Saturday, October 14, 2017

PHAM CONG LUAN - SG....


shared Sài Gòn - chuyện đời của phố


Phạm Công Luận added 6 new photos.
TRƯỜNG NỮ CÔNG GIA ĐỊNH, MỘT QUÁ VÃNG
Đây là Trường dạy môn nữ công, gia chánh cho nữ sinh được chính quyền thuộc địa thành lập khoảng thập niên 1940 hoặc có thể sớm hơn, nằm trong khuôn viên trường Chi Lăng ở khu vực Bà Chiểu thuộc quận Bình Thạnh (nay là trường cấp 2 Hà Huy Tập nằm trên đường Phan Đăng Lưu, bên cạnh Đại học Mỹ thuật TPHCM). Theo ký ức của các bậc lão niên ở Ngã tư Bình Hòa, thời điểm 1946-1952, Hiệu trưởng là bà Gauzé (người Pháp) và ban đầu có hai giáo viên : Cô Lê Thị Tài (còn gọi là Ba Tài) và Cô Nguyễn Thị Nam (cô Hai Nam). Cô Ba Tài dạy thêu may, cô Hai Nam dạy nấu nướng, làm bánh mứt và các việc bếp núc kể cả phương pháp chọn lựa thức ăn khi đi chợ.
Khi thành lập, trường có tên là: Ecole d’Enseignement Menager de Gia Định.Thời gian học tập: 2 niên khóa. Mỗi lớp độ trên dưới 30 học sinh. Điều kiện dự tuyển: Phải có bằng Tiểu học (Certificat d’étude primaire complementaire d’Indochine, viết tắt là CEPCI). Ngoài các môn học về nữ công gia chánh, còn có các môn như Luân lý, Văn, Sử Địa…nhưng các môn này “nhẹ” hơn chương trình trung học.
Năm 1952 bà Gauzé về hưu, người kế nhiệm là bà Huỳnh Hữu Hội. Bà Gauzé và bà Huỳnh Hữu Hội kiêm nhiệm hai chức hiệu trưởng Trường Nữ công và Trường Nữ Tiểu học Gia Định (Ecole des filles de Gia Định). Trường còn quản trị một Ấu Trĩ Viện Gia Định, tiền thân của lớp Mẫu Giáo sau nầy. Khoảng cuối thập niên 1950 (?), bà Hội được bổ nhiệm Hiệu Trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long, Sài Gòn thì trường nữ công có hiệu trưởng riêng : Bà Ngành (không rõ họ của bà), một giáo viên của trường nam tỉnh lỵ Gia Định. Bà Ngành nổi tiếng là vị giáo chức nghiêm khắc nhất tỉnh Gia Định. Đến 1975, Ngôi trường đặc biệt này bị giải tán.
Trường dạy học sinh các kỹ năng nấu ăn, làm bánh mứt, tỉa hoa quả, may, thêu. Mỗi giáo viên phụ trách một môn. Học sinh đến từ các nơi trong vùng Sài Gòn – Gia Định.
Mỗi khi có tổ chức hội chợ, Ban Giám hiệu đem những sản phẩm do học sinh làm ra để triển lãm cho khách tham quan…
Xem lại những bức ảnh còn lưu lại của bà Nguyễn Thị Nam (về hưu năm 1959), giáo viên tại đây, có vài nhận xét như sau:
- Nữ sinh đi học bận đồng phục với áo bà ba trắng, quần đen hay trắng, tóc tai được bới cao hay cột đuôi gọn gàng.
- Lớp học khá rộng như một hội trường, trần cao và thoáng, đủ chứa hai dãy bàn theo chiều dọc bức tường cho học sinh ngồi đối diện nhau và một số bàn ghế cuối dãy cùng máy may.
- Ngoài giờ học, nữ sinh được chơi thể thao, như đánh bóng bàn.
- Giáo viên toàn bộ là nữ và là người Việt, bận áo dài đủ màu sắc đi dạy. Bà Gauzé, hiệu trưởng là người Pháp duy nhất.
- Các giáo viên trong trường ngoài việc dạy học còn tham gia nhiều họat động khác như như tham gia họat động từ thiện (lúc đó gọi là đi ủy lạo).
- Trường học này được xem là kiểu mẫu nên được chính quyền thời đó quan tâm và đến thăm viếng.
Bà Nguyễn Thị Nam là cô chồng của dì Út tôi. Hồi còn nhỏ, tôi thường qua nhà dì chơi và gặp bà Nam. Bà vui tính, hay kể chuyện xưa, rất trí thức và cởi mở. Thời đó, thập niên 1960 mà bà đã đi du lịch Hồng Kông, Nhật Bản, chưa kể các chuyến đi trong nước mà xa nhất là Huế.
Trích SÀI GÒN CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ tập I
Ảnh: Tư liệu gia đình của bà Nguyễn Thị Nam.


Bài trích trong cuốn sách Sài gòn chuyện đời của phố tập 3.
LANG THANG TRÊN THÀNH PHỐ XƯA
Ngôi nhà ở Lái Thiêu của Lý Thân lúc nào cũng đông khách. Từ sáng tới tối, khách ngủ lại hoặc ghé ăn cơm rồi đi. Có những người ăn dầm nằm dề hàng tháng trời rồi có lúc một buổi sáng thức dậy, không còn thấy họ ở đó nữa. Người trong xóm gọi cha của Thân, ông Hai Vững, là ông Mạnh Thường Quân, lấy tích trong truyện Tàu. Ai cũng kính nể ông vì tính hào sảng, và sống kiểu hào sảng như vậy thì tốn kém lắm. Cho dù ai cũng biết thân phụ của ông Hai Vững là bang trưởng Triều Châu ở Lái Thiêu rất khá giả và có uy tín trong dân chúng ở vùng đất nhiều cây trái này.
Lý Thân không để tâm nhiều đến chuyện đó, chỉ biết rằng mình có rất nhiều ông chú tuy không ruột thịt nhưng ông nào cũng thương chú bé nhỏ nhắn con chủ nhà. Từ đó, Thân có nhiều chuyến đi chơi với mấy chú, mà mãi nhiều năm sau này vẫn không quên được. Nhiều nhất vẫn là những chuyến đi về Sài Gòn.
Đó là câu chuyện trước năm 1954.
Những năm đó, Lý Thân không nhớ đã lang thang bao lần trên cái thành phố phồn hoa này. Người ta nói “Sài Gòn hoa lệ” - hoa cho người giàu và nước mắt cho người nghèo. Dù sao, Thân cùng mấy chú chỉ là khách nhàn cư vãng lai nên chẳng bận tâm làm chi mấy chuyện đó cho mất vui. Đến Sài Gòn, anh thanh niên mới lớn thấy choáng ngợp ngay với cảnh nhà đông xe nhộn nhịp, sau đó dần quen và thấy thích cuộc sống ở đây. Sài Gòn lúc đó còn thông thoáng lắm so với bây giờ, nhưng đã quá vui với chú bé nhà quê. Xe cộ chạy qua lại như mắc cửi. Xe do người phu đội nón lá chân đất kéo chạy thình thịch giữa trời trưa nắng. Xe ngựa kéo, bò kéo đi lóc cóc ngoài đường phố trung tâm gần chợ Bến Thành, bên cạnh chiếc xe hơi bóng loáng của mấy ông Tây. Có xe ngựa chỉ chuyên chở hàng, không có mui bên cạnh xe ngựa chở khách thanh mảnh, dáng đẹp có mui kín mít. Có cả xe kéo tay chở hàng với thùng xe rất to, vừa có càng phía trước để kéo vừa có chỗ để mấy người phía sau đẩy đi, loại xe tải bằng sức người của mấy ông người Tàu đội nón cời lối rộng vành chóp nhọn. Có những chiếc xe đẩy nước ngọt đóng chai đi qua đi lại bán cho khách. Hai bức tượng cô đầm trước Nhà hát Tây nhìn cao ráo thanh mảnh hơn hai bức tượng phục chế hiện nay. Đàn ông lịch sự bận bộ đồ bà ba trắng lụa lèo, đầu đội mũ phớt và chân mang guốc, rất ít thấy người bận áo dài khăn đóng trừ ở chỗ có đám tang. Phụ nữ thời đó nhiều người bận áo dài đen. Nhiều người thích trùm khăn trên đầu, cả nam lẫn nữ khi trời nóng nhất là ở ngoài chợ. Hầu như không thấy mặc quần ngắn, trừ các ông Tây với quần sọt lửng. Lý Thân thích nhìn những biển quảng cáo ngoài trời ai vẽ to đùng mà sắc nét, không bị méo mó: quảng cáo La-de Larue và giày của hãng Bata là nhiều. Ở bến Bình Đông, người ta chở dừa, chuối và sản vật miệt Lục tỉnh lên Sài Gòn bán không khác gì bây giờ. Sông đã có bờ kè bằng xi măng dốc thoai thoải xuống.
Nhà hàng Givral từ năm 1946 Tây trở qua đã mở cửa trở lại. Năm 1950, ông chủ Givral cho bày bàn để khách ngồi ngoài hàng hiên, mở rộng không gian cho nhà hàng vốn chỉ để được dăm bàn ăn. Một ông chú dắt Thân đến đây, nhưng chỉ dám đãi thằng cháu món yaourt là thứ rẻ nhất. Yaourt lúc đó có vị hơi lạt, chủ quán để sẵn một hũ đường, ai thích ăn ngọt thì thêm. Có lúc ngoài vỉa hè hết chỗ thì ông chú làm gan đẩy cửa bước vào trong. Ghế ngồi trong quán Givral lúc đó cũng là ghế gỗ bình thường, không có nệm như sau này, không có máy hát cho khách nghe. Đa số khách là lính Tây, vài ông bận complet trắng.
Uống nước xong cả nhóm lại đi chơi tiếp. Trong nhóm của Thân có một chú rất diện, thắt cravate mặc complet nhìn như một ông chủ hãng. Ông chú này thích la cà ngó nghiêng chỗ này chỗ kia, thích vào hiệu sách Portail (tiệm sách Xuân Thu sau này), nhưng khi có ông Tây nào đến đứng gần là chú bỏ đi ngay. Thân có lần hỏi thì chú trả lời: “Đứng gần, nó hỏi tiếng Tây mà không biết trả lời thì mắc cỡ sao mậy!”.
Vào nhà sách Portail xem sách cho vui thôi chứ sách mắc lắm, không mua nổi. Thân ngạc nhiên khi thấy ở tiệm người ta bày bán nhiều ấm trà không có nắp, hỏi ra thì đó không phải ấm trà mà là... bình vôi ăn trầu. Cho đến giờ, ông già Lý Thân của sáu mươi năm sau vẫn tủm tỉm cười nhớ cái bình vôi rất bình dân được bán trong một nhà sách của Tây sang trọng như vậy. Nhưng vào Portail cũng khá thú vị khi xem những bức ký họa vẽ tranh về Nam kỳ của ông Henry Meige, họa sĩ người Pháp. Ông vẽ những hình ảnh rất gần gũi đời thường, như cảnh một góc khách sạn Continental gần đó, người đánh giày trên đường phố Sài Gòn...
Đi dạo chợ Sài Gòn thì có thể nhận ra những tiệm của người Bắc đóng giày trên đường Lê Thánh Tôn và tiệm vàng Nguyễn Thế Tài ở mặt Lê Thánh Tôn phía sau chợ. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài nổi tiếng có cuộc thi thơ rất hấp dẫn mà Thân nhớ mấy câu thơ đã đọc trong báo Mới của ông Phạm Văn Tươi. Thơ kể rằng có bà nhà giàu kia có cô con gái, bà muốn gả chồng cho con nhưng con gái kén chọn lắm. Ai ngờ anh chàng người hầu trong nhà khôn ngoan, sắm tặng cô nữ trang nhà Nguyễn Thế Tài. Thế là cô ưng thuận trước sự ngỡ ngàng của bà mẹ, “là vì vàng đúng tuổi mười. Lòng cô cảm nghĩa ơn người biết bao. Tình yêu cô bỗng thấm vào”. Mỗi bài thơ đăng trên báo Mới ca ngợi nữ trang bằng vàng của nhà Nguyễn Thế Tài sẽ được trả 50 đồng. Chiêu quảng cáo này hấp dẫn dân thích văn chương lắm và nhờ vậy vàng Nguyễn Thế Tài luôn đông khách.
Lúc đó, có nhiều người Ấn sống khu đó. Người Ấn gốc Bombay chuyên cho vay lấy lãi và bán vải, còn những người Hạch chuyên thức đêm làm gác cửa, gác tiệm buôn. Nhóm người Hạch có làn da ngăm đen giống người Ấn, có gốc Hồi giáo và làm nghề gác cửa thì rất cần mẫn. Mấy ông chú kể là họ chỉ giỏi nghề gác cửa, chuyển sang nghề khác thì dở ẹt nên có câu “Dở như Hạch”. Sau này, Thân biết Hạch có nghĩa là Hadj, đứng đầu tên của họ, nghĩa là “hành hương” trong tiếng Á Rập, nhắc đến mơ ước một đời là hành hương đi thánh địa Mecca. Và ai có chữ Hadj đứng trước tên nghĩa là đã đến Mecca rồi.
Dân Ấn góp cho ẩm thực Sài Gòn xưa mấy món ăn mà Thân không quên. Đi xuống mé Đa Kao, phía Cầu Bông gần rạp Văn Hoa Đa Kao sau này có một tiệm bán cơm cà ri của người Ấn rất ngon. Ngay một góc quán, một ông Ấn khác thuê một góc bán cà phê, bán cà ri, cơm nị, bánh cay, bánh rế. Bánh cay không phải là loại bánh bằng bột mì vắt trong nắm tay, chiên trong chảo mỡ thành một loại bánh dài, nhỏ nhắn và cay như sau này. Bánh cay đây là loại bánh hơi giống bánh xèo đỗ dày hơn, to cỡ cái bánh patéchaud, bằng bột mì, có nhân thịt, củ hành, ớt, đậu xanh... chiên lên có vị cay và hơi chua, rất ngon nếu ăn với cà ri gà, cà ri dê. Ông chỉ bán từ trưa đến chiều, rất đông khách. Còn cơm nị thì cơm có trộn dầu, bơ, sữa, ai không thích béo thì khó ăn vì ngậy. Còn nếu không thích thì đi ăn bánh cuốn có trứng vịt chiên cuộn bên trong rất ngon và béo.
Năm nay đã hơn tám mươi tuổi, chàng trai Lý Thân ngày nào vẫn sống ở quê nhà Lái Thiêu, thỉnh thoảng đi Sài Gòn thăm con trai lớn sắp về hưu sống ven thành phố. Ông đi đâu cũng gặp kỷ niệm. Nhớ có lần đi xe điện gần ga Arras tức đường Cống Quỳnh ngày nay, ông nhảy tàu suýt té chết. Tiệm Givral ông từng ăn yaourt nay đã không còn. Saigon Departo, nơi ông mê mẩn mấy bộ tách trà Nhật hiệu Arita cũng không còn. Xe điện không còn. Hiệu sách Portail không còn. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài không còn. Nhớ có lần ông nhờ đứa cháu làm nghề báo vô Chợ Lớn tìm mua cho ông cái nón cời lối đan bằng tre, chóp nhọn vành rộng của người gốc Hoa mang qua, nhưng nó đi mấy ngày không tìm ra. May mà có thể thấy cái xe kéo tay trong bảo tàng bến Nhà Rồng. Ông nghĩ chắc chỉ có mỗi mình và vài ông bạn già ở miệt Lái Thiêu lẩn thẩn khi nhớ về Sài Gòn qua những hình ảnh đó. Chứ người ở Sài Gòn bây giờ có khi chỉ thích xây nhà cao có kính bóng loáng bán thật nhiều hàng, cho thuê nhiều tầng mà thôi.
Phạm Công Luận

