Saturday, July 9, 2016

Tu hành thì đừng hi vọng không gặp nghịch cảnh

OAN ỨC BIẾN THÀNH TỰ TẠI HOÀN CẢNH GIỐNG NHAU
TÂM TRẠNG KHÁC NHAU.
Lần nọ, đúng vào kỳ nghỉ, ba vị phật tử bàn với nhau muốn cùng nhau đến nông trường Thanh Cảnh để nghỉ. Từ rất sớm, mọi người không cần chuông báo đã thức dậy chuẩn bị các thứ, mang đồ ăn thức uống rồi vui vẻ lên đường. Dọc đường vừa ăn sáng vừa nghĩ đến phong cảnh đẹp đẽ ở nông trường, mọi người đều thích thú! Họ mở máy thu thanh nghe tiết mục giảng Phật pháp, ai cũng cảm thấy mình là người tu hành tinh tấn và tràn đầy niềm vui trong Phật pháp.
Bỗng nhiên một chiếc xe hơi từ một bên phóng tới, người tài xế thò đầu ra mắng: “Đồ ranh con, mới học lái xe à?. Lái như vậy mà dám lái ra đường à?” sau đó anh ta còn nhổ một bãi nước trầu, rồi tống ra một làn khói đen mà đi. Người phật tử lái xe bỗng bị người ta mắng như thế thì không khỏi buồn bực, nghĩ: “Ta lái xe đã hai mươi năm nay tại sao lại bảo ta mới học lái xe? Ta lái xe đúng, anh ta xông bậy, thế mà còn mắng người ta, thật là chẳng đạo lý gì!” nghĩ như thế nên rất buồn bực. Lòng vốn rất vui vẻ, thế mà bây giờ hình như bị tát một gáo nước lạnh, nghĩ đến sự quát tháo của người kia, vị phật tử ấy không còn bụng dạ nào để nghe hiểu tiếng nói phát ra từ đài.
Vị phật tử khác thì nói: “Anh chàng này chắc tối hôm qua không ngủ được, sáng sớm bị chủ mắng, lòng bực bội, chúng ta hãy niệm Phật chúc phước cho anh ta, để anh ta khỏi bị nguy hiểm trên đường! A Di Đà Phật”.
Còn vị phật tử kia đang ăn bánh, thấy vậy cũng nói: “anh chàng ấy vi phạm luật lệ giao thông, chẳng kể gì cảnh sát, thật hết ý kiến, thấy mà muốn nổi nóng. Thật là thế giới xấu ác ngũ trọc này có nhiều người xấu ác quá!”. Mỗi người một câu, cứ thế mà tiếp tục phê bình. Tấm lòng tràn đầy niềm vui Phật pháp vốn đã có biến đổi đi rồi. Sự phát tâm tinh tấn, nghe Phật pháp cũng dần dần mất đi … trong lòng đang tràn đầy phấn khởi, bỗng chốc sinh ra không vừa ý, ngay cả phong cảnh đẹp đẽ của nông trường thanh Cảnh cũng hầu như không còn hấp dẫn nữa.
Bỗng nhiên họ lại thấy bên đường có bảng hiệu bán mật ong. Vì trong họ có ngươi thích mật ong, chị ấy đề nghị: “chúng ta đến mua đi”. Mọi người nghĩ rằng khó từ chối được, cho nên ai cũng mua mấy bình, mua xong đem bỏ lên xe. Sau đó câu chuyện lại chuyển sang loại mật ong tốt, mật ong nguyên chất (thế là đem Phật bỏ ra đằng sau não rồi!).
Đang say sưa nói chuyện, bỗng dưng họ phát hiện hình như mình đi lầm đường, định xuống xe hỏi người ta. Họ vừa mới định dừng xe thì phía sau có một xe tông tới, nhưng may là đụng chưa tới nỗi nào. Nhưng hai chiếc xe đụng nhau thì khó tránh khỏi trầy xước, nước sơn bên ngoài xe có mấy chỗ bị hư hại, người kia rất bực mình bước xuống xe. Chiếc xe mới mua của anh ta trầy xước, anh không chịu được nên đùng đùng nổi giận: “Cô phải bồi thường cho tôi, nếu không thì tôi không bỏ qua cho cô đâu”. Vị phật tử lái xe cảm thấy rất ấm ức. Mới sáng sớm đã bị người lái xe kia mắng một trận vô lý, bây giờ anh này tông vào ta, lại bảo ta bồi thường. A! cái thế giới nào đây chứ? Chị định mắng lại anh ta, nhưng lại nghĩ: “chúng ta là phật giáo đồ, không nên mắng người”. Chị cố nén giận, vì cố nén nên trong lòng như đang có một “khối đá” nước mắt sắp trào ra. Sự mong mỏi được vui vẻ từ trước, bây giờ đã bị phá vỡ.
Một vị Phật tử khác thì nói với anh kia: “xét theo lý thì anh không đúng rồi, anh dã không xin lỗi lại còn bảo người bồi thường. Này, này, này, chúng tôi mời cảnh sát giao thông đến phân xử. Trong đời tôi ghét nhất là hạ ng người hiếp đáp người khác, anh đừng tưởng dọa chúng tôi là chúng tôi sợ! Tôi chỉ sợ người tốt chứ không sợ kẻ xấu!” càng cãi mọi người càng sinh giận, nổi nóng, cơ hồ muốn xắn tay áo đánh nhau.
