|
Khi đến thăm chùa Tây Lâm ở gần núi Lư, Tô Đông Pha có đề thơ lên vách:Hoành khán thành lĩnh trắc thành phong Viễn cận cao đê các bất đồng Bất thức Lư sơn chân diện mục Chỉ duyên thân tại thử sơn trung. Nghĩa là: Nhìn ngang thành dẫy, nhìn nghiêng thành chỏm Do đứng xa, gần, cao, thấp, mà mỗi nhìn mỗi khác Không biết mặt mũi thật của núi Lư nó thế nào Ấy bởi người nhìn đang đứng ngay trong núi ấy. Tạm diễn ca: Nghiêng hòn ngang rặng, một thôi! Nhỏ to cao thấp, tùy nơi đứng nhìn. Núi mong chi thấy chân hình, Khi ta còn mãi giam mình giữa non... * Thực ra "thân tại thử sơn trung" thì chỉ thấy đất và đá và cỏ và cây..., chứ không thấy núi, nói chi mặt mũi thật của núi. "Cái lớn quá không thấy được".(1) Phải xuống núi, đi đủ xa cho núi nhỏ đủ lại, thì mới bắt đầu thấy. Nhưng khi ấy thấy không phải một, mà vô số mặt mũi. Cứ mỗi chỗ đứng trông, lại thấy một mặt mũi khác của cái được trông! Tất cả đều "chân". Và tất cả đều cục bộ. Vấn đề không phải "chân diện mục", mà toàn diện mục. * Chịu khó đi, để đứng thật nhiều nơi mà trông, là thấy "toàn" chứ gì? Có vô số "quan điểm", đi để đứng cho khắp mà thấy cho đủ các mặt của núi, cần vô lượng thời gian! Hơn nữa, vẫn hoàn toàn vô ích. Bởi óc người không thể tổng hợp hình ảnh. Nói chi vô số, nói chỉ hai thôi. Nói chi núi, nói kiến thôi. Bắt một con kiến, ngắm nghía lưng nó, rồi lật ngửa, ngắm nghía bụng nó. Ta thấy lưng rồi bụng, bụng rồi lưng, chứ ta không thể thấy lưng bụng cùng một lúc. Nếu chụp ảnh, để hai cái ảnh ngay bên cạnh nhau, ta vẫn không thấy con kiến cùng lúc vừa lưng vừa bụng! * Kiến không phải lưng Kiến không phải bụng Thấy cả lưng bụng Mới như nó là! __________ (1) Đạo đức kinh: "Đại âm hy thanh, đại tượng vô hình" (Tiếng lớn quá không nghe thấy được, hình lớn quá không trông thấy được). http://newvietart.com/index4.67.html http://www.thivien.net/T%C3%B4-Th%E1%BB%A9c/author-ZsPeAEZWTH-jxxg2cYfLgg
CHUYỆN TÌNH CỦA TÔ ĐÔNG PHA
Tô Đông Pha tên thật là Tô Thức, tự là Tử Chiêm, sinh năm 1036 (1), người huyện My Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đỗ tiến sĩ năm 1057 dưới đời vua Tống Nhân Tông, là một trong bát đại gia Đường Tống (2). Thơ văn ông nổi tiếng một thời, không ai sánh kịp. Ông lại có tài hội họa và viết chữ rất đẹp. Hoạn lộ long đong, nhiều lần bị biếm.