Ảnh: T.L internet.
Phạm Công Luận added 2 new photos.
Bài không dành cho ai ngại đọc. Người phụ nữ trong bài là vợ sau của nhạc sĩ Huỳnh Háo, đệ nhất tay trống Đông Dương thời Pháp thuộc và là Trưởng nhiều ban nhạc ở SG trước và sau 1975.
Cám ơn anh Huynh Huu Thanh đã kể câu chuyện rất hay.
NGƯỜI MẸ TRIỀU CHÂU
Dì Hà bước vào tuổi thơ của Thạnh năm 1963, khi anh mới lên bốn, lúc cả nhà còn đang sống ở khu Chợ Quán. Đó là những ngày buồn, Thạnh là con trai út, còn vương vấn hơi ấm của mẹ ruột khi bà dứt áo ra đi, bỏ lại Ba và mấy chị em Thạnh. Ba của Thạnh vẫn giữ nếp làm việc cũ, tối đi diễn về rất khuya nhưng trở nên trầm lặng, ít nói hơn. Cả nhà quạnh quẽ, không còn tiếng cười như những ngày trước nữa.
Một ngày, có một cô gái dáng vẻ hiền lành,vẻ mặt hơi ngơ ngác, nói tiếng Việt không rành được ba đưa về nhà. Ba bảo các con chào dì Hà, người sẽ thay mẹ trong ngôi nhà này. Năm đó, dì mười bảy tuổi, còn nét bẽn lẽn của cô gái tuổi mới lớn. Mới năm trước thôi, dì chỉ mới bắt đầu học hát và đi diễn ở phòng trà ca nhạc. Dì có tên là Bạch Nguyệt Hào, cái tên rất lạ. Ba nói dì là người Triều Châu, sống trong Chợ Lớn.
Lúc mới gặp, Thạnh gọi dì là dì Hà. Dì nói với Thạnh: “Con đừng kêu dì bằng dì Hà. Con kêu bằng dì thôi !”. Thạnh thấy cả hai không khác gì nhau. Dì giải thích, gọi bằng “Dì”, mới là thân thiết, là người trong nhà.
Cuộc đời dì Bạch Nguyệt Hào trước kia không lấy gì vui. Ba mẹ ruột do làm ăn ở xa nên khi mới sinh dì, giao cho một phụ nữ người Tàu ở Hải Phòng di cư vào Nam nuôi giúp kèm theo số tiền lớn. Khi di cư vào Nam, bà này sống trong Chợ Lớn, khu chợ Hòa Bình đường Bạch Vân. Dì được đặt tên theo họ người dưỡng phụ nhưng không được thương yêu, không được xem như con. Mỗi ngày, dì làm lụng trong nhà như người ở, thường xuyên bị la mắng, xúc phạm. Dì cho Thạnh xem vết thẹo trên đầu, kể có lần thấy bà mẹ nuôi ăn sầu riêng, dì khen thơm thì bị quăng vào đầu cả hủ thủy tinh đựng những múi sầu riêng do dì bóc cho bà ăn. Dì sống nhẫn nhục cho đến khi bước vào tuổi mới lớn, đi học hát mang tiền về nuôi họ mới được đối xử tốt hơn một chút.
Đi hát một thời gian không lâu, dì để ý rồi thấy thương ông nhạc trưởng. Ông ta hơn dì tới mười mấy tuổi, nghe nói có ba đứa con còn nhỏ nhưng đã bị vợ bỏ, đang cảnh gà trống nuôi con. Ông nổi tiếng, nhưng luôn đối xử tốt với mọi người, ai cũng quý mến và nể trọng. Ông cũng có cảm tình với cô ca sĩ người Hoa mới vào nghề, chân chất và hiền hậu này. Ông và cô quyết định sẽ đến với nhau. Ông là ba của Thạnh.
Nhưng sự đời không dễ như ý muốn. Hồi mới đi hát, vẻ trẻ trung ngây thơ của cô gái họ Bạch đã lọt vào mắt ông Lý, một tỷ phú người Phúc Kiến ở Chợ Lớn. Ông ta không chỉ giàu mà còn có thế lực rất lớn ở đất Sài Gòn - Chợ Lớn này. Tuy nhiên, tiền bạc và thế lực của ông không khiến cô ca sĩ trẻ người Hoa rung động mặc dù ông thường xuyên săn đón, từng bỏ ra nhiều quà cáp để mua chuộc tình cảm của cô và gia đình mẹ nuôi. Biết cô từ chối ông và thương người nhạc sĩ, ông sai Tín Mã Nàm, một người Tàu Nùng khét tiếng trong giới du đãng người Tàu trong Chợ Lớn ra tay với tình địch.
Đại gia này chắc chắn không thiếu những bông hoa biết nói nhưng ông cần bảo vệ danh dự. Trong câu chuyện này, cách hành xử của những người trong cuộc cũng khác lẽ thường. Ba của Thạnh là nhạc trưởng nổi tiếng ở Sài Gòn đang làm tại vũ trường Đại Kim Đô, còn Tín Mã Nàm là trùm bảo kê ở đây nên không xa lạ gì nhau. Sau một đêm diễn dịp Trung Thu năm 1963 ở Đại Thế Giới, lúc đó là vũ trường và nơi biểu diễn ca nhạc, Tín Mã Nàm gặp ông: “Anh Hai, tui nói anh nghe điều này. Ông Lý biểu tui “làm việc” với anh vì chuyện cô Bạch. Anh nên "giúp” tui cho xong việc ! Không thì chuyện còn tệ hơn !”. Đêm đó, ba của Thạnh về nhà, mũi bị giập, chảy máu. Mấy ngày sau, ông tỷ phú kia đến gặp ba của Thạnh: “ À, nghe nói nị có chuyện hả ! ...Hầy dzà, ở đời chuyện nị, nị làm còn chuyện ngộ, ngộ làm. Chuyện xong rồi, vẫn là anh em !”. Ông ta đã giữ lời. Người nhà của dì Hà nổi điên lên vì mất mối con rể tỷ phú, đến kêu gào với ba của Thạnh: “Trả con lại cho tao !”. Nhưng chính ông Lý kia đã chơi đẹp tự thu xếp chuyện này, mang đến một số tiền cho nhà họ Bạch để họ im tiếng. Sau đó nhiều năm, thỉnh thoảng ông vẫn đến chơi ở các vũ trường nơi ba Thạnh làm việc như bình thường và có lúc hỏi thăm cô Bạch. Đến tháng 3 năm 1975, ông Lý còn đến vũ trường Vân Cảnh chơi lần chót với ba của Thạnh và ban nhạc trước khi ra nước ngoài.
Ở câu chuyện này, ta có thể thấy cách người xưa xử thế, trong đó danh dự và uy tín của những người liên quan luôn được coi trọng cho dù có hiềm khích và đối đầu.
Mấy chị em Thạnh thiếu hụt tình mẹ nhưng dì Hà mang đến cho chị em Thạnh hơi ấm đậm đà của tình mẫu tử. Lúc mới về nhà, bà còn quá trẻ, chưa từng sanh con nhưng chăm sóc con riêng của chồng chu đáo. Chồng đi diễn nuôi cả gia đình, bà lo trông nom nhà cửa, mua sắm trong nhà không thiếu thứ gì, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho con rồi đợi chồng đi diễn về hằng đêm. Sau này, bà còn đi hát trở lại cùng với ban nhạc của chồng, xa nhà hàng mấy tháng trời, luôn nhớ mua quà cho các con. Dù không rành tiếng Việt, bà vẫn cố gắng đùm bọc, dìu dắt đàn con riêng cùng các cháu ngoại nội của chồng bước vào cuộc sống, từng chút một.
Lúc đó, nhà Thạnh sống ở khu Chợ Quán, nhìn xéo qua bên kia đường là mộ ông Trương Vĩnh Ký và gần đình Tân Kiểng. Những năm sống ở đó, từ khi dì về ở cùng là những năm đầm ấm đối với mấy chị em. Cứ mỗi tháng, hai người chị và Thạnh đưa dì xem kết quả học tập. Kiểu gì cả nhà cũng sẽ ra khu hẻm bên cạnh rạp Casino Sài Gòn vào cuối tuần. Hẻm Casino nổi tiếng với các món ngon, chủ các quán hầu hết là người Bắc di cư, nấu các món Bắc rất ngon như phở, bún chả, bún thang, miến thang, bún riêu, bánh tôm. Quán không sang nhưng giá không rẻ vì ở khu trung tâm. Cả nhà ăn miến thang, bún thang nhưng ai học giỏi có bảng danh dự, thường là người chị thứ hai của Thạnh thì được dì mua cho đồ chơi, búp bê. Cả nhà đi bằng xe lam hay hai chiếc xích lô. Xe chạy từ Chợ Quán, dừng ở công trường Quách Thị Trang. Mấy mẹ con xuống xe, đi bộ tà tà từ ở các sạp vải gần đó cho đến đến tiệm Hồng Hoa ở đường Lê Lợi. Đó là một tiệm chuyên bán loại áo ngực ren kiểu Tây phương sang trọng của phụ nữ, rất nổi tiếng. Ở đó, để dì và các chị chọn đồ, Thạnh ra đứng nhìn phố xá chiều chủ nhật. Sau đó là đến nhà sách Khai Trí mua truyện. Thỉnh thoảng cả nhà đến tiệm chụp ảnh của cô Sáu Tân Mỹ đối diện bót Lê Văn Ken chụp mấy tấm ảnh gia đình, ra chợ Tạ Thu Thâu), thương xá Tam Đa, trung tâm buôn bán Saigon Departo để mua sắm. Những chuyến xe chở đầy niềm vui mỗi tuần như vậy. Suốt thời gian dài cả nhà vẫn giữ nếp đi chơi cuối tuần, khi thì Sài Gòn lúc Chợ Lớn. Có khi ba chở mỗi mình Thạnh ra phía chợ sách cũ trên vỉa hè đường Lê Lợi đối diện nhà sách Khai Trí bằng chiếc Vespa Standard Ở đó, ông tìm mua truyện chưởng hay truyện Z.28 còn Thạnh đứng xem những trò diễn ra trên vỉa hè. Có lúc mải mê đứng xem nhà ảo thuật Lê Văn Quý, ba của nghệ sĩ Mạc Can vừa biểu diễn vừa bày bán dụng cụ ảo thuật. Hoặc là các trò nhổ răng, xổ lải con nít đáng ngờ của những người Sơn đông mãi võ.
Khu trung tâm Sài Gòn mang đến một thế giới tân kỳ trong tâm tưởng chú bé Thạnh với các cửa hàng bóng lộn, thang cuốn ở Cryslal Palace, rạp cine Rex hay máy lạnh ở nhà sách Xuân Thu…nhưng khu chợ La Cai gần nhà lại gần gũi và đầy hấp dẫn bởi những hàng quán, tiệm nước của người Hoa. Ở đó bán nhiều món ăn Tàu, nhiều đồ vật nhập từ Hồng Kong như quần áo, giày dép, dù nón. Dắt chị em Thạnh ra đó, dì lại cho thưởng thức món ngon. Thạnh nhớ món chí mà phủ của ông Tàu đội nón cời lối chuyên bậnbộ quần áo xá xẩu màu đen, không cài nút áo để lộ áo thun trắng tinh bên trong gánh đi bán. Chè đặt trong tủ gỗ,đặt ở đầu đường với tiếng rao ngân dài: “Chí mà phũ, bột báng, củ năng, trứng gà…!”. Hôm nào đổi món thì đi ăn mì Hải Ký. Khi người bồi mang ra món vịt tiềm, dì Hà bảo món này nấu đúng cách!. Món vịt tiềm ở đây có cách tẩm ướp gia vị đặc biệt, nước dùng đậm đà , thơm vị thuốc Bắc mà sau này không thấy có ở các các tiệm mì vịt khác. Ăn mì xong thì gọi món chè quy phục linh màu đen giống như thạch sương sáo, nấu bằng thổ phục linh và bột mai rùa, có vị thanh, thơm mát. Ăn xong, dì còn mua hai thứ mang về: Xôi Xiêm, xuất xứ từ Thái Lan gồm có nếp, ca-dé (trứng đánh lên rồi nấu, sền sệt), xoài…gói trong lá chuối cài chặt bằng hai thanh tre nhỏ xíu. Nếu gần Tết, dì mua vịt lạp, mang về hấp trong nồi cơm. Những món này dì mua để cho chồng đi diễn về có đói thì dùng.
Ở gần khu Chợ Lớn trước kia có rạp Hào Huê. Đây là một rạp hát độc đáo trong trí nhớ tuổi thơ của Thạnh. Rạp hát tuồng Hồ Quảng, vé mắc gấp chục lần vé đi xem phim nhưng cách phục vụ thì chu đáo, lịch sự. Mỗi người xem vở diễn được người phục vụ rạp đặt một khay nho tươi trước mặt cùng với chai xá xị hay nước cam hiệu Bireley. Tuồng hát tiếng Quảng Đông, các tích như Phàn Lê Huê, Lương Sơn Bá, Thập tứ nữ anh hào… với diễn viên đến từ Hồng Kông. Sân khấu rạp rộng, diễn múa thoải mái, dựng được cả một cái trại trên sân khấu. Rạp có bốn hàng ghế gỗ theo chiều ngang, mỗi khi khách đứng dậy ghế sập xuống kêu lách cách. Đi xem hát xong thì ghé tiệm cơm gà hấp muối bên hông rạp hát Palace (đường Trần Hung Đạo) ăn một bữa no nê.
Thạnh lớn lên, lập gia đình và không còn ở chung với ba và dì. Khi ra riêng, anh an tâm vì biết có dì bên cạnh, ba sẽ được chăm sóc tốt dù ông đã già yếu và kinh tế gia đình sau 1975 không còn sung túc như trước. Đôi lúc, anh nhìn lại mọi điều và thấy thật sự thương dì. Dì có mặc cảm là học không nhiều, luôn lúng túng, không hòa nhập được sinh hoạt xã hội cùng chồng, những buổi tiệc họp mặt của chồng cùng với những người bạn nước ngoài thường dùng tiếng Pháp, tiếng Anh. Dì xởi lởi, thường giúp đỡ hàng xóm, chu đáo với người trong nhà, lo giỗ quẩy gia đình chồng cẩn thận, ai cũng thương. Có lần, dì chia sẻ niềm vui khi báo cho Thạnh biết là dì không còn tên Bạch Nguyệt Hào nữa, mà sẽ có tên chính thức là Quách Muội. Thạnh bảo: Vậy đâu có quan trọng Dì, tên nào cũng vậy thôi mà? Dì rơm rớm nước mắt: “Không, con à. Bây giờ dì mới thật sự có tên của cha mẹ ruột đặt cho !”. Trước đó, cha mẹ ruột của dì từ Nam Vang trở về và đến nhận con. Những niềm vui nhỏ dì chia sẻ với đứa con trai út của chồng như vậy, chẳng khác nào như hai chị em vì dì hơn Thạnh chỉ mười ba tuổi. Có lúc, bị chồng rầy la, dì khóc, chú bé Thạnh khóc theo. Dì nói với Thạnh: “Con nín đi, dì có con an ủi là vui rồi nên đừng khóc !”.
Dì Hà mất năm 57 tuổi trong một cơn đau tim năm 2002, sau khi chồng mất tám năm. Lúc bà nằm bệnh, chị của Thạnh cùng các cháu ngoại về túc trực bên giường bệnh chăm sóc cho đến khi bà mất. Ngôi nhà ở khu Chợ Quán không còn nữa. Có lần gần Tết, Thạnh về khu La Cai thấy bày bán vịt lạp, chợt nhớ dì nhiều lắm. Anh nhớ hồi nhỏ trong giấc ngủ trưa thường nghe dì hỏi nhỏ người nhà: “Con trai tui ngủ chưa ?”. Sau này, Thạnh bất ngờ biết rằng đã có lúc dì mang thai với ba nhưng lại bỏ. Dì giải thích với một người thân: “Chị không muốn nhà hai dòng con, khổ cho tụi nhỏ !”. Anh nhớ cả câu chuyện cũ, khi vừa về sống với ba anh, dì bỏ bộ đồ xẩm của phụ nữ Tàu, không bao giờ thấy mặc nữa. Có người thắc mắc, dì giải thích: “Nhập gia phải tùy tục !’. Dì muốn sống trọn vẹn với gia đình ông chồng người Việt. Và dì đã làm đúng như thế.
Làm đám tang cho dì, Thạnh làm theo đúng phong tục người Tàu, như ý nguyện ba má của dì. Chắc dì cũng hài lòng, sau cả đời cống hiến cho gia đình chồng từ khi còn trong tuổi thanh xuân.
Đến tuổi gần sáu mươi, nghĩ lại bao nhiêu chuyện đã qua mới hiểu nhiều hơn tấm lòng người mẹ Triều Châu hiền hậu, mà từ lâu, trong thâm tâm anh luôn coi như là mẹ ruột của mình.
Phạm Công Luận (Sài gòn chuyện đời của phố tập 4 - 2017)


