Sunday, December 20, 2015

dth

Blog Đinh Quang Anh Thái
(Báo Người Việt)

shared http://www.viet-studies.info/DuongThuHuong_DQAT_Interview.htm
27-3-12

Dương Thu Hương: “Tôi tìm được chân lý vĩnh hằng trong đạo Phật”



Dương Thu Hương nổi tiếng không những về những tác phẩm như Thiên Ðường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Khải Hoàn Môn, Chốn Vắng… mà còn do thái độ can đảm và thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo Hà Nội. Bà từng bị chế độ giam giữ gần một năm và công an còn đe dọa “nghiền nát như tương.” Hiện nay, Dương Thu Hương tỵ nạn tại thủ đô Paris của nước Pháp. Dù xa quê nhà, bà vẫn luôn thao thức về tình hình tại Việt Nam. Tháng 11 năm 2007, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã trả lời cuộc phỏng vấn sau đây do Đinh Quang Anh Thái (ĐQAT) thực hiện và đăng trên tuần báo Việt Tide.

ĐQAT: Trong những lần trả lời phỏng vấn trước đây, bà có đề cập đến “số phận”; bà có phải là người tin vào tôn giáo không?

DTH: Trên phương diện một nhà văn thì tôi nghĩ rằng tất cả mọi nhà văn đều phải cách xa tất cả các tôn giáo. Bởi vì người ta có câu là niềm tin cực đoan của một người có thể biến họ thành một con thú dữ. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều này. Thí dụ những cuộc Thập Tự Chinh của phương Tây thời xa xưa và bây giờ là các cuộc nổi loạn bạo động của những người Hồi giáo cực đoan khiến người ta run sợ. Tôi muốn nhắc lại một sự kiện là vào mùa Ðông năm 1994, lúc đó tôi đang ở Pháp, một chiếc máy bay bị không tặc, bị những người Hồi giáo cực đoan cướp. Trên chuyến bay đó từ Pháp đi Algerie có một người làm trong tòa đại sứ của nhà nước cộng sản Việt Nam tại Paris. Ông này đứng lên nói với những tên không tặc rằng, các ông không có quyền bắt tôi vì tôi là nhân viên ngoại giao, tôi không dây gì đến chuyện tôn giáo của các ông. Bọn không tặc nói rằng, à thằng này là trí thức, thằng này theo đạo Phật, vậy thì phải bắn chết nó. Lập tức chúng bắn chết ông này và vất xác ra khỏi cửa máy bay. Bọn không tặc sau đó bị cảnh sát Pháp bắt. Vụ bắn giết đó ám ảnh tôi và khiến tôi ghê sợ những kẻ theo tôn giáo mà cuồng tín bắn chết những người khác tôn giáo của chúng. Thật là khủng khiếp.

Nhưng vì lý do riêng biệt trong cuộc đời của tôi khiến tôi rất ngưỡng mộ đạo Phật. Nhưng tôi theo đạo Phật theo cách riêng của tôi. Tôi ngưỡng mộ đạo Phật với đầy đủ những sự suy nghĩ và những sự nghiệm sinh của bản thân tôi.

Cũng như những đồng bào ở miền Bắc, tôi rất ngưỡng mộ không khí của chùa chiền, nếu không muốn nói là mê cái không khí của chùa chiền. Vào những ngày mùa Thu hoặc mùa Ðông không mưa bão, chùa chiền là nơi dân chúng thường đến, không những chỉ để cúng bái, mà còn đến để ngoạn cảnh và giải phiền.

Thế nhưng thực tế cho thấy tất cả chùa chiền ở miền Bắc đều đã bị bộ phận A25 của công an gài sư công an xâm chiếm. Và ở chùa Kim Liên gần phủ Tây Hồ, tôi đã nhìn thấy một công an giả dạng ni cô đối xử với bà sư cụ ở đó một tàn nhẫn. Sự việc này khiến tôi không còn hứng thú đi chùa nữa.

Ðối với tôi, đạo Phật không chỉ là một tôn giáo đơn thuần, mà Phật giáo còn là một triết lý sống; và tôi tìm được chân lý vĩnh hằng trong tôn giáo và triết lý đó.

ĐQAT: Bà bắt đầu tin đạo Phật từ lúc nào?
 
Dương Thu Hương trên đường phố Paris (hình: Đinh Quát)

DTH: Có lẽ đó là một cái duyên khi tôi đọc tiểu sử của Phật Bà Quan Âm.

Như tôi được biết, Phật Bà Quan Âm xuất thân là Công chúa nước Sở. Ngài là người thông minh và xinh đẹp. Nhưng Bà không chọn lối sống của các Công chúa khác, nghĩa là thụ động để Vua cha gả cho các viên tướng hoặc là cạnh tranh tài sắc với người khác. Không ít trong các Công chúa đã trở thành các Bà hoàng và vô cùng ác nghiệt lộng hành thao túng quyền năng. Nhưng riêng Công chúa nước Sở thì lại yêu thích đạo Phật, từ chối cuộc sống sa hoa ở hoàng cung và đã đến chùa để tu. Ngài đi đến đâu thì Vua cha sai binh sĩ đến đó giết hết sư sãi và đốt chùa. Ngài di chuyển từ chùa này sang chùa kia thì lính của triều đình tiếp tục đuổi theo đốt phá chùa chiền, săn đuổi Ngài với mục đích ép Ngài trở về cung. Theo truyền thuyết thì Ngài đã cưỡi hổ đi về phương Nam và tu tại chùa Hương Tích. Có lẽ Bà đã được Trời thương – Phật độ nên thoát khỏi mọi nguy nan rình rập của binh lính triều đình cũng như hổ beo thú dữ để rồi cuối cùng đến được chùa Hương, là một nơi vô cùng thanh tịch, chung quanh toàn rừng mai rừng trúc. Bà tu ở đấy và chiêu nạp được hai đệ tử là Long Nữ Bồ Tát và Thiện Nam Bồ Tát.

Lịch sử của Bà làm cho tôi rung động một cách sâu sa. Bản thân tôi cũng bị xâu xé giữa hai thế lực, hai sức mạnh đàn áp. Một bên là lòng hiếu đễ và một bên là ý nguyện riêng. Vì lúc đó bố tôi bằng mọi giá bắt tôi phải ở lại với người chồng cũ và phải tuân theo nếp sống của người đàn bà trong chế độ phong kiến. Bố tôi thường nói dù chồng tôi có giết tôi thì tôi cũng phải chịu, và nếu gia đình có một đứa con gái bỏ chồng thì vô cùng nhục nhã. Tôi biết sự ép buộc ấy thật là lạc hậu và ngu ngốc. Nhưng vì tôi yêu bố tôi cho nên tôi sẵn lòng quỳ xuống để bố tôi hài lòng. Vì tôi biết bố tôi là người cổ, bố tôi quan niệm như vậy và ông thương con, cũng như tôi vô cùng thương bố tôi.

Bài học của Phật Bà Quan Âm mà tôi học được là người ta vẫn có thể bảo vệ con đường của mình mà không phụ lòng hiếu đễ. Cho nên tôi vẫn tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách nhưng gần 10 năm sau tôi mới ly hôn được để rồi chọn con đường làm giặc theo con đường của tôi. Bây giờ thì bố tôi không còn nữa, và tôi tin rằng ông cụ phải hiểu là tôi là người con hiếu đễ, mặc dù tôi không theo ý ông cụ.

Ðối với tôi, lịch sử của Phật Bà Quan Âm đã cứu rỗi linh hồn của tôi.

ĐQAT: Theo thuyết nhân quả của đạo Phật thì muốn biết kiếp trước chúng ta đã làm gì thì thử xem kiếp này chúng ta được hưởng gì; và muốn biết kiếp sau chúng ta được hưởng gì thì tự hỏi kiếp này chúng ta làm được những gì. Bà có tin vào nhân quả không?

DTH: Tôi hoàn toàn tin vào thuyết nhân quả. Tôi hoàn toàn tin vào kiếp sau. Tôi vẫn dậy con tôi phải sống cho có trước có sau. Nhiều người yêu cầu tôi phải thế này phải thế khác. Tôi trả lời rằng tôi không phải gì cả. Tôi chỉ phải sống đúng với những nguyên tắc đạo đức mà gia đình tôi đã dậy tôi và những nguyên tắc mà tôi học được ở đạo Phật. Các con tôi cũng phải theo những nguyên tắc đạo đức đó. Bất luận chúng nó là thường dân hay là người lỗi lạc, tôi đối xử như nhau. Tôi không yêu cầu con cái tôi phải trở thành bác sĩ, tiến sĩ. . ., tôi không yêu cầu như thế. Tôi chỉ duy nhất yêu cầu các con tôi sống tử tế; và đối với tôi đạo đức là cốt lõi.

ĐQAT: Tin vào nhân quả, bà giải thích như thế nào về những họa chung mà dân tộc mình đã phải gánh chịu; và cái nghiệp của từng cá nhân Việt Nam trong nhiều chục năm vừa qua?

DTH: Dân tộc chúng ta là một dân tộc đau khổ; và mỗi người phải làm hết sức mình nếu người đó có lương tâm để rút ngắn lại con đường đau khổ đó. Bởi vì cuộc chiến tranh chống Mỹ đối với tôi là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử của người Việt. Không có cuộc chiến tranh nào ngu xuẩn hơn cuộc chiến đó. Và nếu những thế hệ người Việt Nam sau mà muốn rút được những bài học của lịch sử thì họ phải biết suy nghĩ, biết đào bới và phải dám nhìn vào sự thật. Sự thật đó là dân tộc chúng ta đã có lúc ngu dại; và vì là một nước nhỏ nên bị đưa đẩy giữa hai thế lực; dân tộc chúng ta đã bị kẹp giữa hai toa tầu lịch sử. Ðiều đó nói ra thật đau lòng. Nhưng đối với tôi, không còn con đường nào khác ngoài con đường nhìn thẳng vào sự thật. Khi một lần nhìn thẳng vào sự thật rồi thì chúng ta mới tự cứu được. Và đó là điều trong kiếp sinh tồn ngắn ngủi của tôi, tôi có thể làm được tới đâu thì tôi làm tới đấy.

ĐQAT: Trở lại câu chuyện của chùa Kim Liên, trong một bài viết của bà, bà có đề cập đến một người giả làm ni cô, và người này đã có hành động tàn ác đối với một sư bà chân tu tại chùa. Bà có thể kể lại cho nghe thêm chi tiết được không ạ?

DTH: Tôi rất hay đi ngoạn cảnh chùa và chỉ lẳng lặng đi một mình thôi. Chùa đó rất nhỏ, nằm trong lĩnh địa của xã Kim Liên. Ði trên đường xuống phủ Tây Hồ, rẽ xuống cánh đồng lúa thì chùa Kim Liên nằm phía bên phải. Lúc bấy giờ là cánh đồng lúa nhưng bây giờ đã biến thành những khu nhà ở. Ngôi chùa đó rất nhỏ và tôi thường trò chuyện với sư cụ. Sư cụ là người đi tu từ lúc nhỏ, khoảng 5 – 6 tuổi. Cuộc đời bà cụ không giống những người khác (tình ái lỡ dở hoặc gặp những nỗi khổ đau nên mới vào chùa đi tu); mà bà cụ là người đã có duyên với đạo Phật. Theo tôi thì cụ là người có chân duyên với đạo Phật ngay từ bé. Những lần trước đến chùa, tôi chỉ nhìn thấy mấy nhà sư do cộng sản đội lốt ở dưới chùa sau thôi. Bẵng một thời gian khoảng hơn một năm không lên chùa, hôm đó tôi lên chùa thì thấy sư cụ nằm ốm trên phản; bên tấm phản là ít thức ăn khô quéo lại. Người đàn bà khoảng tuổi tứ tuần mắt long sòng sọc thì rít lên rằng “sao mày không chết đi cho tao nhờ”. Mụ này là sư giả và do chính hệ thống A25 đào tạo để mà trấn giữ tất cả các chùa chiền và đuổi tất cả các người chân tu ra khỏi chùa. Vì chế độ biết là Phật giáo là một lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Tôi nghĩ rằng, trong phong trào đấu tranh cho dân chủ hiện nay tại Việt Nam, Phật giáo là một lực lượng lớn. Cho nên những nhà chân tu như ông Thích Thiện Minh mới bị giam giữ cả chục năm và chỉ mới được thả khỏi tù năm ngoái; và cụ Thích Quảng Ðộ mới bị quản thúc ngặt nghèo đến như vậy. Nếu như Phật giáo không là cái gì cả thì đảng cộng sản không đến nỗi phải dùng nhiều biện pháp để hăm dọa, kiểm soát và trấn áp như vậy.

ĐQAT: Có cách nào Phật tử tại Việt Nam nhận chân được vai trò của A25 trong công tác tổ chức sư sãi gỉa như bà từng chứng kiến?

DTH: Không phải mình tôi chứng kiến và biết vai trò của A25. Nếu chỉ mình tôi biết thì đã không xẩy ra cuộc biểu tình của dân chúng tại chùa Láng cách đây vài năm đòi đuổi cổ sư rởm để đưa sư thật về chùa. Năm Tết xẩy ra vụ biểu tình đó, công an đã bắt giữ hơn 100 người. Thành ra tôi tin rằng không phải chỉ mình tôi nhìn ra sự thật mà nhiều người đã nhìn ra sự thật. Nhưng cái nỗi sợ triền miên, cái nỗi sợ bản thể của một dân tộc quen sợ hãi kẻ cầm quyền đã chế ngự dân tộc chúng ta; và chính vì nỗi sợ đó mà đảng cộng sản, chính quyền cộng sản mới tồn tại tới ngày nay. Nếu một dân tộc can đảm hơn, một dân tộc ý thức được quyền công dân, ý thức được quyền tự do thì cái nhà nước này xụp đổ tan tành từ lâu rồi.

ĐQAT: Làm cách nào để đồng bào chúng ta có được tinh thần can đảm đó?

DTH: (Cười thoải mái) Một trong những cách là ông và những người đồng nghiệp trong giới truyền thông như ông phải kêu gọi mọi người và những lực lượng đấu tranh cho dân chủ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội bằng cách phổ biến tin tức và kiến thức cho đồng bào. Một cách nữa nhưng phải chờ đợi thời gian, bởi vì phải có thời gian để một dân tộc quá nhiều đau khổ ngửng mặt thì lúc đấy người ta mới nghĩ đến điều khác. Một dân tộc quá đau khổ thì khó có nhu cầu dân chủ được. Khi dân tộc khá no đủ thì lúc đó mới có ý thức về nhân phẩm, ý thức về quyền tự do và từ đó xã hội dân chủ mới có thể hình thành.

ĐQAT: Cuộc Cách Mạng Nhung đã xẩy ra ở Tiệp, rồi cách mạng ở Nga, và gần đây là cuộc Cách Mạng Mầu Da Cam tại Ukraine; phải chăng các dân tộc đó đủ no rồi nên họ mới đứng dậy?

DTH: Những dân tộc đó chưa bao giờ đói khổ như người Việt Nam; và họ có một tầng lớp trí thức. Trong khi đó ở xã hội cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ có tầng lớp trí thức. Tất cả đều là viên chức trá hình. Tất cả đều là người làm thuê cho đảng và nhà nước cộng sản. Mà đã làm thuê thì phải sợ chủ. Chủ nó trả tiền lương thì phải nói theo lời của nó chứ làm sao có tư tưởng tự do, có lớp người tự do. Cho nên khi nào một đất nước hình thành được một tầng lớp trí thức thực sự, nghĩa là những con người sống độc lập với kẻ cầm quyền về mọi lãnh vực, từ kinh tế đến suy nghĩ, thì lúc đó hạt mầm dân chủ mới có thể nẩy nở được.

ĐQAT: Bà nghĩ gì về những người đang đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam như các ông Nguyễn Ðan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Phương Nam Ðỗ Nam Hải. . .? Ðó có phải là những người trí thức không?

DTH: Ðó là những nhân cách trí thức. Ðấy là những con người đặc biệt. Vì có nhân cách như vậy nên họ phải chịu tù đầy và bị đẩy ra khỏi xã hội. Họ và gia đình họ chịu đựng tất cả đòn thù của kẻ cầm quyền. Nhưng những nhân vật cá lẻ đó chưa đủ hình thành một tầng lớp trí thức. Phải cần có thời gian để số người có nhân cách như thế nhân lên trở thành một tầng lớp. Lúc đó thì đất nước mới có thể thay đổi được.