Ông Tô có một cô em họ xinh đẹp, hiền hậu và thông minh, ông yêu quí lắm và nàng cũng rất yêu ông nhưng không cưới được vì bà con gần quá nên mẹ ông ngăn cản. Ông ân hận suốt đời vì điều đó bởi đây là mối tình đầu của ông. Khi Tô Thức đã lớn, học giỏi, đủ sức đi thi thì cha mẹ lo cưới vợ cho ông (và cho cả em ông là Tô Triệt nữa) để có một nàng dâu ở trong miền vì e rằng nếu ông lên kinh thi đỗ thì sẽ bị các danh gia vọng tộc đem cái mồi vinh hoa phú quí ra nhử để gả con gái cho. Vợ ông họ Vương tên Phất, năm ấy ông mười tám tuổi và Vương Phất mười lăm. Người Bạn Tình ChungNàng Vương là người vợ hiền, rất quí yêu chồng, thường đứng nép sau màn nghe chồng nói chuyện với khách và khuyên chồng nên xa lánh người này người khác : - Người ấy luôn đón trước ý nhà để nói cho nhà vui lòng, giao du với họ chỉ mất thì giờ. Hoặc nhắc nhở chồng : - Nhà nên coi chừng hạng người vồn vã quá, người tốt giao du với nhau tình thường lạt như nước lã ; nước lã không có mùi vị đậm đà nhưng không bao giờ làm cho ta chán. Đông Pha thường khen vợ về sự khôn ngoan này (3). Năm 1065 Vương Phất từ trần lúc nàng mới 26 tuổi, an táng tại Tứ Xuyên. Tô Thức thương tiếc lắm. Nàng để lại cho chồng một người con trai mới biết đi, tên là Tô Mại. Trước khi từ giã cõi đời, nàng Vương Phất trối trăng với chồng là nên tục huyền với Vương Nhuận Chi, em họ của nàng và rất giống nàng để chăm sóc ông và nuôi dạy Tô Mại. Ông khóc mà nhận lời. Mười năm sau (tức năm Ất Mão 1075), ông Tô đang làm tri châu ở Mật Châu (Sơn Đông), cách Tứ Xuyên hàng ngàn dặm, đêm nằm mơ thấy người vợ đã khuất, lúc thức dậy làm bài từ điệu “Giang thành tử” trong đó có những câu : …Thập niên sinh tử lưỡng mang mang Bất tư lường Tự nan vong Thiên lý cô phần Vô xứ thoại thê lương Túng sử tương phùng ưng bất thức Trần mãn diện Mấn như sương…Nguyễn thị Bích Hải dịch : Mười năm sống thác đôi nơi, Nghĩ mà chi, vẫn khôn nguôi nhớ nàng. Cô đơn phần mộ dặm ngàn, Nói làm sao xiết muôn vàn thê lương. Gặp nhau còn nhận ra chăng? Mặt bụi nhuốm, tóc pha sương ngỡ ngàng… Tô Thức là người đầu tiên làm từ điệu vong. Bảy năm sau (1082), khi ông Tô xuôi dòng Trường giang, cùng bạn thưởng trăng trên sông dưới chân núi Xích Bích, từ của ông còn phảng phất nỗi thương xót ngậm ngùi : Cố quốc thần du Đa tình ưng tiếu ngã Tảo sinh hoa phát…(Niệm Nô Kiều) (Hồn thả về chơi cố quận Bạn tình chung có lẽ cười ta Chưa chi đầu đã bạc…) Bạn tình chung nơi cố quận hẳn là vong hồn nàng Vương Phất. Năm ấy ông mới 46 tuổi. Đấu Rượu Cho Chàng Vợ mất ba năm, đoạn tang, năm 1068 Tô Thức theo lời vợ, tục huyền với cô em họ của Vương Phất là Vương Nhuận Chi, hai mươi tuổi. Không giỏi dắn đảm đang bằng chị nhưng nàng cũng rất quí yêu chồng, chăm sóc con của mình và con riêng của chồng (Tô Mại) rất chu đáo và suốt đời chia sẻ những khó khăn gian khổ với chồng. Nàng là người hiền thục lại rất chiều chồng. Biết chồng thích rượu, lúc nào nàng cũng sắm sẵn một đấu rượu để khi chồng cần thì có ngay. Chuyện này Tô Thức kể lại trong bài “Hậu Xích Bích phú” như sau : “Khách nói : Sẩm tối, tôi cất lưới được một con cá, miệng to vảy