Những kiểu cách cũ...
ĐÀN ÔNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH ĂN DIỆN
Tết Quý Sửu 1973, không khí trong xóm tôi khác với những cái Tết trước đây. Hiệp định Paris vừa ký xong khiến người dân Sài Gòn – Gia Định nôn nao tin là hòa bình sẽ sớm đến trên quê hương. Các ông trong xóm qua lại thăm nhau nhiều hơn, để cùng nhau cụng ly, bàn chuyện thời sự.

Không phải đi học, tôi lon ton giúp má tôi mang ly, nước đá cho ba tôi tiếp khách. Nhờ đó, tôi chứng kiến cuộc tụ họp vui vẻ giữa các ông chủ gia đình trong xóm đã lâu ngày mới có một cuộc gặp mặt đông vui như vậy. Ai nấy đều ăn diện khác ngày thường.
Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo Montagut mới toanh màu vàng nhạt, lấp lánh trong nắng tháng Giêng. Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp. Trong khi đợi ba tôi vào chọn chai rượu, cậu Bảy ngồi nói chuyện với dượng Hai Mỹ, chủ sự hãng hàng không Air Việt Nam, còn gọi là “Air con rồng”, đến còn sớm hơn. Ngày Tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi, chúc Tết xong dượng còn phải chạy vô sở làm để trực nữa.
Sau đó là ông ký giả nhựt trình, không biết ông ký tên gì trên báo nhưng trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu xanh đậm như mọi ngày nhưng là áo mới coóng. Ông ghé chúc Tết một lát rồi cho biết phải đi ngay đến lăng Ông ở Bà Chiểu để “coi có gì hay không!”.
Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ-mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần Tây đen, mang giày đen, nhìn trẻ trung so với tuổi băm mấy của thầy. Thầy chuyên chạy “áp-phe” thuốc Tây, nghe nói dám vô bán cả trong vùng quê có mấy “ổng”.
Chiều mùng Ba, nhà tôi tiếp mấy chú là bà con xa từ xã Tân Thạnh Đông miệt Củ Chi. Ba ông, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám bận ba bộ đồ bà ba đen y chang nhau trông rất ngộ. Ngồi chơi một lát, chú Sáu co chân lên ghế ngồi kiểu nước lụt, lấy thuốc rê ra quấn hút. Mùi thuốc khét lẹt khiến má tôi rút lui, để ba tôi tiếp mấy chú. Hàng xóm đi qua đi lại, hôm sau hỏi ngay: “Có khách ở quê lên chơi hả chị Ba?”.
Có buổi chiều sau Tết, ông Thầu (làm nghề thầu khoán) từ đầu ngõ đi vào thăm ba tôi. Ông bận bộ pyjama màu ruốc lợt, có viền màu nâu ở tay áo và gần miệng túi. Tay phải ông chống “can” bằng gỗ lên nước bóng, tay trái cầm ống điếu. Ở nhà, ba tôi bận bộ đồ bà ba trắng ra tiếp ông. Hai ông già nhấp chút rượu Martell trong cái ly bé xíu, vui chuyện trong buổi chiều xuân dịu mát và đầy hy vọng.
Những điều đọng lại trong tôi về cái Tết xa xưa đó là vẻ mặt vui tươi và cách ăn mặc của các chú bác đến chơi. Họ thể hiện kiểu cách ăn diện, dù không đầy đủ lệ bộ, của nam giới một thời sống trên đất Sài Gòn – Gia Định, đầu thập niên 1970, bổ sung cho kiểu phục trang áo sơ mi, quần tây hằng ngày của giới viên chức làm công ăn lương.
Đã qua lâu rồi một thời phong lưu của quý ông, được ca ngợi trong bài Hành Vân thường nghe eo éo trong máy hát dĩa:
"Nằm thời nằm giường Lèo!
Đắp chăn là chăn nệm gấm!
Đi giày là giày Gia Định!
Ngồi ghế là ghế phượng loan!
Cậu bịt hai cái răng vàng, trên đầu cậu xịt dầu thơm, dầu thơm!"
Do ảnh hưởng từ người Pháp, đàn ông Việt thời thuộc địa bỏ dần chiếc áo the, khăn xếp lúc ra đường, đến cửa quan để làm quen dần với trang phục phương Tây, với áo sơ mi, quần Tây, bộ complet... Âu phục nơi công sở từ những năm đầu thế kỷ 20 đến nay hầu như không thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, có các kiểu ăn mặc khác lúc đi chơi, ở nhà hay nơi giải trí lại thể hiện nhiều điều thú vị, ảnh hưởng của gout thẩm mỹ và điều kiện kinh tế lúc đó.
Trên báo chí xưa nay, có nhiều bài viết về trang phục phụ nữ, nhưng không có mấy bài đề cập đến trang phục đàn ông các giới, ngoại trừ những đoạn mô tả mang tính nghiên cứu về trang phục quân đội, của một nghề nghiệp có tính đặc thù. Những ảnh hưởng từ phương Tây, rồi từ văn hóa Mỹ lên cách ăn mặc của đàn ông Việt cả thế kỷ qua có nhiều điều độc đáo cần quan sát và nghiên cứu.
Từ trước 1954, nhiều người từ miền Bắc và Trung chuyển vào sống ở Sài Gòn. Họ mở các dịch vụ trang phục như đóng giày da, may quần áo, làm mũ nón. Họ đáp ứng nhu cầu trang phục của người Pháp và cho cả giới công chức, viên chức trẻ người Việt. Họ mở tiệm may đồ vest, đồ đầm ở khu trung tâm Sài Gòn, trên đường Catinat (Tự Do) hay Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), mở tiệm bán giày dép ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) hay mở xưởng đóng giày ở phía quận 4. Ngoài ra, còn có hàng hóa nhập khẩu từ bên Pháp và các nước, có đủ thứ phục vụ việc chưng diện của các quý ông từ nước hoa, cravate, mũ, khăn mùi xoa, khuy manchette, đồng hồ hay kim kẹp cravate... Các sản phẩm này giúp cách ăn mặc tân thời của đàn ông Sài Gòn định hình dần, không chỉ trong giới trung hay thượng lưu mà người bình dân cũng đã biết học theo để hòa nhập vào xã hội, miễn vừa túi tiền của mình.
Ở vùng ngoại ô Sài Gòn – Gia Định, cách ăn mặc của đàn ông chậm thay đổi nhất. Ông Tiền Vĩnh Lạc, sống ở Úc, trong cuốn “Làng cũ người xưa” chỉ lưu hành trong thân hữu kể về trang phục trai làng An Nhơn ở Gò Vấp (khoảng đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp) cách nay sáu bảy mươi năm như sau: Với thanh niên ngoại ô làm nông thì: “Ở nhà, mấy cậu bận quần cụt, ở trần. Trời lạnh thì bận thêm cái áo bà ba đàn ông. Quần áo đàn ông thường may bằng vải săn đầm đen, hoặc vải xe lửa trắng (đầu vải in nhãn hiệu chiếc xe lửa). Ra đường, xỏ thêm cái quần dài đen hay trắng, quần thường chứ không phải 'quần tây'. Đa số đi chân không để đầu trần”.
Với đám thanh niên nhà khá giả có ăn học thì ăn bận tươm tất hơn: “áo bà ba vải xe lửa hoặc vải bô-bơ-lin (popeline) trắng tinh, hồ, ủi thẳng nếp, mang guốc vông, đội nón cối trắng hiệu 'Con Gà'. Đó là mấy cậu học sinh trường Petrus Ký hoặc tư thục Lê Bá Cang. Còn nếu thanh niên đã học xong lớp Nhứt, đậu bằng Sơ học yếu lược ra đi làm việc thì ''bận đồ Tây: quần tây dài, áo sơ mi luôn bỏ vào quần, mang giày Bata, mang giày xăng-đan… Cậu nào sắm được một cái đồng hồ đeo tay là sang hết cỡ!”
Với người lớn làm nông thì “đàn ông nhiều người bới tóc, hút thuốc rê…Làm ruộng, làm mướn thì bận quần cụt, áo bà ba vải đen hay ở trần. Đi công chuyện mới bận đủ bà ba, đen hoặc trắng. Có guốc thì mang guốc, không có thì đi chân không…”.
Người khá giả bận đồ tây khi ra đường, còn mấy ông làng, hương chức hội tề khi ra công sở, xuống đình làng thì “áo dài, khăn đóng, đi giày bố Bata hoặc giày hàm ếch da láng”. Cách ăn diện này giữ đúng truyền thống nên dân làng rất kính trọng.
Riêng mấy thầy làm việc ở Ngân hàng Đông Dương, Nhà Dây thép (Bưu điện), Sở Trường Tiền (Sở Công chánh) ăn mặc như Tây: “Đi làm mỗi ngày mà cũng thắt 'cà-ra-oách' (cravate), áo 'vết' (vest), mang giày da có đóng sắt dưới đế, đi nghe 'cộp cộp', oai thấu trời! Biết đâu vô sở có khi bị Tây nó xài xể, khinh thường. Mấy thầy đi xe điện thì ngồi hạng nhứt, trả giá gấp đôi. Chiều về trên tay cầm một tờ nhựt trình La Dépêche tiếng Tây, hoặc tờ Điện Tín tiếng Việt, dân quê nó thấy nể quá chừng!”.
Một tác giả khác, nhà văn Hồ Trường An, trong cuốn Màn Nhung Đã Khép tả hai nhân vật làm báo lịch lãm, ăn chơi ở Sài Gòn thập niên 1920 là anh em Đinh Tường và Đinh Thụy thật sinh động (Nhà văn này rất có tài trong việc mô tả diện mạo, trang phục và cả các món ăn, với rất nhiều chi tiết độc đáo trong tác phẩm của ông). Đọc lại các đoạn này, ta thấy cách ăn mặc và chưng diện lúc đó đã rất tân thời không kém bây giờ:
“Đinh Tường khoảng ba mươi ngoài, mặt vuông trán rộng, mái tóc dợn sóng được chải thận trọng từng nếp quăn. Chàng để ria mép tỉa mỏng như kép Âu Mỹ nên khi chàng cười thì nụ cười dưới hàng ria mép sáng lên một vẻ nam tính hùng tráng và màu môi chàng như thêm sắc thắm đỏ… Màu ria mép đen nhánh hợp với màu màu đen rậm rạp của cặp chơn mày và đôi rèm mi dài. Chàng mặc bộ côm-lê màu kem nhạt, đi giày màu sô-cô-la, thắt cà vạt đen điểm chấm màu cam. Toàn cơ thể chàng toát ra vẻ phong lưu phơi phới. Hàng răng chàng bóng lên vẻ ngọc trai, chứng tỏ chàng chăm sóc nó cẩn thận. Còn đôi bàn tay chàng mới đẹp làm sao! Chúng không lớn không nhỏ, nhưng mu bàn tay rất mịn, ngón vừa vặn nhưng mềm, móng cắt cụt nhưng vành thật cong ở đầu làm cho móng có hình thuôn như hột ô môi hay hột hạnh nhân.”
Còn Đinh Thụy, khoảng độ 25, hoặc 26 tuổi, “chàng mặc theo kiểu demi saison, áo vest bằng nhung đen sọc màu thiên thanh, quần màu xám và chơn đi giày đen”.
Kiểu “demi saison” có từ thời Pháp thuộc, kiểu quần áo để mặc hai mùa thay vì loại quần áo cổ điển chỉ có thể thích hợp cho một mùa thôi. Từ đó người mặc “phăng” ra nhiều kiểu ráp quần này với áo kia.
Trong một đoạn khác, tác giả tả anh em ăn bận ở nhà như sau: Đinh Tường trong khi đợi khách đến để tiếp thì “mặc áo sơ mi màu lam thạch, quần xanh dương đậm, chơn mang giày da đen đánh bóng nẩy sao”. Còn Đinh Thụy “mặc quần tây vải bố vàng, áo sơ mi cụt tay hoặc áo thun, chơn xỏ vào đôi giày hàm ếch hoặc đôi guốc Đa Kao”.
Về tóc tai, “hai anh em có mái tóc nhuyễn và gợn sóng tự nhiên, ôm sát vào da đầu nên không cần phải chải tóc nhiều, chỉ thường gội nước bồ kết và nước cốt chanh cho tóc bồng hẳn lên. Vì tỉa ria mép theo kép hát bóng Huê Kỳ là Clark Gable và Errol Flynn nên Đinh Tường thường vuốt ria mép bằng sáp cho râu đen lánh”.
Hồ Trường An đã tỏ ra có mắt tinh đời khi tả các nhân vật sắc nét tùy theo nghề nghiệp của họ. Ông tả trang phục một ông trùm cờ bạc: “bộ đồ bằng ga-pạc-đin xám, thắt cà vạt đen điểm chấm lam ngọc, đi giày đen”, đã vậy: “lại còn cầm “can”, đầu đội nón nỉ, túi áo giắt theo chiếc đồng hồ trái quít lẫn hộp đựng thuốc lá và chiếc hộp quẹt máy, tất cả đều bằng vàng”. Còn ông bầu gánh hát thì: “mặc bộ đồ bằng vải 'tuýt so' (tussor) màu ngà, đi giày màu sô-cô-la, thắt cà vạt đen sọc đỏ”.
Những năm thập kỷ 1930, người thuộc giới phong lưu hay ăn chơi hầu như đã ăn bận theo dân Tây, nhưng lứa trung niên và cao tuổi vẫn giữ nền nếp cũ và họ thuộc số đông. Nên có câu chuyện kể rằng khi nhà thơ nổi tiếng Tagore của Ấn Độ đến Sài Gòn năm 1929, để tỏ ý tôn trọng nước chủ nhà, ông bận trang phục cổ truyền Việt với áo dài gấm bông bạc, khăn đóng nhiễu đen, quần lãnh trắng, mang giày Gia Định thong thả dạo phố Sài Gòn.
Sau thập niên 1930 là đến những năm 1940 đầy biến động, vì chiến tranh. Cái ăn cái mặc không được chú trọng, ai nấy sống cho qua thời cuộc. Đến thập niên 1950, cuộc sống Sài Gòn ổn định trở lại, người ta lại sống, làm việc, ăn diện và hưởng thụ. Tuần báo “Mới” số 53 xuất bản tháng 11 năm 1953 có trụ sở tại đường Sabourain gần chợ Bến Thành có bài Kinh nhật tụng của người đàn ông lịch sự bày cho giới mày râu Sài Gòn cách chăm sóc ngoại hình để trở thành một người đàn ông lịch lãm. Ngoài việc giữ gìn đôi mắt (tự chế nước rửa mắt bằng nước hoa hồng), giữ gìn hàm răng nếu có hút thuốc (dùng phấn có tẩm chất băng phiến), bài báo khuyên về việc có nên để râu hay không, giữ gìn mái tóc thế nào, và những việc cụ thể khác: “Bạn có thể dùng nước hoa, nhưng không phải thứ nước hoa nguyên chất của các cô đâu nhé! Nước hoa của bạn là thứ đã pha loãng trong rượu mạnh mà ta vẫn gọi Eau de Cologne, la Lavande và Cuir de Russie. Trước khi đi, bạn dốc ngược chai cho thấm vào khăn tay và dùng khăn tay kia (đó) xoa qua một tí trên mặt. Như thế đã đủ lắm rồi...”. Về trang phục: “...Bạn cần tuyệt đối 'khai trừ' những chiếc cà vạt lòe loẹt (màu sắc quá rực rỡ và lố lăng, có cây, có nước, có vũ nữ, có xe hơi, có nhà lầu, v.v...). Một con người tế nhị thì cà vạt cũng tế nhị, một con người đàng điếm thì cà vạt cũng đàng điếm. Xin bạn chớ quên”. Về bít tất (vớ): “Bạn nói chuyện với khách rất đứng đắn, nhưng khi khách nhìn xuống chân của bạn thì ôi thôi, khách cau mày. Tại sao? Chẳng có gì lạ cả, đôi bít tất của bạn nó là một thứ 'tạp pí lù' đủ màu sắc: xanh có, đỏ có, vàng có, trắng có. Bít tất của bạn là thứ bít tất rất Tàu... mua ở hiệu Tàu trong Chợ Lớn. Vậy lần sau xin bạn đổi giùm cho một đôi tao nhã hơn và đứng đắn hơn”. Về giày: “Đừng có chọn cái kiểu to phình như của người Pháp. Đừng có lấy thứ mũi vịt bèn bẹt của các cậu công tử bột Hanoi. Đạo trung dung dạy ta rằng: đôi giày phải vừa phải, không to không nhỏ, nghĩa là phải cân đối với khổ người của bạn”.
