Thursday, January 20, 2011

Trà Hoa


Cắm hoa tức là một phương pháp viết Kinh. Lòng không tịnh sẽ sinh Pháp bất tịnh. Cho nên không có Đẹp hay Xấu theo nghĩa thường tình, mà sự cảm nhận Đại Đạo theo từng bậc khác nhau. Đời sống của một kiếp hoa ngắn ngủi là thế, mà có thể chuyên chở Phập pháp chứa nhóm từ lũy kiếp, hà huống một con người.

Con hãy ngắm họ như ngắm một bình hoa. Người tham dục đến, con hãy im lặng cảm ơn người đã dạy cho biết đó là bất tịnh. Người sân hận đến, con hãy im lặng và cám ơn người đã dạy con biết đó là địa ngục. Người khinh hủy con, hãy im lặng và cảm ơn người giúp con diệt Ngã.

Cắm hoa là nói trong im lặng, là tìm về cội, là đi hành hương về đất Phật. Nơi con, chính là Thiền định. Thiền định là trong lìa sợ hãi, ngòai lìa tướng.

Phật tánh là Chân – Thiện – Mỹ và Từ Bi. Khi con rung động trước cái đẹp thật, khi con cảm nhận cái đẹp thật, mở tâm nhìn vào thế giới bất diệt  rồi, con không còn có thể rung cảm trước những điều xa lạ với thế giới ấy. Học cắm hoa là học mở cửa nhìn vào hư vô.

Tại sao con không định tâm được? Vì con chấp Tâm và Tướng định. Cho nên, cắm hoa là Hành đạo. Con hãy trân trọng và chân thành, để lòng lắng xuống, không vội vã, tràn ngập một tình cảm tri ân của người sắp được nghe Phật thuyết, tràn ngập một niềm yêu mến vạn vật, thiên nhiên mà học. Đối diện mỗi bình hoa sắp cắm, con hãy nhớ đến Tịnh bình của Mẹ:

Tìm dáng bình hoa sắp cắm trong bó hoa đang có, không nên trước tạo khung rồi đặt hoa vào, hoa sẽ thô, cứng và mang nét giả tạo.. Không có lòng yêu ghét riêng một lọai hoa hay cỏ nào mới được tâm bình đẳng, cảm nhận vẻ đẹp của mỗi lọai, từ đó yêu mến cái phong phú của thiên nhiên. Hoa có thể phối hợp với những lọai quả hay mọi vật có vẻ xa lạ với nó nhất, tùy chủ đề.

Trà hoa là gì? Trà là lọc, Hoa là đi lên. Trà hoa là lọc sạch tâm để đi lên. Lại nữa, Trà là hư không, Hoa là đẹp. Trà hoa là tiếng Không mà bao hàm ngàn muông vẻ đẹp. Lại nữa, Trà là tĩnh lặng, Hoa là tuyệt diệu. Trà hoa là thưởng thức cái tĩnh lặng tuyệt diệu của các cõi. Khi con uống trà, con hãy nghĩ con là ngụm trà ấy. Con sẽ thấy mọi vật dứơi cái nhìn khác hẳn. Tất cả đều giản dị.Trong ấy, Hoa chứ không phải một hình thái sống nào khác, đưa con ngừơi đến gần Đạo nhất. Con sẽ biết qúy từng ngọn cỏ, từng cành khô. Chúng sẽ nói với con đời sống thật ở ngòai tướng sống chết. Mỗi chiếc lá vàng là cả một mùa thu. Và hoa dại là những lòai hoa đẹp nhất vì chỉ đẹp một mình. Trường phái chỉ là hư, con không nên chú ý đến quy luật của các phái cắm hoa, dù Nhật bản hay nứơc khác. Từ tâm mà sinh ra các quy luật thẩm mỹ, cho nên tâm đạt đến Niết bàn tối thượng thì quy luật cũng tương ứng. Ngược lại, theo những quy luật do bậc giải thóat đề ra, cũng dẫn đến nghệ thuật tối thượng, nếu không chấp pháp. Đây là một số quy luật đó, con cứ y theo mà hành, sẽ dẫn đến Trà Hoa:

Bình cao: Hoa thiên cao = Chiều cao bình + 3 chiều rộng bình. Đó là chiều cao bình thường. Phá thể là cao hơn. Nếu thấp hơn thì chiều cao ấy sẽ nằm trong cảnh khác và ở ngòai bình lượn xuống hoặc ở chiều ngang của Thiên.

Hoa nhân cao = 3/5 của hoa Thiên
Hoa địa cao = 1/5 của hoa Thiên.

Bình thấp : Hoa thiên cao = 2 chiều cao bình + chiều rộng bình.

Các hoa khác, cũng như ở bình cao, chỉ nên cắm 2 hoa, 3 lá hoặc 1 hoa, 2 lá. Nhưng con phải cắm cách nào để chiếc lá ấy trở thành biểu tượng, mang tất cả không khí của thiên nhiên và đặc điểm của riêng nó. Tất cả những hoa lá trong bình đều như trổ từ một cành duy nhất, dù là khác lọai, vẫn không có vẻ xa lạ với nhau. Hoa phải có cái tươi mát của hoa, chứ không nên lấy số nhiều để tạo vẻ tươi thắm. Chỉ riêng một cánh hoa cũng là đủ để tựơng trưng cho cả lòai hoa. Cắm hoa như người Tây phương không phải cắm, gọi là “chưng hoa” thì đúng hơn. Con có khuynh hướng nghiêng về lối cắm ấy, đó là Tâm hãy còn chuộng tướng, không bỏ chấp.

Bình thấp, cắm nhiều lá, hoa hơn bình cao; vẫn tôn trọng quy luật trên. Ở bình thấp chú ý đến hoa địa, cành phụ thì thấp và ở gần cành chính.
Đừng sợ cô đơn, sợ cô đơn là còn khổ, nên trong cách cắm, con sẽ thích cắm nhiều hoa lá, là tính khí hãy còn nóng nảy. Nếu không có ngừơi “hiểu con” thì cũng là lẽ thường. Khổ cũng là lẽ thường. Không có người giống con cũng là lẽ thường. Nếu cô đơn là đau khổ thì đức Phật là người khổ nhất trần gian. Sự phù du của vẻ đẹp hoa cắm trong bình cũng là sự cô đơn. 

Con cắm hoa mà không thấy mình là người cắm, không có hoa để cắm, lòng không lay động, cũng không thấy mình không lay động, thì bình ấy là bình hoa tự nở ra như thế. Đó là Hoa Đạo.

Cũng như đau khổ làm gì có thật, nhưng phải mượn đó mà tỏ bày an lạc. Con không có khổ vì sự khổ đau thật sự hiện diện, mà vì đó là pháp môn gần nhất và dễ nhất dẫn đến nhận thức Lạc. Nhận thức này chính là Thiền định, là Đại định, là Giải thóat.




No comments:

Post a Comment