ĐQAT: Như vậy thời gian sẽ dài?

DTH: (tặc lưỡi) Có lẽ.

ĐQAT: Lịch sử của dân tộc nào cũng có những đột biến, những ẩn số; bà có nghĩ là Việt Nam không thoát khỏi tiền lệ đó không?

DTH: Tôi cũng cầu Trời khấn Phật cho có đột biến. Ðột biến hay không là do Trời Phật quyết định, do Chúa quyết định. Cho nên tôi chỉ có thể với tâm thành cầu nguyện mà thôi. Chúng ta là những con người có những giới hạn của sinh tồn, giới hạn của khả năng. Chúng ta không nên tham vọng quá. Mỗi người có gắng làm hết sức mình trong khoảng ngắn của sinh tồn. Thế là đủ rồi.

ĐQAT: Sau bao năm tháng tiêu phí tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh mà bà bảo là phi lý nhất trong lịch sử dân tộc mình; để rồi sau đó bị chế độ đầy đọa vì “làm giặc”; bản thân thì không ai dám liên hệ vì sợ bị liên lụy; có bao giờ bà chùn bước và muốn buông xuôi không?

DTH: (cười mũi) Nếu mà tôi chùn bước, buông xuôi thì tôi đã chùn bước, buông xuôi từ lâu rồi. Thế nhưng mà bây giờ thì tôi sẽ buông vì hiện đang có một lớp khác. Tôi đã nói với Ðỗ Nam Hải rằng, tôi già rồi nhá, bây giờ đến lượt các chú cầm cờ. Vả lại tôi là người nhà quê, tôi không biết sử dụng các phương tiện văn minh kỹ thuật mobile phone, ordinateur (computer) như các chú; và tôi là người rừng, khi các chú đánh nhau với cộng sản thì tôi ở trong rừng tôi ném ra vài cú đá để hiệp đồng tác chiến; bây giờ tôi già rồi, ngọn cờ thuộc về lớp trẻ.

ĐQAT: Như vậy có nghĩa là bà chuẩn bị nghỉ ngơi?
DTH: (cười thoải mái) Tôi 60 mươi tuổi rồi chứ ít ỏi gì nữa. Người đàn bà 55 tuổi là đã về hưu rồi. Tôi 60 mới được về hưu là hơi muộn đấy, thưa ôn

 http://nguoivietblog.com/dinhquanganhthai/?p=281

***
shared 
http://www.toquocvietnam.org/ToiLaPhatTu.htm
Tôi là Phật Tử
theo cách riêng của tôi
Dương Thu Hương

Sau khi trả lời ông Đinh Ngọc Ninh bỗng nhiên tôI nhận được một loạt thư, hỏi:
- Bà có phảI phật tử không? Chúng tôI thấy nhiều quan điểm trong bài viết của bà rất gần với lý thuyết đạo Phật.

- Nếu điều chúng tôi nghi ngờ là đúng, tại sao một người đấu tranh cho dân chủ lại có thể là phật tử?.....

Câu trả lời của tôi là: Tại sao không?Đạo Phật không biên giới. Đó là một tôn giáo thẫm đẫm tính đạo đức và triết lý. Đạo Phật cũng như bất cứ tôn giáo nào khác đều tồn tại và phát triển thông qua hằng hà sa số các cá nhân. Bất cứ cá nhân nào cũng có một gốc rễ văn hóa, cũng mang một nhãn hiệu bản thể gọi là quốc tịch. Do đó khi trong một con người cùng tồn tại song song hai tình yêu lớn: tôn giáo và tổ quốc, người đó ắt phải tranh đấu cho hai kỳ vọng, hai niềm tin.
Vì thế, câu trả lời của tôi là: Tại sao không?

Tuy nhiên, tôi chỉ là phật tử theo cách của riêng tôi. Tôi không đi lễ chùa. Chẳng phải là cố tình tìm một cách tồn tại độc đáo nhưng vì tôi không có khả năng thỏa hiệp, cho dù đó là một sự thỏa hiệp dễ chịu nhất.
Cách đây chừng mười bảy mười tám năm một ngày Xuân tôi đi viếng cảnh chùa. Ngôi chùa đó nằm gần phủ Tây Hồ. Trên đường tới phủ rẽ tay phải chừng non trăm mét là tới. Tôi không còn nhớ rõ tên chùa mặc dù đó là nơi trước khi xảy ra sự việc năm nào tôi cũng tới, khoảng một hai tháng một lần, siêng năng nhất là mùa xuân và mùa Thu. Đó là ngôi chùa cổ còn may mắn sót lại sau những cơn đốt phá đình chùa đền miếu theo chủ trương "tiêu diệt tàn dư phong kiến" của chính quyền cộng sản. Không có gì đặc biệt ở ngôi chùa ấy, ngoài một mảnh vườn nhỏ vừa trồng đào vừa trông mai. Có lẽ cảnh tượng thân ái của những cây đào và cây mai chen vai, thích cánh cuốn hút tôi vào mùa xuân và khi mùa thu đến, đám cành trần trụi khẳng khiu vươn lên trong lặng lẽ cũng mang lại một vẻ đẹp u sầu và nghiêm cẩn, vẻ đep ta thường gặp ở mọi ngôi chùa cổ xứ Bắc.
Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi: Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà "sư nữ" ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên:

- Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ!....

Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn:

- Mày chết đi.....
Tôi định lui ra nhưng cô ta đã nhìn thấy tôi. Quá muộn cho cả đôi bên. Hẳn cô ta không ngờ có kẻ đột nhập vào "ngang hông" bởi thông thường khách thập phương phải qua sân đi vào chùa chính. Cô ta không biết rằng tôi quen mọi ngõ ngách và thường đi tắt qua nhà ngang vào chùa sau để hầu chuyện sư cụ. Không thể mở miệng "mô phật" như lần trước cô ta ném cho tôi một cái nhìn giận dữ và thách thức rồi ngoay ngoảy quay đi. Tôi ngồi xuống phản với sư cụ. Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Đó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. "Nhân sự" do "bên trên" đưa xuống.
Vậy cái gì là "bên trên" ?
Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở? .... Chẳng có gì bí mật cả, "bên trên" là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để "yểm" Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc. Không ai quên rằng chính nhà nước cộng sản đã dấy lên cơn bão kinh hoàng nhằm tàn phá đình chùa, đền miếu thậm chí đào mồ hốt mả chúng sinh, tiêu diệt tất cả những gì mà họ cho là "tàn tích của chế độ phong kiến". Trong một thời gian dài, những người cộng sản muốn xóa sạch tất cả các tôn giáo, bắt chúng sinh thờ vị thần duy nhất mắt xanh mũi lõ tên là Karl Marx và đám tông đồ của ông ta. Nhưng để xóa đi một đức tin và thay thế vào một đức tin khác không dễ dàng như họ tưởng. Và không phải bất cứ lúc nào họng súng cũng đem lại những kết quả mong muốn. Thời gian không ủng hộ họ. Bức tường Berlin sụp đổ và Lénine vĩ đại của họ sụp đổ theo. Dân Nga xích cổ tượng ông ta kéo lê trên bùn. Đám tín đồ phương Đông đứng chơ vơ không biết từ nay "người cầm lái vĩ đại" của họ sẽ là ai? ... Trong lúc đó dân chúng ào ào dựng đình, cất chùa. Khắp nơi miếu mạo, đền chùa, lăng tẩm dựng lên theo trí nhớ. Chính quyền cộng sản có thể truy bức tàn sát chúng sinh, cướp bóc phá hủy tài sản của họ, nhưng trí nhớ và niềm tin là những thứ không thể bắn thủng bằng các loại đạn. Và như thế, giờ đây dân chúng đã xây lại tất cả những gì đã từng bị họ tàn phá, nếu không nói là còn nhiều hơn. Nhu cầu tâm linh hóa ra cũng là một nhu cầu sinh tử của kiếp người. Trước tình hình này A 25 trở nên quan trọng hơn trong vai trò "bảo vệ nền chuyên chính". Nhiệm vụ của họ là "khống chế hội phật giáo" biến chùa chiền toàn quốc thành hệ thống pháo đài của quyền lực, rình mò theo dõi tư tưởng dân chúng và ....điều này nữa, các tín đồ của Marx không quên: tận thu nguồn lợi béo bở từ đám chúng sinh "mê tín" kia. Vậy là đội quân "sư nhà nước" được hình thành. Nguồn đào tạo chính là C 500 (đại học ngành an ninh). Thêm nữa, sinh viên tuyển lựa từ các đại học khác như Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại ngữ ... có thành phần cơ bản (lý lịch đáng tin cậy) được vũ trang bằng lý thuyết giai cấp của Marx-Lénine và một thứ chủ nghĩa duy vật hạ đẳng. Sau đó, lớp người này được "tráng men" bằng lý thuyết đạo Phật và trước hết các phương pháp niệm kinh, hành lễ để "vào nghề".
Như thế nhà nước cộng sản đã tạo nên một đội ngũ "tôi tớ trung thành" được quyền thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và nhục thể dựa trên sự đầu cơ trục lợi "những khát vọng tâm linh" của dân chúng. Các ông sư bà sư áo quần phấp phới cưỡi xe vù vù đi "họp kín". Họp kín ở đây tức là họp "giao ban" ngành dọc A 25. Họ báo cáo rành mạch mọi thành tích. Riêng những cọc tiền thu được từ các hòm công đức là "không thể rành mạch" vì các sư còn phải mang về quê xây nhà tầng và lo cho các con học đại học trong nước và ngoài nước. Sư hành nghề ở Thái Nguyên, Hà Bắc thường có quê quán gia thất tại Thanh Hóa, Nam Định và ngược lại .... So với các nghề khác trong Bộ Nội vụ, "nghề làm sư" là béo bở, chỉ thua kém "Cục buôn lậu ma túy" thôi.
Cả một bộ máy lừa bịp vận hành nghiễm nhiên và ngang nhiên dưới ánh mặt trời, trước mắt dân chúng.
Dân chúng, tuy thường xuyên phải cúi mặt nhẫn nhục cam chịu, đôi khi cũng vùng lên tranh đấu, đòi đuổi sư nhà nước, giành chùa cho chân tu. Vụ biểu tình của các tín đồ chùa Láng Hà Nội cách đây ba năm là một ví dụ. Trong tối hôm đó, công an đã bắt giam trên một trăm tín đồ.
Vậy tôi xin trở lại lý do khiến tôi không đi lên chùa từ gần hai thập kỷ nay, sau kỷ niệm đau buồn với sư cụ tôi không còn muốn nhìn thấy một lần nữa bọn "thầy chùa đểu".
Nhưng chưa hết.
Tôi không đi lễ chùa cũng còn vì chùa chiền giờ đây đầy rẫy bọn "đao phủ" đi "đánh quả" thần, phật. Gọi là "đao phủ" vì chính lũ người đó trước đây đã ra lệnh phá đình chùa, đuổi sư sãi, vặt cổ vặt tay tượng phật làm củi.... giờ đây chúng lại xì xụp hương khói hơn tất thẩy mọi người.
Vì sao có sự đổi hướng quay chiều? ....
Tôi sẽ trả lời tường tận nhưng trước hết, để tránh rơi vào lối ám chỉ chung chung tôi xin nêu dẫn chứng:
- Một là, những người dân Huế cỡ trung niên hẳn chưa quên câu ca này:
Bùi San cùng với Trần Hoàn
Hai thằng ngu ấy phá đàn Nam Giao
Bùi San: bí thư tỉnh ủy. Trần Hoàn: trưởng ty văn hóa. Công trình chung của họ là hủy diệt một di tích lịch sử nơi xưa kia các vua Nguyễn tế Trời Đất và tiên vương. Sau này, ông Trần Hoàn ra làm bộ trưởng Bộ Văn hóa, vợ con ông ta xem bói từ Nam ra Bắc, khấn lễ mọi nơi, đặc biệt lễ hậu là Bia Bà để cầu cho ông được"vững vàng". Riêng tôi, tôi nhìn thấy ông nhiều lần cắp cặp đứng trước cổng nhà các vị "Bộ Chính trị". Quả là một cuộc hiệp đồng tác chiến; vợ con ông đi đút lót "thần, phật" còn ông đi hầu hạ các "thánh sống" để ông được duy trì thêm 4 năm trên ghế bộ trưởng vì ông đã già lại quá nhiều khiếu kiện, cấp trên của ông đã chấm ông "vào sổ hưu".
- Hai là, thời kỳ Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư Đảng, ngoài chiến dịch "Thanh Hóa hóa bộ máy cầm quyền" ông ta đã tranh thủ đào bới ngân khố quốc gia để xây dựng lại, mở mang hoành tráng đền thờ Lê Lai, tin tưởng đó là tổ tiên trực tiếp, là thần hộ mạng cho mình.
- Ba là, vài năm gần đây nhiều người họ Trần vênh vang tuyên bố rằng họ Trần sắp sửa bước vào thời kỳ "đại phát" vì Trần Đức Lương vừa cho xây khu mộ cổ họ Trần tại Thái Bình. Khu mộ này sẽ được xây theo thế "rồng phục" sao cho ít nhất, chín đời họ Trần sẽ liên tục "làm vua" ...v v.. và ...v v..
Theo logic, ngày nào chế độ độc tài này còn tồn tại thì tất thảy bọn cầm quyền họ Miêu họ Thử họ Ngưu họ Mã .... sẽ lần lượt vét ngân khố quốc gia để xây dựng mồ mả đền miếu cho riêng dòng tộc của chúng với một chủ đích hoặc ngụy trang hoặc lộ liễu: Duy trì quyền lực.
Quyền lợi, đó là căn nguyên sự quay chiều đổi hướng của kẻ cầm quyền. Marx và Lénine hết sài được thì quay sang "đầu tư, đánh quả" thần, phật. Hạng người ti tiện, lòng tham ngùn ngụt như vậy làm gì có "tâm hồn tôn giáo"?..., nhất là một tôn giáo có quá nhiều yêu cầu đạo đức, cấu trúc trên tinh thần khắc kỷ như đạo Phật? ... Không phải vô cớ mà so với đạo Hồi và Thiên Chúa giáo, đạo Phật có ít tín đồ hơn. Con đường dốc khó trèo. Con đường dốc ấy làm sao tương hợp được với bọn cởi áo đao phủ khoác áo cà sa điềm nhiên như diễn viên thay trang phục sân khấu, không một chút ngượng ngùng, không mảy may hối tâm, không một lần thành khẩn trước tha nhân?

