Friday, January 20, 2017

" Hận chưa cắt tóc sao chưa gặp"

http://www.chuahaiduc.org/Ngoai%20Dien/Nha%20Su%20Vuong%20Luy/nha_su_vuong_luy_1.htm

Phần 1
VÀI LỜI GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ
Đoạn hồng linh nhạn ký- Truyện một con hồng nhạn lênh đênh? Truyện một nhà sư vướng tục lụy? Nhà sư ấy, cha vốn là người Trung Hoa, mẹ là người Nhật Bản. Cha mất sớm, mẹ về cố quận…Đứa con bơ vơ trôi nổi, quy y cửa Phật, rồi giũ áo tu, ra đời, vướng vào Lụy Tình Yêu. Ngòi bút của Tô Tử Cốc, vừa trang nhã, thâm trầm, vừa linh hoạt tân kỳ như bút pháp những văn hào hiện đại Tây phương- ngòi bút Tô Tử Cốc sẽ đưa chúng ta vào sâu trong cõi tình và lụy, đạo giáo và ước mơ, những mâu thuẫn muôn đời vạn kiếp của con người ở một thời đại, và riêng biệt của con người đứng chênh vênh  ở đầu thế kỷ hai mươi là thế kỷ của những dông bão dị thường. Đọc Tô Mạn Thù, chúng ta có cảm tưởng kỳ dị: chẳng những không một tâm tình tư tưởng nào của cõi Đạo Đông phương Chân Như lọt ra ngoài nhãn quan ông, mà ngay cả cõi Tây phương hoằng đại , từ sơ thủy Hy Lạp Sophocle Parménide tới hiện đại Âu châu văn thể siêu thực Appollinaire, Nerval, Camus, Morgan, không một “bút pháp” nào ông không thành thục quán xuyến.
Toàn thể câu chuyện, cũng như mỗi tình tiết nhỏ nêu ra đều được nung nấu trong mối tư lường của một thánh tính đạt tới cõi lô hỏa thuần thanh, siêu thần nhập hóa. Không thể nào nói đó là bút pháp tài tình, kỹ thuật điêu luyện,chỉ có thể nói rằng đó là một cuộc kết tinh huyền nhiệm của lịch sử Đông phương giữa một triều sóng rộng dâng lên cùng với bao nhiêu ngọn gió ở bốn chân trời lổ đổ thổi lại. Đọc cuốn sách của Tô Mạn Thù cũng như đọc Sophocle, Nguyễn Du, Nerval, Apolinaire, Faulkner, Morgan, luôn luôn chúng ta bàng hoàng trước huyền nhiệm anh hoa phát tiết.
Đại sư Mạn Thù, tên thật là Tô Huyền Anh biệt hiệu là Tô Tử Cốc, sinh năm 1883, mất năm 1918 (xấp xỉ đồng thời với Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Apollinaire, lênh đênh giữa hai thế kỷ 19 và 20).
Thân phụ ông vốn là người Trung Hoa, tỉnh Quảng Đông, vì cuộc sinh nhai mà lưu lạc sang Nhật Bản, cưới một thiếu nữ Nhật, sinh hạ Tô Huyền Anh.
Tô Huyền Anh chưa được mấy tuổi, thì thân phụ chàng đưa gia quyến về lại Trung Hoa.
Chẳng bao lâu thân phụ chàng lìa đời. Thân mẫu đành quy về Nhật Bản, gửi đứa con ở lại Trung Hoa, nhờ thân thích bên nội nuôi dưỡng.
Đứa bé bị họ hàng quê cha ghét bỏ, vì nó mang một nửa phần máu mẹ Nhật Bản ở trong thân thể nó.
Đứa bé cô đơn quá, bèn cạo đầu quy y cửa Phật, vào chùa Lôi Phong tại Quảng Châu.
Phương trượng Tuệ Long, nhận thấy thằng bé thông minh xuất sắc, mới dốc lòng dạy dỗ. Sau mấy năm dùi mài cần mẫn, chú bé đã thông thạo văn học tư tưởng Ấn Độ, Trung Hoa, và dăm bảy ngôn ngữ Tây phương…
Sau  khi Phương trượng viên tịch, Tô Mạn Thù cảm thấy bơ vơ, bèn trút giũ áo tu, ra sống ngoài cõi tục. Tâm trạng tình cảm từ đó quả thật là éo le: tu thì tu không trot, mà chen lấn chìm nổi với đời, thì cũng thiếu hẳn khả năng chen lấn nổi chìm.
Chàng thanh niên ấy dấn gót du hành ở nhiều tỉnh Trung Hoa, cư lưu nhiều ngày nhất là ở Thượng Hải. Và cũng từng du lịch qua Ấn Độ, Âu Châu, Mỹ châu. Cũng nhiều phen qua Nhật Bản viếng thăm thân mẫu.
Chính tại Nhật Bản, Tô Mạn Thù gặp Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) và nhiều đồng chí của Tôn Dật Tiên sang Nhật lánh nạn. Những anh hùng cách mạng kia chơi thân thiết với Tô Mạn Thù. Nhưng họ Tô vốn là nhà sư thi sĩ, chẳng thể nào nhập cuộc thật sự với các lãnh tụ chánh trị chịu chơi gay cấn kia.
Cái anh chàng thanh niên “lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh” kia từ đó càng lang thang trầm luân khắp châu quận, trường giang đại hải. Tiếng gọi sơ đầu của Như Lai không đủ cứu vớt chàng, dìu dắt chàng trở lại với cõi tịch mịch thanh tu. Càng ngày chàng càng đâm ra trầm túy, nửa trong hồ rượu nửa trong biển tình. Chàng đúng là một loại Nerval Baudelaire Dylan Thomas Verlaine Apolinaire. Nếu chàng mù được hai mắt như Homère, ắt chàng đã khám phá ra một cõi sống dị thường trong u tối. Nhưng cái rủi ro lại là ở chỗ: chàng không mù. Cũng không cận thị. Đó là điều tai hại. Hiểm họa hoành sinh.
Kể từ mười mấy tuổi đầu, chàng đã sống trọn cái thảm kịch trần gian, sinh mệnh chàng ngược xuôi lảo đảo, mười sáu tuổi đầu, chàng đã thể hội hết nỗi đoạn trường thế sự mà Nguyễn Du đã viết lúc đầu bạc bình sinh, chàng đã nhìn quá sáng suốt mọi thảm kịch biển dâu, mà chẳng đủ khả năng thoát tục, cũng không đủ sức sống xô bồ bạt mạng trắng trợn tới cùng. Thì đó là hiểm họa. Thi văn chàng từ đó mang một tố chất đìu hiu bất khả tư nghị ở tại cái “ngã ba” siêu lệch chênh vênh gây cấn: “dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng. Chiêm bao kỳ mộng dường gần. Sịch mành sực tỉnh lại dần dần xa. Há rằng ngẫu nhĩ mà ra. Đoạn hồng linh nhạn mù sa thế nào…”
Đọc đoạn hồng linh nhạn của Đại sư Tô Mạn Thù, từ đó, chúng ta chứng kiến mọi tan vỡ trong xã hội Đông phương giữa những xung đột kỳ thị, những mộng và tình và tiền oan túc trái…
(Tiện đây, người dịch xin đưa ý kiến riêng là: những sách tiểu thuyết tôi được đọc trên vài mươi năm nay, không có cuốn nào gây chấn động cho tôi nhiều như cuốn sách này của Tô Mạn Thù- trừ cuốn truyện của Nguyễn Du (cố nhiên) và cuốn Sylvie của Nerval và có lẽ Fountian Sparkenbroke của Morgan- kể về mọi phương diện- nội dung văn thể, bố cục…)
Tô Mạn Thù vốn mê thơ Lord Byron (thi hào lãng mạn Anh Quốc). Nhưng Tô Mạn Thù không thể sống trọn cái nghiệp Byron, ấy có vì từ thuở sơ sinh, chàng đã quá lạc loài rũ rượi, rồi chàng lại bị cái tiếng gọi âm thầm của Như Lai chi phối, khiến chàng suốt kiếp luẩn quẩn, tìm không ra lối bước, đường tiến, nẻo lui. Hai dòng máu ở trong mình, hai thời đại của lịch sử, xô con người vào một cõi cô độc dị thường- đớ là chỗ cốt yếu trong cuốn truyện của Tô Tử Cốc. Cuống truyện hẳn nhiên không tất nhiên phải là tiểu sử, nhưng nó phản ánh cuộc sống nội tâm của tác giả và của một lớp người trong buổi giao thời riêng biệt.
