Tuesday, January 17, 2017

HÒNG LÂU MỘNG


"Cao quá mà đời ghen
Sạch quá nên đời hiềm."
http://soi.today/?p=193733
Diệu Ngọc trong Hồng Lâu Mộng là một nhân vật có thân phận cực kì đặc biệt. Trong 80 hồi đầu nàng chỉ ra mặt chính thức trong có hai hồi 41 và 76. Người đọc khi nghĩ tới nàng thường chỉ có “à, ni cô xinh đẹp trong Đại Quan Viên”, nhưng ít ai nhận ra rằng nàng là có trái tim nồng cháy chỉ kém Bảo Ngọc và Đại Ngọc.
Cuộc đời Diệu Ngọc là một cuộc đấu tranh vật lộn với cám dỗ, số phận của nàng bi thảm suy cho cùng cũng chỉ tại một chữ “tình”. Một ni cô, theo lẽ thường đã rũ bỏ hết tục lụy mà lại đa tình đến vậy sao?
Vài lời về thân thế của Diệu Ngọc:
Ngoài ra có một vị sư cô để tóc, tên Diệu Ngọc, là người Tô Châu. Cô này dòng dõi nhà quan, khi bé lắm bệnh, phải làm bao nhiêu hình nhân thế mạng, vẫn không khỏi; sau cùng phải xuất gia vì thế đi tu mà vẫn để tóc. Năm nay cô ta mười tám tuổi, bố mẹ chết cả, chỉ còn có hai người vú và một a hoàn hầu hạ. Cô này chữ nghĩa rất thông, kinh kệ thuộc lòng, người lại đẹp.
Mới nghe qua, tưởng chừng Diệu Ngọc là một tấm gương sáng trong Phật môn, nhưng nhìn kỹ thì không hẳn. Một, mục đích tu hành của Diệu Ngọc không vì đam mê kinh kệ, càng không vì yêu mến cửa thiền, mà để cầu sức khỏe – một mục đích mang tính cá nhân và… chẳng liên quan gì đến Phật pháp lắm. Hai là, người đi tu phải “một hạt gạo cũng nhặt bỏ mồm, một sợi tơ cũng khoác che thân” nhưng Diệu Ngọc lại có đến ba, bốn kẻ hầu người hạ, vẫn giữ lối sống con nhà tiểu thư. Ngoài ra, đã tu hành thì nên coi mọi thứ là không, thân thể chỉ là cái túi da, nhưng Diệu Ngọc vẫn gắn bó với mái tóc của mình. Bộ tóc mây mượt mà là nét đẹp của người phụ nữ, Diệu Ngọc rõ ràng vẫn còn sân si với đời nên không nỡ từ bỏ nhan sắc của mình. Nhìn một cách rộng hơn, mái tóc mỗi người biểu tượng cho sợi dây liên kết với thế giới trần tục. Khi Liễu Tương Liên và Uyên Ương thề dứt bỏ tình ái đều cắt tóc. Bảo Ngọc khi đi tu thì cạo trọc đầu. Diệu Ngọc thân nhờ cửa Phật nhưng vẫn giữ mái tóc, chứng tỏ nàng ta vẫn “chân trong chân ngoài,” chưa một lòng một dạ với việc tu hành, đúng như Hình Tụ Yên nhận xét, “Thực đúng như tục ngữ nói: ‘Sư không phải sư, tục không phải tục, gái không phải gái, trai không phải trai’, chẳng ra nghĩa lý gì cả! “
Tranh vẽ Diệu Ngọc khá giống miêu tả trong truyện: “Thấy Diệu Ngọc đầu đội mũ Diệu Thường, mình mặc áo trừu màu nguyệt bạch, bên ngoài khoác áo cà sa dài bằng đoạn xanh viền biên, lưng thắt dây tơ màu thu hương. bên dưới mặc cái quần là trong, có vẽ màu mực nhạt, tay cầm chuỗi tràng hạt.”
Điều đáng nói thứ hai về Diệu Ngọc là tính cách kiêu kỳ, cao ngạo. Diệu Ngọc tự nghĩ mình là con gái nhà quan, không chịu lời hiệu triệu của kẻ khác, khiến Vương phu nhân phải đích thân viết thư mời mới chịu đến, bản thân lại ưa sạch sẽ đến mức bệnh hoạn. Xin đọc đoạn sau:
Giả mẫu uống nước xong, dẫn già Lưu đến am Lũng Thúy. Diệu Ngọc đón chào. Mọi người vào đến sân, thấy hoa tươi cây tốt, Giả mẫu cười nói:
- Bọn họ tu hành rỗi việc, hay sửa sang, trông đẹp hơn các nơi nhiều.
Vừa nói vừa đi lên thiền đường bên đông. Diệu Ngọc cười mời vào trong nhà, Giả mẫu nói:
- Chúng tôi vừa uống rượn, ăn thịt xong, trong nhà thờ Phật vào sợ mắc tội; ngồi ở đây thôi. Người cứ mang trà ngon ra, chúng tôi uống một chén rồi đi.
Bảo Ngọc để ý xem cách tiếp đãi của Diệu Ngọc như thế nào, thấy Diệu Ngọc mang cái khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn chữ vàng “vân long hiến thọ”, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu dâng lên.
[…]
Diệu Ngọc kéo áo Bảo Thoa và Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc cũng khe khẽ đi theo. Diệu Ngọc mời hai người vào buồng bên cạnh. Bảo Thoa ngồi ở trên giường, Đại Ngọc ngồi ở chiếu tụng kinh của Diệu Ngọc. Diệu Ngọc lấy bếp lò đun nước, pha một ấm trà khác. Bảo Ngọc khẽ chạy đến, cười nói:
- Các cô uống trà riêng đấy à?
Hai người đều cười nói:
- Anh lại đến uống gạ! Đây không có trà cho anh uống đâu.
Diệu Ngọc đang định ra lấy chén, thấy bà già đã thu dọn ấm chén ở ngoài sân. Diệu Ngọc vội nói:
- Đừng cất cái chén sứ Châu Thành vội, hãy để ở ngoài ấy.
Bảo Ngọc hiểu ý, biết là già Lưu uống chén ấy, sợ bẩn nên cô ta không dùng nữa. Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ “cô kiều trác”(2), bên cạnh có một hàng chữ nhỏ, viết chân phương “Vương Khải trân ngoạn”(3); lại có một hàng chữ nhỏ nữa viết “Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức kiến ư bí phủ”(4). Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ “điểm tế kiều”(5) khắc lối triện. Diệu Ngọc pha trà vào chén và đưa mời Đại Ngọc, rồi lấy cái chén ngọc xanh của mình thường dùng pha cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
- Người ta thường nói “thế pháp bình đẳng”(6), sao hai cô được dùng đồ cổ quý, mà tôi lại phải dùng đồ tục này?
Diệu Ngọc nói:
- Thế là đồ tục à? Không phải tôi nói liều đâu, nhà cậu chưa chắc đã tìm ra được cái đồ tục này!
- Tục ngữ nói “Vào làng phải theo làng”, đến đây thì nhưng đồ vàng ngọc châu báu đều cho là tục cả.
Diệu Ngọc nghe nói thích lắm, lại lấy ra một cái chén lớn làm bằng gốc trúc chạm rồng cuộn ngoằn ngoèo nhiều khúc, cười nói:
- Chỉ còn có một cái chén nhớn này thôi, cậu có thể uống hết được không?
- Uống hết được.
- Dù uống hết, cũng chẳng phí trà đâu cho cậu uống. Cậu không nghe người ta nói: “Uống chén thứ nhất là để thưởng thức mùi vị trà, chén thứ hai là phường ngu xuẩn uống cho khỏi khát, đến chén thứ ba là con trâu con lừa uống rồi”. Bây giờ cậu uống cả một chén lớn này còn ra cái gì nữa.
Diệu Ngọc mời trà mọi người
Bảo Thoa, Đại Ngọc và Bảo Ngọc nghe xong đều cười ầm lên. Diệu Ngọc cầm bình nước chỉ rót độ một chén con vào chén lớn, Bảo Ngọc nhấm nháp từng tí, thấy hương vị mát nhẹ, khen ngợi không ngớt. Diệu Ngọc nghiêm nét mặt nói:
- Cậu nhờ phúc của hai cô mới được uống trà này, chứ một mình cậu thì tôi không mời đâu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi biết lắm, vì thế tôi không cám ơn người, chỉ cám ơn hai cô thôi.
Diệu Ngọc nói: “Đúng đấy”.
Đại Ngọc hỏi:
- Đây cũng là nước mưa năm ngoái phải không?
