hiện vô chừng, tâm chúng sanh trôi nổi theo nghiệp duyên, không thể nào quyết định thật tướng nơi cảnh ấy.

Khi con nhìn một sự vật, chẳng phải chỉ là mắt con nhìn thấy, mà là thức, là sở tri, là kiến đã huân tập từ hằng vô số kiếp nhìn sự vật ấy. Từ vô số kiếp đã tích tụ vô số kiến chấp, hóa nên tất cả những phân biệt: đây tốt, kia xấu, đây đen, đó trắng, giàu nghèo, thọ yểu, khinh trọng... Bỏ hết những kiến chấp này, đi ngược lại vô thủy về trước, con sẽ thấy chỉ có Ánh Sáng vô cùng, không ngằn mé: con người đã bỏ chiếc bóng của mình.

Thế nên, con người là nguồng ánh sáng rực rỡ mà không tự thấy, đi tìm ánh sáng bên ngòai để nhìn mình, chỉ chồng chất thêm những màn đêm, làm mờ đi ánh quang minh của tự thân. Màu mà vẫn gọi là đen đó, chẳng phải màu đen, đó là một tập hợp ánh sáng màu ngũ sắc, màu cầu vồng, nổi bật riêng sắc đen trên các màu khác. Con đường mà con vẫn đi qua, đó chẳng phải là con đường, đó là chiếc cầu vồng mà con vì chấp vào thân tứ đại nên chỉ thấy là đất đá màu đen. Và người xấu, con chỉ thấy họ trong hiện kiếp, kiếp quá khứ là kẻ bị ức hiếp, và kiếp vị lai bị nghiệp quả, thì tướng xấu ở đây là đâu? Quan sát như thế mới nên vẽ. Quan sát như thế mới nên quan sát..

Thế nào là Quán Tự Tại? Là ở nơi Không Hai (mà) lập cái thấy. Thế nào là Không Hai? (Đó là) Không có Ta và Vật, không đây và đó, không khỏang cách, không phân biệt, không chướng ngại, hòan tòan tự do nên không gì là không biết, không gì là không thấy, không đâu là không đến được, và không thấy biết tất cả những cái không trên, đó là Tự Tại.

Bố cục bức tranh, lấy tâm điểm ở 2/3 hoặc 1/3 khổ giấy, khổ vải. Màu sắc: chọn màu gần thiên nhiên, hoặc màu mà con thấy bức thiết như một nhu cầu. Đừng dùng lý luận bẻ méo sự vật, đảo lộn màu sắc rồi theo đó mà vẽ, như thế là giả dối.

Các bức họa Phật và Bồ Tát, chư Thiên: đừng vẽ bóng, dùng màu nước pha nhạt hoặc vẽ nét. Ánh sáng ở tự thân chiếu ra, trong cõi ánh sáng không cùng, màu sắc phản chiếu ánh sáng, ánh sáng phản chiếu ánh sáng, không thể có bóng. Hội họa là phản chiếu ánh sáng của các sự vật, chúng sanh...Hội họa là dùng màu sắc thuyết pháp, là đưa thế giới bên trên về gần. Con hãy dùng hội họa mà cúng dường chư Phật!

No comments:

Post a Comment