Bùi Giáng
NHÀ SƯ VƯỚNG LỤY
Hay là chuyện Con Hồng Nhạn Lưu Ly
Người đâu tá? Quê nhà chưa tỏ
Tuổi bao nhiêu?Tên họ là gì?
Đã sinh cùng nước cùng thì
Cùng ta không biệt mà ly bao giờ…
TẢN ĐÀ
Gia suona mattutino, lento, lento,
Ritorno a casa e non veggo la via
Gli occhi lasciai teco e il sentimento!
E ne portai conme la gelosia.
(Đã nghe vang động chuông mai
Lễ là kỳ đảo, hội là cưỡng câu
Tôi về nhà cửa sương thâu
Bước đi mà chẳng thấy đâu con đường
Bên chàng, thiếp đặt tình thương
Mắt mi môi miệng máu hường bình sinh
Còn riêng mang mãi bên mình
Niềm ghen tuông với bất bình xa xuôi…)
FRANCESCO PETRARCA- Canzoniere
CHƯƠNG MỘT
Tại Bách Việt, về phía Nam bờ biển, có dãy Kim Nhân Sơn nguy nga dựng sững. Những lúc trời quang mây tạnh, ta có thể nhận thấy phía bên dưới sườn núi xanh um (tại chân núi) ẩn ẩn hiện hiện một mái ngói hồng lóng lánh, lập lòe như lớp vảy con kình ngư. Đó là ngôi chùa Hải Vân, vẫn còn nguyên như thuở xưa, cái ngày nhà Tống sụp đổ, Lục Tú Phù cõng vị ấu chúa chạy tỵ nạn, tới bước đường cùng, tiên sinh đã cùng ấu chúa tự sát tuẫn quốc tại Nhai Sơn, để trọn đạo hiếu trung, hơn là lọt vào tay cường địch hung bạo. Một số di thần triều Tống cũng đã tới đó ẩn thân độn tích, cạo đầu đi tu. Ngày đêm hướng lên trời xanh cầu nguyện, mong mỏi Thương hiệu phò trì vong linh của Đại Hành Hoàng đế.
Cho tới ngày nay, nhìn sơn lĩnh ở xa xa cuối chân trời, vân khí sầm uất , bàng bạc chiều chiều như còn gợi mãi vang bóng triều đại xưa. Và thỉnh thoảng tiếng sóng vỗ bi thống còn khiến lữ khách ngậm ngùi, cúi đầu lặng lẽ, không giám gợi lại những bóng ma não nùng của quá khứ.
Ngày nay, tôi ghi chép lại những “bảo võng kim tàng” của ngôi chùa cổ. Thảy thảy còn là những cựu vật chứng giám một thời. Đây một mặt hồ tĩnh lặng, kia một dòng suối quanh co…dưới bóng tùng bách xanh um. Mấy chục nhà sư trụ trì tại đó, còn giữ gìn những phong thái nghi lễ ngày xưa. Năm về, năm lại, qua mỗi một mùa đông truyền giới, y bát vô thanh, khách viễn phương về thụ giới mỗi mùa trong cảnh tịch mịch. Khách về thưa thớt lắm, ấy bởi vì đường núi hiểm trở, đèo dốc khi khu.
Một buổi mai, tiếng chuông chùa từ từ ngân, tôi tựa lưng bên góc chùa tĩnh mịch, nhìn những đàn hải âu bay lượn thấp thoáng ở chân trời. Thời tiết lạnh lẽo giữa mùa đông. Ngọn gió biển như bức bách con người ta, tự bên ngoài ngàn dặm (hải phong bức nhân ư thiên lý chi ngoại). Độc giả hiểu cho: đó là ngày tam giới hoàn tất của tôi. Tính ra, cuộc cư lưu của tôi tại chùa, hốt nhiên đã ba tuần viên mãn, hôm nay ngày tôi có thể xuống núi trình diện với phương trượng. Sau đó, ngày ngày quét lá, đêm đêm đốt hương, độ quá lưu niên, có gì đâu mà ân hận!
Đang giữa cơn tư lự như thế, bỗng nhiên nước mắt trào ra. Tôi tự nhủ “Ai cũng bảo ta là đứa bé không cha không mẹ? Có quả thật như vậy chăng? Ta là đứa bé không mẹ?”
- Không. Không thể như vậy được.
Kể từ ngày dưỡng phụ từ trần, tôi một thân một mình không còn họ hàng nhìn mặt. Nhưng mỗi lần gió lay đầu cây ngọn cỏ, hoặc mỗi phen mưa trút liên miên, hoặc trong cảnh cuồng phong bạo vũ, hoặc trong cảnh vạn vật im lìm, tôi vẫn dường như nghe thoang thoảng bên tai tiếng kêu gọi của từ mẫu. Nhưng âm thanh đó khởi từ đâu lại? Ấy là điều tôi không rõ. Nhưng lòng tôi vẫn hằng hằng ôm ấp cái ý tưởng ấy.
Tôi lại thở dài tự nhủ “Mẹ sinh con ra đời, sao chẳng cho con được gặp mặt một lần? Mẹ có biết đứa con tôi thân thế phiêu linh cùng cực thế này chăng?”
Lúc bấy giờ sóng biển rì rào từng đợt lấp lánh ngoài khơi, quang cảnh đẹp dị thường. Tôi khoác áo cà sa lên thân thể, cùng ba mươi sáu vị đồng giới, tay cầm nén hương, lũ lượt nối gót nhau bước đi. Lúc lên tới đại điện, bọn chúng tôi phân tán ra hai bên tả hữu, đứng im phăng phắc như những con nhạn ngày xưa trong cổ lục phương môn. Các vị trưởng lão ở bốn phía núi non lân cận, cũng đã tề tựu đông đủ. Đốt hương tụng niệm xong, tứ bề im phăng phắc.
Một lát sau, vị sư cao đạo cất giọng bi khẩn tụng rằng:
Cầu giới hành nhân
Hướng thiên tam bái
Dĩ báo phụ mẫu dưỡng dục chi ân.
Lúc bấy giờ, hai mắt tôi trào lệ như mưa, không làm sao ngưỡng lên được. Các vị đồng giới cũng tấm tức ngậm ngùi.
Buổi lễ hoàn tất, các vị trưởng lão lần lượt tới bên chúng tôi, mở lời khuyên miễn an ủi mà rằng:
Thiện tai đại đức!
Tuệ căn thâm hậu,
Nguyện lực trang nghiêm
Thử khứ cẩn thị thân sư,
Dị nhựt Linh Sơn hội thượng.
Niêm hoa tương tiếu”
(Đức lớn tốt thay!
Lành thay đức lớn!
Tuệ căn sâu dày,
Nguyện lực trang nghiêm
Lần này đi phụng bồi sư trưởng
Tới ngày sau tụ hội linh Sơn
Sẽ cầm nhánh hoa
Nhìn nhau mỉm cười một nụ)
Tôi lặng nghe âm thanh tụng niệm ấy chan chứa lòng từ bi ai mẫn, tôi đảnh lễ thụ điệp (đón nhận Phật kinh) gạt lệ mà bái từ các vị trưởng lão, rồi chậm rãi xuống núi.
Hai bên đường cây cối trơ trụi xác xơ, lá cành rụng hết. Cảnh tượng thật là tiêu điều. Chỉ thấy vài ông tiều phu hiện ra rồi mất dạng. Ai có rõ rằng kẻ xa lánh bụi đời, quy y cửa Phật, vẫn còn mang những đau xót không lời!