Nhà thơ Đỗ Kh. trong một bài viết mô tả trang phục thập niên 1960 khi ông quan sát bạn bè học cùng trường của mình: “Học trò dân con nhà giàu thì chỉnh tề quần Tergal đen áo sơ mi trắng, xách cặp Samsonite da”.
Còn viên chức chính phủ cấp cao: “Mặc quần tây nhạt đúng thời trang, loại có đai dây lưng cài chéo nút, áo Montagut nhẵn thín, đầu bóng lộn chân đi giày không dây Simili Gucci. Ông hút thuốc Jasmin cán vàng nhãn Sobranie, thứ 25 đồng 1 điếu (thuốc lá thường, lúc đó 20 đồng 1 bao) và cái xe con ông lái mới là độc đáo, Fiat 800 coupe hai cửa rất ít thấy...” (đoạn này ông tả tác giả Người Thứ Tám của series truyện trinh thám Z.28).
Đến đầu thập niên 1960, quần Dacron hay Tergal được xem là đã lịch sự rồi dù sau đó chỉ chục năm đã bị cho là “quê một cục”. Nhà may Bảo Toàn ở số 303 Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng), Phú Nhuận quảng cáo trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn tự nhận là nhà may lớn nhứt và khéo nhứt, có đủ hàng vải tuyệt đẹp của Mỹ quốc, có hàng Dacron 58, 60, 61, 62 đủ màu sắc.
Đến gần giữa thập niên 1960, lính Mỹ chưa vô nhưng trào lưu Mỹ đã bắt đầu với quần ống túm ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cảnh sát ở Đà Nẵng lúc đó bắt thanh niên ngồi chồm hổm, anh nào bận quần ống túm thì sẽ không ngồi được, lại bị tét đít. Tuy nhiên, từ năm 1964, nhất là khi người Mỹ vào miền Nam nhiều thì xuất hiện phong trào “Về nguồn” để cố cưỡng lại một nền văn hóa ngoại lai đang du nhập. Nhiều đền thờ quốc tổ Hùng Vương được mọc lên, xuất hiện phong trào “Chấn hưng đạo đức”. Nhiều đám cưới tổ chức có cô dâu chú rể ăn mặc theo truyền thống như áo gấm đỏ, khăn vành dây và hột vàng thay vì mang lúp voan trắng lòe xòe... Cô dâu như vậy thì chú rể phải đồng bộ, thế là khăn xếp, áo thụng lam, áo dài khăn đóng. Đàn ông Sài Gòn có dịp quay trở lại trang phục truyền thống áo dài khăn xếp đã quên đi. Hiện tượng này đã lặp lại tại Sài Gòn thập niên 1990 trở về gần đây.
Có lẽ sau trận tấn công 1968 tại Sài Gòn với nhiều xác chết la liệt trên đường phố, cùng phong trào hiện sinh đang thịnh, Sài Gòn ăn chơi nhiều hơn, diện hơn. Đời sống đầy bắt trắc không chỉ dành cho người lính ở chiến trường. Đến lúc đó, việc ăn mặc sành điệu lại được cổ súy. Nhiều người đi đặt may từ Catalogue mới đem từ Pháp sang theo các cô chiêu đãi viên hàng không, với các kiểu áo vest mới nhất. Áo Montagut vẫn tiếp tục nhập dù giá rất chát. Cravate ngoại vẫn luôn có loại mới trong Passage Eden...
Đến 1974, ảnh hưởng phong trào hippy xuất hiện từ vài năm trước, thời trang của một bộ phận giới trẻ là quần ống loe. Thanh niên để tóc dài do ảnh hưởng phong trào này và từ hình ảnh ban nhạc Beatles đang nổi tiếng.
Sống ở một thành phố, một đất nước trải qua nhiều biến động thời cuộc, có cái ăn cái mặc đã là mừng, nếu lịch sự càng tốt, cố giữ không lố lăng. Đàn ông Sài Gòn nhiều năm qua, vai trò xã hội quá lớn, đóng góp không nhỏ để xây dựng nên một thành phố hướng dần đến hiện đại. Họ cố gắng vươn tới phong cách sống văn minh và lịch thiệp, tạo dựng diện mạo đàn ông thành phố này. Tìm hiểu về câu chuyện này, mới sơ qua cũng đã có nhiều điều thú vị đối với người viết.
Phạm Công Luận
(Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3 - 2015)
GẶP NGƯỜI ĐÃ THẤY SÀI GÒN THỜI “ĐÀNG CỰU”
Chúng ta hiếm khi đọc được chuyện kể về cuộc sống người dân bình thường ở Sài Gòn thế kỷ 19, giai đoạn trước khi người Pháp đến áp đặt chế độ thuộc địa ngoại trừ trong một ít bài viết của người nước ngoài đến thám hiểm hay truyền đạo. Nhưng trong một tờ báo Xuân cách nay đúng 60 năm (1957), tôi đọc được một bài phỏng vấn thú vị, hỏi chuyện một nhân chứng đã thấy được Sài Gòn xưa từ nửa đầu thế kỷ 19 thời vua Thiệu Trị, lúc Sài Gòn còn gọi tên là Bến Nghé, với những chi tiết thú vị về thành phố này thuở ban sơ.
Người kể lại những gì mình thấy ở vùng Bến Nghé xưa là cụ bà Lê Thị Huê, nhà ở số 547A ở con đường lớn xóm Bàn Cờ, nay thuộc quận 3. Lúc kể chuyện, cụ đã 115 tuổi. Đó là lý do bà được ký giả Thanh Hùng phỏng vấn vào năm 1957 để chuẩn bị viết báo Tết. Lúc tiếp xúc với ông ký giả, cụ bà còn tỉnh táo, có thể nói chuyện ràng mạch, xứng đáng là nhân chứng sống rất quý hiếm về một quá khứ tuy chưa xa nhưng không mấy ai còn sống để mô tả về thời buổi xa xưa đó.
Ký giả Thanh Hùng kể: Trên đường tìm đến nhà cụ để phỏng vấn, ông thấy người ta bày sạp hàng buôn bán lặt vặt trước nhà nên lối đi khá chen chúc. Nhà cụ Huê trước có tấm bảng hiệu kẻ hai chữ “Hải Hoài”.
Khách đến khi cụ Huê đang ngồi lẩm nhẩm như đọc kinh. Gần nơi cụ ngồi, có một ông già khoảng 70 tuổi hom hem nằm ngủ trên bộ ván kê gần chỗ cụ ngồi. Sau mới biết ông già đó là con trai của cụ.
Sau khi được ông con trai kê sát vào tai cho biết có nhà báo đến thăm, cụ Huê đồng ý tiếp khách. Nhìn bề ngoài, tóc của cụ còn chỗ đen chỗ trắng, da mồi. Mắt cụ còn tinh, cử chỉ còn khỏe mạnh, nói chuyện còn rành rẽ nhưng tai nghe không còn tốt, đôi lúc người con phải kề vào tai mà nhắc lại lời nhà báo. Người con trai tên là Trần Văn Mạnh, 67 tuổi, không có gia đình, đạp xích lô nuôi mẹ. Ông Mạnh là con thứ sáu trong nhà, còn người em thứ bảy ở Cầu Muối cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Nhà cụ Huê trên mảnh đất vuông vắn, mái lợp tôn, vách ván. Trước kia, cụ ở Cầu Muối nhưng nhà bị cháy nên được chính quyền Ngô Đình Diệm cấp cho căn này. Vì khó khăn, cụ phải cho thuê nửa căn nhà, lấy mỗi tháng 400 đồng. Ngoài khoản thu trên, thỉnh thoảng cụ được lối xóm và bạn hàng trong chợ Bàn Cờ biếu cho miếng bánh, con cá hay mớ rau. Chưa kể nguồn thu kiếm được từ chiếc xe xích lô.
Cụ Huê kể về thân thế của mình: Hồi xưa, nhà ba má bà là một căn nhà lá lụp xụp cất trên bờ sát khu vực ngã ba sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé, đúng ngay địa điểm sau này người Pháp dựng cột cờ Thủ Ngữ (nay là khu vực bến Bạch Đằng nhìn ra bến Nhà Rồng). Mùa xuân năm 1842, lúc vua Thiệu Trị mới lên ngôi một năm, cô bé Huê ra đời dưới mái nhà tranh này. Là con đầu lòng, khi lên ba tuổi, Huê có đứa em gái, rồi lại thêm đứa em gái thứ hai. Vài năm sau, Huê lên 11 tuổi, song thân thay nhau mất, để lại cho Huê hai đứa em 9 tuổi và 7 tuổi. Huê ra đời sớm, lo nuôi em khi tuổi còn thơ. Lúc đó, Sài Gòn còn lơ thơ những ngôi nhà lá, nhiều đồng ruộng. Cô bé Huê lấy nghề cấy lúa, bắt cá ngoài đồng làm kế sinh nhai cho cả nhà. Đến năm Huê được 18 tuổi (1862), hai em gái của cô được bà cô và bà dì mang về nuôi, còn cô kết duyên với ông Trần Văn Thú. Lấy nhau một thời gian, ông Thú đầu quân vào lính, dần dà lên chức Đội Sáu. Cuộc sống của cô, đã là bà Huê, nhờ vậy đỡ hơn trước nhưng bà vẫn giữ nếp sống tiện tặn. Hằng ngày, ông Thú tay súng vai gươm vào đồn, vợ ra đồng cầy cấy, bắt cá. Cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc, bà Huê sinh cho ông tất cả 13 người con trai. Đến năm 1936 hay 1937 không nhớ chính xác, ông Thú từ trần. Đám con cái chỉ có ba người ở lại với bà, mười người còn lại đi theo người Pháp từ khi lớn lên. Trong ba người con ở lại, người thứ ba thọ 80 tuổi mới chết năm qua, còn lại hai người như đã nói ở trên.
Một câu hỏi thường được đặt ra đối với người sống đại thọ, là bí quyết để được như vậy. Cụ Huê cho biết khi về già, thường ăn cháo thay cơm, thỉnh thoảng mới ăn cơm. Món bà ưa thích là trái cây, cháo trắng và sữa. Lúc trẻ bà có gì ăn nấy, cơm rau mắm ngày hai bữa. Từ trẻ đến lúc đó, bà bệnh nặng ba lần, còn thỉnh thoảng nhức đầu chóng mặt uống vài viên thuốc là hết. Nhà báo Thanh Hùng cho đây là nhờ sự thanh đạm trong ăn uống của bà.
Tuy nhiên, có điều đặc biệt là trong nhà bà, vừa có khám thờ bày ảnh chúa Giê-su, bên cạnh lại có một bàn thờ để bát hương, bài vị và ảnh Đức Phật Thích ca. Bà cụ giải thích: “Trước kia các cụ tôi theo đạo Phật và chồng tôi cũng thờ Phật. Sau tôi suy nghĩ nước ta có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chuá giáo, hai đạo cùng khuyên người ta làm điều lành, tránh điều dữ. Vì thế, tôi thờ cả Chúa cả Phật. Ngày chủ nhật tôi cầu kinh, ngày Rằm và mùng Một tôi niệm Phật. Phật và Chúa phù hộ cho tôi sống lâu, cũng có lẽ phải !”. Cụ nói điều đó và cười, phô hàm không còn chiếc răng nào, chỉ còn lợi đỏ nhẵn thín.
Nhà báo Thanh Hùng muốn có quà tặng bạn đọc của báo nên nhờ bà kể về những cái Tết ở Sài Gòn của 100 năm trước, tức là là gần 160 năm trước đây. Bà nhận lời và kể như sau:
“Sài Gòn thời gian đó, hơn 100 năm trước có tên là Bến Nghé. Đồng lúa và đất hoang cỏ mọc chiếm hai phần ba diện tích. Đêm Giao thừa, người Bến Nghé thức dậy thắp nhang đón giao thừ a trong tiếng ếch kêu, cóc nghiến răng, muỗi vo ve, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp nhưng thật ra là...ghê rợn. Ngày đó, dân Bến Nghé truyền miệng rằng nếu đêm Giao thừa ai ra đường lúc đêm khuya sẽ bị ma bắt đưa xuống rạch Bến Nghé nên ai nấy không dám ra khỏi nhà sau 9 giờ tối. Ngoài đường lộ giờ đó chỉ có bầy đom đóm và họa hoằn lắm mới có một nhóm lính đi tuần mang theo hai, ba bó đuốc lớn, vừa soi đường vừa khỏi sợ ma nhát rồi dẫn xuống rạch.
Qua đêm Giao thừa, sau 5 giờ sáng dân chúng mới lục tục ra đường rồi đi chúc Tết. Thời đó, dân chúng ai cũng nghèo khổ, đến ngày Tết cũng thiếu ăn đến nỗi buổi trưa mùng Một phải ra ruộng mò cua, bắt cá để có cái ăn Tết cùng với vài ngọn rau dưa bứt ngoài vườn. Mừng xuân trong cảnh thanh bần như vậy đã quen thuộc nên cảm thấy bình thường. Không khí Tết thời ấy không rộn ràng như sau này, không pháo, không cờ bạc, chỉ có rượu đế và tiếng chiêng là mang những đặc điểm của ngày Tết”.
Cụ chỉ cho khách xem bức tranh sơn thủy đặt trên bàn thờ tổ tiên, mua trong cái Tết thời Tây mới đến. Vợ chồng cụ lúc đó vẫn sống trong mái tranh nghèo gần rạch Bến Nghé. Mùng một Tết năm ấy, chồng cụ rảnh rỗi việc binh nên đi chơi, thấy bức tranh đẹp nên mua về thờ. Đó là tranh do một người thợ vẽ người Tàu, màu sắc còn đẹp và bền, giữ mãi tới giờ. Qua bao lần tản cư, nhà cháy...cụ vẫn giữ được bức tranh của chồng để lại. Đêm Giao thừa năm đó, lính Tây từ trong đồn bắn súng ầm ầm chào xuân, tấp nập ồn ào hơn hẳn. Đến sáng hôm sau, cờ xí trưng đầy, dân chúng lũ lượt ra xem. Tây trong thành cũng kéo ra đứng xem cái người Việt ăn Tết. Tuy nhộn nhịp như vậy, cụ không dám ở nhà, phải chạy tuốt vô Chợ Lớn ở nhờ nhà ông Đốc phủ Hương, vì chồng trước đi lính cho nhà Nguyễn, chống Tây nên sợ họ bắt đi.
Trước khi ra về, cụ Huê nói với nhà báo rằng mình rất sung sướng được sống trong cảnh thái bình. “Tết năm nay ắt là vui lắm. Tôi cầu Phật, lạy Chúa cho dân mạnh nước giàu”.
Trên đây là bài viết lược lại từ bài báo “Ngày xuân đi thăm cụ già nhất nước Việt Nam” có kèm một ảnh chân dung in không rõ. Tác giả không cho biết căn cứ để chứng minh tuổi chính xác của bà cụ, nhưng có thể đúng như bà cụ nói căn cứ vào những chuyện bà đã trải qua, qua từng mốc thời gian. Không có tài liệu nào khác cho biết bà mất khi nào, nhưng rõ ràng ký giả Thanh Hùng đã “có nghề” khi phát hiện được cụ Huê, khai thác được những hồi ức đáng quý này. Một mảnh nhỏ của cuộc sống đời thường Sài Gòn quá khứ trước khi người Pháp đến sao mà hiếm có, và chúng ta đã có được ít nhiều chuyện đáng được biết nhờ bài báo này.
Phạm Công Luận