Diệu Ngọc cười nhạt:
- Cô mà lại là người rất tục, ngay nước uống không biết nếm. Đó là tuyết ở trên hoa mai mà năm năm về trước tôi lấy ở chùa Huyền Mộ Bàn Hương đấy, chỉ chứa được đầy một lọ hoa màu xanh thôi. Tôi chôn xuống đất để dành mãi, không uống, đến hè năm nay mới đào lên. Tôi chỉ uống một lần, nay là lần thứ hai cô nếm cũng không biết à? Nước mưa năm ngoái làm gì có hương vị mát dịu như thế? Uống thế nào được?
Bảo Thoa biết Diệu Ngọc có tính dở hơi, không thích nói nhiều, cũng không thích ngồi lâu; uống nước xong, rủ Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc nói với Diệu Ngọc:
- Cái chén bà già uống lúc nãy, tuy bẩn, nhưng vất đi thật đáng tiếc! Cứ ý tôi, nên cho bà già nghèo ấy đem bán cũng có thể sống qua ngày. Người thấy có được không?
Diệu Ngọc nghĩ một lúc gật đầu nói:
- Thôi được. May tôi chưa uống đến cái chén ấy bao giờ. Đã uống rồi thì tôi đập đi, không khi nào đem cho bà ấy. Cậu muốn cho bà ấy, xin mang ngay đi.
- Như thế là phải. Khi nào người lại thèm nói chuyện với bà ấy? Nếu nói chuyện với bà ta thì người cũng bị bẩn lây. Cứ đưa cho tôi là được.
Diệu Ngọc sai người mang cái chén đưa cho Bảo Ngọc, Bảo ngọc cầm lấy rồi nói:
- Khi chúng tôi ra về, sẽ bảo mấy đứa hầu nhỏ ra sông gánh mấy thùng nước rửa nhà, có được không?
- Thế thì tốt. Nhưng cậu dặn họ, gánh nước về cứ để ở chân tường ngoài cửa thôi, đừng mang vào đây.
- Đúng thế.
Rồi Bảo Ngọc cầm lấy cái chén đưa cho người nhà Giả mẫu và bảo:
- Ngày mai già Lưu về, mày đưa cái này cho già ấy.
Ngay lúc đó, Giả mẫu đã ra, muốn về. Diệu Ngọc cũng không giữ lại, đưa Giả mẫu ra đến cửa ngoài, rồi quay lại đóng cửa.
Tranh vẽ Diệu Ngọc cầm chén ngọc xanh
Đoạn này quả thật rất thú vị. Ở hồi 40, khi Giả mẫu đến thăm Hành Vu uyển của Bảo Thoa thì thấy: “Những cỏ lạ dây tiên, càng lạnh bao nhiêu thì lại càng xanh tốt bấy nhiêu…Vào đến trong nhà, thấy trắng tinh không có một thứ đồ chơi nào cả.” Tào Tuyết Cần vốn khéo mượn cảnh để nói người, ông tả Hành Vu uyển để khắc hoạ đươc tính cách lãnh đạm của Bảo Thoa. Ở đây thì ngược lại, Diệu Ngọc tuy là ni cô nhưng “hoa tươi cây tốt” trong nhà thì có “khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn chữ vàng ‘vân long hiến thọ’, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu”, loè loẹt chẳng khác gì nhà trưởng giả. Rồi Diệu Ngọc không để bà già uống chén của mình, nhưng lại uống cùng chén với Bảo Ngọc, chứng tỏ nàng đã có cảm tình đặc biệt với cậu ta. Diệu Ngọc tu nhưng chỉ là tu… ngoài miệng chứ còn lâu đạt đến độ tiêu diêu thoát tục. Thế nhưng nàng ta lại rất thích tỏ ra hơn đời, rằng ta đây thanh sạch hơn người, cư xử khác thường. Sự giả dối của Diệu Ngọc không qua được mắt Bảo Thoa, nên nàng không ưa Diệu Ngọc cũng phải. Cả Lý Hoàn cũng từng nói là ghét Diệu Ngọc. Sự kỳ thị của Diệu Ngọc với già Lưu tội nghiệp càng khiến người đọc thấy Diệu Ngọc cao quý thì ít mà hợm hĩnh thì nhiều. Già Lưu là một bà già nghèo khổ nhưng tấm lòng rất trong sạch, tuy nhiên Diệu Ngọc chỉ nhìn thấy vẻ ngoài lam lũ của bà mà coi thường; đây là chỗ chưa giác ngộ của nàng ta.
Bi kịch thật sự của Diệu Ngọc bắt đầu khi nàng ta bắt đầu động lòng phàm trần. Bảo Ngọc chính là làn gió xuân thổi vào mặt ao phẳng lặng của nàng. Những người không tin rằng Diệu Ngọc có một tâm hồn yêu đương cuồng nhiệt chỉ cần nhìn vào loài hoa biểu trưng cho nàng. Đại Ngọc nhìn hoa đào rụng thì thương hoa rồi liên tưởng đến thân phận của mình mà làm bài “Táng hoa từ“, màu hồng nhạt của hoa ứng với tâm tình thiếu nữ vừa rung động của cô lâm. Diệu Ngọc thì sao?
Bảo Ngọc đi đến dưới dốc núi vừa vòng qua chân núi, đã ngửi thấy mùi hương lạnh. Quay lại, am Lũng Thúy của Diệu Ngọc ngay đó có mấy chục cây hồng mai, đỏ thắm như son, chiếu xuống màn tuyết càng thêm chói lọi, trông rất đẹp mắt.
Trong Hồng Lâu Mộng một bông hoa một chiếc lá cũng có tình là vậy. Diệu Ngọc tuy thân ở chốn tu hành lạnh lẽo (tuyết) nhưng cảm xúc trai gái trong lòng nàng đã bắt đầu trỗi dậy cuồng nhiệt chẳng khác nào những cây hồng mai rực rỡ kia, không cách nào ngăn nổi. Màu hồng mai đỏ đậm hơn màu hoa đào là hàm ý rằng Diệu Ngọc còn khao khát yêu đương hơn Đại Ngọc. Tên Diệu Ngọc có nghĩa là viên ngọc kì diệu, nhưng chữ Ngọc (玉) lại đồng âm với chữ Dục (慾). Tào Tuyết Cần gửi Diệu Ngọc vào chốn thiền môn, nhưng vẫn để nàng mang trong mình dục vọng. Khi Bảo Ngọc nằm mộng tới Thái Hư ảo cảnh có thấy gặp bốn nàng tiên – Si Mộng tiên cô, Chung Tình đại sĩ, Dẫn Sầu kim nữ, Độ Hận bồ đề. Bốn người này chính là hiện thân trên trời của bốn tiểu thư bầu bạn với Bảo Ngọc dưới cõi trần: Đại Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Diệu Ngọc. Danh hiệu “Độ Hận bồ đề” chính dành cho người đi tu Diệu Ngọc.
Mọi người chơi tuyết, làm thơ, ngắm hồng mai
Các chị em trong Đại Quan viên đã bắt Bảo Ngọc đi “phỏng Diệu Ngọc khất hồng mai.” Tào Tuyết Cần không mô tả cuộc gặp gỡ xin cành hồng mai của Bảo Ngọc với Diệu Ngọc ra sao, người đọc chỉ có thể… đoán mò. Nhưng một điều chắc chắn: sau cuộc gặp gỡ lần thứ hai đó, tình cảm Diệu Ngọc dành cho Bảo Ngọc đã phát triển lên một tầng cao mới, khiến nàng ta đường đột gửi thiệp mừng sinh nhật Bảo Ngọc.
Tình Văn vội nhấc cái nghiên ra, thấy một tờ thiếp, đưa cho Bảo Ngọc xem, một tờ giấy hoa tiên màu phấn hồng, có viết: “Người ngoài cửa là Diệu Ngọc kính chúc ngày sinh nhật”. Bảo Ngọc xem xong, nhảy lên hỏi:
- Ai nhận được giấy này lại không cho tôi biết?
Nếu người đọc hiện đại tặc lưỡi, “có sao đâu nhỉ?” thì xin hãy nhớ đó là thời nào, trật tự phong kiến ra sao, và Diệu Ngọc là ai! Diệu Ngọc tự xưng là “người ngoài cửa,” ý rằng mình nằm ngoài cuộc sống xô bồ, nhưng tâm hồn nàng thì lại ngập tràn hình ảnh Bảo Ngọc. Chỉ có cậu ngốc Bảo Ngọc mới khờ khạo cho rằng “cô ấy không phải là người trong đám trần tục, mà là đứng ngoài cuộc đời” chứ Hình Tụ Yên là người kín đáo hiểu đời thì đã biết tỏng:
Tụ Yên nghe vậy, đưa mắt ngắm nghía Bảo Ngọc một lúc, cười bảo:
- Tục ngữ nói: “Tai nghe không bằng mắt thấy”, không trách được Diệu Ngọc lại đưa cái thiếp này cho cậu, cũng không trách được năm ngoái cô ấy cho cậu cành hoa mai.