CHƯƠNG HAI
Tôi đã từ giã Hải Vân tự, và bây giờ cư lưu tại một căn nhà ở chốn hoang  thôn tịnh mịch. Ngoài việc chăm lo phụng thừa nhu cầu sư trưởng, hằng ngày tôi lãng phí thời gian trong những trận nhớ nhung xa vắng, nửa tỉnh nửa mê, thần hồn theo nước mắt mà tràn ra không ngớt. Sư trưởng của tôi, nhận thấy tôi tuổi nhỏ, rủ lòng thương xót; lựa lời phương tiện, từ ái khuyên lơn. Nhưng tôi không làm sao nguôi được. Tôi quả thật là đứa khổ sở nhất trần gian.
Một ngày nọ, tôi tuân mệnh sư trưởng, xuống thôn làng khất mễ (xin gạo), được hơn mười cân, lẽo đẽo mang đi dọc đường. Đang suy nghĩ tìm chốn trọ lại ban đêm, chợt có kẻ trộm cướp từ xa tới, chộp cái túi vải đựng gạo và chạy mất, Tôi chỉ đành than dài một tiếng.
Lúc bấy giờ trời nhá nhem tối. Tôi một mình bước đi vất vơ vất vưởng. Lại lạc lối thế nào ra tận bãi biển, và không tìm được đường về. Tôi bồi hồi quanh quẩn khá lâu, tới một cồn cát nọ, ngồi nghỉ chân giây lát. Sóng biển bỗng nổi dậy thật hãi hùng, nhìn bốn bề chỉ thấy âm u dằng dặc.
Đương giữa lúc hoang mang như thế, chợt thấy một đốm lửa li ti ở ngoài khơi lập lòe như một hạt đậu. Biết rằng đó là ngọn đèn của một chiếc thuyền đánh cá, bèn cất tiếng gọi:
- Xin ông chài ghé vào đây, cho tôi sang bờ bên kia với.
Sau tiếng gọi , thấy đốm lửa lớn ra dần dần,tôi biết rằng ông chái cá đã đáp ứng, và đang tiến lại gần.Lòng tôi cũng cảm thấy an ủi đặc biệt. Chẳng bao lâu, chiếc ghe đã cập bến. Ông chài cất tiếng hỏi:
- Muốn đi tới đâu?
Tôi đáp:
- Tôi chỉ là một nhà sư tại Ba La thôn đi khất thực suốt ngày, lạc lối ra đây. Mong nhờ ông giúp tôi một phen vậy.
Ông chài đưa tay khoác lia lịa mà rằng:
- Úi chà! Ăn nói gì như thế! Thật là bất thông! Ghe của người ta là cốt đi đánh cá kiếm lời, có đâu lại phí công phí của mà chở giùm những nhà sư nghèo đói!
Nói xong quay quả chèo ghe đi tuốt. Tôi chẳng còn biết nghĩ gì ra gì được nữa, phiền muộn ngồi khóc một mình.Chợt vẳng nghe một tiếng chó sủa ở xa xa. Tôi biết thế là quanh quất vùng này còn có thôn làng thang lan đâu đó. Bèn đứng dậy, men lối theo đường cỏ mọc mà đi. Dần dà thấy hiện ra ở tiền diện một ngôi cổ miếu. Tôi vội vã tiến lên. Giữa ngôi cổ miếu, có treo một chiếc đèn leo lét. Tôi bước vào. Luẩn quẩn một lúc, nằm xuống bên bậc đá, khoanh thân lại nghỉ. Chợt nghe tiếng chân đi bên ngoài cửa miếu. Tôi sửa lại áo quần ngay ngắn, đứng lên, thì thấy một đứa bé lăng xăng vội vã bước vào.
Tôi hỏi:
- Em bé đi đâu đó?
Chú bé hai tay cầm mấy cái giỏ tre đưa ra mà rằng:
- Công việc của cháu nhọc nhằn lắm. Đêm đã khuya thế này, cháu vẫn phải len lỏi bên những tường xiêu vách nát, hoặc lọ mọ giữa những hang đá âm u, hoa cỏ um tùm, trông cháu giống một tên ăn trộm vậy, cốt để bắt lấy những con dế kêu ri rỉ này đây. Thật là khổ nhọc lắm.
- Trông em bé mặt mày tuấn tú sao phải đi làm cái việc hèn mọn thế?
Đứa bé than một tiếng đáp rằng:
- Gia đình cháu vốn có một vườn hoa. Ban ngày cháu gánh hoa đem bán cho nhà giàu có. Người giàu keo kiệt quá, nên chẳng kiếm được bao lăm tiền; chẳng đủ để nuôi dưỡng mẹ. Mẹ cháu già nua lắm rồi. Cháu là đứa con trai, có lẽ nào không tận tâm kiệt sức làm việc mà giúp đỡ mẹ trong tuổi già. Công việc bắt dế này thật là cực nhọc, nhưng phải gắng làm phụ thêm, kiếm thêm được đồng nào, hay đồng ấy. Nhưng mẹ cháu quả thật chẳng có ngờ rằng cháu làm việc này. Nếu biết, ắt bà không cho làm. Bà sẽ ngăn trở. Hôm trước, cháu có thấy bên góc miếu này một con dế bự, cỡi trên lưng một con rết ngất ngưởng bò đi. Cháu tới đây rình mò đã hai đêm, mà chưa chộp được nó. Nếu ông trời xanh run rủi cho nó lọt vào được trong tay cháu, thì thật là vạn hạnh! Vạn phúc! Chờ tới ngày chợ phiên, cháu đem ra bán, ắt được giá cao lắm. Thì cháu sẽ mua cho mẹ một tấm áo da cừu, mùa đông mặc vào thì ấm áp cũng như ở giữa mùa xuân vậy. Còn gì thích cho bằng. Cháu đâu phải như những kẻ ham kiếm tiền, bất kể tính mệnh xông pha đêm hôm thế này đâu!
Nghe đứa bé nói thế, tôi lại bồi hồi xúc động, nước mắt lại tuôn ra.
Đứa bé nhìn tôi, thấy đầu tôi cạo trọc, thì nó chậm rãi hỏi tiếp:
- Dạ dám xin hỏi đại sư vì lẽ chi mà ngủ đêm tại chốn hoang liêu trống trải này?
Nhìn thấy đứa bé mặt mày chân thành trang trọng, tôi bèn đem hết đầu đuôi cơ sự kể cho nó nghe.
Đứa bé cảm động nói:
- Thầy chịu khổ nhiều thật! Nhà cháu ở gần đây còn phòng bỏ không. Cháu xin mời thầy theo cháu về nhà. Nếu thầy cứ ở đây, thì biết đâu bọn người hung ác trong thôn vắng lại chẳng vu cáo cho thầy cái tội trộm cắp, thì thầy chịu đựng sao nổi!
Thấy đứa bé thành khẩn như vậy, tôi gật đầu, đồng ý theo chân nó. Vào làng, đi tới một căn nhà lá. Đứa bé đẩy cửa bước vào, rồi khép ngay lại, để tôi đứng chờ ở dưới hiên. Vườn hoa bốn bề đưa hương thơm. Chợt nghe tiếng bà lão thốt:
- Triều Nhi! Hôm nay sao con về khuya thế?
Tôi lắng nghe chăm chú. Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Giọng nói của bà lão ấy.
Lúc tôi bước vào nhà trong, thì bỗng dưng thấy trước mặt mình đích thị là người vú nuôi tôi ngày trước.