Phạm Công Luận added 16 new photos.
26 March
Để giữ lại những điều đang mất dần (báo trước là bài dài)
TIẾNG RAO TRÊN ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN NĂM 1943
Nhớ hồi trẻ, tôi đọc bài Quà đêm trên rạch Tàu Hủ của Bình Nguyên Lộc trên một tờ báo và bật cười với nhận xét của ông khi nghe tiếng rao quà trong đêm Sài Gòn. “Ai ăn, bột khoai...đậu xanh...bún tàu...nước dừa... đường cát hôn!”. Ông bảo đó là tiếng rao mời ra ăn một thứ chè, nhưng điều ngộ nghĩnh là người rao kể rõ tất cả những thứ có trong món chè đó. Rất là thật thà, bộc tuệch, thuộc tính cơ bản của người miền Nam.
Bình Nguyên Lộc phân tích về món chè: “Đó là một thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới, từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món dùng để nấu thức ăn mặn như là bún Tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), vân vân...Thật là hầm bà lằng, xà ngầu”. Ông tiếc là từ mười năm trước, tức khoảng 1950 đã không còn nghe tiếng rao dài bất hủ ấy nữa, lúc ấy các chị bán chè đã có lời rao vắn tắt hơn: “Ai...bột khoai...”.
Với nhiều người Việt, đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ êm đềm chính là những tiếng rao, những âm thanh trên đường phố, đặc sắc và đa dạng, kỳ lạ và đầy dấu ấn. Nó lẫn khuất trong ngăn kéo ký ức, hiếm khi nghĩ tới nhưng bỗng nở bung ra, lao xao trong niềm nhớ khi ta động đến.
Cô bạn người Nhật tôi quen kể rằng khi đến Sài Gòn, ngụ khách sạn nhỏ trong một con hẻm ở quận I, không chiều nào cô không ra ngồi ngoài ban công để nghe tiếng rao. Cô nghe, cô bật cười, cô ghi âm, cô ký âm và cô chụp ảnh. Cô thích lời rao của chị bán súp cua, chị bán chè, chị bán bánh tráng nướng. Cô không thích lời rao ghi âm sẵn : “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ”. Cô hỏi về cái ông tối nào cũng lắc những miếng kim loại nghe leng keng đi qua (đấm bóp dạo) là bán món gì. Cô thích thú khi nghe tiếng hủ tíu gõ lóc cóc. Cô mê chụp ảnh ông bán chổi lông gà vì mấy cái lông đuôi gà trống đẹp quá. Những lời rao đường phố không có trên quê hương cô. Cô mơ ước làm một cuốn sách chỉ về những người bán hàng trên đường phố và lời rao của họ. Cô khiến tôi nhớ ra rằng ở Việt Nam hình như chưa có ai quan tâm thực hiện một cuốn sách mô tả những điều đó. Dù nó đang mất dần qua mỗi ngày.
Nhưng có một người Pháp, từ hơn 70 năm trước (1943) đã làm việc này, dù không hẳn là viết một cuốn sách. Ông viết một bài dài về những lời rao trên đường phố Sài Gòn, có vẽ minh hoạ, ký âm từng tiếng rao. Đó là E. Berges. Ông là ai?. Những trang viết để lại của ông thật quý giá, vì nếu không ký ức về chuyện đó sẽ mất đi. Ông làm việc ghi chép lịch sử của đời thường từ những ngày lê la trên đường phố, ở một nơi đối với ông là xứ xa cảnh lạ. Ông hòa vào lớp người thích ghi chép mọi chuyện tai nghe mắt thấy và qua thời gian, những gì họ để lại được hậu thế thích thú vì hấp dẫn, sinh động hơn trong những cuốn sách sử.
“Sáng bửng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao hàng. Sự ồn ào của hàng ngàn kẻ buôn bán khiến không khí vui vẻ hẳn lên ở mỗi khu phố, mỗi con đường. Tiếng rao hàng vang lên từ Chợ Lớn đến Đa-kao, từ bến tàu Ba Son, Chợ Mới (chợ Bến Thành) đến chợ Cũ (Chợ Hàm Nghi), từ nhà thờ đến nghĩa trang. Suốt bảy ngày trong tuần, dưới ánh mặt trời miền Nam hay dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ đi, đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, các ông và nhất là vô số bà bán hàng rao vang dưới những gốc me hay phượng vĩ, quyến rũ những người thèm ăn bữa nhẹ hay mua vài món nho nhỏ dằn bụng...
Bữa chiều, vẻ nhộn nhịp đã bớt, những tiếng rao cuối ngày vang lên, dài theo những đường vắng và Sài Gòn lại như đang rung lên theo nhịp điệu lạ lùng của lời rao.”
Ông E. Berges hẳn là một tay quan sát giỏi và mô tả xuất sắc. Có thể do ông là người nước ngoài nên nhìn ra những điều độc đáo đặc trưng trong dáng điệu những người bán dạo trên đường mà chúng ta thấy quen thuộc. Ông tả cô hàng mía ghim: “Cô thon thả trẻ đẹp. Trên cái khăn sáng màu, cô để một rỗ dẹp và rộng, trong đó có những thanh mía nhỏ, cắt sẵn. Khúc mía vàng nhạt, thân mía ngọt ngào, cho răng chúng ta cắm phập vào, ngấu nghiến. Cô bán hàng đi với bước chân mau lẹ và nhịp nhàng. Với một tay, cô điều chỉnh thúng trên đầu, tay còn lại rảnh, điều chỉnh bước đi nhịp nhàng. Cô ta cất giọng lúc này lúc khác thanh tao : “Ai ăn mía không?”. Cô bị vây lại ở đường Norodom (Lê Duẩn) bởi những đứa trẻ với hai xu mua được hai cây mía ghim. Cô để thúng trên lề đường, ngồi chồm hổm, nghỉ mệt một chút, trao đổi những nụ cười và những lời dí dỏm, trong lúc chỗ cô ngồi đánh dấu bởi những mảnh trắng nhỏ của bả mía nhai. Những đồng xu đã được cất kỹ trong túi áo trắng rồi, cô lại cầm thúng lên, kỹ lưỡng và duyên dáng, với nhịp tay đong đưa dễ thương, cô đi mau tới quảng trường đường Pellerin, vừa rao hàng “Ai ăn mía không?”. Có lẽ ông có mỹ cảm đặc biệt với cô bán mía ghim nên miêu tả cô kỹ như vậy. Khi nói về cô bán cháo cá, ông không hề nhắc đến nhan sắc, mà chỉ nói về dáng điệu của cô và cách bán hàng: “Đã 5 giờ chiều, từng lúc, dài theo đường Legrand de la Liraye, cất lên giọng rao hàng ngắn của cô hàng bán cháo cá. Cô dừng chân góc đường Lareynière, để xuống vỉa hè hai nồi đựng, xếp xếp mau lẹ những chén trên mâm bằng tre, ở giữa hai nồi cháo, quạt lửa hong nóng nồi cháo và phục vụ cho những khách vội vã thích ăn cháo cá hay đậu nấu nhừ. Thỉnh thoảng, cô đổi món hằng ngày và rao “Ai ăn cháo cá, bún không?”.”. Ắt hẳn ông đã quan sát cô nhiều ngày mới nhận ra sự thay đổi thực đơn như vậy, hôm nay là cháo cá và đậu nấu nhừ (có lẽ là món cháo đậu). Lúc khác món đậu đã thay bằng món bún.
Những bà giá bán hàng trên phố luôn làm tôi băn khoăn. Họ đã quá lớn tuổi để dãi nắng dầm mưa. Sài Gòn bây giờ vẫn còn những bà già như vậy. Đó là bà bán ngó sen trên lề đường Pasteur gần bảo tàng Thành phố. Là bà bán bánh tráng nướng người Quảng Ngãi hay vô xóm tôi. Các bà già hay mỉm cười, khiến khách hay mua vì thương thương, tội tội. Hồi xưa, ông Berges cũng thấy một bà bán hàng như vậy: Bà già bán chè đậu đen. Bà mặc áo đen, đầu đội hờ hững một cái khăn trùm màu sắc lạ lẫm, mà hơi nóng của chè làm cho bạc màu vải. Bà đi trên đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), rao lớn tiếng về nồi chè của bà, bằng giọng vui vẻ: “ Ai ăn chè đậu đen nấu đường không?”. Một người phụ nữ khác, một bà ăn mày mù cũng lọt vào đôi mắt quan sát của ông: “Khoảng 20 giờ tối, mặc toàn đen, bà đến khu Đa-kao, men theo đường Verdun qua tắt đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ). Tóc bạc trắng được nón che phủ, giỏ cói trên lưng, ca xin ăn cầm trên tay, tay kia gậy dò đường, bà đi chập chững, rất nhẹ nhàng, buông câu khẩn cầu xin ăn buồn và chậm: “ Tôi cúi đầu lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy bác, làm phước cho con xin đồng xu mua chén cơm ăn”. Sau khi được vài xu con, bà cảm thán như sau: “ Đội ơn ông bà cô bác làm phước !””.
Lũ trẻ nhỏ kiếm sống trên đường phố thời nào cũng có. Ở đó, trẻ nít dễ kiếm sống hơn người lớn vì không bị xét giấy tờ, bắt quân dịch và dễ luồn lách, trốn chạy khi bị xua đuổi. Chúng bán những thức ăn chế biến sẵn và đơn giản, những thứ cần dùng ngay như sách báo, dịch vụ tại chỗ như đánh giày. Ông Berges luôn quan sát chúng bằng đôi mắt dí dỏm dù ra vẻ lơ là. Đó là những đứa trẻ bán đậu phộng rang và hạt dưa: “Chúng có hai đứa, tuổi chừng tám đến mười, để tóc cẩu thả bay theo gió, ánh mắt ranh mãnh. Chúng đi trên đường Pellerin, chú ý đến sự náo nhiệt của đường phố, cười giỡn, rượt bắt với nhau, thỉnh thoảng chửi bới, và đột ngột chỉnh sửa lại túi bán hàng rồi rao: “đậu phộng rang, hạt dưa”. Các món này gói trong giấy báo. Khách đến mua xong quay đi ngay, khéo léo tách hạt dưa ra khỏi vỏ ăn, và giống như cậu bé Tý hon trong truyện cổ tích thời nay, gieo rắc những vỏ đậu xuống mặt đường...Còn những đứa bé thì tiếp tục đi bán, ngoác mồm rao lớn giọng, không để ý đến giờ nghỉ trưa, vì lúc đó mới gần 2h trưa (tức 1 giờ chiều ngày nay). “Đậu phộng rang, hạt dưa không !”. Có khi chúng là những đứa bé bán báo: “Chúng tràn ngập trên đường Catinat (Đồng Khởi), ở những quán cà phê vỉa hè. Chúng rượt đuổi theo những bộ hành nhàn nhã, bằng những tiếng rao mời khó chịu mà tấn công liên tục những khách uống bia. Chúng lặp lại câu tiếng Pháp soạn sẵn: “pignon m’chieu” (pi-nhơn si-ơ). Có nghĩa là “L’ opinion, monsieur” mặc dù chúng còn bán những báo khác. Trên đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), tại trạm gác của anh cảnh sát, trước nhà thờ, chúng chộn rộn, hệt những lũ chim sẻ, rình mò những người xích lô và xe kéo, chạy lẹ tới họ, vừa chạy vừa lấy tiền, cũng bằng tiếng Pháp cọc cạch mà rao bài hãi: “pignon si ơ”. Chúng cũng rao những báo chữ Việt “Điện Tín, Sài gòn ngày mai, thầy”, “Kể từ ngày mai, thưa ông!”. Không thể nào từ chối những lời mời như vậy!”. Vào những chiều, khi nhà xổ số địa phương mở ra, cũng những đứa trẻ đó ngang dọc các đường phố, khoảng 22 giờ, bán vé số dò vé số trúng. Và sau đây là những lời tâng bốc sự giàu sang : “Lô-tơ-ri, giấy dò số Đông Pháp, thầy !”. Những đứa trẻ đó không bao giờ về tay không, xổ số giúp chúng nó được việc.”. Có khi là thằng nhỏ bán bánh men, thứ bánh bây giờ chúng ta không thấy ai bán dạo nữa: “Nó để đầy bánh trong thùng gắn kiếng. Bánh nó làm bằng bột gạo lên men, rắc lên bánh loại bột thơm đậu và nước dừa. Nó đi bán trên đại lộ Catinat (Tự Do), với thùng bánh trên vai và rao:“Ai ăn bánh men nước dừa không?”
Theo quan sát của ông Berges, trên đường phố Sài Gòn 73 năm trước, người bán hàng rong đa phần lại là đàn ông. Có thể do họ có sức khỏe, có thể mang vác nặng và chịu được mưa nắng. Đàn ông người Hoa cũng thường ra ngoài buôn bán, từ gánh hàng trên vai có thể trở thành cự phú như Quách Đàm, chú Hỏa...So với mặt hàng của phụ nữ thường là hàng ăn, đàn ông bán đủ thứ tùy theo sự thuận tiện và xuất thân của họ.
Đó là chú bán chổi lông gà: Chú đi bán từ sớm, chân trần, nón vải mềm mất nếp, chổi lông gà lớn nhỏ dựng đứng trên vai. Chú để chổi trên vai hay cầm trên tay, trông giống như chú có hàng đàn gà mái miền Nam với những bộ lông tuyệt đẹp. Chú canh những chàng giúp việc trong những nhà người Âu, lôi kéo họ bằng những lời rao ngắn gọn: “ Chổi lông gà không ?”. Đến giờ, trong xóm của tôi ở Phú Nhuận, tôi vẫn thấy một người đàn ông đi xe đạp chở chổi lông gà, chổi ngắn phủi bụi và chổi cao quét trần nhà gắn lông gà trống màu nâu đỏ khá đẹp.
Những người bán chiếu bông: Trên đầu đội khăn, ông kỹ lưỡng xếp những chiếc chiếu bông đẹp nhất, đi ra đường Duraton, sau đến đường Chasseloup- Laubat (Võ Văn Tần). Trong hai mươi bước chân, ông rao bảy lần: “Chiếu không?”. Lại có người bán chiếu khác, đội mũ mềm xanh lá, gánh đòn gánh tre trên vai, mỗi đầu gánh để những chiếc chiếu bông tuyệt đẹp Cà Mau và rao bằng giọng mũi “Chiếu bông Cà Mau”. Đến giờ vẫn còn những người bán chiếu bông, rao vỏn vẹn một câu ngắn: “Chiếu đê!”. Họ đẩy xe có hộc sắp chiếu theo chiều dọc mấy tầng.
Chú Chệt (Hoa) mua ve chai: Chú đi mua hàng trong nhiều đường cái, đường tắt, mà ở Sài Gòn có hàng trăm con đường như vậy. Hai cần xé bự và cái đòn gánh, đó là tất cả dụng cụ của chú. Tiếng rao hàng nghe thê lương, nhói tim, vỡ ra như tiếng ếch kêu to và thình lình: “Ve chai !”. Ai biết được hoàn cảnh của những chai rượu whisky, pippermint và những chai rượu Bourgogne lâu đời. Tất cả đều vô cần xé ve chai.
Người bán bánh mì và đồ hộp: Tôi gặp ông tại đường Champagne vào giờ ăn xế trưa. Ông đeo trên bụng, quấn trên cổ bởi sợi dây vừa bện lại một cần xé nhỏ đậy bằng một tấm ván,. Tay mặt, ông cầm một ghế xếp cao. Ông làm tôi liên tưởng đến cái “hộp to” dùng để chơi nhạc của một ban nhạc. Ông rao: “Cá hộp, bánh mì”. Có một người khách! Nhanh chóng: ghế xếp mở ra, giỏ đựng bánh để lên, bánh mì đã sẵn, được cắt bằng dao nhỏ, chan một chút xốt, nước tương, thịt heo quay cắt nhỏ, một chút tiêu hột đã xay. Đây món xăn-uých. Đến người kế tiếp...
Với những ông thích rượu đế, có cơm rượu. Một đứa trẻ bán, có hai gò má đỏ hồng và mắt nháy bằng giọng rao hơi rè – người bán này cũng có thể là khách hàng của nó luôn (có ý nói nó vừa bán hàng vừa ăn cơm rượu).
“Ai ăn cơm rượu không?”. Với 2 xu, chúng ta có một tách nếp lên men, có mùi vị như rượu đế, ta có thể thêm nước đường nếu yếu bao tử.
Người bán tiết canh: Rao lớn tiếng, núp dưới cái thúng to tướng. “Ai ăn tiết canh không ?”. Trong cái thúng to đó, có những đĩa đựng đầy máu heo, còn tươi đọng lại. Cắt nhỏ gan heo nướng. rải lên trên đậu phộng giã mịn, rau răm, muối, tiêu. Trông rất đẹp mắt. “Ăn rất bổ”, người bán hàng nói.
Người bán khoai lang: Bà hơi gầy, giọng nhạt nhẽo, dịu dàng như khoai. Bà đi chậm rãi ở khu Đa-Kao, đầu đội khăn, cái thúng bằng phẳng và cân đối. Trên khăn chất đầy khoai màu tím nhạt, cái trắng cái vàng. Bà rao trước tiên: “Ai ăn khoai lang không?”. Rồi rao dứt dạc hơn: “ Ai ăn khoai lang bí!”. Sau rốt bà rao, sau khi điều chỉnh giọng, cho món ngon nhất: “ Ai ăn khoai lang nấu đường không?”. Ta có thể hết cơn đói, sau khi ăn ba món khoai này.
(Hết trích)
...
Kỹ thuật mô tả của ông là tuyệt đỉnh, dù chỉ dùng để tả hiện tượng rao và bán hàng trên đường phố. Trong đó, có dấu ấn về cách làm việc của người phương Tây: tỉ mỉ, chi tiết, cẩn trọng và vận dụng mọi giác quan để cảm nhận điều họ muốn nghiên cứu.
Phạm Công Luận
Sài gòn chuyện đời của phố tập 4-2017
Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn CRIS DES RUES AU VIETNAM HAIKU de Ioin 2 do P.A.F (Pour l’analyse du folklore 1980). Tranh minh họa trong sách không rõ tên tác giả

