Đất “dữ” cống Bà Xếp
http://www.giaoduc.edu.vn/nhung-diem-den-te-nan-ngay-ay-bay-gio-ky-1-dat-du-cong-ba-xep.htm
Khu cống Bà Xếp, chạy từ Ga Sài Gòn ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời được xem là “đất” dữ
|
Cống Bà Xếp không chỉ là nơi xuất thân của nhiều tay giang hồ cộm cán mà còn từng là vùng đất an toàn để giang hồ tứ phương về làm ăn. Điển hình là tên tướng cướp nổi tiếng táo tợn Điềm Khắc Kim.
Ký ức người dân
Ông Nguyễn Văn Cự (ngụ đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3, đoạn tiếp giáp với đường Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM) nhớ lại: “Những năm 60, khu vực này chẳng có đường sá gì ngoài các con hẻm nhỏ rối chằng rối chịt, khá vắng người. Ngày cũng như đêm, nếu đi sâu vào trong những xóm nhà chẳng thấy hàng quán, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những thanh niên có thân hình vạm vỡ, hình xăm chi chít trên người. Đó là những giang hồ tứ phương về đây mua nhà hoặc thuê ở để xưng hùng xưng bá, tranh giành cứ địa làm ăn”.
Dù đã 82 tuổi, ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên nhưng khi nhắc đến “vùng đất dữ” một thời cống Bà Xếp, ông Cự như được lần giở từng trang ký ức: “Năm con trai đầu của tôi 18 tuổi, vợ chồng tôi sợ nó theo đám giang hồ nên đã cho về Biên Hòa sống với người cô. Không sợ sao được, ngày đêm ra vào nhìn những gương mặt lạnh lùng, ánh mắt sắc lẹm. Tụi nó ra chợ, bà con bán rau, bán gạo không dám nói thách. Thậm chí thấy mặt tụi nó là muốn “cúng” cho xong”. Tuy nhiên, theo ông Cự, là giang hồ thứ thiệt, mặt mày bặm trợn nhưng không bao giờ quấy nhiễu người dân hiền lành, mua gì trả tiền đàng hoàng. Hàng ngày tụi nó “đổ” ra chợ chỉ là nắm bắt tình hình xem có ai đến xưng hùng xưng bá hay không, nếu có thì chúng kéo đến dằn mặt liền. Còn với người dân hiền lành sống bằng nghề mua bán, nếu bị cướp bóc, hà hiếp thì chúng cũng hết lòng bênh vực.
Cũng theo ông Cự, trong con hẻm quanh khu vực cống Bà Xếp, nhà cửa thấp lè tè, chỉ vài căn được xây dựng bán kiên cố là nơi trú ngụ của giang hồ Sài Gòn. Ban ngày không dễ thấy bóng dáng của chúng nhưng về đêm thì ra vào nhộn nhịp. Cảnh đánh, chém giết thanh trừng lẫn nhau rùng rợn diễn ra thường xuyên. Ông Nguyễn Thuận, mưu sinh bằng nghề đạp xe xích lô từ trước 1975 nói, sở dĩ cống Bà Xếp tập trung nhiều tay giang hồ cộm cán là vì lúc bấy giờ ở đây được chúng xem là vùng đất có nhiều thuận lợi, thích hợp cho cuộc sống giang hồ. “Hẻm nhỏ chằng chịt hai bên đường ray xe lửa lại có dòng kênh phía Bắc (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - PV). Khi bị băng nhóm khác tìm đến thanh trừng hay bị cảnh sát bố ráp thì dễ dàng lẩn vào hẻm, nhảy xuống kênh để thoát thân”, ông Thuận nói. Tuy nhiên, theo ông Cự, cống Bà Xếp có đủ mặt giang hồ Sài Gòn là vì trước đó có một vài băng nhóm đến thuê nhà rồi lộng hành, lớn miệng thách thức. Băng khác hay tin sợ mình bị “lép vế” nên cũng tìm đến ở, trước để dằn mặt nhau, sau bành trường tranh giành cứ địa.
Đất “dữ” đã lành
Nhắc đến địa danh cống Bà Xếp, không ít người Sài Gòn nhớ ngay đến tên tướng cướp Điềm Khắc Kim. Người dân sống ở khu vực này trước 1975 không lạ gì mặt của tên tướng cướp hàng đêm đi về với tình nhân. Đây không phải là nơi Điềm Khắc Kim chào đời mà chỉ là nơi tạm trú an toàn sau một thời gian dài bị truy lùng. Ông Cự khẳng định, người dân sinh ra và lớn lên ở khu vực cống Bà Xếp cũng như bất kỳ nơi nào trong thành phố, có người hiền, người dữ, có cờ bạc, ma túy, cho vay nặng lãi nhưng phần lớn đã bị sa lưới pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người đã thức tỉnh, quay đầu trước khi sa vào vũng lầy trở thành những tên tội phạm khét tiếng.
Anh Nguyễn Văn Thành hiện công tác tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - BIDV nhớ lại: “Những năm đầu thập niên 90, buổi tối không dám bước ra khỏi cửa. Chỉ một tiếng “ho” cũng bị thanh niên tụ tập trong hẻm bắt bẻ để xin đểu”. Trước và sau 1975, cống Bà Xếp còn được biết đến là chợ ma túy lớn của Sài Gòn. Tuy nhiên, tiếng “dữ” không phải là cờ bạc, ma túy mà là những vụ thanh trừng đẫm máu giữa các băng nhóm. Những năm gần đây, “vùng đất dữ” một thời cống Bà Xếp được nhắc lại khi Bảy Si, một nhân vật được xem là cánh tay phải của ông trùm giang hồ Năm Cam đã về đây thành lập nhiều sòng bạc với quy mô lớn.
Ngày nay, trở lại cống Bà Xếp, những con hẻm thông với đường Nguyễn Thông, Cách Mạng Tháng 8, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… đã đổi thay nhiều. Từ những khu nhà ổ chuột ẩm thấp đã chuyển mình với những dãy nhà khang trang. Hình ảnh con nghiện khoe hình xăm vằn vện dập dìu trên đường ray xe lửa, vất vưởng ở các hẻm nhỏ không còn nữa. Là một địa danh mà nghe đến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, cống Bà Xếp giờ mọc lên những khu nhà trọ văn hóa, thân thiện thu hút nhiều sinh viên đến thuê ở.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
LTS: Có những địa danh ở Sài Gòn dù không có tên trên bản đồ hành chính mà khi nhắc đến, nhiều người nhớ ngay đó là những khu tệ nạn khét tiếng một thời. “Điểm đen” tệ nạn ấy bây giờ đổi “sáng” nhưng trong ký ức của nhiều người, dù chỉ trọ một đêm cũng đủ nhớ cả đời.
|
No comments:
Post a Comment