Tụ Yên biết rõ đầu đuôi Diệu Ngọc tự xưng “người ngoài cửa” vì yêu thích hai câu thơ “Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc, Đốt bùn một nắm cũng chôn vùi.” nhưng một khi được diện kiến tướng mạo phong lưu của Bảo Ngọc, Tụ Yên hiểu ngay Diệu Ngọc đã đem lòng tương tư cậu ta. Cái nghiệp của Diệu Ngọc là đi tu mà chưa trót đời, yêu người mà không dám nói. Tình cảnh hôm nàng cùng hoạ thơ với Đại Ngọc và Tương Vân diễn tả rất hay nội tâm Diệu Ngọc:
“Diệu Ngọc cười nói:
- Thấy các người thưởng trăng, lại nghe tiếng sáo thổi, tiện đường tôi cũng đến đây ngắm cảnh nước trong trăng sáng một chút.
[…]
Hai người cầm lấy xem, thấy Diệu Ngọc làm tiếp:
Đỉnh vàng nghi ngút huơng nồng, 
Long lanh châu ngọc như lồng màu son. 
Nghe tiêu gái góa nỉ non, 
Ôm chăn nhờ có a hoàn ủ cho. 
Màn không, phượng những thẫn thờ, 
Bình phong quạnh quẽ, uyên vơ vẩn hồn.
[…]“
Trong Đại Quan viên có am Thủy Nguyệt là nơi các ni cô tình tứ với Giả Cần, là nơi Trí Năng hẹn hò cùng Tần Chung. Thuỷ Nguyệt là bóng trăng trong nước, nhìn thì đẹp đẽ nhưng không có thực, ngoài ra động cái là tan vỡ. Trăng trên bầu trời, bóng trong làn nước, tuy nhìn thấy, nhưng mò không thấy. Rốt cuộc vẫn là không. Tu hành như Diệu Ngọc chẳng khác nào tìm trăng đáy nước. Nửa đêm nàng vẫn chưa ngủ, lại ra ngoài ngắm trăng gió vẩn vơ, phải chăng có tâm sự gì kín đáo? Nếu bạn đọc nghĩ tôi quá đa nghi thì xin mời đọc bài thơ Diệu Ngọc làm sau đó. Một ni cô mà lại nhắc đến đỉnh vàng, hương nồng, châu ngọc, phấn son, lại thấy chăn gối lạnh đến mức thẫn thờ, nỉ non ai oán thì có lẽ ni cô đó nên hoàn tục sớm thôi!
Cành hồng mai đi trước, thiệp sinh nhật theo sau. Đến khi giáp mặt Bảo Ngọc lần cuối cùng, Diệu Ngọc đã không còn có thể che giấu được tình cảm của mình.
Vừa nói, vừa chào Diệu Ngọc, lại cười hỏi:
- Cô Diệu không mấy khi ra khỏi cửa thiền, hôm nay có duyên nợ gì lại xuống trần chơi thế?
Diệu Ngọc nghe nói bỗng dưng đôi má ửng đỏ, cũng không trả lời, chỉ cúi đầu xuống nhìn bàn cờ.
Bảo Ngọc tự nghĩ mình láu táu quá, liền cười và nói lấy lòng:
- Con nhà tu hành thật không giống như bọn người trần tục chúng tôi. Trước hết là giữ lòng cho yên tĩnh; yên tĩnh thì thông minh; thông minh thì sáng suốt.
Bảo Ngọc nói chưa xong, thấy Diệu Ngọc nhè nhẹ ngước mắt lên, nhìn Bảo Ngọc một cái, rồi lại cúi đầu xuống, đôi má dần dần ửng đỏ. Bảo. Ngọc thấy cô ta không để ý gì đến mình, liền thẫn thờ ngồi xuống một bên.
Tích Xuân còn muốn đánh cờ nữa, Diệu Ngọc chậm chạp nói:
- Chốc nữa hãy đánh.
Cô ta liền đứng dậy sửa lại xiêm áo rồi lại ngồi xuống, vơ vẩn hỏi Bảo Ngọc:
- Cậu ở đâu lại đây?
Bảo Ngọc đang cố chờ Diệu Ngọc lên tiếng hỏi để chống chế câu nói của mình lúc trước, bỗng lại nghĩ: “Hay là câu hỏi của Diệu Ngọc có mưu mô gì chăng?” Liền đỏ mặt lên, nói không ra lời. Diệu Ngọc mỉm cười đoạn nói chuyện với Tích Xuân. Tích Xuân cũng cười, nói:
- Anh Hai này, điều đó có gì khó trả lời? Anh lại không nghe người ta thường nói: “Ở chỗ mình mà đến” à? Thế mà cũng đỏ mặt lên, giống như thấy người lạ ấy? 
Diệu Ngọc nghe câu ấy, nghĩ thầm đến bộ dạng mình lúc vừa rồi, động lòng nóng má, tất nhiên là má cũng đỏ, cô ta cảm thấy ngượng, liền đứng dậy nói:
- Tôi đến lâu rồi, phải về am đây.
Diệu Ngọc
Đến đoạn này thì Bảo Ngọc có khờ đến mấy chắc cũng phải chột dạ. Cảnh tượng éo le vừa rồi khiến Tích Xuân đã ngầm hiểu và trong bụng có sự so sánh rằng mình đi tu thì hợp lý hơn nhiều. Tích Xuân sau này nghĩ: “Diệu Ngọc tuy là trong sạch, nhưng trần duyên chưa dứt. Tiếc thay mình lại sinh ở nhà này, tu hành không tiện; nếu mình được tu hành, làm gì có tà ma nhiễu hại! Chắc chắn sẽ lửa lòng lạnh tắt, duyên nghiệp sạch không.” Sau đó Bảo Ngọc đưa Diệu Ngọc ra về, trên đường hai người lại tình cờ nghe bản đàn não nùng đến mức đứt dây của Đại Ngọc, (“Định sẵn chừ, hoài công lo lắng, Sao bằng trăng giữa trời kia lòng trong trắng“) khiến Diệu Ngọc “thất sắc, đứng dậy vội vàng chạy đi.” Có thể nói những lời này đã chạm đến chỗ sâu kín trong tâm sự của Diệu Ngọc, lại cộng thêm sự có mặt của Bảo Ngọc, khiến tâm thần cô ta bị kích động mạnh mẽ. Đêm hôm đó Diệu Ngọc về Chùa đọc kinh phật, nhưng ác thay lại có hai con mèo động tình ở đâu đến gù nhau, khiến cô ta bị khêu gợi. Chả trách ông Lâm Ngữ Đường đã khinh bỉ gọi Diệu Ngọc là người đàn bà cuồng dâm.
Diệu Ngọc sực nhớ lời nói Bảo Ngọc lúc ban ngày, bỗng thấy động lòng nóng tai, vội vàng ổn định lại tâm thần, đi vào buồng thiền, lại lên giường ngồi. Nhưng khốn nỗi thần hồn bất định, hình như muôn ngựa ruổi rong, rồi cảm thấy như là cái giường cứ lắc lư, thân mình không còn ở trong am nữa. Cô thấy có rất nhiều vương tôn công tử đòi cưới mình làm vợ; lại thấy có nhiều bà mối lôi lôi kéo kéo, đẩy mình lên xe, mà mình thì không chịu đi. Một chốc lại thấy kẻ cướp, kẻ trộm cầm dao vác gậy đến bức bách mình. Diệu Ngọc đành phải khóc rầm lên và kêu cứu.
Bọn ni cô, đạo bà trong am nghe tiếng, đều thắp đèn đuốc tới xem, thì thấy Diệu Ngọc hai tay duỗi ra, miệng sè nước bọt. Họ vội vàng gọi tỉnh lại, thấy hai mắt Diệu Ngọc trừng lên, hai má đỏ thắm, miệng mắng:
- Tao có bồ tát phù hộ, bọn kẻ cướp chúng bay dám làm gì?