Phạm Công Luận added 2 new photos.
19 March
Hồi trước Tết xem facebook Lam Điền, đọc bài thơ “Xuân nhớ” của cô Huyền Chi (tác giả bài thơ “Thuyền viễn xứ” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc), thích mấy câu đầu:
“Giá băng xuân đến thành đô/ Đêm nay không rượu giang hồ mà say/ Có nghìn tay nắm nghìn tay/Lòng đang trĩu nặng một ngày xuân sang…”.
Giờ xem được tập Cởi Mở của cô xuất bản năm 1952 (bạn Vũ Hà Tuệ sưu tầm và sao lại) in những bài thơ cô viết từ năm 16 đến 18 tuổi. Đọc qua một lượt, mới thấy bài “Thuyền viễn xứ” cô viết còn nhẹ nhàng. Có những bài thơ khác, đậm đà không khí thơ cổ, có những câu gân guốc, ray rứt, gợi nhớ thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Với tài năng như vậy, mới hiểu vì sao 18 tuổi cô đã được giao biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Lan Phương. Thời chiến tranh, chia cắt, tuổi trẻ sớm trưởng thành.
Cô không chọn con đường sáng tác, không tiếc nuối. Thi đàn từ đó không thấy nhắc nhớ nhà thơ nữ của tập Cởi Mở, ngoại trừ lúc cô được nêu là tác giả lời ca khúc Thuyền viễn xứ.
Dưới đây cũng là một bài thơ hay trong tập, được phép cô Huyền Chi đưa lên.
RƯỢU TIỄN
Ta không có rượu mà đưa tiễn
Như vạn ngày xưa, vạn kẻ hùng
Chẳng có sông nào kêu Dịch Thủy
Không gươm, không ngựa, không đao cung !
Ta tặng cho ngươi gáo nước lã,
Uống cho cạn hết tình long đong !
Áo bào Chiến quốc ta không có,
Nghèo đến không đưa được nửa đồng !
Mắt đỏ nhìn nhau mà muốn nói,
Xác mùa lá rụng đau ba đông.
Tay xiết tay rồi, binh biến đến,
Đợi nhau trong một buổi tương phùng !
Hoàng hôn u tịch về trong mắt,
(Người ở đâu rồi, người nhớ không?)
Áo nâu một chiếc mà vai rách,
Người phải đi rồi, làm sao khâu ?
Một gói hành lương nhỏ
Của mẹ già gửi cho
Không cao lương mỹ vị
Cơm đỏ nắm một mo.
Đôi bàn tay buộc kỹ
Rớm lệ cười trao cho…
Ta không là thi sĩ
Cố tặng một bài thơ
Một bài thơ ủy mị
Giam muôn ngày vu vơ !
Mấy mùa mưa lụt về sông nước
Vàng võ người say mộng hải hồ !
HUYỀN CHI
(Tập thơ Cởi Mở - Nhà xuất bản Xây Dựng – Huế)
Ảnh: tư liệu của cô Huyền Chi. Khánh Ngọc

