Sunday, August 21, 2016

Cửa cái Cửa cổng.

http://www.tvvn.org/forums/threads/c%E1%BB%ABa-nh%C3%A0.1095/


Cừa Nhà

Lời thầy dạy:

* Về tinh thần trách nhiệm: Đừng bao giờ thốt lên lời nói vô ý thức như:

- Mẹ con nó làm, tôi đâu có biết.

- Em tôi làm, mắc mớ gì đến tôi.

Là một mắt lưới trong mạng lưới lớn, con người không thể đơn độc tạo ra nghiệp...

Mỗi hành động của con người đều gây ra duyên hoặc nghiệp. Mỗi người, không những phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, mà còn phải chịu trách nhiệm liên đới, kể cả nhận lãnh hậu quả các việc do người thân trong gia đình gây ra, gọi là cộng nghiệp...

Có người được ‘nở mặt nở mày’ nhờ con cháu, bên cạnh đó cũng có người ‘cười đau khóc hận’ vì cháu con. Có người nhờ vợ hiền mà được ‘vinh hoa phú quý’ thì cũng có người ‘thân bại danh liệt’ vì các việc làm của người vợ. Tất cả đều do nghiệp báo. Nếu mọi người đều nhìn và hiểu mạng lưới nghiệp báo, để biết mình nên làm gì, tránh làm gì, thì cõi đời này đâu có những kẻ lường gạt, trộm cướp hay buôn thần bán thánh! Tội nghiệt!

* Về cách xử thế: ‘Ở đời, dại thì chết, khôn cũng chết, biết mới sống’. Biết là biết làm chiếc xuồng không.

Ngày xưa Trang Tử kể chuyện và dạy học trò:

‘Có cô chèo đò, chèo chiếc ghe qua sông bị một chiếc xuồng khác đụng vào ghe, cô quay lại nhìn thấy trên xuồng không có ai cầm dầm bơi cả, nên cô cười. Gần đến bờ, chiếc ghe lại bị chiếc xuồng khác đụng phải, người cầm dầm là một thanh niên, cô liền lên tiếng mắng chưởi. Trước bị đụng không giận, tại sao về sau bị đụng lại giận? Vì trước là chiếc xuồng không, không có người, chiếc xuồng đụng lần sau lại có người’.

Làm chiếc xuồng không là làm như kẻ khờ dại, đâu phải dễ dàng học được chiêu ‘thông minh duệ trí thủ dĩ ngu’, chữ duệ có nghĩa là sáng suốt, hiểu sâu xa. Ý nói người thông minh tài trí làm như mình ngu dại.

Thầy dạy tiếp:

Người đàn bà đẹp thường ghét người khác đẹp hơn mình. Cái ghét của người tài là có người giỏi hơn mình. Người ta thích học văn hay nhưng không thích gần gũi văn sĩ. Hiểu như vậy là ‘ngộ’ được cách xử thế ở đời.
Hàn Tín biết luồn trôn mà không biết làm ‘chiếc xuồng không’ thì chưa phải là người sáng suốt. Thắng cả thiên hạ, nhưng không tự thắng được lòng ham mê danh lợi, bản tánh tự cao tự đại, nên không giữ được mạng sống thì chưa thể gọi là người đại trí. Vì vậy về sau Hàn Tín mới bị Hán Cao Tổ (Lưu Bang) hại chết.

Dung được những điều mà người khác không thể dung, nhịn được điều mà người ta không thể nhịn thì đó mới là người biết sống. Có kiến thức, độ lượng và điềm tĩnh hơn người. Chữ lễ là nhún nhường, là đem cái bản ngã của mình để phía sau kẻ khác, là không làm chạm đến lòng tự ái của người khác. Hiểu được ý nghĩa thâm sâu của chữ lễ là đã có chìa khóa mở cửa thuật xử thế... Thiện tai!

