Dưới đây là một câu chuyện thật, xin kể ra để mọi người khích lệ nhau. Nếu nội tâm chúng ta có điều nóng giận, oán hờn thì hãy mau mau buông bỏ, vì không bỏ ngay bây giờ, thì đến khi lâm chung không buông bỏ cũng không được, tại sao lại phải chờ đến lúc ấy chứ? Chúng ta phải sớm bỏ cái thói quen mới thấy người, việc không thuận mắt là muốn trách mắng. Nếu không thì đến khi lâm chung ta sẽ bị thói quen ấy dẫn dắt, mất cơ hội vãng sanh Tây Phương.
Khi tôi còn làm việc tại khoa ung bướu, tôi từng gặp một bệnh nhân ung thư phổi. Đó là một phụ nữ chừng sáu mươi mấy tuổi. Khi bệnh trạng của bà đã trở nên nghiêm trọng, suốt cả thời gian hai tháng, bà hoàn toàn không thể nằm xuống mà ngủ, hễ nằm xuống là thở không được. Tôi thấy bà rất thống khổ nên khuyên bà niệm A Di Đà Phật. Đang lúc thống khổ như vậy bà cũng cũng phát tâm niệm Phật, hy vọng đến ngày giải thoát được đến thế giới Đức Phật A Di Đà. Vào cuối năm ấy bệnh tình của bà trở nên quá trầm trọng, bà yêu cầu tôi mời một số phật tử đến trợ niệm, giúp bà đến Tây Phương. Hôm ấy thấy bệnh bà đã nguy hiểm rồi, tôi liền mời các Phật tử đến niệm Phật cho bà. Không ngờ mọi người tập hợp để niệm Phật, niệm được nửa giờ thì bỗng nhiên có một người trẻ tuổi say rượu xông vào phòng bà. Tôi đang quay lưng về phía cửa, không chú ý diễn biến ở phía sau, cũng không trông thấy người ấy bước vào, chỉ thấy người bệnh ở trước mặt. Bà đang niệm Phật, bỗng nhiên có vẻ như rất nổi giận, mắt mở trừng trừng lại giơ tay chỉ phía đối diện. Hình như bà muốn mở miệng để trách mắng.
Trong lúc bà muốn trách mắng mà không trách mắng được thì bà tắt thở! Thì ra, người trẻ tuổi xông vào đấy là con của bà. Người con này đã sớm rời gia đình để sống lang bạt. Bà rất giận người con này, nghĩ rằng phải chi bà đừng sinh ra nó, cho nên lâu nay bà không hề nói với tôi về nó, tôi cũng không biết để liệu mà đề phòng trước, cũng không khuyên bà sớm buông bỏ ý tưởng kia. Tâm thái của bà đối với con là “ghét mà không bỏ” (ghét mà cứ nghĩ đến), hễ nghĩ đến là giận, đâu ngờ trong sát na cuối cùng đứa con lại xuất hiện, vừa trông thấy nó bà đã vứt bỏ Đức Phật! Sự giận dỗi trước kia và thói quen “hễ thấy nó thì liền mắng” thể hiện cùng lúc, bà không tự chủ được liền giơ tay chỉ nó định trách mắng nó. Bấy giờ tuy có nhiều phật tử đang đứng bên cạnh để nhìn bà, bà vẫn cứ như thế, cứ nổi giận, không ngăn được! Tuy chung quanh tràn đầy tiếng niệm Phật, mà bà bỗng chốc hình như không nghe thấy gì cả, chỉ còn lại sự nổi giận mà thôi. Thật đáng tiếc là lúc ấy bà đã tắt thở! Một sẩy chân, hận ngàn đời, vạn kiếp khó gặp.
Phật pháp cứu độ cũng là do sai lầm này vậy! Sự hiện thị của vị Bồ Tát bệnh hoạn này là sự cảnh báo rất lớn cho chúng ta để chúng ta hiểu rõ được sức khiên dẫn của “thói quen”.
Chúng ta có thể phản tỉnh: phải chăng bình thường bên cạnh chúng ta tuy có tiếng niệm Phật, chúng ta vẫn cứ nóng giận? Thậm chí còn “chuyên tâm” nghĩ tới chuyện phiền não mà không nghe Phật hiệu (không dụng tâm nghe thanh âm của Phật), đó chính là sức phiền não của chúng ta mạnh hơn nguyện lực niệm Phật, cho nên chúng ta thất bại. Chúng ta thử nghĩ xem, ai bảo bạn thích phiền não hơn thích niệm Phật chứ? Ai bảo bạn muốn nóng giận hơn muốn vãng sanh chứ? Nếu chúng ta đành chịu ở lại thế giới này mà tiếp tục lí luận, so đo với người ta mà không chịu đến Tây Phương để sống những ngày an lạc, thì Đức Phật A Di Đà chỉ còn cách thuận theo ý chúng ta thôi! Tại sao Đức Phật và Thánh chúng ở trước mắt mà chúng ta không nhìn, lại cứ trố mắt vào cừu nhân mà nhìn? Tại sao Phật thanh không nghe mà lại nghe tạp âm?