Phạm Công Luận
16 March
Một câu chuyện cũ...
LY CÀ PHÊ HÈ 74
Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng có ít nhiều kỷ niệm xoay quanh ly cà phê, thức uống phổ biến ở thành phố này. Tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ ở tuổi mười ba, khi lần đầu nếm mùi vị thơm đắng của nó.
Năm 1974, tôi tham gia phong trào Hướng đạo ở lứa Thiếu sinh. Muốn giống như mọi hướng đạo sinh khác, tôi xin tiền má để sắm cho mình bộ đồ ka-ki. Về giày vớ. tôi nài nỉ thằng bạn có cha đi lính bán cho đôi bốt- đờ- sô, thêm một bình ton nước bằng nhựa xanh lá cây và cái ba lô có nẹp sắt sau lưng. Lúc đầu nó không chịu nhưng nói riết cũng thuận. Chiếc áo ka-ki là quan trọng nhất, cần vừa vặn thân hình mười ba tuổi đã bắt đầu nhổ giò của tôi. Tôi tự đi xe buýt ra chợ Dân Sinh ngoài quận Nhứt, mua được một bộ và đi tìm thợ may sửa lại cho vừa.
Ở dãy nhà phố đối diện ngõ Hàng Dương trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) ở Phú Nhuận có một tiệm may nhỏ, vắng khách. Tôi mang đồ đến đó vì thấy tiệm có vẻ bình dân, không lộng lẫy bày tủ kiếng như tiệm Lâm Hải gần bên, chắc là tiền công may sửa đồ không cao. Tiệm chỉ có một chị thợ may còn trẻ, có đôi mắt mí lót hiền lành với ánh nhìn hơi nghiêm. Chị có đứa con gái nhỏ mới hai tuổi, ngoan, hay ngồi chơi búp bê một mình bên máy may của mẹ.
Đó là những ngày mùa hè đáng nhớ. Chiến sự đang căng thẳng ở các tỉnh quanh Sài Gòn, trên báo chí luôn có thông tin về số người chết trận. Vì tiệm may này gần nhà, tôi thường tạt qua để xem chị đã sửa áo xong chưa. Thấy chị có vẻ kỹ lưỡng, tôi về nhà lục tủ lấy mấy cái áo của ông anh cho, mang ra sửa. Tính hay chuyện, tôi rề rà ngồi chơi và nghe thấu nhiều câu chuyện của chị. Chị cho xem hình một thanh niên còn trẻ trung, có gương mặt hiền và chất phác, là chồng của chị. Chị theo anh từ Sa Đéc lên Sài Gòn sinh sống khi mới cưới hai năm trước. Sau đó không lâu, anh vào lính. Chị tự xoay sở sinh con một mình, trong khi ở quê nhà còn cha già không ai chăm sóc. Cha con ngày càng khó gặp vì chiến cuộc ngày càng lan rộng, đi đứng đầy khó khăn.
Mỗi lần ghé tiệm tôi thấy chị thường uống cà phê phin. Cái bình thủy cũ xì trên bàn giữ nước nóng tốt lắm, chị bảo vậy. Chị khen cà phê bột ở tiệm Đồng Xương gần ngã tư Phú Nhuận pha uống rất ngon nhưng mắc quá. Tôi thấy phụ nữ uống cà phê nhìn lạ. Màu cà phê đen nhỏ từng giọt xuống đáy ly thủy tinh gợi một vẻ phong trần, hè phố tương phản với vẻ hiền lành, thùy mỵ của người thiếu phụ nhỏ nhắn bận quần lãnh Mỹ A, áo bà ba ngồi trước mặt tôi. Chị bỏ đường không nhiều, thường uống từng ngụm một. Có vài lần, giữa cử cà phê, chị khẽ hát mỗi một bài:
Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô độc
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi qua mấy nẻo truông lầy
Cho cốc cà phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay…
Giọng chị hơi giống giọng Trúc Mai trên ra-di-ô, nghe xa xăm như giọng ca trong một dĩa hát cũ, u uẩn.
Một lần khác, khi tôi đến lấy áo, chị pha cho một ly sữa và cho ít cà phê vào. Hôm đó chị kể một câu chuyện nhỏ, rằng chị và anh học chung lớp ở trường trung học đệ nhị cấp ở quê nhà, cùng thi đậu Tú tài Một. Rớt tú tài Hai, anh nhập ngũ. Đám cưới diễn ra chóng vánh trước ngày anh lên đường, chị theo anh lên Sài Gòn thuê nhà rồi ở nhà đợi ngày sinh con. Kỷ niệm trước khi cưới của anh chị không có gì, ngoài những ngày sau đám cưới, anh rủ chị ra tiệm nước của thím Xẩm ngoài chợ gần nhà uống cà phê. Mỗi người ăn một cái bánh bao, nhưng uống chung một ly cà phê phin. Cà phê thơm quá, chị thích ngay dù phải quen dần vị ngọt đắng của nó. Khi anh lên đường, chị ở nhà sinh con và giữ thói quen uống thức uống rất “đàn ông” này. Khi hớp một ngụm nhỏ, chị thấy như dĩ vãng đẹp hiện về, trước mặt là khuôn mặt rắn rỏi, hiền lành, hơi “cù lần” của anh.
Về nhà, tôi hỏi ông anh về bài chị Dung thợ may đã hát. Anh nói đó là bài nhạc phổ thơ của một ông giáo lấy bút danh là Trường Anh ở Tây Ninh. Hồi anh còn dạy ở miệt Tây Ninh, xe đi từ Sài Gòn về phía tỉnh biên giới này đều đi qua vùng Cẩm Giang. Vùng này thời Pháp thuộc có một nhà tù giam chính trị phạm mà cậu Tư của chúng tôi từng bị nhốt ở đó. Mỗi khi xe đưa anh qua vùng Cẩm Giang trong tháng chín giữa mùa mưa, anh luôn nhớ bài hát đó, bài “Mưa đêm nay”. Những lúc đó, lòng da diết buồn khi nhìn về quê hương qua màn mưa. Trước 1975, con đường từ Sài Gòn lên thị xã Tây Ninh không an toàn, thỉnh thoảng xe bị nổ mìn chết nhiều người, thảm lắm. Mấy thầy giáo gốc Sài Gòn đi Tây Ninh cứ mỗi lần trở về trường sau nghỉ hè hay nghỉ Tết thường lâm râm khấn vái trong miệng đấng thiêng liêng tùy theo tôn giáo của mình, chỉ mong còn nguyên vẹn cho đến ngày được trở về nhà. Suốt mấy năm dạy học, anh an lành nhưng có lần, một quả pháo đã rớt trúng nhà trọ của anh ở khu Mít Một, mảnh pháo xén đứt góc ván gõ anh đang nằm ngủ, trong một đêm năm 1972.
Hết hè năm 1974, tôi nhập học trở lại. Tôi bỏ đi sinh hoạt hướng đạo ngày chủ nhật vì ba má tôi sợ bom rơi đạn lạc nguy hiểm, không cho đến chỗ đông người. Tôi không có việc gì để ghé tiệm may chị Dung nữa. Rồi một năm sau, cuộc sống thay đổi lớn, chiến tranh kết thúc. Tôi quên bẳng cái tiệm may nhỏ mà tôi lui tới nhiều lần suốt cả mùa hè đó.
Hơn bốn mươi năm sau, ngày cuối tháng tư, trong cái quán tôi ngồi bỗng nhiên vẳng bên tai giai điệu buồn của bài hát “Mưa đêm nay”. Mùi cà phê thơm trong quán kéo tôi trở lại trong một chiều đầu mùa mưa ở Sài Gòn. Chị Dung, đứa con gái nhỏ của chị và gương mặt người trai trẻ hiền lành trong bức ảnh bỗng hiện lên mồn một trong ký ức của tôi.
Phạm Công Luận
SÀI GÒN CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ TẬP 3
Tranh minh họa: Bức "Mai" của Thái Tuấn, trong bộ sưu tầm của Nguyễn Xuân Oánh. Nguồn báo Ánh Đèn Dầu (không rõ số báo)

Phạm Công Luận added 2 new photos.
10 March
Nửa thế kỷ đã đi qua.
TRƯỜNG ĐÌNH CÓ CÂY ĐA
Thỉnh thoảng vào buổi tối, từ nhà tôi nghe được tiếng còi xe lửa hú khi đi ngang mấy cổng gác gần nhà. Tôi bảo con tôi: “Xe lửa đi ngang trường của ba học hồi nhỏ !”. Con tôi bảo: “Ba sướng. Trường con không có xe lửa đi ngang !”. Không biết vì sao lại sướng, nhưng đó hẳn là điều đặc biệt đối với con tôi. Tiếng xe lửa chạy sầm sập ngang lớp học ngày xưa để lũ học trò nghe mà đoán biết sắp ra chơi hay sắp về, để được ông bảo vệ mắt lé dắt học trò ra, chận không cho đứa nào bước qua cổng khi xe lửa đang đi ngang trước khi ra về. Và tiếng xe lửa là thứ âm thanh tuổi thơ đeo đẳng lâu nhất cho đến mãi sau này.
Trường cũ của tôi ngày xưa mượn dãy phòng của đình Phú Nhuận, nên sân trường nằm hẳn trong sân đình với cây đa bự có dây leo thòng xuống từng mớ dài. Hiếm có trường nào trên đất Sài Gòn có cây đa cổ thụ to nhiều rể lòng thòng như vậy. Bên gốc đa có lúc tôi thấy vài cái bình vôi quăng lăn lóc. Có lần tôi xách về nhà một cái bình vôi nhỏ rất xinh màu xanh lục nhạt, miệng đầy ắp vôi tràn cả ra ngoài. Mang về tới nhà, má tôi la lên bắt trả “ông bình vôi” về chỗ “ông cây đa” ngay. Tôi sợ quá, không hiểu vì sao nhưng cũng mang trả lại gốc đa cái bình vôi dễ thương đó. Trong trí óc của tôi, cây đa trở nên huyền hoặc và kiêng dè hơn. Những con ốc sên bé xíu, con giun đất dưới gốc đa không đủ sức quyến rũ tôi nữa khi bây giờ tôi cảm nhận rõ hơn hơi lạnh tỏa ra khi ngồi dưới gốc cây âm u này, nhất là sau một trận mưa. Cây đa đổ bóng đó có lần đi vào giấc mơ của tôi, trong đó có những người đi ra từ gốc đa tối om om. Mặt họ vẽ vằn vện đỏ đen khiến tôi sợ hãi, khóc tấm tức trong giấc ngủ. Đến sáng, tôi thẫn thờ và nhớ lại đám cúng Đình hồi Tết Thượng Nguyên trong đêm rằm đầu tiên đầu năm mới. Những cái mặt đó là mặt nạ hát bội xanh xanh đỏ đỏ đào kép đeo diễn trên sân khấu. Lần giáp mặt những mặt nạ đó là lần đầu tiên tôi được mẹ dắt đến trường buổi tối xem hát bội, thấy trường lạ lẫm như có mặt trái của nó, sâu thẫm với những mảng tối quanh các lớp. Lấp loáng ánh đèn từ phía sân khấu phía bên trong. Lúc ấy tôi thấy có cảm giác buồn buồn, khi thấy lớp mình biến thành cái phòng tối thui đóng cửa im ỉm, chả thấy bạn bè đâu.
Mỗi ngày đến trường, tôi đi ngang qua bao nhiêu thứ hay ho nhưng nhớ loáng thoáng. Đến mãi gần đây, gặp cô bạn học cùng trường lúc đó, cô nhắc lại nhiều điều cùng trong ký ức hai đứa. Đường đi học chung thường ngang qua mấy căn nhà có những người lính da đen canh gác. Rồi đến cái nhà bé xíu có treo bảng “Viện uốn tóc” với mấy người phụ nữ đứng ngồi chen chúc bên trong cái máy hấp tóc to đùng, cũ xì lỗi thời. Qua khỏi trường Quốc Anh thì đi ngang khu gò mả, lòng lo lắng canh xem nếu có ai bán bánh bò bánh tiêu mà xuất hiện thì chắc chắn đó là ma giả dạng như lời mấy đứa bạn bảo. Trời tháng mười hơi sương mờ mờ, ra khỏi gò mả là thấy cổng trường, chỉ còn băng qua đường rầy xe lửa là vào lớp. Ngày xưa bé tí, chân đi bước ngắn nên thấy trường xa quá. Buổi sáng dậy nghe tiếng hát văng vẳng trên radio câu “Tôi yêu tiếng nước tôi” của Thái Thanh là lòng ngại ngần không muốn đến trường nữa, Mấy đứa học lớp Một rất nhớ chị lớp lớn bị bại liệt không đi được, thường chồm hổm mà đi, cầm cái ghế gỗ làm tay chịu để không chống tay xuống đất. Mấy đứa lớp tôi, mỗi lần ra về là ngẩn ngơ đứng nhìn chị ấy với gương mặt xinh xắn dễ thương nhưng ra vẻ cam chịu.... Gần trường, có cái sân rất rộng, chuyên nuôi và huấn luyện ngựa, gọi là khu chuồng ngựa. Con nít ở quanh đó chiều nào cũng ra ngồi xem mấy chú ngựa chạy vòng quanh sân tập. Có hôm, một con ngựa nổi chứng không nghe lời nài, chạy tứ tung khiến cát bay mù mịt, cả đám con nít cắm đầu chạy bỏ cả dép.
Đến một buổi sáng cuối tháng 4 năm 1975 có mấy chiếc máy bay trực thăng bay thấp vòng vòng rồi đáp xuống cái sân huấn luyện ngựa này, rước mấy người từ đâu đến đã chờ sẵn ở đó. Họ tranh nhau cúi rạp cả người để leo lên máy bay, cát bay trên mái tôle nghe rào rào. Có người chưa đi được lấy cái gương nhỏ rọi lên trên trời, chắc muốn ra ám hiệu cho máy bay đáp xuống, nhưng người càng lúc càng đông, máy bay quần vài vòng rồi bay đi luôn.
Sau này, đọc thơ của Nguyễn Hồi Thủ, một nhà khoa học bên Pháp, tôi hay nhớ vẩn vơ những câu chuyện ngày thường như vậy. Tập thơ “Chợt nhớ” của ông, in ra khoảng ngàn cuốn, thấy còn nhiều trong tiệm sách cũ. Tôi mua vài cuốn để dành, đọc nhiều lần, nhập tâm và đôi khi trong khoảnh khắc nào đó, những câu thơ lại quay về.
Đó là khi tôi quay trở lại trường Đình. Đường xe lửa vẫn còn, vẫn hú còi như nửa thế kỷ trước khi đi ngang qua cổng số 7 đường Cách Mạng, nay là đường Nguyễn Văn Trỗi. Vào cổng, thấy cây đa còn bé xíu, cái đình cũng nhỏ xíu và dãy phòng cũ không còn dùng để dạy học từ rất lâu rồi.
Ngày trở lại vẫn mang hồn bảy tuổi
Mắt lư đồng nhìn lạ những chân nhang...
Nhớ ông thầy già gầy nhom, hay ho khúng khắng. Thầy luôn bận áo tay dài cài khuy nghiêm chỉnh, tóc chải láng vuốt ra sau, kính đeo trễ xuống sống mũi. Thầy thích hút thuốc, đứng một góc hút trong giờ ra chơi, vừa rít vừa ho.
Ngôi trường xưa, bàn ghế mọt, học trò nghèo
Thầy đã già mơ ước chẳng bao nhiêu...
Về đâu bác gác trường mắt lé dắt bầy con nít lôi thôi áo dính đầy mực băng qua đường rầy mỗi giờ ra về? Người chị lớp lớn bại chân di chuyển trên cái ghế gỗ thấp? Những con ngựa chạy vòng quanh sân?. Những người lính da đen về nước tự hơn bốn mươi năm trước chắc hẳn đã già nếu còn sống, biết đâu còn nhớ cái đình, mà họ gọi là Pagoda, với cái cây kỳ dị đầy rễ lòng thòng và bầy con nít đen nhẻm, gầy còm. Bao nhiêu thay đổi, vẫn còn cái Đình, đường xe lửa chạy ngang phía trước và còn cả cái “viện uốn tóc” với cái mấy hấp tóc chuyển màu vàng khè cũ kỹ. Tất cả “tựa những vì sao đêm/ lấp lánh trong giòng Ngân hà của trí nhớ” mà khi quay về kiếm tìm trong tâm tưởng, tôi không thấy mình đang già đi, mà trẻ lại, trở lại thời con nít thân thương.
Phạm Công Luận
Người Đô Thị 3/2017
Ảnh sưu tầm của Lê Hoan Hưng

