Wednesday, January 18, 2017

GIA ĐÌNH ÔNG TIẾN HẢI

Image may contain: 4 people, people smiling, people standing

Image may contain: 7 people, people standing, suit and outdoor
shared Vu Minh Duc
GIA ĐÌNH HỌ VŨ VÀ TẤM GƯƠNG CHA MẸ
Vũ Minh Trí kể: “Tôi nhớ nhất là mỗi buổi sáng, trước khi ba đi làm, nhà có cái bảng đen rất lớn, ba giao bài cho từng người, chị lớn chỉ bài cho em nhỏ, làm thế nào khi ba về bài vở phải xong xuôi. Cứ theo truyền thống đó chị em tôi gần như không đi học thêm…”
“Ba mẹ đặt chỉ tiêu rất cao, phải vào Bách khoa hoặc Y, Dược hết, vì ba muốn sau này mở một bệnh viện tư. Nhiều người nghĩ ba mẹ tôi mất quá sớm, nhưng được cái ông bà đã cho con học hành đầy đủ, dạy dỗ con những nền tảng gia đình quan trọng nhất. Vì thế dù sau này có khó khăn bất trắc gì thì niềm tin vững vàng vào những giá trị gia đình sẽ giúp mình vượt qua hết…”
... Cha rèn khí chất
Không chỉ truyền dạy cho con kiến thức, cha cũng là người rèn cho các con tố chất lãnh đạo và các kỹ năng sống cần thiết để trở thành con người toàn diện.
Vũ Minh Trí tâm sự: “Ba là người có tố chất lãnh đạo tốt. Đôi khi anh em ngồi nói chơi “ba liều nhất, cái gì cũng làm”.
“Lúc trường công có vấn đề, ba lập trường tư tại nhà. Ba tin tưởng một số giáo trình ba có từ thời Pháp là đúng. Môn gì ba cũng dạy, từ toán, tiếng Anh, văn và tiếng Pháp. Bất kỳ việc gì ba cũng tự học, tự làm. Ngôi nhà của gia đình ba cũng tự xây. Ba còn thiết kế và xây dựng, biến ngôi chùa nghèo trong xóm thành một ngôi chùa khang trang. Ba thích thử thách, đem cái đó thử thách hết cả nhà. Ba rất khó tính, khó gần, nghiêm khắc lắm.
“Nhà tôi ngày xưa có cái hồ cá. Khi ba đi vắng, mấy anh em hay lội xuống bắt cá, với ba không được. Ba nhìn ra những rủi ro tiềm ẩn. Mỗi lần chúng tôi vi phạm bị ba xử lý nghiêm khắc lắm. Nhưng ngược lại, có những việc sai trầm trọng lắm thì với ba không vấn đề gì. Hồi đó một chiếc xe đạp là cả gia tài rất lớn, nhưng khi tôi làm mất xe đạp, về nhà sợ gần chết, không ngờ ba mẹ coi đó là chuyện thường thôi, đối với ba chỉ là bất cẩn.
“Điều đó ảnh hưởng đến tôi sau này. Nếu muốn đạt được mục tiêu, chính mình phải dấn thân làm để anh em thấy. Người lãnh đạo phải nhìn xa để thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ những việc rất đơn giản. Đất nước mình hay có thủ tục chia phần trăm, và coi việc đó là bình thường, nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Vì như thế dễ thoả hiệp những cái khác, làm ảnh hưởng tới hình ảnh Microsoft trong lòng mọi người…
“Nhà tôi ngày xưa có một chiếc ôtô, ba tự lái chở các con đi học bơi ngay con sông gần nhà, rồi học võ. Dù bữa ăn trong nhà độn khoai nhiều hơn cơm, nhưng cứ 5 giờ sáng ba bắt các con dậy tập chạy, tự làm bàn bóng bàn cho các con chơi, đúc ximăng làm tạ cho các con tập, nhờ học đầy đủ kỹ năng sống làm cho con người mình khác đi, chủ động hơn trong mọi tình huống”.

... Mẹ nuôi dưỡng tâm hồn
Ngược lại với cha, mẹ luôn là người lo lắng, che chở mấy chị em để đỡ bị ba la. Mẹ dịu dàng, nấu ăn rất ngon. Mẹ là người miền Trung, vào Biên Hoà sinh sống, một tay mẹ lo lắng kinh tế trong nhà để nuôi nấng các con.
Trí nhớ lại: “Có thời điểm ba ngồi lại nói chuyện với các con phải tiết kiệm để lo cho các con ăn học, mẹ cứ nói yên tâm đi. Mẹ không muốn các con phải xao lãng. Mẹ cưng anh Đức và tôi nhất nên mỗi lần đi đâu xa về có gì cũng kể cho mẹ nghe. Dù mẹ đã mất, tôi vẫn không quen được thói quen là mẹ không còn nữa. Mẹ rất rành về nghi lễ tụng niệm trong đạo Phật, nên việc cúng kiếng hai nhà nội ngoại một tay mẹ quán xuyến hết”.
“Mẹ luôn nói tôi mai mốt lớn lên cố gắng thành người tốt. Định nghĩa về người tốt dần vỡ ra, tuỳ thời điểm ngày một lớn dần lên, đi theo tụi tôi suốt. Tôi theo đuổi việc giúp đỡ cho các em bé của làng Hy vọng Đà Nẵng nhiều năm nay, vì quê mẹ ở đó. Tôi cũng dẫn con theo, để con hiểu được đem lại niềm vui cho người khác hạnh phúc thế nào… Ba mẹ làm nhiều việc để tích phước cho chúng tôi, để chúng tôi thành đạt như hôm nay, thì mình cũng phải làm gì đó để tích phước cho con cái chứ”. Trí ngậm ngùi kể.

