Saturday, December 12, 2015

LẬP ĐỊNH KHÓA - Bác Sĩ Quách Huệ Trân

TÔI BẮT ĐẦU LẬP ĐỊNH KHÓA.
Hai thời tu niệm sáng tối là thuốc an tâm rất tốt đối với người niệm Phật. Tôi rất tán đồng chủ trương định khóa tu hành của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Nhờ có thời khóa nhất định, tôi một mình tu tập mới không đến đỗi như diều đứt dây. Cả ngày bận rộn, về đến nhà, mở đèn lên, việc trước hết là lên phòng thờ Phật thắp hương lễ Phật, thì sẽ không đến nỗi chạy theo vọng niệm. Tâm do đó cũng rất yên. Ngoài ra còn khéo dùng thời gian nhàn rỗi niệm Phật. Hoàng cư sĩ dùng xâu chuỗi liên hoa rất dễ ký số. Chuỗi không rời tay, cũng giúp Phật không rời miệng, Phật không rời tâm.
NGHE KINH
Băng giảng của các vị thiện tri thức là thuốc hay trong khi tôi bệnh, luôn luôn nhắc nhở, luôn luôn dạy dỗ, tăng trưởng tín nguyện, chỉ ra đường chánh, như đèn sáng giữa đêm đen. Có lúc, chỉ cần một hai câu là đủ quét sạch tất cả phiền não. Lúc bận rộn làm việc, rất ít khi có thời giờ cung kính lắng nghe. Trên đường lái xe đi làm và ra về, là thời gian tôi nghe băng giảng kinh. Khi rảnh việc nhà, tôi cũng lập tức lặng yênnghe kinh, không ngừng tắm mình trong dòng nước pháp, không ngừng dùng tri kiến Phật để sửa đổi lại tri kiến phàm phu của mình.
VẬN ĐỘNG
Muốn hồi phục sức khỏe phải đưa vận động vào sinh hoạt hàng ngày của mình. Lúc mới vận động sẽ rất mệt, rất cực khổ. Nhưng khi cảm được lợi ích của vận động, như máu huyết tuần hoàn tốt, toàn thân thư thới, thể lực ngày một tăng, sắc mặt ngày một tươi, thì có thể vận động được đều đặn và lâu dài. Tôi thử qua rất nhiều cách vận động như đi bộ, chạy chậm, thể dục, thư giãn, leo núi, thái cực quyền,… Tóm lại, phải tìm ra loại vận động nào thích hợp với mình nhất. Riêng đối với tôi, lạy Phật là loại vận động mà tôi chọn lựa thực tập không gián đoạn. Tôi rất thích đại lễ bái của Mật giáo. Nhưng vì mới mổ, tay phải không thể chịu lực quá nặng, nên nếu lạy nhiều sẽ cảm thấy khó chịu như bị trật khớp xương. Gần đây, theo phương pháp lạy Phật của Pháp sư Đạo Chứng giảng, cảm thấy hoan hỉ, thư thới chưa từng có.
GIẢI ĐỘC
Sống mấy mươi năm, tự nhiên có rất nhiều phế vật tích trữ trong cơ thể. Giải độc chính là làm thay đổi thể chất. Cho nên, phương pháp trị liệu tự nhiên và y học Đông phương rất chú trọng đến việc giải độc. Phương pháp trị liệu tự nhiên trước hết là phải ăn chay, dùng rau cải, ngũ cốc, các loại hạt và trái cây thiên nhiên không có thuốc trừ sâu là tốt nhất. Sau khi tôi bệnh, trước hết theo phương pháp trị liệu tự nhiên uống nước cỏ tiểu mạch xay ra (cần chú ý lượng dùng), ăn sống, tuy ăn cơm ngũ cốc càng lúc càng nhiều, từ chén nhỏ đổi ra chén lớn, người cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thới, nhưng trọng lượng thân thể càng lúc càng xuống đến mức chỉ còn bốn mươi chín ký.
Bác sĩ Lý Phong cũng vì ăn sống mà chỉ còn ba mươi bảy ký. Khi bác sĩ ngưng không ăn sống nữa, tôi vẫn còn do dự. Mãi đến một hôm, khi đi đường bất chợt gặp một luồng gió nhẹ, tôi cũng cảm thấy như một trở lực đối với thân thể. Lúc đó tôi mới ngưng ăn sống và thể nghiệm rằng ăn sống, cần phải tùy theo điều kiện thể chất của mỗi người mà điều chỉnh. Nó giống như uống thuốc, cần căn cứ theo tình trạng bệnh mà gia giảm, điều chỉnh. Đây là việc xảy ra sau khi tôi đã ăn sống được một năm rưỡi.