Còn vị phật tử kia thì khuyên mọi rằng: “Chúng ta gặp nhau giữa đường là một nhân duyên khó được, mọi người hãy nhìn lên khuôn mặt Đức Phật A Di Đà mà kết một duyên lành. Xe đụng nhau thì khó tránh được thương tích. Chúng ta nên vui mừng mà cảm tạ Phật lực đã che chở cho mọi người được bình an. Nếu chúng ta bỏ qua cho nhau, lịch sự với nhau thì đâu có chuyện gì. Vì xe đã trầy xước, dù chúng ta có nóng giận, tiếc rẻ, cũng phải đem nó đi sửa, nó mới lành lặn như trước! Đâu phải chúng ta đi thưa gởi mà các vết trầy xước của xe được khôi phục? Nếu chúng ta cứ cãi vã làm hao tốn tinh thần, hao tốn hòa khí thì như thế còn nghiêm trọng hơn là xe bị trầy móp, lại càng đáng tiếc hơn nữa! Chúng ta vui vẻ đem xe đi sửa, có lẽ còn đẹp hơn xe mới!”. Người kia nghe nói thế liền hết giận, cúi đầu lái xe đi.
Ba vị Phật tử lên xe, thấy có mấy bình mật ong bị bể vì đụng xe vừa rồi, mật chảy ra làm nhầy nhụa cả xe. Chị Phật tử lái xe lắc đầu nói: “Hôm nay thật xui xẻo, tôi hết muốn đến nông trường Thanh Cảnh rồi, dọc đường cứ bị trục trặc quá rồi!” vị Phật tử thứ ba lại khuyên mọi người: “Đó chẳng qua là một vài chuyện ngoài ý muốn, thật ra thế gian này vốn là vô thường, “vô thường” nên xem là sự việc trong tâm ý, chứ đừng nên xem ngoài tâm ý. Dù dọc đường chúng ta có gặp nhân duyên gì cũng đừng thay đổi tâm tình và mục tiêu vốn có của chúng ta. Người ta muốn lái xe như thế nào, muốn hành động như thế nào, thì đó đều là sự tu dưỡng của người ta, chúng ta đừng nên vì sự sai lầm nhất thời của người khác mà thay đổi niềm tin và kế hoạch nghỉ của chúng ta. Chúng ta cứ tiếp tục thực hiện kỳ nghỉ của chúng ta. Vừa rồi bất quá chỉ là cảnh ngộ không được như ý trong mấy phút, chúng ta không nên để cho nó kéo dài thành mấy giờ ở trong tâm, hoặc thành mấy ngày khiến chúng ta phải khổ.Tôi thì cảm thấy tiết mục vừa rồi ở trong đài rất hay, đó mới chính là điều khiến chúng ta dụng công suy nghĩ. Chuyện vừa rồi quả thật chúng ta không nên lãng phí tâm niệm và kỳ nghỉ quí báu mà nghĩ tới nó. Chúng ta hãy cứ niệm Phật mà trải qua ngày nghỉ vui vẻ”.
Chúng ta hãy nghĩ lại mình, chúng ta phát nguyện muốn đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, phải chăng là giống như những người kia dọc đường gặp chuyện buồn phiền, trở ngại? Chúng ta có bị ảnh hưởng hay không? Hay chúng ta quên đi mục tiêu vốn có của chúng ta? Nếu chúng ta muốn chờ mọi người trên toàn thế giới biến thành những Thánh nhân có sự tu dưỡng cao thâm, lại muốn chờ mọi người đều hiểu ra mà lễ phép và thật tốt đối với chúng ta thì chúng ta mới vui vẻ, nếu như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ được vui vẻ. Khi người ta không tốt với chúng ta, chúng ta cũng có thể niệm Phật cho mình được an vui, đồng thời cũng chúc phúc cho người ta, giúp người ta trở thành tốt. Nếu vì hai sự việc trên mà sinh ra buồn phiền, rồi thay đổi lộ trình mà quay về, hoặc suốt kỳ nghỉ mà nhớ tới, bàn luận về các sự việc không vui vẻ ấy, thì các vị cảm thấy như thế có giá trị hay không?
Nói đi, nói lại, không lẽ cho xe quay đầu về, dọc đường lại không gặp điều không như ý sao? Biết đâu khi quay về, lòng buồn bực lại bị tai nạn xe mà nằm bệnh viện? Kết quả là không đi đến nông trường Thanh Cảnh, mà lại càng khổ hơn nữa… rất nhiều người tu hành gặp khó khăn thì nản lòng mà rút lui, sau đó mới phát hiện ra rằng, con đường thối chuyển càng khó khăn càng gian khổ hơn. Chi bằng một lòng đi tới cùng!
Các vị cảm thấy các vị thuộc loại nào trong ba Phật tử nói trên?
Các vị cảm thấy ba vị trong họ ai là người được an vui?
A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
LikeShow more reactions
Comment

No comments:

Post a Comment