nhỏ, hình dáng tựa con lư ở Tùng Giang (4). Tìm đâu ra được rượu đây? Tôi về bàn với nhà tôi. Nhà tôi đáp :“Thiếp có một đấu rượu, cất đã lâu, phòng lúc nhà bất thần dùng đến”. (Nguyên văn : Ngã hữu đấu tửu, tàng chi cữu hĩ. Dĩ đãi tử, bất thời chi nhu). Thế là xách rượu và cá, lại đi chơi dưới chân Xích Bích một lần nữa”. Nhà phê bình văn học lỗi lạc của Trung Quốc là Kim Thánh Thán đời Thanh cũng có nhắc lại chuyện này trong lời phê bình cuốn “Mái Tây” (Tây sương ký) của Vương Thực Phủ. Ông viết : “Mười năm chia tay bạn, chiều tối chợt bạn xuất hiện. Mở cửa, tay nắm chặt tay, chẳng kịp hỏi tới nhà mình bằng thuyền hay bằng ngựa. Cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường. Hàn huyên qua loa, vội chạy vào nhà trong, thấp giọng hỏi vợ rằng : -“Mình liệu có đấu rượu của Tô Đông Pha không? Vợ tươi cười rút cành trâm vàng đang cài trên đầu trao cho. Thế là đủ ba ngày cơm rượu…” Bảy Cái Lò LửaTheo “Dục hải từ hàng” thì Tô Thức có đến bảy người thiếp. Phật Ấn, bạn thân của Tô Thức, là một vị cao tăng có tài hùng biện đời Tống, một hôm đùa bảo Tô Thức rằng : - Bác có nhiều thiếp thế, tặng cho tôi cô thứ bảy được không? Ông Tô cười đáp : - Sao lại không? Tưởng chỉ là lời nói đùa, không ngờ chiều tối ông Tô cho xe đưa người thiếp đến. Phật Ấn đón người thiếp vào nằm trong buồng rồi buông màn. Trước buồng đã đặt sẵn bảy cái hỏa lò, cái nào cũng đầy than đỏ rực. Ông bước qua từng cái một, cứ bước qua bước lại như thế suốt đêm. Đến sáng, ông cho xe đưa người thiếp về trả. Nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện, Tô Thức chợt “ngộ” ra : - Bảy cái hỏa lò rực lửa kia là chỉ bảy người thiếp của ta cũng như bảy cái hang lửa. Ông làm thế là tỏ ra mình đã vượt ra khỏi vòng sắc dục, còn ta thì sa ngã đắm đuối vào đấy. Chắc là ông muốn thức tỉnh ta đây. Người Vợ Tri Kỷ Trong số các tì thiếp của mình, Tô Đông Pha yêu nhất nàng Triêu Vân. Nàng trẻ trung, xinh đẹp lại thông minh, giúp ông được nhiều việc. Lúc về với ông, nàng chưa biết chữ nhưng nhờ ông chuyên tâm dạy dỗ và nàng chăm chỉ học hành nên chẳng bao lâu nàng đã đọc thông viết thạo. Cuộc gặp gỡ Triêu Vân là một sự may mắn lạ lùng. Khi bị biếm đến Hàng Châu, Tô Đông Pha thường hay ra chơi Tây hồ, một thắng cảnh nổi tiếng tại tỉnh này. Ven bờ Tây hồ, trong các vườn hoa ngào ngạt hương thơm có những trà thất nên thơ bên cạnh các hàng liễu rũ, đêm đêm vang lên tiếng đàn tiếng ca thánh thót, du dương của các nàng ca nhi xinh như mộng. Triêu Vân là một trong số các nàng ấy, bấy giờ mới hơn mười tuổi nhưng tài sắc của nàng nổi bật hẳn lên giữa đám ca nhi làm say lòng biết bao vương tôn công tử. Nàng có giọng ca rất lạ, khi trầm lắng như nghẹn ngào nức nở, khi mượt mà, bay bổng như ngọn gió mát lành trên mặt nước Tây hồ. Những bài từ của Tô Đông Pha chỉ có nàng ca là hay hơn cả khiến cho bao trái tim như ngừng đập và ông Tô rung động bồi hồi. Tình yêu bắt nguồn từ đó. Nàng Vương Nhuận Chi biết chuyện nhưng không hề ghen tức. Một lần nàng đến tìm gặp Triêu Vân rồi về nói với chồng : - Cô gái xinh đẹp này rồi sẽ rất cần cho nhà sau này đấy. Thiếp sẽ mua Triêu