CHƯƠNG BA
Tôi chào hỏi người vú nuôi, lòng đầy bi thương và hoan hỉ. Bao nhiêu ân tình mừng mừng tủi tủi. Bà vú bảo tôi ngồi xuống, bắt tôi đem hết sự tình kể lại đầu đuôi. Tôi đã làm gì, tôi đã trải qua những gì, nhất nhất đem gót đầu ra thuật lại tỉ mỉ. Bà đăm đăm nhìn tôi. Bà chống tay vào gò má nhăn nheo, suy nghĩ lâu lắm, rồi ảo não thở dài nói:
- Tội quá! Tam Lang! Nếu ngày nay tôi còn ở với gia đình cậu, thì đâu đến nỗi cậu phải cạo đầu đi tu như thế! Tôi đã hầu hạ phu nhân không quá ba năm trời. Thời gian ấy kể cũng không dài chi lắm, nhưng phu nhân đã đối đãi với tôi hết lòng hiền từ thân ái. Một phen từ biệt phu nhân, đến nay đã ròng rã mười năm trời, nhưng cứ mỗi lần cầm đũa, bưng cơm, tôi chẳng thể nào quên được tấm lòng phu nhân đối với tôi. Lúc phu nhân rời gót ra đi, tôi liền bị người trong gia đình cậu ghét bỏ, đối xử tàn ác, nhưng tôi vẫn ẩn nhẫn chịu đựng. Ấy bởi vì tôi cảm ân đức của phu nhân, nên tôi chẳng thể nào bỏ cậu mà ra đi. Cho tới lúc nghĩa phụ của cậu lìa đời, lòng tôi bời bời bối rối, đau buồn khôn tả. Tôi thầm nghĩ: “Tam Lang thế là từ nay cô hàn, không nơi nương tựa”. Tôi muốn viết thư cho phu nhân, báo bạch hết mọi sự cho phu nhân rõ, để phu nhân sớm liệu xếp đặt cho cậu về gấp bên quê mẹ (bên Nhật Bản) rời hẳn cái con mẹ ghẻ chèng đét hung dữ kia! Dè đâu con mẹ đàn bà đa đoan ác độc nọ lại dò la manh mối, đánh hơi thế nào mà đoán đước cái nguyện vọng của tôi, mụ ta nộ khí xung thiên, lôi cổ tôi ra, lấy roi tre đánh tôi một trận bầm mình dập mẩy. Lúc bấy giờ tôi cũng chẳng thiết chi cái chuyện phân giải thị phi, lời hơn lẽ thiệt gì về nhân đạo với mụ ấy! Mụ tha hồ đánh tôi sướng tay thỏa dạ xong, thì đuổi tôi đi về quê, không cho tôi nấn ná một ngày nào nữa.
Bà vú kể tới đó, thì nước mắt giàn giụa, không tiếp được lời nào nữa. Lòng tôi đau đớn cùng cực, chẳng còn biết lựa lời gì để an ủi bà. Chỉ biết để nước mắt trào ra như suối, nhìn bà không nói được một lời nào cả. Rồi tôi chợt nghĩ rằng cái ngày phải chịu đựng trận bạc đãi bạo ngược kia, bà vú nuôi tôi đã quá bốn mươi tuổi, thì làm sao kham! Tôi cố gắng hết sức làm ra vẻ trấn định, an ủi bà ta: “Vú đừng đau xót nữa! Vú đã nuôi nấng tôi, ngày nay tôi đã thành lập, ân ấy đức ấy, làm sao tìm ra lời mà bày giãi. Ngày nay mặc dù tôi đã quy y cửa Phật, lòng tôi đã nguội lạnh với sự đời, nhưng may được gặp vú nuôi tại đây, vú hãy chậm rãi cho tôi biết tin tức mẫu thân. Nếu không ắt là đi khắp bích lạc hoàng tuyền cũng không mong được một ngày gặp gỡ. Gẫm ra trời xanh dường cũng linh thiêng lắm. Từ ngày còn nhỏ dại, tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng mẹ tôi còn sống. Nhưng suy gẫm trăm lần, vẫn không biết hiện giờ thân mẫu sống tại đâu, mà cũng chẳng biết tên họ của mẹ là gì! Bữa nay, nghe vú nuôi nói về “phu nhân”, thì đó có thật là bà mẹ đã sinh tôi ra đời hay không? Thì vì lẽ gì thân mẫu lại bỏ tôi bơ vơ khốn khổ, chẳng tìm kiếm hỏi han gì hết? Xin vú nuôi hãy đem thân thế tôi nói cho tôi rõ một lần.
Bà vú nuôi gạt lệ, nhìn tôi mà rằng:
- Tam Lang hãy yên dạ! Tôi đem mọi sự kể hết cho Tam Lang nghe. Tôi vốn ngày xưa là con gái người nông dân cư lưu tại vùng này, năm năm tháng tháng chỉ biết chăn nuôi súc vật. Sau  khi lấy chồng, tôi theo chồng làm ăn, ban ngày ra làm ngoài đồng, tối đến thì về nhà nghỉ ngơi. Vợ chồng sống hạnh phúc hết sức. Tôi đâu biết rằng trong nhân gian có đủ thứ đen trắng thị phi, rủi may may rủi. Vợ chồng nông dân, sống hồn nhiên như nước chảy, năm qua. Tới lúc tôi ba mươi tuổi, chồng tôi chẳng may đoản mệnh chết mất. Chẳng để lại chút gia sản nào, ngoài đứa bé con là Triều Nhi. Từ đó về sau, càng ngày sinh hoạt càng quẫn bách. Những bạn bè thân thích xa gần coi mẹ con tôi như kẻ qua đường, không còn tình nghĩa gì hết. Lúc đó tôi mới bắt đầu hiểu nỗi đời éo le, trong lòng buồn rầu khôn tả. Nhìn bốn bề chẳng còn ai thân thích, tình cảnh khốn cùng chẳng biết nói với ai.
Một ngày kia, tôi mang giỏ đi mót những bông lúa rơi ngoài ruộng, bỗng thấy một phu nhân y phục theo lối cổ kính, thong dong bước tới bên tôi cất tiếng hỏi:
- Trông thím có vẻ ưu khổ lắm phải không?
Rồi bà ấy hỏi thăm cảnh huống tôi. Tôi đem hết gót đầu ra kể cho bà ấy nghe, thì phu nhân lân cảm tình cảnh tôi. Tôi đội ơn phu nhân. Phu nhân cho tôi về làm vú nuôi săn sóc Tam Lang đó. Phu nhân y phục cắt theo lối cổ đại Trung Hoa chúng ta. Những sự này, tôi được nghe ra là từ lúc về ở với phu nhân. “Tam Lang” tức là tên gọi cậu do phu nhân đặt cho đấy.
Được nghe phu nhân nói rằng lúc sinh cậu ra chưa được mấy tháng thì thân phụ cậu qua đời. Thân phụ cậu là Tông Lang, vốn thuộc danh tộc ở Giang Hộ. Bình sinh thân phụ cậu can đảm cương trực lắm, nên mọi người mến chuộng. Thân phụ cậu qua đời, mẹ cậu càng ngày càng nhận thấy phong hóa Nhật Bản suy đồi, dần dà phong tục càng trở nên kiêu ly bạc bẽo, trong lòng bà suy gẫm muốn đưa cậu về cội gốc thượng quốc Trung Hoa, bèn dắt cậu về quê nội, đem ủy thác cậu cho một người bạn thân thiết nhất của cha cậu. Người ấy nhận cậu làm nghĩa tử. Cậu thành con muôi của người ấy. Ý của phu nhân là làm sao cho cậu dứt tuyệt hết mọi liên hệ với căn tính cư dân hải đảo (người Nhật) hy vọng rằng sự giáo hóa ở quê cha sẽ rèn luyện cậu mai sau trở thành một con rồng ở trong nhân gian. Phu nhân vốn biết rằng hành động đó là  đắc tội với quốc luật Nhật Bản, quê cha đất tổ của bà, nhưng tình mẹ thương con, có sự gì mà chẳng dám làm được!
Phu nhân thân hành ẵm cậu đi, lén trốn sang Trung Hoa chúng ta, cư ngụ ba năm trời. Chợt một hôm phu nhân gọi tôi tới bên bà và bảo tôi như thế này:
- Ngày nay tôi sắp quay trỏ về Nhật Bản! Thím ở lại mạnh giỏi nhé!