***

Họa phúc của căn nhà thường được biểu hiện ở khí sắc của căn nhà đó. Nhà tuy cũ kỹ nhưng khí sắc sáng sủa thì người chủ làm ăn phát đạt, ngược lại căn nhà tuy mới xây cất nhưng khí sắc bên trong tối tăm thì công ăn chuyện làm của chủ nhà bị lụn bại. Do đó các nhà Phong thủy không căn cứ vào căn nhà cũ hay mới để luận cát hung, mà họ tùy thuộc địa hình địa vật, môi trường chung quanh và tùy vào khí sắc bên trong căn nhà để luận hung cát. Khí là dương khí từ bên ngoài thổi vào trong nhà, sắc là do ánh sáng mặt trời chiếu vào các cửa.
Nhà ở phải đặt cửa cái nơi nào, cửa sổ và cửa phòng ra sao, để nhận nhiều sinh khí, ngỏ hầu tạo cho người cư ngụ nhất là gia chủ được sức khoẻ dồi dào, công ăn việc làm được hưng thịnh và gia đình hạnh phúc. Vấn đề này được đặt nặng như chữ Lễ trong thuật xử thế vậy.

Cửa cái 

Cửa là nơi nối liền giữa không gian bên ngoài và bên trong căn nhà. Khoa Phong thủy gọi cửa cái là ‘Huyền quan’, được xem là nơi quan trọng nhất của Dương trạch. Cửa còn được gọi là ‘khí đạo’ hay ‘khí khẩu’, thông qua nó căn nhà ‘thượng tiếp Thiên khí’ và ‘hạ tiếp Địa khí’. Khí là năng lượng thiên nhiên mang đến sự sống tốt đẹp. Biết tiếp nhận và lưu giữ sinh khí và phá bỏ âm khí là việc làm quan trọng nhất của các nhà Phong thủy. Họ căn cứ ánh sáng và cách đón gió lành hay gió dữ từ cửa cái mà biết được căn nhà đang thịnh hay suy.

Cửa cái thường ở mặt tiền căn nhà nên nó được xem là quan trọng nhất, vì khí di chuyển từ bên ngoài vào nhà rồi mới luân lưu đi khắp nơi, còn cửa hậu hay cửa hông chỉ đứng hàng thứ yếu. Nhà lớn mà cửa nhỏ, thiếu khí luân lưu tạo ra bại khí, ngược lại nhà nhỏ cửa lớn cũng không tốt vì sinh khí khó tụ hội.

Đôi khi các căn nhà lớn có đến ba cửa chánh:
- Cửa cái nằm ở giữa mặt tiền căn nhà gọi là Chánh môn.
- Cửa thứ hai và ba nằm hai bên cửa chánh gọi là Thiên môn.

Nếu nhà có ba cửa thì nên đặt địa bàn ở Chánh môn khi phân cung điểm hướng.

Kỵ nhất là nhà không có Chánh môn mà chỉ có hai Thiên môn như hai lỗ miệng (nhị khẩu), loại nhà này thường gây họa hại. Nó làm cho người trong nhà thường xuyên cãi vả và bị khẩu thiệt.

Hình dáng 

Cửa cái thường có hình chữ nhật, một cánh gọi là hộ, hai cánh gọi là môn. Một cánh hay hai cánh đều như nhau, nó không có ảnh hưởng gì về phương diện cầu tài. Nếu phía trên cánh cửa cong như hình cánh cung hoặc bán nguyệt thì tốt về tài lộc.

Cách cửa cái khoảng 2m, người ta đặt một tấm bình phong để thay đổi hướng dòng khí luân lưu trong nhà, không cho nó đi thẳng ra phía sau. Tấm bình phong này được gọi là ‘Thủ huyền quan’.