Diệu Ngọc bị tâm hỏa bốc lên đến mức phát cuồng
Mọi người nghĩ Diệu Ngọc bị âm hồn quấy nhiễu, ai ngờ chính tâm ma của cô ta là ngọn núi lửa phun trào, cuốn Diệu Ngọc vào vòng xoáy dục vọng. Căn bệnh của Diệu Ngọc được miêu tả mang nhiều tính ẩn dụ hơn là bệnh thật. Ông thầy lang bảo Diệu Ngọc bị “tà hỏa nhập vào tim”, hoả là lửa, chính là ý nói Diệu Ngọc có trái tim nóng bỏng.
Tin này đồn ra ngoài, bọn chơi bời lêu lổng nghe được, liền bịa đặt ra nhiều chuyện không đâu. Chúng nói:
- Người chừng ấy tuổi, chịu làm sao được? Vả lại hình dáng phong lưu, tính tình linh lợi, sau này chẳng biết lọt vào tay ai, thì người ấy tốt phúc.
Cuối cùng số phận của Diệu Ngọc đã lọt vào tay ai? Số phận Diệu Ngọc đến hồi kết ở chương “Sống đầy oan nghiệt. Diệu Ngọc bị giặc cướp đi.” Nhan sắc xinh đẹp mà nàng ra sức bảo vệ đã khiến một tên cướp động lòng khi nhìn trộm nàng đánh cờ cùng Tích Xuân. Không kìm được, y bèn dùng muội hương lẻn tới am Lũng Thúy để bắt cóc nàng.
Lúc bấy giờ Diệu Ngọc vẫn tỉnh táo, chỉ không cử động được, nghĩ bụng: “Nó muốn giết mình chăng? Nhưng đã quyết liều mạng, nên cũng không sợ”. Nào ngờ tên kia giắt dao vào sau lưng, giơ tay ra, nhẹ nhàng ôm Diệu Ngọc dậy, đùa cợt một hồi rồi cõng lên trên lưng. Lúc bấy giờ Diệu Ngọc mê man ngây ngất. Thương thay! Một người con gái trong sạch, bị kẻ cướp dùng muội hương làm cho mê mẩn, để mặc cho nó trêu đùa. Tên giặc kia cõng Diệu Ngọc đến bên tường sau vườn, dùng thang dây leo qua. Bên ngoài đã có đồ đảng của nó đem xe chờ sẵn. Người kia để Diệu Ngọc vào trong xe, ngoài treo một chiếc đèn lồng có dấu hiệu quan chức rồi vội vàng đi đến cửa thành. Lúc ấy chính là giờ mở cửa. Quan coi thành chỉ nghĩ là người có việc quan đi ra ngoài nên cũng không kịp tra hỏi. Ra khỏi thành rồi, tên kẻ cướp giục ngựa đi, chừng hai mươi dặm, đến một nơi cùng bọn đồ đảng gặp mặt rồi chia đường đi về miền biển Nam Hải. Không biết sau khi Diệu Ngọc bị cướp đi, có cam chịu nhơ nhớp hay không chịu khuất phục mà chết, chẳng rõ ra sao, khó lòng đoán ra được.
Diệu Ngọc bị kẻ cướp bắt cóc
Theo như ông Dư Anh Thời đã nhận xét, “Diệu Ngọc là một người thanh sạch đệ nhất trong thế giới lí tưởng Đại Quan Viên, và sau khi thế giới đó tan vỡ lại là người lưu lạc vào chốn ô uế nhất của thế giới hiện thực.” Trong Hồng Lâu Mộng người ta đồn đại “Diệu Ngọc động lòng tình dục, bỏ đi theo người” liệu có oan uổng? Bảo Ngọc thì đau buồn, phân vân tự hỏi: “Con người như thế, thường tự xưng là “Người ngoài cửa”, sao mà kết cục lại như thế?” Thái độ của những người khác trong Giả phủ với Diệu Ngọc thì không mấy tốt đẹp:
- Hôm trước nghe nói sư phụ Diệu Ngọc ở am Lũng Thúy đã đi theo người ta phải không?
- Câu nói ấy ở đâu ra thế? Ai nói coi chừng sẽ bị cắt lưỡi đấy? Người ta bị kẻ cướp bắt đi, sao lại nói bậy như vậy?
- Sư phụ Diệu Ngọc là người kỳ quặc, chúng tôi sợ cô ta bày đặt ra thôi. Trước mặt cô, nói ra thì không tiện, chứ cô ta có phải như bọn quê mùa chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ biết tụng kinh niệm Phật, sám hối cho người khác, và cũng tu lấy thiện quả cho mình.
Nhưng đã tu thì phải tu cho đứng đắn. Sư phụ Diệu Ngọc cứ cho mình tài giỏi hơn chúng tôi, cứ chê bọn chúng tôi là tục. Biết đâu có tục mới có “duyên lành”. Còn mình, rốt cuộc lại gặp phải điều khổ lớn!
Nay cô Diệu Ngọc không biết đi đâu rồi. Bao nhiêu nhà cửa ở đó, ni cô giữ nhà cho Diệu Ngọc. không dám làm chủ, chỉ mong có một người trong phủ đến trông coi.Mọi người nói:
- Cái cô Diệu Ngọc nào đó tu ở trong am Lũng Thúy của phủ ta, chẳng phải đã bị người nào bắt đi đấy sao? Có phải người con gái bị bất ấy chính là cô ta không!
Giả Hoàn nói:
- Chắc là cô ta!
- Sao cậu biết được?
- Cái con Diệu Ngọc ấy thực đáng ghét. Suốt ngày nó hay làm bộ, nhưng hễ thấy anh Bảo Ngọc là nó vui tươi hớn hở; có gặp tôi thì nó không thèm nhìn. Nếu quả thực nó bị giết thì tôi cũng thỏa lòng! Giả Vân nói:
- Cũng có phần đáng tin. Hôm trước có người nói một đạo bà trong am ấy nằm mộng thấy Diệu Ngọc bị người ta giết chết rồi.”
Lá số tiền định của Diệu Ngọc đã định cho nàng là viên ngọc quý lấm bùn:
“Muốn sạch mà không sạch
Rằng không chửa hẳn không
Thương thay mình vàng ngọc
Bùn lầy sa vào trong.”
Số phận Diệu Ngọc là phải chịu ô nhục, vừa không thể giữ tấm thân trong sạch, vừa không thể giữ tâm hồn không vướng bụi trần, miễn cưỡng diệt dục, yêu Bảo Ngọc mà lại thất thân với kẻ cướp, cuối cùng lênh đênh không biết về đâu. Hoàn cảnh sống nơi phồn hoa, chết trong loạn lạc này có chút điểm tương đồng với Tào Tuyết Cần. Ông chỉ miêu tả Diệu Ngọc, nhường phần phán xét nàng cho người đọc. Nhưng một thân phận bị giày xéo phũ phàng làm vậy, chúng ta nỡ lòng nào không thương xót sao?
>>>
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3_T%C3%ADch_Xu%C3%A2n
Giả Tích Xuân (phồn thể: 賈惜春; bính âm: Jiǎ Xīchūn ) là nhân vật hư cấu trong tiểu ... nhóm Vũ Bội Hoàng): 
Biết rõ ba xuân cảnh chóng già,: 
Thời trang đổi lấy áo cà sa
Thương thay con gái nhà khuê các,: 
Một ngọn đèn xanh cạnh phật bà ..
Giả Tích Xuân vốn là tiểu thư bên phủ Ninh Quốc, nhưng mồ côi mẹ từ bé, bố là Giả Kính lại chỉ một niềm mộ đạo thích tu tiên, bỏ nhà đi sống chung lộn với bọn đạo sĩ nên Vương phu nhân - vợ Giả Chính và là mẹ Giả Bảo Ngọc- mang sang phủ Vinh Quốc nuôi nấng chăm sóc như các tiểu thư khác.
Tích Xuân còn nhỏ tuổi, rất xinh đẹp nhưng hờ hững, thờ ơ với mọi thứ, kể cả thân thích ruột thịt, chỉ lo giữ thân mình trong sạch thanh tịnh. Nàng không có tài thơ phú như đám chị em khác nhưng lại hiểu đạo Phật, ngôn ngữ hành động đều nhuốm màu thiền. Thân tuy ở chỗ khuê các phồn hoa, tâm nàng lại một mực hướng vào cõi Không.
Tích Xuân cũng là một cô gái tài hoa trong hội hoạ. Khi Già Lưu đến thăm phủ Vinh quốc, Giả Mẫu đã bảo nàng vẽ lại Đại Quan viên làm quà. Trong kết thúc của Cao Ngạc, sau khi nhà bị cướp rồi Diệu Ngọc bị chúng bắt đi, Tích Xuân đâm lo sợ rồi quyết tâm đi vào chốn tu hành. Người nhà đành để nàng để tóc tu tại am Lũng Thúy, nơi Diệu Ngọc trụ trì trước kia.