Vân. Và nàng Vương đã giữ lời. Ít lâu sau, Triêu Vân về với ông và nhanh chóng trở thành một đôi uyên ương tương đắc mặc dù tuổi tác khá chênh lệch : nàng kém ông những 27 tuổi ! Vương Nhuận Chi coi nàng như cô em gái bé bỏng, và khi đến Hoàng Châu, nàng đã chính thức cưới Triêu Vân để làm thiếp cho chồng. Ông Tô rất mến phục nàng về việc ấy. Đông Pha yêu Triêu Vân không chỉ vì nàng xinh đẹp, thông minh mà còn vì nàng là tri kỷ của ông, rất hiểu lòng ông, tâm đầu ý hợp. Vương Thế Trinh, người đời Minh, kể trong “Điệu hước biên” rằng : “Một hôm Đông Pha đi chầu vua về, ăn no, lấy tay xoa bụng đi lại trong dinh, hỏi những người theo hầu : - Các ngươi hãy đoán xem cái gì trong này? Kẻ thì bảo toàn là văn chương cả, người thì thưa : nơi chứa ruột gan, kẻ thì cho là toàn cao lương mỹ vị. Đông Pha vẫn không hài lòng. Đến lượt mình, Triêu Vân cười đáp : - Kẻ sĩ của triều đình nhưng ôm trong bụng toàn những thứ không hợp thời cả (nguyên văn : Triều sĩ nhất đỗ bì bất hợp thời nghi). Đông Pha thích chí cười ha hả”. Ấy là nàng rất hiểu lòng ông. Bấy giờ phe tân đảng của Vương An Thạch, Chương Đôn, Lữ Huệ Khanh, Lý Định đang muốn dùng “biến pháp” để cải cách nền chính trị lạc hậu của nhà Tống, còn Đông Pha thì theo cựu đảng của Tư mã Quang chống lại biến pháp của Vương An Thạch nên nhiều phen bị phe tân đảng tâu vua giáng chức và đày ông tới những nơi cùng tịch, khổ sở thiếu thốn trăm bề. Khi ông bị Chương Đôn lưu đày xuống Huệ Châu (Quảng Đông) chỉ có mình Triêu Vân theo hầu, các tì thiếp khác chịu cực không nổi nên bỏ đi cả rồi, nàng Vương Nhuận Chi đã mất. Có lần trò chuyện, Đông Pha nói với Triêu Vân : - Mọi người ai cũng bảo ta có phúc hơn Bạch Cư Dị. - Nhà nói thế là có ý gì? - Khi Bạch Cư Dị bị giáng chức và bị biếm ra làm Tư mã Giang Châu, người thiếp yêu của ông đã bỏ đi lấy chồng, còn nàng thì luôn luôn theo sát bên ta đến tận chân trời góc bể vào những lúc hoạn nạn khó khăn nhất. Thế chẳng phải là ta có phúc hơn Bạch Cư Dị sao? Triêu Vân khe khẽ cúi đầu, nước mắt rưng rưng. Triêu Vân yêu quí chồng hơn hẳn hai bà trước, vui lòng chia sẻ với chồng những nỗi khổ cực gian nan nên ông rất quí nàng, thường làm thơ ca tụng. Ông bảo Triêu Vân là nàng tiên trên trời bị đọa xuống trần để trả nợ thay ông. Năm 1083 Triêu Vân sinh một đứa con trai nhưng không nuôi được. Đông Pha cho rằng vì mình thông minh và tài hoa quá nên thường hay gặp nạn, con cái thì hữu sinh vô dưỡng, bèn làm thơ tự mỉa mình : Đãn nguyện tử tôn ngu thả độn, Vô tai vô hại đáo công khanh. (Chỉ mong con cháu ngu và xuẩn, Bình an vô sự mà tới chức công khanh) Một buổi chiều có gió heo may và sương thu lạnh, Đông Pha ngồi chơi với Triêu Vân. Ông bảo nàng cầm cốc rượu làm phách đánh nhịp, hát bài từ của ông theo điệu “Điệp luyến hoa”. Triêu Vân vừa ca vừa khóc. Ông hỏi tại sao. Nàng chỉ vào hai câu : Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu, Thiên nhai hà xứ vô phương thảo. (Tơ liễu trên cành phơ phất gió, Nơi chân trời, chẳng nơi nào là không có cỏ thơm) Ông cười lớn : - Ta ngậm ngùi với mùa thu mà nàng thì khóc với mùa xuân ! (5). Ở Huệ Châu chưa