Kiêng kỵ 

Để tránh họa hại, khoa Phong thủy nêu những cấm kỵ của cửa cái như sau:

* Kỵ lõm sâu vào trong
Cửa cái nhiều căn nhà lõm sâu vào bên trong, trước cửa thiếu ánh sáng tạo một khoảng u tối, căn nhà bị trúng thế âm sát. Thường bị kẻ trộm thăm viếng. Nên để đèn Neon suốt đêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng. Treo một trái cầu thủy tinh (crystal) phá âm khí.

* Kỵ xuyên tâm
Cửa cái phía trước và cửa hậu căn nhà không được nằm trên một đường thẳng (cho dù có hành lang dài), nếu đứng từ ngoài cửa trước nhìn thấy khoảng trống của cửa sau là căn nhà bị trúng thế xuyên tâm sát. Khí di chuyển thẳng ra sau, không luân lưu vào các phòng nên sinh khí khó tụ, gia chủ bị họa hại.

* Kỵ xung chiếu với bếp
Cửa cái không được đối diện với bếp lò, người trong nhà sẽ bị thực khẩu, suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn uống, mất rất nhiều thời giờ vì thường xuyên tổ chức ăn nhậu hoặc thường bị khách không mời mà đến.

* Kỵ xung đối với thang lầu
Cầu thang từ trên lầu đi xuống thẳng ngay cửa cái làm cho khí tuôn ngược, biểu tượng hao tán, tiền bạc vào bao nhiêu sẽ ra bấy nhiêu. Gia chủ đam mê cờ bạc, gia đạo bất an. Nếu không thể sửa, nên đặt tấm bình phong ngăn chận.

* Kỵ đối xứng với cửa phòng khác
Cửa cái và cửa của một trong các phòng trực tiếp đối xứng sẽ làm cho dòng khí thịnh nơi này, suy nơi khác, khó đạt được sự hài hòa nên trong nhà không có sinh khí. Người cư ngụ thường xuyên cãi vả, xung đột tay chân làm cho gia chủ mang tiếng thị phi. Nếu không thể đặt bình phong ngăn cách, nên treo màn sáo hoặc rèm trước cửa phòng.

* Kỵ xung đối cửa sổ
Cửa sổ xung đối trực tiếp với cửa cái sẽ làm cho cát khí bay mất nhanh chóng, các phòng còn lại luôn tích tụ âm khí. Người cư ngụ trong phòng có nhiều âm khí sẽ bị bệnh hoạn thường xuyên. Dùng bình phong ngăn chận hoặc treo màn trên cửa sổ để dòng khí dội ngược vào các phòng đẩy âm khí ra khỏi nơi tích tụ.

* Kỵ xung chiếu với cửa nhà đối diện
Nếu cửa cái hai căn nhà đối nhau là bị phạm vào thế thương sát, nhà nào có cửa cao hơn sẽ bị họa hại nhiều hơn. Nhà nào cửa lớn hơn sẽ thắng thế hơn cửa nhỏ, nhà có cửa nhỏ hơn sẽ lãnh trọn họa của nhà đối diện. Con cái dù có tốt nghiệp nhưng cũng khó tìm được việc làm tương xứng. Để tránh họa hại, dùng bình phong che chắn bên trong cửa cái, hoặc đặt một cặp Kỳ lân hai bên cửa bị xung chiếu, hay dùng gương lồi có đường kính trên 10 cm đặt trực chiếu qua cửa nhà đối diện.

* Kỵ xung đối với góc cạnh phòng
Đứng tại cửa chánh nhìn vào nếu thấy có góc nhọn chiếu thẳng ra cửa là căn nhà bị trúng thế phi nhân sát, mặc dù nhẹ nhưng không nên xem thường, chủ nhà càng ngày càng bị bệnh nặng thêm, tiền bạc khi có khi không, gia đạo bất an. Đặt một chậu cây kiểng (indoor) tại góc nhọn để hóa giải.