>>>
 Hình ảnh các tăng ni phật tử trong hồng lâu mộng là những tình huống rời rạc trong hồng lâu mộng nhưng rất nhất quán với nhau: Chùa Thiết Hạm, tiểu sư Trí Năng hẹn hò Tần Chung và định mây mưa trong chùa do "gấp quá". Sau đó cặp đôi này bị Bảo Ngọc bắt gặp. Tiểu sư Trí Năng nhiều lần đến gặp Tần Chung bị cha Tần Chung đuổi đánh.
>>>>
Lâm Đại Ngọc
Cô tịch Cao khiết Mến mộ đồng cảm giấu trong đáy lòng (không tùy tiện bộc lộ)
trần hiểu húc, luân hồi, lâm đại ngọc, hồng lâu mộng, Bài chọn lọc,
Đại Ngọc là cô gái mong manh như hoa phù dung, là trang tuyệt thế giai nhân hiếm có, đến nỗi Giả Bảo Ngọc lần đầu gặp nàng đã đòi đập viên Thông Linh bảo ngọc của mình. Khi mới đến phủ Vinh quốc, nàng được miêu tả:
Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu; Người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân.
Vài lần, Đại Ngọc được tác giả so sánh vẻ đẹp với Tây Thi, như Hồi 27: "Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng; Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn". Hình ảnh đầy thi vị Đại Ngọc chôn hoa đã trở thành hình ảnh kinh điển trong văn học, khắc họa rõ nét một Đại Ngọc tuyệt mỹ cùng tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh như giọt pha lê dễ vỡ của nàng.

Tính cách

Lâm Đại Ngọc tinh khôn, nói lời bỡn cợt, thường rơi vào tình trạng u uẩn, triền miên trong nghĩ ngợi suy tư, tâm hồn nàng vô cùng nhạy cảm như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột, lại cám cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc, chuyện gì cũng nghĩ sâu sắc hơn người, thân thể lẫn tâm hồn đều yếu đuối như giọt sương mai là một trong những tính cách thú vị và nổi bật nhất trong Hồng Lâu Mộng.

Tài năng

Lâm Đại Ngọc là tâm hồn thi phú đích thực. Tài năng của nàng vượt trội hẳn so với đám quần thoa Giả phủ. Nàng vốn thông minh thiên bẩm, lại đọc nhiều học rộng, cầm kì thi họa đều thông hiểu. Trong đó nổi bật nhất là tài ngâm vịnh. Thơ Đại Ngọc tình tứ, đẹp đẽ nhưng luôn ám ảnh một nỗi sầu bi ai oán về thân phận mỏng manh như hoa trôi bèo dạt, khí độ u uất, thấm đẫm nước mắt như cuộc đời nàng. Thực chất tất cả thơ văn trong Hồng Lâu Mộng đều là do chính Tào Tuyết Cần sáng tác.

Các bài thơ ngâm cúc ở Ngẫu Hương tạ[sửa | sửa mã nguồn]

Vịnh cúc (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
Sớm tối ma thơ lẩn quất hoài,
Quanh rào tựa đá khẽ ngâm chơi.
Sương kề ngọn bút thơ giàu tứ,
Trăng rọi trên môi giọng ngát mùi.
Mối hận ngấm ngầm đề chật giấy,
Lòng thu giãi tỏ biết chăng ai?
Phẩm bình từ lúc nhờ Đào lệnh
Cao tiết nghìn thu rộn khắp nơi.
Vấn cúc (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
Chẳng biết thu đâu để hỏi chào,
Vườn đông lẩm nhẩm chắp tay vào.
Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy?
Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?
Vườn móc sân sương buồn kể mấy?
Nhạn về sâu ốm nhớ chăng nào?
Đừng cho không đáng cùng đời truyện,
Biết nói thì đây truyện chút nao.
Cúc mộng (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
Bên rào say giấc tiết thu trong,
Trăng đấy hay mây hãy đợi cùng.
Hoa bướm tiên nào màng Tất lại(3)
Nặng thề bạn những nhớ Đào công.
Mơ màng theo nhạn đàn xao xác,
Sửng sốt thương sâu tiếng não nùng,
Tỉnh giấc, nỗi niềm ai đã tỏ?
Cỏ khô khói lạnh ngổn ngang lòng!
>>>
http://soi.today/?p=198394
Có người đã nhận xét với tôi rằng, dù tôi chưa viết một bài nào chỉ bàn riêng về nhân vật Giả Bảo Ngọc nhưng họ vẫn không cảm thấy thiếu, bởi bài nào cũng có nhắc đến nhân vật này, không ít thì nhiều! Quả thật Bảo Ngọc vừa là nhân vật chính, vừa là chứng nhân cho hầu hết những sự kiện xảy ra trong Hồng Lâu Mộng. Số phận già trẻ trai gái trong truyện từ con hầu Kim Xuyến, con hát Tưởng Ngọc Hàm, trai đẹp Tần Chung,… cho chí ni cô Diệu Ngọc, tiểu thư Bảo Thoa, a hoàn Tình Văn,… đều có gắn bó mật thiết với Bảo Ngọc. Nếu các cô gái trong truyện là những sợi chỉ thêu nhiều màu sắc thì có lẽ Bảo Ngọc chính là cây kim xuyên suốt, nối kết để dệt lên bức tranh Hồng Lâu Mộng muôn vẻ. Sở dĩ tôi trù trừ chưa muốn viết về Bảo Ngọc cũng một phần vì muốn các bạn đọc có thời gian cảm nhận sự hiện diện của cậu ta qua các nhân vật khác. Rốt cuộc thì cũng đã đến lúc chúng ta dành thời gian cho “hòn đá vô tích sự” này. Tuy nhiên nhân vật này có nội hàm rất rộng, vì thế ở bài này, để tránh lan man, sa đà, chúng ta chỉ bàn về tính nữ của Bảo Ngọc.
Trong những nỗ lực cảm nhận nhân vật Bảo Ngọc, có lẽ sai lầm lớn nhất là nhìn cậu ta dưới lăng kính của hiện thực. Nếu chúng ta phán xét Bảo Ngọc như một người bình thường, ắt hẳn đa số người đọc sẽ không có mấy thiện cảm: nhân vật này tính tình không quyết đoán, ít có khí độ của bậc tu mi nam tử, tối ngày lại kề cận đám phấn son, quả thật không có gì hay. Nhưng vì không thích Bảo Ngọc mà kết luận Hồng Lâu Mộng không có giá trị văn học hoặc Tào Tuyết Cần hồ đồ thì thật nhầm lẫn. Hồng Lâu Mộng hoàn toàn không phải một cuốn sách giáo khoa dạy đạo đức. Tào Tuyết Cần xây dựng lên Bảo Ngọc, cũng như Lỗ Tấn viết về AQ với phép thắng lợi tinh thần, Emily Bronte mô tả Heathcliff yêu cuồng dại, càng không nhằm mục đính biến đứa con tinh thần của mình thành hình mẫu lý tưởng đáng học tập. Với Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần cố tình khắc hoạ tính “lưỡng cực” (bipolarity): Bảo Ngọc vừa già (xuất hiện từ buổi khai thiên lập địa) vừa trẻ (trong truyện là cậu thiếu niên), vừa sống ở hiện tại vừa đặt một chân vào cõi ảo mộng, vừa là người vừa là thần, vừa có phong thái của Đạo gia vừa theo Phật pháp. Tính nữ của Bảo Ngọc chính là đối trọng của tính nam trời sinh, cấu thành một phần không thể thiếu trong con người Bảo Ngọc.
Trước hết, khi Bảo Ngọc xuất hiện, hình dáng ra sao?
Khi vào, thoạt nhìn thì thấy một thanh niên công tử: đầu đội mũ kim quan dát ngọc, khăn bịt trán có đính hai con rồng bằng vàng vờn hạt châu, mặc áo chẽn màu đại hồng thêu trăm con bươn vờn hoa, thắt lưng dây tơ ngũ sắc tết hoa, áo khoác ngoài bằng đoạn hoa màu thạch thanh, đi đôi hài bằng đoạn xanh, đế trắng, mặt như trăng rằm mùa thu, sắc như hoa xuân buổi sớm, mái tóc bằng như dao xén, lông mày rõ như mực kẻ, má như cánh hoa đào, mắt như làn sóng gợn. Lúc giận cũng như cười, dù trừng mắt vẫn có tình tứ. Cổ đeo khánh vàng chạm con ly và một dây ngũ sắc buộc viên ngọc.