Lẽ ra, chính quyền Việt Nam phải xin lỗi dân chúng một cách công khai, một cách thanh thật, một cách nghiêm khắc vì tội ác phá đền chùa lăng miếu, đào bới san ủi mồ mả tiền nhân của chúng sinh. Nếu họ cải tâm họ đã phải làm điều đó trước khi đặt chân lên thềm những đền chùa mà dân chúng gom góp xây dựng lại.
Nhưng cái ngã mạn của kẻ cầm quyền khiến lương tâm họ mù tối. Họ không cần xin lỗi ai bởi vì họ tự nhận là "Đảng thần thánh và vĩ đại". Và vì"thần thánh và vĩ đại" họ đã thản nhiên làm cái việc mà cổ nhân từng cảnh báo:
"Thế gian có mặt mũi nào
Đã nhổ lại liếm làm sao cho đành"
Tôi chuyển sang mục thứ hai: Tôi là phật tử theo kiểu của riêng tôi. Không đi lễ chùa đã đành, tôi cũng không tin tuyệt đối vào lòng từ bi. Đối với tôi, lòng từ bi không thể độc hành. Lòng từ bi phải bước song song với một trí tuệ sáng suốt và khả năng chiến đấu chống lại điều ác.
Khi lòng từ bi không được rọi chiếu dưới ánh sáng trí tuệ, nó dễ dàng đưa ta đến tai họa. Chỉ cần nhớ lại tích "Đường Tam Tạng đi lấy kinh" là đủ. Đã bao nhiêu lần vị sư phụ này mắc lừa bọn yêu quái, niệm chú để xiết chặt vòng kim cô làm Tôn Ngộ Không đau đớn vật vã điên cuồng. Và cũng chớ nên quên rằng bao nhiêu lần ông ta mắc lừa, bấy nhiêu lần Tôn Hành Giả đi giải cứu.
Khi thiếu khả năng chiến đấu chống lại cái ác, lòng từ bi của chúng ta biến thành chất dầu nhờn, bôi trơn cỗ máy nghiền của loài ngạ quỷ và chính cỗ máy này sẽ nghiền nát chúng sinh. Một dân tộc hiền hòa như dân tộc Tây Tạng đã mất nước vì thiếu khả năng chiến đấu. Quân lính Trung Quốc không chỉ xâm chiếm, tàn phá đất nước Tây Tạng mà còn đổ than hồng vào đầu vào họng các nhà sư và tra tấn họ bằng tất cả những hình thức tra tấn thời Trung cổ.
Thêm một ví dụ nữa: Ai cũng biết ở Khơ-me đạo Phật là quốc giáo. Vậy mà chính tại xứ sở này nạn diệt chủng đã xảy ra. Hơn hai triệu người bị giết dưới chính quyền Khơ-me đỏ. Thê thảm thay, rất nhiều cuộc tán sát man rợ lại xảy ra chính tại các chùa. Nơi thờ cúng linh thiêng biến thành địa ngục và giờ đây, thành một thứ bảo tàng lưu giữ đầu lâu của các nạn nhân.
Với nghiệm sinh, tôi xin góp một dẫn dụ nhỏ. Năm 1991, trong gần tám tháng tù, tôi nhớ nhất câu này:
- Chị sẽ được ra tương ớt! Chị sẽ được nghiền ra tương ớt!
Không phải vì câu nói được lặp đi lặp lại mà vì thái độ của những người nói. Họ có một vẻ hài lòng đáng sợ, một sự điềm nhiên đáng sợ. Tôi không thù ghét họ: một đại tá, một đại úy, một trung úy. Có lẽ về bản chất họ không phải người ác người xấu. Nhưng họ đã được đào tạo để làm cái việc"nghiền người khác ra tương ớt". Vì thế, đối với họ, việc nghiền ai đó ra tương ớt là phận sự, là phương tiện sinh tồn, giống như người thợ phay bào một con ốc thép hoặc người đầu bếp xào món rau.
- Chị sẽ được nghiền ra tương ớt!
Mỗi lần nghe câu nói đó, tôi đọc thấy trên gương mặt họ niềm hạnh phúc thanh thản của "Gã nông phu vừa cày xong thửa ruộng, Ngả mình trên nếp cỏ ngủ ngon lành".Đương nhiên, họ chuẩn bị mọi sự để cho tôi ra "tương ớt". Nhưng không may cho họ, một tuần sau cuộc đảo chính ở Nga thất bại, thành trì của chủ nghĩa xã hội sụp đổ tan tành, cả ê-kíp ba người hỏi cung tôi tái xanh tái xám, mặt họ hiện lên nỗi hoang mang thê thảm, không còn chút tự tin.
Họ phải dừng tay, không dám cho tôi ra "tương ớt".... Và rồi, với 95 triệu franc viện trợ không hoàn lại của chính phủ đảng Xã hội Pháp, nhà nước cộng sản đã thả tôi ra....
Hơn một thập kỷ trôi qua, tôi vẫn không quên hình ảnh "tương ớt". Vì cỗ máy nghiền con người ra tương ớt vẫn tồn tại. Và nó tiếp tục nghiền những người khác. Cả một đội ngũ "thợ nghiền" tiếp tục nuôi sống bản thân cũng như vợ con họ bằng nghề nghiệp này. Liệu các vị có thể dùng lòng từ bi hỉ xả như vũ khí tối hậu và duy nhất để làm thay đổi cỗ máy nghiền này chăng? ....
?....?....
Tôi không tin.
Vì thời gian hữu hạn, khả năng con người cũng hữu hạn.
Vì sự tập nhiễm là bản năng thứ hai có sức mạnh ghê gớm mà chỉ riêng lòng tốt không đủ để đổi thay.
Vì lẽ đó, cuộc đấu tranh của Phật Tử cũng như của giáo dân không thể chỉ tựa trên sức mạnh của lòng từ ái. Cuộc đấu tranh nào cũng phải có chiến lược và chiến thuật, tùy cơ ứng biến. Và dù đứng dưới bóng Phật hay bóng Chúa, con người cũng cần có một bộ óc phán đoán phân tích sắc bén cộng với một khả năng đủ cho việc chống lại cái ác, bên cạnh lòng hỉ xả từ bi,
Tôi là phật tử theo kiểu của riêng tôi vì tôi không bao giờ chủ trương đạo Phật trở thành "quốc giáo", tôi đấu tranh cho một nền dân chủ đích thực mà nền dân chủ đích thực chỉ cho phép tồn tại một nhà nước thế tục trong đó tất thảy các tôn giáo đều được bảo vệ một cách bình đẳng nhưng trước hết mọi tín đồ đều có nghĩa vụ làm công dân xứng đáng.
Với tôi, chỉ có một nền dân chủ đích thực cho phép thay đổi thường xuyên các chính phủ thối nát, lạm nhũng mới cho phép các tôn giáo tồn tại đúng với tư cách tôn giáo, đền chùa và nhà thờ mới tồn tại như những chốn thiêng liêng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cõi người mà không bị biến thành đồn bốt bảo vệ cho quyền lực nơi đám cường hào trá hình ức hiếp người tu hành và bóc lột chúng sinh.
Bây giờ, là một câu hỏi có tính riêng tư:
- Cơ duyên nào đưa bà đến cửa thiền?
Tôi xin trả lời:
- Sự đưa dẫn của số phận.
Đúng như vậy. Tất cả những ngả rẽ lớn trên đường đời, tôi không trù tính. Tất cả, đều xảy ra như những ngẫu nhiên. Nói một cách bóng bẩy hơn suốt phần đời tôi đã trải qua là tạo phẩm dưới bàn tay vô hình của số phận. Tuổi thơ, tôi không mơ ước làm nghề viết văn. Trưởng thành tôi cũng không hình dung được có ngày tôi trở thành kẻ thù số 1 của chế độ này. Tương tự như thế, chưa bao giờ tôi cố ý đi tìm đọc giáo lý nhà Phật.
Sau cái chết của cha tôi 1992 trong tôi bỗng nảy sinh nhu cầu siêu hình. Vì sao, chính tôi cũng không rõ. Có điều, tôi biết chắc chắn rằng đời người thường chưa chất những ngộ nhận, những nhầm tưởng, những bí ẩn, những che giấu.... tất cả những gì mà ta thường gọi là "bờ lú bến mê". Trong quan hệ giữa con người với con người, những mê lú thường đem lại khổ đau, hờn oán. Thâm tình càng sâu, khổ đau càng lớn. Bởi vì, chỉ những người ta yêu thương mới có khả năng làm cho ta đau đớn. Phật tổ Như Lai dạy: "Con cái là những sợi xích bằng vàng". Với tôi, sự thật dạy thêm vế đối: "Cha mẹ là những chiếc cùm bằng ngọc". Trong gia đình tôi, tồn tại một nguyên tắc "Gia pháp cao hơn quốc pháp". Vì lẽ đó, trong hơn một thập kỷ cha tôi đã áp dụng với tôi mọi hình thức kỷ luật quân đội để ép tôi sống với người chồng cũ, vì "bỏ chồng là điếm nhục gia phong".....Có lẽ vì những ẩn ức đó tôi bỗng có nhu cầu siêu hình sau cái chết của ông, dù người âm kẻ dương chúng tôi vẫn là cha con và vẫn có nhu cầu trò chuyện. Cũng chính vì những ẩn ức đó cuộc gặp gỡ và thờ phụng Phật bà Quan Âm đối với tôi là một hạnh duyên, một may mắn vĩ đại và thần bí.
Là người viết văn tôi biết rằng với thời gian và qua thời gian tất thảy các nhân vật lớn thuộc mọi tôn giáo đều được thần thoại hóa. Nhưng cho dù tước bỏ mọi chi tiết huyền hoặc, mọi sợi chỉ óng ánh thêu dệt chân dung tôi vẫn thấy Phật Bà là một nhân cách vĩ đại tỏa sáng. Bị chinh phục hoàn toàn vì nàng công chúa từ bỏ cuộc đời xa hoa của hoàng cung, chạy trốn sự truy đuổi của quân lính triều đình, cưỡi hổ về phương Nam tu hành, tôi đi tìm đọc giáo lý nhà Phật.
Vậy là con đường tôi đi ngược chiều với nhiều người khác. Tuy nhiên phương Tây có câu: "Mọi con đường đều dẫn đến Roma".
Tôi tin rằng có nhiều con đường khác nhau dẫn đến tôn giáo nói chung cũng như cửa Phật nói riêng. Tùy theo duyên phận từng người, họ có thể dấn thân vào hành trình đó sớm hay muộn, lâu dài hay ngắn ngủi, sâu hay nông, thành thực hay chiếu lệ ...v ..v...
Đối với tôi, đạo Phật đem lại nhiều chân lý vĩnh hằng: Tính vô thường của Tồn Sinh, luật ly hợp của con người, vòng quay Sinh Diệt ...v..v... Nhưng trước tất thảy mọi triết thuyết, đạo Phật dạy ta xử lý ra sao trong các mối mâu thuẫn nan giải của đời người. Lịch sử cá nhân của Quán Âm Bồ Tát đem cho tôi một sức mạnh mới mẻ và sự thanh thản triệt để trong tâm hồn. Tôi hiểu là từ ngàn xưa những con người vĩ đại đã giải quyết ra sao mối mâu thuẫn giữa các thế hệ đặt trong bối cảnh tình huyết nhục.
Tôi hiểu rằng ngoại trừ ngày cha mẹ đặt ta vào cõi đời, con người phải tự mình sinh đẻ ra mình, và lần sinh trưởng thứ hai này mới thực sự quyết định cho nhân cách cũng như sự nghiệp.
Tôi hiểu rằng không phải vinh quang cũng không phải chiến thắng mà chính là Tình Yêu và sự Hy Sinh nâng con người lên cao.
Và tất thảy những ý tưởng ấy được chắt lọc ra khi tôi đọc "Chuyện Quan Âm". Cho nên tôi như được hồi sinh khi tẩy xóa mọi ẩn ức, thanh lọc tâm hồn. Tôi cúi đầu trước vong linh cha tôi vì hiểu rằng chính ông và chỉ ông mới tạo ra tôi nhưng tôi vẫn đi đúng con đường tôi đã chọn, không mảy may nao núng. Tôi cũng không bao giờ ép duyên hay can thiệp vào đời tư của các con tôi. Và bài học lớn lao ấy tôi học được từ Phật bà Quan Âm. Ngài chính là cơ duyên đưa tôi đến cửa Thiền.
Cuối cùng, để cảm ơn tất cả những ai đã quan tâm hỏi tôi, nhất là các Phật tử tôi xin phép nói rằng:
Tôi vẫn mơ ước có một ngày, khi lũ lợn bẩn thỉu bị đuổi khỏi đền chùa, mọi nơi thờ cúng linh thiêng được trả lại cho các chân tu những người mà mệnh và nghiệp gắn kết họ với tôn giáo... Ngày ấy, nếu Trời còn cho sống tôi sẽ lại "vãn cảnh chùa", để thưởng thức mùi hương thuần khiết, thanh cao của hoa mộc hoa sói, hoa lan.... những loài hoa chỉ được phép trồng nơi thiêng liêng hương khói.
DƯƠNG THU HƯƠNG



Thưa bà Dương Thu Hương, 
Tôi đã được đọc bài Tôi là Phật tử của bà, rất hay. Nghĩ đến bà, tôi lại nhớ đến hình ảnh những vị nữ anh hùng của dân tộc: bà Trưng, Bà Triệu, bà Lê Chân? Nhân đây, tôi xin kể hầu bà 2 câu chuyện về lãnh vực bà đang kể đây, đồng thời xác minh với bạn đọc rằng, câu chuyện bà kể hoàn toàn có thể có thật 101%. Nhưng chuyện tôi kể cho bà còn ly kỳ và khốn nạn hơn gấp bội.

I. KHỐNG CHẾ SINH HOẠT VÀ CHIẾM ĐOẠT CƠ SỞ TÔN GIÁO. 
Vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, bọn Cộng Sản áp dụng chính sách khống chế sinh hoạt của các tôn giáo, đồng thời bằng mọi cách chiếm đoạt các cơ sở tôn giáo bao gồm cả đất đai và các thứ tài sản khác. Mà vấn đề này hiện nay đang có sự tranh chấp quyết liệt chưa đến hồi kết thúc, bởi bọn Cộng Sản cố tình chiếm giữ không hoàn lại hoặc bồi thường với giá rẻ mạt hòng bóp nghẹt cơ sở sinh hoạt tôn giáo ở các địa phương.

Trong thời gian đó có một ngôi chùa trước đây thuộc tỉnh Đồng Nai, Cộng Sản cho người mang Quyết định đến để tịch thu toàn bộ cơ sở của chùa nhưng các vị tu sĩ ở đây nhất quyết không giao, vì đây là cơ sở tôn giáo có giấy tờ do Pháp luật công nhận nghiêm chỉnh. Bằng mọi cách, các vị tu sĩ nơi đây quyết bảo vệ ngôi chùa. Sau nhiều lần bọn Cộng Sản tấn công bằng hành động và tinh thần đối với tu sĩ của chùa này, nhưng đều bị dội ngược do tinh thần đấu tranh quyết liệt của các vị tu sĩ. Thế là Cộng Sản bắt đầu bày ra chiêu khác, quyết không tha miếng mồi ngon này.

Cộng sản gài bọn Công an Ngoại tuyến giả dạng Phật tử đi viếng chùa. Qua nhiều lần đến chùa Lễ Phật, bọn Công an này dần dà làm quen rồi làm thân với các vị tu sĩ của chùa này. Sau đó, họ đem chuyện định tổ chức vượt biên và mời các vị tu sĩ nơi đây cùng đi với họ. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương, bị áp bức bởi sự cầm quyền của Cộng Sản, có mấy ai tha thiết sống dưới chế độ này. Được thoát ra khỏi sự kiềm hãm của chế độ độc tài này dù có phải tan da nát thịt thì đứa trẻ lên năm cũng sẽ nói lời tạ ơn Thượng Đế, huống chi các vị tu sĩ nơi đây luôn bị tra tấn bởi bọn Cộng Sản hết tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Thế cho nên, các vị này nghe theo lời bọn họ chuẩn bị chuyến ra khơi để được giải phóng kiếp người mất tự do này.

Đến hẹn, bọn Công an chìm này đưa các vị tu sĩ ra một bãi biển để chờ lên tàu. Trong khi đó, một lũ Công an đã mai phục sẵn tại địa điểm chúng đã chọn để đưa các tu sĩ này đến. Mọi người đang loay hoay trông ngóng tàu đến rước họ đi thì bọn Công an ập đến hốt cả đoàn người có các vị tu sĩ này. Lúc này, các tu sĩ mới ngộ ra là bọn Phật tử thân thiết ngày nào là Công an chìm được cài vào chùa khi bọn họ móc thẻ Công an dí vào mặt các tu sĩ. Công việc tiếp theo mới là vấn đề gây cấn.

Các vị tu sĩ này bị áp giải về đồn Công an với tội danh phản quốc và được bọn Cộng sản đưa ra 2 điều kiện để khống chế nhằm mục đích chiếm ngôi chùa nói trên:

Phải giao toàn bộ cơ sở và tài sản của ngôi chùa cho Cộng sản.

Phải vào tù gỡ lịch.

Trong hoàn cảnh này, các vị tu sĩ phải chấp nhận điều kiện thứ nhất. Bởi nếu chấp nhận điều kiện thứ hai là đi tù thì bọn họ cũng chiếm cơ sở chùa vô điều kiện.

Đến nay, cơ sở chùa này vẫn chưa được trả lại cho Giáo hội Phật giáo.

II. HÒA THƯỢNG GIÒ HEO. 
Đây là trường hợp trùng hợp với câu chuyện của bà kể, nghĩa là Cộng sản cài người vào Phật giáo để nắm tình hình và điều khiển, kiểm soát, chi phối luôn cả mọi việc sinh hoạt của tôn giáo.

Vị Hòa thượng được bầu làm Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo của Sài Gòn trước nhiệm kỳ của ngài HT. Thích Trí Quảng đang giữ chức vụ này hiện nay được giới Phật tử và Tăng Ni trong nước gọi là Hòa thượng Giò Heo. Bởi vì vị Hòa thượng này luôn luôn đeo cây súng ngắn bên mình, ngay cả khi đi thuyết pháp. Không cần phải giải thích thì mọi người cũng phải hiểu rằng, vị Hòa thượng này là Cộng sản và là người do Cộng sản cài vào để điều khiển giáo hội.