Rồi phu nhân đưa tay chỉ Tam Lang, nuốt lệ nghẹn ngào bảo tôi: “Đứa con tôi sinh ra đời không may mắn! Thím hãy chịu khó săn sóc nuôi dưỡng nó, tôi sẽ chẳng quên công lao khó nhọc của thím đâu!”
Nói xong, phu nhân viết địa chỉ mình ra giấy giao cho tôi, căn dặn tôi đừng có để thất lạc. Tới ngày nay, tôi vẫn cẩn thận giữ gìn kỹ càng trong cái hộp tre kia.
Lúc bây giờ, tôi khóc tầm tã như mưa. Phu nhân giao cho tôi một trăm đồng vàng. Ngày nay số bạc ấy tuy nhiên không còn đồng nào, nhưng lòng tôi cảm kích phu nhân thật không hề giảm một chút. Nhất là tôi nhớ lại cái đêm trước ngày phu nhân ra đi. Phu nhân gài một tấm ảnh nho nhỏ của mình vào cái lon dẹp đặt vào trong cái rương áo quần của cậu, bà mong rằng ngày sau cậu lớn lên, cậu sẽ không quên được dung nghi từ mẫu. Dụng ý đó của phu nhân thật là cảm động. Đâu có ai ngờ rằng phu nhân ra đi chưa bao lâu, thì người trong gia đình đã tìm kiếm mọi vật đó và hủy khử đi mất hết.
Sau đó phu nhân từ bên Nhật Bản còn viết thư cho tôi ba lần, lần nào cũng gửi tiền bạc cho tôi, nhưng lần nào cũng bị con mẹ tàn nhẫn kia thu đoạt mất cả. Rồi nhân vì tôi hiểu rõ thân thế phu nhân, lại yêu quý Tam Lang, thì con mẹ kia càng căm hận tôi hơn nữa, vì mụ nghĩ rằng tôi cố ý làm ra vẻ như thế, tôi cố tỏ thái độ ra như thế là cốt để càng thể hiện rõ cái phẩm cách tàn ngược của mụ ta! Do đó, cái niềm oán độc của mụ ta càng sâu cay hơn nữa. Quả thật con người ta và con mãnh thú, chỉ cách nhau có một đường chỉ mỏng mà thôi! Lúc tôi đã bị đuổi đi rồi, thì con mẹ kia lại phao tin lên rằng phu nhân đã gặp bão tố ngoài khơi, đã chết trong bụng cá mập cá voi rồi. Do đó, bà con thân thích láng giềng, ai ai cũng coi cậu như là một đứa con không mẹ, chẳng ai thèm để ý chi tới cậu nữa. Xét ra như thế, thì trong gan phổi con mẹ kia, mụ ta quả có ý muốn phòng ngừa ngày sau cậu lớn lên khỏi có ý nghĩ tìm về thăm viếng phu nhân! Hỡi ôi! Mụ ta là cái giống người gì như thế! Đã giữ lấy con của kẻ khác lại còn đối xử tàn bạo như vậy! Tôi suy gẫm hoài mà chẳng thể nào hiểu được mụ ta, chẳng rõ kiếp trước mụ ta là cái giống độc vật gì gì! Trời Phật ôi! Tôi há đâu chỉ vì oán độc kẻ khác mà thốt cái lời ra như thế. Bữa nay tôi nói ra như thế, chẳng qua là để cho cậu rõ cái người đàn bà kia ác nghiệt như thế nào đó thôi.
Nghĩa phụ của cậu vốn là người thành thực, thường vẫn thể niệm cái ân nghĩa của thân phụ cậu đối với ông ta, nên nghĩa phụ của cậu thuở sinh thời vốn đối xử với cậu như con ruột. Ai có ngờ đâu được rằng ông ta vừa qua đời thì con mẹ kia đã lập tức trở mặt đối với cậu như thế. Một đứa bé chưa ráo máu đầu, còn thuần nhiên thơ dại, đã chịu dày vò khắc nghiệt như vậy, quả thật không có gì so sánh được. Nhưng ngày nay cậu đã lớn ra như thế, phong tư độc lập như thế, cũng coi như là bấy nay không gặp rủi ro chi nhiều; tôi thì già nua rồi, đáng lẽ chẳng nên đem những chuyện oái ăm quá khứ ra làm phiền muộn cậu, chẳng nên thốt những lời cay đắng, mà nên  giữ chút lòng trung hậu thì phải hơn. Tuy nhiên trong thời buổi đa đoan kỳ quặc này, dẫu tôi có nhất mực giữ lòng trung hậu của mình, mà người ta thì cứ nhất mực muốn hãm hại tôi. Theo cái lẽ bi đát như thế, thế tình thế thái đã ra như thế nghĩ thật cũng đáng ngậm ngùi.
Bà vú nói xong, thì cúi đầu thở dài. Một lát sau, bà định nói tiếp nữa. Lúc bấy giờ lòng tôi tràn đầy sầu khổ, lớp lớp liên miên (như vân quỷ ba quyệt). Nhưng nhân vì tôi đã dò ra tin tức mẫu thân, chẳng còn mong muốn hỏi thêm chi nhiều nữa về những sự việc đã qua, và cũng chẳng còn thì giờ đâu để tự cảm thương thân thế, tôi bèn chậm rãi nói với bà vú nuôi:
- Đêm đã khuya rồi, vú hãy đi nghỉ ngơi. Tôi sẽ đơn thân ra đi tìm mẹ, mong rằng vú đừng bi thương quá độ. Sự đời ai biết đâu mà liệu định, vú hãy thử nhìn tôi và Triều Nhi xem, chúng tôi biết đâu lại chẳng làm nên danh phận? Chẳng lẽ mòn đời mỏi kiếp vẫn chẳng ra cái dạng gì gì cả hay sao?
Bà vú bỗng ngẩng đầu lên, đưa tay vỗ vào vai tôi nói:
- Tội thay! Vú thật chẳng thể ngờ rằng Tam Lang lớn lên lại mảnh khảnh đến thế! Hãy gắng ngủ cho ngon giấc đêm nay, lưu trú tại đây mà liệu tính công việc đi sang Nhật Bản thăm viếng phu nhân. Tôi thường mộng thấy phu nhân vận y phục cổ kính ngày xưa đứng bàng hoàng trên bờ Đông Hải, đưa mắt mong ngóng Tam Lang về. Tam Lang ạ, cậu còn có một người chị và một người em gái nuôi (nghĩa muội), hai chị em vẫn ở bên phu nhân săn sóc mẹ. Cậu rồi cũng sẽ được nghe âm thanh phu nhân gọi cậu. Còn tôi thân thể đã già nua, chỉ còn chờ ngày vào quan tài, chẳng còn mong chi tái hội phu nhân. Chỉ cầu nguyện trời xanh phù hộ cho phu nhân mà thôi!
Sáng hôm sau, ánh trời rực rỡ. Tôi nghĩ tới những sự việc đã qua, còn in rành rành trong tâm khảm. Độc giả thử nghĩ xem, làm sao tôi có thể ngủ được trong đêm vừa rồi? Lúc bấy giờ nỗi niềm bời bời cùng độ, tôi đứng dậy khoác áo vào mình, bước ra ngoài nhìn bốn phía. Dương liễu gầy khô, núi non tiêu điều.
Từ đó về sau, tôi lưu trú tại nhà vú nuôi, mỗi ngày cùng Triều Nhi chèo ghe hoặc thả cần câu cá tại một vùng khói mưa mờ tỏa bên sông  tịch mịch hoang liêu. Cũng có lúc cưỡi trâu ra bên ngoài thôn ở. Những u hận vạn ngàn, chẳng rõ ra sao, đã dần dà tiêu tán giữa những trận gió mưa vi vu thổi vào chiều hôm.