... Gieo tử tế, gặt hạnh phúc
Với bác sĩ Vũ Minh Đức, sự tử tế của một bác sĩ dành cho bệnh nhân đòi hỏi cao hơn sự tử tế của con người với con người, vì nó còn liên quan đến kiến thức, trách nhiệm và sự hết lòng. Một bác sĩ giỏi mà không tử tế, thậm chí còn tai hại hơn một bác sĩ bình thường. Nhưng trước hết, phải tử tế với bạn bè, người thân, rồi mới có thể tử tế được với xung quanh.
Vũ Minh Đức kể: “Từ nhỏ tụi em đã cùng chơi chung với nhau những trò chơi con nít, từ đó mới có tình thương anh em. Ngoài sinh hoạt gia đình, ba mẹ cho đi theo gia đình phật tử, mình thấy sinh hoạt tập thể vui thôi, nhưng lồng ghép vào dạy giáo lý là những bài học về bi, trí, dũng, lòng hiếu thảo… sự tử tế cứ thế len vào sinh hoạt hàng ngày".
“Sự tử tế lớn nhất của cha mẹ với con của mình, không nằm ở cái hôn hít chiều chuộng, mà bằng hành động cụ thể. Mẹ bán tạp hoá suốt ngày đêm để lấy tiền nuôi cả gia đình đông con, nhưng cứ tới giờ con tan học lại lấy xe đạp chạy xuống trường, nhiều khi chỉ mang bình nước lọc, cái bánh cho con, rồi đón con về. Hình ảnh mồ hôi nhỏ ròng ròng trên tóc mai của mẹ khi đạp xe leo dốc chở tôi đi học về khiến tôi nhớ mãi…"
“Tử tế không thể dạy một sớm một chiều, mà phải dạy hàng ngày. Đó là lý do vì sao tôi rời bỏ môi trường bệnh viện công, để lập bệnh viện tư. Tôi muốn toàn tâm toàn ý cho bệnh nhân, chủ động xây dựng môi trường gắn kết thầy thuốc – bệnh nhân đúng nghĩa".
“Ngoài vai trò chuyên môn, tôi muốn thử nghiệm mình ở vị trí mới, là người đầu tàu kéo theo anh em để cùng xây dựng phong cách mới, nhân văn hơn cho một bệnh viện. Một nơi làm tốt là nơi bác sĩ có thể thả lòng tử tế đến với bệnh nhân, không sợ bị rào cản, bị chi phối. Mình tìm môi trường để sống thật nhất, có thể nhân rộng sự tử tế cho nhiều người cùng làm. Và khi làm thấy ai cũng cần điều đó”.

Đến phường Tân Tiến, Biên Hoà, Đồng Nai, hỏi gia đình Vũ Minh Trí, chòm xóm ai cũng biết, vì gia đình anh nổi tiếng khắp vùng. Bảy đứa con đều học giỏi. Chị Hai trong nhà là Vũ Thị Thuỳ Linh, tốt nghiệp đại học Bách khoa, sau đó tu nghiệp nước ngoài, giờ đang làm công tác quản lý tại công ty Sonadezi, khu công nghiệp Biên Hoà. Anh trai tiếp theo là Vũ Minh Hải, tốt nghiệp đại học Y khoa, công tác tại khoa ngoại, bệnh viện Đồng Nai, sau đó sáng lập và làm giám đốc công ty PMES, anh mất cách đây vài năm vì nhồi máu cơ tim. Chị Vũ Thị Thuỳ Phước, bác sĩ chuyên khoa sản, hiện công tác Biên Hoà, Đồng Nai. Rồi tới bác sĩ Vũ Minh Đức, giám đốc phòng khám đa khoa Tân Mỹ, quận 7, TPHCM; Vũ Minh Hiếu, cử nhân đại học Tổng hợp về môi trường; tới thạc sĩ Vũ Minh Trí, là CEO Microsoft Việt Nam; và cậu út Vũ Minh Tín, phó tổng giám đốc công ty Dược Phytopharma Sài Gòn, một trong ba công ty dược lớn nhất Việt Nam…
Trong hoàn cảnh sống đầy khó khăn thời ấy, làm thế nào để tạo dựng cho các con nền tảng kiến thức và kỹ năng sống mạnh mẽ? Công đầu thuộc về cha mẹ anh. Cha anh tên thật là Vũ Văn Trương, nhưng bà con thường gọi ông là “Thầy Tiến Hải”, vì nhà có tiệm tạp hoá Tiến Hải, cha lại mở trường tư ngay trong nhà. Mẹ anh pháp danh Diệu Ngọc, nhưng cũng được bà con thương mến, gọi là bà Tiến Hải luôn…
Kim Yến
Theo TGTT

No comments:

Post a Comment