*TÓM LẠI:

Trong thời buổi nhiễu nhương do bọn Cộng sản độc tài tạo ra thì mọi việc đều có thể xảy ra. Nhưng vấn đề quan trọng là tôn giáo cũng bị bọn họ thanh trừng hòng tiêu diệt niềm tin tôn giáo của nhân dân. Cũng may, truyền thống Phật giáo Việt Nam đã có từ hơn ngàn năm nay, nên không dễ làm xói mòn đức tin tôn giáo trong người dân bởi những hành động đê hèn mưu ma chước quỷ của Cộng sản.

Mong rằng niềm tin tôn giáo của bà cũng thế. Tôi hy vọng bà sẽ trở lại với những ngôi chùa thân thương mà bà từng gắn bó để gởi gắm tâm hồn mình những khi bị bức bách, đau khổ nhất vì công cuộc đấu tranh đòi lại tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Sau cơn mưa bão trời sẽ sáng, bà hãy tin như thế nhé! Và nên nhớ lời dạy của cha ông ta: Đời không đạo đời vô liêm sỉ.

Cầu chúc bà có nhiều sức khỏe và nhiều nghị lực để tiếp tục đấu tranh cho tự do trong năm mới này. Trân trọng chào bà.

Uất Thiếu Xuân

***


shared http://vuongtrinhan.blogspot.com.au/2012/03/mot-hien-tuong-cua-van-hoc-hau-chien_13.html

7 THG 3, 2012

Một hiện tượng của văn học hậu chiến

Sáng tác của Dương Thu Hương qua các tập truyện  
Những bông bần ly, Một bờ cây đỏ thắm 
và Ban mai yên ả 1981, 1982 và 1985

Đã in trên báo Văn Nghệ 12-1986
với nhan đề Chất lượng sáng tác gần đây của Dương Thu Hương

 Cơn lốc rực rỡ
Được viết ra liên tục trong khoảng mươi năm gần đây, các truyện ngắn của Dương Thu Hương thường miêu tả đời sống qua trường hợp của những con người ở lứa tuổi khoảng 30 - 40.

Thời thanh niên sôi nổi của họ đã trôi qua trong chiến tranh.
Từ các đơn vị quân đội thanh niên xung phong chiến đấu ở chiến trường trở về (hoặc không đi đâu xa, nhưng nếm trải mọi vất vả ngay trên quê hương hậu phương), họ có nhiều chỗ giống nhau, chẳng hạn bề ngoài không còn cái vẻ trẻ trung mau mắn như trước nữa.
"Làn da mầu hồng tươi tắn xưa kia đã sạm lại, xanh mét. Cặp môi đỏ mọng cũng nhợt nhạt khô đi. Mái tóc dày đen nhánh giờ thưa hẳn...". Nhân vật chính trong Một bờ cây đỏ thắmnhư vậy, mà nhiều nhân vật khác cũng vậy.
Chỉ riêng có những ao ước, những hy vọng ở họ là vẫn còn, nếu không nói là có phần mãnh liệt hơn bao giờ hết!
 Sự đi rộng biết nhiều lại giúp cho họ hiểu rằng lẽ ra, họ có thể rất sung sướng. Có điều thực tế cuộc sống không một chiều thuận lợi như trong mộng tưởng. Trước mặt họ bao nhiêu vấn đề phải nhận thức lại. Khi căm ghét, khi hờn dỗi, khi tê tái vì những mất mát đã qua, khi hào hứng lấy lại cái hãnh diện chính đáng trước quãng đời trước đây của mình -- những tình cảm ấy nối tiếp nhau mà đều ở sắc độ gay gắt.
Ta cũng không nên quên rằng Dương Thu Hương là một cây bút phụ nữ.
Ở một số tác giả nào đó, chất phụ nữ thường bộc lộ ở vẻ dịu dàng đôn hậu trong con mắt nhìn đời, những kín đáo ý nhị trong cách biểu hiện. Dương Thu Hương trình diện với một mỹ cảm hoàn toàn khác.
 Mở đầu thiên truyện Một bờ cây đỏ thắm là hình ảnh một cô gái đang chạy. "Bao giờ nó cũng chạy từ đỉnh con dốc xuống phố. Nó chạy như một mũi tên bay. Quần áo gió bạt ngược về phía sau, mái tóc gió đánh tung như đám cỏ rối, chiếc khăn màu lơ quàng cổ phất phới bay... Màu hoa phượng rung rinh trên bầu trời. Nó giống như một cơn lốc rực rỡ".
Mười hai năm sau, cô gái được mệnh danh là đồ quỷ đó vẫn giữ được "tiếng cười như tiếng chuông... lanh lảnh, giòn giã, chói chang".
Nhân vật nữ ấy thật đã mang đủ cốt cách văn chương của Dương Thu Hương. Lấy ham hố quyết liệt làm động lực, trong quá đáng tìm thấy sự quân bình, -- văn Dương Thu Hương hiện nay có những đoạn sắc sảo đến tàn nhẫn, nhưng cũng nhiều ý tưởng tha thiết khiến người dửng dưng cũng phải nao lòng.
 Ưu thế của một cây bút phụ nữ sử dụng đến đâu thì vừa, đến đâu là lạm dụng - câu hỏi ấy có lúc người đọc thấy phải đặt ra. Bởi lẽ ở đây, biết bao ẩn ức chôn chặt đáy lòng, biết bao dồn nén, người khác không dám nói ra, tác giả đã nói ra bằng hết.
Điều có phần chắc chắn hơn là dù không hoàn toàn tán thành cách nhìn đời sống của Dương Thu Hương, người ta vẫn muốn đọc văn Dương Thu Hương.
Sự nồng nhiệt trong say mê yêu ghét và những nhạy cảm trong quan sát đã giúp cho ngòi bút đi đến cùng trong phạm vi mà tác giả muốn biểu hiện.
"Tài năng là một sự ám ảnh, là ngọn sóng điên cuồng cũng như cơn gió định mệnh nó cuốn ta đến một mục tiêu nhất định... Mỗi nhà văn là một con bệnh, một con bệnh trầm trọng." Đấy là cách mô tả của L. Leonov về một loại người viết văn hiện đại (cố nhiên không phải ai cũng vậy). Trong chừng mực nào đó, Dương Thu Hương chính là kiểu người cầm bút vừa khít với nhận xét ấy của nhà văn Xô-viết.

 Đời sống tinh thần con người hậu chiến
Những bông bần ly, một trong những thiên truyện được viết sớm nhất và thuộc loại hay nhất của Dương Thu Hương có một cốt truyện khá đơn giản.
 Men theo những vui buồn chợt đến trong lòng nhân vật Ngân qua chuyến đi từ một tỉnh miền Bắc vào Tây Nguyên bốc mộ cho người em trai và một người bạn, tác giả khéo léo giới thiệu cảnh ngộ éo le của Ngân, tình yêu nồng nàn của chị hôm qua với một chiến sĩ và cuộc sống khó chịu bên người chồng lãnh đạm và vô vị của chị hôm nay.
Chuyến đi do vậy đóng vai trò một thứ nhân tố khẳng định thêm những nhận thức nẩy nở dần trong tâm trí Ngân.
Sau chiến tranh, mỗi chúng ta đã giàu có thêm lên nhưng cũng đã mất mát bao nhiêu trong tình cảm. Có cả những sai lầm nó sẽ đeo đẳng theo mãi chúng ta và không bao giờ ta gỡ ra nổi. Cuộc sống mơ mộng chấm dứt, nhưng biết làm sao, đôi lúc chỉ còn an ủi là những người đã nằm xuống sẽ có lúc trở về, nâng đỡ chúng ta trong những đoạn đường sắp tới.
Cùng mạch cảm hứng với Những bông bần ly trong những năm khoảng từ 1975 đến 1980, Dương Thu Hương còn viết nhiều truyện ngắn mà dấu vết của một cuộc sống từ chiến tranh chuyển sang hoà bình in khá đậm.
         Miền cỏ tơ phác ra cảnh nương tựa vào nhau hàn gắn lại hạnh phúc giữa những con người cùng có những thất thiệt sau cuộc chiến.
          Loài hoa biến sắc giống như một sự tự xác định. Phải qua việc tiếp xúc thực sự với một cô gái ở cái tình thế sống nhờ vào túi tiền người khác, một cô gái từng là thanh niên xung phong mới thoát ra khỏi cảm giác tự ti và những thèm muốn dậy lên trong lòng khi trở về thành phố.
        Trong Ban mai yên ả (sang tập Chân dung người hàng xóm in ở Nxb Văn học được đổi thành Buổi sáng yên tĩnh), nhân vật chính còn tìm cách trở về với xã hội bằng cách bắt tay cụ thể hơn vào công việc hoà nhập với đời sống bình thường ở hậu phương hôm qua. Nhưng trước mắt anh bao nhiêu là khốn khó. Lối sống tỉnh lẻ tuỳ tiện, lười biếng, thái độ dửng dưng vô trách nhiệm đã ăn thành nếp ở một vài người có chức có quyền, những cái đó như một thứ keo đặc vây bủa lấy anh, khiến những ý định tốt lành sẵn có ở anh khi trở về không sao có thể thực hiện. Chỉ muốn sống cho lương thiện thôi, anh đã buộc phải làm phiền bao nhiêu người và thái độ bướng bỉnh của anh gây cho họ nhiều bực bội.
Đến đây, câu chuyện đã vượt qua phạm vi những người trở về để đứng ra nhìn thẳng vào đời sống của cả xã hội hậu chiến.
Hướng khai thác thường thấy ở Dương Thu Hương là tìm cách xé tuột cái vẻ bề ngoài nếu không dễ thương thì cũng coi được, để khơi thẳng vào những gì thuộc về thực chất của các hiện tượng cũng như các mối quan hệ.
 Trong thiên truyện vừa dẫn (Ban mai yên ả), nhân vật hoạ sĩ Đàm Tiến tưởng là tốt bụng, thậm chí là một nghệ sĩ có tài nữa, hoá ra là một kẻ sống cẩu thả, lười biếng, thờ ơ với mọi người chung quanh, gọi là ăn bám cũng không có gì quá đáng.
Cả Loài hoa biến sắc lẫn Ngôi nhà trên cát, Chuyện nghe thấy mà không nhìn thấy lẫn Một khúc ca buồn đều có những cảnh sống bề ngoài tưởng là đầm ấm dễ chịu, mà thực ra, đủ vẻ nhếch nhác khốn nạn.
 Khi cần khai thác một đề tài thời sự như trong Chân dung người hàng xóm, Dương Thu Hương cũng vẫn trung thành với cách viết của mình; toàn bộ thiên truyện giống như một động tác lật tẩy: Đấy! Con người ta hôm nay mới thế mà mai đã như thế, như thế...
Một mô-típ thường được tác giả láy đi láy lại: giữa ước ao của con người thời trẻ và thực tế cuộc sống người ta phải sống thường là cả một khoảng cách xa vời, không sao lấp đầy nổi. Mà tai vạ không phải ai đâu mang lại, ma đưa lối quỷ đưa đường, tai hoạ thường do ta tự chuốc lấy, mọi tai ương đều do chính ta lựa chọn, không thể trách ai khác (Ngôi nhà trên cát, Chuyện một nữ diễn viên).
 Một mô-típ nữa cũng được tác giả ưa thích: Nhu cầu thường xuyên về hạnh phúc của con người và những đau đớn ê chề người ta thường gặp trong công cuộc truy tìm hạnh phúc.
Trong nhiều thiên truyện, qua miệng mọi người, cả đàn ông cũng như đàn bà, luôn luôn thấy vang lên cái câu hỏi nhức nhối: hạnh phúc là gì? Tai ương và hạnh phúc, làm sao để biết chính xác cái gì sẽ đến với mình?
Ở truyện này người chồng biết điều, đứng dắn, lấy phải người vợ tham lam, học đòi. Ở truyện kia, người đàn bà nhạy cảm tinh tế phải sống suốt đời với hạng đàn ông tầm thường, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, hoặc tàn ác, vụ lợi. Ở một thiên truyện khác, đứa con khôn lớn, gặp lúc bố mẹ đổ đốn.
Mà ở thời này, những bộ mặt xấu xa ấy có nhợt nhạt để cho người ta bỏ qua đâu, luôn luôn nó hiện ra quá quắt, quái gở đến phát sợ!
Có thể rất lâu, ngươì ta vẫn sống yên ổn bên nó, song, chớ vội mừng. Khi đã phát hiện ra nó một lần rồi thì cay đắng, ngán ngẩm vô cùng, tưởng không  sức đâu mà chịu đựng nữa!
 Theo cách miêu tả của Dương Thu Hương, có những người càng giàu có lên và đắp điếm thêm ít tri thức vào đầu, càng tầm thường hơn trong nhân cách. Dù có lừa được hết cả thiên hạ, họ cũng không lừa nổi những người thân trong gia đình. Hoá ra hạnh phúc không phải ở tất cả những tiện nghi người ta bon chen để có bằng được, hạnh phúc là ở sự tương hợp giữa người với người, giữa con người và hoàn cảnh, và -- trên một phương diện khác --  ở tầm sâu của nhận thức và tầm cao của nhân cách.
Nhưng đã mấy người có được cả những phẩm chất tuyệt vời lẫn những may mắn hiếm có ấy.
Biết bao người trong khi ráng sức đắp xây cho hạnh phúc, thực ra lại củng cố cái nhà ngục của đời mình và khi nghĩ lại, đã quá muộn.
Trong sự nhạy cảm với bất hạnh, toàn bộ sức mạnh trong ngòi bút phụ nữ ở Dương Thu Hương được dịp bộc lộ và người ta có cảm tưởng ít khi trong văn học ta, nhu cầu hạnh phúc được diễn tả một cách ráo riết đến thế.
 Một điều cũng thấy rất rõ là mặc dù trước sau, vẫn một chủ đề ấy, song, mỗi khi chạm tới người và việc, Dương Thu Hương đều có được sự say mê và truyền được nỗi say mê ấy sang người đọc. Dù đã nhiều lần khắc hoạ những bộ mặt khác nhau của bất hạnh song tác giả đã tìm ra cách để có thể nói mãi và chúng ta còn muốn nghe chị nói thêm.
Tại sao? Người bất hạnh chung quanh ta còn nhiều? Có thể.
Nhưng có lẽ cái chính là ước ao hạnh phúc trong tác giả, trong các nhân vật trong chính chúng ta, nỗi ao ước đó thật khôn cùng.
Nghĩ tới nó, lòng ta đã thổn thức!
Mặc dù bao lần thất bại đi nữa, song ý muốn vươn tới hạnh phúc ở mỗi chúng ta làm sao có thể nguôi giảm!