.
Đây là lần đầu tiên người đọc được diện kiến Bảo Ngọc, ấn tượng có thể nói là rất mạnh mẽ. Tổng cộng, Tào Tuyết Cần dụng công miêu tả tám thứ phục sức trên người Bảo Ngọc (mũ, khăn, áo chẽn, thắt lưng, áo khoác, hài, khánh, dây buộc ngọc) và tám nét nổi bật trên gương mặt cậu ta (mặt, sắc diện, mái tóc, lông mày, má, mắt, vẻ mặt khi giận, khi cười.) Quả thật là người đẹp như ngọc không sai! Nhưng thử đọc kỹ mà xem, những so sánh ước lệ trăng rằm, hoa xuân, hoa đào, làn sóng dường như phù hợp để miêu tả một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành hơn là đấng mày râu. Và trang phục màu đại hồng, thạch thanh đầy nữ tính được thêu bướm, kết hoa càng khiến ý đồ của tác giả “rõ đến không thể rõ hơn”. Hình dáng Bảo Ngọc chính là của một cô gái xinh đẹp thướt tha, hơn nữa còn có hơi hướm giống món đồ vật trang trí. Tào Tuyết Cần cố tình cho Bảo Ngọc ăn mặc thật xúng xính, dường như qua đó “objectify” Bảo Ngọc như một con búp bê vậy. Vẻ ngoài của Bảo Ngọc còn mang đầy màu sắc hưởng lạc và ẻo lả, hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của Nho giáo. Tào Tuyết Cần ngạo nghễ dựng lên một nhân vật chính đi ngược lại hoàn toàn hình ảnh nam nhi đại trượng phu, phải chăng là để thách thức lễ giáo truyền thống?
Hình dáng bên ngoài thì như vậy, còn giọng nói, dáng đi của Bảo Ngọc cũng dễ khiến người ta nhầm lẫn. Trong truyện có rất nhiều ví dụ ẩn ý về sự nhập nhằng giới tính của cậu Bảo, đơn cử như:
Già lưu say rượu loạng quạng đến ngủ ở Di Hồng viện của Bảo Ngọc, khi tỉnh dậy:
Già Lưu vâng lời. Tập Nhân lại cho uống hai chén nước trà, già Lưu mới tỉnh rượu, liền hỏi:
- Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch sự thế? Khác nào được lên trời vậy!
Tập Nhân mỉm cười nói:
- Buồng ấy à? Là buồng ngủ của cậu Bảo đấy.
Già Lưu say rượu vào nhầm buồng Bảo Ngọc
Giả Mẫu cũng bị nhầm:
Nói chưa dứt lời, thấy phía sau Bảo Cầm có một người mặc áo da vượn màu đỏ đi đến. Giả mẫu hỏi:
- Lại cô ả nào nữa đấy?
- Chúng cháu ở đây cả, chắc là cậu Bảo Ngọc.
- Ta càng ngày càng sinh lóa mắt.
Hai người đi đến, chính là Bảo Ngọc và Bảo Cầm.
Vưu Tam Thư khi nói về Bảo Ngọc:
Xem cách ăn nói, cách xử sự của cậu ấy có vẻ hơi giống con gái. Đó là vì ngày nào cậu ấy cũng ở chung trong đám chị em, thành ra thói quen, chứ hồ đồ ở chỗ nào?
Dính Yên thắp hương cầu nguyện:
Người ở cõi âm, phù hộ cho cậu Hai tôi kiếp sau sinh làm con gái, để cùng chị em các người vui đùa một nơi, không còn là hạng mày râu nhơ bẩn nữa.
Dính Yên cầu cho Bảo Ngọc kiếp sau được hoá thành con gái
Giả Mẫu nhận xét về Bảo Ngọc:
Ta không hiểu sao và cũng chưa thấy đứa trẻ con nào như thế cả. Đối với người khác thì nó bướng bỉnh đấy, nhưng riêng đối với bọn a hoàn lại rất tử tế. Khó thấy có ai được như nó. Vì vậy ta sinh nghi, thường để ý xem xét, thấy nó cứ đùa với bọn a hoàn, chắc là người lớn thì tính tình cũng lớn, đã biết chuyện trai gái, nên mới gần gũi bọn chúng. Nhưng dò xét kỹ, lại hóa không phải. Thế mới lạ chứ? Có lẽ nó là một con a hoàn đầu thai lầm cũng nên.
Ở đây lại phải làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm “sex” – giới tính sinh học, và “gender” – giới tính xã hội. Về mặt sinh học thì Bảo Ngọc rõ ràng là nam giới, điều này không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng về mặt tâm lý, tính cách, hành vi, cử chỉ thì mù mờ hơn. Sự rối loạn giới tính của Bảo Ngọc xảy ra từ khi cậu ta còn rất nhỏ:
Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng. Giả Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý lắm.
Số đông mọi người khi đọc đến đây thì cũng như Giả Chính và Tử Hưng, cho rằng Bảo Ngọc lớn lên sẽ trở thành con quỷ hiếu sắc. Đấy là một suy luận thiển cận. Trên thực tế, hành vi chọn phấn son, trâm vòng của Bảo Ngọc là báo trước nữ tính tiềm ẩn của cậu ta. Nói theo cách khác, Bảo Ngọc chọn chúng vì bản thể chàng có một nửa là nữ, chứ không phải vì cậu ta ham muốn phụ nữ. Giả Chính bắt Bảo Ngọc lựa đồ chơi, qua đó gián tiếp ép buộc cậu ta đối mặt với hai giới tính đối chọi nhau, đó là điềm báo trước bi kịch của Bảo Ngọc. Trong truyện, cậu ta thường xuyên phải ra quyết định: chọn giữa mộng ảo và đời thực, giữa Nho giáo và Phật giáo, giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa. Khuynh hướng lưỡng tính chỉ là một trong số vô vàn cuộc đấu tranh mà Bảo Ngọc phải trải qua, như là đánh đổi cho việc trải nghiệm cuộc sống phù hoa dưới trần thế.
Bảo Ngọc chơi đùa cùng các tiểu thư
Như đã nhắc đi nhắc lại, nơi ở của các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng có ý nghĩa không thể xem thường. Trong Đại Quân viên, Bảo Ngọc chọn viện Di Hồng làm chỗ trú ngụ. Di Hồng viện tên vốn đã mang đậm mùi son phấn, lại là rút gọn của “di hồng khoái lục”, hay “hồng hương lục ngọc”. Bảo Ngọc có cả hồng (màu đỏ) và lục (màu xanh) tức là có cả tính nữ và tính nam, nhưng lại nghiêng về hồng nhiều hơn là lục.
Trong truyện, Bảo Ngọc gắn bó sâu sắc với màu đỏ. “Hồng lâu” là nơi “êm đềm trướng rủ màn che” cậu ta ở đã đành, Bảo Ngọc còn đam mê phấn sáp, thích thú son môi.
Nhân thấy hai bên tủ gương có nhiều đồ phấn sáp, tiện tay lấy ra ngắm nghía. Khi thấy một hộp sáp bôi môi, Bảo Ngọc muốn bỏ vào miệng ăn, lại sợ Tương Vân cười.
Còn sau đây là cảnh Bảo Ngọc dỗ dành Bình Nhi sau khi nàng bị Phượng Thư đánh ghen, chẳng hề đượm màu tán tỉnh sắc dục trai gái, mà giống như bạn gái giúp nhau trang điểm thì đúng hơn!
Bình Nhi nghe nói có lý, liền đi tìm phấn, nhưng không thấy. Bảo Ngọc vội chạy đến đài trang, mở cái hộp sứ Châu Tuyên ra, trong hộp đựng một lượt mười thoi phấn hoa ngọc trâm, lấy ra một thoi đưa cho Bình Nhi, cười nói:
- Đây không phải là phấn thường đâu, là giống hoa dạ hương nghiền nát ra, chế với thứ bột thượng hảo hạng đấy.
Bình Nhi để lên trên tay xem, quả nhiên vừa nhẹ, vừa trắng, vừa đỏ, vừa thơm, xoa lên mặt thấy da mịn và mát, không bết như thứ phấn khác. Sau thấy một cái hộp ngọc trắng nhỏ, trong đựng một hộp sáp màu đỏ tươi như cao văn khôi, chứ không phải từng tờ một. Bảo Ngọc cười nói:
- Sáp bán ở hiệu không sạch, màu lại chóng bay. Đây là hạng sáp tốt nhất, vắt nước ra, lọc sạch rồi hòa lẫn với sương ở trong hoa, đem nấu lên. Chỉ lấy cái trâm nhỏ khêu một tí xát vào môi; lại lấy một giọt hòa lẫn nước với sáp vào lòng bàn tay rồi xoa lên mặt cũng đủ.