được bao lâu thì tể tướng Chương Đôn lại có lệnh đày ông Tô ra đảo Hải Nam, một hòn đảo bấy giờ chỉ có thổ dân man rợ và muốn ông chết ở đấy. Ông Tô muốn để gia đình ở lại Huệ Châu, chỉ một mình ra đảo nhưng Triêu Vân không chịu : - Không ai chăm sóc chồng bằng vợ. Lúc chị Vương Nhuận Chi sắp mất, thiếp có hứa với chị là suốt đời cùng sống chết với nhà. Hãy để cho thiếp giữ trọn lời hứa, cho thiếp đi theo, thiếp sẵn sàng chịu mọi nỗi gian truân của kẻ đi đày. Ông Tô rất xúc động, khôn ngăn đôi dòng lệ. Nhưng chưa kịp ra đảo thì nàng đã ốm nặng rồi từ trần (1096). Một cơn sốt rét ác tính đã cướp đi mạng sống của nàng lúc mới 34 tuổi. Ông Tô gục xuống bên nàng để mặc cho dòng lệ tuôn trào như suối. Ông không chỉ khóc cho một người vợ mà còn khóc cho một người tri âm, tri kỷ không dễ gì gặp được trên đời. Ông an táng nàng trước một rừng thông, cạnh một ngôi chùa và viết bài minh trên mộ chí : “Thị thiếp của Đông Pha tiên sinh là Triêu Vân, tự Tử Hà, họ Vương thị, người Tiền Đường. Thông minh và thích việc nghĩa, thờ tiên sinh 23 năm, một mực trung và kỉnh. Năm Thiệu Thánh thứ ba (1096), tháng bảy, ngày Nhâm Thìn, mất ở Huệ Châu, 34 tuổi. Tháng tám, ngày Canh Thân, táng trên Phong Hồ, phía đông nam chùa Thê Hiền. Sinh con tên Độn, chưa đầy năm đã yểu. Nàng thường theo tì khưu ni Nghĩa Xung học Phật pháp, cũng biết sơ qua đại ý. Lúc sắp chết, tụng bốn câu kệ trong kinh Kim Cương rồi tuyệt” (6).Ông làm thơ khóc nàng, lời lẽ rất xót xa cảm động, ví nàng như đám mạ đã xanh nhưng chưa kịp trổ đòng đòng, người có tư chất tốt mà chết sớm, chưa làm được việc gì có ích. Đó là mệnh trời ư? (Miêu nhi bất tú khởi kỳ thiên !). Từ đó cảnh già của ông ở đảo Hải Nam thật cô đơn buồn tẻ. Tháng giêng năm 1100, vua Triết Tông (7) băng lúc mới 24 tuổi. Vị hoàng tử duy nhất, con trai ông, chết lúc ba tháng tuổi. Vì thế ngôi vua lại về tay Huy Tông, chú của Triết Tông. Lên ngôi xong, công việc đầu tiên của Huy Tông là cách chức tể tướng Chương Đôn và đày đi Lôi Châu rồi cho phục chức tất cả các đại thần bị Chương Đôn đày ải, truy phong cho những người đã bị Chương Đôn sát hại. Thế là Tô Đông Pha được ân xá, rời đảo Hải Nam để lên đường về bắc.. Nhưng bấy giờ ông đã già yếu lắm rồi, nhất là sau nhiều năm bị đày ải. Chỉ một năm sau ông đã từ trần tại Thường Châu (1101) thọ 65 tuổi, kết thúc một cuộc đời tài hoa lận đận. * _______________________________________ (1) Có sách ghi 1037. (2) Bát đại gia Đường Tống : tám văn thi hào lớn đời Đường Tống. Đời Đường có Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên. Đời Tống có Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng, Âu Dương Tu và Vương An Thạch. (3) Theo cuốn “Tô Đông Pha” của Nguyễn Hiến Lê (NXB An Giang 1990). (4) Huyện Tùng giang, tỉnh Giang Tô có loại cá lư, ăn rất ngon. (5-6) Theo cuốn “Tô Đông Pha – những phương trời viễn mộng” của Tuệ Sỹ (NXB Ca Dao Sài Gòn 1973). (7) Vua Triết Tông là học trò của Tô Đông Pha. Chính nhà vua đã ký lệnh đày thầy học của mình xuống phương nam. _______________________________________ HUYỀN VIÊM * Thân tặng Từ Vũ |
No comments:
Post a Comment