Phá cách, lật tẩy, cay đắng, tàn nhẫn
Cùng bắt rễ vào thực tại, song mỗi nhân cách sáng tạo vẫn là một cá tính độc đáo , giống như một thứ cây mang lại cho đời một thứ quả riêng, không giống mọi loại cây khác.
Đào sâu vào mình, trung thành với mình vừa là nhu cầu tồn tại, vừa là niềm vui.
Từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, người ta cứ thế đi mãi theo phương hướng đã lựa chọn, ở đó cái hay cái dở cài lẫn vào nhau, tự mình cũng đã nhận ra, nhưng muốn khác đi, đâu có khác nổi.
Những yếu tố đầu tiên liên quan đến sự hình thành bút pháp Dương Thu Hương có lẽ là gắn liền với quá trình vào nghề cụ thể của tác giả. Cây bút này bắt đầu viết hơi muộn; trước 30 tuổi mới rụt rè gửi những bài thơ của mình từ một tỉnh miền Trung về Hà Nội và chỉ ngoài 30, mới bắt tay vào cái mạch chính của mình là viết truyện.
 Liệu tình yêu văn học của người con gái Kinh Bắc cũ này có gì giống với trạng thái tâm lý mà Sô-lô-khốp đã mô tả "Khi tình yêu đến muộn màng với một người đàn bà thì nó không nở ra thành một đoá uất kim hương ngoài đồng nội, mà nở thành một thứ hoa dại mọc ở lề đường, có mùi hương ngây ngất, ma quái?"
Chỉ biết quả thật đó là một thứ tình yêu khác thường. Chất hoa dại mọc lề đường ở văn xuôi Dương Thu Hương thể hiện ra đủ vẻ.
Đó là một thứ văn khá sặc sỡ, tình ý đôi khi ngả mầu cải lương, câu chữ nhiều chỗ khoa trương bóng lọng (một nhà thơ nhận xét:”nhiều những chữ có lẽ chỉ thơ ca mới dùng, mà cũng chỉ dùng có mức độ, ở đây Dương Thu Hương cân tất “), song nhờ vào những rung cảm thực của tác giả nên các truyện vẫn có khả năng lôi cuốn bạn đọc.
Một trái trăng thu chín mõm mòm - Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom. Trong thơ Hồ Xuân Hương xưa đã có lối diễn tả gắt, đậm, lối viết gần như bóp méo hình tượng và tạo ra những vẻ đẹp khác đời, nếu không muốn nói là thô kệch vậy.
 So với tì vị chúng ta, chúng quá "nặng" và chỉ dần dần, ta mới quen nổi.
Trên phương diện tạo hình và rộng hơn, trong mỹ cảm, ở văn xuôi Dương Thu Hương hôm nay, chúng ta cũng bắt gặp những quá đáng tương tự.
Mầu sắc rực rỡ, toàn loại mầu nóng.
Âm thanh thì chói chát, khó quen với lỗ tai.
Trời đất lúc nào cũng lộng gió và như cháy lên với những cánh hoa kim phượng trưa hè.
Còn con người thì nôn nao những khao khát dự định, dù cố ghìm lại, song không ghìm nổi, họ cứ phải kêu to lên những ý nghĩ của mình và chỉ sợ không làm ngay, tất cả sẽ trôi tuột đi mất.
 Niềm say mê đô thị mà tác giả có lần lưu ý ta, khi tả tính cách một nhân vật (cô gái xưng tôi trong Những cánh buồm trong thành phố, tập Ban mai yên ả) có lẽ cũng là niềm cảm hứng chính chi phối văn xuôi Dương Thu Hương và bởi lẽ niềm say mê ấy đến với tác giả muộn màng, nên có lúc nó có gây ra những choáng ngợp.
 Trên nét lớn, thế giới nghệ thuật ở Dương Thu Hương hiện nay có sự phân cực rõ rệt.
Một đằng là những kỷ niệm thời thơ ấu, một thứ bản giao hưởng đồng quê đầy thi vị, nào những ban mai đánh trâu ra đồng, nào những lần vùi khoai, nướng cá, ăn ngay ngoài bãi cỏ, thiên nhiên con người sống hoà hợp với nhau, đường nét tinh tế như văn Đỗ Chu hồi trước.
Một đằng là sinh hoạt thành phố, những quán ăn đông người, những tiện nghi hiện đại, mốt quần áo, và các bản nhạc mới nhập từ nước ngoài về, tóm lại là cảnh sống gấp gáp, chộn rộn, con người ai cũng nói nhiều, bao nhiêu tiếng nói cùng cất lên thành một mớ âm thanh hỗn độn.
 Trước những bất hạnh gặp trên đường đời, các nhân vật của Dương Thu Hương -- những nhà báo, nhà thơ, diễn viên, hoạ sĩ (đúng là Dương Thu Hương rất thích tuyển chọn nhân vật từ những người trong cái thế giới nghệ thuật đa dạng này!)...-- thường nhớ tới những phương trời mơ ước thuở nhỏ, bãi cát ven sông, làn nước mát lạnh, những cảm giác trong sáng hồn nhiên.
 Song muốn hay không muốn, tất cả họ - và trước tiên là người đã sáng tạo nên họ, trước tiên là tác giả - đâu có thoát nổi đô thị, càng giãy giụa thì họ càng chìm sâu vào cuộc sống nơi đây, tâm trí họ như mê đi, chân họ bước mãi về phía của tiếng ồn của ánh sáng.
Phải công nhận là niềm say mê đô thị ở Dương Thu Hương quá mức mạnh mẽ. Chỉ quy vềcảm hứng đô thị, chúng ta mới hiểu tại sao nhà văn này thường có lối viết rất thô, lối miêu tả đôi khi khá trâng tráo -- từ nỗi ghen tị day dứt trong lòng một người con gái trước những người con gái khác xinh đẹp hơn mình, cho đến cảm giác "những bông lúa vàng ướt át và sắc cạnh cọ vào da thịt".
Chỉ quy về cảm hứng đô thị đó, chúng ta cũng mới hiểu tại sao tác giả không ngại trình bày mình qua các trang viết như là một người soi mói không thương tiếc vào những chuyện xấu xa chung quanh, hoặc để cho các nhân vật sẵn sàng sừng sộ với nhau, xỉ vả nhau là "cứt nát hết cả rồi", là "bốc lên mùi cóc chết", và không khí chung quanh đôi khi toàn những khai lợm, tanh tưởi...
Giả sử mọi nhà văn đều viết như thế, có lẽ người đọc sẽ phát rồ.
 May thay trong thực tế lại không có cái việc giả sử đó. Trong văn học ta sau 1945 đây là một trong những trường hợp đầu tiên.
Và ta có thể an ủi sở dĩ nảy sinh văn xuôi Dương Thu Hương, đó là do tác giả muốn tạo nên một thứ đối trọng bên cạnh bao nhiêu ngòi bút đôn hậu khoẻ khoắn nhưng cũng lắm khi nhạt nhẽo khác.
 Sau khi đọc những Ban mai yên ả, Chân dung người hàng xóm rồi, bạn đọc có muốn trở về những cây bút mực thước ấy thì vẫn còn kịp.
Đỉnh cao của lối nhìn, lối viết đầy thách thức trên đây của Dương Thu Hương là hai truyện ngắnThợ làm móng tay  và Sói con.
Giữa nhân vật Sáng thuở nhỏ thủ dao cùn trong túi và lén tập võ để lo có ngày trả thù cho cha bị Tây giết với chú Sáng hôm nay quỳ mọp bên chân các bà các cô nhiều tiền, cốt kiếm miếng ăn qua ngày (Thợ làm móng tay), quả thật, có cả một trời xa cách.
Đọc xong truyện này, người ta không khỏi xót xa khi nghĩ rằng sao mà trường đời xô đẩy con người theo những nẻo lối đến là trớ trêu, và trong muôn thứ nghề nghiệp của con người, sao lại có những nghề kỳ cục vậy.
Nhưng đến Sói con, người ta còn được chứng kiến một trường hợp vừa thương tâm vừa ghê tởm hơn nữa.
Trong Sói con, sự sụp đổ của mơ ước, sự vô nghĩa của kiếp người hiện ra rõ rệt trong thân hình tàn tạ của một phụ nữ, một cô me Mỹ mới mười bảy tuổi nhưng đã trải qua mọi thứ khoái lạc trong đời để rồi trở về nằm liệt trong một ngõ vắng thân hình loã lồ ruồi bâu gián bò không đủ sức đuổi.
Có thể trong đời sống cũng có một chuyện như thế, nhưng ngòi bút của tác giả ở đây thật đã đi đến những chỗ cùng cực trong cách miêu tả, và nhiều người đọc đã nhận xét là tác giả có phần ác quá.
 Có điều, phải nhận, những truyện trên đã bộc lộ đầy đủ cái chất riêng của bút pháp Dương Thu Hương. Ta đã chấp nhận phong cách này, thì hãy để cho nó đi hết sự phát triển vốn có, không dừng lại nửa vời.
It ra thì ở Dương Thu Hương cũng khộng có cái lối xuê xoa, thoả hiệp của những cây bút khéo tay.
Còn nếu sau khi đọc xong những Thợ làm móng tay, Sói con, người đọc có thấy ghê sợ hơn trước những cạm bẫy đang mở ra trước cuộc đời mình để lo sống cho tỉnh táo hơn, mực thước hơn, thì đấy cũng đã là một thành tựu mà không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể làm được.

 Viết như một sự vượt thóat
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về giấy mực, in ấn, nhưng đời sống văn học mươi năm gần đây vẫn có sự phát triển vượt bậc về số lượng. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới độ vài năm, nhiều cây bút trẻ đã cho in ra đến dăm bảy cuốn sách. Chỉ hiềm một nỗi chất lượng không phải bao giờ cũng đi liền với số lượng. Sách ra, trong sự hờ hững của đời sống. Lại có không ít trường hợp sự hoan nghênh kia chỉ là tạm thời giả tạo, sớm nở tối tàn, vì tuy có chiều lòng được một lớp công chúng nào đó, nhưng nhìn cho kỹ vẫn không phải là những giá trị chân chính.
Đặt trong hoàn cảnh ấy, mới thấy những thành tựu Dương Thu Hương gặt hái được là đáng quý. Ngòi bút này đang độ viết khoẻ và viết khá đều tay. Bên cạnh những tập truyện ngắn đã in, chị còn là tác giả của tập tiểu thuyết Hành trình ngày thơ ấu kể lại cuộc phiêu lưu của một cô bé mười hai tuổi, vừa ngỗ ngược, vừa tốt bụng, được các bọn đọc nhỏ tuổi rất thú.
 Bạn đọc cũng như các đồng nghiệp trong giới viết văn, kể cả những người khó tính bậc nhất đều chú ý và đánh giá khá cao sáng tác của Dương Thu Hương.
 Đây có lẽ là tác giả trẻ nhất cùng lúc có mặt trong các tuyển tập truyện ngắn do các nhà xuất bản Văn học, Giáo dục, Tác phẩm mới in ra trong năm 1985. Và nếu tính riêng trong lớp các nhà văn mới xuất hiện mươi năm gần đây,  là tác giả duy nhất.
Tại sao dư luận lại đặc biệt chú ý tới Dương Thu Hương như vậy, dù nhiều người cũng biết là thế giới trong văn xuôi tác giả này có phần chật hẹp, và ngòi bút của tác giả còn chông chênh, lắm khi tác phẩm như được viết trong cơn sốt, diễn biến thất thường, kết cấu không thật chặt chẽ, chi tiết sai lầm chắp vá?
Theo tôi hiểu, ở đây có mấy lý do. Phần thì do Dương Thu Hương đã chạm đến cái khu vực nhạy cảm trong mỗi chúng ta là câu chuyện gia đình, những ước ao hạnh phúc. Quan trọng hơn, là lối viết "hết mình" của tác giả.
 Về cơ bản đây là một ngòi bút chân thành, thái độ yêu ghét rõ ràng, và luôn luôn cùng vui cùng buồn với mọi sự kiện nói tới trong tác phẩm.
Viết, đối với chị, nhiều khi là một sự giải thoát.
 Chúng ta nhớ đoạn mở đầu Sói con: "Đó là một kỷ niệm khó quên. Bởi nó giống như sự ám ảnh của ngục tù. Đã có những tháng ngày dài, tôi không nhớ tới, nhưng rồi bất chợt, nó lại hiện lên rõ ràng, như vừa mới gặp chiều hôm trước. Và như thế, tim tôi lại quặn thắt lên bởi những nỗi đau lạ lùng. Cuối cùng, tôi viết ra để trốn thoát những dày vò, day dứt..."
Đoạn văn có cái giọng của một thứ tự thú, không những đúng với Sói con mà con đúng với nhiều thiên truyện khác của cùng tác giả. Tâm trạng của một người buộc phải đi đến cùng trong sự lựa chọn của mình ở đây là điều dễ tạo ra sự thông cảm. Chừng nào còn giữ được cái chân thành của những điều nhất thiết phải nói ra, tác phẩm của Dương Thu Hương còn được nhiều người tìm đọc.

13 THG 3, 2012




Một hiện tượng của văn học hậu chiến ( tiếp)

Con người văn học ở  Dương Thu Hương như tôi biết thời kỳ 1985-90

1985 
Ghi chép linh tinh
20/2
 Họp ở nhà xuất bản Giáo dục, bàn về biên tập cuốn 20 truyện ngắn chọn lọc 1945-85. Cái điều làm mọi người buồn bã nhất, ấy là hiếm có truyện hay. Ông Đỗ Quang Lưu chê truyện còn thiếu action (hành động), truyện nói nhiều quá, truyện không hoàn chỉnh.
- Thời kỳ ta có nhiều truyện hay, vẫn là thời 55-64.
- Có nhiều tác giả đã thành danh như Tô Hoài, Bùi Hiển không có cái hay; cả Nguyễn Quang Sáng, cả Anh Đức (Tô Hoài chỉ ăn ở chi tiết)
- Có những người như Vũ Thị Thường lạc chất của mình( đáng lẽ là chất đời thường lại sang xã hội chính trị)
- Cấu trúc các truyện thường yếu, không mấy khi có sự gặp gỡ giữa nhân vật+ cốt truyện v.v...

 Riêng tôi đọc lại, còn thấy loại như Đỗ Chu, Dương Thu Hương có nhiều cảm quan lạc hậu. Đỗ Chu trì trệ trong cảm giác bằng lòng, hoà hợp, biết ơn. DươngThu Hương mớitrong đại cương, nhưng trong chi tiết, vẫn là hôm nay. Ghét những người chỉ biết đến mình. Đề cao hy sinh, vì người khác. Sợ tiện nghi. Có những nét tạm gọi là ác.
Đúng là có một thời, cả một dân tộc kinh sợ hạnh phúc, vì cho rằng hạnh phúc khiến mình không còn chiến đấu được nữa. Những tiêu chuẩn thông thường ở con người dường như mất quyền tồn tại.
Trên cái nền chung này, Hương căm giận mấy cũng là vô ích.

21/2
Một chuyện nghe được về ông Thi do Hương kể cho Huy Phương, Huy Phương kể lại cho Nguyễn Thành Long.
Ông Nguyễn Đình Thi lên Quảng Bá sáng tác.
Quen như với một số người khác, mang cái mình mới viết sang đọc cho  Hương nghe, giọng lên bổng, xuống trầm, ra điều cảm động lắm. Vừa đọc được vài câu, bị Hương dội gáo nước lạnh.
- Thôi đủ rồi, chán cái giọng lên bổng xuống trầm tán gái của anh lắm rồi.
- Ồ, nhà văn gì côn đồ thế này.
- Ừ, côn đồ đấy, nhưng cầm đồ ra khỏi phòng này ngay đi.
Khi kể lại, Hương nói thêm: Tôi ăn lương ở Điện ảnh chứ đâu phải bên Hội nhà văn, tôi cần gì.

14/4
Những lần đối diện với Dương Thu Hương. Thoáng cảm thấy một nét gì sớm cũ càng, ở cái con người có vẻ đang chống phá lung tung đó. Cái miệng gồm hai hàm răng thật đều xít vào nhau toát lên một thoáng khiêu khích. Còn làm duyên làm dáng gì với nhau nữa. Không có thần tượng, không ai cứu  được ai trong cuộc đời này. Tuy vậy, khi tôi nói thẳng những sự thật tàn nhẫn ấy, thì Hương gật đầu.
- Đúng, tôi nhận là tôi phong kiến, cay nghiệt.... Viết xong là biết nó thuộc về ngày hôm qua rồi, hôm nay mình phải khác.
Tôi hay bảo Hương như kẻ dẫu sao cũng muốn hét lên một tiếng giữa mọi người; muốn ra sao thì ra, nhưng phải hét, thì mới chịu được.

Nguyễn Kiên:
--Dương Thu Hương là gì? Nó là sự phản ứng lại một thời. Một thời mọi thứ xuôi theo một kiểu. Bây giờ người ta không chịu thế. Người ta tập nói ngược lại. Loại trừ bọn phá hoại, bọn bành trướng, thì nó còn là tâm lý mọi người bình thường. Vì thế, mới có nó. Nó cứ nói tuốt luốt ra cả.
Đỗ Chu thì lông bông quá, nên không được.

12/6
  Hương hay bảo tôi là dân mặt trắng nhợt ra, vì chả đi đâu, chỉ đọc sách, giữa cuộc đời chỉ là dân típ hôi.
Nhàn:
-- Bây giờ bà Hương này, có tài rồi, nổi tiếng rồi, có nhà riêng rồi, bây giờ chỉ cần một gia đình yên ấm.
Nguyễn  Kiên cũng ngồi đấy, cười khẽ:
- Ông này âm lịch quá. Thời này còn nghĩ chuyện gia đình yên ấm. Cứ nổi tiếng là được rồi chứ cần gì.