CHƯƠNG BỐN
Một ngày kia, vào lúc hoàng hôn, giữa cảnh hoang liêu gió tuyết thổi lạnh thấu xương, tôi cùng Triều Nhi đang lẽo đẽo từ phía sau núi gang củi quay về nhà. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy vú nuôi đang tựa lưng bên lò bếp, ngồi im lìm. Bà đang chăm chỉ khâu vá lại một chiếc áo cũ. Nghe tiếng chân tôi bước vào, bà ngẩng đầu nhìn tôi nói:
- Khổ nhọc cho cậu quá! Thấy cậu yên vui sống ở đây, lòng tôi cũng thư thái an ủi được nhiều. Cậu và Triều Nhi hãy ngồi nghỉ ngơi một chặp, để tôi thắp đèn và đem cơm cá ra dùng. Nhà chúng ta ở đây cách hồ nước không bao xa, cá tôm chẳng những tươi ngon lắm, mà giá mua cũng chẳng cao gì đó. Sống ở làng thôn, thật nhiều điều tiện lợi hơn thành thị.
Tôi và Triều Nhi liền cởi tơi nón ra, cùng vú nuôi ngồi vào dùng bữa tối. Thật là hoan lạc vô cùng. Dùng cơm xong, vú nuôi quay nhìn tôi bảo:
- Hôm nay nhìn Tam Lang gánh củi, lòng tôi thấy bất nhẫn quá. Thân thể cậu ốm yếu như thế! Bữa sau chớ nên  gánh củi nữa. Công việc vất vả nặng nhọc kia, Triều Nhi đủ sức giúp được rồi. Bữa nay, tôi đã nghĩ ra một cách cho cậu. Cậu hãy nghe tôi khuyên bảo đây: Vườn hoa chúng ta, trong ba tháng xuân ấm áp, bao nhiêu hoa nở tươi tốt lắm.. Ngày nay chúng ta đang ở giữa mùa đông, chẳng còn bao ngày tháng nữa, thì năm mới về, cậu mang hoa ra chợ bán mỗi buổi sáng sớm. Ban ngày cậu cũng có thể coi sóc nhà cửa vườn tược cho tôi. Lợi lãi do hoa cỏ đem lại, tuy chẳng là bao, nhưng tôi vẫn gom góp dành dụm đủ tiền cho cậu. Sau hai năm hoặc ba năm, ắt là có đủ tiền lộ phí cho cậu đi qua Nhật Bản một chuyến thăm phu nhân. Ngoài cách ấy ra chẳng còn cách gì khác. Tam Lang, ý cậu nghĩ như thế nào?
Tôi đáp:
- Mọi sự xin y theo lời vú nuôi hết thảy.
Vú nuôi bảo:
- Tam Lang! Cha ông của Tam Lang tại Giang Hộ vốn xưa kia là những vị công tử (con cái của những bậc công hầu). Ra ngoài thì ngựa béo hào hoa, áo khinh cầu phong nhã. Mà ngày nay cậu phải làm một kẻ bán hoa cỏ, thật là sự việc quái gở. Tuy nhiên, ngày sau cậu về Nhật Bản, cậu vẫn là một vị công tử ngàn vàng, thì ai còn dám kêu cậu là kẻ bán cỏ lá hoa?
Tôi chăm chỉ lắng nghe, đưa mắt nhìn vú nuôi. Thấy bà nói tới đó thì tươi cười ấm áp như xuân.
Ngày tháng thoi đưa. Bỗng chốc đã thấy xuân về. Từ đó tôi tuân theo lời vú nuôi, ngày ngày mỗi sáng sớm tôi vận y phục lai rai vào, nham nhở như đứa chăn bò, mang hoa đi bán. Mỗi buổi sáng, tôi dạo qua ba bốn hàng thôn, tay trái xách giỏ hoa, tay phải cầm cây gậy trúc, đầu đội nón chài cá - cốt để không ai nhận ra cái đầu trọc của tôi và biết tôi là một tỳ kheo vậy. Tôi lẽo đẽo bước đi, trong lòng lấy làm xấu hổ cho thân phận. Thấy phần đông những kẻ mua hoa là những thiếu nữ. Rồi đến những đàn bà trong làng xóm. Mỗi ngày tính ra tôi thâu được vài ba trăm xu. Suốt một tháng trời đều đặn như thế.
Một ngày kia, tôi đang một mình bước đi sang thôn làng nọ, thì trời bỗng nhiên u ám, mưa phùn lất phất rớt hột miên man, thấm ướt hết áo quần. Đó là ngày trước tiết thanh minh hai hôm, và nhà nào nhà nấy đang sửa soạn lễ Tảo mộ, nên đường đi vắng ngtắ chẳng thấy bóng người nào. Chỉ nghe liên miên âm thanh dằng dặc của mưa phùn rớt hột li ti tí tách sầu não sát nhân mà thôi. Tôi len lỏi lần mò bước đi trên con đường mòn mỏi, tới một góc nhà nọ, dừng chân tạm nghỉ ngơi giây lát dưới một cây liễu nhỏ.
Chợt thoáng thấy trên bờ tường trước mặt phía sau tấm màn lụa bích một song cửa sổ, có một nữ lang ăn vận mới mẻ đang đứng đăm chiêu nhìn ra đường. Thật là một nữ lang dung hoa tuyệt diễm.Nhưng mặt ngọc của giai nhân mang vẻ trang nghiêm biểu hiện một mối sầu khôn tả. Lúc tôi đưa mắt nhìn kỹ, thì bóng hồng chợt lẩn mất.
Cơn mưa chợt tạnh hẳn, trời bỗng sáng sủa xanh lơ. Màu cỏ cây  biêng biếc trước nhãn quan. Tôi đang định cất bước, chợt thấy cánh cửa bên vách nhà kia bỗng mở ra. Lại thấy một cô gái vội vã bước ra ngoài, nghiêng thân chào tôi một cái. Thẹn thuồng mà rằng:
- Xin tha thứ tội thất lễ của nô tỳ! Dám xin hỏi công tử từ đâu tới đây? Con cái dòng dõi nào? Tuổi niên hoa như thế, vì lẽ chi phải chịu làm cái nghề hèn mọn đó? Công tử há chẳng biết rằng thiều quang trôi qua, hối hận không kịp nữa? Xin hãy đáp cặn kẽ cho nô tỳ rõ.
Nghe cô gái nói mấy lời kia, tôi biết rằng cô ấy thật là người thông minh rất mực, chẳng có chi giống người quê mùa cục mịch. Nhưng vì lẽ gì mà đường đột bàn vấn như thế, nghe ra y hệt như lời một  tướng sĩ đoán vận mệnh nhà ma! Cô chỉ có ý thăm dò hành vi của tôi, hay là còn có duyên do gì khác nữa? Tôi chỉ còn biết đứng lỳ ra đó, đăm  đăm nhìn cô gái, lòng rất bối rối, chẳng rõ phải đối đáp thế nào ra câu.
Sau một lúc khá lâu, cô gái nói tiếp:
- Em sở dĩ đường đột hỏi như thế, ấy chẳng qua là tuân lệnh cô chủ ở trong nhà. Cô chủ bảo em ra hỏi công tử mấy lời đó. Cô chủ của em vốn bản chất tính tình u nhã tĩnh mịch vô cùng, chẳng hề có bao giờ mở miệng ăn nói gì với người ngoài. Nhưng hôm nay, lại sai em bàn vấn đề này, ấy bởi vì cô chủ em nghe thấy cái tiếng rao bán hoa cỏ của công tử chứa chất dư âm cay đắng xót xa thế nào đó. Hôm nay cô chủ em đứng ở phía sau màn the song cửa nhìn thấy công tử, thì suy ra thân thế công tử quyết nhiên chẳng phải là kẻ bán hàng rong tầm thường. Mong rằng công tử đừng lấy làm quái lạ về ngôn ngữ đường đột của em, công tử có phải thuộc dòng dõi “ Hà Hợp” và tên là “ Tam Lang” đó chăng?
