Thursday, September 15, 2016

GIA CÁT LƯỢNG



“Mệnh tốt không bằng Thân tốt, Thân tốt không bằng Vận tốt”
Đây là câu phú mà ít ai đã quan tâm đến các môn Lý học, nhất là Tử vi lại không thuộc nằm lòng. Thật ra, không thể hạ thấp giá trị và tầm quan trọng của cung Mệnh, cung an Thân, nhưng yếu tố thời vận, tức là chữ “thời” trong lá số nhiều khi có ý nghĩa quyết định thành bại của một đời người, nhất là về hậu vận. Có những người không may có cung Mệnh, Thân bất lợi, nhưng vào tuổi trưởng thành gặp được vận tốt, thoả chí phát huy được năng lực của mình trong một bối cảnh thuận lợi, gọi là cách: “Khô mộc phùng xuân” (cây khô gặp được mùa xuân), với một đại vận 10 năm đắc cách cũng đã thoả nguyện lắm rồi. Trường hợp này ví như hành trình cuộc đời trên một chiếc xe yếu, công suất thấp nhưng được đi trên đường cao tốc, lại gặp mưa thuận gió hoà nên vẫn bình ổn đi đến đích. Ngược lại, Mệnh – Thân có tốt mà vận quá xấu, ví như chiếc xe to đẹp, mạnh mẽ nhưng phải đi trên con đường núi hiểm trở, nhiều mưa to bão lớn nên luôn gặp trở lực, đời nhiều thăng trầm, thành quả không có là bao; khi ấy ý chí và nỗ lực bản thân đóng vai trò quyết định. Tệ nhất là khi Mệnh, Thân đã xấu mà vận cũng xấu, khi ấy tương lại mịt mờ, suốt đời nghèo khó, gian nan vất vả, khổ nạn liên miên, sức người dù có cố làm cũng chỉ cải thiện được phần nào. Vấn đề của nhiều người là: Nếu có vận tốt, liệu có biết và tận dụng được các vận hội đắc cách ấy trong cuộc đời mình, hay là để lỡ thời rồi cuối đời phải nuối tiếc, ân hận!
Vậy thế nào là một “vận” tốt? Trong Tử Vi phân ra: Đại vận (10 năm), niên vận (1 năm), nguyệt vận (1 tháng), nhật vận (1 ngày), thời vận (1 canh giờ). Cách thức lấy từng loại vận trong một lá số và phương pháp xét đoán vấn đề vận hạn khá phức tạp và dài dòng nên xin hẹn quý vị ở một bài chi tiết khác riêng cho vấn đề này. Ở đây xin khái lược về đoán định Đại vận; các “vận” khác về cách thức xem xét cũng không khác nhau là mấy, nhưng theo nguyên tắc: “Dĩ trường chế đoản” – tức là các “vận” dài quyết định các “vận” ngắn. Đại vận tốt thì tiểu có tiểu vận có xấu cũng không quá đáng ngại; còn tiểu vận nếu rực rỡ nhưng trong một Đại vận đắc cách, như thế mới là thật sự thuận lợi và đắc thời. Khi xem xét một đại vận, cần đồng thời quan tâm đến cả 3 yếu tố:
Thiên thời: Xét cung cần xem xét trong tam hợp cung nào? Rồi xét tam hợp cung ấy so với tam hợp tuổi theo phép sinh – khắc để đưa ra nhận định
Địa lợi: Xét âm – dương, ngũ hành của cung cần xem xét so với bản mệnh của mình: Tốt nhất là được sinh nhập, nếu bình hoà thì tạm ổn, kém nhất là mệnh bị khắc nhập hay bị sinh xuất. Khi ấy thành quả (nếu có) thường không trọn vẹn, được việc này dễ hỏng việc khác, có khi sa sút, đổ vỡ hay phá sản.