        Nói chuyện với  Hương. Có cả Hách, Ân. Hương ngồi kể về hoàn cảnh của mình. Lấy chồng trong sự thúc ép, đang cô độc vì một kỷ luật vớ vẩn của lớp học. Lão Bằng này hay mò đến. Lão ta còn doạ không lấy lão sẽ băm chết. Cảm thấy bị lão ám quá, làm ào đi: “Anh về anh bảo mẹ anh tới đây”. Nhưng về với nhau được vài hôm là đánh vợ, mặc dù bây giờ vẫn yêu Hương, yêu ghê gớm.
 Hương:
-- Tôi ly thân với chồng 6 năm, ở riêng đã 2 năm. Nhiều đứa đến nhòm ngó chứ. Nhưng tôi không như Xuân Quỳnh. Tôi không việc gì phải toáy cả lên, sống thiếu đàn ông một hai tháng là không chịu nổi. Việc gì cũng phải trả giá của nó cả.
... Con gái chúng nó dở hơi lắm. Nhớ có lần đi hội, đêm ngủ với mấy con nhà thơ. Một đứa đọc thơ về anh hói, một đứa về anh rậm râu, đến tận 3 giờ mới thôi. Tôi bảo chúng nó, tao thì tao yêu lão bán phở còn hơn là hai lão già ấy. Thôi im đi cho tao ngủ. Thế mà hôm sau, về, còn thấy kể chuyện con Nhàn nó thẽ thọt nịnh chồng, thổi cơm nếp cho chồng ăn nữa.
Ở Hương thường là một thái độ lạnh lùng ghê rợn, khi nhìn vào đời tư của mọi người.
- Tôi có mấy đứa đàn em ở Sân khấu nó kể chuyện, khổ lắm, như ông Vũ, khao khát tình yêu, vẫn bị bọn con gái các nhà hát nó lừa cho đấy, những con loại đĩ giòi ra rồi, nhưng nó ỏn thót, nó xin vai. Mấy đứa đàn em tôi bảo khổ ông Vũ, có biết gì đâu? Còn như con mẹ Quỳnh, từng này tuổi còn cắt tóc ngắn, diện quần bò áo phông - chỉ loại con gái chưa có lớp mỡ ở bụng mới dám diện như vậy -- rồi đến ngồi cạnh chồng, lắc lắc cái đầu, như mười tám đôi mươi, chung quanh nó thấy chướng lắm. Nên bọn trẻ nó lại càng muốn trêu ngươi, để chứng tỏ cái quyền lực của nó. Là quyền trẻ, quyền đẹp chứ còn gì nữa. Tôi như con Quỳnh, tôi cứ sống đúng là tôi. Nhưng nó thì không dám, không chịu được. Mà già rồi còn gì.
Hách nói thêm, lắm lúc nhìn vào mắt Quỳnh, lòng đen nó cứ bạc xám ra, thấy già đi rõ quá. Chồng đi vắng là bần thần. Rồi kêu chán đời. Chồng về, lại kể những chuyện xót xa, tuy vẫn là đùa vui nhưng xót xa. Chẳng hạn như kể là hôm nọ, có con bé nào nó lại đến rủ Vũ đi xem. Quỳnh phải gầm lên: “Hôm qua, anh xuống ăn cơm nguội chỗ mẹ, anh thắt lưng bằng cái dây chuối [thực tế bằng dây thừng] thì có ai đến thăm anh không?”
Rồi bọn em chồng ở nhà, nó phải nói thêm vào nữa, mới thôi.
- Được cái Quỳnh nó còn trẻ, đi với nhau còn hợp.
- Trẻ gì mà! Vũ nó phải khó chịu chứ.

Hương kể về T. Ngày nào T. + Hương rất thân nhau. Hương hay cùng T. đến Thu Bồn. Gớm, một tình yêu tha thiết. Thấy Thu Bồn nó ra mà cả người nàng cứ run lên. Lần ấy, T. cho rằng Hương phải bám T. để đăng bài. Tôi mới đến tôi bảo lão Bổng. Tôi ỉa vào đăng bài ở chỗ này, chừng nào mà con T. nó còn làm biên tập ở đây. Không đăng thì đã chết ai?
Nhưng những lời Hương kể ghê gớm nhất là về Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài.
 Đúng là có chuyện mắng mỏ Thi, cái lần ở Quảng Bá (tôi đã ghi ở phần trên). Sau đó, Thi vẫn phải làm lành. Tô Hoài cũng vậy. Năm ngoái họ đi trại Đại Lải với nhau, Hương đã công kích Tô Hoài vuốt mặt không kịp. Nhân nói về một cô biên tập viên nào đó bên Kim Đồng, Tô Hoài chê trông như con voi già. Dương Thu Hương mới đả luôn, nhưng nó còn đỡ hơn cái con mẹ mà anh đã húp cả cặn. Thế là Tô Hoài lại cười hí hí. Lão toàn ngồi kể chuyện đi chơi cô đầu quỵt, rồi sợ tắc ống khói ra sao v.v. Trong đám ngồi đấy, chỉ có Nguyễn Minh Châu là nghếch sừng lên nghe. Thấy Hương nói đồng nghiệp nhiều khi tàn tệ, Nguyễn Kiên ngồi ngoài cũng phát cáu cơ mà. Nhưng hôm vừa rồi, nhân TV nó quay về các nhà văn, Tô Hoài lại đến làm lành với Thu Hương. Thế là Thu Hương lại đốp luôn: “ Từ giờ trở đi, bọn trẻ nó làm lãnh đạo chắc nó cũng không quá đáng đến nước húp hết cả phần anh em”. Nói thế là Tô Hoài chạnh lòng, lão đánh bài chuồn.


Nhìn vào tác phẩm
 Một cái gì rất cũ có mặt bên một cái gì rất mới. Những ngày ở Quảng Bình, sao không mang vào đây? Hình như, thấm những ngày đó quá, nên mới có phản ứng như bây giờ.
Đọc văn thấy có một sự công phẫn, kêu giời lên vì những cái xấu xa chung quanh. Nói tướng lên, chửi, vì đau quá (gợi nhớ tới trường hợp Vũ Trọng Phụng). Không tìm thấy một sự bình thản (vì kém văn hoá nền chăng?)
Thấy tởm đời sống nhưng nhìn chưa ra lối thóat.
 Có một mối hoài vọng ghê gớm về một quá khứ đã bị đánh mất (hình như có liên quan đến hoàn cảnh riêng).
Trong truyện, quá khứ của nhân vật thường  thơ mộng. Những con người nghị lực, quyết tâm, nhưng vướng víu đủ thứ. Tại cái thời kỳ lạ này chăng?
Ban mai yên ả kết luận bỏ lửng, chả giải quyết gì. Truyện có cái phía công thức của nó “anh là người lính”, nhưng thực ra vấn đề rộng hơn thế. Vấn đề của một xã hội đang rữa ra. Và con người hoàn toàn đơn độc. Chính tác giả cũng buồn vì không  chỉ ra một lối thoát tốt đẹp.
Trong tập Ban mai yên ả
Những cánh buồm trong thành phố - bỏ lửng
Chuyện một diễn viên - bỏ lửng
Ban mai yên ả - bỏ lửng
Cuộc đời chưa cung cấp phương án giải quyết cho các tình huống trong  các tác phẩm này??

Một số mô típ thường thấy ở Dương Thu Hương.
- Chúng ta đã bỏ mất những gì tốt đẹp.
- Chúng ta chạy theo những cái vớ vẩn
- Chúng ta biến chất và thành ra một đống hoang tàn.
Truyện rất nhiều những chữ như “cứt nát” “tởm”...

Mối quan hệ với các nhà văn khác  
Với Đỗ Chu không chỉ có chuyện đồng hương. Sự căm ghét dành cho  Đỗ Chu (?) ở Dương Thu Hương có cái gì đó hơn là tức vặt.
Hương cảm thấy như là Chu lừa mình. Trong sự thất bại của Chu, Hương cảm thấy có sự thất bại của riêng mình. Nghề cũng đơn giản vậy, thế mà hồi ấy, mình đâu có biết!
-- Bà đau Đỗ Chu vì có lần có lúc, đã coi Đỗ Chu là thần tượng ?
-- Không, chính tôi đâu có thích Đỗ Chu.
-- Bà đừng lảng, phải thích thì bây giờ mới viết được như vậy. Cũng như bà hay nói là con nhà gia giáo, chỉ mới đổ đốn khi vào đời.
- Đúng, con nhà gia giáo, bây giờ đứt dây, nên hóa lung tung.

 Dương Thu Hương thường có lối viết hơi rề rà. Truyện của Hương không gọn nhưng vẫn có duyên.
Nhàn (nói với Nguyễn Minh Châu)
-- Các ông trước đây nói toàn loại truyện sạch sẽ thơm tho. Còn cái Hương bây giờ, nó như đứng giữa đống bùn mà nói, đứng trên bùn, day, nghịch đủ thứ, văng cả lên mặt các ông mới sướng.
Nó cảm thấy, nó phải vạch vôi các ông ra để viết cho hả giận. Sự tồn tại của con người, đôi khi chỉ còn có nghĩa là một sự căm tức. Tao biết tất cả chúng mày rồi. Đồ khốn nạn!
Ân:
Chân dung người hàng xóm, tuy dở, có vẻ minh họa quá, nhưng vẫn có chỗ này được. Nó lật tẩy. Nó cho ta thấy cái thô bỉ, đằng sau cái bề ngoài.
Nhàn: Có phải chuyện Ban mai êm ả viết về ông Xuân Hoàng?
Hương: Hồi ấy in ra, ở Huế khối người ta kêu như thế đấy.

Cái điều tôi sẽ phải viết cho được khi nói về Xuân Quỳnh và Dương Thu Hương -- sự hạn chế của các tài năng hàng đầu. Họ chỉ đến thế.
Nhàn: Nên làm những tập truyện ngắn thật đều tay.
Dương Thu Hương: Tôi dạo này không thể viết ngắn được nữa. Hoá ra mọi chuyện cũng theo thói quen. Lúc đầu thì thơ, rồi truyện ngắn, sau nữa là truyện vừa.
Không ai nhớ tới sự đột ngột xuất hiện.  Người ta chỉ còn nói tới một nhu cầu.

1986
 Phác thảo chân dung.
Tuổi Tuất 1946.
Sự xuất hiện của một nhà văn thường khi có gì đó rất ngẫu nhiên. Trước khi anh ta viết, không ai mong chờ. Nhưng khi đã đọc nhà văn đó rồi, người ta cảm thấy không thể thiếu người đó được nữa. Sự ngẫu nhiên rút cục đã biến thành một nhu cầu tất yếu.
Việc tổng kết văn học ở ta thường chỉ mới được làm một cách dè dặt. Như đối với đời sống văn học 10 năm gần đây, chưa ai có sự đánh giá cho được đầy đủ, xem có những quy luật gì mới hình thành, những tác giả nào được đọc nhiều.
Nhưng trong nhiều lần thăm dò ngẫu nhiên, từ Tô Hoài, Vũ Cao,  … tới Nguyễn Khải,  Nguyễn Thành Long, --  khi nghe tôi hỏi có nhà văn nào được lưu ý hơn cả, nhiều người như cùng thống nhất trả lời Dương Thu Hương.
Không chỉ làm việc với sức trẻ, Dương Thu Hương còn mang vào đấy cả cái nhìn trẻ trung, cái phần nồng nhiệt trong yêu cầu, đánh giá, hồi tưởng lại ngày hôm qua, khao khát về những ngày mới.
Khác Đỗ Chu - một cách nhìn nhận mới về đời sống không dịu ngọt một chiều, mà khai thác chất ác của văn xuôi. Khác Lưu Quang Vũ - không màu mè, chiều đời.

19/2
 Bàn chuyện với Nguyễn Minh Châu
-  Dương Thu Hương vừa lại đây chơi, ngồi nói xa xả mấy tiếng đồng hồ, chửi rủa đủ loại người. Mình mới bảo loại như mày thì bố đứa nào dám lấy. Kể ra tả cái tởm của đời sống, thì không đứa nào viết bằng nó.
-- Không hiểu sao con mẹ này nó lại viết muộn thế? Hay là tại đây là loại của độc, càng để càng độc?
-- Nhưng nó cũng khôn lắm. Đến nhà nó, thấy nó rất đàng hoàng. Mà đối xử với loại Thụ, Hải Ninh cũng giỏi lắm.

Cô Thư (ở cơ quan Tác phẩm mới)
--Thanh niên bây giờ nhiều đứa đọc chị Hương lắm. Người ta thấy rõ Dương Thu Hương cải lương nhưng cứ thích. Vả lại, cái chính là đọc Dương Thu Hương thấy cuộc đời này chẳng ra làm sao cả, giáo sư, nhà văn... chả còn ai ra gì. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy một người đàn bà tốt. Nhưng trong Những chiếc lá chết, có một con mụ xấu còn hơn Thị Nở..
Những bất hạnh trong cuộc sống riêng tư đã xui khiến ngòi bút tác giả  đi theo hướng đó chăng. Bây giờ cứ cho chị Hương có một gia đình hạnh phúc là hết viết.

Cái tên tiêu biểu của Dương Thu Hương Nắng ấm cuối trời xuân . Một cái tên rất cải lương.
Nhàn: Truyện ấy rất giả.
Dương Thu Hương: Trong những cái in mấy năm nay, tôi chỉ thích có 2 cái Thợ làm móng tay  Sói con. Chính tôi cũng chán Chân dung người hàng xóm.

Xuân Quỳnh: Dương Thu Hương đang có vụ bê bối nào đó. Con nó đi khắp nơi kiện.
Nhàn: Hương cũng hay bị chồng đánh lắm. Bà ấy kể thế.
Quỳnh: Với bà Hương, không đánh cũng không được.

Quân kể bà Hương theo một hoạ sĩ đến chơi. Lúc về lại chào vợ mình chào chị ạ, cám ơn chị. Sốt cả ruột, Quân bình luận.

Thường tôi hơi ngại, khi theo Hương đến các quán hàng ăn. Cứ gọi người ta xơi xơi như dân Hà Nội trước 1954 gọi con ở.
 Đọc văn sợ nhất lúc Hương nói đến các danh hoạ, các nhạc sĩ, các bản nhạc. Không đâu vào đâu cả. Thiếu cơ bản lại nói liều. Sao lại có một con người  tự tin như thế, vả lại hiếu thắng như thế.
Cái vẻ hấp dẫn vốn có bị cái chốicái giả tạo làm mất đi.
Một sự căm ghét với lớp người đi trước.
Rất hay nói tới các nghệ sĩ:
Tháng ba chua chát (diễn viên)
Buổi sáng yên tĩnh (hoạ sĩ)
Ngôi nhà trên cát (nhà thơ, nhà báo)
Nhân vật nhạy cảm với cái đẹp, nhưng vẫn là dốt nát.

 Trong Những bông bần ly, Ngân hát khi đứng trước mộ Nghiêm:
Rồi mai đây khi xa vắng em hát khúc ca xưa
Anh sẽ trở về cùng hát bên em như hồi năm nào

Văn Dương Thu Hương gần như là lời than thở rền rĩ - dù không yếu đuối chút nào - nhưng cay đắng, tê tái, về một cái gì đã mất. Lớp người dưới đáy xã hội thì méo mó, ngu ngốc, y như trong Tchekhov. Những người khác có tâm hồn một chút, thì bất lực. Vả chăng, ở đây không có sự phân biệt giả tạo tốt và xấu đâu. Chỉ có hôm trước tốt và hôm sau xấu, lúc này tốt và lúc khác xấu, trong một con người.
Văn chương của cái thời người ta đã tận lực làm hết mọi việc -- chiến tranh --  và sau đó nhìn lại mình, thấy ngán ngẩm (Hãy nhớ bài viết về Dichkens của St Zweig)

Qua văn chương, tôi cũng có thể đoán những ngày đầu hoà bình sau (1975) để lại trong Dương Thu Hương một cảm giác choáng ngợp.
Đoạn mở đầu Loài hoa biến sắc: Lời tự thú công khai của cả một xã hội về sự hèn kém của mình. Thu Hương cũng nhiều mặc cảm, nhiều những complex. Hương ghét những người đàn bà ở phía bên kia --Sài Gòn trước 1975 -- hai ba  lần như vậy rồi (Ngôi nhà trên cát, Lâu đài, Cô gái bên kia hàng rào). Bị ám ảnh bởi nỗi thèm muốn một cái gì đó mà không bao giờ đạt tới.
Hương hay trở lại những chủ đề lật tẩy. Sự khác nhau giữa bên trong và bên ngoài. Sự đánh mất những cái tốt đẹp, phát hiện cái xấu ở một người quen.  Sự ghê tởm, phát hiện ở mình và người quanh mình những điều đáng ghét.
Về cuộc chiến tranh Việt Nam, đến nay người ta chỉ biết những người lính. Nhưng nó còn là cuộc chiến tranh của phụ nữ. Những người vợ ở hậu phương, người con gái thanh niên xung phong. Dương Thu Hương thường nói về chiến tranh như một nạn nhân.