Bình Nhi cứ theo thế trang điểm, thấy tươi đẹp khác thường và mùi thơm ngào ngạt. Bảo Ngọc lại lấy một cành hoa huệ ở trong chậu dùng dao tre cắt đem cắm lên đầu cho Bình Nhi.
Bảo Ngọc giúp Bình Nhi trang điểm
Hay đoạn Hương Lăng nói Bảo Ngọc quay mặt đi để thay quần:
Bảo Ngọc cúi đầu nhìn, “úi chà” một tiếng nói:
- Tại sao chị lại bị kéo xuống bùn thế này? Đáng tiếc! Lụa đỏ thạch lựu này dễ bẩn lắm!
[…]
Hương Lăng đỏ mặt cười nói:
- Cám ơn chị lắm, không ngờ bọn quỷ sứ ấy nó làm ác.
Nói xong cầm lấy cái quần, giở ra xem, quả nhiên giống hệt cái quần của mình, liền bảo Bảo Ngọc quay mặt đi chỗ khác rồi ngoảnh vào phía trong cởi quần bẩn ra, mặc quần mới vào.
Bảo Ngọc quay lưng để Hương Lăng thay tấm quần hồng lăng
Đến đây chúng ta đã gần chạm tới cội rễ vấn đề sâu xa của Bảo Ngọc. Bảo Ngọc coi trọng phụ nữ, cho rằng “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy” không xuất phát từ vị thế nâng niu gái đẹp của đàn ông, mà là đồng bệnh tương liên. Bảo Ngọc có một nửa nữ tính, thậm chí “nửa dôi” là đằng khác, nên sự yêu mến, âu yếm, thương xót của cậu ta với các chị em chính là sự đồng cảm của nữ giới. Trong Hồng Lâu Mộng, ta chứng kiến sự bảo vệ che chắn kỹ lưỡng của mọi người trong phủ với Bảo Ngọc, từ Giả Mẫu, Vương phu nhân, Phượng Thư cho đến các a hoàn, đến mức cậu ta phàn nàn với Tần Chung rằng mình chẳng được bước chân ra khỏi cửa! Kiểu kín cổng cao tường đó vốn chỉ dành cho các tiểu thư, nhưng Bảo Ngọc đã bị đồng hóa với những cô gái trong phủ nên dường như không ai lấy đó làm điều kỳ dị.
Bảo Ngọc quây quần trong đám a hoàn
Nếu về mặt “gender”, Bảo Ngọc là người lưỡng tính, thì “sexuality” (xu hướng tình dục) của Bảo Ngọc có thể được phân loại là song tính luyến ái (bisexual.) Tạm chưa bàn đến những mối tình với nữ giới của Bảo Ngọc vội. Trong những nhân vật nam của Hồng Lâu Mộng có ba dạng chính:
- Loại đàn ông theo tư tưởng Khổng Mạnh một cách khuôn phép (Giả Chính, Chân Bảo Ngọc) hoặc Đạo giáo (Giả Kính ham mê luyện đan để trường sinh bất lão), lạnh nhạt, không gần nữ sắc, bất cận nhân tình. Với những người này Bảo Ngọc có quan hệ rất hời hợt, bởi cậu ta không có cùng chí hướng, quan điểm với họ.
- Loại đàn ông thích hưởng lạc, ham mê dục tình. Những người này rất đông, phần lớn đều là anh em chú bác của Bảo Ngọc: Giả Trân, Giả Xá, Giả Liễn, Giả Dung, Tiết Bàn,… Đối tượng ham muốn của những kẻ này cũng bao gồm của nam và nữ, cách cư xử thì rất hèn hạ. Với những nhân vật này Bảo Ngọc muốn tránh xa, thâm tâm cậu coi thường và ghê sợ họ. Trong mắt Bảo Ngọc, những đối tượng này chỉ có “dâm” mà không có “tình”, vì thế họ nhơ nhớp và xấu xa.
- Loại đàn ông mềm mại, đẹp đẽ, có tâm hồn lãng mạn, trong sáng. Những người này gồm Tần Chung, Tưởng Ngọc Hàm, Bắc Tĩnh Vương, Liễu Tương Liên… Đặc điểm nổi bật của họ là khuynh hướng bị nữ tính hóa giống như Bảo Ngọc. Mối giao lưu thân cận của Bảo Ngọc với những nhân vật này ngả sang xu hướng tri kỉ-tình yêu, thậm chí gần với tình dục. Những mối quan hệ này được khắc hoạ thanh cao, trong sáng bởi nó không gắn với mục đích sinh sản mà dựa trên sự tương hợp giữa hai tâm hồn, giống như người Hy Lạp cổ nhìn nhận tình yêu nam-nam (pederasty.)
Bảo Ngọc chán ngán khi phải giao tiếp với đám văn nhân khách khứa của Giả Chính
Một số trích đoạn trong sách:
Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, xem ra dáng điệu tươi đẹp như hoa; Tần Chung thì bẽn lẽn nhu mì, chưa nói đã đỏ mặt, ngượng nghịu như con gái; Bảo Ngọc thì nhũn nhặn dịu dàng, nói năng hòa nhã. Vì hai người thân mật với nhau như thế nên tránh sao khỏi sự ngừ vực của một số học trò. Lúc vắng mặt thì người nói thế này, kẻ nói thế khác, giễu cợt, gièm pha khắp cả trong và ngoài lớp học.
Có hai đứa không biết con cái nhà ai, tên tuổi là gì, chỉ vì thấy chúng có vẻ lẳng lơ, nên cả trường đặt tên cho một đứa là Hương Lân, một đứa là Ngọc ái. Có nhưng người mến thích chúng, định đem lòng không tốt đối với lũ trẻ nhưng lại sợ uy thế Tiết Bàn, nên không ai dám vương vào. Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, thấy hai đứa ấy trong bụng cũng vấn vương trìu mến, nhưng biết là bạn tương tri của Tiết Bàn, nên cũng không dám động chạm đến. Hai đứa Hương Lân, Ngọc ái đều để ý đến Tần Chung và Bảo Ngọc. Bốn người sẵn có tình ý với nhau, nhưng chưa dám lộ ra ngoài. Mỗi khi vào học, họ ngồi riêng bốn chỗ, nhưng tám mắt vẫn liếc nhau, hoặc đặt lời mượn ý, vịnh dâu ngắm liễu, xa tỏ nỗi lòng.
Bảo Ngọc đến thăm Tần Chung hấp hối.

[…]
Một chốc, Bảo Ngọc ra ngoài đi giải, Tưởng Ngọc Hàm theo ra. Hai người đứng ở dưới thềm, Tưởng Ngọc Hàm lại xin lỗi một lần nữa. Bảo Ngọc thấy hắn mềm mại nhu mì, liền nắm chặt lấy tay nói:
- Lúc nào rỗi sang chơi tôi nhé. Tôi muốn hỏi một điều, trong ban hát ta có một người tên là Kỳ Quan, nổi tiếng nhất thiên hạ, tiếc tôi vô duyên, không được gặp.
Ngọc Hàm cười đáp:
- Đó là tên tục của tôi đấy.
Bảo Ngọc mừng lắm, giậm chân cười nói:
- Thực là may, thực là may! Quả nhiên tiếng đồn không sai. Giờ mới gặp lần đầu, biết làm thế nào đây.
Nghĩ một lúc rồi lấy cái quạt ở trong tay áo ra, cởi viên ngọc ở dây quạt đưa cho Kỳ Quan và nói:
- Vật nhỏ này không đáng bao nhiêu, gọi là tỏ mối tình ngày hôm nay.
Kỳ Quan cầm lấy, cười nói:
- Tôi không có công gì, đâu đáng nhận đồ tặng. Nhưng thôi, tôi cũng có một vật lạ, sáng hôm nay mới thắt vào người, hãy còn mới nguyên, xin tặng lại cậu, để tỏ lòng quý mến của tôi.
Nói xong hắn vén áo lên, cởi cái thắt lưng lụa màu hồng, thắt trong áo lót, đưa tặng Bảo Ngọc và nói:
- Cái thắt lưng này là đồ cống của nữ quốc vương nước Phiến Hương, mùa hè thắt vào, da thịt thơm nức, không có mồ hôi. Hôm nọ Bắc Tĩnh vương cho, tôi vừa mới thắt vào người. Tôi không bao giờ định tặng ai. Xin cậu cởi cái thắt lưng của cậu ra cho tôi.