* Kỵ nằm dưới xà nhà lớn bên trên
Bên trên cửa cái có một cây xà nhà lớn, hoặc có ống thông hơi của hệ thống máy lạnh đâm thẳng từ sau ra trước là bị thế xuyên đầu, trẻ em thường bị bệnh. Nếu không dời cửa qua nơi khác, nên dùng Gyprox đóng trần che bên dưới.

Cửa sổ 
Cửa sổ là nơi mà người cư ngụ thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên bên ngoài, làm cho tinh thần sảng khoái, nơi nhận nhiều ánh sáng để chiếu vào căn phòng và còn là nơi để cho gió lùa vào làm tan sự ẩm ướt.

Cửa sổ còn là nơi tiếp nhận thêm sinh khí cho phòng ngủ, cần càng nhiều càng tốt cho giấc ngủ, hầu tái tạo lại năng lượng đã mất vì làm việc. Vào mùa Hè dương khí rất mạnh dễ xua đuổi âm khí hơn mùa Đông nên không cần mở cửa sổ thường xuyên.

Cửa sổ được ví như con cái trong nhà, cửa cái và cửa hậu ví như cha mẹ. Ở Việt Nam, diện tích cửa cái và cửa hậu cộng lại thường lớn hơn các cửa sổ, nên cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ở các nước Tây phương, đặc biệt tại nước Úc, thường cửa sổ chung quanh nhà lớn hơn diện tích cửa cái và cửa hậu. Nếu diện tích của tất cả cửa sổ lớn gấp ba lần cửa cái và cửa hậu thì con cái không nghe lời ông bà cha mẹ.

Các nhà Phong thủy cho rằng, nếu muốn con cái tuân theo lời dạy dỗ, chủ nhà nên treo ba cái chuông nhỏ trên cửa lưới (security door) để mỗi khi mở cửa ra vào thì chuông sẽ vang lên tiếng ‘leng keng’ làm các cửa sổ hoảng sợ, con cái sẽ bị ảnh hưởng giống như cửa sổ, sẽ biết tuân lời ông bà cha mẹ.

Cửa hậu và cửa hông 

Cửa hậu là cửa sau, tại vách cuối cùng của căn nhà. Cửa hông thường nằm ở khoảng lưng chừng theo chiều dài của căn nhà. Hai cửa này thường nằm bên trong hàng rào bao quanh nhà. Nhà không có cửa hậu hoặc cửa hông sẽ bị tăm tối, không khí ngột ngạt làm cho căn nhà bị tuyệt khí. Nhà bị tuyệt khí, gia chủ thường lâm vào cảnh ‘lực bất tòng tâm’, muốn làm thêm, muốn có thêm lợi tức, muốn thi thố tài năng... lòng muốn nhưng không đủ sức để thực hiện.

Phần sau nhà nếu không mở được cửa hậu, nên sửa sang căn nhà sau cho thoáng khí, sáng sủa, tránh họa hại do tuyệt khí gây nên.

Lời kết 

Tự tu tập cho tâm mình tốt thì sẽ gặp điều tốt. Nơi nào còn danh lợi, chốn nào còn bon chen thì nơi chốn đó còn thắng bại, còn hơn thua, còn thù oán, còn ra nước mắt... Thiên hạ động thì mình nên tĩnh, đời càng động thì mình càng nên tỉnh táo để có quyết định sáng suốt.

Dịch lý cho rằng: Trời đất biến đổi, hết động đến tĩnh, hết tĩnh đến động. Trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. Cực suy đến thịnh, cực thịnh đến suy. Cực cao thì ngã đổ. Người biết lẽ sống phải biết tự mình lui về để tránh suy vong. Thiện tai! Thiện tai!

Buông đao đồ tể sẽ thành Phật, còn hơn tiếp tục lún sâu vào tội lỗi chỉ vì lòng tham, vì tỵ hiềm đố kỵ, càng vung đao thì đường vào địa ngục càng thu ngắn. Tội lỗi! Tội lỗi!

Vô Chiêu

No comments:

Post a Comment