Chúng ta cam chịu đọa lạc, tương ứng với uế độ, cừu hận mà không tương ứng với tịnh độ, Phật thanh? Thì như thế Đức Phật chỉ còn cách là đợi chờ bạn hàng chục kiếp sau.
Thật ra, lúc lâm chung, kẻ oán cừu nào ở trước mắt cũng không quan trọng lắm. Điều quan trọng là chúng ta gặp họ thì chính chúng ta thể hiện tâm niệm nào. Phải chăng có thể chính mình làm chủ? Chúng ta nên nghĩ trước cho rõ: vãng sanh hay không vãng sanh rốt cuộc là do chính chúng ta quyết định hay để cho họ quyết định? Kẻ oán cừu ở trước mắt, chúng ta vẫn cứ từ bi niệm Phật, đừng để họ lôi kéo mà nóng giận. Nếu tự mình kiên trì niệm Phật thì oan gia, cừu nhân trước mắt cũng không có ảnh hưởng gì.
Chúng ta quản lý mình tốt, không để thói quen xấu và niệm ác xuất hiện là tốt vậy, đây chính là chỗ ngày thường chúng ta cần dụng tâm rèn luyện làm người chủ của chính mình rèn luyện muốn vãng sanh, an vui thành Phật do chính mình quyết định! Một ngày niệm Phật ít nhiều tiếng chẳng có gì là khó, hơn nửa số lượng tiếng niệm Phật thật ra cũng không hề là điều kiện để được vãng sanh. Chúng ta nên rèn luyện mình ngay từ lúc bắt đầu nóng giận, có thể lắng đi để niệm Phật mười tiếng, thế mới quan trọng hơn nhiều,thế mới là chân chính mong nguyện đến Tây Phương. Nếu không như vậy thì chỉ còn cách ở lại thế giới này mà tiếp tục nóng giận! Chỉ còn cách là tiếp tục làm nô lệ cho thói quen nóng giận!
Tại sao chúng ta thấy một người không thuận mắt, rất đáng ghét lại rất thích gặp người ấy, gặp thì chính mình rất bực bội, lại không vãng sanh được? Tại sao chúng ta không dùng đôi mắt này để nhìn Đức Phật, nhìn thì được thanh tịnh, hoan hỉ, tự tại vãng sanh? Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng nhìn thấy người ta mà cảm thấy rất đáng ghét, điều ấy hoàn toàn không phải là ý nghĩa của “chán ghét cõi Ta Bà” ! Chúng ta hãy xem kỹ lời dạy của Tổ sư:
“Chán ghét cõi Ta Bà” là chán ghét cái ý nghĩ không tốt, không thanh tịnh trong nội tâm mình, chứ không phải là hoàn toàn ghét bỏ người khác, nhìn người khác mà không thuận mắt. Cái tâm niệm như thế là do tâm chúng ta hẹp hòi, không đủ từ bi, mới nhìn người ta không thuận mắt. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có lời dạy rất quan trọng, mọi người chúng ta đều tưởng rằng ghét bỏ và tham luyến là trái ngược nhau. Thực ra ghét bỏ cũng là tham luyến, là một thứ tham luyến biểu hiện từ mặt kia. Vì rằng có một thứ tham luyến nào đó trước, nhưng vì tình hình không như ý nên sinh ra cái tình cảm của mặt bên kia, mà gọi đó là ghét bỏ. Ví dụ vị Bồ Tát bệnh hoạn mà trước đây đã nói, bà vốn nhất định hy vọng đứa con của mình được tốt. Đối với con, bà có lòng tham luyến, có sự mong cầu; cho nên khi con bà không được như ý bà, bà mới sinh lòng ghét bỏ, nóng giận. Nếu đó là con của người khác thì bà không mong cầu, không tham luyến, thì dù đứa con kia có không tốt, bà cũng không phí công mà ghét bỏ, và cũng không nóng giận mà ảnh hưởng lúc vãng sanh.
Nếu chúng ta không động tâm, không tham luyến đối với các sự việc, thì chúng ta hãy xem chúng là rất bình thường, và không có gì là không như ý. Nếu chúng ta từng động tâm, tham luyến đối với chúng, thì chúng ta mới có cái tâm không như ý, ghét bỏ. Nếu chúng ta nguyện vãng sanh Tây Phương thì phải vứt bỏ những tham luyến, ghét bỏ trong nội tâm mình, vứt bỏ các ý niệm không thanh tịnh “yêu đó, ghét đó”, “từ yêu đến hận” hoặc “vừa yêu vừa giận” v.v … như thế mới là cái nguyện chân chính, chán ghét cõi Ta Bà, mong cầu Cực Lạc.
Vốn định mở miệng mắng
Biến thành tiếng niệm Phật
Vốn định ném hòn đá
Biến thành gửi hoa sen
Biến tâm phàm của ta thành tâm Phật
Một niệm tương ứng phóng quang động địa.
Biến thành tiếng niệm Phật
Vốn định ném hòn đá
Biến thành gửi hoa sen
Biến tâm phàm của ta thành tâm Phật
Một niệm tương ứng phóng quang động địa.
No comments:
Post a Comment