Bất thình lình nghe cô gái nói câu đó, tôi kinh hoàng tưởng như muốn co giò chạy trốn. Nhưng chợt nghĩ rằng cô gái kia chẳng hề có ý làm tổn hại tổn thương tôi gì cả, tôi bèn chậm  rãi bình tĩnh đáp rằng:
- Thật đúng là tên của tôi đó. Tôi cần kiếm  tiền đi gấp sang Nhật Bản tìm thăm viếng mẹ, nên bất đắc dĩ phải làm bừa công việc  này. Dám mong cô nương đừng tiết lộ sự đó với ai, thì tôi đội ơn cô không phải là ít!
Cô gái nghiêng thân xá tôi một cái, nói tiếp:
- Xin tuân lời dạy bảo! Công tử hãy trân trọng giữ mình! Và xin công tử sáng mai trở lại chỗ này. Bây giờ em xin quay vào báo với cô chủ của em.
Lúc quay về nhà, lòng tôi ngổn ngang trăm mối tâm sự, rầu rĩ cắm cúi bước đi.
CHƯƠNG NĂM
Ngày hôm sau, khi trời âm u nặng nề hơn cả ngày trước. Lúc tôi trở giấc dậy, cảm thấy tâm hồn bàng hoàng khôn tả. Vì sắp tới lúc phải tới hội ước với cô gái kia. Người đọc sách tới đây, ắt nghĩ rằng tôi đang bị vướng thân vào trong tấm lưới tình bối rối, và như vậy là đang lâm vào hiểm họa trở ngại cuộc thanh tĩnh pháp lưu. Làm tỳ kheo mà vướng víu tâm hồn như thế thì ắt phải tiêu ma đạo hạnh thanh tu vậy. Kỳ thực, hằng ngày tôi vẫn tâm tư niệm tưởng: Mình là thuộc sa môn đạo pháp, thì sống vào  cõi tục, dù sao cũng giữ gìn hạnh kiểm nết na, há đâu có hại gì mà lo sợ. Nào tôi đâu có ngờ tới những việc về sau! Tự thân tôi sẽ chịu những giày vò bứt rứt nào, tôi đâu ngờ ra được. Dần dà sẽ kể lại độc giả rõ đầu đuôi.
Tôi bước ra khỏi nhà, chính lúc đó, lòng tôi trào dậy muôn loại hoang mang sầu muộn hồi hộp phập phồng. Thôn làng ven sông đang tế lễ Hàn thực, mưa gió phiêu hốt chan hòa khắp mọi ngả. Tôi đưa mắt nhìn bốn bề, lòng tôi xao xuyến một trận dị thường. Thầm nghĩ rằng cảnh vật u buồn ra như thế, quả thật chẳng là điềm lành. Rồi suy gẫm rằng cô tiểu thư kia ước định tương phùng như thế, ắt là có duyên do xa vời nào. Nếu không gì hết cả, thì sao có tiều thư lại từng rõ biết tính danh tên tuổi của tôi.
Huống nữa là hôm qua chợt nhìn thấy mặt ngọc đầy vẻ đơn sơ thanh đạm trang nhã, phương dung tuyệt nhiên không có gì giống như những vẻ đẹp thông thường hấp dẫn! Há đâu có thể là một phường một loại với những dung hạ lưu nham nhở!
Tôi vừa bước đi vừa suy gẫm, chẳng bao lâu đã tới chỗ đầt đai hôm trước, ở bên dưới khung cửa sổ màn lụa xanh lơ. Tôi đứng bần thần khá lâu. Trước sau chẳng thấy động tĩnh gì hết.
Tôi còn đang trầm ngâm trong cuộc, tự nhủ “chẳng lẽ nào cô gái nọ lại có ý giỡn cợt chế giễu ta chăng”. Rồi nghĩ lại những lời cô đã thốt, thì thấy mỗi lời mỗi tiếng đều là lời chí tình, sao còn có thể hồ nghi gì cho được?
Lúc mưa gió bắt đầu tạnh chút ít, cô gái hôm nọ chợt mở cửa ra, chẳng nói chẳng rằng, chẳng mỉm cười cười mỉm gì hết cả, lặng lẽ tới trước mặt tôi, và đưa hai tay ra với một phong thư nặng trĩu cả bàn tay. Tôi vừa định mở miệng hỏi, thì cô gái đã quay gót. Tôi vừa định mở miệng hỏi, thì cô gái đã quay gót. Tôi vội vã bóc phong thư ra xem, thì thấy bao đầy vàng bạc. Lòng tôi hoang mang nghi hoặc, dòm kỹ thấy còn một tờ thư viết cho tôi. Hỡi ôi! Xem thư xong, tâm hồn tôi dao động ao xuyến dị thường, cõi lòng như tan nát. Thư viết thế này:
“Thiếp là Tuyết Mai, đem nước mắt hòa mực mà viết lá thư này trân trọng gởi Tam Lang.
Trước đây, em nghe người ta nói anh Tam Lang đã cạo đầu tóc mà đi tu, làm một ông  tỳ kheo trong cửa Phật. Em vốn nghĩ rằng tính tình anh vốn kiên trì với cái cõi cô đơn (cô đơn là tính chất, chất hằng đơn cô) nên em tin ngay lời thiên hạ đồn đại. Em đau đớn mấy phen toan kết liễu tính mệnh mình. Đêm đêm tịch mịch nhớ anh, mà trong cơn mộng tìm không ra lối về tương kiến. Sống đã ra như thế, còn nói chi được nữa cái kiếp sống thừa! Gần đây, suốt mấy buổi mai, chợt nghe ra trong giọng rao bán cỏ hoa một âm thanh kỳ lạ em kinh hoàng nhận rõ đó là âm thanh dội từ đáy lòng tâm sự của anh Tam Lang. Ngày xưa thuở em còn bé, đã từng được hai bên gia đình hứa gả con cho nhau, em đã gặp anh một lần, thì cảnh trạng cho tới ngày nay em vẫn còn chôn chặt trong tâm khảm. Cho tới buổi sáng vừa rồi, đứng sau song cửa nhìn thấy anh, em biết rõ đó chính là Tam Lang của em. Lúc bấy giờ, em cảm thấy hồn bay bổng mất đi đâu. Em không còn hiểu gì ra gì được nữa. Lòng rộn ràng xao xuyến quá, liên tồn bất khả tự trì. Em muốn chạy thẳng ra trước mặt anh mà trần tình tâm sự nhưng danh nghĩa không cho phép. Nên đã sai tỳ nữ mạo muội bước ra bước ra hỏi han, khiến cho anh hoang mang như thế, em xin anh tam Lang hãy thương em mà thứ lỗi cho.
Kể từ ngày mẹ em qua đời cho đến ngày nay, em sống linh đinh sầu khổ, chẳng thiết cho tới sinh thú ở đời. Người mẹ ghẻ chẳng chút ân đức nào cả, chỉ thấy lợi mà quên tình nghĩa, xúi giục người cha già nua của em hủy bỏ cuộc ước định đính hôn ngày trước đi, và hãy nghĩ tới chuyện đem gả em cho một kẻ khác. Hỡi ôi, Tam Lang! Lòng em chung thủy thế nào, vẫn tồn liên không dời đổi một chút cỏn con nào cả. Nếu một ngày em bị cha mẹ áp bức phải lấy một kẻ nào không phải Tam Lang, thì em chỉ còn một bước đi đứng mà thôi. Ấy là vào cõi quyên sinh vậy. Thì em dẫu có thịt nát xương mòn đến ngàn vạn kiếp, trái tim của em vẫn chỉ biết có anh Tam Lang của em mà thôi. Trời xanh ở trên cao kia có đoái tưởng mà che chở cho em chăng trong những ngày điêu đứng này em cũng chẳng cần chi biết tới nữa.