Sau đó, tôi theo phương pháp giải độc Đông y, vừa có thể dùng thuốc Bắc giải độc, vừa uống thuốc bổ khiến không tổn nguyên khí. Như vậy là ổn đáng hơn nhiều. Trọng lượng thân thể tôi lần lần lên trở lại. Ngoài ra, còn một điểm hết sức quan trọng:
“Muốn giải độc, thì mỗi ngày ăn uống đừng dùng những thức ăn có độc, cho đến trong lòng cũng phải giải trừ những tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi, những thứ sinh ra độc tố.
DƯỠNG SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
Tôi có một chút tâm đắc với lý luận dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe của Đông y: Cố gắng sống tự nhiên, không sử dụng máy móc để tạo ra hoàn cảnh sống không tự nhiên. Ví dụ như không dùng máy lạnh, máy quạt. Lúc nóng để thân thể tự nhiên xuất hạn, sau khi xuất hạn, thân tâm đều rất thư thới, cũng không còn nóng nữa. Trời tối rồi phải đi ngủ sớm, không nên dùng đèn điện tạo ra hoàn cảnh không tự nhiên để thức khuya.
Cho dù là rất nóng, cũng không uống nước lạnh và nước đá, cố gắng ăn uống những thức có nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể mình. Ăn những thức ăn tự nhiên trong mùa, không nên ăn những thức ăn trái mùa được tạo ra bởi kỹ thuật tân tiến. Nếu bất đắc dĩ, phải sống trong hoàn cảnh mà máy móc tạo ra cũng không cần phải áo não, có tâm bài xích, hay lo lắng mình bị tổn hại. Chỉ cần an tâm trước mọi cảnh ngộ, hoan hỉ trước mọi nhân duyên, cảm ân niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh là phương pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Vì những tâm niệm thanh tịnh tốt đẹp chính là những làn sóng điện sinh ra vật chất tốt đẹp, hướng dẫn tế bào toàn thân phát huy công năng mạnh nhất.
CẢM ÂN VÀ LẠI CẢM ÂN
Tôi từ khi bệnh đến lúc bình phục trong ngoài đều thuận lợi. Do đó tôi hết sức cảm kích sự âm thầm gia hộ của đức Phật A Di Đà, mười phương chư Phật, chư Bồ tát và các đời tổ sư. Tôi cũng tri ân lòng từ bi chăm sóc của các vị xuất gia ở chùa Phố Lý. Ân đức này thực đời đời khó quên. Những ngày tôi sống ở chùa như trở về nhà mẹ mình, sống rất thoải mái, hồn nhiên, nét cười luôn rạng rỡ trên mặt. Điều này có ích lợi rất lớn cho việc phục hồi sức khỏe. Tôi cũng cảm ơn con gái mình đã dũng cảm gánh vác, vui vẻ phối hợp. Con gái tôi lúc đó là sinh viên Đại học năm thứ ba, đột nhiên gặp phải biến cố lớn này. Lúc tôi ở Phố Lý chín tháng, con gái cũng học được cách tự lo liệu cho mình.
Nhớ lại năm đó, con gái tôi đích thân làm bữa cơm cuối năm. Từ đó tôi phát hiện, thì ra con gái mình giỏi hơn và cũng cứng rắn hơn mình nhiều. Đây là điều an ủi lớn đối với tôi. Cũng xin tri ân các bạn đồng tu, các bạn đồng nghiệp trong khoa, các bạn bè thân hữu, cho đến các bác sĩ giúp tôi bình phục. Nguyện đem tất cả công đức hồi hướng cho tất cả các bạn có bệnh ung thư. Nguyện mọi người đều có thể phát tâm bồ đề, chuyên lòng niệm Phật A Di Đà, lìa khổ được vui, đồng sinh Cực Lạc.
“Khéo đem tâm niệm này
Chuyển Ta bà đau khổ
Thành Tịnh độ an vui
Mình người không thoái lui.
Khéo đem tâm niệm này
Thẳng tu đến thành Phật
Trải thân cầu giác ngộ
Mình người đều đắc độ”
(Lời của Phó Giáo sư Tiến sĩ Tạ Thanh Giai, viện trưởng Viện Nghiên Cứu kiêm khoa trưởng khoa Quản Trị Thông Tin trường Đại Học Quốc Gia Đài Loan)

No comments:

Post a Comment