Phạm Công Luận added 3 new photos.
1 February
Góc nhìn nhỏ, về một lớp người miền ngoài đã đến định cư ở Sài gòn từ hơn nửa thế kỷ trước.
SÀI GÒN HỒI MỚI VÀO
Trong những ngày giáp Tết giữa thập niên 1950, người dân khu Hoà Hưng bắt gặp những cụ đồ già người Bắc vừa di cư vào Nam ngồi trên vỉa hè đường Chanson (Phạm Hồng Thái) gần chợ Hòa Hưng để bày bán những liễn đối chữ Hán viết sẵn trên giấy điều. Thấp thoáng trong số liễn đối có cả những câu chúc phúc bằng chữ Việt viết theo Hán tự. Họ ngồi buồn vì ế khách. Cho đến lúc đó, dân Sài Gòn – Gia Định không còn mấy ai chơi liễn đối như hồi “đàng cựu” (thời Pháp chưa qua), hoặc nếu có thì đã quen vào Chợ Lớn mua liễn bày bán trước Nhị Phủ miếu, chùa Ông hay đường Khổng Tử do người Tàu viết để mang về dán trong nhà. Những ông đồ già ngồi trầm ngâm dưới nắng tháng Chạp vàng ươm dễ chịu, nhưng trời đất chung quanh vẫn không phải mùa xuân xứ Bắc với mưa xuân phơi phới bay mà họ mới rời xa.
Đó là một hình ảnh trong câu chuyện kể trên tờ báo Xuân xưa khiến tôi nhớ mãi. Chúng ta thông cảm tâm tình bao lớp người miền ngoài vì hoàn cảnh và những biến động chính trị, thời cuộc đã rời quê hương đất tổ để vào sống trên đất Sài Gòn. Vượt qua những dị biệt ban đầu và cả niềm thương nỗi nhớ dậy sóng mỗi đêm, họ thành cư dân miền Nam, cư dân Sài Gòn và bắt đầu nhả sợi tơ sở học, tài năng để đóng góp cho thành phố này thêm trù phú và văn minh. Họ thấy được tấm lòng rộng rãi tiếp nhận người xứ khác của cư dân ở đây. Họ cảm nhận cuộc sống trên đất mới, tuy xô bồ nhưng dễ sống, tuy ồn ào nhưng thật lòng, tuy thiếu hoa mỹ nhưng biết thưởng thức những điều đẹp đẽ và còn tạo điều kiện cho nó thăng hoa. Tuy vậy, lòng hoài niệm của họ vẫn đầy ăm ắp, nên mới có những vần thơ nhớ Bắc của Lê Minh Ngọc, ông chủ quán bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng: “Ngoài ấy trời xuân lạnh/ rét căm lòng cỏ hoa/ em nhìn mây không cánh/ bay về phương trời xa/ nghẹn ngào em thầm hỏi/ người đi có nhớ nhà...”. Mới có những tản văn tuyệt tác của Vũ Bằng trong Thương nhớ Mười Hai với Tháng hai nhớ hoa đào, tháng Ba cảm nhận “trời chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm”. Văn hóa mở cõi của đất miền Nam trù phú đã được tiếp thêm màu cổ điển từ những người con đất tổ ngàn năm, tạo dựng nên chất sinh động, đa dạng, thể hiện rõ nhất ở Sài Gòn, thành phố của hội tụ nhân tài tứ xứ.
Tuy nhiên, thuở ban đầu luôn là khó khăn. Giống như tâm tình của những cụ già xứ Bắc viết liễn ngày giáp Tết ở lề đường sát chợ Hòa Hưng. Có nhiều khác biệt có lúc, và có lúc không chịu nổi.
Người mới vào đã có nhiều điều quá bỡ ngỡ trước vùng đất mới đầy nắng gió này. Họ ngạc nhiên khi thấy thuốc lá không được bóc ra ở phần trên bao thuốc, mà dùng tay khoét một lỗ ở phía gần đáy rồi rút điếu thuốc ra; khi uống café lại đổ ra đĩa rồi húp từng ngụm; tờ bạc 1 đồng xé làm hai để thành 5 cắc cho tiện; nữ sinh kẹp tóc cao đến gáy, mặc quần trắng ống rộng gấp đôi bình thường và đi guốc mộc.
Phóng sự Sài thành xài tiền của Hà Việt Phương báo Đời Mới số 68 ra đời tháng 7 năm 1953, có kể một ông ngoài Bắc vừa vào Sài Gòn. Khi biết ông định đi thăm người quen lúc 7 giờ sáng, bà chủ nhà trọ liền can ngăn, bảo lúc đó còn sớm quá, phải “chín giờ trở đi thì những người như ngài mới ra phố”. Bà này từ Huế vô Nam đã lâu, nói rằng ai ở ngoài Bắc vô cũng dậy sớm, đi chơi sớm và ngủ sớm cả. Nhưng người trong này thức khuya, đời sống về ban đêm nhiều hơn. Bà lớn giọng: “Tối, ngài ra các tiệm các chợ mà coi, cứ chật nức người là người, phần lớn là anh chị em lao động, kiếm được đồng nào thì xào ngay đồng nấy. Trong này không biết dành dụm là chi cả. Bây giờ mới có người biết vá áo, biết nhặt rau, chứ trước thì dùng cái gì cũng là nguyên chất cả, hơi hỏng là “đổ bỏ” không hề chữa chạy bao giờ...Ban ngày kiếm được bao nhiêu tiền đến tối xài cho kỳ hết, mai sẽ kiếm tiền nữa. Lo chi. Không lụt lội, không mất mùa, không thất nghiệp...”
Bà chủ còn hướng dẫn ông khách: Phu xích lô ở Sài Gòn, ai hay bận quần “cộc” (quần ngắn) thì người ấy phải là người “ngoài ta” (tức là Bắc hay Trung vào làm việc). Người trong này hoang phí, cái gì cũng ra tiệm. Ăn bận toàn quần áo vải lụa mỏng tanh. Bà phàn nàn: “Đành rằng phải sạch sẽ nhưng đi gánh hàng rong mà vận hàng mỏng thì có phải là chóng rách, là phí không...”. Người lao động trong này tiện là ngồi bệt xuống đất không sợ hư áo quần, rách là quăng đi may cái khác, hoang phí đến cả mồ hôi, vì có sẵn quần áo để thay...Họ sung sướng hơn anh chị em lao động ngoài Bắc, Trung...
Sài Gòn thu hút người chỗ khác đến vì “đức xài tiền”, nói như ông Đào Trinh Nhất, và dân ngụ cư chê bai không tiếc lời điều này. Họ dặn con cái không được sống xả láng, biết tiết kiệm. Họ lại phàn nàn vì đồng hương của họ sau khi sống ở Sài Gòn một thời gian lại học cách sống trong này. Tuy vậy, mặt khác họ vẫn khoái cái tính thích ăn xài của người trong này. Tác giả bài viết trên báo Đời Mới nói trên thừa nhận rằng người ở xứ khác vào Sài Gòn ai nấy đều thích vì kiếm tiền dễ do người dân thích bỏ tiền ra tiêu xài và xài rộng. Mình may cái áo đẹp, sửa cái xe ngon lành cho khách thì thế nào cũng được cho thêm tiền, có đi làm bồi nhà hàng thì thỉnh thoảng có tiền pourboire. Khách hàng ăn đông nườm nượp, khách may mặc thì theo mode mới, nhất là quý bà không ngại bỏ tiền ra, nên mở dịch vụ ăn mặc thế nào cũng khá miễn là làm ăn cho đàng hoàng. Ngày Tết thì dứt khoát ai cũng sắm sửa trong nhà, không có chuyện tiết kiệm nên ngày Tết doanh thu luôn tăng, gặp năm nào khó khăn cũng có giảm nhưng vẫn hơn ngày thường. Dân xứ này lại ham cái mới, cái xe mới ra là mua ngay, cái radio mới có là muốn dùng. Họ ham công nghệ mới, cái gì cũng muốn thử, muốn tận hưởng, họ xài tiền, họ không chịu để dành. Mình nhạy thì mình làm ăn buôn bán với họ, mình mau giàu. Lúc đầu người miền ngoài biết cách lợi dụng tính cần kiệm của người sống lâu đời ở đây, nhưng rồi chính họ rồi cũng thành cư dân lâu đời, cũng biết ăn biết xài, hầu bao mở ra ngày càng rộng và đến đời con, cháu thì chúng đã hội nhập thành dân bản địa, cũng thích xài rộng. Và người chỗ khác lại đến, hí hửng làm ăn vì “Dân ở đây ăn xài rộng quá”. Vòng xoay “đất cũ đãi người mới” tiếp tục không ngừng, từ bao năm nay trên đất Sài Gòn.
Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự về “Hồi mới vào” của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.
Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo”, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu. Mới vào, ông bị lên cơn sốt rét và vào nằm bệnh viện Bình Dân. Vợ con ông và chị giúp việc lên xe xích lô máy chạy vòng vòng Sài Gòn - Gia Định tìm kiếm bà con họ hàng. Tìm mãi không ra, thấy trời đã tối, anh xích lô máy bèn đề nghị về tạm nhà anh ở Vườn Lài. Vừa về tới nhà, anh liền bảo vợ : “Má bầy trẻ đâu, tôi đón được một người làng xóm cũ đây !”. Anh là người Bắc, lấy vợ Nam và đã lanh trí nhận “người làng” để thêm thân tình, mong vợ trọng đãi khách. Chị vợ, người chất phác, lăng xăng đi quét bộ ván cho ba vị khách nằm nghỉ, đi nấu nước châm trà và còn ra tiệm mua thêm 10 đồng thịt quay về đãi cơm khách nữa. Vợ anh xích lô trong lúc ăn cơm không ngần ngại hỏi: “Chẳng hay anh của chị mần nghề gì?”. Chưa hiểu tiếng Sài Gòn nên chị Thượng Sỹ ngồi yên, anh xích lô đáp thay: “Anh ấy làm “nhật chình !" (Nhật trình: cách gọi báo chí cách nay trên dưới nửa thế kỷ ở miền Nam) . Chị vợ gật gù: “Ờ, tốt lắm. Có phải như các ông nhà báo ở Sài Gòn thường viết bài bênh vực nhà lá bị đuổi đất không?” Chị vợ anh xích lô có thiện cảm ngay với vợ người làm báo mới quen. Sáng hôm sau, anh xích lô tiếp tục chở cả nhà đi thăm nhà văn đang nằm bệnh viện. Ông Thượng Sỹ cảm động về câu chuyện này lắm. Vài ngày sau, ông khỏe nên cả nhà tiếp tục nhờ anh xích lô chở đi tìm bà con. Ông gặp một nhà văn quen biết nên tá túc nhờ vài hôm. Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay: “Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu”. Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp chia ra mấy gian cho nhỏ cho các con ở riêng. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng. Ông bà nói ngay với khách lạ: “Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn!”. Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.
Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng: “Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng !”.
Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuât này: “...Tôi cứ tưởng xảy nhà ra thất nghiệp...nào ngờ tôi lại hai lần “sa” vào hai cành gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt...”. Ắt hẳn trong thâm tâm, ông còn biết rằng còn do tính hào hiệp của người Sài Gòn, luôn sẵn sàng giúp người gặp khó khăn. Như khi xưa họ hoặc cha ông chân ướt chân ráo đến thành phố này đã được người ở đây giúp đỡ. Điều đó khiến ông nói lên ý nghĩ: “Nếu được tiếp tục nghề cầm bút ở đây, tôi sẽ quyết dùng ngòi bút phục vụ cho đời sống người bình dân lao động...”. Quả đúng như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau, ông tiếp tục đi làm tại một tờ báo chứ không có đi dạy học như ý định ban đầu.
Nhà văn Tam Lang, tác giả phóng sự nổi tiếng Tôi kéo xe thời Pháp thuộc, khi vào miền Nam cũng ấp ủ nhiều mộng ước. Trước khi vào sống hẳn tại Sài Gòn, ông đã từng vào đây để tĩnh tâm viết hai vở chèo cổ, theo như bài báo trên báo Đời Mới. Viết xong, ông bay ra Bắc lập một gánh hát chèo. Theo tác giả Trương Thọ Phú, Tam Lang khi vào Nam vẫn muốn làm sống lại chèo cổ ở Sài Gòn. Ông nói: “Chèo cổ là âm thanh thuần túy của đất nước, không như tuồng cổ là điệu hát bắt chước điệu tuồng Tàu, cũng không như tân nhạc bắt chước điệu hát của Tây. Đây là thứ âm thanh đặc biệt Việt Nam...”. Đây là tâm huyết của vua phóng sự đất Bắc, mong phục hồi vốn văn hoá dân tộc trên vùng đất mới Sài Gòn. Tuy nhiên, chuyện đó đã không thực hiện được như chúng ta đã thấy. Trước kia, ông cũng không thực hiện được điều đó ở Hà Nội ngàn năm văn vật, lúc đó lại đang mê tân nhạc và...cải lương miền Nam. Nơi dung thân mới Sài Gòn đã không đáp ứng được mong mỏi không còn hợp thời thế của ông, cho dù thành phố này phóng khoáng cởi mở đến cỡ nào.
Câu chuyện hội nhập vào cuộc sống Sài Gòn là một câu chuyện dài nhiều tập, nhiều chương. Trong đó, có nước mắt và nụ cười, có sự rộng rãi bao dung và cũng có những khắc khe, sự thiếu thông cảm và hiểu biết trong cư xử. Phản ứng với tập quán sống khác, có những gia đình co cụm, bảo thủ và chỉ sinh hoạt, cưới gả trong cộng đồng nhỏ cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, qua thời gian và yêu cầu của cuộc sống một đô thị lớn, tính bảo thủ bị pha loãng dần, sự chấp nhận lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ và người ta tìm cách dung hòa những dị biệt, hợp lực với nhau xây dựng cuộc sống yên ổn và phát triển. Sự dung hòa đó đã tạo nên chất Sài Gòn, cá tính Sài Gòn ngày hôm nay.
Phạm Công Luận
(Sài gòn chuyện đời của phố tập 4)

Phạm Công Luận added 4 new photos.
Giới thiệu một phần bài viết về bộ tranh vẽ Sài gòn xưa của họa sĩ André Maire, trong cuốn "Sài gòn chuyện đời của phố tập 4". Họa sĩ này từng dạy Cao đẳng kiến trúc ở Đà Lạt và dạy hội họa tại trường Chasseloup Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay) ở Sài Gòn, đầu thập niên 1920.
"... Không quá sắc sảo và có lúc cay đắng như André Joyeux (cũng là một họa sĩ và quan chức chính quyền) khi vẽ tranh châm biếm và phê phán xã hội thuộc địa, André Maire như một người nhàn tản hay giống như khách du lịch, đi vòng quanh đô thị, xuống bến tàu, ra đường phố, vào Chợ Lớn xem múa lân, chui vào tiệm hút xem các “tiên ông “ đi mây về gió. Ông có đôi mắt hiếu kỳ, thích nhìn thấy những nét lạ của một vùng đất mới, hơi duy mỹ trong thể hiện các hình tượng. Cũng như nhiều người phương Tây đến Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ông chú ý quan sát đến sinh hoạt của người Hoa và có lẽ do bản chất là duy mỹ nên ông tập trung mô tả về sinh hoạt của họ rất nhiều, một phần do văn hóa truyền thống của người Hoa Chợ Lớn rất đậm đà và sự tham gia sâu vào hoạt động mua bán trên đường phố của họ.
Dù sao, tranh của André Maire là những bức tranh đẹp và có sức truyền cảm. Từ hình ảnh một phụ nữ nhà giàu ăn bận kiểu phụ nữ Sài Gòn xưa, nửa nằm nửa ngồi đón hàng trái cây cho đến những người bán hàng trên phố. Từ dáng còng lưng của anh thợ làm lồng đèn, đến hình ảnh người phụ nữ trùm khăn cầm nhang khấn vái. Từ dáng đứa con nít bán bánh đặt cái mâm trên đầu đến một đám người lao động nghèo túm tụm ăn cơm. Một họa sĩ không chỉ ghi nhận hiện thực, mà cần nêu cảm xúc về hiện thực đó. Cho dù chỉ tả thực, ông đã để lại một phần hồn trong mỗi bức tranh. Sài Gòn của những năm đầu thế kỷ 20 thể hiện từ tranh của ông khiến người xem mênh mang nhớ, về những bước đi của tổ tiên ông bà mình sống trên thành phố này..."

No comments:

Post a Comment