Dè đâu hôm nay ngẫu nhiên run rủi em thấy mặt anh trở lại, mới hay rằng Tam Lang của em chưa đến nỗi nào. Cảm thấy lòng trời bao dong, Thượng đế hiền từ rất mực, thì lòng em vui mừng biết lấy gì cân hoặc đo ra cho đầy đủ. Than ôi! Vũ trụ mang mang càn khôn rộng rãi, doanh hoàn thế giới bao la, khắp mười phương quốc độ, nếu em bỏ anh, thì em còn biết bám vào ai được nữa! Dẫn rằng biển cạn đá mòn. Dẫu rằng sông dứt còn đàng tới lui… Hình hài xương xẩu của em có thể chỉ như là một sợi tơ mỏng manh, nhưng  tình yêu trong máu của em thì thật là liên tồn bát ngát. Nay em xin biếu anh trăm đồng vàng gọi là chút quà mọn phụng trình, mong manh sớm mua vé đáp tàu về Nhật Bản viếng phu nhân và bàn bạc với phu nhân về cuộc tình duyên của chúng ta. Em đã trăm phen ngàn bận suy nghĩ về việc này, chỉ xin anh rủ lòng thương liên tồn chiếu cố. Em đang ở trong cảnh cư tang phụ thân, không thể giãi bày tỉ mỉ, chỉ xin anh bảo trọng thân thể trên dặm đường dài”.
Nay kính thư
Tuyết Mai.
Té ra hỡi ôi! Tuyết Mai là vị hôn thê của tôi vậy. Nhiên như thế thì tôi há đâu có thể bỏ rụng rơi nường được. Mà bỏ rụng nường để ôm gói cô độc đi đâu? Đi vào chùa mà bộc bạch với cửa “Không” về cái sự ngổ ngang của mình ra như thế! Như Lai ôi! Bồ Tát ôi! Con xin giũ áo tỳ kheo của con vậy. Như Lai Bồ Tát hãy thể niệm cái cõi lòng đó của con mà đừng có lối cuốn con vào trong cửa “Không” để hành hạ giày vò con suốt tam sinh làm chi như thế ra chăng nhẽ!!! Rừng Tía mà chi!! Tử Trúc Lâm mà chi! Ăn nhằm vào đâu mà chi cho đáng chứ! Cả rừng cả rú, cả sơn thụ cả lâm tuyền. Con xin trút giũ thảy thảy hết trở lại cho Như Lai, để suốt một bình sinh đi theo dấu chân liên tồn của Tuyết Mai tiên nữ. Nếu con không làm như thế, thì oan nghiệt ngập trời còn ai có thể đảm đương giúp được cho con đó chăng ru? Suốt mười phương quốc độ, còn đâu không dội tiếng than van của một kẻ đã lầm đường còn liên tồn tiếp từng phen lạc lối? Độc giả ắt từng có phen nghĩ rằng tôi là đứa hồ đồ, mang áo cà sa vào mình giữa một bể hận mông mênh, trời tình bát ngát như thế thì đích thị tôi là đứa bất cận nhân tình nhân sự nhân vụ ở giữa cái khoảng nhân gian. Nhưng mà thật ra vốn từ xưa, tôi đã đành cạo trọc cái đầu khoác áo cà sa vào thân thể để đi tu, thì đó chẳng qua chỉ là một cái phương sách tình nghi đắc dĩ, miễn là khả dĩ bảo tồn được cho cái sinh mệnh Tuyết Mai đó mà thôi.
Vì nên thử nghĩ rằng Tuyết Mai vốn nòi kỳ nữ miêu cương, ôn tồn bát nhã “cổ đức u quang, nghiêm dong cựu hạnh”. Tôi xin bây giờ nói cho độc giả rõ rằng là người cha Tuyết Mai vốn là bạn thân của nghĩa phụ tôi. Lúc nghĩa phụ tôi chưa lìa trần. Cha Tuyết Mai đã cùng nghĩa phụ tôi hứa gả Tuyết Mai cho tôi, từ cái thuở nàng còn liên tồn bé bỏng (sau này mới chậm rãi lớn rộng dần ra).
Nhưng rồi về sau cha của nàng nhận thấy rằng gia đình nghĩa phụ tôi vận mệnh càng ngày sa sút, còn người mẹ tôi thị bặt vô âm tín; ông ấy mới nảy sanh ra niềm hối hận ăn năn, muốn hủy bỏ lời hứa hôn ngày trước. Nhưng nàng Tuyết Mai cao nhã huy hoàng ra như thế, há nhiên đâu có thể can tâm điềm nhiên phụ ước. Thế rồi cha nàng và mẹ ghẻ của nàng đều chẳng đoái hoài lân mẫn chi tới đứa con gái, cứ bừa bãi coi con gái chỉ như nhiên là một cái món đồ hàng hóa trao đổi bán buôn mà thôi. Liên tồn tình yêu? Cái đó đâu có nghĩa lý tí ti nào đối với những bậc phụ mẫu mẹ cha của con cái? Chỉ cần là làm sao bán món hàng cho được cao cái giá mà thôi. Trước cái sự thể nó ra như thế về cái uy quyền hà khắc kia của phụ mẫu, thì một cô con gái yếu đuối còn đâu chốn đâu nơi, đâu chỗ, mà đặt cái miệng vào thốt cái lời cho ra cái tiếng? Dẫu rằng một tiếng thỏ thẻ nho nhỏ hoặc cỏn con mà thôi?
Từ đó Tuyết Mai chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay (và tiêu hóa giấm ớt) trong bụng dạ nàng mà  thôi .Không thể bày tò được nỗi lòng với ai cả. Đó quả thật là điều người ta vốn bảo rằng: nỗi ai oán của những đứa con gái mồ côi kia, xét ra chỉ còn một cách là mang chở cái khối nặng xuống địa phủ để trình bày với phụ mẫu và Diêm Vương. Thì như thế còn yên vui sung sướng hơn là sống vật vờ ở dương gian kéo dây dưa cái cuộc đời nham nhở vậy. Điều đó, nếu không tự thân mình mẩy hình hài thể nghiệm, thì ắt chẳng thể nào hiểu được.
Trong lúc đó, tôi lớn lên dần dần. Lâu ngày chẳng đặng cùng Tuyết Mai tương kiến. Chẳng có duyên cơ nào hội nào để chứng minh tình yêu trong linh hồn của nhau một phen nào cả. Nhiên như thế, một lần nhìn ra cái tình huống kia, thì lòng tôi phiền muộn không thể nguôi được. Âm thầm suy gẫm, xét ra chỉ còn có một lối xuất gia quy y cửa Phật là khả dĩ dập tắt ngọn lửa thiêng liêng trong máu me yêu đương của trái tim và hai lá phổi của hồng nhan mỹ lệ kêu gào. Và khiến cho giai nhân từ đó có thể yên tâm mà tìm ra hạnh phúc gia đình chắp nối với kẻ khác cái dây dưa dằng dặc. Nếu không làm thế, ắt cô gái tuyệt diễm danh muội kia phải ôm cái mối buồn bã rũ rượi chầy chầy mà khô héo mất cái tấm thân ngà ngọc chết đi, há có thể nào như thế được? Há chẳng nhận thấy sờ sờ rằng phụ mẫu của nàng tham lợi mà đâm ra ám trí óc, cam chịu để cho cốt nhục máu mủ mình tan rã theo bụi cỏ lá cây, hơn là đem mà gả cho một thằng người ngợm đói rét đười ươi là cái đứa tôi đây?
Lúc bấy giờ tôi còn là đứa nhỏ tuổi khí thịnh máu hăng, xương xẩu dữ tợn, tôi đã quay đầu ngoảnh mặt mà đi, phiêu nhiên mà bước, tìm tới gõ cửa chùa Thường Tú tại Quang Châu, khẩn cầu Tán Sơ trưởng lão cho phép tôi nhập môn, và trưởng lão đã chấp thuận cho tôi vào làm “Biển Ô Sa Di”. Còn cô Tuyết Mai, thì tôi đã âm thầm phó thân phận bạc mệnh của nàng cho hồng ân. Như Lai Phạm Thiên Đế Thích, tha hồ Thích Ca xử trí nào ra sao thì mặc Thích ca ra nấy (ra thế).
Những chương sách trên đây thuật lại nỗi niềm tưởng niệm thân mẫu lúc tôi ở tại chùa tức là sự tình nông nổi mấy tháng sau ngày tôi vào  chùa vậy.

No comments:

Post a Comment