Nhân hoà: Xét tương tác các bộ sao của cung xem “vận” có hợp với các sao ở cung Mệnh, nhất là chính tinh hay không? Chú ý các sao Tứ Hoá, lục sát tin, nhất là các sao hợp hành với bản mệnh. Khi ấy, vai trò của các sao hợp nhau thành bộ đóng vai trò quyết định.
Thông thường, khi quyết đoán một vận tốt cần chí ít 2 trong 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” kể trên. Nếu may được cả 3 sẽ là vận tối hảo, nhưng trường hợp này rất hiếm. Còn lỡ khi gặp vận mất cả 3 yếu tố trên, nếu khinh xuất mà vọng động thì sẽ cầm chắc thất bại. Khi ấy, chỉ nên ẩn nhẫn chờ thời, “dĩ tĩnh chế động”, lấy tiêu chí bình ổn làm đầu để chờ cho qua vận xấu, rồi mới khởi sự làm ăn, đầu tư lớn hay các quyết định quan trọng về sự nghiệp, công danh.
Quân sư Khổng Minh – người lỡ thời với đại nghiệp “phục Hán”
Khổng Minh tên thật là Gia Cát Lượng, là người có tài kinh bang tế thế, một nhà chiến lược thiên tài, xuất sắc nhất trong thời Tam Quốc, đến mức người đời sau so với một thiên tài quân sự lớn khác là Tôn Tử. Từ năm 27 tuổi theo phò Lưu Bị đến khi về trời năm 54 tuổi, ông đã tận tâm tận lực giúp họ Lưu dựng lên đại nghiệp, cùng Tôn Quyền đại thắng trận Xích Bích, khiến cho Tào Tháo tơi tả, hồn xiêu phách lạc, rồi lấy Kinh Châu, định Tây Xuyên, bình Mạnh Hoạch, dưng nước ở đất Thục. Cùng với nước Nguỵ ở phía BẮc, Ngô ở phía Đông, Lưu Bị hoàn thành đế nghiệp, tạo thành thế chân vạc chia 3 thiên hạ. Thế nhưng, trời chẳng chiều người, biết vận nhà Hán đã tận mà ông vẫn cố cưỡng cầu chống đỡ đến cùng. Sáu lần tiến binh ra Kỳ Sơn dang dở, khiến cho ông lâm vào cảnh thể chất suy nhược, sức khoẻ hao tán. Đến lần thứ 6, tại gò Ngũ Thượng, biết mệnh mình sắp hết, ông đành: “Sai tả hữu vực lên chiếc xe nhỏ ra trại, đi xem hết dinh. Gió đông rát mặt, lạnh buốt đến xương, mới thở dài than rằng: Từ nay ta không được ra trận nữa. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!” Ông hận ai? Với nhân thế thời ấy không đối thủ, ông hận cõi cao xanh  kia đã bắt mình chịu yểu mệnh, hận chữ “thời” đã không ở lại với mình, để ông có thể dốc sức hoàn thành tâm nguyện “phù Hán” một cách trọn vẹn.
Theo sách sử, Khổng Minh sinh vào giờ Tuất, ngày 10/04 năm Tân Dậu (năm 181 dương lịch). Lá số âm nam, mệnh Mộc, thế cục “Kim tức cục” khắc mệnh, cung mệnh ở Mùi (âm Thổ) cũng bị mệnh khắc, đủ thấy sự nghiệp cuộc đời ông mất phần “thiên thời” mà chủ yếu nhờ vào nỗ lực bản thân. Ông có mệnh Vô Chính Diệu, tuy đắc cách cả bộ Tả Phù – Hữu Bật nhưng không có phụ tinh hay sát tinh hợp hành mệnh làm nòng cốt, cũng không có thể “đắc tam Không” nên vướng vào trường hợp: “Phi tần tắc yểu, tam vô tự” (nếu không nghèo tất yểu mệnh hoặc không có con trai). Trường hợp yểu mệnh của ông chính là vì thế. Điểm đặc sắc chính là cách: “Nhật Nguyệt chiếu hư không”: Sao Thái Dương ở Mão, Thái Âm ở Hợi chiếu lên mệnh ở cung Mùi, khiến ông trờ thành một tuyệt thế kỳ nhân, thông minh quán chúng, biết người và tỏ cả việc trời, dám đông đến thiên cơ. Cung an Thân ở cung Mão, có Thái Dương (thuộc Hoả), Thiên Lương (thuộc Mộc) mới chính là cốt cách của ông, là thiên chức của người đảm nhận phận sự phò tá dựng nghiệp cho các bậc Vương Đế. Nhưng vì là mệnh Mộc phải sinh Hoả (Thái Dương) nên sự nghiệp và danh vọng càng rực sáng thì tinh khí và thể chất của ông càng sớm hao mòn, khô kiệt. Bộ sao Bệnh, Thiên Hư, Tuế Phá đóng ở cung an Thân càng làm rõ thêm điều này.