 Trong nhà văn này bản tính con người mơ mộng vẫn còn, nhưng những giấc mộng đẹp không còn, nếu không muốn nói là nhiều ác mộng. Nhiều lang chạ, nhảm nhí. Có điều chưa đến nỗi chán tất cả. Biết chuyển nỗi chán vào công việc.
 Dễ không mấy người tả những trò chơi thuở trẻ giỏi giang và say mê như Dương Thu Hương. Nhưng không trò chơi nào cứu được con người. Sự thất vọng có đủ các mùi vị của nó, cay đắng, buồn phiền.
Rất giỏi tả những sinh hoạt trưởng giả, nó làm hại nhiều người. Nhưng có phải trong đó, vẫn có một thoáng như là ghen tị. Khi xấu, thì những người đàn bà ở đây, mới thật thảm hại (trừ nhân vật chính). Sự phản bội của các nhân vật trong truyện Thu Hương thật tự nhiên, không sao giải thích nổi, và người ta chỉ có thể chết lặng đi.
Từ sự phản bội của Quý với nhân vật Thía đến của Khang với Ngân, sự phản bội của Lý Xuân. Nhân vật Lý Xuân gợi ý về những kẻ thân thể quá phát triển, mà đời sống tinh thần nghèo nàn.
Câu hỏi đặt ra:
- Tại sao lại có một Dương Thu Hương như vậy?
Trước 1975 Dương Thu Hương chưa viết nhiều; nhưng có theo dõi có yêu ghét văn chương. Đã là có quá khứ, có kinh nghiệm.
Sống với chữ nghĩa một cách gan ruột cho nên không chịu theo cái đọc được mà muốn mang lại một cái khác nó.

Đọc Hành trình  ngày thơ ấu.
Phần 1. Có cái gì chắp vá lập bập nhưng cũng lạ. Trẻ con là một bọn hư đốn - Không thích ngoan, sẵn sàng phản ứng. Lũ trẻ con đáo để v.v..
Còn phần 2: rõ là một thứ chuyện lạ núi rừng, ở đó, nhà văn trổ tài quan sát. Đúng là ở phần 1, đã có nhiều chuyện người lớn.
Tác giả cho thấy trẻ con bị nhiều nỗi oan uổng ra sao.

Điều quan trọng là Hương có một cuộc sống trong chiến tranh, ngược lại không có quá khứ viết trong chiến tranh, khi sáng tác của các nhà văn bị khuôn theo một ít mơ ước ảo tưởng và những người sắc sảo nhất cũng thành lành hiền.
Cái tính cách mà Gorki hay nói: chất men bất phục tùng. Nhìn ra đời sống gian dối của những người lớn quanh mình.
Ngay trong phần 2, cũng có những nhân vật ác độc (người mợ của Dũng còm, lão già đến nhờ mua cao, chị Múi v..v.
Lối làm việc băm bổ viết nhiều loại cộng với một lối hành văn dềnh dàng, hay tả, kể v.v..
Có thể bảo chủ đề chính của truyện Dương Thu Hương là con người sau chiến tranh và những ao ước của họ về hạnh phúc. Những con người ấy vết thương đầy trên mình. Cái đó cắt nghĩa nỗi thèm muốn của họ.
Xoay về phía nào cũng thấy họ rất bất hạnh. Tìm mãi hạnh phúc không thấy, rút cục, vấn đề không phải như Nam Cao ngày nào “hạnh phúc là cái chăn hẹp” mà là nhiều câu hỏi lớn hơn.
- khả năng làm người.
- ý thức về đời sống.
- những quan niệm về bất hạnh cũng như hạnh phúc.
Bộ mặt của hạnh phúc mới đa dạng làm sao! Có những bất hạnh có ở mọi thời, lại có những bất hạnh mà chỉ thời này mới có! Những bất hạnh có thể nói là chói lên bảy sắc cầu vồng và tự nhiên, như người ta tự nghĩ ra vậy
 Một câu của Nguyễn Thi Thuỵ Vũ SG : Hạnh phúc có nhiều bộ mặt và tôi tự hỏi với tôi, hạnh phúc có bộ mặt gì?
Trong những thứ sặc sỡ, thì sặc sỡ nhất là mối quan hệ người người.Con người thường khó khăn trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Mà đây lại là những cái  người ta không thể vay mượn hay xin xỏ. Ao ước cháy bỏng về hạnh phúc. Mơ ước theo đuổi từ tuổi thơ.

Dương Thu Hương hay nhớ lại những ngày hoà bình trước 1964, như Đỗ Chu,-- hay nhớ về kháng chiến. Nhưng không đúng, không có gì đúng. Sai chi tiết, sai ngôn ngữ trước 1964.
Trong Ban mai êm ả có nói tới táo Thiện Phiến. Thứ táo này không thể có trước 1970
Nhớ lại quá khứ. Một thứ hạnh phúc bị đánh mất.
Có một thế giới của Dương Thu Hương. Thế giới đó có cả màu sắc rực rỡ lẫn những mùi vị khai lợm, tanh tưởi, những hình ảnh mồ hôi lưu cữu, nhơ nhớp mặt xanh như đít nhái...Cần dùng phân tâm để lý giải.
Một loại nhân vật của Dương Thu Hương -- những con người có quá khứ đẹp, nay khốn khố. Bởi tất cả quá khứ đó đã mất đi nên nó mới đẹp đến thế. Cái vẻ đẹp ấy may lắm còn lại trong thiên nhiên, cây cỏ (Một bờ cây đỏ thắm)
Hình như Dương Thu Hương đã nói khá rõ nỗi hoài niệm khôn nguôi về một cái gì đã mất đó. Băt nguồn từ dòng văn nông thôn, nhưng lại nhanh chóng tìm thấy mình ở dòng văn đô thị. Niềm say mê đô thị tràn ngập Những cánh buồm trong thành phố.
Con người của thơ, nay từ bỏ chuyển sang cái nhìn kiểu văn xuôi.Từ cả tin sang hoài nghi. Một sự dang dở, quá độ, người của thời chiến, thời bình, người của đất nước những năm này và trên thế giới.
Chưa thể đạt tới sự bình tĩnh, như Tchekhov như Trifonov.
Một tiếng kêu về nỗi bất hạnh. Sống chung với chung quanh thật khó. Đôi lúc con người thật lạc lõng. Ai cũng có một gia đình nhưng đâu chúng ta đã biết sống trong gia đình!
Một câu hỏi -- nữ tính là gì?
- Tuy không nói ra, nhưng có phải với người đàn bà quan trọng nhất là gia đình. Từng người đàn bà chỉ là phản chiếu của những người đàn ông. Đau đớn, vì bị phản bội. Không tìm thấy mục đích sống.
Nhận xét sắc sảo, nhưng vẫn đau nhức một cảm giác người thua cuộc là mình. Không đưa cái bất hạnh lên thành siêu hình, chỉ thấy nó cấu véo mình hành hạ mình.
Nhà văn không được mang ý nghĩ mình cao hơn mọi người. Không tách ra mà cùng chuyến xe với mọi người mọi đau khổ.

                                  GHI CHÉP 1990

Những lời kể đây đó
Có lần ông Tuân đưa cho tôi cái các-vi-dít và bảo thêm 12 giờ trưa bao giờ cũng độc ẩm. Hương có thể đến chơi bất cứ ngày nào.
Tôi nhận, cám ơn, nhưng không đến.

Lúc bé, gia đình tôi với gia đình Đỗ Chu gần nhau, nó chuyên môn đến choẹ ông bố tôi. Bao nhiêu khách khứa của nó, ông bố tôi phải tiếp cả. Trong Các vĩ nhân tỉnh lẻ, viết về Đỗ Chu thế là còn hiền đấy chứ!

Nhàn: Tôi là người hay bị lừa lắm.
Hương: Tôi cũng thế. Thằng Bách nó vẫn bảo nó cho tôi ăn quả lừa luôn đấy chứ.
Nguyễn Đăng Mạnh: Quả lừa lớn mà Dương Thu Hương bị mắc là bị với vợ N.H.  Bà này bán cho Hương một loại thuốc. Tưởng là thuốc bổ, hoá ra thuốc tăng trọng lợn. Hương uống vào mặt mũi bị đầy mụn. (Ai đó kể bà H. từng đi mỹ viện, nó căng mặt ra, bây giờ hoá ra mắt hiếng)

Dương Thu Hương nói hồi gặp ở Moskva:
-- Tôi là phụ nữ, cho nên tôi mê hai cái. Một là ở nhà, tôi phải lo làm món ăn. Hai là, đi một đại hội festival như thế này, thế nào tôi cũng tìm được một vài kiểu quần áo đẹp, và trở về, tôi sẽ may giống vậy.
Trần Ninh Hồ: Con bé chê gì thì chê, nhưng gia chánh thì lại rất chuẩn.

Dương Thu Hương: Tôi không ghét gì Xuân Quỳnh. Tôi thích thơ nó nữa. Tôi chỉ không thích nó cái tính này-- sự khiếp nhược. Làm gì mà nó phải quỵ luỵ thằng Vũ thế? Tự nó không sống được à? Đàn bà phải tự trọng thì đàn ông nó mới quý mình được.
Tôi cũng không chơi với cái Th. Tôi tả nó trong BKBAV do tưởng tượng. Ví dụ, tôi tin gần như chắc chắn rằng cứ về nhà là nó tụt ngay quần ra.
Tôi thường nhận được nhiều thứ của các cụ già đã về hưu, thứ nào cũng dặn là con phải giữ gìn.
Lại còn cái đám trí thức khoa học của mình (người của những năm 60- Ân xác định), thư nhiều lắm. Ngày 9-2-90, Hương sẽ nói chuyện với CLB trí thức ở Hà Nội.
Có lần trước đại hội nhà văn, báo Lao động đã phỏng vấn Hương, và Hương đã nói là trong những năm gần đây người viết văn nổi nhất là Nguyễn Huy Thiệp.
- Thiệp nó có đến tìm tôi. Trong thâm tâm vẫn chịu là nó viết được hơn mình. Thiệp được chuẩn bị hơn chị, nó nói lại. Mày xông ra như một con mãnh hổ vậy, tôi công nhận.
Nó nói với tôi là bên Bộ Ngoại giao có cho nó biết, bên Pháp mời 2 nhà văn Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp sang. Nó có cho tao đi thì tao đi. Còn nếu bắt tao làm con tin, nói những chuyện gì của bọn nó thì tao không chịu. Thiệp bảo chị phải bình tĩnh mới được. Theo như Thiệp biết, thì bên Bộ Ngoại giao họ rất thiện ý.

Một lần chia sẻ
 Năm 20 tuổi, tôi tự nguyện vào Trường Sơn. Cùng với đoàn văn nghệ đi các địa phương Quảng Bình (nơi mà tiếng khóc như ri cất lên sau những trận bom.)
Đi với niềm tin trong sáng để rồi vỡ mộng. Nhớ một kỷ niệm. Bí thư Tỉnh uỷ gặp trưởng đoàn văn công, phẩy tay bảo mang cho nó ít bột trứng, táo tầu. Giống như một cú sốc đầu tiên.
 Nghe Tư Thoan nói, cảm thấy gã như một cường hào. Hai chữ đồng chí vang lên như một sự lừa bịp. Tôi còn ngu dại, chưa biết gì thêm.
Cuộc sống như thời đồ đá. Nguồn cung cấp thức ăn là kho gạo bên kia sông nơi thỉnh thoảng cũng cho chúng tôi những hộp thịt. Kho hết phải đi lên xanh, rồi vòng xuống đồng bằng lấy gạo. Nhớ một vụ kỷ luật mấy cô y tá. Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Bình đẹp trai, quyến rũ. Bê bối về nam nữ tràn lan. Những cô gái đó sau bị thuyên chuyển công tác để cấp trên trốn tội.
Tôi sinh ra với tâm lý phong kiến rất nặng. Nghĩ bọn có quyền đó, dùng quyền lực để chiếm đoạt phụ nữ. Hỏi tại sao không phản ứng. Mọi người bảo không thể. Tôi nghĩ chúng ta hèn nhát chúng ta đẫm đầu óc nô lệ.
... Thời kỳ đó qua đi. Sau 1975, tôi vào miền Nam. Tôi không mê lụa là son phấn. Chỉ để tâm một điều -- ở đó có hệ thống thông tin hoàn chỉnh. Người dân người ta biết nhiều. Các vỉa hè đầy sách... Soljenitxưn, Pasternak đủ cả.
Tôi choáng váng. Văn hoá ta bị khuôn dính. Tại sao chỉ biết Nga? Dân nghe đài nước ngoài thời ấy bị quy là phản động. Mà cũng mấy ai có đài Mẫu đơn, Xiangmao để nghe? Ở miền Nam, người ta biết nhiều hơn hẳn.. Làm sao mà dân trí ta nâng lên được? Ngay cánh gọi là trí thức trình độ cũng thấp thảm hại. Dễ đi theo giáo điều. Được chỉ đạo bằng tư tưởng duy nhất. Tôi nhớ sách lược bọn thống trị Trung quốc chôn nhà nho, đốt sách.
Phản ánh khát vọng kẻ cầm quyền muốn đặt nhân dân trong vòng ngu dốt. Trở thành bày cừu. Ngu dân là thế. Người đúng là người không bao giờ cam tâm kiếp con cừu.
Tại sao ta chiến đấu, để làm gì. Ta phải đánh giá lại cuộc sống của chính mình. Tôi nghĩ vậy. Tôi không hối tiếc những việc đã làm. Nhưng đặt ra câu hỏi sống để làm gì.
Bạn bè tôi chết nhiều khủng khiếp ở chiến trường B5.
Xã hội phải có lý tưởng. Lý tưởng đó phải chân thực. Đó không thể là một xã hội phong kiến được đánh bóng mạ kền bằng những danh từ xa lạ.
Tôi không biết làm gì, đành viết văn. Động cơ viết là muốn chỉ ra những ngộ nhận của con người trong đời sống.
Chiến tranh xong nhiều kẻ giàu lên. Nhiều người lính khổ sở. Trở về với một khung xe đạp, một con búp bê. Người lính đó là tôi. Còn những kể khác, thu hoạch không giới hạn.
Chúng ta chấp nhận hy sinh. Nhưng thực tế, có sự khập khiễng giữa lý tưởng và bộ máy thực thi. Hình như đồng hồ quay ngang.
      