Bảo Ngọc nghe nói mừng quá, vội nhận ngay, và cởi thắt lưng màu hoa tùng của mình đưa cho Kỳ Quan. 
Việc con nhà quyền quý có tình nhân ở cả hai giới không phải điều gì kỳ lạ lắm, thậm chí nó còn là một cách biểu lộ quyền lực là đằng khác. Mấu chốt ở đây là những người đàn ông quý tộc kia luôn đứng ở vị trí săn đuổi trong hành trình tìm kiếm khoái lạc. Mỹ nữ hay mỹ nam cũng chỉ là một món đồ chơi trong tay họ. Tiết Bàn chính là một kẻ như vậy. Còn Bảo Ngọc tuy thân đường đường con nhà dòng dõi mà lại mang dáng vẻ yếu mềm, óng ả như vậy thì thật không thể hiểu nổi! Sự thanh nhã, tú lệ của Bảo Ngọc tương phản hẳn với vẻ rượu thịt, thô bỉ của Tiết Bàn. Trong thực tế, điều duy nhất bảo vệ Bảo Ngọc khỏi sự tấn công tình dục của Tiết Bàn là địa vị tôn quý của Bảo Ngọc, ngang hàng – thậm chí cao hơn Tiết Bàn. Nếu Bảo Ngọc chỉ là tiểu đồng nhỏ thì chắc đã bị Tiết Bàn vồ lấy như diều hâu quắp gà con.
Chi Nghiễn Trai có liệt kê mười hai nhân vật đa tình nhất trong Hồng Lâu Mộng, trong đó Bảo Ngọc đứng đầu tình bảng, còn Đại Ngọc đứng thứ hai. Đại Ngọc là “tình tình,” còn Bảo Ngọc là “tình bất tình,” nghĩa là luyến ái cả những người không yêu mình (Bảo Thoa không có mặt trong danh sách này, nên thường bị gọi là “lãnh tình”.) Trong tình bảng thì Bảo Ngọc là nhân vật nam duy nhất, nhưng trong yêu đương lại mang nhiều tính nữ hơn cả. Bảo Ngọc không chỉ có xu hướng đồng tính nam mà trong quan hệ ái ân nam nữ, cậu ta cũng thường đóng vai trò thụ động. Người khác hời hợt nhìn vào có thể nghĩ Bảo Ngọc là kẻ khinh bạc vô hạnh, hay buông lời gió trăng, cử chỉ không đúng đắn với các chị em. Nhưng trên thực tế những hành động của Bảo Ngọc đa phần đều bị thúc đẩy bởi tình yêu cái đẹp, sự đồng cảm, gần gũi hơn là bản năng của một “con đực.” Khi gặp sự tấn công ồ ạt của tình dục, Bảo Ngọc co lại sợ hãi:
Chợt chị dâu Tình Văn cười hì hì vén màn đi vào nói:
- Giỏi nhỉ! Hai người trò chuyện với nhau, tôi nghe thấy cả rồi! – Chị ta quay lại nói với Bảo Ngọc: – Cậu là chủ nhà, vào buồng đầy tớ làm gì? Thấy tôi xinh đẹp, cậu định đến đây ghẹo tôi hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói, sợ quá, vội cười van xin:
- Chị ơi, xin đừng nói to. Chị ấy lâu nay hầu hạ tôi, giờ tôi lẻn đến đây thăm chị ấy.
Cô “Đa” liền kéo Bảo Ngọc vào nhà trong, cười nói:
- Cậu không muốn tôi kêu thì cũng dễ thôi, cậu chỉ nghe tôi một điều này.
Nói xong, chị ta ngồi ngay lên trên giường, kéo Bảo Ngọc vào trong lòng, hai đùi cặp chặt lấy. Bảo Ngọc xưa nay chưa thấy thế bao giờ, tim đập thình thịch, người thấy rạo rực, cuống quá, mặt đỏ bừng, vừa thẹn vừa nói:
- Chị ơi, đừng đùa thế.
Cô “Đa” lẳng lơ con mắt, cười nói:
- Hừ! Ngày thường, nghe nói cậu vẫn quen sống trong trường trăng gió, sao hôm nay lại nhút nhát thế?
Bảo Ngọc càng đỏ mặt, cười nói:
- Chị buông tay ra, có chuyện gì chúng ta sẽ tử tế nói với nhau, để cho bà già bên ngoài nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Cô “Đa” cười nói:
- Tôi về đây từ lâu, đã bảo bà già ấy đứng chờ ở ngoài vườn rồi. Tôi hàng ngày ao ước biết nhường nào, bây giờ mới được gặp, nhưng đúng như câu: “Nghe tiếng không bằng gặp mặt”. Tôi trông dáng người cậu đẹp thế này, mà lại là cái xác pháo rỗng ruột, chỉ có cái vẻ thôi, coi chừng nhút nhát e lệ hơn người ta nhiều. Đủ biết miệng người ta nói có khi không đáng tin. Như lúc nãy, tôi cứ tưởng chắc chắn hai người ngày thường thế nào cũng thầm vụng với nhau. Khi tôi đứng ở dưới cửa sổ nghe ngóng một lúc lâu trong nhà chỉ có cậu với cô ấy, tôi chắc rằng sẽ nói đến nhiều chuyện thậm thụt với nhau. Nhưng xem ra, thì hai người thật chưa có gì dan díu cả. Thật là ở đời có nhiều sự oan uổng. Bây giờ tôi rất ăn năn đã ngờ cho cậu. Đã vậy cậu cứ yên tâm, cứ việc đến, tôi không dám to tiếng.
Ngoại trừ lần đầu tiên với Tập Nhân, Bảo Ngọc không có mối quan hệ tiền hôn nhân nào khác, bất chấp rất nhiều cơ hội. Nếu không có cô “Đa” minh oan cho, có lẽ người đọc chắc vẫn còn nghi oan cho Bảo Ngọc! Đoạn trên cũng khắc hoạ sự ngượng nghịu, e dè của Bảo Ngọc trước dục vọng mãnh liệt của người đàn bà từng trải. Xét một cách tổng thể, từ cử chỉ, hành vi, tính tình, Bảo Ngọc chính là một ví dụ tiêu biểu cho cái gọi là “một nửa đàn ông là đàn bà.”
Vậy thì mục đích của Tào Tuyết Cần trong việc mô tả một Bảo Ngọc nửa nam nửa nữ, ái nữ ái nam là gì? Nếu coi bản thể nam giới là “cái tôi”, thì bản thể nữ giới là “cái bên ngoài cái tôi”. Thông qua Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần đã đề ra một giải pháp dung hòa giữa cái tôi cá nhân và thế giới. Vì biểu lộ đồng thời cả tính nam và tính nữ, Bảo Ngọc không tránh khỏi bị gắn mác lập dị, bị cả hai giới từ chối cho gia nhập. Đó là bi kịch khi cá nhân không được sự chấp nhận của tập thể. Bảo Ngọc là nhân vật duy nhất đạt tới cảnh giới giác ngộ, vượt khỏi bể trầm luân, điều đó tốt hay xấu? Tôi nghĩ đó là một cái kết khá bi quan, bởi cái tôi cá nhân đã không thể hòa hợp với thế giới bên ngoài, chỉ còn cách trốn chạy. Jacques Derrida đã miêu tả một xã hội utopia, nơi những cá thể như Bảo Ngọc có thể sống tự do, hạnh phúc mà không sợ khuôn khổ áp đặt. Có điều Hồng Lâu Mộng chưa bao giờ là một utopia…

Giả Bảo Ngọc xuất thân là một công tử quyền quý trong nhà họ Giả và có những mối tình ngang trái với những cô gái trong gia đình này. Giả Bảo Ngọc khi sinh ra đã ngậm một viên "Thông linh Bảo Ngọc", là niềm hi vọng của gia đình họ Giả nhưng anh ta là kẻ lười biếng, ghét thi thư. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra.
Lâm Đại Ngọc cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử, làm quan và lánh xa công danh phú quý nhưng Bảo Thoa, chị họ, và cũng là một người yêu khác của Bảo Ngọc lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ. Lúc ban đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa và Đại Ngọc song dần dần, nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh cái lợi, nên Bảo Ngọc đã hết lòng yêu Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa và kiên quyết phản đối đôi uyên ương này. Trải qua nhiều biến cố và sóng gió nhưng Bảo Ngọc không lấy được Đại Ngọc nên phẫn uất hộc máu mà chết.
>>>>

No comments:

Post a Comment