Với cung Quan Lộc ở Hợi, có sao Thái Âm (Thuỷ) với người mệnh Mộc là tuyệt hảo, nên chức Thừa tướng với ông là chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng cung này có bộ Cô Thần – Quả Tú và Tang Môn, Phục Binh nênoong là người cô đơn trong các ý tưởng và mưu cơ siêu việt của mình, cũng hay bị xàm tấu, ganh ghét chống phá sau lưng. Sao Thiên Mã – tượng trưng cho tài năng, nghị lực được đóng chính cung Hợi (thuỷ Mã) mới thực là thần diệu: Nó không còn là “cùng đồ mã” (ngựa hết đường chạy) mà rất đắc dụng với người mệnh Mộc như ông. Cùng với sao Điếu Khách, Thanh Long ở mệnh, Hoá Quyền ở cung Tài (cung an Thân), sao Thiên Mã này giúp ông trở thành nhà hùng biện, thuyết khách với văn tài xuất chúng. Xét về vận, Đại vận 44 – 53 tuổi của ông ở cung Mão – hợp với mệnh Mộc nên ông được phần “địa lợi”, tiếc rằng mất phần “thiên thời” do tam hợp Hợi, Mão, Mùi (thuộc Mộc) bị phía đối nghịc là cung Dậu, trong tam hợp Kim (Tỵ, Dậu, Sửu) khắc chế rất nặng. Đến phần “nhân hoà”, về đại cục thì có thuận lợi, nhưng lũ bất tài và bọn tiểu nhân cũng nhiều (sao Bệnh, Tuế Phá, Thiên Hư, Địa Kiếp) mà người mang lá số “văn cách” như ông nhiều khi khó mà trị được cho đến nơi đến chốn.
Cuối đại vận này, biết mình yểu mệnh, vận số đã tận, ông thành tâm lập đàn “Nhương tinh cầu thọ” nhưng chịu thất bại, ngọn nến bản mệnh đã vụt tắt ở phút cuối. Phải chăng trong dặm dài chinh phạt thiên hạ, ông đã gây ra quá nhiều oán nghiệp: Từ trận Xích Bích hàng trăm vạn người máu chảy đầu rơi, thây trôi đầy dòng Trường Giang, đến các chuyến bình Nam đã tàn sát, đốt cháy quân Man; mưu đống hang Thượng Phương định thiêu chết ba cha con Tư Mã Ý và hàng vận quân nhưng trời mưa như trút nên họ Tư Mã thoát nạn… Thật là, khi một triều đại mà khí số đã tận, tức một người dẫu quảng bác, thần thông như quân sư Gia Cát Lương cũng chỉ kéo dài được một năm hữu hạn, chứ không thể vượt lên khỏi lẽ tối thượng cho cõi cao xanh. Vậy nên có câu rằng: “Cho hay thành bại ở đời, hơn nhau chỉ một chữ “thời” mà thôi!”
http://tuvisomenh.com/la-so-tu-vi-khong-minh


No comments:

Post a Comment