Lúc đầu tôi thích viết truyện tình cốt hấp dẫn, thanh niên đọc.Thầm mong trong truyện tình có thể phát hiện ra chất xã hội. Tôi không buộc bản thân phải nhớ mình là đàn bà. Tôi không coi mình khác đàn ông trong văn học.
Với con người ở các nước khác, bi kịch nổi lên là trong tình yêu. Nhưng ở ta khác, ở xã hội ta, có những gia đình tự tử vì thiếu ăn.
Quan niệm về tình yêu chi phối phương thức biểu hiện tình yêu trong văn học.
Trong viết văn, tôi ẩu tả. Không nghĩ về nghề nhiều. Chỉ viết văn như một nhiệm vụ công dân. Tôi có tư tưởng phong kiến. Tôi hiểu điều đó. Tôi lùi lại. Nay là thời đại đổ vỡ niềm tin. Ở nhiều người là đổ vỡ mà không sao kiềm chế. Lớp trẻ hiện sinh một cách vô ý thức. Họ cho không còn tình yêu nữa. Chỉ có va chạm. Tình yêu như ly nước, cần thì uống. Vì quá khứ đè nặng, tôi dị ứng với những cái đó. Ngay những người đàn ông, đàn bà truỵ lạc nhất cũng không bớt đau khổ.
Người ta phải tìm những cái gì hợp với cá nhân.
Về cuốn Bên kia bờ ảo vọng. Tiểu thuyết đầu tay nhiều nhược điểm. Hăng say. Tự nhủ không nên bán mình vì khi bán mình thì chính anh cũng sụp đổ.
         Còn cuốn Những thiên đường mù  Khi cải cách ruộng đất tôi 9 tuổi. Đang ở Bắc Ninh. Một lần qua đường tàu, thấy một đảng viên tự sát, bộ quần áo nâu trên người còn mới. Một phú nông .
Một lần khác, lại nghe chuyện có một người bị quy là địa chủ tự tử. Người ta kể lai lịch trong kháng chiến ông ta là đảng viên. Ta cài làm lý trưởng. Nay bị quy oan.
Tôi không sinh ra ở nông thôn, nhưng thường đi công tác ở nông thôn. Tôi hình dung ra biến cố đó. Một nhà văn phải nghĩ đến nỗi đau. Không có quyền chỉ nghĩ đến những gì tốt đẹp.
 Lương tâm nhà văn chỉ thanh thản khi anh không bỏ qua những nỗi đau từng sống và chứng kiến.
Tôi biết so với thực tế, mình viết chưa thấm thía gì. Tôi nghe có chuyện cả ngàn người chà lên một xác chết. Có những hoàn cảnh người ta buộc phải làm việc đó. Không ai dám từ chối.
         Không thể tiến lên một xã hội mới, khi dày đạp như thế. Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp. Nhưng lòng tôi lúc nào cũng bị ám ảnh. Một nhà văn lớp trước, anh Mai Văn Tạo góp ý kiến cho tôi. Ông Tạo bảo Cải cách ruộng đất là cả một sự ngạo mạn... Khinh sinh mạng con người... Tôi không quên được. Không cần bôi đen. Bôi đen là không lương thiện.
Chưa bằng lòng với Những thiên đường mù. Chỉ được 1%. Nhưng thế cũng được rồi. Thành công sẽ đến khi nhà văn viết như một sự nghiệm sinh, viết về những gì mình từng phải trả giá.
 Xã hội ta luôn luôn tự ngắm mình, ve vuốt mình. Cho nên mới có sự tha hoá như hôm nay. Nhân loại chỉ một lần như thế, thời cộng sản nguyên thuỷ. Xã hội ấy xa rồi. Đến xã hội nô lệ, đã có những thằng hề. Phong kiến còn có gián quan có ngự sử. Họ là hồi quang soi dọi cho nhà cầm quyền. Chúng ta nổ pháo hoàn thành cách mạng. Nhưng đây là thời kỳ khác. Việc bắt chước thời nguyên thuỷ là một sự chế giễu lịch sử.
Tôi không ngắm mình. Nghề văn luôn luôn bất trắc. Có thể mai đây, tôi phải bỏ bút. Luôn luôn người ta phải lựa chọn một cách lương thiện nhất.
Mỗi con người có thể và cần tìm cho mình một lối sống. Mỗi nhà văn đến với văn học theo con đường của mình. Tôi đặt chức trách công dân lên trên vai trò nhà văn. Cá nhân tôi, tôi nghĩ: những bi kịch của dân tộc lớn hơn mọi chuyện gia đình... Hãy tha thứ cho sự nóng vội của tôi. Bây giờ tôi cần nói ngay. Chờ đến khi tôi hiểu được hết...  có khi người ta không cần tôi nữa.
Nhiệm vụ tối thượng nhà văn - giải ảo tưởng. Cái đó cao hơn hết.
Biết ơn dân là chuyện cũ mà không cũ. Quên dân quá lâu. Việc đó gây ra tai vạ cho cả hai. Tôi nói điều đó, với ý nghĩ: phải hiểu đám đông. Sau cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cuộc đấu tranh nâng cao dân trí. XHCN kiểu ta trước đây, là kiểu trại lính. Trêu ghẹo nó, chịu tai vạ.
 Nhưng khi luồng thông tin hồi đáp bị chặt đứt - xã hội không thể lành mạnh.
Tôi thua kém mọi người ở đây về rất nhiều điều. Mọi người cho tôi là liều lĩnh. Tôi không liều lĩnh. Ta đi theo cách mạng, vì một xã hội tự do. Tôi biết tôi là hậu sinh. Tôi thấy các bậc đàn anh sống trong một thời đầy đau khổ.  Kiểu xã hội trại lính chỉ đẻ ra những gia nô. Tôi biết nhiều người những nghệ sĩ, đã trở thành gia nô.
Lịch sử đang được nói tới rất hàm hồ. Nhiệm vụ trí thức tìm lại chân lý bị đánh rơi. Tôi rất thương những người bị thất sủng về vườn đốt than. Nhưng không còn con đường nào khác. Người trí thức phải chiến đấu cho công bằng xã hội. Các trí thức đi theo CNXH không còn rung động với cuộc sống đau khổ của nhân dân. Trong những năm qua, nhiều trí thức bó giáo lai hàng, bởi chế độ  không chỉ nắm dạ dày, mà còn nắm vận mệnh. Tôi hiểu tình trạng trí thức tan nát mong manh. Cơ chế thiếu dân chủ đẩy họ vào bóng tối.
Người ta không thể hy sinh thế hệ này thế hệ khác vì một lý tưởng ảo. Tôi thấy đau lòng khi thấy các anh có tài phải sống trong đau khổ. Chế độ chuyên chế bao giờ cũng tiêu diệt trí thức. Trước bóp mồm bóp mũi người ta không cho người ta nói. Nay khủng bố họ bằng con đường êm dịu hơn. Cắt đứt tất cả quan hệ,  làm cho họ ung thối đi không còn khát vọng.
Một xã hội không thể tiến lên, nếu không có trí thức. Xã hội tiêu diệt trí thức là man rợ, là có tội với lịch sử. Nhân dân đau khổ cũng là nhân dân thần thánh. Nhưng trong mòn mỏi có lúc họ bao che cho tội ác. Chúng ta cần đấu tranh cho thể chế cụ thể. Quốc hội thông qua luật báo chí. Tôi nghĩ rất lạ. Trong đó có cái ý không được in những bài ở nước ngoài. Chân lý được quy nạp trên những quyết định trái chiều. Nếu  không  ai được nói khác đi, xã hội sẽ chìm vào bóng tối chuyên chế.
Tại sao tự do quan trọng?
Mấy thời kỳ vừa qua, đẻ ra một lớp quý tộc mới. Đó không phải những người có tài. Mà là những rập khuôn, là những công chức ngoan ngoãn. Quyền lực đem theo những món lời khác. Xã hội chỉ có bọn lập trường giả tạo, bọn cơ hội.
Không có điều luật nào quyết định được sự suy nghĩ. Trí nhớ không thể  bị chi phối bởi quyền lực. Không có lưỡi dao nào chặt được trí nhớ người ta, chỉ để phần có lợi còn lại. Tự hoàn thiện của nhà nước là điều kiện sống còn của xã hội.
Đại hội nhà văn: Có người tâm huyết, có người cơ hội, có người lừng chừng.

 Cuộc phỏng vấn bốn chục phút
Bắt đầu kể: 
- Lúc đầu tôi chỉ mơ làm cầu thủ bóng bàn, làm vận động viên... Ở trong đội tuyển của tỉnh Bắc Ninh ( lúc ấy chưa sát nhập tỉnh). Lớn lên thích âm nhạc, kéo đàn ắc coóc. Học ắc coóc 1965-1968. Học ở địa điểm sơ tán Yên Dũng gần trường nhạc. Chu + Bằng [ chồng Hương ] đều là bộ đội pháo ở Thắng.
13 tuổi có thơ đăng báo. Vào Quảng Bình, chơi với Mây, Dạ (tôi ở Ty Văn hoá, bọn kia ở Hội).
Sau giải phóng về Huế, làm công tác văn hoá cho sinh viên. Từ 1977 - càng mở rộng quan hệ với giới nghệ thuật
Bà không nghĩ văn chương như một nghề?
- Đúng.
Tức cho rằng không thể sống bằng viết văn.
- Không. Không bao giờ.
Nhưng vẫn xem mình như một nhà văn. Điều đó bắt đầu từ năm nào?
- Ngay bây giờ tôi vẫn không tin là tôi đi mãi với nghề. Ngày mai có thể chán viết. Ngày mai có thể bỏ đi đâu đó. Trước tôi toàn viết truyện ngắn và trước nữa làm thơ. Bây giờ đây nghĩ viết mãi những thứ đó là vô nghĩa.
Tôi trọng văn chương mà cũng khinh văn chương. Ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp. Thái độ coi văn chuơng là ghê gớm --với tôi -- là xa lạ. Một thánh đường ư, tôi có thể vứt bỏ thánh đường đó.
Bà không coi cái gì là thiêng liêng?
- Sự thiêng liêng là những giá trị mà mình xác lập. Lúc này đây là tự do, là công bằng xã hội. Lý tưởng này khiến tôi bắt tay với những người khác. Kể cả người tôi không thích. Ai yêu tôi, nhưng khác lý tưởng, tôi không chơi.
Mục tiêu của người viết văn?
- Với trí thức, là đấu tranh cho công bằng xã hội. Dám bỏ cả viết văn, nếu cần. Mục tiêu viết văn của tôi không phải là văn chương.
Tôi được biết là nghề này dính lắm, ai vào không ra được.
- Nó còn có danh vọng, có tiếng tăm. Xã hội cổ lỗ, người ta không dễ làm người với nghĩa có quan niệm riêng. Tôi thì khác. Trong sự thách đố xã hội, tìm thấy niềm vui. Tôi chấp nhận cô đơn, kể cả tự tử. Nhưng không thể đánh mất mình. Phải làm mọi việc vì niềm vui.
Bà nhìn giới viết văn ra sao?
- Thương hại. Xin lỗi nhưng tôi không bỏ được từ này. Người ta chạy vạy lặt vặt.. Tôi thấy ái ngại cho họ. Có những người tôi kính trọng như nhà thơ Hữu Loan. Ông sẵn sàng từ bỏ nghề văn nếu không được dùng ngòi bút làm việc của mình. Tôi thương và kính trọng. Ông ấy nghèo khó bần cùng đi. Lựa chọn con đưòng coi như cuộc đời đã hết, còn hơn làm điếm.
Vai trò kiến thức văn hoá với nhà văn?
- Quan trọng. Phải có cái vốn nào đó.
Có cố viết?
- Cũng có với nghĩa được gì hay đấy. Tôi đi chơi, rồi về viết. Mọi sự dùi mài cũng thảm hại, nhưng thà thế còn hơn lười biếng buông trôi.
Ai là người có ảnh hưởng?
- Gần đây, là Nguyễn Huy Thiệp. Đối với ông Châu tốt, quý nhưng không nói chuyện được. Chưa có Nguyễn Huy Thiệp, chả có ai. Chơi nhiều. Bỏ nhiều.
Thiệp ảnh hưởng gì?
- Tôi chú trọng công dân. Tôi thiếu cái phần nhân bản. Chưa đủ thì đúng hơn. Ở Thiệp, nghề văn là nghiêm túc, đương thời là đáng khinh. Nếu nó không biết khinh bỉ tôi không chơi với nó.
Làm sao giữ được cân bằng?
- Cheo leo thế, kệ nó.
Nghiêm túc với Thiệp nghĩa là gì?
- Chú ý đến nghệ thuật. Có ý thức về nội lực. Tôi làm khơi khơi. Đáng lẽ phải tu luyện nhiều về nghề nghiệp.
Bà có tin mình làm được như Thiệp.
- Được.
Bà làm việc như thế nào?
- Đọc sách hàng ngày
Có đọc đi đọc lại quyển nào?
Quyền lực của B. Roussel, Thần đêm u ám của Koestler. Rồi đọc linh tinh  sách Sài Gòn trước 1975. Nhà văn Nga thích nhất là Tchékhov( phần kịch ) rồi Đốt. Vấn đề mà ông ấy quan tâm. Đọc Paustovski thấy nhạt nhẽo.
Bà tự nhận kiến thức chắp vá?
-      Đúng. Tôi không cần hoàn chỉnh.
Văn học Pháp.
-      Đọc hết...
 Văn học cổ ?
- Hồ Xuân Hương. Thích máu nổi loạn. Cả Kiều cũng không thích bằng.
Tự lực văn đoàn?
-- Ghét. Văn chương trước 30-45 chỉ có Vũ Trọng Phụng.
 Nghĩ gì khi thấy một bạn trẻ viết văn ?
- Thấy buồn cười như thấy người ta cưới nhau, rồi nghĩ lại có lúc kính thưa quý toà, bỏ nhau.
Trong đó có chút gì ngớ ngẩn?
- Đúng. Nhưng đó là kiếp người, kể cả tôi.
Thuở bé?
- Tôi là người phụ nữ trưởng thành muộn. Khi các bạn đã yêu nhau tôi  trong cặp vẫn có cặp na - củ đậu để đi chơi.
Người đàn bà viết văn vất vả. Vất vả hơn đàn ông?
- Trong xã hội bạo lực, người đàn ông khó khăn hơn.
Ấn tượng về những phụ nữ viết văn?
- Tôi ít nghĩ tới. Vì mải nghĩ chuyện khác.  Với họ, không chơi. Tôi coi họ như không có.
Có bị họ ghét?
- Tôi không để ý
Bà không sợ dư luận?
- Đến bạo lực tôi cũng không sợ. Tôi chỉ sợ mình chán mình, mình không kính trọng mình nữa. Ngoài ra, cần gì.
Có tình bạn trong văn chương?
- Không có. Chơi với ông Châu, với ông Khải là chuyện cơm nước, trò chuyện, châm chọc.
Viết xong, có hay mang cho ai đọc
- Không!
Đọc thư bạn đọc, cảm tưởng ra sao?
- Cảm thấy lúc ấy, mình có ích cho người ta. Cộng với lòng tha thiết với lẽ công bằng mình đã được đền đáp.
Bà tin ở tác dụng với mọi người?
- Cái đó có. Tôi thiếu thành kính với văn chương. Nhưng tôi thành kính với con người. Tôi thấy có thể giúp cho đau khổ con người được thuyên giảm. Mặc dù tôi biết có khi là mình đau khổ trước tiên.
  Dạo này bà hay nói “nhà văn của nhân dân”?
- Mới vài năm nay. Trước kia viết bản năng. Không muốn vào nhóm nào. Kiến thức là nghe người ta nói, cả nghe cải cách ruộng đất... Nhưng không muốn ràng buộc với bất cứ ai.
Bà không định thành con người hoàn chỉnh.
- Kể cả  khuynh hưóng văn chương. Có nhiều người muốn dạy tôi. Rất tốt bụng. Nhưng tôi từ chối.
Một người học trò ngỗ ngược?
- Đúng, tôi thấy mình thế. Mặc dù anh Phạm Mạnh Hùng mắng tôi xa xả nhưng anh ấy quý tôi. Ai quý, tôi tha thứ. Các ông Nhân văn Giai phẩm mời tôi đến tôi không đến.
 Đấy, tôi là thế. Tôi bảo thủ. Tôi không uyển chuyển. Tôi ít thay đổi, chấp nê, dễ chết. Người đàn ông tử tế đã khổ; đàn bà khổ cách khác.
Bà ít đọc sách tôn giáo và không muốn nhẫn nhục?
- Tôi không chấp nhận sự nhẫn nhục. Một là tôi chết. Hai là tôi sống, tôi chống lại cái ác.
Có cho là mình gặp may?
- Nếu sống thời trước, chết rồi. Vậy gặp may. May mắn nhất là có một quan niệm văn chương thoải mái.
Có lúc nào cảm thấy mình bất hạnh?
- Không và có. Có lúc nghĩ không ai khổ bằng mình Rồi lại nghĩ người khác bất hạnh hơn.
Tại sao viết văn ?
Thấy nhờ đó đấu tranh chống cái ác  tốt hơn.
Có bao giờ định bỏ?
- Sau Bên kia bờ ảo vọng, tôi muốn tự tử. Tôi chả hiểu vì tại sao? Cộng với những đau khổ cá nhân, lúc ấy tôi cảm thấy mọi chuuyện vô nghĩa.
Thấy trong cuộc sống, bất hạnh và hạnh phúc có từ lâu, mà vẫn như không có.
Nói chung tôi chả yêu ai bao giờ.  Nhưng thấy truyện tình người ta viết nhiều thì viết. Không có ý thức gì. Như là Chuyện tình kể trước lúc rạng đông. Không có chuyện của mình. Chỉ nghe kể rồi viết lại.
Bà nghĩ sao về phê bình?
- Họ thông minh hơn cánh viết văn. Nhưng họ bị nô lệ.
***

No comments:

Post a Comment